Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

BPSOS Kêu Gọi Hoa Kỳ Chế Tài Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động Việt Nam Theo Luật Leahy

 

Cảnh sát cơ động sau cuộc tấn công Làng Đồng Tâm, ngày 9 tháng 1, 2020 (ảnh từ Internet)

BPSOS KÊU GỌI HOA KỲ CHẾ TÀI BỘ TƯ LỆNH CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG VIỆT NAM THEO LUẬT LEAHY
Mạch Sống

BPSOS kêu gọi Hoa Kỳ chế tài Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động Việt Nam theo Luật Leahy

2024-04-07

  • Trừng phạt những đơn vị công an đằng sau các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng

Mạch Sống, ngày 6 tháng 4, 2024

http://machsongmedia.org

Tuần qua, tổ chức BPSOS đề nghị Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ áp dụng “Luật Leahy” lên Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động vì các hành vi đàn áp nhân quyền thô bạo, bao gồm giết người phi pháp, tra tấn, và các đối xử tàn độc, bất nhân và hạ nhân phẩm khác.

Luật Leahy được mệnh danh theo tác giả của nó là Thượng Nghị Sĩ Patrick Leahy (Dân Chủ, Vermont). Luật này cấm Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ viện trợ cho các đơn vị thuộc lực lượng an ninh của quốc gia có hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như: giết người phi pháp, bắt cóc hoặc thủ tiêu, hãm hiếp, tra tấn, v.v.

“Đơn vị cảnh sát cơ động trực thuộc Bộ Công An Việt Nam đã đàn áp thô bạo và đẫm máu nhiều cuộc biểu tình chống cướp đất, các cuộc biểu tình của nạn nhân Formosa, và các cuộc biểu tình chống Luật An Ninh Mạng và dự thảo Luật Đặc Khu Kinh Tế,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiểm Chủ Tịch BPSOS, giải thích.  

Theo Ông, Bộ Công An đã sử dụng lực lượng cảnh sát cơ động trong nhiều vụ cưỡng chiếm đất của người dân như cuộc tấn công vào Giáo Xứ Cồn Dầu năm 2010, vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng năm 2012, vụ  cưỡng chế khu du lịch sinh thái của các tín đồ Ân Đàn Đại Đạo ở Bia Sơn năm 2012, vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang năm 2014, và gần đây nhất là vụ trấn áp người dân biểu tình để bảo vệ hồ chứa Ta Hoét ở Lâm Đồng.


Pic1_-_04-06-2024.jpg

Hình 1 - Cảnh sát cơ động sau cuộc tấn công Làng Đồng Tâm, ngày 9 tháng 1, 2020 (ảnh từ Internet)

“Trường hợp nổi bật mà chúng tôi nhấn mạnh trong đề nghị chế tài là vụ tấn công Làng Đồng Tâm, Hà Nội ngày 9 tháng 1 năm 2020,” Ts. Thắng nói. “Trong cuộc tập kích ban đêm này, họ đã bắn chết vị lão làng 83 tuổi là cụ Lê Đình Kình và bắt đi 29 dân làng.”

Cuộc tấn công được Bộ Chị Huy Cảnh Sát Cơ Động lên kế hoạch từ trước, kế hoạch 419a/KHPV01-PV02-MP. Trung Tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động lúc bấy giờ, đã đích thân chỉ huy cuộc thao dợt cho 2 đơn vị mà 6 tuần sau đó là chủ lực tấn công Làng Đồng Tâm.

Theo lời của Bà Dư Thị Thành, vợ của cụ Kình, bà đã chứng kiến công an tại đồn công an Miếu Môn tra tấn con cháu và các người bị bắt, rồi ép họ phải ký giấy xác nhận là không bị tra tấn. Tại đây, chính bà Thành cũng bị đánh đập. Các phiên toà sau đó đã ban án tử hình cho một người con và một người cháu của cụ Kình, một người cháu khác bị án chung thân; cụ Bùi Viết Hiểu 78 tuổi bị 16 năm tù; còn lại là các án tù từ 15 tháng đến 16 năm.

Luật Cảnh Sát Cơ Động, được Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 14/06/2022 và hiệu lực ngày 01/01/2023, đã nới rộng quyền hạn của lực lượng vũ trang “đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an” này.

Để thực thi luật này, các tỉnh, thành đã thành lập lực lượng cảnh sát cơ động trừ bị mà mục tiêu chính là phòng, chống biểu tình.

Trung Tướng Phạm Quốc Cương, nay đã về hưu, đã từng có tên trong hồ sơ của BPSOS đề nghị chế tài theo luật Magnitsky Toàn Cầu của Hoa Kỳ vào tháng 9 năm ngoái cùng với Thượng Tá Đặng Việt Quảng là người đã hạ sát cụ Lê Đình Kình và Bộ Trưởng Tô Lâm là người đã phê duyệt kế hoạch tấn công Làng Đồng Tâm. Những người này, và một số quan chức Bộ Công An nữa, cũng nằm trong danh sách đề nghị chế tài với các chính quyền Anh Quốc và Liên Âu.

Khác với Luật Magnitsky, vốn áp dụng biện pháp chế tài lên cá nhân kẻ vi phạm, Luật Leahy nhắm vào các đơn vị, cơ quan nơi họ phục vu.

“Chúng tôi đang soạn hồ sơ để đề nghị chế tài theo Luật Leahy Cục An Ninh Kinh Tế của Bộ Công An vì vụ bắt cóc người ở Đức năm 2019 và cũng vì liên can đến cuộc tấn công Làng Đồng Tâm năm 2020,” Ts. Thắng cho biết.

Ông kêu gọi người Việt ở trong và ngoài nước tận dụng Luật Leahy để trừng phạt các đơn vị công an là thủ phạm của các vi phạm nhân quyền ngày càng thêm nghiêm trọng.   

Thông tin liên quan:

Nơi gửi thông tin đề nghị chế tài theo luật Leahy: https://hrgshr.state.gov/

Tóm lược về Luật Leahy: https://www.state.gov/key-topics-bureau-of-democracy-human-rights-and-labor/human-rights/leahy-law-fact-sheet/

BPSOS đề nghị chế tài 6 quan chức Bộ Công An về hành vi bắt cóc và giết người phi pháp và 2 giới chức VTV về đàn áp xuyên quốc gia

Mạch Sống 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét