Qua lối nhỏ vào nhà em
Muốn ghé vào thăm sợ ba má em buồn lòng
Lỡ hứa rồi anh biết làm sao đây
Để em mong suốt cả ngày nên buồn lắm…
Em cứ hỏi lòng tại sao
Mỗi lúc gặp nhau thì anh nói chuyện đường dài
Đêm trở về em khóc thầm trong tay
Nếu yêu nhau ai lỡ để buồn cho nhau…
Xin em hiểu giùm đời anh
Lênh đênh kiếp phong trần nổi trôi theo ngày tháng
Anh đâu có gì, Anh đâu có gì ngoài hai bàn tay trắng
Đành để buồn cho em …
Em có đòi hỏi gì đâu
Đã biết rằng anh bàn tay trắng đi vào đời
Ta chỉ cần hai đứa mình yêu nhau
Có em bên anh sẽ đẹp tình mai sau.
Ca khúc Nói Với Người Tình được nhạc sĩ Thăng Long cho ra đời trong một dịp ông dẫn ban nhạc “Hồ Gươm” xuống Sóc Trăng trình diễn, và trong chuyến đi đó ông đã làm quen được với một cô gái tên là Hoàng và sau đó cô ấy cũng là vợ của ông. Thời gian đầu thì gia đình bên vợ có vẻ không vừa ý lắm, vì thứ nhất ông hơn tuổi rất nhiều, và thứ hai thì thời đó người ta nghĩ rằng nghệ sĩ vốn phong trần bay bổng sẽ đa tình, có thể làm khổ con gái họ. Cho nên đôi lần hứa với cô Hoàng rằng nếu đi trình diễn ngang Sóc Trăng sẽ ghé thăm cô, nhưng khi đi ngang muốn vào thăm cảm thấy ngại lại thôi không ghé.
Tuy vậy, nhạc sĩ Thăng Long với tánh tình hiền hành, chân thành, không đa tình cũng như chẳng rượu chè nhậu nhẹt, đã dần chiếm được tình cảm của nhà vợ. Chỉ duy nhất một điều làm ông ngại ngùng, đó là thân phận của bản thân mình. Ông vốn mồ cô mẹ từ lúc mới sinh ra, đến 15 tuổi cha mất cũng bỏ quê xuôi vào nam tha hương kiếm sống. Cuộc sống khổ cực từ nhỏ và cuộc sống một mình ở xứ lạ không người thân ruột thịt vô tình đã tạo ra sự bị quan và nỗi côi cút trong lòng ông.
Tuy vậy, cả hai sau này đã nên duyên vợ chồng, cô Hoàng chấp nhận nhạc sĩ Thăng Long vì cô hiểu được tình yêu của mình với nhạc sĩ, cũng như cô tin rằng dù có cơ cực nhưng vì tình yêu cả hai sẽ vượt qua được tất cả. Tuy nhiên, cuộc sống sau ngày “đứt phim” đã rất cơ cực, ông Thăng Long cố gắng bám trụ lại Sài Gòn mưu sinh nghề sửa dù, được một thời gian thì vợ ông về quê trước để kiếm việc làm. Cũng vì thương nhớ vợ con mà vào khoảng giữa thập niên 90 ông cũng bán căn nhà nhỏ trong hẻm Lê Văn Duyệt để về quê ở cùng vợ con. Bà đã giữ trọn vẹn lời hứa với ông, dù cuộc sống về sau của hai vợ chồng cùng con cái cũng không khá giả gì, nhưng bà đã theo ông đến hết cuộc đời. Để rồi giờ đây, trong một nghĩa trang nhỏ gần đường lộ ở Sóc Trăng, có hai ngôi mộ nhỏ nằm cạnh nhau, đó là hai vợ chồng nhạc sĩ Thăng Long và cô Hoàng … Hai người giờ đây đã không còn muộn phiền cũng như mệt mỏi của cuộc đời nữa.
Thái Salem.
Ps: Cũng xin nói thêm, nhạc sĩ Thăng Long cũng vì hoàn cảnh thời còn nhỏ côi cút và phải đi tha hương sớm, cho nên thời gian đầu sáng tác thì chữ nghĩa của ông không được tốt, thường thì khi ông sáng tác ra phải nhờ hoặc mướn những người nhạc sĩ khác kẻ nhạc cũng như ghi lời giúp. Ca khúc này cũng không ngoại lệ ….. và Trúc Sơn ở đây chính là nhạc sĩ Hàn Châu, người đã giúp đỡ nhạc sĩ Thăng Long hoàn thành ca khúc này.
Nhạc Vàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét