Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Một Lần Đến Thăm Đền Các Vua Hùng Và Vùng Cực Bắc Của Đất Nước - Phần II

 

Cổng chính đi vào Đền Các Vua Hùng

MỘT LẦN ĐẾN THĂM ĐỀN CÁC VUA HÙNG VÀ VÙNG CỰC BẮC CỦA ĐẤT NƯỚC
Thầy Dương Anh Sơn

Phần II - THĂM VÙNG LŨNG CÚ Ở HÀ GIANG

Tiếp tục chuyến hành trình, sau khi dùng cơm trưa tại Phú Thọ, đoàn chúng tôi lại tiếp tục đi lên phía tây bắc để ghé Lũng Cú và Đồng Văn của Hà Giang. Đây là một tỉnh cực bắc của nước ta với vị trí phía bắc giáp các châu tự trị của các dân tộc Miêu, Choang của Trung Hoa. Tỉnh Hà Giang phía đông giáp Cao Bằng, nam giáp Tuyên Quang và tây giáp Yên Bái, Lào Cai. Huyện Đồng Văn là huyện có vùng Lũng Cú tiếp giáp biên cương với Trung Hoa.

Ngày thứ hai của chuyến hành trình, đoàn chúng tôi theo những con đường đèo "ngoạn mục" để đến vùng Lũng Cú và Đồng Văn. Dân Dalat chúng tôi rất quen thuộc với con đường đèo đi từ Phan Rang lên quận Đơn Dương với đường dốc quanh co và khung cảnh tuyệt đẹp từ trên đường đèo nhìn xuống vùng Ninh Sơn và Tháp Chàm của Phan Rang mà người Pháp đặt tên là Bellevue (ngoạn mục). Nhưng giờ đây, đi con đường đèo số 2 này mới thấy nhiều khúc cua rất ngặt đáng ngại nhưng bù lại, được nhìn núi non hùng vĩ trùng điệp và cao vút tỏa sương khói như những bức tranh thủy mặc (h.1)! Đồng thời phải cám ơn anh tài xế trẻ rất vững vàng tay lái nhất là những khúc quanh nguy hiểm và đường đi khá hẹp! 

Sương khói giăng khắp các núi đồi... (h. 1)

Sau khi dừng chân tại đèo Quản Bạ uống ly cà phê sáng, xe chúng tôi đổ đèo dừng lại thăm "dinh" của vua Mèo Vương Chí Sìn ở xã Sà Phìn (h. 2). Gọi là "dinh vua" nhưng kiến trúc bằng gỗ tốt nhìn đơn giản ngoại trừ cổng vào hơi bề thế. Bước vào bên trong căn nhà bề ngang khoảng 15m và sâu nhỉnh hơn một chút là gian thờ tổ tiên, tiếp theo là 4 dãy nhà hình vuông có lầu gỗ thấp nhìn nhau là nơi sinh hoạt của gia đình ông vua một cõi và một thời này! So với nhà của dân chúng chung quanh, nhà vua Mèo chỉ rộng hơn cho con cháu ở chứ chưa thấy phô bày cái giàu có cách biệt xa với người dân như nhiều người hiện nay! Lối chạm trỗ cũng bình thường chưa phải là xuất sắc cho lắm như các nhà xưa ở các vùng quanh Hà Nội hay Huế. Leo lên hai gác xây bằng đá phía sau là hai nơi canh gác cho "dinh vua" và có chỗ để đào thoát khi bị tấn công! Dòng tộc họ Vương chỉ mới được nhà nước trả lại căn nhà của cha ông mình chưa được bao lâu.

Cổng dính chung với tường nhà của "dinh vua Mèo" họ Vương 

Gian nhà gỗ hình vuông đơn sơ của vua Mèo

Cửa vòm bằng đá ở hai gác canh phía sau nhìn ra đồi núi của vua Mèo

Tiếp tục cuộc hành trình, xe đưa chúng tôi đến cột cờ Lũng Cú là một địa danh nổi tiếng năm 1979 khi biên giới nước ta bị bọn xâm lược phương Bắc tràn qua. Nơi đây được xem là "địa đầu giới tuyến" hay nói theo cách bây giờ là "trọng điểm" của cuộc tấn công do Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc khởi động để "dạy cho Việt Nam một bài học". Bọn họ vẫn nói như thế từ bao triều đại Trung Hoa từ xưa nay! Những năm 1979 cho đến những năm sau 1984, 85, 86 nơi Lũng Cú, Đồng Văn phải hứng chịu bao trận bom đạn của kẻ thù hung hăng. Có lẽ nhờ địa lợi với núi cao, vực sâu khắp nơi nên một phần nào góp phần ngăn cản bước tiến của quân thù.

1.- LŨNG CÚ

Khi chúng tôi ghé thăm vùng Lũng Cú, những dấu tích của những trận chiến của thời 1979, nơi chúng tôi ghé đến, không còn thấy rõ nét nữa. Có lẽ vẫn còn đâu đó trong những vùng đất kề sát biên giới. Hai mươi năm đi qua, những dấu tích chiến tranh cũng dần dà bị xóa đi trong công cuộc xây dựng cuộc sống. Vả lại những người dân tộc ở đây với những mái nhà đơn giản của tầng lớp nghèo nên chiến tranh có làm tan nhà nát cửa nhưng được tái thiết nhanh chóng. Ở miền Nam sau 1975 các vùng quê nghèo cũng thế.

Núi Lũng Cú với cột cờ cao xa xa

Sau khi dùng cơm ở Yên Minh, xế trưa, xe đưa đoàn chúng tôi đi đến một địa danh đã đi vào lịch sử từ năm 1979 khi quân Trung Quốc tràn sang xâm lấn. Dân vùng núi Lũng Cú gồm các tộc người Tày, Lô Lô, H'Mông, Mèo... v.v... Họ chuyên sống nghề làm ruộng nước bậc thang và làm nương rẫy. Người dân đây gọi Lũng Cú là nơi ở của rồng hay còn gọi là Long Cư hay Long Sơn trên đỉnh có cột mốc số 428 cách biên giới phương Bắc 3km. Từ xa, chúng tôi đã thấy một tháp cờ cao kiểu hoàng thành Hà Nội dựng trên đỉnh núi có nhiều ruộng lúa xanh ngát bao quanh. Đoàn chúng tôi bắt đầu di chuyển đến trạm chân núi Rồng để đi một đoạn dốc khá bằng đến bậc cấp bằng đá granit xanh đầu tiên leo lên đỉnh. Các vị U-80 và phụ nữ theo xe ôm đi lên con đường trải đá phía sau núi. Bước qua gần hết 425 bậc để đến chỗ nghỉ chân, ai nấy đều thở dốc kể cả đám trai trẻ tây ba lô cũng vậy! Nghỉ ngơi khoảng năm phút, chúng tôi lại leo tiếp thêm 279 bậc nữa đi lên chân cột cờ Lũng Cú. Các bậc cấp rộng và lối đi cũng thế nên người lên kẻ xuống rất thoải mái. Thêm một lần thở dốc nữa, chúng tôi đến trên mặt bằng chân đế của cột cờ. Từ độ cao 1470 m so với mặt biển này, nhìn ra xa xa đồi núi chập chùng sương khói với nhiều màu xanh thay đổi trông rất hấp dẫn và dậy lên nhiều cảm xúc nhất là góc nhìn về biên giới hai nước! Từ đây nhìn xuống bên dưới, chúng tôi thấy những đường đèo ngoằn nghèo hay hai chiếc ao khá lớn hai bên chân núi có các ruộng bậc thang phía trên với những màu xanh đa dạng.

Chân đế cột cờ hình bát giác được xây dựng mới trên 54 mét vuông. Ở đây họ cho biết việc dựng cột cờ làm mốc biên cương đã có từ thời nhà Lý. Các đời sau lại tu sửa tiếp theo. Năm 1887, Pháp làm đồn phía dưới chân núi và cho làm cột cờ bằng gỗ tốt có chiều cao như một thân cây. Năm 1978 rồi năm 2002 kỳ đài được trùng tu. Đến năm 2010, nhờ sự tài trợ, cột cờ Lũng Cú được làm mới hoàn toàn với tám bên có các biểu tượng trống đồng Ngọc Lũ cao 33, 15 m và cán cờ dựng trên đỉnh tháp cao 12, 9 m làm bằng inox khá dày. Các ông già tương đối còn khỏe trong đoàn leo thêm 140 bậc thang sắt hình xoáy trôn ốc trong lòng tháp đi lên chỗ dựng ngọn cờ. Từ bao lơn cao nhất của tháp nhìn phong cảnh chung quanh lại càng thú vị thêm với gió lộng và làn không khí mát dịu.

Trở lại bên dưới, chúng tôi bắt đầu đi xuống. Mấy ông già gân lại mạnh chân đi xuống các bậc cấp. Các cô và các anh gân yếu lại theo xe ôm đi xuống. Riêng tôi chọn con đường xe ôm chạy để đi bộ xuống tiện thăm thú và thong thả nhìn núi đồi. Đường trải nhựa tuy hẹp nhưng đi rất thoải mái. Gần đến chân núi, tôi thấy một nhà tưởng niệm ghi tên tuổi của các binh lính hy sinh thời 1979 chống Trung Quốc còn rất mới. Sự hy sinh của họ rất đáng trân trọng. Và càng đi thăm những miền đất vốn xa lạ với dân miền Nam, chúng tôi như cảm thấy  sự gần gũi hơn, thân thiết hơn với quê hương mình mà tiền nhân đã bỏ biết bao công sức gìn giữ. Rời nơi này lúc khoảng giữa chiều, chúng tôi lại đi thêm 45 km đường đèo đến thị trấn Đồng Văn của Hà Giang lúc xế chiều.

2.- ĐỒNG VĂN

Con đường quốc lộ số 2 với nhiều đường đèo quanh co nhưng tương đối tốt đưa đoàn chúng tôi đi trong cơn mưa chiều ghé và sẩm tối đến huyện Đồng Văn của Hà Giang. Đồng Văn là một vùng núi đá rộng lớn bao gồm nhiều huyện như Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, Quản Bạ với các dân tộc Tày, Lô Lô, Mông, Dao, Nùng, Việt... Những ngọn núi đá nhấp nhô với loại đá màu nâu sẫm bén sắc cùng với những làn sương khói sau cơn mưa tạo nên một vẻ đẹp kỳ ảo và quyến rũ. Tuy nhiên, bên dưới vẻ đẹp ấy, những người Tày, Mèo, H’Mông... phải vất vả đem đất thịt từ dưới leo lên các triền núi dốc cao bỏ đất vào từng hốc đá để dăm các hạt giống bắp. Hầu như các triền núi đá đen nâu bén sắc ấy đều được họ tận dụng để trồng bắp theo cách này. Thu hoạch xong, những cơn mưa lớn lại làm trôi đất vì không có rễ bắp bám vào. Chắc chắn rằng mỗi mùa thu hoạch bắp họ phải leo bao nhiêu triền núi đem xuống không phải là việc dễ dàng. Cứ thế, đời này sang đời khác cuộc sống của họ vẫn nằm trong cách sống vất vả như thế.

Bữa cơm của các quán ăn vùng người dân tộc đều có menu giống nhau: dĩa rau rừng hay rau trồng, dĩa cá sông ,cá suối chiên, dĩa đậu hủ kho, canh rau và nhất là luôn có món gà luộc hoặc xào gừng hay nướng than. Ăn ngon hay dở tuỳ người nấu nhưng các món ăn đều giống nhau. Nhưng chiều nay theo yêu cầu, bà chủ quán cũng với những món ăn như thế nhưng nấu nướng tươm tất hơn và đặc biệt có vịt chiên giòn thay cho gà luộc! Rau ăn rất ngon và bao giờ cũng có dĩa muối có nhiều ớt để chấm. Người vùng núi có lẽ ít dùng nước mắm và quen ăn mặn với muối giống như người K'hor hay Ra đê ở cao nguyên Lâm Viên trong Nam...

Núi non Đồng Văn với những triền núi trồng bắp trong hốc đá

Mẹ lên nương, em bé người Tày giữ em.....

Thị trấn Đồng Văn gồm mấy chục dãy nhà nằm trong một thung lũng nhỏ. Nơi đây có một khu Phố Cổ làm cách đây khoảng một trăm năm từ thời Pháp thuộc. Kiểu dáng nhiều nhà của khu phố này tựa như phố cổ Hội An. Một quảng trường nhỏ nay là phố bán cà phê cho khách du lịch và các đường nhỏ chung quanh.Theo lời cô chủ, hương vị cà phê nơi đây y như ở Sài Gòn vì lấy trong Nam ra. Nhưng khá thú vị khi ngồi uống trong buổi sớm mai sương khói còn giăng khắp các dãy núi đá vôi và đá như đá của núi lửa tạo nên nặng và chắc.

Một trong vài dãy Phố Cổ của thị trấn Đồng Văn

Sau khi nghe anh hướng dẫn viên du lịch của công ty Thế Hệ Trẻ nói qua về Phố Cổ rồi hướng dẫn chúng tôi thăm một con đường trong thị trấn có nhiều nhà xưa làm cả trăm năm nay của người Tày hay Lô Lô. Gần làng có các cây to với am thờ thần đất hay thần nước nhìn ra các ruộng lúa nước. Trở lại con đường gần Phố Cổ, sáu người ghé chợ thăm thú, còn năm người còn lại trong bọn chúng tôi được anh hướng dẫn viên dẫn đi theo con đường lót xi măng càng lên càng dốc đến lô cốt xưa từ thời Pháp.

Có lẽ với sức trẻ, chuyện đi lên theo đường dốc núi dẫu mệt nhưng cũng dễ dàng. Nhưng dầu phải dừng nghỉ vài chỗ, năm người có tuổi chúng tôi vẫn đi đến đỉnh núi có cái lô cốt từ thời Pháp thuộc, trừ một anh bạn U-60 hơi mệt phải ngồi đợi dọc đường ! Ước chừng chiều cao của ngọn núi này cũng xấp xỉ tháp cờ Lũng Cú. Tháp canh này nằm giữa các ngọn núi cao phía sau lưng, còn mặt trước nhìn xuống thị trấn Đồng Văn (h. 1). Những ngọn núi đá vôi và đá kiểu của núi lửa cao nhọn là thành lũy kiên cố ngăn cản hiệu quả sự tấn công của bộ binh hay xe tăng vào năm 1979. Nhưng hai chục năm sau, kẻ thù phương Bắc giàu có lên đã dư dã sắm nhiều hỏa tiễn, làm nhiều máy bay và một đống tàu chiến... đe dọa và có thể xâm chiếm nước ta dễ dàng!. Lúc sáng sớm trước khi uống cà phê và leo lên núi này, tôi dậy sớm lang thang cùng người em một anh trong đoàn, tôi có hỏi một anh thanh niên người Tày:

- Chào em, cuộc sống ở đây em thích gì nhất?
- Dạ em thích bóng đá, thích cổ vũ khi đội tuyển đá banh nước mình đoạt thắng lợi.
- Thế em sống sát bên Trung Quốc không sợ bọn nó hay sao vì nó cũng từng đánh chiếm Đồng Văn?

Em cười và trả lời rất dứt khoát:

- Nếu nó lại xâm lấn, tụi em sẵn sàng cầm súng chống trả bọn chúng!

Không biết rằng em sẽ chống trả quân thù lớn mạnh bằng phương cách gì tốt hơn nhưng tôi nghe em thanh niên này nói hăng say mà thỏa lòng!

Từ tháp canh ở đỉnh núi cao nhìn xuống thị trấn Đồng Văn (h. 1)

Một góc nhìn thị trấn Đồng Văn từ con đường lên tháp canh nhìn xuống (h. 1a)

Có thể nói núi non sông suối ở các vùng cực Bắc của đất nước và người dân bản địa đã góp phần đáng kể ngăn chặn kẻ thù phương Bắc từ hai ngàn năm nay (h. 2). Khi tiến qua đánh nước ta, chúng phải chọn con đường biển phía Quảng Ninh hay cửa ải hẹp Chi Lăng phía đông bắc nhưng không phải lúc nào cũng êm xuôi! Nếu chúng tiến đánh những vùng cao nguyên đá như Đồng Văn này sẽ khó tiến quân về vùng xuôi với rất nhiều đường đèo hiểm trở tựa vào núi cao mai phục bọn chúng!

Núi non hiểm trở quanh vùng Đồng Văn (h. 2)

Chuyến theo con dốc dài đi lên phải toát mồ hôi nhưng chuyến trở xuống gió thổi nhẹ nhàng do bước chân đi được nghỉ ngơi nên cũng khỏe khoắn nhiều. Chúng tôi trở về khách sạn trả phòng và chuyển hành lý lên xe khởi hành theo đường đèo Mã Pí Lèng đi đến huyện Bắc Mê nghỉ đêm để sáng mai đi thuyền trên sông Gâm.

Dương Anh Sơn

(Xin mời quý vị đón xem Phần III)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét