GỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài MÙA THU BAY ĐI, tác giả Quang Đặng. Chị là một trong những cây viết "chủ lực" của NHHN. Với cách hành văn nhẹ nhàng, chân thực, tác giả đưa thầy trò chúng ta trở về với những kỷ niệm êm đẹp khó quên của mùa Tết Trung Thu thời thơ trẻ thanh bình, an lạc.
Xin mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị thưởng thức. Xin cám ơn đồng môn Quang Đặng.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Hồi nhỏ tôi rất mê Tết Nguyên Đán và Trung Thu. Tết
Nguyên Đán khỏi phải nói, cây nêu nhà ông ngoại chưa kịp hạ xuống đã mơ màng đến
Tết năm sau. Tết Trung Thu thì giấc mơ ngắn hơn, lên tới lớp sáu sự tích “chị Hằng,
chú Cuội” bắt đầu mờ dần đi trong tâm tưởng. Nhưng vùng ký ức của hai cái Tết
khó có thể so sánh độ nông sâu. Xuân rực rỡ hay thu nhè nhẹ đều là những mùa
vàng của tuổi ấu thơ.
Gần đây có tấm ảnh trường Nữ Tiểu Học Tuy Hòa thế kỷ
trước được tung lên mạng. Ngay lập tức trái tim của nhiều người từng học ngôi
trường ấy thổn thức trong đó có tôi. Không rõ ảnh chụp năm nào, niên khóa mấy
nhưng tôi biết chính xác các học sinh đang sắp hàng trước cột cờ, đối diện với
phòng học lớp nhất B của tôi. Trên nền ảnh mờ mờ cũ, tôi còn thấy rõ mấy tấm
phên che nắng phía trước, cửa sổ có cây chống tấm lợp che mưa bên hông và ngọn
tháp Chàm lẻ loi trên núi Nhạn sẫm màu. Một chi tiết đáng chú ý nữa là bên cạnh
màu trắng của những bộ đồng phục còn xen lẫn màu đỏ của những chiếc lồng đèn, nếu
zoom lớn có cái còn thấy cả ngôi sao năm cánh. Và cho dù không đoán được thời
khắc chụp sáng hay chiều, tôi cho rằng tấm ảnh được chụp vào dịp Tết Trung Thu.
Bởi lẽ cũng sân trường ấy, cũng bộ đồ trắng lồng đèn cầm tay, tôi đã từng là cô
học trò nhỏ trong tấm ảnh.
Trường Nữ Tiểu Học Tuy Hòa - Đón Tết Trung Thu
Tháng chín tựu trường cũng là những ngày thị xã chớm
thu. Trời thôi nắng gắt, thỉnh thoảng ui ui và mát. Nhiều hôm đầu trần đi học sớm,
tụm năm tụm ba chơi búng dây thun trước cổng, đợi đến lúc trống trường giục giã
mới ôm cặp chạy u vào lớp. Đi học chưa được một tháng, giờ ra chơi bọn con gái lớp
tôi bỏ cả mấy trò u quạ, nhảy dây, năm mười rôm rả bàn tán chuyện thi lồng đèn.
Vào khoảng thập niên 60 lồng đèn Sài Gòn đủ kiểu như lồng đèn kéo quân, lồng
đèn con thỏ, con cá, con rồng, bươm bướm, tàu thủy… đã bày bán ở những tiệm bánh
trên Ngã Năm như Phú Thạnh, Vạn Tường. Nhưng năm nào đề tài thủ công Trung Thu cũng
chỉ xoay quanh lồng đèn ngôi sao và bánh ú vì hai kiểu lồng đèn đơn giản này
phù hợp với trình độ của học sinh tiểu học.
Hồi đó học sinh tiểu học chúng tôi chỉ đi học ngày một
buổi. Buổi còn lại tha hồ rong chơi. Đầu tháng tám ÂL, buổi nào nghỉ phải ở nhà
làm lồng đèn nộp cho cô giáo. Nói làm cho có vẻ oai chứ thật ra đứa nào cũng phải
nhờ đến các anh chị lớn trong nhà (hồi trước gia đình nào chẳng đông con). Quả
thật việc đi xin một cây tre rồi vác về, chẻ chẻ, vót vót, uốn khung, cột dây kẽm,
khuấy hồ, phất giấy bóng kiếng làm gì tới tay mấy đứa con nít chín, mười tuổi được.
Thành thử bọn nhóc chỉ có nước lăng xăng, được sai những việc lặt vặt như rót
nước, lấy đòn ngồi chẳng hạn. Đến tận giờ tôi vẫn chưa quên hình ảnh của mình,
một con bé lên mười tay chống cằm, mắt mở to thích thú theo dõi các công đoạn từ
lúc còn là một thanh tre cho đến khi thành những chiếc lồng đèn xinh xắn. Cái đẹp
nhất sau đó được cất lên nóc tủ chờ ngày đem tới trường chấm điểm, mấy cái còn
lại dành cho những cuộc vui trong xóm.
Trước Trung Thu độ một tuần, mỗi buổi tối sau khi bọn
nhóc học bài xong, phố chợ đường Bùi Nguyên Ngãi của tôi vui hết biết. Tiếng trống
lân rộn ràng, tiếng lách cách vui tai của mấy cái lồng đèn làm bằng lon sữa bò
của bọn con trai, tiếng hát “Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi…” của đám con
gái cầm lồng đèn đi thành hàng dài vang vang góc phố. Trên đầu là mảnh trăng
non, bên dưới là ánh sáng lung linh của những chiếc lồng đèn, trước sân nhà người
lớn ngồi uống trà, chuyện trò bên dĩa bánh Trung Thu, tất cả tạo nên một khung
cảnh êm đềm và thanh bình hiếm thấy. Bây giờ nếu nói có ai hỏi thiên đường ở
đâu, tôi sẽ không ngần ngại bảo những đêm trăng thu nơi phố nhỏ thuở ấy là
thiên đường.
Nhưng vui nhất là những ngày cận Tết Trung Thu. Sân
trường cách đây mấy mươi năm được tái hiện y hệt như trong tấm ảnh. Cỡ năm giờ
chiều ngày 14 hay rằm là học sinh các trường tiểu học trong thị xã như Nữ Tiểu
Học, Nam Tiểu Học, Quân Dân Chính…mặc đồng phục, tay cầm lồng đèn náo nức tề tựu
về sân vận động ở đường Nguyễn Huệ. Khi màn đêm buông xuống là lúc lễ rước đèn
bắt đầu. Tôi vẫn nhớ như in những mùa Trung Thu hạnh phúc đó. Đêm thu huyền diệu
biết bao! Ánh sáng huyền ảo tỏa ra từ hàng ngàn chiếc lồng đèn tạo thành một luồng
sáng di động kéo dài suốt trên đường Trần Hưng Đạo. Chúng tôi xếp thành hai
hàng, vừa đi vừa hát vang những bài hát quen thuộc như Rước Đèn Tháng Tám, Thằng
Cuội…Buổi rước đèn thường chỉ loanh quanh vài con đường chính trong thị xã nhỏ
như bàn tay mà vui không sao kể xiết. Rồi khi trăng lên cao các cô cậu học trò
nhỏ ai về nhà nấy mang theo những kỷ niệm đẹp vào giấc mơ của mình.
Trường Nữ Tiểu Học Tuy Hòa - 1962
Giờ thì cái ăn cái mặc không còn là nỗi bận tâm hàng
đầu, tuy vậy người nghèo vẫn nghèo, báo đăng trẻ con nơi vùng sâu vùng xa có đứa bảy,
tám tuổi chưa biết hình dáng cái lồng đèn, cái bánh Trung Thu tròn méo như thế
nào. Còn Trung Thu với trẻ con ở thành phố nhất là Sài Gòn thì quá đủ đầy thậm
chí là thừa mứa. Chưa đến rằm tháng Bảy lồng đèn ngoại nhập, lồng đèn nội đã
tràn ngập, nhìn hoa cả mắt trên những con phố ở Chợ Lớn. Những tấm bảng đại hạ
giá “bánh Trung Thu mua hai tặng một” thậm chí tặng ba thi nhau xuống đường từ
đầu tháng tám ÂL. Nhà cao tầng chen chúc mọc lên che khuất cả ánh trăng, “chú
Cuội, chị Hằng” sao có thể hấp dẫn bằng game online, iphone, ipad và những trò
chơi hiện đại. Đường phố thì bụi bặm, chật hẹp, giao thông mất trật tự người đi
bộ phải đi xuống lòng đường hỏi còn chỗ nào cho các em rước đèn, múa lân. Nếp sống
thực dụng của người lớn cứ thế bày bừa làm nghèo đi giấc mộng con trẻ, quên rằng
vui chơi lành mạnh cũng là một nhu cầu thiết yếu của giáo dục. Nhìn đám con nít
hàng xóm Trung Thu năm nào cũng lẩn quẩn với mấy cái lồng đèn trong con hẻm nhỏ
thấy mà thương! Tuổi thơ của chúng tôi và con nít bây giờ ai hạnh phúc hơn ai?
Nhiều mùa thu qua đi, biết bao Trung Thu đến rồi đi
trong hững hờ. Ấy vậy “Hàng năm cứ vào cuối
thu, lá ngoài đường rụng nhiều…”* thì hình ảnh ngôi trường Nữ tiểu học, mùa
tựu trường và những đêm rước đèn tuổi nhỏ luôn là nỗi nhớ khôn nguôi. Thỉnh thoảng
có dịp ghé Chợ Lớn vào dịp Trung Thu. Dừng xe trước mấy cửa hàng bán trống, bán
lân, ông Địa ở đường Triệu Quang Phục hay bắt gặp ánh mắt trẻ thơ dán chặt vào
mấy chiếc lồng đèn trên đường Lương Nhữ Học lại cảm thấy bồi hồi. Không biết thứ
cảm xúc nào đang lẫn lộn trong tôi. Nhớ một tuổi thơ quá đẹp hay tiếc cho những
mùa thu không bao giờ trở lại.
*Thanh Tịnh
QUANG ĐẶNG (Tháng 9/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét