Suốt 45 năm hoạt động, từ 1930, nổi trôi theo vận nước,
để rồi sau một biến cố, Hướng Ðạo Việt Nam bị ngưng hoạt động ở quê nhà.
1975. Trong một giai đoạn lịch sử của đất nước, một bước ngoặc mới, một khúc quanh
lịch sử nữa cho phong trào Hướng Ðạo Việt Nam , làm HÐ trên xứ người.
“Anh là người di
tản bảy lăm, tôi cũng là một gã thuyền nhân...” (lời nhạc trong bài Thuyền
Nhân Tâm Khúc của Nguyễn Cung Thánh). Trong những đoàn di dân, lưu lạc, có nhiều
người “trót mang dòng máu Hướng Ðạo”, đã một lần cài hoa Bách Hợp lên tim, làm
sao mà quên được? những tháng ngày đầy kỷ niệm trên quê hương, những đêm lửa trại,
những chuyện tình bách hợp dưới những ngọn lửa hồng giữa rừng xanh hay trong những
cuộc quây quần dưới ánh trăng nơi đồng nội... Tìm lại nhau trong trại tị nạn,
nơi đệ tam quốc gia, phong trào HÐVN thực sự được tiếp nối bởi những trái tim
còn chưa phai mùi “sắp sẵn”. Hồn Việt tại Nam Dương, Ra Khơi ở Phi Luật
Tân,..., và còn nhiều nữa là những trạm dừng chân cho Bách Hợp Việt Nam, rồi từ
đó vươn lên.
Hãy sống thật lòng với hình ảnh của quê hương trên xứ
người, mới nghe qua thấy sao là lạ, nhưng rồi cũng quen đi, có khác chi đâu làm
HÐVN trên đất Mỹ, quê Tây. Mới đó mà đã tới những mấy mươi năm, bao khó khăn
cũng vượt qua, HÐVN thực sự bước lên những bước tiến rất đáng tự hào, niềm tự
hào này thực sự đã bắt đầu từ Thiếu Ðoàn Lê Lợi của Sếu Siêng Năng Trần Văn Khắc
ra đời năm 1930 tại xứ Ngàn Năm Văn Vật (Hà Nội), niềm tự hào được tiếp nối vào
năm 1957, khi mà Hướng Ðạo Thế Giới tiếp nhận thành viên thứ 75 của phong trào,
và sẽ còn mãi mãi, nhiều lần tiếp nối như thế nữa.
Nữ Hướng Đạo Sinh
Mấy mươi năm qua cùng anh, cùng chị, cùng tất cả, mình
vẫn bên nhau, “...người Việt Nam
hôm nay chỉ còn dư nơi đây những trái tim trong ngực đầy...”. (lời nhạc
trong bài Ðám Ma Văn Hóa của Hà Thúc Sinh), nhờ thế mà mình vẫn sống, phong
trào HÐVN vẫn tồn tại (mặc dù không còn Hội). Tuy danh từ hành chánh Hội HÐVN
không còn nữa nhưng ai dám bảo rằng phong trào HÐVN đã chết? Tinh thần HÐVN đã
tắt lịm? Chúng ta sẽ không đến nỗi ngu khờ để mà lầm lẫn cho rằng thủ tục hành
chánh và tinh thần HÐ sẽ giống nhau?
Ðá đã mềm trên đường đi của đoàn người di tản 1975, có
người mang theo được chiếc áo HÐ và nhiều người luôn canh cánh bên lòng chữ SẮP
SẴN, những toán HÐVN của trời Đức, trời Tây, trời Mỹ, trời Úc... loáng thoáng
trên đất người ta.
Ðá đã mềm cho bộ nhân, thuyền nhân từ quê hương đi về
đất Thái, đất Phi và đất Mã..., trong những túp lều tranh, xung quanh những căn
nhà tị nạn nho nhỏ, thiếu thốn tiện nghi, người ta bắt đầu nghe tiếng “hướng đạo
sinh sắp... sẵn”.
Ðá đã mềm trên những đường đi của những thành phố mang
tên xa lạ của Mỹ, của Pháp, của Hòa Lan, của Ðức quốc, người ta thấy thấp thoáng
những người Việt Nam mang trên ngực áo, phía trái tim, một đóa hoa ba cánh màu
hy vọng.
Ðá đã mềm trên đường về Costa Mesa (1983), khi Hội Ðồng
Trung Ương HÐVN ra đời, khi những cánh chim lạc bầy tìm được về một vùng nắng ấm
để cùng cất tiếng hót yêu người, yêu đời Hướng Ðạo.
Nam Hướng Đạo Sinh
Ðá đang mềm trong đoạn đường ngày nay, sau bao nhiêu năm,
không ai ngờ, với hàng ngàn bước chân của anh chị em HÐVN cùng cất tiếng ca “HÐVN đuốc thiêng soi đường, HÐVN khó khăn
coi thường…” trên khắp các nẻo đường của thế giới.
Ðá sẽ mềm trong đoạn đường của những bao năm tới, sẽ
có hàng triệu bước chân HÐVN ngay trên đường quê hương để hát“... cho xã hội rạng ngời, chúng ta một lời...”hòa
với lời ca thanh bình của đất nước.
Chân đã cứng
thì đá phải mềm, đường di tản, đường
bộ, đường biển, đường lưu vong, đường Việt Nam, đường thế giới, những đoạn đường
với những bước chân qua trong bao thập kỷ, tinh thần Hướng Ðạo Việt Nam đã chứng
minh được điều này. Và đường tương lai chân vẫn cứng...
Trần Hoàng Phước Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét