Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Tình Yêu Của Tôi (Tiếp Theo)

GIỚI THIỆU
Kính thưa quý Thầy, Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Vào dịp lễ Valentine 14-2 vừa qua, NHHN đã giới thiệu bài Tình Yêu Của Tôi của Hoàng Thanh Phước. Được rất nhiều độc giả vào xem và yêu cầu viết thêm. Tác giả đã đáp ứng lời yêu cầu này. Xin mời quý thầy cô và các bạn đọc tiếp TÌNH YÊU CỦA TÔI phần 2. Xin cám ơn đồng môn Hoàng Thanh Phước chia sẻ.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN


Kỷ niệm 40 năm thành hôn

(tiếp theo kỳ trước)

Kính thưa quí vị - Lời đầu tiên cho tôi xin chân thành cám ơn đến quí thầy cô, quí anh chị đồng môn và bạn bè thân hữu đã yêu thương tôi ghé vào trang nhà like và rất nhiều người đọc bài "Tình Yêu Của Tôi". Đây là phần thưởng quí giá nhất mà tôi hân hạnh và vui mừng được đón nhận từ tấm lòng của quí vị.

Sở dĩ bài Tình Yêu Của Tôi "ra đời" trong dịp lễ Valentine, thứ nhứt diễn đàn NHHN ít bài viết, thứ hai tôi cũng muốn thử tài cống hiến chút niềm vui đến quí vị trong ngày lễ Tình Yêu này.

Chuyện của tôi hoàn toàn sự thật 100%, hồi đó tuổi còn nhỏ nên có nhiều cái ngây ngô, ngồ ngộ để quí vị cười cho vui. Có gì không thuận ý xin quí vị bỏ qua đừng có "ngầy" tôi tội nghiệp lắm.

"Chuyện tình của tôi" phải đổ rất nhiều nước mắt, có thể gần giống như chuyện tình Romeo và Juliet, Love Story hay tiểu thuyết đẫm lệ của nữ sĩ Quỳnh Dao, Tùng Lâm ngày xưa (cho phép tôi "nổ" một tí).

Hôm đó vì quá vội sợ trễ dịp Valentine nên viết ngắn gọn, còn thiếu sót nhiều lắm quí vị ạ. Bây giờ xin cho tôi kể tiếp hầu để quí vị nghe.

Thánh lễ Tạ Ơn - Kỷ niệm 50 năm hôn phối

Ngày đó cũng không phải dễ dàng gì ba mẹ anh chịu "đầu hàng vô điều kiện" cử hành lễ đặt trầu (đính hôn) cho chúng tôi đâu. Sau này nghe anh kể lại anh có viết một lá thư dài 10 trang giấy (5 tờ) gởi ba mẹ anh "duyệt xét" may ra có "thông cảm sự tình" mà chấp nhận cho chúng tôi tiếp tục quen nhau hay không. Vì thế nên trước khi được chấp thuận tôi được gọi đến "phỏng vấn" một lần nữa. Lần này cũng không kém phần quan trọng. Ba mẹ anh nói một cách rất cương quyết gần như mệnh lệnh rằng:

- Hai bác chấp thuận cho hai con quen biết tìm hiểu nhau qua lễ đính hôn. Chờ anh học thành tài mới cử hành lễ cưới. Trong thời gian chờ đợi này các con chỉ được gặp nhau mỗi tháng 2 lần, còn phải dành thời gian để học hành.

Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ câu sau cùng ba anh dặn dò:

- Từ sau lễ đính hôn cho đến lễ hôn phối chưa biết bao lâu, có thể 4 hay 5 năm. Trong thời gian này nếu có trở ngại gì là do hai con chứ không phải hai bác.

Chúng tôi vâng dạ để ba mẹ anh yên lòng và rồi lễ đính hôn được cử hành chỉ hai bên gia đình và một số người hàng xóm bạn của mẹ tôi. Lúc bấy giờ anh 19 và tôi 16 tuổi. Anh vẫn tiếp tục đi học ở trường Nguyễn Huệ, ba mẹ anh khuyến khích tôi đi học lại ở trường tư nhưng tôi cảm thấy không học được nữa vì tâm trí tôi, trái tim tôi luôn có hình bóng anh xâm chiếm ngự trị, làm sao học được nữa đây?! Nói nhỏ thôi, thực tình là tôi cũng vừa dốt vừa lười nữa quí vị ạ.

Lễ Kim Khánh (Kỷ niệm 50 năm thành hôn)

Có lần mẹ anh gọi tôi đến nhà nói:

- Nếu con không tiếp tục theo đuổi sự học nữa thì con cũng nên chọn nghề nào đó mà con cảm thấy thích hợp, vừa giết thời gian vừa tạo cho mình có một ngành nghề hữu ích cho bản thân mai sau. 

Tôi dạ dạ, vâng vâng rồi về thưa lại với mẹ tôi. Mẹ tôi cũng đồng ý như thế và bảo tôi:

- Tánh mi làm chi cũng mau chán, suy nghĩ cho kỹ rồi cho mạ biết để mạ liệu. 

Thật tình tôi được mẹ cưng chiều từ bé vì tôi là con út (thứ 13) nên mặc dù đã lớn nhưng vẫn còn ham chơi, có nghĩ đến tương lai sự nghiệp gì đâu. Mọi chuyện trong ngoài đã có mẹ lo toan hết cả rồi. Thế nhưng tôi cũng thưa với mẹ là tôi muốn học nghề nữ hộ sinh. Tôi thấy y tá mặc áo choàng trắng hay hay, oai oai; đẹp làm sao!. Tôi cũng thích em bé, trẻ con (vì tôi không có em) nên chọn nghề nữ hộ sinh.

Mẹ tôi đưa tôi đến bảo sanh viện bà quận Nhã xin cho tôi "thọ giáo" ở đây. Học được chừng nửa năm đã biết chích thuốc, chăm sóc bệnh nhân v.v... nhưng làm cô mụ thì tôi chưa... làm được vì tôi... nhát quá. Thấy sản phụ quằn quại, rên la trước khi lâm bồn tôi đã run sợ thất kinh hồn vía còn tinh thần đâu nữa mà tiếp thu. Cũng vì phải thức đêm liên tục (sản phụ thường sanh vào ban đêm) nên tôi bị... bệnh tim đột ngột, gầy ốm xanh xao. Thế là phải gián đoạn học nghề hộ sinh và lại phải "khăn gói quả mướp" ra Qui Nhơn để chị tôi đưa đi bác sĩ chuyên khoa trị bệnh.

Tôi còn nhớ rất rõ chị tôi và một người bạn cũng là háng xóm đưa tôi và một cô gái nhỏ hơn tôi chừng vài tuổi tên Bích đến bác sĩ khám và chụp hình tim, họ cho cả chị tôi vào phòng xem nữa. Đèn tắt tối thui, tôi không nhớ bao nhiêu phút thì đèn bật sáng trở lại. Cô Bích cũng được làm y như tôi vậy. Trước khi ra về tôi nghe bác sĩ nói với chị là tôi không phải bệnh tim, chỉ vì quá hồi hộp lo sợ nên tim bị yếu thôi, nghỉ ngơi thời gian sẽ khỏe, không cần uống thuốc. Còn Bích thì tim hơi bị lớn phải uống thuốc mỗi ngày. Khoảng một năm sau tôi nghe tin Bích đã qua đời vì bệnh tim, thật tội nghiệp cho Bích tuổi còn quá trẻ chưa biết được "màu hồng" của cuộc đời đã vội vã ra đi. Chuyện đã quá lâu rồi nhưng tôi vẫn không quên dáng dấp, nụ cười của cô ấy.

Mừng Kim Khánh

Chuyện học nghề phải lật sang trang khác, sau khi nghỉ ngơi vài tháng khỏe lại, anh đưa tôi về thăm nhà. Tôi thưa với mẹ anh:

- Thưa mẹ hay là con thử đi học nghề may được không mẹ, nhà mình đông em sau này may đồ cho các em cũng tiện lợi mẹ ạ. 

Mẹ anh nghe cũng có lý nên nói ngay:

- Cũng đúng đó con, mẹ sẽ lo việc này cho con đừng bận tâm (ý mẹ anh muốn nói đến tiền đóng học phí).

Một lần nữa tôi lại "xuống núi" tu học nghề may tại tiệm Diễm Trang của ông bà Năm Châu là thân sinh của anh Võ Minh Vinh và chị Võ Minh Vui. Nhân đây tôi cũng xin chân thành cám ơn ông bà Năm Châu chủ nhân tiệm may Diễm Trang. Cảm ơn mẹ chồng của tôi đã đài thọ cho tôi hoàn tất nghề may. Điều quan trọng là cũng nhờ nghề may này mà sau ngày mất nước 30/4/75 tôi đã nuôi được đàn con thơ 5 đứa và thăm nuôi chồng suốt 8 năm trời trong trại cải tạo.

Hồi đó tôi thần tượng anh, thán phục anh về những "tài mọn" mà anh đạt được trong khuôn viên trường Nguyễn Huệ về các môn thể thao, điền kinh, bơi lội và quyền cước... Môn nào anh cũng được điểm cao. Có lần vào một buổi chiều anh đưa tôi xuống biển hóng mát, đột nhiên anh nói:

- Em ngồi đây đừng đi đâu nhé, tí nữa anh sẽ trở lại. 

Thế là chàng ta chạy nhanh xuống biển bơi thẳng ra xa hình như có ý khoe cho tôi biết tài bơi lội của anh. Tôi ngồi trên bờ dõi mắt trông theo, càng lúc càng xa đến khi mất hút, tôi không còn thấy đốm đen di chuyển nữa, tôi hoảng sợ lo lắng vô cùng. Tôi cảm thấy hối hận sao không dặn dò anh đừng bơi ra xa. Quí vị có còn nhớ không, hồi đó biển Tuy Hòa mình thường có người chết đuối lắm.

Tôi ngồi mà nghe tim đánh thình thịch, nước mắt trào ra chỉ lo có chuyện chẳng lành. Đang lúc "giận thì giận mà thương thì thương"... thì anh đến từ phía sau lưng cố ý cho tôi ngạc nhiên. Có lẽ anh thấy tôi buồn ra mặt nên nói một câu an ủi:

- Đừng lo, số  anh có phước mà (Phước là tên của tôi).

Bạn hữu chung vui

Cũng có lúc tôi tự hỏi - sao anh lại chọn tôi nhỉ? trong khi có nhiều cô gái xinh đẹp mỹ miều, con ông nọ bà kia, gia đình "môn đăng hộ đối" muốn kết bạn với anh mà anh không chọn. Anh là con nhà "quyền thế" trong khi nhà tôi "mẹ góa con côi", anh lại chọn để rồi cùng chung số phận... nghèo.

Tôi còn nhớ 2 câu trong bài thơ Ngập Ngừng của Hồ Dzếnh:

"Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở"

Chúng tôi đã vẹn câu thề và mãi vui khi những đứa con thơ ra đời. Cứ như thế theo dòng đời trôi mãi, nước lớn nước ròng, khi đục khi trong, lên thác xuống ghềnh. Gia đình bé nhỏ của chúng tôi gồm bảy người, cha mẹ và năm người con, bốn trai, một gái dìu dắt đùm bọc nhau trên mọi bước đường.

Ngày 30/4/1975, anh 32 tuổi và tôi 29 tuổi, chúng tôi chưa kịp "giầu" thì nước mất nhà tan. Mộng vàng sụp đổ.

Thương anh chí lớn không thành...

Đã là chí nam nhi, đầu đội trời chân đạp đất, không một chàng trai nào là không mang trong lòng những hoài bão, những ước mơ... Anh cũng không ngoại lệ, chỉ tiếc rằng tôi, một người vợ yếu đuối vụng về, thiếu đảm đang nên không giúp được gì cho anh để ước mơ của anh được chấp cánh bay cao... cho nên ở anh rất khó tìm thấy nụ cười. Có lần vui vui anh tâm sự với tôi rằng:

- Em có biết anh thích gì nhất không?" 

Dĩ nhiên làm sao tôi biết được khi anh chưa nói.

- Anh rất thích đếm tiền và làm sao có thật nhiều tiền để cho người thân của anh.. xài...

Than ôi! đó chỉ là ước mơ mà suốt cả cuộc đời này anh sẽ không bao giờ thực hiện được vì em không giỏi giang tháo vát, lấy ai san sẻ với anh đây hở anh.

Mặc dù chúng tôi rất nghèo nhưng chúng tôi luôn luôn cảm thấy hạnh phúc dù cho những ước mơ... chỉ là mơ ước thôi... 

"Sau lưng người đàn ông thất bại, luôn có người đàn bà khờ dại".

Hoàng Thanh Phước
(kỷ niệm 55 năm thành hôn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét