Virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh: AFP, ảnh chụp 1 gia đình rời khỏi Berlin, Đức khi số ca nhiễm tăng nhanh).
10 LÝ DO KHÔNG NÊN HOẢNG HỐT VÌ DỊCH VŨ HÁN (COVID-19).
Chắc chắn có một "đại dịch sợ hãi" vì toàn bộ phương tiện truyền thông trên thế giới lúc nào cũng tràn ngập tin về coronavirus. Dĩ nhiên là phải quan tâm và lập kế hoạch chung cho các tình huống xấu nhất. Và, tất nhiên, hậu quả chuyển từ lĩnh vực y tế toàn cầu sang kinh doanh và chính trị.
Health+ | Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch toàn cầu khi virus SARS-CoV-2 lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tâm lý hoang mang, hốt hoảng vì dịch bệnh cũng khiến nhiều người có những hành động kỳ thị người mắc bệnh, người bị cách ly hay "vơ vét" tích trữ thực phẩm. Theo BS. Nguyễn Văn Dũng - Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, có nhiều lý do để mọi người không nên hốt hoảng bởi COVID-19. Đó là:
1. Xác định nhanh được nguyên nhân gây bệnh
Chỉ 7 ngày sau khi các trường hợp viêm phổi nặng đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc (ngày 31/12/2019), các nhà nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân và đến ngày 10/1/2020, bộ gene của virus SARS-CoV-2 đã được công bố.
SARS-CoV-2 là chủng virus corona mới nhóm 2B, cùng họ với virus SARS. Virus này được cho có họ với virus corona trên loài dơi. Kết quả phân tích di truyền xác nhận SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên, dù tồn tại bằng cách biến đổi, tỷ lệ đột biến của nó lại không quá cao.
2. Có thể phát hiện nhanh người nhiễm virus
Kể từ ngày 13/1, đã có biện pháp xét nghiệm xác định bệnh nhân có bị Covid-19 hay không. Việc có thể xác định nhanh và sớm những trường hợp nghi nhiễm tạo điều kiện rất lớn cho việc cách ly, điều trị và khống chế sự lây lan của dịch.
3. Tình hình kiểm soát dịch đang được cải thiện ở Trung Quốc
Tại ổ dịch lớn nhất thế giới, các biện pháp kiểm soát và cô lập mạnh mẽ đang có kết quả tốt. Trong vài tuần nay, mỗi ngày, số trường hợp mắc Covid-19 ở Trung Quốc đều giảm. Tại các quốc gia khác, theo dõi dịch tễ học chi tiết được thực hiện triệt để. Các đợt ổ dịch đặc trưng cho các khu vực, cho phép kiểm soát dịch dễ dàng hơn.
4. Hơn 80% ca nhiễm bệnh ở thể nhẹ
81% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Chỉ 14% có thể bị viêm phổi nặng và 5% có thể nguy kịch hoặc tử vong. Tỷ lệ tử vong ước tính từ 2-3%, nhưng con số thực tế có thể thấp hơn.
Tại Việt Nam, không có trường hợp nặng phải thở máy, không có trường hợp tử vong.
5. Bệnh nhân được chữa khỏi
Phần lớn các số liệu được công bố là số ca nhiễm mới và số ca tử vong, trong khi thực tế hầu hết người nhiễm đều được chữa khỏi. Số người khỏi bệnh nhiều gấp 13 lần số ca tử vong và tỷ lệ này đang tăng.
6. Trẻ em bị nhẹ
Chỉ 3% người dưới 20 tuổi nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân dưới 40 tuổi là 0.2%. Trẻ em có triệu chứng nhẹ đến mức nhiều khi không thể phát hiện chúng nhiễm bệnh.
7. Virus có thể bị tiêu diệt
Để gây bệnh, virus phải đạt đến một số lượng nhất định, gọi là liều gây bệnh. Do đó, các biện pháp tiệt trùng hoặc làm loãng nồng độ virus có thể giảm bớt tỷ lệ tử vong và mức độ trầm trọng của bệnh.
Virus gây ra Covid-19 có thể bị tiêu diệt hoặc làm sạch khỏi các bề mặt bằng dung dịch ethanol (cồn 62-71%), hydro peroxide (0,5% hydro peroxide) hoặc natri hypochlorite (chất tẩy 0,1%) chỉ trong một phút. Vì vậy, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước là cách hiệu quả nhất để tránh lây nhiễm.
Nhiệt độ nóng của môi trường bên ngoài có ảnh hưởng đến hoạt lực virus từ vài tiếng đến vài ngày, nhưng tia cực tím của nắng mới diệt nhanh trong vòng 1 phút.
Đã có thể phát hiện nhanh những người nhiễm COVID-19
8. Các nhà khoa học toàn cầu đang hành động
Đây là thời đại hợp tác khoa học quốc tế. Chỉ sau hơn một tháng, 164 bài viết về Covid-19 đã xuất hiện trên PubMed (Thư viện y khoa quốc gia Mỹ) và còn nhiều bài khác chưa kiểm duyệt. Đó là những công trình sơ bộ về vaccine, phương pháp điều trị, dịch tễ học, di truyền và phát sinh học, chẩn đoán, khía cạnh lâm sàng,...
Có khoảng 700 tác giả trên khắp thế giới tham gia viết bài. Ngoài ra, hầu hết, các tạp chí khoa học đã để ấn phẩm dưới dạng truy cập mở về Covid-19.
Năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, phải mất hơn một năm mới có một nửa số bài viết như vậy ra đời.
9. Đã có mẫu vaccine
Hiện có hơn 8 dự án nghiên cứu vaccine đang được triển khai nhằm đối phó với Covid-19.
Nhóm của Đại học Queensland, Australia, cho hay, đang nghiên cứu mẫu vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ "kẹp phân tử", một công nghệ mới và có thể sớm thử nghiệm trên người.
Đây là một ví dụ cho thấy có thể cho phép sản xuất vaccine hàng loạt với số lượng lớn trong thời gian ngắn.
10. Đang thử nghiệm kháng virus
Vaccine chỉ có tác dụng phòng ngừa, còn điều quan trọng hiện nay là điều trị cho những người đã nhiễm bệnh. Hiện đã có hơn 80 thử nghiệm lâm sàng phân tích các phương pháp điều trị Covid-19. Đây là những thuốc chống siêu vi được sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng khác, đã được kiểm duyệt và được chứng minh an toàn.
Một trong những loại đã được thử nghiệm trên người là remdesivir, một loại thuốc chống virus phổ rộng vẫn đang được nghiên cứu, đã được thử nghiệm chống lại bệnh Ebola và SARS/MERS.
Một "ứng cử viên" khác là choloroquine, một loại thuốc chống sốt rét cũng được chứng minh có hoạt tính kháng virus mạnh.
Các thử nghiệm đề xuất khác sử dụng oseltamivir (chống virus cúm), interferon-1b (protein có khả năng chống virus), kháng huyết thanh từ những người đã phục hồi hoặc kháng thể đơn dòng để vô hiệu hóa virus.
"Đại dịch cúm năm 1918 khiến hơn 25 triệu người chết trong chưa đầy 25 tuần. Liệu bây giờ kịch bản tương tự có xảy ra không? Có thể là không bởi chúng ta đang có điều kiện tốt chưa từng thấy để đối phó một đại dịch", nhà vi trùng học Ignacio López-Goñi nói.
Nguồn:https://healthplus.vn/dich-covid-19-10-ly-do-khong-nen-hoang-hot-vi-sars-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét