Du khách mang khẩu trang trong lúc đi dạo gần Tháp Eiffel ở Paris, Pháp,
hôm 10 Tháng Ba, 2020. (Hình: Ludovic Marin/Getty Images)
NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG ĐẶT RA VỚI DỊCH COVID-19
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
Sự lan tràn của COVID-19 trên toàn cầu đã thúc đẩy nhiều giới chức trách nhiệm trên nhiều nước đưa ra những biện pháp làm giảm bớt đà lây lan của bệnh dịch. Cho đến chiều ngày 9 Tháng Ba, 2020, theo website worldometers.info/coronavirus/, hiện có 114,422 ca đã được xác nhận, 4,027 người tử vong, 64,081 người đã bình phục, còn lại 46,314 người hiện đang bị bệnh, trong đó 5,771 người ở trong tình trạng nặng. Riêng ở Mỹ, có 708 ca với 27 người tử vong, phần lớn là người cao tuổi với nhiều chứng bệnh kinh niên, tập trung ở Seattle và Đông Bắc Hoa Kỳ. Tính theo mật độ dân số, thì cứ một triệu người dân Mỹ, có 2.1 người bị nhiễm virus COVID-19, so với tỉ số trung bình toàn cầu là 14.7 ca trên một triệu người.
Trong những bài viết trước, tôi đã đề nghị một số biện pháp để chuẩn bị, phòng ngừa và đối phó với cúm COVID-19. Để tiếp tục, sau đây là một số câu hỏi thường gặp:
1- Tầm ảnh hưởng của COVID-19 so với các loại dịch trước đây?
COVID-19 là một virus mới trong nhóm virus Corona, cùng một dòng họ với SARS, tên khoa học chính thức của COVID-19 là SARS-CoV-2.
Chỉ số R0 (đọc là “R nought”), cho biết mức độ lây lan của bất kỳ một loại nhiễm trùng nào. COVID-10 có chỉ số R0 vào khoảng 2.2, tương đương với SARS và cúm mùa influenza, và ít hơn độ lây nhiễm của bệnh đậu mùa chẳng hạn. Tuy nhiên chỉ số R0 không thể tiên đoán được tầm ảnh hưởng của cơn dịch. Ví dụ, dịch SARS có khoảng 8,000 ca trên toàn thế giới, trong khi cúm mùa ảnh hưởng đến 45 triệu người mỗi năm chỉ riêng ở Mỹ.
2- Tỉ lệ tử vong so với các bệnh dịch trước đây?
Tỉ lệ tử vong của COVID-19 hiện nay là 3.4%. Tuy nhiên, thí dụ ở Nam Hàn, trong số hơn 7,500 ca phát hiện, tỉ lệ ấy chỉ vào khoảng 0.7%. Rất có thể, tuy số người sẽ bị nhiễm bệnh trên toàn cầu sẽ gia tăng, nhưng tỉ lệ tử vong sẽ giảm xuống, nhưng, cũng có thể tăng cao hơn.
Để so sánh, tỉ lệ tử vong của cúm mùa là 0.1%. Vào năm 1918, có một dịch cúm gọi là cúm Tây Ban Nha, giết chết khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới, nếu tính theo mật độ dân số hiện nay, sẽ tương đương vào khoảng 200 triệu người! Hy vọng, COVID-19 không nguy hiểm như thế.
3- Virus COVID-19 sống bao lâu ở môi trường bên ngoài, và thời gian ủ bệnh là bao lâu?
Dữ kiện về COVID-19 vẫn còn thiếu, nhưng các loại virus Corona khác trong nhóm, có thể sống trên các bề mặt trong vòng chín ngày. Người ta có thể nhiễm bệnh khi sờ mó vào các bề mặt này, tuy nhiên, phần lớn virus được truyền đi qua những giọt chất nhờn từ người bệnh khi ho và nhảy mũi. Thời gian ủ bệnh ngắn nhất là năm ngày và có khi kéo dài đến 20 ngày mà chưa có triệu chứng. Vì thế, thời gian cô lập, cách ly là 14 ngày.
4- Vì số lượng ca mới ở Trung Quốc đã giảm tối đa, có thể nào sự lây lan của COVID-19 ở các nước cũng sẽ giảm đi? Theo thời tiết?
Những gì xảy ra ở Trung Quốc cũng khó dùng để làm khuôn mẫu để tiên đoán cho các nước khác. Hiện tại đà lây lan vẫn tiếp tục lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước Âu Châu, như Ý chẳng hạn.
Tuy rằng cúm SARS tự nhiên biến mất, và vào năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha cũng biến mất vào mùa Hè, sau khoảng sáu tháng hoành hành, hiện nay ta vẫn chưa thể đoan chắc được COVID-19 sẽ giảm bớt vào mùa Hè hay không. Tuy nhiên, nói chung cho tất cả các loại virus, khi nhiệt độ nóng, thì các giọt nước nhờn sẽ mau khô, và virus sẽ mau chết, và giảm nguy cơ truyền bệnh hơn. Ngoài ra, cũng theo website trên đây, ở các xứ nóng gần đường xích đạo, số ca không nhiều và độ tử vong cũng không cao lắm. Ví dụ như Việt Nam, Indonesia, hay thậm chí nước đông dân như Ấn Độ.
5- Có nên dự trữ thuốc men, vitamins, và thực phẩm?
Chỉ nên dự trữ đủ các loại thuốc chữa bệnh như thuốc trị huyết áp, tiểu đường… và các loại nhu yếu phẩm trong thời gian hai tuần lễ. Không nên tồn trữ tất cả mọi thứ để dùng cho trên sáu tháng hay thậm chí cho cả năm.
6- Khi có triệu chứng nóng sốt, có nên đi thẳng tới phòng cấp cứu?
Không hẳn thế! Nên tham khảo với bác sĩ trước. Tùy theo trường hợp nặng nhẹ, bác sĩ sẽ thông báo với bệnh viện để chuẩn bị trước khi nhập viện. Giả sử nếu bệnh nhân thật sự có nhiễm virus, khi đến thẳng phòng cấp cứu có thể truyền bệnh cho người khác.
7- Phụ nữ đang mang thai có cần những đề phòng khác hơn người thường?
Không. Phụ nữ đang mang thai chỉ nên đề phòng như mọi người khác. Trong thời gian qua, có khoảng 18 phụ nữ mang thai bị nhiễm virus COVID-19, nhưng thai nhi không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu có triệu chứng bệnh nặng, bác sĩ sẽ có những phương cách đặc biệt cho người đang mang thai.
8- Khi nào sẽ có thuốc chủng ngừa?
Hầu hết, 98% những người đã từng bị nhiễm bệnh với COVID-19 sẽ có sự miễn nhiễm tự nhiên. Thuốc chủng ngừa hiện nay đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Trung bình, tất cả các loại thuốc chủng ngừa tốn từ ba đến năm năm mới được sử dụng. Trong trường hợp cúm COVID-19, cho dù khẩn trương, cũng sẽ tốn khoảng 12 đến 18 tháng. Do đó, rất có thể, thuốc chủng ngừa sẽ ra đời không kịp với tình huống. Sức đề kháng tự nhiên của cơ thể vẫn là hàng rào chống nhiễm bệnh tốt nhất.
9- Có nên du lịch trong lúc này?
Nên tránh du lịch. Cho dù du lịch đến những nơi được xem là ít nguy hiểm, nhưng trong thời gian di chuyển, nguy cơ “đụng chạm” đến người bị nhiễm bệnh từ các nơi khác sẽ tăng cao.
Thật ra, các cơ quan y tế còn khuyên người cao tuổi, và người yếu sức đề kháng, không nên ra khỏi nhà, nếu không cần thiết.
10- Thái độ chung về COVID-19 trong lúc này sẽ như thế nào?
Bình tĩnh và không nên kinh sợ. Có thể chúng ta đang chuẩn bị cho một đại họa mà chưa chắc chắn sẽ xảy ra. Chuẩn bị cho mọi tình huống xấu, nhưng vẫn lạc quan hy vọng là cơn dịch không đến nỗi tệ như ta nghĩ.
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét