Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020


Trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn Trước 1975

NGHĨ VỀ TRƯỜNG Y KHOA ĐẠI HỌC SÀI GÒN: CÒN GÌ ĐỂ NHỚ?
Bác Sĩ Trần Xuân Ninh

Trường đại học Y khoa Sàigòn đến 20 tuổi thì chấm dứt hoạt động, do biến cố 30 tháng 4/1975. Tính theo con số, thì ban giảng huấn đếm trên đầu ngón tay, đào tạo được chừng 2300 bác sĩ. Chẳng đáng là bao nhiêu, so với nhiều trường y khoa khác, về mặt y thuật, cũng như y nghiệp. Nhưng trường Y khoa đại học Sàigòn có nhiều điều đáng nói, nhiều điều để nói.
Tôi vào trường y khoa năm 1957. Ở biệt thự số 28 đường Trần Quý Cáp. Tòa nhà chính dùng làm văn phòng và thư viện.  Sân phía sau xây thêm hai giảng đường M1, M2, trang bị gồm một cái bảng mầu xanh lá cây sậm  chiếm gần hết bề ngang giảng đường, và hai hộp phấn trắng phấn mầu cho các giáo sư xử dụng với miếng bọt biển thấm ướt để xóa. Sinh viên thì mỗi người một cái ghế có tấm bảng nhỏ có thể dựng lên để kê tay viết và hạ xuống để ra khỏi ghế. Lại có cả máy chiếu các dương bản. Tôi không khỏi hãnh diện tự nhủ đại học y khoa có khác, so với trường trung học Chu Văn An của tôi trong lớp chỉ có bảng đen nhỏ bằng non nửa tấm bảng xanh ở đây và vài cục phấn trắng với chiếc khăn lau bảng bụi mù. Điều làm tôi nể nhất trong buổi học cơ thể học đầu tiên với giáo sư Nguyễn Hữu là những hình vẽ thật đẹp, thật rõ ràng, cùng với bài giảng tiếng Pháp tuôn ra như nước chẩy, không có gì là khó hiểu đối với tôi là một học sinh trường Việt chính cống. 
Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đang nghe Giáo sư Phạm-Biểu-Tâm trình bầy.
Giáo sư Hữu có lối đùa cợt làm mọi người thích thú. Đặc biệt, ông đã làm tôi ngạc nhiên xúc động khi trong buổi học đầu tiên ông nói trường Y khoa là như một gia đình, người đi trước là anh dẫn giắt người đi sau là em học tập. Gọi nhau là anh em. Và ông hành xử như thế thực.  Tôi xúc động bởi vì khi còn ở trung học thì thầy giáo và học trò là thầy và con, khoảng cách là sự sợ sệt.  Trong một năm học PCB dự bị y khoa ở trường đại học khoa học thì giảng đường rộng lớn chứa cả mấy trăm người ngồi theo từng cấp từ cao xuống thấp. Đa số giáo sư vào bục giảng xa tít mù tắp, sinh viên ngồi trên xa nhìn không rõ mặt. Phần lớn lạnh lùng đọc bài giảng, lạnh lùng đi ra.
Tôi chưa bao giờ gần gạnh học hỏi với giáo sư Hữu, ngoài những giờ cơ thể học và một số giờ thực tập ít ỏi môn giải phẫu cơ thể (anatomie opératoire) để trong đúng vài nhát dao phải chinh xác đi vào tới mạch máu, khớp xương… 

Thực tập bệnh viện Bình Dân mà chưa từng bao giờ phụ mổ với ông.  Nhưng khi học xong giải phẫu tiểu nhi trên đường về nước qua Pháp, tôi viết thư xin phép được đến thăm giáo sư. Thì ông đã hẹn đến căn phòng nhỏ ông ở, gần ga xe điện ngầm Mouton-Duvernet Paris, ân cần nói đủ chuyện và giữ tôi lại, đích thân làm bữa trưa, cho tôi cùng ăn với ông! Tôi không nhớ ăn gì nhưng tôi nhớ là tôi rưng rưng cảm động.

Trái sang phải: Gs Trần Ngọc Ninh, Gs Trịnh Văn Tuất, Gs Trần Vỹ, Gs Caubet, 
Gs Phạm Biểu Tâm, Gs Huard, Gs Trần Đình Đệ, Gs Nguyễn Đình Cát, Gs Nguyễn Hữu, ...

Khi nói đến trường y khoa đại học Sài gòn, thì những người thuộc các lớp đầu tiên không ai không nghĩ ngay đến những tên tuổi nổi bật là Phạm biểu Tâm, Nguyễn Hữu, Trần Ngọc Ninh khu giải phẫu B bệnh viện Bình Dân và giáo sư Trần Quang Đệ, Đặng Văn Chiếu, Nguyễn phước Đại, Thái Minh Bạch khu giải phẫu A, bệnh viện Chợ Rẫy.

Giáo sư Phạm biểu Tâm nổi tiếng là một nhà mô phạm, đạo đức, ở trong và ngoài y giới. Tôi chỉ đứng phụ mổ giáo sư vài lần ở vị trí thứ hai sau nội trú nổi tiếng Bùi Mộng Hùng. Như thế không đủ khả năng nhận xét giáo sư về khía cạnh chuyên môn, cho nên tôi chỉ có thể nói rằng về mặt con người giáo sư Phạm biểu Tâm là một kẻ sĩ. Với cung cách ung dung, tự trọng. 
Trong một buổi họp trí thức chuyên gia ở Sàigon  cuối năm 1977 đầu 1978 gì đó, mà ban giám đốc bệnh viện Nhi đồng cử tôi đi và coi như là một vinh dự cho tôi vì có Võ Nguyên Giáp chủ tọa, giáo sư Phạm Biểu Tâm là một thuyết trình viên. Ông đã đọc bài tham luận về y khoa, rất chuyên môn, rất vừa phải, rất đúng thực, không có những xưng dương nịnh nọt ca tụng chế độ mọi mặt như những giáo sư, trí thức khác hôm đó.
Từ buổi đầu gặp gỡ, ấn tượng của tôi về Giáo sư Trần Quang Đệ là một ông Tây con: Người cao lớn trắng trẻo, giọng rổn rảng, lúc nào cũng nói tiếng Tây. Điều tôi nhớ nơi ông không phải là những bài bệnh lý giải phẫu đầy đủ, chi tiết, rành mạch như trong những sách luyện thi nội trú. Mà nhớ vào năm thứ nhất  trong đợt thực tập bệnh viện đầu tiên ở khu giải phẫu A bệnh viện Chợ Rẫy, khi đi theo nghe ông trong những buổi khám bệnh, ông đã thuyết giảng rằng người bác sĩ phải có originalité (tính độc đáo), personalité (tư cách), dignité (phẩm giá). 

Ông đã so sánh lòng thương của người áo trắng trước khổ nạn của bệnh nhân nó tiềm ẩn như sợi nước tĩnh lặng ở đáy giòng suối mùa đông đóng băng nhưng đến mùa xuân thì sợi nước đó làm tan băng để cuồn cuộn chảy ra sông ra biển. Những điều ông nói ra như vậy theo tôi nghĩ không phải chi có một lần, trước nhóm 6 sinh viên gồm 4 người năm thứ hai và hai người năm thứ nhất trong đó có tôi, mà là nhiều lần cho nhiều nhóm sinh viên. Nhưng có lẽ không mấy người nhớ. Vì tâm ý của đa số sinh viên là hướng về bệnh lý mà chú tâm. Còn tôi thì nhớ vì cuộc sống đã khiến đầu óc nghi ngờ soi mói, cho rằng đó chỉ là hình ảnh lý thuyết không có trong cuộc đời. 

Chính vì thế, mà khi đã định cư ở Hoa kỳ sau khi sống sót chuyến vượt biển tị nạn, tôi mới có được nỗi ngạc nhiên sung sướng thấy rằng giáo sư Trần Quang Đệ mà tôi nghĩ là một ông Tây con, đã xử sự trên cái nền dân tộc, theo tinh thần những điều ông nói ra mà tôi được nghe, cách đây hơn nửa thế kỷ: cung cách rất độc đáo, rất tư cách, có phẩm giá. Và tình cảm thâm trầm như sợi nước đáy con suối mùa đông. Tất cả đã biểu lộ qua những buổi tham dự với các sinh hoạt của các hội y sĩ tị nạn cũng như trò chuyện với một số bác sĩ bạn tôi.  


Giáo sư Đặng Văn Chiếu, ở khu giải phẫu A, và sau đó ở vị trí khoa trưởng đã luôn luôn từ tốn thanh thản một cách tự nhiên, khó thấy, ngay cả nơi những nhà tu. Bác sĩ Thái Minh Bạch trưởng khu giải phẫu tiểu nhi bệnh viện Chợ Rẫy lúc nào cũng tươi cười đầy vẻ dễ dãi của một sinh viên con nhà khá giả.

Hình ảnh đầu tiên còn lại trong tôi về bác sĩ Nguyễn phước Đại là một người đen đủi, mặc áo may ô đeo cái miếng plastic trắng ra ngoài chiếc quần dài kaki đứng rửa tay mổ, ăn nói ồn ào, làm tôi bụng nghĩ thầm không hiểu người y công nào mà lại nói tiếng tây như vậy. Nhưng chính ông là người chỉ trong hai tuần tôi đi qua khu tiết niệu thực tập đã dậy cho biết từng nguyên tắc, từng động tác của đủ các kỹ thuật  để thông, để nong đường tiểu với các loại dụng cụ mà lúc sang Mỹ thấy rằng nhiều bác sĩ Mỹ tiết niệu làm lóng nga lóng ngóng, nặng tay.
Giáo sư Trần đình Đệ tuy có người nói là tác phong quan cách, nhưng đã đưa ra được một số tiêu chuẩn rõ ràng để phát triển cho ngành sản phụ khoa và nữ hộ sinh “công chức” từ thời Tây để lại, mà bác sĩ Nguyễn Bích Tuyết là cột mốc để mọi người dòm chừng, không dám vượt qua cho tới khi VC vào chiếm nhà thương Từ Dũ.
Dù nhân số có thể đếm trên đầu ngón tay, và không thể điểm hết ở đây vì thời gian giới hạn, nhưng đứng về mặt y thuật mà xét, ban giảng huấn y khoa đại học Sàigòn có thể nói là đủ hay dư hiểu biết về chuyên khoa của mình để hướng dẫn sinh viên. Chỉ xin đơn cử một trường hợp. Thời tôi học y khoa, và trước khi có sự tham gia giúp đỡ của hội y sĩ Hoa kỳ (American Medical Association) vận động được sự hợp tác của nhiều trường Y khoa đại học Mỹ để đổi mới và cải thiện phương cách huấn luyện y học tại Việt nam, các chuyên khoa thường không được chú trọng và thu hút nhiều sinh viên theo học. Như Ngoài Da, Nhãn khoa, Tai Mũi Họng vân vân. 
Thực thế, không mấy ai thấy gì hấp dẫn khi ngồi sau các bác sĩ Tai Mũi Họng xem các bệnh nhân bị viêm xoang chẩy nước mũi kinh niên, hay thối tai chẩy mủ, hay ung thư sưng lệch một bên cổ. Cũng không mấy ai thấy khu Ngoài Da bệnh viện Bình Dân là có gì đáng học với những bệnh nhân bôi thuốc xanh thuốc đỏ triền miên, và ở những buổi khám bệnh ngoại chẩn là những bệnh nhân bệnh cùi, bệnh giời leo, bệnh tràng nhạc,  các bệnh sần, ngứa, sùi ngoài da chữa mãi không khỏi. Còn giáo sư Nguyễn Văn Út trưởng khoa thì có người xấu miệng đã bất kính xì xào bàn tán đối chiếu cái đầu mũi đỏ của ông với sự bất lực của chuyên khoa Ngoài Da. 
Một cách thành thực, cá nhân tôi không nhớ ông Út về điều này. Mà vì câu ông nói trong buổi dậy bệnh lý ngoài da đầu tiên “La dermatologie, c’est la médecine générale” (Chuyên khoa Ngoài Da là chuyên khoa nội thương). Lúc đó, trong cái tâm trạng coi thường chuyên khoa Ngoài Da bất lực đối với vô số  bệnh ngoài da và sự thiếu hiểu biết về Y khoa, tôi đã nghĩ giáo sư Út nói thế vì mặc cảm, muốn đưa chuyên khoa Ngoài Da lên ngang hàng chuyên khoa Nội thương. Sau nhiều năm thực tập và hành nghề, học hỏi qua đủ ngành do thời thế đưa đẩy, mới hiểu rằng lời giáo sư Út phản ảnh sự hiểu biết sâu sắc về chuyên khoa của ông cũng như về tình trạng Y khoa nói chung  thời đó và ngay cả bây giờ.
Nhìn sang một góc cạnh khác, nếu không có cơ duyên mà biết được hay để ý tới các hoàn cảnh trưởng thành trước khi vào y khoa và những sinh hoạt ngoài trường Y khoa của các thành viên ban giảng huấn, thì không biết rằng ban giảng huấn không chỉ gồm những người thực hành y thuật, phát triển y nghiệp hay diễn giảng y khoa mà đã có nhiều người y sĩ dấn thân, nhưng không ồn ào trừ phi trong hoàn cảnh đặc biệt. Nói khác đi, không chỉ nằm trong khuôn khổ chuyên môn. Tôi chỉ xin kể một vài tên như Ngô Gia Hy, Đào Đức Hoành vân vân…

Hàng trước từ trái qua phải: các Giáo Sư Đào Đức Hoành, Giáo Sư Ngô Gia Hy (chánh chủ khảo với áo choàng đen), Giáo Sư Nguyễn Huy Can và Giáo Sư Đặng Văn Chiếu. 
Hàng sau từ trái qua phải: Các bác sĩ Lê Mỹ Phượng, Phạm Hữu Trác, Nguyễn Văn Lâm, Dương Hồng Huấn (áo choàng đen), Nguyễn Hoàng Hải và Trần Gia Khải.
*Có mặt ở đây hôm nay là một giáo sư lúc nào tôi cũng coi là người trẻ dù đã trở thành khoa trưởng – vị khoa trưởng cuối cùng của Y khoa đại học Sàigòn - là giáo sư Đào Hữu Anh,  mà  tinh thần gia đình đại học y khoa Sàigòn tôi đã có dịp thâm cảm. Tuy ở trong ban giảng huấn, nhưng tôi chưa từng nói chuyện với giáo sư Anh. Mà giáo sư Anh thì có lẽ chỉ nghe tên tôi chứ không biết mặt, vì tôi chỉ chúi ở bệnh viện Nhi đồng hay Bì nh Dân, chứ không lên văn phòng bởi không có việc gì. Một ngày thượng tuần tháng 4/1975, trong cái không khí bấp bênh lúc đó, tôi đã lên trường tìm gặp giáo sư khoa trường để xin một giấy chứng nhận tiếng Anh cái trách vụ của tôi lúc đó trong trường là giảng sư. Không hỏi tôi xin giấy chứng nhận làm gì, ông đã ngay lập tức cho đánh máy rồi ký đưa cho tôi. Nếu hỏi để làm thì có lẽ tôi cũng  khó trả lời, vì không biết chắc để làm gì*.
Giáo sư Trần ngọc Ninh, người cao tuổi nhất còn lại hiện nay của ban giảng huấn Y khoa đại học Sàigòn thuở ban đầu thành lập, mặc dầu người không khỏe, đang ngồi với chúng ta trong buổi họp mặt này là một trường hợp đặc biệt. Ông là mẫu người ưu tú, thông thái, sản phẩm của quan niệm giáo dục cổ điển Pháp. Ở cương vị giáo sư, ông là người tạo thách thức. Tìm tòi cái mới. Hiểu tinh yếu và áp dụng. Ông không dậy theo cung cách rành rọt, đầy đủ chi tiết như giáo sự Trần Quang Đệ, hay kiểu “phác đồ điều trị” lối VC cho những đầu óc giới hạn. Ông chú trọng đến tinh yếu của những vần đề trình bầy. Chắc các bạn còn nhớ những nguyên tắc vô thương, vô trùng, nguyên tắc sinh học, cơ học, nguyên lý lành mô tự nhiên vân vân mà ông nhắc đi nhắc lại trong các buổi đi khám bệnh. Ông kể chuyện Ambroise Paré nhà giải-phẫu-thợ-cạo Pháp thế kỷ thứ 16 bỏ cách chữa thương do đạn nổ theo lý thuyết cổ truyến là đổ dầu đun sôi vào vết thương để “giải độc” và “đốt cầm máu” (cautériser), cốt là để nói đến tinh thần quan  sát thực nghiệm và thách đố quy ước của Paré. 

Ông nhắc lời Paré nói “je le pansai Dieu le guérit: Tôi băng (cho bệnh nhân) Trời chữa (khỏi bệnh nhân), để cho thấy khả năng giới hạn của y khoa, và vai trò quan trọng của khả năng tự nhiên chống trả để lành bệnh của con người. Những người nặng niềm tin tôn giáo trong chuyện này sẽ nghĩ đến Trời, đến Chúa. Điều này không sao cả. Nhưng theo tôi nghĩ thì thời nay người ta đang tìm tòi nguyên do sinh bệnh và lành bệnh tự nhiên qua những nghiên cứu chưa đi được bao xa về tế bào, về sinh học phân tử (tuy những chuyện này đã được quảng cáo thổi phồng và khai thác thương mại).

Giáo sư Trần Ngọc Ninh và bác sĩ Đặng Phú Ân.

Giáo sư Ninh ý thức được vai trò của con người ưu tú - trong xã hội. Theo tôi, đó là lý do tại sao ông viết cuốn Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân thanh, mà người đọc để ý suy nghĩ một chút sẽ thấy cái thân phận cay đắng của Nguyễn Du và nhiều trí thức khác thời Lê tàn, Trịnh mạt, Tây Sơn bột phát và Nguyễn sơ không khác bao nhiêu thời đại ngày nay. Biết cái phải cái hay nhưng không thể chọn đường nào cho đúng cho tròn. Phủi tay lánh đời vì biết mà làm không được như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp? Hay là như Ngô thì Nhậm dấn thân một thời để sau cùng cảm khái thốt ra “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu. Gặp thời thế thế thời phải thế” trước khi bị hành tội ? Hay là như Nguyễn Du ẩn nhẫn qua ngày để vào cuối đời le lói, chỉ còn vui với cái xúc cảm mang mang một thời, khi gặp lại người đẹp xưa mặc nguyên chiếc áo hồng ngày cũ che mặt hát? Mà viết: “đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti” – ngó sen đứt rồi còn vương những sợi tơ, trong bài thơ Ngô đệ cựu ca cơ. 

Câu này đã biến thành “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” trong Đoạn trường Tân thanh viết sau chuyến đi sứ Tầu trở về. Trong chuyến đi sứ, Nguyễn Du đã thăm được Phân kinh thạch đài dựng bởi thái tử Lương Chiêu Minh (thế kỷ thứ 6) khi Phật giáo được đẩy mạnh, để thấy rằng chỉ còn cái nền đá, và cây cỏ, không còn lấy một chữ. Do vậy thấm thía cái nguyên lý vô thường, tóm tắt bằng câu kết “Chung tri vô tự thị chân kinh” trong bài thơ tức cảnh Phân kinh thạch đài ( nghĩa là “Sau cùng thì biết rằng kinh chân thực là kinh không có chữ”)

Đến đây, chắc quý bạn cũng như tôi thấy tất cả các thành viên ban giảng huấn Y khoa đại học Sàigòn đều có những độc đáo. Độc đáo không chỉ trong kỹ thuật. Mà còn ở ngoài y thuật và y nghiệp.  Nhưng sinh viên thì ra sao, hay là cái độc đáo này được truyền tới sinh viên ra sao?
*Tôi muốn nói đến một nội trú đàn chị ở khu giải phẫu tiểu nhi bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Marguerite Trần (thường gọi là Margot). Bác sĩ Margot là con một bác sĩ giầu có danh tiếng ở Sàigon thời đó. Chỉ nói tiếng Tây giọng Tây (vì thế khởi đầu tôi không có cảm tình, cũng như là đối với giáo sư Trần Quang Đệ). Thấy tôi chăm chỉ lui cui theo chị đi khám bệnh và cái gì cũng hỏi (vì năm thứ nhất đi thực tập bệnh viện chẳng khác gì chim chích lạc vào rừng) chị đã cho tôi tập sách in ronéo luyện thi ngoại trú  của giáo sư Massias chị đã học, giữ rất kỹ và khuyến khích tôi học.  
Để trả ơn, tôi đã chờ đến dịp tết mua tập thơ Mây và Say của Vũ Hoàng Chương, đem đến nhà tặng chị. Tôi đã chọn hai quyển thơ này như là một thách đố con người trường Tây. Điều tôi không chờ đợi là chị đã ngồi cùng với tôi bình luận những bài thơ Vũ hoàng Chương đến khuya!  Ra trường, liên lạc chỉ là vào những dịp ngày tư ngày tết. Sau 1975 là bặt tin. Mãi tới cách đây vài năm do cơ duyên gặp lại một bạn thân cùng lớp ra thăm hải ngoại mới hỏi chuyện bạn cũ y khoa Sàigòn và hỏi thăm chị. Khi chị hỏi tôi liệu có tính về thăm Việt Nam thì tôi đã nói không, vì hoàn cảnh không thuận tiện. Chị lại làm tôi ngạc nhiên khi vắn tắt trả lời với câu “thời lại phong tống Đằng Vương Các”, trong chuyện thư sinh 15 tuổi Vương Bột ở thật xa nhưng gặp thời được gió thổi kịp đến lầu Đằng Vương mà phóng bút làm bài phú Đằng Vương Các để đời, vượt xa các văn nhân thi sĩ đã tụ tập tại đó: Người lớn lên trong nền giáo dục Pháp, chỉ nói tiếng Tây, mà bình luận về thơ Vũ Hoàng Chương, rồi lại biết lai lịch bài phú Đằng vương các của Vương Bột đời Sơ Đường! 
Các quý vị có nghĩ là độc đáo không? Nhưng Margot không phải là bác sĩ độc nhất như thế.  Chắc một số bạn có đọc những bài thơ trên mạng của bác sĩ Huỳnh Anh Shroeder (dân trường Tây) dễ dàng diễn tả từ cây trái đến tình tự con người đất Việt. Bác sĩ Anne Capdeville  hành nghề thần kinh tâm trí, vẽ thiên nhiên, mà cũng vẽ hình trang trí  cho một nhà thờ ở Pittsburg, nhưng lúc nhàn dư với bè bạn không quên kể chuyện Việt Nam xưa mẹ dậy con gái phải chừng mực đằm thắm, không dễ dãi buông thả vân vân…*.
Tôi cũng muốn kể một trường hợp cá nhân khác là bác sĩ Đỗ Như Hồng. Tôi không thường giao du tiếp xúc, ngoài một vài trao đổi trong các cuộc hội họp y sĩ. Nhưng  khi có một phụ nữ hoạt động tôi biết không có bảo hiểm y tế cần được khám sức khỏe và thử nghiệm máu, tôi từ xa liên lạc nói chuyện với bác sĩ Hồng nhờ giúp đỡ hy vọng được hưởng  giá tối thiểu. Thì bác sĩ Hồng đã tận tình giúp đỡ cho đương sự không tốn phí, cho luôn tiền thử máu*
Trong cái tâm thức chung của sinh viên, tôi còn nhớ sau biến cố 1 tháng 11/63, tại giảng đường M1, trong buổi trình bày vận động các sinh viên làm một tờ báo y khoa, đã có sự tham dự của đông đảo sinh viên mà đa số là từ năm thứ ba lúc đó trở lên. Sau khi thấy rằng đúng là cần có một tờ báo, nhiều tên đã được đưa ra, nhưng hai chữ Tình Thương đã được chấp nhận. Từ đó ra đời nguyệt san Tình thương liên tục nhiều năm, nhờ sự đóng góp bài vở, tình nguyện đi xin quảng cáo của các sinh viên dấn thân. Cho tới khi tình hình thay đổi, tâm thức con người thay đổi, dầu tinh thần gia đình y khoa vẫn còn. 
Thực thế, sau tháng tư 1975, tinh thần này biểu hiện ra cụ thể ở Canada qua bác sĩ Phạm Hữu Trác, với sự tích cực hỗ trợ của đàn anh Nguyễn Tấn Hồng người đã từng mấy lần làm bộ trưởng, sống và hành xử với quan niệm tương thân tương trợ, giúp nhau từng chai nước mắm, khuyến khích nhau học lại thi lại. Hội Y sĩ Canada đã ra đời trong hoàn cảnh như thế, với Tập san Y sĩ Canada đều đặn xuất hiện định kỳ, mà bền bỉ đóng góp từ tài chính tới nội dung là một số các anh chị em đã làm nguyệt san Tình Thương cũ cùng với nhiều anh chị em Y khoa Sàigòn khác ở khắp hải ngoại. Lai rai tiếp tục tới nay, tuy không tránh khỏi nét già nua. 
Nhưng mà đáng nói hơn cả, theo tôi, là hội Y sĩ Canada đã tổ chức được một đại hội ở Montreal quy tụ đông đảo anh chị em bác sĩ đại học y khoa Sàigon tứ tán nhiều nơi trên thế giới, mà tôi nhớ là có giáo sư Trần Quang Đệ từ Pháp sang họp mặt. Để sau những bất đồng tranh cãi kéo dài, đã thành lập được hội Quốc tế Y sĩ Việt nam Tự do với lập trường không né tránh chính trị, có quan điểm chính trị rõ ràng không chấp nhận chế độ VC. Với sự kiện này, gia đình Y khoa đại học Sàigòn đã dấn thân hòa vào gia đình lớn là dân tộc, nghĩa là không chỉ cứu nhân độ thế bằng y khoa, mà trong các mặt cuộc sống, tuy rằng con người kỹ thuật và chú trọng với y nghiệp là đa số. Đây là một quan điểm rất mới so với các hội kỹ thuật hay ái hữu trong cộng đồng Việt nam hải ngoại, cho tới ngày nay.
Trường Y khoa đại học Sàgòn không còn nữa, do biến cố 30 tháng 4/1975 VC chiếm được miền Nam. Những đóng góp về mặt y thuật của các bác sĩ Y khoa Sàigòn không thể nhiều vì tổng số các bác sĩ không nhiều, nhưng không thua các bác sĩ khác. Trong các xã hội tư bản, coi các bác sĩ là các nhà cung cấp dịch vụ (provider), nhiều bác sĩ Y khoa đại học Sài gòn đủ khả năng khai dụng y thuật để làm chủ những y nghiệp giầu có.
Cái độc đáo của trường Y khoa đại học Sàigon như thoáng lược ở trên không chỉ ở từng người, sinh viên cũng như ban giảng huấn,  mà ở trong cái tâm thức gia đình, Gia Đình Y Khoa - không vì cảm tính bo bo mầu cờ sắc áo hay địa phương. Không chỉ  cứu nhân độ thế qua xử dụng thuốc và thuật, nhưng với Tình Thương rộng lớn san xẻ  chúng ta đã thấy qua lập trường thành lập hội Quốc Tế Y sĩ Việt Nam Tự do. Bởi vì trước khi là bác sĩ mỗi chúng ta đã và còn là người Việt Nam, trong nhãn quan toàn diện y khoa (holistic) của một con người thực-là-bác-sĩ. 

Trên cái nền chung này, tuy không gần mà vẫn thân, tuy xa mà vẫn không sơ. Xin tham lam mở ngoặc nói thêm một trường hợp điển hình là bác sĩ Vũ Thị Thoa ở Paris, tuy đã lớn tuổi và không liên lạc di chuyển nhiều, nhưng vẫn được các anh chị em Tập san Y sĩ Canada chị chị em em nhắc nhở trao đổi. Người nào có dịp sang Pháp thì ghé tới thăm.

bác sĩ Vũ Thị Thoa ở Paris

Mô tả vắn tắt, có thể tạm gọi là tinh thần Y Đạo. Mà mục đích tối hậu là giúp cho con người có bệnh cũng như không bệnh Thân Tâm An Lạc. Trong đó có mình.

Trần Xuân Ninh
Ngày 18 tháng 2/2018

Mưỡu hậu

Nội dung bài này đã được soạn để trình bày trong buổi họp mặt của các bác sĩ Y khoa đại học Sàigon ngày mồng 3 Tết Mậu Tuất tại Orange County California. Vì thời gian giới hạn là 10 phút, một số đoạn (*…*)  và một vài câu lẻ nói về các chi tiết đã phải bỏ tại chỗ, nhưng vẫn qúa giờ,  vì nói thuận miệng mà không đọc theo bài, và ban tổ chức thông cảm, không cắt micro. Có lẽ vì giáo sư Đào hữu Anh mở đầu đã nói rất ngắn, và cũng có lẽ vì một vị khác dự tính là phát biểu nhưng đã không nói cho nên toàn bộ phần phát biểu không quá thời gian ấn định. Tại chỗ, sau khi chấm dứt, người trình bày đã cảm ơn  ban tổ chức cho sống lại những giây phút thách đố hứng thú khi vào thi vấn đáp nội trú cách đây nửa thế kỷ, phải làm sao gói tròn những điều hội đồng chấm thi muốn nghe  trong thời gian vài phút phù du, tránh cảnh các giám khảo bỏ bút xuống, nhổ râu cằm.

Cuối buổi họp mặt, một vài anh chị em trong ban tổ chức đã yêu cầu gửi cho bài viết để phổ biến. Cho nên mới có bài này hoàn chỉnh với những hình ảnh bè bạn trong đó có bác sĩ Đặng phú Ân cung cấp mà không thể chiếu lên trong buổi họp mặt, vì không có giờ.

Sau chót, trong hình giáo sư Trần Quang Đệ chụp cùng môn sinh bệnh viện Chợ Rấy quý vị nào nhận ra tên các sinh viên đứng ở hàng sau xin cho người viết biết. Kính cám ơn.

Sau chót, trong hình giáo sư Trần Quang Đệ chụp cùng môn sinh bệnh viện Chợ Rấy quý vị nào nhận ra tên các sinh viên đứng ở hàng sau xin cho người viết biết. Kính cám ơn.

TXN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét