HÃY NÓI LỜI
YÊU THƯƠNG NGAY KHI CÓ THỂ Lê Anh Tuyết (Thu Tuyết) Chưa bao giờ tôi thấy thời gian vội vã trôi hơn lúc này, và cũng chưa bao giờ tôi sợ những lời yêu thương chưa kịp nói để lại những tiếc nuối khôn nguôi. Có phải vì mỗi ngày đi qua khi chung quanh bạn bè người thân lần lượt ra đi, ta lại thấy cuộc đời ngắn lại. Facebook hầu như ngày nào cũng có tin buồn. Nếu không là những mảnh đời bất hạnh thì cũng là những người mang căn bệnh không chữa được đang chờ ngày từ giã cõi đời. Tôi đã từng nghe lời tâm sự của một người bạn. Anh yêu Mẹ vô cùng, nhất là những ngày sau cuối bà nằm trên giường bệnh. Anh muốn nói một lần thôi, rằng: “Con yêu Mẹ lắm”, nhưng đã không làm được! Bởi anh không thể vượt qua tính cách không quen thể hiện tình cảm bằng ngôn ngữ, để rồi ân hận theo suốt cuộc đời anh. Lời tâm sự thứ hai: Một người đàn ông nói với tôi rằng, sau tất cả, cho đến hôm nay anh vẫn còn yêu người ấy, một tình yêu thuần khiết trong thế giới đục màu. Nhưng anh đã để cô ấy vụt khỏi tầm tay, đã mất một cơ hội hạnh phúc chỉ vì không dám ngỏ lời yêu thương. Ngày còn là sinh viên, hai tâm hồn trẻ yêu nhau thắm thiết. Họ đã gắn bó với nhau qua 4 năm đại học, đã chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn... Nhưng văn hoá Á đông, thường là người đàn ông chủ động tỏ tình. Anh như con nai “nhút nhát” trước một tình yêu quá lớn nên cứ lặng lẽ âm thầm bên cuộc đời người ấy. Cho đến một ngày khi chuẩn bị từ biệt giảng đường thì cũng là lúc cô ấy sắp sang ngang! Tâm sự buồn thứ ba: Sống với nhau hơn 30 năm, nhưng chị nghĩ không có tình yêu với chồng, đơn giản họ cưới nhau vì một lý do khác. Mặc dầu vậy, anh yêu chị biết bao, luôn bên cạnh đời chị, chăm sóc, chia sẻ buồn vui. Trải qua bao sóng gió, từ lúc nào chị đã yêu anh, một tình yêu sâu đậm. Nhiều lần chị muốn nói lời yêu thương, nhưng cứ chờ cơ hội. Cho đến một ngày, căn bệnh nan y ập xuống đời anh. Chị âm thầm đau đớn và âm thầm chịu đựng sự dày vò, nhưng vẫn không thoát khỏi thói quen nén tình yêu ấy trong trái tim. Khi nắm đất cuối cùng lấp lại, chị gục xuống bên mô đất còn tươi và trong tận cùng nỗi đau chị thổn thức: “Em yêu anh”. Tất cả muộn màng! Anh đã rời xa mà chưa một lần được nghe chị nói điều này! Tôi có những người thân, những mối quan hệ trong gia đình nhỏ. Ngoài con cái là những anh chị sui của tôi. Tôi yêu quí họ vô cùng, bởi họ đã chăm sóc cháu tôi, đã cho tôi dâu hiền và rể quí. Chưa bao giờ họ phiền trách cho dẫu đôi lúc bận rộn tôi quên cả lễ nghi như một qui luật đã được định hình. Họ cho tôi cảm giác ấm áp. Trong tôi luôn lưu giữ những hình ảnh đẹp của nhau. Vậy mà tôi cũng chưa một lần nói, rằng tôi yêu quí họ lắm! Những ngày sau cuối của Mẹ tôi trong Viện Dưỡng Lão rất buồn! Tôi vẫn đến thăm Bà ngay khi có thể nhưng tôi cũng chưa bao giờ nói với Bà lời yêu thương. Bởi tôi là một phụ nữ thuần chất Á Đông, thường nén nỗi lòng vào trong. Bây giờ mỗi khi đốt nén nhang, nhìn vào tấm hình trên bàn thờ, tôi thì thầm: “Con nhớ Mẹ lắm”. Không biết Bà có nghe? Giá như ngày ấy tôi làm được điều này! Còn biết bao câu chuyện lòng được giữ kín. Biết bao cơ hội bị bỏ lỡ vì không kịp nói được lời yêu thương để rồi ray rức khôn nguôi. Chúng ta có muôn vàn lý do để nguỵ biện, rằng: “Hành động cũng nói lên tình yêu”. Điều ấy không sai, nhưng lời nói xuất phát từ trái tim, từ tấm chân tình sẽ êm ái biết bao! Chúng ta rất yêu người thân, quí bạn bè và còn hơn thế nữa, nhưng thường chúng ta chỉ thể hiện bằng hành động. Điều này rất đúng. Tuy nhiên, nếu như: “Lời nói đi đôi với việc làm” thì còn gì quí giá hơn. Vậy sao ta không nói lời yêu thương ngay khi có thể? Melbourne, 25/9/2020 Thu Tuyết Photographer: Hung Nguyen |
Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020
Hãy Nói Lời Yêu Thương Ngay Khi Có Thể
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét