PHỤ NỮ VÀ XUÂN Một người bạn
Facebook đã hỏi tôi: “Có bao nhiêu mùa xuân trong cuộc đời người phụ nữ?” Tuổi ấu thơ, Tết là thiên đường, là hân hoan với mọi thứ chumg quanh. Những bộ quần áo rực rỡ, hoà vào sắc hoa xuân cùng đàn bướm lượn lờ… và màu nắng, tạo nên một sắc thái riêng của xuân mà không lẫn lộn vào đâu được. Riêng tôi lúc ấy, nghe như có cái mùi của xuân. Đó là một hỗn hợp mùi: mùi từ bộ quần áo mới, mùi các loại hoa ngan ngát lan trong không khí, mùi thịt nướng bay khắp làng và đặc biệt là cái mùi của trẻ con rộn ràng đi chúc tết ông bà. Thật ra lúc ấy tôi “hứng thú” đến nhà ông bà là vì thích cái bao lì xì màu đỏ, sẵn sàng khoanh tay dạ thưa khi được gọi tên. Để được ngày mồng một linh thiêng bên mâm cơm cúng ông bà đầy đủ, Mẹ tôi phải vất vả hàng tháng trước đó làm các loại bánh mứt, dưa kiệu dưa hành dưa món... Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ đặc biệt là bàn thờ phải tinh tươm với nhang đèn hoa quả. Vì là con gái, nên tôi bị Mẹ sai vặt, từ việc phụ trong bếp đến việc theo bà đi chợ để xách đồ. Sung sướng nhất là khi được Mẹ cho thử quần áo mới. Đồ mới luôn đẹp. Được mặc nó, được đi chơi và được nhận tiền lì xì trong những ngày đầu năm. Không biết có phải vì những lý do này mà chúng tôi, những đứa trẻ con luôn mong đến tết. Nhất là con gái, ít ra trong những ngày này không bị Mẹ sai vặt. Vì vậy, mỗi năm là một cái xuân. Rồi đến mùa xuân thứ 16, các cô gái bắt đầu để ý đến màu sắc kiểu dáng của bộ áo quần mới, bắt đầu thích đổi kiểu tóc, thích một chút đồ trang sức và hay ngắm mình trong gương. Đôi mắt long lanh, má và môi hồng hơn. Bắt đầu biết e thẹn khi bị ánh mắt của một đứa con trai nào đó nhìn theo. Cũng không còn thích các bao lì xì màu đỏ nữa mà thích đi chơi với những đứa con gái cùng lứa để rôm rả những câu chuyện tập làm người lớn. Rồi cứ thế, nhiều mùa xuân trôi qua đã làm họ dịu dàng trầm lắng, tâm hồn bay bổng với những giấc mơ lạ. Còn gì đẹp bằng cái tuổi “hồn hoang” này. Cho đến một mùa xuân thứ…, tôi nghĩ mình đã lớn để duyên dáng trong chiếc áo dài hồng với những bông hoa trắng rớt trên vạt áo lụa mềm, làm phù dâu cho cô bạn thân rạng rỡ trong ngày cưới. Đôi má tôi ửng hồng khi chạm phải ánh nhìn say đắm của anh chàng phù rể lịch lãm, để rồi có nhiều mùa xuân hạnh phúc tiếp nối. *** Người ta nói, hôn nhân là một kết thúc (khía cạch nào đó), là nhốt mình vào địa ngục. Nếu không là “…đi bên cạnh cuộc đời... Từng mùa thu chết mùa thu chết...” thì cũng: Em đứng đó bên góc đời lặng lẽ. Giữa hoàng hôn và bóng tối bủa vây... Ôi là đủ thứ não nề nghe hay lắm bởi “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, nhưng thực chất ai cũng muốn chui vào cái ngục ấy cho dẫu có kết thúc cuộc đời. Có những cái ngục không tối tăm hay chỉ tối tăm từng giai đoạn, nhưng cũng có những cái ngục tối tăm vĩnh viễn trừ phi ta thoát khỏi nó để bước hoặc không bước vào cái ngục khác. Mỗi người phụ nữ có một cách để xây dựng cái ngục của mình, có thể biến nó thành thiên đường hay ngược lại; nhưng tất cả đều có giá trị riêng của nó. Chúng ta không nói đúng hay sai; bởi nó tuỳ vào hoàn cảnh, quan niệm sống, hoặc số phận của mỗi người. Khi xã hội
phát triển, ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ hơn. Trái ngược với thời
của ông bà chúng ta, hôn nhân đôi khi do sắp đặt; nhưng hầu hết họ sống với
nhau cho đến cuối cuộc đời. Một trong những tư tưởng của Chủ nghĩa phong kiến đã hình thành sâu trong nếp nghĩ của người Phương Đông nói chung, người Việt nói riêng là “Tam tòng, Tứ đức: Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử, và Công Dung Ngôn Hạnh”. Chính vì văn hoá ấy mà người phụ nữ luôn cam chịu và an phận. Họ tự tạo cho mình những hạnh phúc quanh quẩn bên gia đình, con cái… để thích nghi với cuộc sống lúc bấy giờ. Khi văn hoá phương Tây thâm nhập vào Việt Nam bắt đầu từ thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945), người phụ nữ đã làm một cuộc cách mạng lớn để thoát khỏi ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Phong Kiến. Qua thời gian, ý thức hệ của họ đã thay đổi. Họ xây dựng một tính cách mới: độc lập và mạnh mẽ để bước ra xã hội và tham gia vào nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có nam giới. Họ không còn lệ thuộc vào người đàn ông. Họ đòi hỏi quyền bình đẳng, và cũng từ đó những cuộc ly hôn ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, theo thống kê cho thấy hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn trong một năm. Tương đương 0,75/1000 dân. 70% người đứng đơn là phụ nữ (Nhiettam.vn: Vì đâu tỉ lệ ly hôn ngày càng cao). Đáng chú ý là số vụ ly hôn tăng vọt sau đại dịch Covid 19 trong giai đoạn cách ly, đặc biệt là Trung Quốc, với những lý do rất đơn giản: Thu nhập giảm, chạm mặt nhau quá nhiều… Từ đó, mâu thuẫn xảy ra và đã đẩy nhiều cuộc hôn nhân xuống vực thẳm (vnexpress.net: Ly hôn tăng vọt sau đại dịch). Những yếu tố
khách quan ngày càng nhiều hơn đã tác động đến tuổi thọ của cuộc sống gia
đình. Cho nên, có rất nhiều người phụ nữ hiện đại hạnh phúc với cách lựa chọn
đời sống độc thân. Vì vậy, “Có bao nhiêu mùa xuân cho người phụ nữ” là tuỳ thuộc vào sự lựa chọn kiểu sống của mỗi cá nhân, như vun vén một gia đình hoặc một cuộc sống tự do. Với tôi, mỗi cái Tết là một mùa xuân, và mỗi ngày đi qua là một ngày xuân nếu ta nghĩ đó là xuân. Melbourne, 7/9/2020 Thu Tuyết Designer:HM |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét