(có những chuyện không thể nào
quên)
“Tôi xin chân thành cảm tạ
những người bạn, người tình đã làm cho tôi nửa đời… thê thảm !” (*)
- Mày tên gì ?
- Lê .…..
- Cấp hàm, chức vụ trong chế độ
“Ngụy”?
… thằng cán bộ công an hỏi liên tiếp
cho dù lý lịch của tôi nó đã biết trước. Hỏi tới đâu tôi trả lời tới đó.
- Tổ chức của mầy tên là gì ?
- …….?!!
- Tao hỏi, tổ chức phản động của mầy
tên gọi là gì?
- Ông gọi tổ chức nào ạ?!
- Giờ nầy còn vờ vịt nữa hả, tao hỏi
tổ chức phản động của mày tên gọi là gì ?
- …….?!!
“bịch”... một báng súng AK47 dộng
thẳng vào lưng khiến tôi nín thở, lảo đảo ngã sấp về phía trước. Cố gượng đứng
dậy nhưng hai mắt tối sầm và thở không được. Tôi cố gắng một lúc đứng dậy thẳng
lưng, hai hàm răng nghiến chặt… căm hờn!
Thằng công an hỏi cung ra lịnh cho một công an khác đưa tôi một ly nước lạnh, tôi cầm ly nước định uống nhưng ly nước vuột khỏi tay rơi xuống đất và tôi ngã lăn xuống đất bất tỉnh.
Khi tỉnh lại thì trời đã khuya, xung
quanh nghe tiếng dế kêu. Tôi cố ngồi dậy, cả người đau nhức vô cùng. Một cơn ho
kéo đến, tôi co rúm người lại chịu đựng một cơn đau khủng khiếp ở vùng lưng.
Một lúc lâu tôi thở được vì cơn đau đã dịu bớt và tôi lần lượt nhớ lại. Sáng
nay, có hai tên công an vào trại gọi tôi đi “làm việc”, bọn công an thường dùng
hai chữ “làm việc” có nghĩa là gọi đi hỏi cung (thẩm vấn).
Những ngày sau đó, tôi không thể đứng lên được mà chỉ bò vì những trận đòn thù của bọn công an. Đôi khi tôi nghĩ có lẽ tôi không thể sống được, thân thể gầy nhom vì nhiều năm không có ai thăm nuôi, thực phẩm trại tù cấp phát cho tôi chỉ có một chén bo-bo với nước muối.
Tôi chỉ có hai mẹ con, Ba tôi vào Sài Gòn để trốn tránh việt minh khi tôi 2 tuổi. Đến năm tôi 10 tuổi thì mẹ con tôi bỏ xứ Huế lặn lội vào nam tìm cha, lúc nầy ông đã già yếu. Vài năm sau thì Cha tôi chết, nhờ có một chút tư trang khi trốn thoát việt minh mẹ con tôi sống lây lất cho đến ngày tôi vào lính. Khi miền nam thở hơi cuối cùng 30/04/75, tôi bị vc bắt vào tù lúc 8 giờ sáng trước khi ông DVM tuyên bố đầu hàng. Vợ con tôi tá túc nhà ông bà ngoại, đứa con lớn nhất mới 9 tuổi và nhỏ nhất là 1 tuổi. Đầu năm 1976, nghĩa là sau ngày mất miền nam chưa được 1 năm thì mẹ tôi chết đói trong bệnh viện (Bà Rịa) vì không ai cho ăn uống gì cả, bệnh viện vc cũng không nuôi bệnh nhân. Và cũng thời gian nầy, những người đi thăm chồng con cùng trại tù với tôi họ xầm xì và tôi cũng hiểu ra rằng… vợ tôi đã không còn là của tôi nữa!
Trong khốn cùng của kẻ “thua trận”, tứ cố vô thân, mẹ chết vợ bỏ và những trận đòn thù của kẻ “chiến thắng”. Trong cơn đau đớn tột cùng của tinh thần và thể xác, tôi bỗng nghĩ đến ông Th. và kêu thầm: “Tổng Thống ơi! ông đang ở đâu, thằng em của ông sao khốn khổ quá… TT. ơi!”.
Năm 1999 tình cờ tôi gặp ông tại nhà người bạn ở Virginia, tôi kể cho ông nghe, ông quay đi nhưng tôi cũng kịp nhận ra hai mắt ông ướt!
Trại tù “Suối Máu” thời VNCH là nơi giam giữ tù binh vc của Quân Khu 3. Sau 30/04/1975 vc dùng để giam giữ Sĩ Quan Quân Lực VNCH mà chúng gọi là “Trại cải tạo”. Trại Suối Máu chứa khoảng mười ngàn người và chia làm 5 khu được đánh số từ K1 đến K5 và có khu nhỏ gọi là Khu bệnh xá. Tôi bị giam ở K3, đêm Giáng Sinh năm 1978 khởi đi từ K1 những người tù ca nhạc Giáng Sinh. Bọn công an vào K1 buộc phải chấm dứt ca hát và bắt đi vài người và vì thế cuộc tranh đấu của K1 đòi công an phải thả người bùng nổ. Khởi đầu ở K1 và lan truyền đi khắp cả 5 khu (từ K1 đến K5). Ban đầu chỉ hát nhạc Giáng Sinh đến khi cuộc đấu tranh bùng nổ anh em ca cả nhạc chính huấn, bọn công an sợ hãi điều động cả trung đoàn xe Tank T54 và lính vc bao vây bên ngoài. Cuộc đấu tranh của tù Suối Máu thắng lợi, công an phải thả người và vài ngày sau hết Lễ Giáng Sinh thì anh em tù cũng trở lại sinh hoạt bình thường.
Chưa đầy một tháng sau ngày tù binh nổi dậy bọn công an trại giam bắt đầu trả thù. Từ K1 đến K5, mỗi ngày họ gọi vài người tù đi “làm việc” và giam luôn. Mấy K khác thì tôi không biết, riêng K3 của tôi thì 4 người bị bắt giam là anh Long “ca-rô” (vì anh chỉ có một chiếc áo ca-rô duy nhất mặc trên người), anh “Hùng Đầu Lâu” ở Sư Đoàn 5BB, anh Trương văn Hai (hiện có trường dạy võ ở Westminster) và Tôi (người viết). Anh Long “ca-rô” bị đánh chết trong lúc công an thẩm vấn, Tôi bị đánh ói máu, còn anh Trương văn Hai và Hùng “Đầu Lâu” vì giam riêng nên tôi không biết.
Chúng giam riêng 4 đứa tôi trong Conex (loại thùng sắt vuông để chứa hàng ở bến tàu). Ban ngày trời nắng nóng như thiêu đốt, ban đêm khoảng 1, 2 giờ sáng lạnh như cắt da. Trên người tôi chỉ mặc duy nhất một chiếc xà-lỏn (quần cụt), thùng sắt không có lỗ thông hơi nên bị ngộp thở, không mền, không chiếu lần mò trong đêm tối, tôi sờ tay nơi một cạnh của Conex biết được nơi nầy bị rỉ sét, dùng gót chân đạp mạnh cả trăm lần và dùng tay cố gắng đến chảy cả máu mới bẻ được một lỗ trống chừng 2 ngón tay và tôi nằm úp mặt vào lỗ thủng đó để thở, cứ thế lỗ thủng nầy bị bẻ lớn dần được bằng 3 ngón tay. Vài ngày bị dẫn đi hỏi cung một lần, riêng anh em khác tôi không biết chứ cá nhân tôi thì đâu có tổ chức nào sai khiến tôi, chỉ là hành động tự phát. Tôi di tản từ Bình Tuy khi Tỉnh nầy bị vc chiếm đêm 23 rạng sáng 24 tháng 04 năm 1975 về đến được Vũng Tàu, và bị vc bắt lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975, khi Ông DVM chưa tuyên bố đầu hàng. Ban đầu vc giam tôi ở Long Khánh, vài tháng sau chúng chuyển đến trại Hố Nai trước kia là trại gia binh của Liên Đoàn 5/BĐQ, tôi dự tính trốn trại nhưng chưa kịp thực hiện thì lại bị vc chuyển về Suối Máu. Hơn 3 năm ở tù, ngày nào cũng hy vọng được thả, rồi từ ủy ban Quân Quản lại chuyển giao cho công an thuộc Bộ Nội Vụ để trở thành người tù chính thức của cộng sản, đó cũng là lý do sâu xa để anh em tù “cải tạo” ở Suối Máu trong đó có tôi nổi dậy.
Một hôm anh em tù đi lao động về ngang chỗ Conex nơi tôi bị giam, cho tôi biết là anh Long ca-rô bị công an đánh chết khi hỏi cung. Trong thùng sắt, khi nghe tin bạn mình bị đánh chết hai tay tôi nắm chặt, mắt long lên sòng sọc muốn ứa máu nhưng đành xuôi tay bất lực... tôi nghĩ, nếu bị chúng tiếp tục tra tấn tôi sẽ tìm cách chết chung với bọn nầy trước khi bị bọn chúng giết. Cạnh bên phòng hỏi cung là phòng ngủ của bọn vệ binh vc, vách ngăn bằng lá buông có nhiều lỗ thủng lớn tôi thấy vài khẩu AK47 và lựu đạn treo lủng lẳng trên vách, tôi dự định hôm nào bị đưa đi hỏi cung, nếu bị chúng tra tấn thừa lúc bất ngờ nhất tôi phóng mình qua vách phênh chụp súng và lựu đạn chơi với tụi nó tới đâu thì tới.
Trong lòng đã quyết, tâm hồn bỗng trở nên thanh thản vô cùng. Tôi nằm xuống cố gắng ngủ một giấc… rồi hình ảnh mẹ, vợ con ập đến thật nhanh, những hình ảnh thân thương đó cứ chập chờn trước mặt… rồi biết đâu ngày mai, ngày kia tôi sẽ rời xa vĩnh viễn. Nước mắt tôi bỗng dưng trào ra, cổ họng nghẹn đắng…!
Buổi sáng hôm sau, rồi hôm sau nữa, rồi cả tuần đều yên tĩnh, không thấy công an dẫn tôi đi hỏi cung. Tuần kế tiếp, khoảng hơn 9 giờ sáng có tiếng lách cách của tiếng chìa khóa rồi cửa thùng giam tôi mở ra, ý nghĩ thoáng trong đầu, hôm nay tụi nó giở trò tra tấn tôi sẽ liều chết với tụi nó. Một tên công an ốm, cao mặt có vẽ “hiền lành” đưa tôi xấp giấy đánh máy sẵn, hắn bảo tôi xem rồi ký vào (?). Hoá ra là giấy thả tôi ra khỏi thùng Conex nơi giam tôi ba tháng nay và nội dung là tôi phải cam kết là được đối xử tử tế khi hỏi cung (không đề cập gì đến chuyện giam tôi trong thùng sắt). Ban đầu tôi định không chịu ký, nhưng tôi nghĩ để cho nó thả mình vào trại rồi… muốn hành động gì phải hỏi ý kiến anh em trước đã. Đến trưa thì thùng Conex mở cửa lần nữa và tên công an dặn, “vào trong trại không được nói với bất cứ ai thời gian tôi bị giam và bị hỏi cung kể cả bị đánh hộc máu” nếu tiết lộ tôi sẽ phải trở ra ở “khách sạn”conex trở lại!
Tôi được thả ra từ thùng sắt để vào lại trong trại. Khoảng gần 2 tháng sau. Một buổi sáng, tôi và anh Trương Văn Hai bị gọi ra cổng mang theo tư trang để chuyển trại, trên xe chật ních và phủ bạt kín mít. Khi mắt quen dần với bóng tối, tôi thấy có mặt anh Hùng đầu lâu. Xe chạy độ chừng 2 giờ thì đến nơi, khi tấm mui xe được vén lên, cửa sau mở chúng tôi lần lượt xuống mới biết nơi đây là nhà tù Chí Hòa.
Chúng tôi lần lượt từng toán nhỏ 2 hoặc 3 người do bọn lính vc đưa vào khu xà-lim ED, mỗi người bị giam riêng từng phòng nhỏ dài 3m ngang 2m và cao hơn 3m. Cánh cửa bề dày khoảng 10cm đóng ập lại, trong phòng tối om phải 10 phút sau con mắt mới quen được với bóng tối. Trên cao gần trần nhà có chỗ thông hơi chiều dài độ 2m và chiều cao độ một gang tay (15cm) với song sắt to bằng ngón chưn cái, bên ngoài chằng chịt kẽm gai và mái che mưa cong vòng xuống che khuất tầm nhìn.
Mỗi ngày tôi được cấp phát một thùng nước 20 lít dùng để tắm rửa, dội cầu và 2 bữa ăn bằng bo-bo với nước muối. Cứ vài ngày vào lúc nửa đêm thì bị dẫn đi hỏi cung một lần, thật tình mà nói tôi không tham gia một tổ chức nào hết như bọn công an nghĩ. Bọn chúng dụ dỗ cũng có, đánh đập cũng có tôi đều trả lời không biết, bọn công an nhà tù Chí Hòa chuyên nghiệp hơn trại tù Suối Máu, chúng dùng cây Ba-Trắc loại gậy sắt có bọc cao su cứ nhè phần trên của lưng mà đánh, mỗi một gậy quất vào lưng làm tôi nín thở cả vùng phổi bị chấn động mạnh không thở được. Tuy chưa đến nỗi bị ngất xỉu tôi cũng giả vờ xỉu luôn và bọn chúng đưa tôi trả lại xà lim, bằng cách nào đó bọn chúng biết tôi nguyên gốc là Sĩ Quan Tình Báo vì thế chúng gán cho tôi cái tội làm CIA cho Mỹ nên bọn nó cố gắng khai thác tôi bằng những trận đòn thù như đã nêu trên.
Nơi tôi bị giam nằm ở lầu 2 khu ED
của nhà tù Chí Hòa gồm có 2 dãy, mỗi dãy chừng 5 hoặc 6 phòng đôi mặt lại với
nhau. Tôi bị giam ở phòng đầu tiên bên trái, phòng nầy hình như trước kia không
biết tự lúc nào là phòng giam tử tội trước khi bị hành quyết. Trên vách tường
chi chít những hàng chữ bằng viết hoặc bằng vật cứng khắc vào vách những lời
trăn trối của những người sắp chết. Mới đầu tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ bị hành
quyết, mấy ngày đầu tôi cũng bị hoang mang nhưng suy cho cùng tôi không làm gì
để phải bị hành quyết ngoại trừ “tội” đánh “ăn-ten” là loại người cũng là tù
lại rình mò nghe ai nói gì đó rồi báo lại cho công an biết để lập công với hy
vọng được công an cho về sớm! Và rồi, tôi bất cần tới đâu thì tới. Nằm trong
tay cộng sản thì không chết trước cũng chết sau và tôi cảm thấy bình thản đến
lạ lùng. Một hôm đang dò tìm tên người được viết trên vách tôi bỗng giật mình,
tôi cố nhìn lại cho rõ: “Bích Trâm”, tôi sững người hồi lâu miệng cứ gọi khẽ… Bích
Trâm… Bích Trâm!
***
Vừa gắn Alpha cho khóa đàn em xong
thì thằng Tuấn rủ tôi xuống Câu Lạc Bộ “Diệm Song” uống cà phê. Tôi ở đại đội 4
còn nó thì đại đội 7 nhưng nghỉ phép thì cùng một ngày thứ Bảy hoặc Chủ Nhật
giống nhau. Nó nói:
- Kỳ nghỉ phép tới,
đúng 12 giờ trưa… mầy ghé nhà tao chơi, có chuyện nầy hay lắm tao muốn nói với
mầy. Tôi hỏi:
- Chuyện gì mà hay dữ vậy,
nói bây giờ được không?
Nó lắc đầu bảo là “bí mật quân sự”. Và, ngày phép đó đúng giờ tôi đến… thì ra là ngày Sinh Nhật của Hồng Thúy em gái nó, năm nay vừa 18 tuổi.
Ngoại trừ người trong gia đình, đa số khách mời toàn là bạn bè của cô em và dĩ nhiên là con gái, trong số đó có một cô tên là Bích Trâm.
Tôi quen Bích Trâm trong trường hợp đó, cứ mỗi lần về phép là tôi dành một buổi đi chơi với em, cũng chỉ quanh quẩn Saigon như chợ Bến Thành, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ v..v… Qua bạn tôi, Tuấn cho tôi biết gia đình Bích Trâm rất giàu (điều nầy đã làm tôi mơ hồ nhận ra giữa em và tôi hình như có một khoảng cách... nào đó). Nàng đã từng thố lộ với em gái của Tuấn là nàng thương tôi và tôi cũng…!
Gần đến ngày ra trường, tôi nhờ Tuấn chuyển đến Bích Trâm giấy mời nàng đến dự lễ mãn khóa. Gởi đi rồi bỗng nhiên tôi mong Bích Trâm đừng đến. Mấy tuần gần đây những ngày phép tôi về không gặp được em… Bích Trâm bảo là có “chuyện gia đình” nàng hẹn tôi dịp khác. Qua em gái của Tuấn, gia đình của Bích Trâm đã biết chuyện hai đứa tôi quen nhau và ra sức ngăn cản. Không phải vì tôi nghèo mà vì… tuy không nói ra nhưng tôi cũng biết, ba mẹ Bích Trâm không muốn con gái họ trở thành “góa phụ” khi tuổi còn xanh. Thoạt đầu tôi bất mãn nhưng nghĩ cho cùng ba mẹ Bích Trâm hoàn toàn đúng, họ phải bảo vệ con gái của họ, ngay cả khi tôi biết Bích Trâm là con nhà giàu tôi cũng đã muốn “rút lui”.
Ngày mãn khóa, có một cặp tình nhân trẻ không ai nói với ai câu nào ngoại trừ những câu chào hỏi với nhau ban đầu, người con gái cứ khóc rấm rức trong vòng tay người lính trẻ.
Những người đi theo Bích Trâm đứng xa xa, trong đó hình như có mẹ của nàng và bà cũng… đang khóc! Tôi bước đến cúi đầu thật sâu chào ba mẹ của em và cười với những người khác trong gia đình nàng. Sau đó tôi cầm tay Bích Trâm đặt nhẹ vào tay mẹ nàng và chúc mọi người thượng lộ bình an, đêm nay có một giấc ngủ thật ngon. Tôi nói nhỏ vào tai em: “nín đi em, hãy nghe lời anh đừng để mẹ buồn, nếu em tin vào sự huyền bí của tạo hóa thì anh hứa là chúng mình sẽ gặp lại ở kiếp sau,… vĩnh biệt em!”. Tôi quay bước vì nếu còn nấn ná thì… tôi không thể nào rời xa em được!!!
Một năm sau từ ngày tôi và Bích Trâm chia tay, tôi bị thương đáng lý ra được đưa về Tổng Y Viện Cọng Hòa nhưng vì vết thương không nặng lắm nên họ bỏ tôi xuống bệnh viện Đại Hàn ở Vũng Tàu để còn kịp quay lại Xuyên Mộc vì nơi đó còn nhiều thương binh cần tải thương.
Tôi quen Hồng Nhung, nàng là y tá săn sóc vết thương cho tôi đêm đó. Tôi hy vọng Hồng Nhung sẽ giúp tôi quên được chuyện cũ, từ mối tình học trò với Phượng 1959 nơi phố biển Vũng Tàu rồi tôi phải theo ông Chú nhà binh xuống tận Cà Mau, phương tiện liên lạc với nhau duy nhất bằng thư, đôi khi muốn viết thư nhưng sợ gia đình Phượng biết. Mãi đến đầu năm 1963 khi bước chân vào quân trường Thủ Đức tôi mới dám viết thư cho nàng, sau hơn một tháng chờ đợi trong hy vọng thì nhận được hồi âm của Phượng. Tôi vội mở thư ra xem mà lòng mừng vui biết mấy… nhưng chỉ vài giây sau đó thì vùng đất dưới chân tôi hoàn toàn sụp đổ… hết rồi, hết thật rồi!
Tấm thiệp cưới báo tin Phượng lấy chồng run lên từng hồi trong tay tôi, cuối tấm thiệp Phượng viết thêm: “Phượng lấy chồng… Phi có buồn lắm không!”, tiếng cười như quỉ rú của tôi lúc 5 giờ sáng giữa sân đại đội khi đang tập họp súng đạn ra bãi tập làm Sĩ Quan cán bộ trung đội hốt hoảng, ra lịnh cho mấy người đứng cạnh ôm chặt tôi lại… vài phút sau một chiếc Ambulance thắng gấp và hai anh quân y dìu tôi lên xe về bệnh xá!!!
Vừa làm lễ gắn Alpha cho khóa đàn em xong thì chúng tôi được lên Huynh Trưởng Alpha được thêm một gạch, Tuấn… thằng bạn cùng khóa thân nhất của tôi và cô em gái Hồng Thúy của nó thấy tôi có vẻ khùng khùng điên điên, đôi khi lảm nhảm gì đó một mình nên bàn với nhau… và, thế là tôi quen với Bích Trâm. Từ khi bắt đầu học giai đoạn 2 tôi quen Bích Trâm đến ngày chia tay em chừng 5 tháng đúng dịp lễ mãn khóa -“Đầu xuân mình quen nhau, cuối hè thì… giã từ”(nhạc Trần Thiện Thanh). Đang phục vụ trong ngành Quân Báo tương đối an toàn, tôi làm đơn xin ra đánh giặc bất cứ ở đâu… Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu cho người xuống điều tra xem tôi có bị chèn ép hay bất mãn điều gì không, tôi phải ký giấy xác nhận là tôi hoàn toàn tự nguyện.
Định mệnh, hai tiếng nầy tôi đã từng nghe qua nhưng cũng không để ý đến nó cho đến khi… Những ngày tháng nằm dưỡng thương ở bệnh viện Đại Hàn Vũng Tàu tôi quen Hồng Nhung, chắc chắn tôi sẽ không quen nàng và cũng không muốn làm quen nếu như nàng không có nhiều nét giống Phượng ngày xưa của tôi. Sau một năm chúng tôi trở thành của nhau và đi đến quyết định hôn nhân, và ngày cưới của chúng tôi là ngày tôi quỳ trước mộ nàng ở nghĩa trang Tân Sơn Nhì Sài Gòn! Hồng Nhung bị vc sát hại khi nàng ra tay cứu giúp hai anh lính bị thương trong lúc đụng độ với cộng quân tại ấp Quán Chim thuộc Quận Long Thành trong lúc nàng Từ Vũng Tàu về Sài Gòn để gặp tôi.
Cô em kế của Hồng Nhung là Hồng Gấm càng lớn càng xinh đẹp và giống chị như khuôn đúc. Mỗi lần về Sài Gòn để thăm mộ Hồng Nhung, hai anh em tôi thường chở nhau trên chiếc Velo Solex của Hồng Gấm và sau đó thì về Dakao ghé Mì Cây Nhãn. Định mệnh lại đeo đuổi tôi, tôi nhận ra Hồng Gấm yêu tôi và tôi cũng yêu em không biết tự bao giờ. Gần Hồng Gấm đôi khi tôi ngở đó là Hồng Nhung, như thế, tôi không mất Hồng Nhung, nàng vẫn hiện hữu bên đời tôi như một định mệnh an bài cho đến khi…
Mẹ Hồng Gấm bị ung thư máu, tin như sét đánh. Gia đình em còn chỉ hai người, chị Hai dạy học chồng chị Hai làm thư ký cho một hãng tư, lương hai vợ chồng đủ sống. Hồng Gấm còn đi học làm sao có tiền để chạy chữa thuốc thang cho mẹ. Tôi điếng người, góp phần để cứu nước thì tôi làm được nhưng góp phần chỉ để cứu một người mà người đó là mẹ của người mình yêu và cũng sẽ là mẹ của tôi trong tương lai thì tôi hoàn toàn bất lực. Tôi đâu ngờ định mệnh lại ác độc như vậy, đã cướp của gia đình nầy và cũng là của tôi một người và bây giờ lại không buông tha.
Hồng Gấm có cô bạn học, Ba của cô bạn là nhà giàu, rất giàu, anh của cô bạn nầy là một dược sĩ sắp ra trường. Ông dược sĩ tương lai nầy đã đem lòng nhớ thương Hồng Gấm, đã gạ ý mấy lần nhưng Hồng Gấm từ chối khéo vì trong lòng nàng đã mang nặng hình bóng một người lính chiến, người lính nầy không giàu và cũng chẳng đẹp trai nhưng có đôi tay rắn chắc luôn ôm ghì tay súng nơi biên thùy xa để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Bây giờ thì mộng mơ, lý tưởng của một người con gái sắp bước vào đời không còn nữa. Nàng đang đối diện với thực tế của cuộc đời, chỉ cần gật đầu trước lời cầu hôn của người dược sĩ đó thì gia đình họ sẽ cam kết bỏ tiền ra chữa bệnh cho mẹ nàng cho đến khi lành hẳn.
Hồng Gấm đã khóc nhiều lần và nhiều ngày đến nỗi không còn nước mắt để mà… khóc. Hồng Gấm ơi, nước mắt không giúp được gì em trong lúc nầy, nước mắt không cứu được bệnh nan y của mẹ em. Lúc nầy là lúc em đem lòng hiếu thảo để đền đáp ơn nghĩa sanh thành.
***
Phượng rồi Bích Trâm, Hồng Nhung rồi Hồng Gấm những hình ảnh đó tôi muốn xóa đi giây lát để đầu óc thảnh thơi đôi chút nhưng sao nó cứ mãi hiện hữu như một ám ảnh siêu hình.
Mẹ tôi thường bảo: “Má ước gì con có vợ rồi có cháu nội cho má ẵm, để những khi con vắng nhà… má nhìn thấy cháu nội cũng như… nhìn thấy con!”
Vâng lời mẹ, tưởng như vậy là đã yên thân, tưởng như vậy là đã phần nào báo đáp ơn nghĩa sinh thành, nhưng định mệnh ác độc lại đuổi theo tôi đến tận cùng.
Sau ngày bi thảm của lịch sử 30 tháng 04 năm 1975 rồi tiếp theo sau chừng một năm, chỉ chừng một năm thôi. Tôi bị kẻ cướp nước nhục mạ, đánh đập đến ứa máu thừa chết thiếu sống nhiều lần như thế, và cũng chỉ chừng một năm thôi Mẹ tôi bị bỏ đói chết trong bệnh viện! …, với tôi TÌNH, THÙ đều RỰC RỠ ngang nhau!!!
“Tôi chắp tay xin lạy tôi, lạy
người đời,
Lạy bạn bè, lạy em đã lừa
dối.
Tôi xin lạy cơn đau, đi trên
vực sâu…
Nghe buồn gì đâu, chưa
tỏ tình đã nói xa nhau!”(*)
ĐK: - “Khơi thêm đau vết
thương đời mang,
Nhớ yêu đương nỗi nhớ bàng
hoàng.
Bạn thân ngoảnh mặt, người
yêu xa dấu tay ôm.
Lạy người cho tôi biết buồn, nên ơn sâu đã thành oán hờn!”(*)
Lê Phi Ô
(*) nhạc Trúc Phương - CHẮP TAY LẠY NGƯỜI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét