Hồi ký này tôi viết từ rất lâu, nhưng chưa từng phổ biến vì nhiều lý do. Nay, sau 50 năm nó không còn tính thời sự nữa, tôi xem lại, sửa chữa những sai sót và cho phổ biến như là một tài liệu mà tôi là chứng nhân. Tôi không phải là văn sĩ, cũng không là ký giả viết phóng sự nên văn vẻ võ biền, luộm thuộm, xin mọi người niệm tình tha thứ. Tôi cam đoan viết lại những điều mắt thấy tai nghe, mốc thời gian được ghi lại cẩn thận qua kinh nghiêm viết nhật ký hành quân khi còn làm ban ba tiểu đoàn tác chiến.
Để mở đầu, trước tiên tôi xin giới thiệu cái “Tôi” đáng ghét ở đây, đó là điều bất đắc dĩ, vì cái "tôi” là nhân vật chính, là một chứng nhân kể lại những gì đã xảy ra, trong hồi ký này, và để người đọc biết được cơ duyên nào tôi có mặt tại đó.
Sau vụ Tết Mậu Thân, Niềm Nam ban hành lệnh tổng động viên, tôi bị gọi nhập ngũ vào trường Thủ Đức vào đầu năm 1969. Môi trường quân đội không thích hợp với cá tính phóng khoáng bất cần của tôi. Ngay trong thời gian thụ huấn tại quân trường, tôi đã nhiều lần vi phạm kỷ luật, trốn học bằng nhiều hình thức, chui rào ra ngoài khi cấm trại, đã từng bị giam trong nhà kỷ luật. Thế nhưng, tôi vẫn ra trường với hạng cuối bảng. Có lẽ vì quân đội cần sĩ quan nên không nỡ đánh rớt. Tôi không có quyền lựa chọn đơn vị, vì là ngưới cuối cùng, chỗ trống còn lại duy nhất là sư đoàn 22 Bộ Binh, bản doanh đóng tại Bà Di cách thị Xã Quy Nhơn khoảng 20 cây số. Tôi là lính tác chiến ở sư đoàn này, từ chức vụ khởi đầu là trung đội trưởng, đại đội phó, đại đội trưởng lên đến trưởng ban ba tiểu đoàn, tham dự rất nhiều chiến trận với hai lần bị thương, thắng cũng có và thua cũng có, lần thua lớn nhất là vào mùa hè đỏ lửa tháng Tư 1972 tại Tân Cảnh Dakto. Tư Lệnh Sư Đoàn, Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng của tôi đều tử trận, tôi trốn chạy 5 ngày trong rừng mới về được KonTum, nhập vào lực lượng phòng thủ. Bắc quân trên đà thắng thế tiến chiếm Kontum. Tuy nhiên, nhờ sức kháng cự mãnh liệt của các đơn vị phòng thủ mà Kontum vẫn vững vàng. Sau nhiều đợt tấn công vũ bão, cuối cùng Bắc quân đành chào thua, rút lui. Sau Hiệp định Paris, tôi được thuyên chuyển về Sư Đoàn 23 Bộ Binh, bản doanh đặt tại Ban Mê Thuột. Quân Trấn Ban Mê Thuột đang cần một người có kinh nghiêm tham mưu tác chiến để nắm chức vụ sĩ quan điều hành. Quân Trấn Trưởng lại là Tướng Tư Lệnh sư đoàn nên may mắn thay, tôi được chỉ định nắm chức vụ đó, một phần cũng vì đã bị thương nhiều lần, một phần vì tôi đã từng giữ chức Trưởng Ban 3 . Tôi làm việc ở đây cho đến ngày bị bắt làm tù binh.
Mấy ngày trước khi Cộng Quân đánh vào Ban Mê Thuột, tôi có sự vụ lệnh đi Nha Trang, theo trát đòi làm nhân chứng tại tòa án Quân sự vùng Hai trong một vụ xử về buôn bán ma túy, do quân trấn bắt. Xin phương tiện máy bay đi Nha Trang rất khó khăn, mà đường bộ lại bị cộng quân đánh phá không đi được, cho nên vẫn nấn ná ở nhà chờ phương tiện di chuyển.
Trận đánh Thị Xã Ban Mê Thuột, là bước khởi đầu dẫn đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Tương quan lực lượng của hai bên, tôi lấy từ nhiều nguồn đáng tin cậy như sau:
Phía Bắc Quân:
- Sư Đoàn F10
- Sư Đoàn 316
- Trung Đoàn 95B
- Trung Đoàn 968 Đặc Công
- Trung Đoàn 273 Xe Tăng
- 2 Trung đoàn pháo binh và phòng không
Phía Việt Nam Cộng Hòa:
- Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, với hai đại đội phòng thủ.
- Hậu cứ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân.
- Hậu cứ Thiết Đoàn 8 Kỵ Binh.
- Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac, chỉ có Tiểu Đoàn 204 Địa Phương Quân,
- Ty Cảnh Sát Quốc Gia, có Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến, cảnh sát áo trắng và Cuộc Cảnh Sát thị xã.
- Doanh trại của các đơn vị hành chánh, yểm trợ đóng quanh thị xã.
Diễn tiến trận đánh.
Địch làm kế nghi binh như là sắp sửa đánh Pleiku khiến Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn Hai, đưa toàn bộ lực lượng chủ lực của Ban Mê Thuột ở lại giữ Pleiku. Ban Mê thuột bị bỏ ngỏ nên địch đánh chiếm một cách dễ dàng, hầu như không có sự kháng cự nào đáng kể.
2 giờ 20 sáng ngày Chủ Nhật, 10 tháng 3 năm 1975, cộng quân bắt đầu thực hiện trận mưa pháo vào thị Xã và các đơn vị trú phòng tại Ban Mê Thuột.
Bốn giờ sáng, đặc công VC đột nhập tấn công phi trường L19 và đài kiểm báo Pyramid, sau đó chiến xa T-54 và bộ binh chia làm nhiều mũi tấn công kho đạn Mai Hắc Đế, Hậu cứ Thiết Đoàn 8, Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận. Tất cả đều thất thủ sau thời gian ngắn chống cự. Riêng phi trường L19 với đài kiểm báo cầm cự đến 6 giờ 30 sáng.
Từ 9 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, các mũi tiến quân của cộng quân từ hướng Bắc và hướng Tây Bắc đã tràn vào trung tâm thành phố và tập trung nỗ lực tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nằm trên đại lộ Thống Nhất. Bộ đội và chiến xa T-54 của cộng quân từ khuôn viên nhà thờ chính tòa tràn qua ngã Năm, chiếm Câu Lạc Bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, nằm trên Ngã Ba đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi. Lực lượng phòng vệ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phản công quyết liệt. Một chiếc T-54 của cộng quân bị bắn cháy. Tuy nhiên với hỏa lực quá mạnh của chiến xa T54 và quân số áp đảo của địch, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phải rút khỏi vị trí lúc 14 giờ 20 bằng lối sau để bảo toàn lực lượng. Như vậy, đến cuối ngày 10 tháng 3, thị xã Ban Mê Thuột chỉ còn duy nhất Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 chưa bị địch tấn công.
6 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 3 năm 1975, cộng quân đã bố trí xong lực lượng thắt chặt vòng vây hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh, và thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly trang bị trên chiến xa T-54, bắn trực xạ, đại bác 130 ly, hỏa tiễn 122 ly từ hướng Bandon dồn dập đổ xuống Bộ Tư Lệnh Sư đoàn. 10 giờ 10 phút, một phi vụ A-37 của Không Quân thả bom nhầm vào Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Mọi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị phá hủy.
10 giờ 30 sáng ngày 11 tháng 3 năm 1975, một đoạn hệ thống công sự ở mặt Tây và Nam Bộ Tư Lệnh đã bị chọc thủng. Cộng quân và chiến xa tràn vào hậu cứ Sư đoàn 23 Bộ Binh, Đại tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư đoàn, Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Đắc Lắc đều bị bắt sau đó.
Thị xã Ban Mê Thuột đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng Quân từ trưa ngày 11 tháng 3 năm 1975. Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh là đơn vị cuối cùng rút khỏi thị xã.
Câu chuyện tù binh của tôi bắt đầu từ đây.
3 giờ sáng ngày Chủ Nhật, Việt Cộng bắt đầu pháo kích đủ loại vào thành phố. Tôi tỉnh dậy, vội vàng giục cả nhà nhanh chạy xuống lầu, nhà ở góc đường Quang Trung và Nguyễn Tri Phương tôi thuê trên lầu, ẩn núp dưới hồ chứa nước có 6 chân xây cao bằng bê-tông. Tiếng đạn rít trên đầu, nổ vang khắp nơi, gần có, xa có, nhiều lắm đếm không xuể. May mắn không có trái nào rơi gần chỗ chúng tôi đang ẩn núp.
Khoảng 5 giờ sáng, bắt đầu nghe tiếng súng nhỏ dồn dã nổ vài nơi: hướng bắc, khu vực phi trường L19 gần trung tâm thành phố, hướng tây nam, nơi có kho đạn Mai Hắc Đế lửa cháy sáng rực cả một góc trời. Trời còn mờ sáng, tiếng súng tạm yên, không còn pháo kích và tiếng súng giao tranh. Gia đình cùng những người hàng xóm rời nơi ẩn núp trở lại nhà.
Thấy đã yên, tôi vội vã rời nhà ra ngoài xem phố xá và tình hình ra sao. Trước tiên, tôi chạy thẳng lên trụ sở xã Lạc Giao, là xã trung tâm của Ban Mê Thuột, nơi đây có phân chi khu xã. Gặp Đại úy phân chi khu trưởng, tôi và ông thường phối hợp làm việc với Quân Trấn nên quen biết nhau. Tôi hỏi ông ta tình hình thế nào trong đêm, được trả lời là địch chỉ pháo kích khắp nơi, một số rơi vào chợ gây ra đám cháy không đến nỗi nào.
Tôi lại hỏi, "Sao có tiếng súng giao tranh ở phía phi trường L19.” (phi trường L19 cách trụ sở xã khoảng trên cây số thôi) Ông nói, "Ôi, mấy đứa Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ chúng nó lợi dụng lúc pháo kích, bắn loạn xạ chứ tôi không thấy có báo cáo gì, tình hình vẫn yên ổn."
Phân chi khu là một ban ngành của xã trông coi về quân sự, trực thuộc chi khu, tức là quận Ban Mê Thuột. Quận cách thị xã cỡ 7 cây số nên phân chi khu chỉ ngồi chơi, chẳng có việc gì làm ngoài trông coi đám Nhân Dân Tự Vệ. Không yên tâm, tôi rẽ qua Cuộc Cảnh Sát thị xã, cũng nằm gần đó, chỉ cách mấy block đường. Tới nơi, tôi gặp một số anh em Cảnh Sát đang nhốn nháo ở cổng phía trước, có người bị thương. Thấy tôi, họ hỏi, “Trời đất ơi, giờ này ông còn mặc ‘sơ-vin’ đi đâu đây? Việt Cộng vào đến ngã năm rồi, chúng tôi chưa biết phải rút ra đường nào.”
Tôi hỏi lại, “Đại Úy Trưởng Cuộc đâu?”
“Đại úy được lệnh dẫn một số anh em về Bộ Chỉ Huy Ty Cảnh Sát rồi, chúng tôi chỉ còn một số ít ở lại để giữ đồn, đồn bị trúng quả đạn pháo kích làm một số anh em bị thương,” họ trả lời.
Nhìn vào đồn, xe gắn máy của nhân viên Cảnh Sát nằm ngổn ngang, đạn pháo kích đào một lỗ trong sân, lỗ chỗ vết mảnh đạn trên tường phía trước.
Tôi hỏi, “Thế mấy phòng tạm giam còn có ai không?”
Họ nói, “Sau khi đồn bị trúng đạn pháo kích, nên thả ra hết rồi, cũng chỉ có vài người.”
Tôi chỉ họ tạm thời dìu mấy anh em bị thương vào tá túc trong nhà thờ Tin Lành trên đường Tôn Thất Thuyết gần đó, nơi có người chăm sóc vết thương, rồi vội vàng rời Cuộc Cảnh Sát về nhà.
Về gần đến nhà, tôi lại gặp ông Đại Úy Phân Chi Khu, dẫn mấy người lính của ông ta đang loay hoay tìm đường rút. Tôi hỏi “kháy” ông ta, “Sao, bảo tình hình không có gì lại chạy ra đây?”
“Khổ quá, Việt Cộng pháo kích đứt đường dây điện thoại nên có ai liên lạc với mình đâu,” ông ta trả lời.
Tôi cũng ngán ngẩm kiểu làm việc của mấy ông quan, con ông cháu cha này. Tôi bước vội vào nhà, mấy đứa em bu lại hỏi, tôi nói là tình hình không ổn, Việt Cộng vào tới nơi rồi, bảo chúng ở nhà lo nấu cơm, ăn cho chắc bụng. Nếu phải chạy vì hai bên giao tranh, trước mắt là không bị đói để tôi tìm đường vào đơn vị xem sao.
Tôi đang loay hoay suy nghĩ đi đường nào vào đơn vị, chợt nghe tiếng xích sắt bánh xe tăng, nhìn qua cửa sổ, trời đã sáng rõ, lù lù một chiếc tăng T54, treo cờ xanh đỏ của Mặt Trận Giả Phóng đang tiến đến ngã tư gần nhà tôi, kèm theo rất đông lính bộ binh, chạy lúp xúp, tỏa ra chiếm giữ dãy phố hai bên đường. VC đã vào thị xã từ hướng chùa Khải Đoan và hướng đường Hoàng Diệu. Rõ ràng, Việt Cộng đã chiếm đến rìa thị xã mà không gặp phải sự kháng cự nào. Một lúc sau, thấy một vài người lính phe mình, mặc quân phục không mang vũ khí, dáng vẻ mệt mỏi, quần áo lấm lem, không rõ từ đâu tới, đi qua khu vực tôi ở mà không gặp cản trở nào từ bọn Việt Cộng.
Thấy vậy, tôi mạnh dạn rời nhà kiếm đường vào đơn vị. Với quần áo thường phục, tôi đi ngang qua nhóm lính Việt Cộng đang ẩn nấp bên bờ tường đối diện đường. Họ chỉ quan sát mà không có hành động gì.
Tôi tiếp tục dọc đường Quang Trung đi về phía chợ, đến ngã tư nơi trụ sở Cuộc Cảnh Sát. Việt Cộng đã chiếm hết khu vực này. Trong sân Cuộc Cảnh Sát, đám lính Việt Cộng đang tập cưỡi xe gắn máy của nhân viên Cảnh Sát bỏ lại. Mấy tên bị té xe đổ nhào mà máy xe vẫn còn nổ. Thấy tôi đi ngang qua, đám Việt Cộng nói rặc giọng Bắc, nhờ tôi chỉ cách xử dụng. Tôi đến một anh đang ngồi trên chiếc xe Honda Dame, chỉ anh ta cách chạy. Còn mấy chiếc Honda loại 67,68, tôi nói họ không thể chạy được, phải cần qua một khóa huấn luyện, tôi không hiểu tại sao xe vẫn còn chìa khóa? Cưỡi được xe, họ trông có vẻ thích thú, vỗ tay tán thưởng lẫn nhau. Họ vui vẻ cười đùa cứ như ở nơi yên bình, không thấy gì là chiến tranh cả. Có lẽ họ lạc quan vì chiếm được thị xã quá dễ dàng.
Tôi vội vàng rời đám Việt Cộng sau khi chỉ một vài anh chạy xe. Tôi nghĩ dây dưa với bọn này, nó cắc cớ hỏi mình thì dễ bị tóm lắm. Đi thêm một lúc nữa, hướng về phía chợ, lác đác đã thấy dân chúng ra đường xem tình hình. Tụi Việt Cộng vẫn qua lại, có vẻ bình thản.
Đang loay hoay kiếm đường, bất chợt nghe tiếng tu huýt. Một tên mặc thường phục, với băng đỏ trên cánh tay trái, vai đeo súng M16, đang thổi còi, chỉ chỏ đuổi người dân về nhà. Thấy hắn quen quen, đúng rồi, tên này là lính Quân Sản Tạo Tác (thuộc công binh), thỉnh thoảng được biệt phái qua quân trấn trong đội tuần tiễu an ninh, bọn nằm vùng đây! May mà nó không thấy tôi, tôi vội quay lại đi đường khác.
Đi một đoạn nữa lại gặp một tên đeo băng đỏ khác, hắn hỏi tôi đi đâu và đuổi tôi trở về nhà. Hắn nói, “Vì tình hình chưa ổn định, địch tuy rút chạy nhưng có thể trà trộn đánh trả quân giải phóng, mọi người phải trở về nhà.” Tôi muốn văng tục vào cái quân Giải Phóng nhưng e khẩu súng trong tay nó nên lặng lẽ quay trở về nhà.
Giờ đây, tôi thật sự lo sợ, kiếm đường nào cũng bị xua đuổi về, loanh quanh rồi thế nào cũng bị Việt Cộng bắt. Về gần tới nhà, tụi lính Bắc Quân tôi gặp trước đây lúc tôi ra khỏi nhà, nay cũng tham gia vào việc xua đuổi dân chúng.
Tôi nghe tiếng loa phát thanh, tự nhận là ban Quân Quản, kêu gọi dân chúng không nên ra đường. Đó là lời cảnh báo cho chính bản thân tôi rằng, họ sẽ truy lùng tìm bắt những lính “Ngụy” như tôi.
Không đi được, tôi suy nghĩ tìm cách khác để trốn khỏi nơi đây. Hay là đợi đến tối mình có thể dùng lối hẻm đằng sau những dãy nhà, thoát ra suối Đốc Học, len lỏi ra vùng ngoại ô tới vườn cà phê Thái Quang Hoàng, lẩn trốn trong đó tìm thời cơ.
Đến khoảng 11 giờ, có tiếng máy bay. Hai chiếc phản lực A-37 đang nhào lộn trên bầu trời. Phòng không đủ loại bắn lên như mưa. Tôi và mấy đứa em chạy xuống nhà, lại chui dưới gầm bể nước, nơi đó đã có một số người hàng xóm đang ẩn núp.
Hai chiếc A-37 bay lượn rất cao, đang tìm chỗ thả bom. Một lát sau, không còn tiếng súng phòng không, máy bay trút hết bom vội vàng bay đi, trả lại bầu trời yên tĩnh.
Bên kia đường, lính Việt Cộng ra khỏi chỗ ẩn núp, tiếp tục xua đuổi dân chúng.
Khoảng 12 giờ, có tiếng loa phát thanh của Ban Quân Quản, kêu gọi nhân dân rời khỏi nhà đi theo sự hướng dẫn của bộ đội giải phóng, ra khỏi thị xã tránh máy bay ném bom.
Giờ tôi mới biết họ dùng “Bộ Đội” dành cho lính Việt Cộng Miền Bắc, còn “Quân Giải Phóng” dùng cho bọn Việt Cộng Miền Nam.
Bọn Bộ Đội vào từng nhà lùa hết dân đi. Tôi bảo mấy đứa em bỏ quần áo và ít đồ đạc cần thiết vào các túi sách, mỗi đứa lớn mang một túi, chuẩn bị di tản khỏi thị xã để tránh bom như theo lời yêu cầu của Ban Quân Quản.
Nghe lệnh di tản, tôi lại nhớ đến Tết Mậu Thân. Chiều 30 Tết, gia đình tôi về nhà bà ngoại ở Tam Hà, Thủ Đức. Sáng mùng một Tết phải chạy loạn vì bom đạn hai bên giao tranh nổ khắp nơi. Trước khi rời khỏi nhà, bên Ngoại có nấu hai nồi cơm to, đổ cơm còn nóng vào các khuôn vải nhồi nén thành những nắm cơm to hơn hai vốc tay, gọi là cơm nắm, người miền Nam gọi là cơm vắt. Làm như thế để cơm giữ gọn và lâu thiu hơn.
Đây là kinh nghiệm nhiều lần tản cư ngoài Bắc của thế hệ cha mẹ ông bà tôi.
Loa phong thanh của Ủy Ban Quân Quản tiếp tục phát vang, yêu cầu mọi người gấp rút di tản khỏi thị xã.
Nhớ lại chuyện cũ, định làm cơm nắm mang theo nhưng không kịp nữa rồi vì loa phóng thanh liên hồi hối thúc. Nhìn quanh chỉ còn rổ khoai lang mua mấy hôm trước để anh em tôi ăn sáng mỗi ngày, vội vàng bỏ vào túi sách mang theo.
Nghèo quá, tiền của vàng bạc không có, chẳng có gì quý giá để mang theo. Rồi đây hai bên vẫn còn tiếp tục giao tranh, gia đình và các em tôi không biết sống thế nào trong những ngày di tản? Tôi nghĩ đến rơi nước mắt. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, “Trời sinh voi sinh cỏ.”
Bộ đội Cộng Sản vào từng nhà đuổi tất cả ra, đi theo sự hướng dẫn của chúng và mấy tên đeo băng đỏ.
Anh em chúng tôi vai đeo tay sách đi theo đoàn người bị chúng lùa ra. Đoàn người mỗi lúc một đông, già trẻ lớn bé đủ cả. Hai bên tụi bộ đội, đám băng đỏ súng lăm lăm xua đuổi, lớn tiếng với những người không đi theo hướng dẫn của chúng.
Họ dẫn chúng tôi ra khỏi thị xã về hướng tây. Lâu lâu lại có thêm một số người dân được chúng lùa ra, nhập vào đoàn. Đoàn người thêm đông và lộn xộn hơn. Tôi gặp thêm một số người quen, một số anh em người thì mặc nửa lính nửa dân, quần áo không vừa cỡ. Nhiều anh mặc cả quần áo của phụ nữ, chân mang dép, quần đen áo bông trông thật buồn cười. Chẳng cần khai, ai cũng biết những anh em này là lính. Họ cởi bỏ quân phục, thay bằng bất cứ thứ quần áo nào kiếm được.
Đang đi lẫn lộn trong đám người di tản này, tôi bất chợt bị một tên đeo băng đỏ đến chĩa súng âm thầm dẫn tôi ra, bảo đi theo hắn. Đám người lúc đó rất lộn xộn, nên không ai để ý đến tôi khi bị bắt, ngay cả mấy đứa em tôi. Họ biết tôi là ai là do chỉ điểm của đám “Nằm Vùng.”
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Phòng nhỏ bên cạnh, tôi đoán bọn cán bộ nằm vùng đang bàn thảo về những người bị bắt.
Chợt tôi nghe có tiếng ở trong nói ra “Chuyển giao anh ấy cho Bộ Đội.”
Ngay sau đó, có một tên băng đỏ đi ra và dẫn mình tôi đi. Qua cái lệnh giải giao, họ gọi tôi là “anh” khi nói với nhau, đó đã là tử tế lắm rồi. Thường họ gọi chúng tôi là thằng này thằng nọ. Tôi đoán số cán bộ nằm vùng này, có người biết tôi, không liệt tôi là thành phần “ác ôn” phải giữ riêng, chuyển tôi qua bộ đội như là tù binh.
Quả đúng như thế, chúng dẫn tôi ra tới một trạm lính Bắc Quân, đang phân loại những người họ cho là lính trà trộn trong dân. Giao tôi cho đám bộ đội này, tôi được nhập vào đám người họ đã lựa ra.
Đám người này chắc chắn là quân nhân, dễ nhận diện quá mà, là những người mặc quần áo nửa lính nửa dân, nhưng chân còn đi giày “bốt,” quần hoặc áo lính, những người quần áo không vừa với kích cỡ, hoặc giới tính, vân vân...
Tôi ngồi cạnh một anh với cái quần ống rộng của phụ nữ và chiếc áo thun xanh nhà binh, hỏi về tình trạng của anh ta. Anh nói, anh thuộc đơn vị hậu cứ Thiết Đoàn 8, khi xe tăng địch tấn công vì lực lượng quá yếu nên phải rút chạy ra khỏi hậu cứ. Anh chạy ra ngoài vào nhà dân thay đổi quần áo lính, nhưng họ chỉ có quần áo phụ nữ, cho cái quần để thay. Bộ binh địch đuổi theo truy lùng khắp nơi, khám xét từng nhà. Anh bị bắt nửa tiếng sau đó rồi đưa tới đây. Người bị bắt một lúc một đông, ngồi trong khoảng đất rộng phía ngoài một căn nhà trống bằng gỗ. Chủ nhân căn nhà và miếng vườn trồng đủ loại cây ăn trái chung quanh, không biết đã đi đâu.
Tụi bộ đội quan sát đám tù nhân, họ chỉ tay vào những người có mang đồng hồ, bắt tháo ra đưa cho chúng. Tôi ngồi khuất phía sau nên chúng chưa kịp thấy. Vội vàng tháo cái đồng hồ Seiko bỏ vào túi quần. Tôi biết đây chỉ là lòng tham của các tên bộ đội canh gác, chứ không phải lệnh cấp trên của chúng.
Đến khoảng 3 giờ chiều, tình hình chiến sự vẫn yên tĩnh. Nhiều đơn vị bộ đội từ phía tây đi chuyển vào trung tâm thị xã, dân chúng bị lùa hướng ngược lại. Chúng tôi, những người vừa bị bắt, được lệnh đứng lên, bị áp tải đi theo đoàn người, bỏ lại dưới đất, ngổn ngang nhiều quả lựu đạn đủ loại. Đây là thứ vũ khí anh em giấu trong người trên đường trốn chạy. Tôi bị dẫn đi theo đoàn người ra vùng ngoại ô, nhà hai bên đường thưa thớt, cửa đóng im lìm vì người dân đã bị lùa đi hết rồi. Họ dẫn chúng tôi, khoảng vài chục người, đi sâu vào vườn cà phê Thái Quang Hoàng thì trời đã về chiều. Đến một bãi đất trống, chúng tôi nhập vào đám người bị bắt đưa đến đây từ trước. Tất cả đều ngồi dưới đất. Tôi gặp một ít người quen của các đơn vị đồn trú ở phía tây và tây nam thị xã, trong đó có vài sĩ quan, họ còn mặc quân phục. Tôi chọn một chỗ trống cạnh một anh lính tôi quen.
Anh ta đưa mắt nhìn tôi ái ngại hỏi nhỏ “Họ có biết ông là sĩ quan không?”
Tôi trả lời “Chắc là họ biết, vì tôi bị mấy đứa nằm vùng bắt. Nó biết tôi nên mới lôi tôi ra khi đang trên đường di tản cùng với dân chúng.”
Tôi hỏi lại anh ta, được biết địch pháo kích cháy kho đạn rồi tấn công vào lúc trời còn tối, cầm cự được nửa tiếng rồi rút chạy, anh bị chúng bắt dẫn đến đây.
Đám bị bắt, ngồi tụm quanh bãi cỏ khô vàng khoảng năm sáu chục người. Có bộ đội canh gác xung quanh. Trông họ không có vẻ hận thù gì, thỉnh thoảng nhắc nhở chúng tôi, “Ngồi yên lặng tại chỗ, không được đứng lên thay đổi chỗ ngồi, cần gì phải gọi chúng tôi là bộ đội, không được gọi là đồng chí, vì chúng tôi không phải đồng chí với các anh.”
Nhiều anh em lính gọi họ là đồng chí, chắc có lẽ anh em không hiểu nghĩa đồng chí là gì, nghe Việt Cộng gọi nhau là đồng chí nên bắt chước gọi họ như thế.
Phần tôi, giờ này đã tạm yên ổn, cái lo cũng qua vì chấp nhận số phận như mọi người bị bắt ngồi quanh đây. Tôi bắt đầu mệt mỏi ngồi bó gối, mới nhớ mình từ lúc bị bắt đến giờ không ăn uống gì cả. Tôi hỏi anh bạn ngồi bên cạnh bị bắt trước tôi, xem họ có cho ăn uống gì không. Anh ta nói, “Chỉ có nước thôi, không cho cái gì ăn cả.” Tôi than khát nước. Anh ta xin nước dùm tôi, bằng cách đưa tay lên xin một tên lính bộ đội đứng gác. Một lúc sau có người mang nước đến, đựng trong cái ca inox của lính mình. Tôi uống gần nửa ca, nhân tiện tôi hỏi, “Từ sáng đến giờ không có gì ăn, các anh có cho chúng tôi ăn không?” Nhiều người nhao nhao, giơ tay ủng hộ câu hỏi của tôi. Một tên bộ đội quát to, “Các anh ngồi yên, không được ăn nói linh tinh. Chúng tôi sẽ lo cái ăn cho các anh, khi nào có sẽ báo.”
Tôi hơi ngờ ngợ với cái từ linh tinh. Chữ “linh tinh” thường dùng trong giấy tờ, có cột để là linh tinh, dùng để bỏ những thứ không thể bỏ vào các cột có tên. Còn ở đây họ dùng chữ linh tinh, là tiếng Hán Việt thay cho chữ lung tung thuần Việt. Đến chiều, mặt trời đã khuất lấp dưới hàng cây cà phê, chúng tôi được lệnh đứng dậy, xếp hàng một, thứ tự mỗi người được phát hai miếng lương khô lấy trong một gói 4 miếng có bao bì bằng giấy nhựa ngoài in tiếng Tàu. Mỗi miếng to bằng ba ngón tay chụm lại, màu nâu nhạt, hình như bằng bột ngũ cốc được ép lại thành bánh, có lẽ nhiều nhất là bột đậu phụng vì sặc mùi này. Từ sáng đến giờ chưa có gì bỏ bụng, nhưng tâm trí đầy lo âu nên ăn không ngon lành gì.
Ăn xong, có hai thùng nước đặt bên bãi cỏ với cái ca để sẵn. Mọi người tự động đến uống rồi trở lại chỗ cũ, bộ đội gờm súng AK đứng chung quanh. Trời nhá nhem tối, chúng tôi ngủ tại chỗ trên bãi đất trống này. Không được đi lại, nói chuyện, giữ yên lặng, nếu buồn tiểu tiện phải giơ tay lên hô lớn, “Báo cáo bộ đội xin đi giải, hoặc đi xí, rồi từng người các anh sẽ được dẫn ra ngoài.” Lệnh vừa phát ra, có lẽ phải nín nhịn, hoặc vì lo âu nên không nhớ, cả bọn nhao nhao giơ tay xin đi.
Đám người bị bắt, ngủ qua đêm trên bãi đất trống, không mền chiếu gì cả dưới sự canh gác cẩn mật của bộ đội. Trời mờ sáng, mọi người đã dậy, quần áo lấm lem bụi đỏ và cỏ khô, thì thầm bàn tán không biết họ đưa mình đi đâu. Nhìn quanh không có nước để xúc miệng hay rửa mặt gì cả. Có thùng nước và cái ca sắt còn đó nhưng lệnh chỉ được uống, cấm rửa mặt, súc miệng. Thấy miệng khô, tôi đứng lên xếp hàng lấy nước, xúc miệng rồi nuốt vào. Đó là cách xúc miệng không trái lệnh.
Trở về chỗ ngồi trên mặt đất đỏ, nghe bụng cồn cào vì đói, tôi hỏi nhỏ mấy anh em ngồi cạnh như tự hỏi mình, “Liệu họ có cho mình ăn không, rồi dẫn đi đâu?” Tôi định hỏi mấy tên bộ đội đứng gác nhưng họ cấm không được tiếp xúc với bộ đội và phải cách xa người gác 15 mét.
Thấy có người hút thuốc, họ không cấm. Từ lúc bị bắt tới giờ vì lu bu nên không cảm thấy thèm, giờ ngửi thấy mùi thuốc nhắc cơn nghiện trỗi dậy. Tôi mò hai túi quần, thấy gói ruby quân tiếp vụ bẹp dúm và cái đồng hồ giấu ngày hôm qua còn đó. Nhìn quanh, ở đây cũng có nhiều người đeo đồng hồ mà không bị tịch thu. Tôi lấy đồng hồ đeo vào cổ tay, sợ bỏ túi sẽ rơi mất. Lấy gói thuốc, tôi mời anh ngồi bên cạnh, anh này từ chối vì không biết hút. Hút hết điếu thuốc, tôi thấy choáng váng như bị say.
Trời đã sáng hẳn, chúng tôi được lệnh xếp hàng một. Họ lấy dây điện thoại cột vào cổ tay phải mỗi người thành một chuỗi dài khoảng hai chục người một dây. Chúng tôi qua hết đồn điền cà phê đi về hướng tây. Đi một lúc chợt nghe tiếng phản lực A-37, hai chiếc nhào lượn tít trên trời cao, phòng không bắn lên tua tủa từ dưới đất. Dù máy bay lượn trên đầu, họ vẫn đi khơi khơi xem như không. Chúng tôi chỉ sợ máy bay ném bom vào chỗ mình mà tụi bộ đội không ra lệnh cho ẩn núp gì cả, nên cũng mặc kệ. Hai chiếc máy bay nhào lượn một hồi, trút bom về hướng thị xã rồi biến mất.
Tiếp tục, họ dắt chúng tôi vào khu rừng thưa, dẫn đi loanh quanh, đổi hướng liên tục, mục đích làm chúng tôi mất phương hướng, nếu trốn chạy cũng không biết hướng nào mà đi. Đôi khi hối thúc "khẩn trương lên!!!." Ban đầu tưởng là có chuyện gì nghiêm trọng lắm, dần dà mới biết chữ "khẩn trương" ở đây chỉ là đi nhanh lên.
Lúc này, cổ tay tôi bị rộp đỏ vì cái vòng dây điện thoại cọ vào làm rát và khó chịu. Tôi thử lấy tay còn lại nới rộng ra một ít, thấy rút tay ra được, hóa ra họ chỉ muốn chúng tôi nối nhau đi theo hàng cho dễ kiểm soát. Thoát tay ra khỏi cái vòng, tôi cho bàn tay vào trong còn ngón cái ở ngoài nắm giữ cái vòng để che mắt tụi bộ đội áp tải. Đi khoảng quá trưa, có một đoàn tù binh khác toàn mặc đồ lính, chắc là đơn vị nào của ta trên đường rút chạy bị chúng bắt. Đoàn này cũng bị cột dây nhập vào đoàn chúng tôi tổng cộng chừng hơn trăm người.
Quá trưa, đến một trảng rừng thưa ngang qua bãi đất trống dưới những tán cây to. Đây là khu tiền trạm hậu cần của một đơn vị nào đó của chúng, có đồ đạc và mấy cái bàn làm bằng gỗ thùng đạn Trung Cộng. Tất cả phải ngồi xuống bãi đất, xếp theo hàng để họ đếm số người, giữ trật tự, không được nói chuyện gây ồn ào. Sau đó, họ phát một phong lương khô Trung Cộng, trong đó có bốn miếng cho mỗi người. Từ hôm qua chỉ được phát hai miếng lương khô, sáng đến giờ đi mệt lả vì đói. Bốn miếng lương khô này thì thấm vào đâu?
Tôi hỏi một tên bộ đội, xin thêm một phong nữa vì quá đói. Hắn trả lời cụt ngủn, “Chỉ thế thôi.” Tôi ăn hai miếng, cất số còn lại để dành đến tối. Bánh khô ăn vào uống nước nó nở ra, tạo cảm giác bớt đói. Xong việc ăn uống, họ thông báo từng người sẽ được gọi lên khai báo lý lịch để thanh lọc thành phần.
“Các anh phải thành thật khai báo. Nếu chúng tôi phát hiện khai gian, sẽ bị trừng phạt đích đáng,” một tên bộ đội đeo súng ngắn, vắt chéo qua vai cái túi "dết" (musette) vuông bằng vải, có vẻ là cấp chỉ huy, hăm dọa cả bọn.
Từng người được gọi lên chỗ hai cái bàn làm bằng gỗ thùng đạn. Có hai tên bộ đội nón cối, mỗi người một quyển sổ to bản, giấy có kẻ hàng, bút máy Trung Cộng, có ống cao su chứa mực bên trong, viết hết mực lại tháo ra bơm. Mực được hút từ cái bình để bên cạnh.
Những người còn mặc quân phục, hoặc một nửa quần áo lính, là tự tố cáo mình là lính. Chúng chỉ khai tên tuổi, đơn vị, cấp bậc, số quân, nếu là sĩ quan thì khai thêm chức vụ và bị bắt ở đâu.
Những người mặc thường phục, nếu không khai là lính hay là viên chức chính quyền, sẽ được dẫn đứng trước đám người bị bắt. Chúng đọc to tên tuổi, nghề nghiệp theo lời khai và hỏi có ai biết người này có điều gì gian dối, buộc phải tố cáo.
Kiểu này giống như nhà thờ rao hôn phối, “Ai biết đôi này có trắc trở, buộc phải trình.”
Có một người mặc thường phục được dẫn ra. Tôi biết anh này là Trung sĩ, vài lần được biệt phái cho Quân Trấn trong trung đội ứng chiến hằng đêm.
Người bộ đội dẫn anh ra nói lớn cho chúng tôi nghe, “Anh này khai là giáo viên tiểu học, có đúng không? Có ai biết anh này không?”
Mọi người vẫn yên lặng. Hỏi hai ba lần, vẫn không ai trả lời. Anh ta được dẫn ra riêng một chỗ. Về sau không thấy anh ta trong đám chúng tôi nữa.
Rồi cũng đến lượt tôi bị gọi lên. Tôi biết là tôi bị tụi nằm vùng bắt. Chắc chắn chúng biết tôi là ai nên mới giải giao cho đám bộ đội. Vả lại, thị xã này rất nhiều người biết tôi nên không thể giấu được.
Tôi được mời ngồi vào cái ghế thấp, như ghế đẩu, đặt trước người bộ đội ngồi ở bàn. Anh ta nói, “Anh thành thật khai báo, với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước dù anh là ai, cũng được đối xử nhân đạo.”
Anh ta hỏi tiếp, “Tên họ đầy đủ của anh, là Ngụy Quân hay Ngụy Quyền, đơn vị của anh?”
Tôi thừa biết, nhưng cũng hỏi lại anh ta, “Xin anh cho biết Ngụy Quân, Ngụy Quyền là gì ạ?”
“Anh thật sự không biết? Là những người đi lính, làm việc cho chính quyền tay sai Sài Gòn,” hắn trả lời tôi.
“Tên họ Nguyễn Sỹ. Cấp bậc Trung Úy, đơn vị Quân Trấn Ban Mê Thuột,” tôi khai.
Hắn đánh số, viết những lời khai của tôi vào sổ, nét chữ ngay ngắn gọn gàng, tương đối đẹp.
“Chức vụ của anh?”
“Sĩ Quan Điều Hành.”
“Thế đơn vị Quân Trấn của anh làm gì?”
“Giám sát việc phòng thủ các đơn vị trấn đóng trong thị xã.”
Thật ra tôi chỉ khai cái việc ít hại nhất trong nhiều công việc mà Quân Trấn đảm nhiệm. Hắn ghi chép xong rồi cho tôi về ngồi vào đám người được phân loại là sĩ quan.
Đến xế chiều ngày 11 tháng 3, việc khai báo đã xong. Một số người mặc quần áo dân sự bị áp tải dẫn đi, có lẽ họ giao cho ban quân quản để tiếp tục thanh lọc. Số người còn lại được chúng gọi là tù hàng binh.
Họ tăng cường thêm bộ đội canh giữ đám tù hàng binh, ngủ qua đêm tại đây, nằm sắp lớp trên bãi cỏ. May mà trời mùa này không lạnh lắm, thỉnh thoảng có ánh đèn pin quét qua quét lại để kiểm soát.
Trời gần sáng, có một số anh em giơ tay xin đi tiểu tiện. Họ bảo phải chờ trời sáng hẳn.
Đến tám giờ sáng ngày 12 tháng 3, chúng tôi được phát mỗi người hai bánh lương khô, ăn để chuẩn bị “hành quân.” Đám chúng tôi, khoảng 6,7 chục người, bị dẫn đi theo hàng một, bộ đội súng ống đi kè hai bên, xuyên qua rừng về hướng tây, tây bắc.
Quá trưa, đến một khu vực hậu cần khác, có vẻ lớn hơn khu trước. Thấy có chiếc xe bốn bánh nhỏ hơn xe Dodge của quân đội mình, có để chữ Tàu, “中华人民共和国” (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc), đậu cạnh cái lều vải nhỏ cùng một số đồ đạc quân dụng.
Thế mới biết, Tàu Cộng cung cấp cho Bắc Việt tất cả lương thực và quân dụng.
Chúng tôi được dẫn vào khu vực có nhiều người bị bắt đưa đến đây trước, quây quanh bởi những cành tre gai làm ranh giới. Chúng tôi được bàn giao cho đơn vị mới, thông báo những nội quy đại loại như:
Không được đi ra khỏi vòng rào, nếu tiểu tiện phải giơ tay xin phép từng toán 10 người sẽ được vệ binh dẫn ra ngoài, cấm không được giao tiếp, giữ cự ly ít nhất là 10 mét với vệ binh, im lặng không được đi lại mất trật tự, tất cả tuyệt đối tuân thủ lênh của vệ binh và cán bộ vân vân…
Vào bên trong khu vực giữ sĩ quan, cái đầu tiên đập vào mắt tôi là ba cái chòi vuông dựng cách nhau ở giữa bãi trống. Mỗi cái được dựng bằng bốn cây tre làm cột, mái tranh lưa thưa chỉ đủ che nắng. Vật liệu làm còn tươi nguyên, cả tre lẫn mái tranh. Không có vách ngăn, nhìn trống trơn.
Trong mỗi chòi có băng ghế bằng tre được buộc bằng dây rừng đặt chung quanh, chừa một lối cửa ra vào. Dù các chòi tre nằm trong rào, nhưng mỗi chòi đều được quây riêng bằng dây thừng để tách biệt những tù binh ở ngoài, và có vệ binh đứng gác riêng. Nhìn vào trong, một chòi dành cho hai người nước ngoài mặc quân phục, là nhân viên ủy ban quốc tế bốn bên kiểm soát ngưng bắn. Hai người này mặc quân phục Indonesia, họ đi qua đi lại, có vẻ bực tức. (Sau đó, đến chiều, họ được đưa lên xe, chở đi nơi khác, có lẽ được thả.)
Một chòi nữa là mấy người nước ngoài, khoảng 7, 8 người, trong đó có đứa bé gái độ 5 hay 6 tuổi. Chòi thứ ba còn lại là ba ông đại tá, gồm Đại Tá Tỉnh Trưởng Đác Lắc Nguyễn Trọng Luật, Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 Vũ Thế Quang, và một ông Đại Tá của tổ chức người Thượng Fulro (viết tắt của tiếng Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées).
Tôi đi quanh, kiếm một chỗ gần hàng rào có bóng của bụi tre gai rất to, gốc nằm ngoài rào. Chỗ này hơi trống, có lẽ vì có tên vệ binh đứng gác ở cạnh gốc tre nên ít ai muốn gần.
Tôi dọn sạch cành, lá tre làm chỗ nằm cho mình. Tên vệ binh đứng ngoài rào, lầm lì quan sát mọi cử chỉ của tôi, mặc kệ nó, tôi chẳng quan tâm.
Sau khi ổn định chỗ, tôi lần mò kiếm mấy người quen, họ đã vào trước tôi, để hỏi tình hình bên ngoài và sinh hoạt nơi đây. Loanh quanh không thấy ai ở đơn vị mình bị bắt, cả những đơn vị đồn trú gần tôi như đại đội quân cảnh, biệt đội Nha Kỹ Thuật, Ty An Ninh Quân Đội, Tiểu Khu, Ty Cảnh Sát, vân vân…
Nói chung là các đơn vị đóng ở phía đông bắc thị xã. Sau này, tên trung tá chính ủy cho chúng tôi biết là họ rút kinh nghiệm đánh Kontum năm 1972, khi bao vây chặt, cắt đường quốc lộ 14 từ Kontum về Pleiku, lối thoát duy nhất, các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa như bị dồn vào chân tường, không lối thoát nên chống cự quyết liệt. Họ đã thất bại, không chiếm được Kontum. Lần này, họ bỏ trống đường từ Ban Mê Thuột về Nha Trang, để các đơn vị mình có đường rút chạy. Nên họ chiếm Ban Mê Thuột dễ dàng, hầu như không có kháng cự đáng kể.
Trở lại, tôi nhớ tới Đại Tá Luật, nên đến cái chòi ba ông đại tá, vào hỏi thăm ông Tỉnh Trưởng là xếp lớn của tôi. Ông là Quân Trấn ủy nhiệm, nên thường phải gặp ông để báo cáo tình hình an ninh trong thị xã.
Tôi chào và hỏi, “Đại Tá có khỏe không?”
Ông chưa kịp trả lời thì bị một tiếng quát của tên vệ binh, có lẽ lúc tôi bước vào nó không thấy, “Bây giờ còn đại tá cái gì, ai cho phép anh vào đây? Đi ra ngay.”
Hắn hất mũi súng AK về phía tôi, ra dấu ra ngoài. Tôi vội vã bước ra, dưới sự ái ngại của các ông Đại Tá.
Tôi về lại chỗ lúc nãy đã dọn chỗ nằm cho mình, nghĩ miên man về Đại Tá Luật. Ông từng là Tư Lệnh Thiết Giáp của Quân Đoàn 1, là người hùng trong trận Hạ Lào, Tỉnh Trưởng Đắc Lắc, Quân Trấn Ủy Nhiệm. Trông ông oai phong lẫm liệt trong bộ quân phục mỗi khi tôi gặp, nay ngồi lặng lẽ, buồn rầu trong căn chòi như cái chuồng được vây bởi sợi dây thừng.
Ôi, đời vô thường, nay lưng trời lẫm liệt, mai vực thẳm tù đầy!
Chúng tôi được cho ăn ngày hai bữa, mỗi bữa hai miếng lương khô, chịu đựng cái đói triền miên. Bụng lúc nào cũng cồn cào réo gọi, đầu thì mơ tưởng cái ăn. Có lẽ họ cố cho ăn đói để chúng tôi không còn sức chạy trốn, và làm nhụt khí đấu tranh với họ. Tôi lại liên tưởng đến người Thượng, thuần hóa voi rừng, bằng cách kè nó xuống cái hố to để nó không lên được, hàng ngày cho ăn đói, huấn luyện dần dà là khuất phục được nó.
Ngày thứ hai, cũng buổi sáng ồn ào giơ tay xin đi tiểu tiện, xếp hàng, một vệ binh dẫn chúng tôi, 10 người, ra bãi trống phía xa ngoài rào. Mùi hôi thối của phân và nước tiểu xông lên nồng nặc. Loáng thoáng những lùm cây thấp, nên vệ binh vẫn nhìn thấy chúng tôi khi ngồi đi vệ sinh hoặc đứng đi tiểu tiện. Không có giấy, lấy lá hoặc tiền để chùi. Đây là lần đầu tiên tôi đi đại tiện sau ba ngày bị bắt, vì có ăn được mấy đâu mà thải ra.
Đến chiều, sau khi nhận hai miếng lương khô như thường lệ, đi loanh quanh rồi trở về chỗ của mình. Tên bộ đội vệ binh, mặt còn non choẹt, chắc chừng 17, 18 tuổi, vẫn đứng gác dưới gốc tre gần chỗ tôi. Thấy hắn hút thuốc. Đánh động cơn thèm, tôi lân la lại gần sát hàng rào định hỏi xin thuốc hút thì bị hắn quát, “Anh kia, lùi xa ra, không được lại gần tôi.”
Hàng rào tạm bợ, chỉ là những cành tre gai vất chồng lên nhau đến thắt lưng làm giới hạn. Thấy nét mặt hắn không tỏ thái độ nghiêm trọng lắm, tôi lùi ra một chút để chứng tỏ nghe theo lệnh rồi hỏi hắn xin điếu thuốc. Chần chừ một lúc, chắc để suy nghĩ, hắn lấy trong túi áo gói thuốc quân tiếp vụ, chắc lấy ở cửa hàng nào đó khi chiếm thị xã. Nhìn quanh xem có ai không rồi quăng cho tôi một điếu.
Thấy không ai để ý về việc tôi xin thuốc, tôi cũng làm bộ nhìn quanh rồi tiến tới cúi nhặt điếu thuốc hắn vừa quăng nằm trên đám lá tre khô. Có lẽ hắn cố tình vất vào đây để có đống lá khô ngụy trang cho điếu thuốc. Tôi khẽ cảm ơn, vừa đủ để hắn nghe rồi lùi về chỗ nằm. Đặt lưng xuống, tôi nghĩ về tên vệ binh cho điếu thuốc. Hắn trông có vẻ hiền lành, không thấy nét hận thù trên khuôn mặt. Tôi nghĩ, nếu mình kín đáo, chắc có thể xin hắn được nhiều lần.
Ngày qua ngày. Lâu lâu lại có thêm toán tù binh mới được dẫn vào, bãi trống ngày càng đông, có lẽ lên tới cả mấy trăm. Sinh hoạt vẫn như thế, hai lần phát lương khô, hai miếng mỗi lần. Đói vẫn hoàn đói, loanh quanh trong cái vòng rào.
Tôi cố xua đi lo âu vì cũng chẳng giải quyết được gì. Mấy lần bàn bạc với đám bạn quen để kiếm đường trốn nhưng thấy khó, vì chung quanh chỗ này là trảng trống, bộ đội canh gác rất đông. Ban đêm, cảnh vệ có đèn pin thỉnh thoảng quét qua quét lại canh chừng. Phần nữa đói quá, không có sức đi xa được. Ở đây chỉ là chỗ tạm, điểm tập trung chính tù binh bắt được từ mọi nơi. Không có đếm, điểm danh hàng ngày, tên tuổi tù binh đã được ghi chép lúc bị bắt trước khi dẫn vào đây. Chiều xuống, sau khi xếp hàng nhận hai miếng lương khô, tôi trở lại chỗ nghỉ. Tên vệ binh cho tôi điếu thuốc vẫn đứng gác dưới gốc tre như thường lệ. Tôi định lân la lại gần để xin thuốc thì bị hắn ra dấu đuổi tôi.
Một lúc sau, thấy chung quanh vắng vẻ, hắn ném viên đất, tay ra dấu bảo tôi lại gần hàng rào rồi ngồi xuống. Quăng cho tôi điếu thuốc, hỏi:
- Anh là người Bắc Bộ?
- Sao anh biết?
- Tôi nghe giọng nói của anh, đoán thế.
- Đúng, tôi sinh đẻ ngoài ấy, di cư vào Nam lúc còn bé.
- Anh biết quê ở đâu không?
- Thái Bình.
- Thái Bình, ở chỗ nào?
Tôi mơ màng thời thơ ấu, thường theo người nhà ra bến đò ngang bên bờ đê ngoài (gọi là đê quai), đón mẹ tôi đi chợ Nam Định trở về, nên trả lời:
- Tôi chỉ biết, quê tôi bên này bờ sông Hồng bên kia là Thành Phố Nam Định.
- À, thế là anh đồng hương Thái Bình với tôi đấy, nhưng quê tôi ở chỗ khác.
Từ khi bị bắt tới nay, qua nhiều lần tiếp xúc, tôi biết phần lớn bộ đội là dân nhà quê, hình như chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng, nên ngây ngô nhiều thứ. Tên vệ binh này cũng thế. Lâu ngày ở trong rừng, bất chấp lệnh cấm, lén lút bắt chuyện để tìm hiểu người ở trong Nam ra sao thôi. Tôi với hắn hai bờ chiến tuyến thì đồng hương có nghĩa lý gì.
Tôi không lạ gì đám bộ đội Bắc Việt. Trước đây, còn ở đơn vị tác chiến, tôi làm trưởng ban Ba tiểu đoàn. Đầu năm 1973, khi hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực, đơn vị tôi giáp mặt với một đơn vị Việt Cộng. Tôi là người được chỉ định thay mặt tiểu đoàn ra thương lượng với địch để phân định ranh giới chiếm giữ mỗi bên. Tôi cũng được đám bộ đội hỏi thăm như thế, những giọng điệu rập khuôn, mang tính tuyên truyền hơn là tình cảm thông thường. Cũng là, “Miền Bắc anh quê ở đâu? Anh có gia đình riêng chưa? Bố mẹ anh còn sống không? Cho tôi gửi lời hỏi thăm,” vân vân... Mới đầu, tôi tưởng họ hỏi thăm thật nên cảm động, nhưng về sau thấy tên bộ đội nào cũng hỏi tôi những câu tương tự, nên biết họ được dạy như thế với ý đồ phản bác tuyên truyền của mình, nói Cộng Sản tam vô.
Hắn lại hỏi tiếp:
- Anh có đói không? Tôi nghĩ chắc tên này hỏi thật nên trả lời ngay:
- Một ngày 4 miếng lương khô nhỏ xíu, đói quá!
Hắn ngần ngừ một chút rồi nhỏ giọng:
- Mai tôi không còn ở đây, trước khi đi, tôi sẽ kiếm cho anh một ít gì đó. Anh còn tiền Saigòn không cho tôi, tiền này vẫn tiêu được.
- Tôi lấy chùi đít hết rồi, ở ngoài bãi xí thấy bay nhiều lắm, anh ra đấy tìm chắc có nhiều.
- Chẳng còn, hắn trả lời.
Hắn quăng cho tôi gói thuốc hút dở, rồi vội vàng lui lại bụi tre. Tôi nghĩ tên này chắc có tình “đồng hương” thật, nên mới quăng cho tôi cả gói thuốc dở trong khi tôi không hỏi xin. Tôi vơ vội gói thuốc, lấm lét lui về sau chỗ mấy người bạn. Hẳn là họ đã biết tôi có gói thuốc nên nhao nhao hỏi xin. Tôi xé gói thuốc, cất cái vỏ vào túi để dùng cho việc đại tiện, hào phóng chia cho mỗi người một điếu, chỉ giữ cho mình hai điếu. Mấy thằng bạn tỏ ra thán phục cái tài “ngoại giao” kiếm thuốc của tôi.
Rồi lại một ngày như mọi ngày. Ban đêm, chúng tôi phải nằm tập trung gọn lại, nằm sát bên nhau, chia làm hai nhóm: sĩ quan riêng một bên và hạ sĩ quan trở xuống thành nhóm khác. Mấy người nước ngoài và ba ông đại tá, vẫn ở hai cái chòi, được đối đãi tốt hơn chúng tôi, hai bữa cơm với chút thịt hộp mỗi ngày.
Sáng hôm sau, trời chưa sáng hẳn, có ánh đèn pin quét qua quét lại, một tên bộ đội tiến lại gần chỗ tôi nằm, đá nhẹ vào chân, khom người nhẹ nhàng móc trong bụng áo ra mấy phong lương khô và gói thuốc, đổ ngay vào chỗ tôi nằm rồi vội vàng bước nhanh trong sự ngỡ ngàng của mấy thằng bạn nằm bên cạnh, một thằng nói đùa,” Mẹ, mấy thằng Bắc Kỳ đít rau muống nên đi đâu chúng nó cũng nhận ra nhau.” Tôi cười, ngầm chia cho mỗi đứa một miếng lương khô và điếu thuốc, tôi chỉ giữ lại hai miếng và vài điếu thuốc, tuy đói nhưng tôi cũng “hào phóng” vì là của trời cho. Tôi thầm cám ơn tên bộ đội cảnh vệ, cử chỉ của hắn đã gây cho tôi ít thiện cảm, một miếng khi đói bằng gói khi no mà.
Ngày hôm đó, một số sĩ quan tù binh không quân, bị gọi lên tra khảo, bắt vẽ bản đồ về phòng thủ của phi trường Nha Trang. Như thế cũng đoán biết là họ sẽ tiến đánh Nha Trang, trước hết là chiếm phi trường, khống chế không quân. Cũng như ở Ban Mê Thuột, họ đánh chiếm phi trường L19 trước tiên. Đến chiều, thấy bộ đội lăng xăng dọn dẹp gọn gàng đồ đạc hậu cần, mang đi đâu một số, nên tôi đoán là sẽ bị di chuyển đi nay mai thôi.
Thế là sáng hôm sau, hơn ba ngày bị giữ ở đây, chúng tôi mỗi người được phát một phong lương khô gồm bốn miếng, giầy dép bị cắt bỏ phía bọc gót, hoặc quai sau, thành đôi dép để không chạy nhanh được. Bắt đầu di chuyển theo thứ tự hàng một, bộ đội đi kèm hai bên, có một số người có túi sách đồ đạc cá nhân, còn lại đa số tay không. Riêng các vị đại tá, và tất cả người nước ngoài được chở bằng xe. Những người nước ngoài này, tôi biết duy nhất có ông đại diện lãnh sự quán Mỹ tại Nha Trang kiêm trưởng phái bộ cơ quan USAID là Paul Struharick, tôi thường gặp mỗi khi qua tiểu khu họp tham mưu. Ông ta đóng vai trò cố vấn và giám sát hoạt động của chính quyền tỉnh. Những người khác là (sau này tôi mới biết) vợ chồng nhà truyền giáo Miller và đứa con gái của họ là Luanne khoảng 6 tuổi, bà Betty J. Mitchell, nhà truyền giáo Tin Lành, vợ chồng nhà truyền giáo Richard Phillips, dịch kinh thánh Tin Lành ra tiếng thượng Bru, Peter Whitlock phóng viên người Úc. Một người nữa là Jay Scraborough nhà nghiên cứu về văn hóa Chàm. Hầu hết những người ngoại quốc đó đều nói được tiếng Việt (trừ Paul), đặc biệt là Jay. Sở dĩ tôi biết rõ họ là vì sau này có thời gian tôi ở chung lán, nằm gần họ trong trại giam. Sau hơn hai tháng bị giữ với chúng tôi, họ bị dẫn ra Hà Nội và được thả vào ngày 30 tháng 10 năm 1975.
Đoàn tù binh bị dẫn đi dưới sự canh chừng của đám bộ đội áp tải. “Khẩn trương, khẩn trương lên,” chúng la mắng, xô đẩy những người đi chậm, chúng tôi dần dà cũng quen và hiểu những từ ngữ của tụi bộ đội như: Linh tinh, đảm bảo, thu dung, quán triệt, cự ly, tiếp thu, quản lý, vân vân… Tôi cố gắng theo bước chân người đi trước để tránh bị đứt quãng, vừa đi vừa tự hỏi và tự trả lời về đám Cộng Sản Bắc Việt, cho quên đi thời gian. Tại sao họ hay dùng tiếng Hán Việt, thay vì tiếng thuần Việt? Có lẽ vì Bắc Việt lệ thuộc vào Tầu rất nhiều thứ, từ tư tưởng đến vật chất, hầu hết những thực phẩm, thùng đạn, xe tải quân dụng họ dùng đều đề chữ Tầu. Quân đội chúng nó chỉ đi dép lốp xe, không nón sắt, áo giáp như mình, sao nó vẫn đánh được mình? vân vân... Tôi cứ tự hỏi tại sao rồi lại tại sao, rôi lại tự trả lời cho thời gian trôi nhanh.
Đoàn người vượt rừng băng suối vừa đi vừa nghỉ, với cái bụng đói meo, chỉ có bốn miếng lương khô, uống nước suối, lê lết từ sáng sớm đến chiều cũng tới nơi. Theo kinh nghiệm hành quân của tôi, chắc đi được khoảng 15 cây số. Đây là một lán trại năm bên bờ một con suối lớn với nhiều dãy nhà dài lợp tranh, nằm ẩn mình dưới những tàn cây to, vây chung quanh một lớp rào đan bằng tre, trong khu đất chừng nửa mẫu tây. Chúng tôi bị lùa vào trong, xếp hàng năm, họ đếm đi đếm lại xem có mất người nào không, rất may không có ai trốn nên thủ tục “nhập trại” mau chóng. Sau khi đọc 10 điều nội quy, dặn dò tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của cán bộ, và vệ binh, trốn trại sẽ bị tử hình, chỉ được xưng hô với nhau bằng anh và tôi, kể cả đối với cán bộ trại và vệ binh, vân vân…Chúng tôi được phân chia, sĩ quan từ chuẩn úy đến trung úy vào một khối, từ đại úy đến trung tá vào một khối ở chung một dãy nhà, còn lại hạ sĩ quan đến binh sĩ số đông nhất ở hai dãy nhà riêng. Nhà lán là một căn nhà dài, khoảng vài chục mét, mái tranh vách đan bằng thanh tre, lỗ hình mắt cáo để dễ dàng nhìn xuyên qua vách từ ngoài vào trong và ngược lại. Giường nằm được kê cao 6 tấc, vạt giường làm bằng thân tre bổ đôi đập dẹp dài chừng 1 mét 8 xếp liền nhau chạy dài hai bên dọc theo vách, chừa một lối đi ở giữa rộng khoảng một mét. Lán trại này trông còn rất mới, có lẽ nó được hoàn tất trước đây vài ngày, được xây dựng bởi tụi bộ đội trông coi đám tù binh vài chục người bị bắt từ trước không biết tự bao giờ mà lúc mới vào tôi thấy họ sinh hoạt ngoài hàng rào khu của chúng tôi. Đội tù được chia thành từng tổ 10 người, cũng là tổ ăn cơm, chia nhau chỗ nằm trong căn lán được chỉ định cho sĩ quan tổng cộng hơn 80 người. Vì đơn vị của tôi không có ai bị bắt vào đây, nên tôi nhập vào nhóm của đám không quân, đài kiểm báo ra đa và vài anh em nữa thuộc đơn vị yểm trợ mà tôi đã biết họ từ trước thành một tổ 10 người.
Sau khi ổn định chỗ nằm, họ đánh kẻng bằng vỏ đạn 105 ly, tập trung chúng tôi phát mỗi người một cái chén (bát) bằng sắt tráng men trắng bên trong, bên ngoài chén sơn mầu xanh cứt ngựa, chén này cũng do Tầu Cộng làm và một đôi đũa tre. Chúng tôi, tổ 10 người được đánh số thứ tự, mỗi tổ cử một người vào nhà bếp lãnh cơm, cơm này được nấu bởi nhóm tù binh, bọn bộ đội gọi là ”anh nuôi”, bị bắt trước chúng tôi. Cơm lãnh về đựng trong một cái rá đan bằng tre, và cái gọi là canh đựng trong tô sắt tráng men to (hai vật dụng này của nhà bếp), tổ trưởng phân chia cơm bằng đôi đũa tre có bản lớn bằng hai ngón tay, người miền bắc gọi là đũa cả. Cơm mầu vàng nhạt lẫn mùi mốc được chia cẩn thận, đồng đều, mỗi người chỉ được một bát đầy vun lên, cán bộ nói là tiêu chuẩn mỗi người được ba lạng (300 gram) cơm mỗi ngày. Ngày hai bữa, canh chỉ là nước muối, nấu với quả sung rừng, cộng hai hộp thịt Trung Cộng, mỗi hộp 500 gram cho cả ngàn người mỗi bữa. Đây là bữa cơm đầu tiên từ ngày bị bắt, bốc mùi gạo mốc. 10 thằng tù dùng đũa xêu cẩn trọng từng miếng, nhai chậm rãi, cố gắng tận hưởng từng hạt cơm, không màng đến vị chua mốc của nó. Một chén cơm đầy chẳng thấm thía gì với cái dạ dầy đói góp mấy ngày nay, nhưng bữa cơm đầu tiên này để lại cho tôi một ấn tượng đậm sâu cho mãi đến ngày nay. Đến chiều tối, được phát mỗi người một cái võng không giây, đây là miếng vải nylon dầy chiều dài 2 mét rộng 6 tấc để trải nằm hoặc đắp, võng này có lẽ họ lấy trong các kho của quân đội mình ở Ban Mê Thuột. Đêm xuống sau tiếng kẻng báo hiệu, tất cả vào nhà, tuyệt đối không ai được ra ngoài, ban đêm nếu đi tiểu có hai ống thuốc bồi đạn 105 ly đặt ở hai góc nhà, còn đại tiện phải cố nhịn chờ đến sáng, nếu ai không nhịn được phải ra trước cửa nhà lán, hô to, “Báo cáo bộ đội tôi xin đi xí.” Hô đến khi nào có bộ đội đến dẫn đi.
Tối nay, ai cũng mệt nhừ vì chuyến đi xuyên rừng vừa rồi, hai người nằm bên đã chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng tôi không ngủ được, suy nghĩ lung tung, mỏi mệt nhìn ngọn đèn dầu treo lơ lửng trên xà ngang giữa nhà, chiếu cái ánh sáng lờ mờ chỉ đủ xua đi một ít bóng tối chung quanh, trông như ngọn hải đăng soi cho lối đi giữa hai hàng sạp ngủ. Ngọn đèn dầu này là một sáng tạo được làm bằng lon hộp thịt, đục lỗ giữa đặt cái tim đèn, bóng đèn bằng chai thủy tinh tròn 75 centi lít, cắt ngang cụt phần đầu và đít chai, úp vừa vặn lên mặt hộp, nó được giữ chặt bởi mấy sợi giây kẽm chạy dọc từ miệng chai đến chân hộp, một cái quai vòng phía trên để treo.
Tôi thiếp đi lúc nào cũng không hay cho đến khi tiếng kẻng đánh thức dậy tập thể dục lúc 6 giờ sáng. Mọi người được lệnh ngồi yên tại chỗ, bắt đầu hô to đếm số theo thứ tự cho đến hết, căn cứ vào số đếm cuối cùng họ biết đám tù binh còn đủ hay thiếu. Sau khi điểm danh, lán sĩ quan chúng tôi được “lùa” ra sân trước, xếp thành năm hàng ngang có một cán bộ trại hướng dẫn tập thể dục. Đây là buổi tập thể dục đầu tiên, nên ngỡ ngàng và hơi lộn xộn lúc đầu, thời gian tập khoảng nửa tiếng, cũng chỉ là vung chân vung tay, đứng lên ngồi xuống cho dãn gân cốt. Sau đó họ đọc lại mười điều nội quy, cảnh cáo những ai có tư tưởng bỏ trốn hoặc chống lại họ, sẽ bị hình phạt nghiêm khắc, và nhắc lại chúng tôi không được xưng hô với nhau bằng cấp bậc, bằng ông, bằng cha, con đối với mấy người tuyên úy (trong chúng tôi có một linh mục tuyên úy) và chỉ có anh và tôi. Tôi đoán lệnh này là để ngăn ngừa chúng tôi giữ lại tổ chức quân đội, gây nguy hiểm cho họ. Sau đó, mỗi lán cử hai người mang hai thùng sắt xuống suối lấy nước về cho lán mình làm vệ sinh cá nhân. Dùng tay để rửa mặt, ngón tay để đánh răng.
Ngày đầu tiên, không làm gì, để thời gian cho chúng tôi dọn dẹp, vệ sinh lán trại và chỗ ngủ của mình. Xong việc, tôi đi loanh quanh quan sát trại tù, xem có “lỗ hổng” khi nào có dịp để trốn. Hàng rào trông không chắc chắn lắm, chỉ là những thanh tre đan chéo mắt cáo đóng xuống đất, có thể nhìn xuyên qua, bên ngoài có mấy chòi canh đơn sơ
, ban đêm không biết họ canh gác ra sao, nếu như thế này việc trốn trại không khó lắm. Tôi ghi nhận để chờ cơ hội thích hợp. Tôi lại vòng ra phía trước nơi có cái cổng chính, thấy mấy người nước ngoài và một gia đình người Việt có hai đứa con nhỏ sống ở ngoài rào trại (sau này được biết gia đình của một ông đại úy, họ gọi là hàng binh, ông ta đã chạy xuống được Nha Trang, nhưng vì nhớ vợ con nên trở lại Ban Mê Thuột, dẫn vợ con ra trình diện ban quân quản), không thấy ba vị đại tá đâu (sau này tôi mới biết họ bị đưa thẳng ra Bắc, riêng gia đình ông hàng bình, khi chuyển qua trại khác, vợ con họ đuổi về, còn lại ông ta cũng vào trại làm tù binh như chúng tôi, rồi hối hận vì nghe theo lời tuyên truyền của họ là “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”). Vòng trở lại chỗ nhà bếp, nơi được cách ngăn bởi lớp hàng rào tre thấp. Nhà bếp là một căn nhà dài, mái lợp tranh, bên trong có ba cái lò tròn to, trên đặt ba cái chảo quân dụng đường kính cỡ 1 mét 2, hơi khói tỏa mùi cơm đang lôi cuốn bao nhiêu cái dạ dày rỗng đứng sát hàng rào bếp, đưa mắt ngóng nhìn vào trong. Tới đây, tôi muốn nói sự sáng tạo của cái lò, họ gọi là Hoàng Cầm, lò là một lỗ tròn to bằng cái chảo, đào sâu xuống đất khoảng 8 tấc phía dưới khoét lỗ để nhét củi đốt, lỗ thoát khói được đào thành những đường rãnh dài khoảng vài mét, chỉa ra hình nan quạt, trên đặt vỉ tre được lấp lá lên, mục đích tản khói để máy bay không không phát hiện được. Dù lửa cháy hừng hực, đang nấu cơm cho cả ngàn người nhưng tuyệt nhiên không có cụm khói nào bay lên.
Hôm nay, đám tù sĩ quan lại được cấp phát mỗi người một bộ quần áo tù, sọc dọc bằng ba ngón tay chụm lại, màu đỏ lợt và trắng giống như đồ tù binh Mỹ trước đây tôi đã từng thấy trên màn ảnh TV, qua việc trao trả tù binh Mỹ sau Hiệp Định Paris. Họ nói là, vì số lượng tù binh bị bắt quá đông, ngoài dự trù của họ, nên mỗi người chỉ được một bộ quần áo tù để thay đổi, còn tù binh hạ sĩ quan trở xuống được cấp phát một bộ đồ lính lấy từ các kho ở Ban Mê Thuột.
Những ngày kế tiếp, vẫn sinh hoạt như thường lệ, sáng điểm danh, tập thể dục, đọc nội quy, cơm hai bữa, đói triền miên rồi cũng quen dần. Tù binh từ hạ sĩ quan trở xuống được vệ binh dẫn ra ngoài trại, dọn dẹp chặt cây kiếm củi cho nhà bếp. Đám sĩ quan chỉ được quanh quẩn trong vòng rào, quét lá, vệ sinh lán trại, họ không cho ra ngoài lao động, có lẽ sợ chúng tôi bỏ trốn. Buổi chiều, cán bộ chính trị tổ chức các lớp tuyền truyền nói về cái cái lý tưởng Cộng Sản, chủ nghĩa Mác-Lê làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, xóa bỏ tư hữu, giai cấp mọi người đều bình đẳng, vân vân… Ôi, họ nói như vẹt, thao thao bất tuyệt như đã được học thuộc lòng, chắc họ cũng biết Nga Tầu cũng “tư hữu”, quyền lợi riêng mà đánh nhau chí chóe thì bao giờ tiến tới thế giới đại đồng? Sau đây lầ những mẫu đối thoại điển hình giữa tù nhân và chính trị viên trong những buổi thuyết giảng đầu tiên:
- Các anh cứ mạnh dạn đặt câu hỏi bất cứ về vấn đề gì, chúng tôi hứa sẽ trả lời đầy đủ cho đến khi các anh thông suốt, nếu câu hỏi ngoài sự hiểu biết của chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyển lên cấp trên để trả lời các anh, và nhắc lại chúng tôi không hề để ý, trù dập vì câu hỏi của các anh.
- Cho chúng tôi hỏi, xin anh cho biết Miền Bắc đã đạt được Xã Hội Cộng Sản chưa? Nếu chưa thì bao giờ tiến tới được?
- Để tiến tới xã hội cộng sản, phải xây dựng xã hội chủ nghĩa. cách mạng nước ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: Đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lươc, giải phóng miền Nam và xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc. Dưới mái nhà Xã Hội Chủ Nghĩa, nhân dân được hưởng giáo dục, y tế miễn phí, không có người ăn xin, không có tệ nạn xã hội như trộm cắp, đĩ điếm, thuốc phiện và chất gây nghiện vân vân. Mọi người hăng hái lao động thể hiện nếp sống văn minh, vân vân...
Họ dùng những từ ngữ nghe lạ tai, hoa mỹ chính trị và mơ hồ, khoe khoang cái xã hội miền bắc trái ngược với hình ảnh chúng tôi thấy và biết được qua báo chí, truyền hình do các phóng viên thu được lúc Bắc Việt trao trả tù binh Mỹ. Họ nói chúng tôi được tự do hỏi, nhưng câu nào họ bí là chụp mũ phản động, tay sai đế quốc Mỹ, vân vân…
Vì thấy họ treo cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chúng tôi hỏi, họ trả lời rất trắng trợn như sau:
- Các anh là bộ độ miền bắc?
- Không, chúng tôi là bộ đội giải phóng miền nam.
- Các anh nói giọng Bắc rõ ràng mà.
- À…, chúng tôi gốc miền bắc, nhưng vào nam lâu rồi….
Họ trả lời rất ngượng ngạo về câu hỏi này, vì sự thật phơi bầy rành rành. - Vì sao vậy? Vì họ công bố với quốc tế rằng không có quân đội miền bắc ở miền nam, chỉ có người miền nam nổi dậy, nên trong hiệp định Paris không có mục nào đòi quân miền bắc rút về.
Chiều cùng ngày, tất cả tù nhân được tập họp (họ gọi là tập trung) ngồi ở sân trước lán, cán bộ trại với cái loa chạy bằng pin. Họ nói: "Các anh may mắn được cách mạng bắt là sống, nếu còn trong hàng ngũ tay sai mỹ ngụy, chỉ là bia đỡ đạn cho chúng rồi cũng bị tiêu diệt". Cứ mỗi lần nói xong một đề tài, họ lại đề nghị vỗ tay, hành động này thật mới lạ, vì vỗ tay là do ý của khán thính giả, nếu diễn giả nói hay, thì tự ý người nghe vỗ tay khen thưởng chứ.
Và họ thông báo về việc khai báo lý lịch:
- Với chính sách khoan hồng của chính phủ và nhân dân đối với Ngụy quân, Ngụy quyền làm tay sai cho đế quốc Mỹ, các anh đươc đối sử tử tế, vì thế, các anh phải tự soi vào bản thân mình, đã làm gì chống lại nhân dân và cách mạng, ăn năn hối cải bằng cách thật thà khai báo. Nhắc lại, dưới chính sách khoan hồng, chủ trương đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, dù các anh có tội tầy trời như thế nào cũng được khoan hồng.
Họ còn răn đe:
- Anh nào còn cố tình che dấu, lấp liếm sẽ bị thẳng tay trừng trị. Tối nay các anh tự suy nghĩ soi lại bản thân, chuẩn bị tư tưởng để ngày mai khai báo những việc làm của các anh từ tuổi biết nhận thức cho đến nay.
Tối về, chúng tôi thì thầm bàn tán với nhau nên khai như thế nào? Khai hết sự thật Liệu họ có khoan hồng như họ nói không? Tôi bàn với mấy anh em nằm gần, đừng nghe họ nói, cái gì có thể dấu dược nên dấu, riêng mấy anh em đơn vị đồn trú tại Ban Mê Thuột, tôi đã dò hỏi, không có đơn vị nào kịp đốt hồ sơ khi rút chạy, nên khai thật lí lịch của mình còn công trạng thành tích dấu được cái nào hay cái ấy. Riêng tôi, vì cơ quan của tôi có liên hệ với tất cả với đơn vị đồn trú trong thị xã, và cả với dân chúng nên khó mà dấu diếm lý lịch của mình, vả lại tôi bị tụi nằm vùng bắt giải giao cho bộ đội, chứng tỏ họ đã biết tôi là ai rồi.
Ngày hôm sau, chúng tôi được phát mỗi người hai tờ giấy đôi dính liền bốn trang khổ lớn có gạch để viết cho thẳng hàng, và một cây viết bi (viết bi này có lẽ họ lấy ở Ban Mê Thuột nên mới đủ phát cho cả ngàn người) mỗi lán đều có cán bộ trông coi, dẫn giải cách khai và giải đáp những gì chúng tôi còn lấn cấn, thắc mắc. Câu hỏi nhiều nhất là thành phần giai cấp xã hội. Ở miền nam chỉ có người giầu kẻ nghèo nên không biết mình thuộc giai cấp gì. Họ giải thích, xã hội các anh theo tư bản nên có nhiều giai cấp như: Tư sản mại bản, tiểu tư sản, tiểu thương, công nhân, địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông, vân vân…, các anh tự xét mình rơi vào thành phần nào. Thật là rối rắm quá sức, chúng tôi là lính, thành phần xã hội là lính sao phải khai cái này? Họ giải thích, không phải bản thân các anh, mà bản thân gia đình ba đời các anh thuộc thành phần nào.
Đây là những mẫu đối thoại, cán bộ giải thích để xếp loại thành phần của anh em tù binh chúng tôi:
- Thưa anh, thành phần xã hội trong nam khác với ngoài bắc, nên chúng tôi rất bối rối, không biết xếp vào loại thành phần nào?
- Thế các anh đi lính, Mỹ Ngụy trả lương các anh một tháng bao nhiêu?
- Khoảng vài chục ngàn một tháng. (tôi nhớ lương độc thân của tôi, Trung Úy ở đơn vị không tác chiến lãnh 25 ngàn đồng một tháng)
- Thế quy ra gạo được bao nhiêu cân?
- Được khoảng hơn tạ gạo.
- Rõ ràng, với số gạo như thế, các anh ăn làm sao hết, các anh liệt vào giai cấp tư sản bóc lột.
- Với số lương như thế, chúng tôi sống còn chặt vật, là thành phần nghèo trong xã hội thì sao gọi là bóc lột được.
Cuối cùng, cán bộ cũng trả lời một cách mơ hồ:
- Thôi, các anh cứ tự soi bản thân mình, gia đình mình, xem rơi vào thành phần nào rồi thành thật khai báo, chúng tôi sẽ xem sét cụ thể từng người.
Buổi chiều cùng ngày, cán bộ ra lệnh là từng người chúng tôi phải đọc to bản khai báo của mình cho mọi người cùng nghe, nếu ai phát hiện người nào khai man trá, phải mạnh dạn tố cáo, đấu tranh để người sai phạm nhận thức được cái sai của mình, giúp họ trở thành người tiến bộ. Cách đọc to lý lịch thật thâm cay, làm chúng tôi hoang mang sợ bị anh em, nhất là bọn ton hót kiếm điểm tố cáo mà không giám dấu diếm, khai man.
Liên tiếp những ngày sau, chúng tôi một số người bị gọi lên thẩm vấn trong đó có tôi. Họ hỏi tôi:
- Đơn vị anh, Quân Trấn là làm gì?
- Việc chính của chúng tôi là kiểm soát việc phòng thủ của tất cả các đơn vị đóng trong địa bàn thị xã.
- Còn những việc gì khác?
- Kiểm soát an ninh trật tự trong thị xã, bắt giữ xử phạt quân nhân vi phạm kỷ luật.
- Còn chức vụ sĩ quan điều hành và bài trừ tệ nạn xã hội là anh làm gì?
- Tôi giải quyết và ngăn chặn lính tráng vướng vào tệ nạn xã hội thôi.
- Anh phải nói cụ thể công việc của anh, không nói chung chung.
- Về trật tự, chúng tôi bắt giữ quân nhân say sưa, phá phách, ăn mặc lôi thôi và vi phạm kỷ luật ngoài đường phố. Còn tệ nạn chúng tôi giải quyết, triệt phá ổ mãi dâm, hút sách, cờ bạc theo kế hoạch của tỉnh trưởng.
- Anh là sĩ quan an ninh, có quyền bắt giữ, hối lộ, vơ vét, có nhiều nợ máu với nhân dân.
- Tôi chỉ là sĩ quan lo về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội không dính dáng gì với ngành an ninh cả và chỉ đối với quân đội mà thôi, không dính gì đến nhân dân mà hối lộ vơ vét mang nợ máu với nhân dân. Ở thị xã nhỏ bé này nhiều người biết tôi, tôi ở nhà thuê, sống nghèo rõ ràng là tôi bị các anh nằm vùng bắt giao cho ban quân quản rồi họ giao cho các anh, họ biết tôi, nếu tôi ác ôn, hối lộ, vơ vét ở dịa phương thì họ không giao tôi cho các anh đâu.
- Anh làm việc tốt cho Mỹ Ngụy, là tội chống lại nhân dân một cách tích cực.
Cuối cùng, tôi hơi bực và nghiêm giọng trả lời họ:
- Xã hội nào cũng phải có cơ quan lo về an ninh trật tự và lo bài trừ các tệ nạn xã hội, giữ bình yên cho dân chúng, không thể nợ máu với nhân dân được!
- Thôi được, anh trở về trại, chúng tôi còn phải điều tra thêm về anh.
Vài ngày sau, một sự bất ngờ là tôi được gọi lên ban chỉ huy trại, họ dẫn tôi vào một cái nhà tranh nhỏ trống trải gọi là nhà khách, có đặt một cái bàn dài và hai băng ghế đặt chạy dọc theo hai bên bàn, tất cả đều làm bằng tre. Tôi hơi giật mình lẫn chút ngạc nhiên, nhìn thấy một người phụ nữ ngồi cạnh góc bàn mặc bộ đồ xanh mầu cứt ngựa bộ đội, trông cô này rất quen. Người bộ đội dẫn tôi vào giới thiệu, “Đây là chị Ba Thủy, trực thuộc ban quân quản muốn nói chuyện với anh.” Rồi bỏ ra ngoài.
Đây là người con gái lần đầu tôi gặp tại một đám cưới, được nhà trai cố tình sắp xếp tôi ngồi cùng bàn để giới thiệu, và sự trùng hợp ngẫu nhiên là cô giáo dạy trường tiểu học nơi đứa cháu ở với tôi học lớp hai, vì nó rất ngỗ nghịch hay la cà trên đường đi học nên tôi có nhờ cô ta, có xe gắn máy, đến nhà tôi chở nó đi học hằng ngày, dần dà trở nên thân thiết.
Thấy tôi bước vào, cô ta đứng dậy giơ tay mời tôi ngồi vào băng ghế bên cái bàn tre đối diện, điệu bộ này giống như cán bộ hỏi cung tôi mấy hôm trước, tôi nghĩ nhanh, thôi rồi, con nhỏ này hỏi cung thì mình không dấu diếm gì được.
- Anh, chắc anh ngạc nhiên lằm phải không? Được biết anh ở đây, nhân dịp có chuyến công tác ngang qua, em xin phép tổ chức, ghé thăm anh một chút, anh cứ tự nhiên, xem em như ngày nào.
Tôi trả lời nhanh trong dè chừng, giữ khoảng cách.
- Đúng rồi, làm sao không ngạc nhiên được, cô không phải là cô Vân như trước đây, nay là cán bộ Ba Thủy đã khác xưa, trước đây nếu biết thế này thì sự thể đã… khác…. (Tôi định nói đã bắt cô rồi, nhưng không dám). Tôi bây giờ là tù binh của bên cô, như cá trong rọ, cô muốn khai thác gì, tôi sẵn sàng.
- Không, em đến thăm anh vì tình cảm, cám ơn anh đẽ giúp đỡ em trong thời gian hoạt động trong lòng địch, em có nói với ban lãnh đạo trại, anh là người có công với cách mạng…
Tôi vội ngắt lời, phủ nhận.
- Tôi chả có công gì với cách mạng cả, nếu tôi biết thế này tôi đâu có giúp cô, cứ nói họ đối sử với tôi như những tù bình khác.
- Thôi thì tùy anh, em phải đi, nhân tiện em có ít quà mang cho anh đây, vì vội vã nên chỉ có cái bánh tét, nải chuối và hai gói thuốc, em đã xin phép ban lãnh đạo trại rồi, mong anh nhận cho như một lời cám ơn của em.
Cô ta mở to miệng giỏ cói đựng quà, cố ý để tôi nhìn thấy những vặt bên trong rồi trao cho tôi. Mặc dù rất thèm nhưng tự ái vì mình đã bị lừa và lợi dụng nên nhất quyết xua tay.
- Tôi đâu có làm ơn gì cho cô đâu mà nhận ơn, cô cứ cầm về đi.
- Thôi mà, em vẫn xem anh là một người anh như xưa, mong anh nhận cho.
Lúc ấy có tên bộ đội vào để nhắc cô ta đến giờ phải đi, cũng chen vào nói.
- Anh nhận đi, công chị ấy lặn lội mang tới đây.
Tôi nể lời nhận lấy cái giỏ. Cô ta nhìn nhanh tôi chào từ biệt. Cũng đôi mắt ấy, nhưng cái nhìn hôm nay, hình như có long lanh một ít xúc động nào đó nên cô ta vội vã ngoảnh mặt bước đi. Có thể cô ta xúc động khi nhìn thấy hình hài tiều tụy của tôi chăng? Họ là người Cộng Sản được cho là sắt đá, nhưng vẫn là con người, cũng có đầy đủ thất tình, lục dục, tôi nghĩ thế. Bây giờ tôi đã hiểu, chúng tôi quen nhau không phải tình cờ, có sự sắp xếp trước. Người ta gần gũi tôi để thu nhặt tin tức và để xin giúp đỡ khi gặp rắc rối, còn tôi nhờ cô ấy đưa đứa cháu ngỗ nghịch đi học hàng ngày. Chỉ vậy thôi. Chúng tôi vẫn giữ khoảng cách với nhau. Chắc cô ấy không muốn qúa thân thiết hơn mức bình thường vì sợ bị tôi khám phá ra những hoạt động bí mật của nàng. Còn tôi vì quá lu bu với trách nhiệm và gia đình nên chẳng để ý đến tình cảm riêng tư. Đôi khi nhìn theo giáng người nhỏ nhắn, nước da trắng hồng với nụ cười bí hiểm, tay giắt thằng cháu tôi đi dung dẻ, như hai mẹ con. Một thoáng hình ảnh về một mái ấm gia đình lóe lên trong đầu, làm tôi bâng khuâng nhưng rồi lại quên đi. Những giây phút chợt ẩn chợt hiện như vậy chẳng bao giờ thật rõ ràng. Tôi vẫn sống độc thân với bao lo lắng vì chiến cuộc càng ngày càng khốc liệt.
Nhớ lại, trước đây có nhiều dấu hiệu, việc làm của cô ta dễ dàng nhận biết là kẻ nằm vùng, nhưng tại sao tôi không để ý đến? Có lần cô ta bị cảnh sát bắt về tội chủ ghi số đề, được tin, tôi chạy ngay lên ty cảnh sát gặp Đại Úy Tuấn, trường phòng tư pháp ty cảnh sát, xin cho cô ta. Anh Tuấn là người rất quen biết với tôi, vì hồ sơ của những người dân sự phạm pháp, bị Quân Trấn bắt giữ, chuyển giao qua phòng tư pháp cảnh sát là do tôi ký. Anh ấy hỏi ngay khi tôi bước vào phòng nêu vấn đề với anh:
- Chị này quen với anh à?
- Cô này chỉ là cô giáo dạy đứa cháu của tôi, anh biết đấy, lương giáo chức tiểu học không bao nhiêu lại phải lo cho mẹ già và em gái, nên túng làm liều, ghi số đề kiếm thêm thôi. Xin anh thông cảm cho tôi lãnh ra, tôi sẽ nhắc nhở cô ta việc làm này là phạm pháp, không được tái phạm.
Anh Tuấn nghiêm sắc mặt, không thấy thân thiện như mỗi lần gặp tôi lúc trước, nói với tôi:
- Chị này đâu phải ghi đề ăn hoa hồng mà là chủ đề, tôi có bằng chứng, tịch thu nhiều cùi ghi đề trong nhà chị ta, chắc anh không biết thôi.
Tôi tức vì thái độ không thân thiện của Tuấn, hắn nhiều lần nhờ vả tôi về hồ sơ điều tra tư pháp mà hắn thụ lý. Sao lúc đó hắn nhờ tôi thì sởi lởi vui vui vẻ thế, đúng là tư pháp cảnh sát vào tròng họ là biết! Tôi nén giận, xuống giọng năn nỉ:
- Đại Úy ơi, cô này lương giáo viên ba cọc ba đồng, ở cái nhà lợp tôn, nghèo như thế làm chủ sao được, ai tin mà mua số, lỡ trúng lấy tiền đâu chung.
Hắn thấy tôi xuống giọng lại gọi hắn bằng cấp bậc, thay bằng anh thân thiện nên biết ý, sau này khó mà nhờ vả tôi. Hắn vui vẻ nói với tôi:
- Anh Sỹ à, tôi tin anh, chuyện này chỉ là chuyện nhỏ thôi, anh ngồi chờ đây một lát, tôi bảo nhân viên làm giấy thả, anh ký nhận cô ta về.
(Bây giờ tôi mới biết, cô ta đích thực là cán bộ kinh tài cho việt cộng).
Một lần, đứa em gái cô ta nửa đêm gõ cửa nhà tôi, bảo là chị Vân nhờ tôi lại nhà, nói có mấy ông lính ăn nhậu ở nhà cô ta đến giờ không chịu về, vì chị ngày mai phải đi làm không thể thức khuya tiếp đãi mấy ông ấy được. Tôi hơi bực, vội vàng mặc quần áo, lên xe cô ta chở tôi đến nhà. Vừa đến nhà đã nghe tiếng ồn ào, bàn nhậu năm sáu ông sĩ quan biệt động quân tôi đều quen biết, đang cụng ly nói chuyện rân ran, tôi lên tiếng:
- Con lạy các bố, người ta là phụ nữ còn độc thân, mai phải đi làm, mấy bố còn ăn nhậu đến giờ này chưa chịu về à?
Một thằng mang lon trung úy, quen với tôi, đứng dậy giọng lè nhè vung tay nói:
- Tưởng ai, lại là mày. Ê, ngồi đây nhậu với tụi tao, hay mày định đến bắt tụi này?
À, thằng này dùng “này” thay cho “tao” ý là muốn gây đây, tôi vẫn giữ giọng cũ:
- Con đến đây để lạy các bố, xin các bố về cho, khuya rồi, ngày mai người ta còn phải đi làm.
- Ê, cô Vân này mời tụi tao nhé, chứ đâu phải tự ý quấy rầy cổ đâu.
(Thế mới biết, tại sao cô ta quen nhiều sĩ quan Biệt Động Quân, Sư Đoàn 23 thuộc đơn vị tác chiến, đích thực để moi tin tức).
Và có lần, tôi thấy trong nhà cô ta có nhiều bao cói muối và thuốc tây, tôi hỏi, được cô ta trả lởi là mỗi lần về Nha Trang thăm mẹ, lúc lên Ban Mê Thuột mua mấy bao muối, bán lấy tiền lời chênh lệch bù vào tiền vé, còn thuốc thì giải thích là mẹ cô ta là Y tá, mua được thuốc với giá rẻ, gởi về cho mẹ bán kiếm lời. Lúc đó, tôi nghe giải thích hợp lý, nên không có chút nghi ngờ gì về cái rất dễ nghi ngờ, đây là đồ tiếp tế cho Việt Cộng trong rừng. Đúng ra, trước đây là lính tác chiến, tôi không có nghiệp vụ chuyên môn về ngành an ninh, tình báo gì nên không để ý.
Trở lại thực tế, tôi được dẫn về lán trại tù, mấy thằng bạn tù trố mắt ngạc nhiên, thấy tôi tay sách cái giỏ cói có bánh trái. ”Mày có người thăm nuôi hả?” một thằng nhanh nhẩu hỏi. Tôi nói đùa gần với thật, “Tao bị hỏi cung về thân thế sự nghiệp, nó nhận ra tao là thành phần tiến bộ có công với cách mạng nên thưởng gói quà này đây.” Tụi nó đều hiểu câu nói “xạo” của tôi. Thằng Dzũng trung úy “giặc lái” trực thăng tản thương, phán lời vừa ngạc nhiên vừa thán phục, “Mẹ, cái thằng Bắc Kỳ này hay thật, tụi tao bái phục mày, tôn làm sư phụ.” Tôi về chỗ nằm, treo cái giỏ lên vách đầu giường, vài thằng bạn bu quanh, xin xỏ. Tôi trấn an, “Yên chí đi, tao sẽ chia không cất ăn một mình đâu.” Tôi biết, cái giỏ này nằm trong tầm ngắm ngày đêm của tụi bạn tù, mình không thể đi đâu cũng ôm khư khư nó được, trước sau cũng bị lấy cắp, rồi lại sinh tội ra. Một trong những nội quy của trại là cấm trộm cắp, cán bộ trại tù giải thích, kẻ trộm cắp có tội đã đành, người bị mất cắp cũng có tội là không bảo quản tốt đồ đạc của mình, là khuyến khích người khác phạm tội. Nghĩ thế, tôi quyết định ngay, để tỏ ra vẫn hào phóng như những lần trước, lấy gói thuốc phân phát cho mấy thằng bạn quen mỗi đứa một điếu cho đến hết, giữ lại một gói, còn đồ ăn đợi đến giờ cơm chiều chia đều hết cho mâm cơm mười người của tôi. Trong tù, giữa chốn rừng hoang này, thuốc hút rất quý và hiếm, có đứa ghiền, chịu đổi một “ngao” thuốc lào (cục thuốc vê tròn to bằng hai đầu đũa) hút được hai hơi bằng cách lấy lá cuốn kèn hút, đổi lấy nửa phần cơm, tức là nửa chén mặc dù đói triền miên. Thuốc lào có được là do tù lén đổi chác đồ đạc riêng tư cho tụi vệ binh canh gác, việc này bị cấm.
Hàng ngày đám sĩ quan không phải làm gì, thỉnh thoảng có người bị gọi lên ban chỉ huy trại để thẩm vấn. Vì đói, một số anh em đi tìm bắt cào cào, châu chấu, rắn rết, bọ cạp ngay cả sâu, giun, dế… tất tần tật, tức là con gì cựa quậy là nướng để ăn. Việc làm này đã bị tụi cán bộ chê trách, “Các anh chưa đến nỗi đói đến phải làm thế.”
Có một lần vì táo bón lâu ngày, tôi liều mạng trốn ra khỏi khu vực giới hạn của bãi tắm giặt, leo qua bờ bên kia suối để cố hái rau dại, bị bộ đội canh gác phát hiện, bắn cảnh cáo bắt về. Đây là tội nặng, theo quy định của họ. Tôi bị dẫn về ban chỉ huy trại, mới đầu họ quát nạt, dọa dẫm đủ điều, tôi trình bầy là vì bị táo bón hái rau rừng về luộc chứ không có ý định tìm đường trốn. Cuối cùng họ cũng nhẹ tay, bắt tôi làm kiểm điểm, rồi tập trung anh em tù, nhận khuyết điểm trước mọi người và ban lãnh đạo trại, hứa không tái phạm. Tội của tôi đáng lẽ bị cùm, không hiểu sao họ lại nhẹ tay với tôi.
Anh em tù đói ăn lẫn đói thuốc hút, mấy thằng vệ binh bộ đội thèm đồng hồ đeo tay, chúng nó khen đồng hồ tư bản làm quá đẹp và hiện đại hơn đồng hồ Liên Xô, thường hay gạ gẫm đổi đồng hồ lấy một bánh thuốc lào 100 gram và môt kg đường, đó lầ tiêu chuẩn một tháng của tụi nó. Tôi còn giữ được cái đồng hồ Seiko 5, thằng bộ đội thường canh gác tù binh khi tắm giặt, hắn từng bắt tôi tội hái rau hôm trước. Hôm nay thấy trên cổ tay tôi đeo đồng hồ, hắn gạ gẫm đổi:
- Này anh, đồng hồ đeo tay có đổi không?
Tôi đang đói thuốc nên ý cũng muốn đổi:
- Đổi lấy cái gì?
- Cũng như mấy người kia (ý nói là những người đã đổi trước), nhưng anh phải cho tôi xem nó còn tốt không, loại gì?
- Đồng hồ tôi rất tốt của Nhật, hiệu Say-Cô, không chết đuối, ba tên lửa, 12 đèn (tức là kim và vạch chỉ giờ có dạ quang), hai cửa sổ anh em (là hai ô chỉ ngày tháng nằm bên nhau, có đồng hồ nằm hai bên), ngựa đá tốt (là hệ thống quay tự động thay phải lên giây cót), đảm bảo. (Những từ này tôi học được của tụi bộ đội vào những ngày đầu bị bắt).
Hắn cầm lấy cái đồng hồ, lật qua lật lại quan sát kỹ, trông có vẻ thèm thuồng, đưa lên tai lắc nghe xem “ngựa đá” rồi bảo tôi:
- Đồng hồ Nhật của anh không đẹp và tốt bằng đồng hồ rô-lếch của thụy sĩ.
Tôi “bốc“ để mặc cả với hắn:
- Người nào bảo anh thế là lạc hậu, bây giờ Nhật tiến bộ hơn Thụy sĩ nhiều rồi, hàng Nhật mới là tốt, anh phải thêm cho tôi ít nữa chứ.
Hắn có vẻ tin tôi, gật gật ra vẻ ta đây cũng sành điệu rồi hạ giọng:
- Tôi biết, nhưng chỉ có thế, bánh thuốc lào một lạng và một cân đường, tiêu chuẩn hàng tháng của tôi, không thể kiếm thêm được.
Thằng này hôm bữa hùng hổ quát nạt tôi về tội hái rau rừng, nay nó hạ giọng xuống nước nài nỉ, tôi được dịp trả thù, buông lời gần như ra lệnh:
- Thôi được, nhớ là tiền trao cháo múc nhá, khi nào có, cứ gặp tôi lúc đi tắm giặt. Nhớ mang theo cái cốc có nước để bỏ cái đồng hồ vào, xem nó có chết đuối không đấy.
Tôi quay người định đi xuống suối, hắn gọi giật lại hỏi:
- Này, thế anh có biết ai muốn đổi đồng hồ, tôi còn mấy đứa muốn đổi nữa.
- Để tôi xem.
Tôi trả lời rồi đi nhanh xuống suối, mơ màng nghĩ đến bánh thuốc lào, chia cho anh em còn lại mình cũng cầm cự được cả tháng. Đến chỗ tắm, mấy đứa hỏi tôi là thằng bộ đội gác nó kêu mày lại để nhắc nhở việc vi phạm hổm bữa phải không?” Không,” tôi trả lời.” Nó gạ đổi đồng hồ của tao, tụi mày sắp có thuốc lào, tha hồ phê.”
Việc đổi chác đồng hồ lén lút rồi ban chỉ huy trại cũng biết, trưởng trại ra lệnh cấm chỉ, ai còn đổi chác bất cứ cái gì sẽ bị xử phạt nặng, họ nói như thế là bóc lột, bất công, tha hóa các đồng chí của họ. Chỉ có hai cái đồng hồ đeo tay được trả lại, thuốc lào và đường không lấy lại vì đã phân tán hết rồi. Còn đồng hồ của tôi và của một số người nữa không thấy đâu. Tôi nghĩ, họ chỉ làm chiếu lệ thôi, chẳng lẽ tuyên truyền là họ hy sinh đi làm cách mạng, giải phóng miền nam khỏi sự kìm kẹp của đế quốc Mỹ, đưa nhân dân miền nam cùng miền bắc tiên lên chủ nghĩa xã hội ưu việt, không còn bất công, bóc lột, chẳng lẽ để đồng chí của họ lợi dụng sự thiếu thốn để bóc lột chúng tôi sao?
Rồi sự đổi chác vẫn tiếp diễn vì nhu cầu của cả hai bên, hầu hết mọi người đều biết nhưng không thấy ai bị phát hiện, có lẽ cả tụi cán bộ của họ cũng làm việc này nên mọi sự vẫn êm trôi…
Ngày 25 tháng 3, chúng tôi dược lệnh tập trung ở sân trại, họ công bố Quân Đoàn Hai tháo chạy bị họ tiêu diệt, bắt được nhiều tù binh, xe tăng và vũ khí hạng nặng, hoàn toàn chiếm được hai tỉnh Kon Tum và Pleiku rồi đề nghị chúng tôi vỗ tay hoan hô. Chúng tôi biết Cộng Sản hay khoác lác, dối trá nên đồng loạt vỗ tay thật to và lâu, đó là biểu hiện chế diễu sự phóng đại, dối trá, nói láo của họ (mới đầu họ cứ tưởng chúng tôi là hoan hô thật sự). Thời gian sau, họ tuyên bố Quân Đoàn Một bị đánh tan tác, tháo chạy trong hỗn loạn, họ giải phóng hoàn toàn quân khu Một và thành phố Quy Nhơn, rồi lại đề nghị chúng tôi vỗ tay hoan hô. Tiếng vỗ tay lần này rời rạc và yếu hẳn, khác xa sự rộn ràng vang dội mang tính phản kháng ngầm như lần trước, vì chúng tôi tin có phần nào sự thật, họ không thể bịa đặt ra một sự thể to lớn như thế.
Chiều tối ngày 2 tháng 4, hai chiếc xe GMC chở đầy những tù binh vào trại. Dưới ánh đèn pha, chúng tôi nhận ra họ phần đông là lính nhảy dù, một số lính sư đoàn 23, hai phi công. Quần áo lấm đầy bụi đỏ còn nguyên phù hiệu, lon lá. Họ vui vẻ, tự nhiên trông như những kinh kha trở về từ chiến trận hơn là đám bại quân bị bắt. Sau khi được phân chia chỗ ngủ phía cuối lán. Đám tù cũ bu lại, hỏi thăm và xin thuốc hút, mới biết họ toàn là sĩ quan, thuộc chiến đoàn Ba Nhảy Dù, một số thuộc trung đoàn 44 sư đoàn 23. Đơn vị của họ được đưa đến án ngữ tại đèo Phụng Hoàng nằm trên quốc lộ 21, giáp ranh giữa hai tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hòa, để chận đường tiến của quân Bắc Việt từ Ban Mê Thuột tràn xuống Nha Trang. Sau nhiều ngày giao tranh với số quân đông gấp bội của địch, lữ đoàn 3 nhảy dù cùng với một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 44 sư đoàn 23 bị đánh tan phải rút chạy, tiểu đoàn 6 nhảy dù bị nặng nhất với nhiều sĩ quan bị bắt, trong đó có Trung tá tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thành. Chúng tôi có hỏi tin tức về Pleiku, Kontum và tình hình quân đoàn Một, họ xác nhận đã mất, diễn tiến như lời trưởng trại nói. Tôi buồn bã, than thở với mấy thằng bạn tù,” Thế là kế hoạch trốn trại của mình không còn mấy hi vọng, địch chiếm hết các tỉnh gần thì mình trốn về đâu?” Rồi tự hỏi lẫn nhau, không hiểu sao mình thua nhanh thế?
Mấy ngày sau đó, lợi dụng đêm tối và sự canh gác lỏng lẻo, ba tù binh chui qua hàng rào đột nhập vào nhà bếp lấy đi một ít gạo và muối rồi trốn. Sáng ra, khi tập họp tâp thể dục, mới biết có người trốn trại. Kẻng báo động gõ liên hồi, lệnh cho tất cả các tù bình vào trong lán, bộ đội tủa vào rừng truy tìm dấu vết. Ngồi trong lán, thì thầm bàn tán, thế nào chúng tôi cũng bị gây khó dễ, họ sẽ nghiêm ngặt hạn chế sự đi lại cũng như sinh hoạt hàng ngày, rồi tự an ủi lẫn nhau là cái thân tù phải chấp nhận thôi, mong cho anh em này trốn thoát được. Đến khoảng 9 giờ sáng, ban chỉ huy trại có cả chính ủy đến từng lán, họ hăm dọa sẽ xử phạt thật nặng, và quyết đoán những người trốn không thể thoát được vì có nhiều đơn vị bộ đội đóng quanh đây. Lệnh cho chúng tôi phải tự quản lẫn nhau, thấy ai có biểu hiệu trốn chạy phải tố cáo ngay, ban đêm có người nào trốn, những người nằm bên cạnh phải chịu trách nhiệm, rồi hạ giọng khuyên nhủ,” Các anh không nên tìm đường trốn, các anh trốn đi đâu? Với cái đà này, chúng tôi chỉ nay mai là giải phóng Saigon. Chúng tôi thực hiện chính sách khoan hồng đối với tù binh, đối xử các anh tử tế, chúng tôi giữ các anh để giáo dục các anh nhận biết tội lỗi làm tay sai cho Mỹ Ngụy, để các anh trở thành người tốt rồi cũng thả các anh về với nhân dân, giữ các anh chỉ tốn cơm chứ ích lợi gì.” Dứt câu, chúng tôi vỗ tay tán thưởng, họ có vẻ hài lòng rồi đi sang lán khác. Bọn tôi thở phào nhẹ nhõm, tình huống không đến nỗi nào xem như không có chuyện gì xẩy ra. Ngày hôm sau, được thông báo đã bắn chết ba người trốn trại, lý do bị bắn là cố chạy khi bi bộ đội phát hiện. Nói là thế, chứ không biết thật hay giả, hay chỉ để răn đe tù nhân.
Ngày 10 tháng 4, đúng một tháng mất Ban Mê Thuột, tù binh từ hạ sĩ quan trở xuống được bộ đội dẫn đi chặt tre mang về những thân tre to và dài, để chúng tôi chặt hai đầu mắt làm thành ống đựng nước, mỗi ống là một mắt tre kèm theo sợi giây rừng buộc quanh ống để có thể đeo vào vai, làm “khẩn trương” suốt cả ngày được vài trăm ống, đủ mỗi người một ống đựng nước, chuẩn bị cho cuộc chuyển trại vào ngày mai. Đến chiều, lán sĩ quan mỗi người được phát một ruột tượng vải đựng gạo, dài hơn một mét, ruột tượng gạo này rất tiện, chỉ cần khoác lên vai vòng qua cổ mang đi, và lãnh 7 Kilô gạo cho ước lượng 10 ngày hành quân. Gạo này trắng đẹp xem còn mới, không giống như gạo vàng mốc họ vẫn nấu cho chúng tôi ăn, có lẽ họ lấy trong các kho gạo, khi chiếm được Ban Mê Thuột.
Ngày hôm sau, tất cả sĩ quan, được lệnh chuyển trại, mỗi người được phát hai chén cơm đầy với một ít muối ăn sáng trước khi di chuyển. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bị bắt đến nay, chúng tôi được cho ăn no. Chuẩn bị cho cuộc di hành, mấy người nước ngoài trong đó có đứa gái nhỏ cùng đồ đạc được đưa đi bằng xe Dodge, vì không đủ chỗ nên hai người nước ngoài trẻ nhất là Peter (người Úc) và Jay (người Mỹ) phải đi bộ. Đám bộ đội rất đông, lưng đeo ba lô, ruột tượng gạo trên vai, một bộ phận bộ đội khiêng vác quân dụng hậu cần nặng, bằng cách cột đồ đạc vào đòn gánh bằng tre hai người khiêng. Đám bộ đội này được xếp đi đầu, kế đến là đoàn tù khoảng gần hai trăm người vai quàng túi gạo, một ít người có túi sách tay. Riêng hai người nước ngoài không phải mang gạo, đồ đạc có 4 túi sách to, đồ cá nhân mang theo từ khi bị bắt. Họ đeo túi vào một thân tre, mỗi người một đầu khiêng đi. Tôi quan sát biết là không ổn, họ bắt chước kiểu khiêng hai người của bộ đội, nhưng cái đòn khiêng mới là mấu chốt giúp người khiêng chịu được lực nặng đè lên vai cho quãng đường dài. Đòn khiêng của bộ đội hình thù là cái đòn gánh bằng tre già, dẹp ở hai đầu để tản lực tiếp xúc và giữ cho đòn khiêng không bị quay nghiến vào vai, còn hai anh chàng nước ngoài, không có kinh nghiệm khiêng vác, có lẽ cả đời họ chưa bao giờ phải làm việc này. Họ khiêng bằng thân tre tròn dài, khi đi, mấy cái giỏ lắc lư làm đầu tre soắn qua soắn lại trên vai, da vai dộp lên là không chịu nổi.
Chúng tôi xếp đi hàng hai, hai bên bộ đội trang bị súng AK hộ tống. Đoàn tù ốm đói trông thật thảm não, kẻ trước người sau, nhếch nhác lê bước thành hàng dài, lẩn khuất đưới đám rừng thưa trong buổi sáng còn mờ sương. Cả đoàn người lặng lẽ bước bên nhau, có lẽ mỗi người một nỗi ưu tư, lo cho số phận của mình, về gia đình, vợ con hay mải mê nghĩ về cuộc chiến mà Miền Nam đang đứng bên bờ thảm bại. Thỉnh thoàng chỉ nghe tiếng nhắc nhở "Giữ cự ly” của đám bộ đội hộ tống. Hai anh người nước ngoài, khởi đầu đi ở phía trên, dần dà tụt dần đến gần chỗ tôi, khoảng giữa đoàn, trông họ rất thảm, mặt nhăn nhó vì đau bởi lực nặng của đòn khiêng đè lên vai, mặc dù hai đầu đòn khiêng đã được quấn lớp vải. Bộ đội luôn đi kè hai người này, không màng đến cái vai đau của họ, cứ mặc kệ, chỉ luôn miệng thúc dục hai người đi nhanh. Rõ ràng là đám bộ đội ghét hai người này hơn chúng tôi, có thể vì tuyên truyền của Cộng Sản là Mỹ độc ác hút máu dân miền nam, cũng vì Mỹ ném bom trên quê hương Miền Bắc của họ. Còn chúng tôi, dù sao cũng là đồng bào của họ. Chúng tôi cũng không chống trả quyết liệt gây tổn thất cho họ khi tiến đánh Ban Mê Thuột.
Hai người nước ngoài tụt dần đến chỗ tôi, tôi định khiêng giúp họ một khúc đường nhưng bị thằng bộ đội đi theo quát không cho, bảo là tôi làm mất trật tự, không giữ cự ly hành quân. Tôi cố bám sát Ray, bảo anh ta khi nào đến chỗ nghỉ, vất cái đòn khiêng đi, cố bỏ bớt những gì không cần thiết cho nhẹ, dồn hai túi thành một, bỏ vào cái võng họ phát, buộc chéo vai theo kiểu đeo ba lô, như chúng tôi. Ray cám ơn, rồi nói sẽ thực hiện khi đến chỗ nghỉ. Hai người nước ngoài lại tụt dần ra phía sau. Tôi tiếp tục bước theo đoàn quân, đưa mắt quan sát khu rừng đi qua và nhìn hướng mặt trời để đoán xem chuyển trại đi đâu. Cứ khoảng hai tiếng họ cho dừng nghỉ. Đến xế chiều, có lệnh nghỉ tại một bãi trống dưới những tán cây lớn bên bờ con suối, họ lùa chúng tôi thành một vòng tròn để tiện việc kiểm soát, gom mỗi người một bát gạo cho nhà bếp nấu cơm. Chỉ có cơm với muối, chúng tôi ăn no để có đủ sức đi, tối ngủ tại đây vì cạnh con suối ẩm thấp nên muỗi rất nhiều, tôi phải lấy miếng vải võng trùm kín từ đầu đến chân, trông như xác chết chờ tẩm liệm.
Ngày hôm sau, ngày thứ hai, chúng tôi được lệnh lấy nước dưới suối đổ đầy ống tre, di chuyển sớm, tôi để ý thấy hai người nước ngoài đeo túi sách sau lưng như balo bằng miếng vải võng y như lời tôi chỉ dẫn. Hôm nay, chúng tôi có vẻ quen, lo âu cũng chẳng giải quyết được gì, thôi, cứ đế nó trôi theo định mệnh, cứ lầm lũi đi, thỉnh thoảng cũng bàn chuyện này nọ với nhau cho quên đi mệt nhọc. Đến khoảng trưa, đoàn người đi vào một đường mòn, con đường len lỏi dưới những tàn cây to, chếch về hướng tây, đất nhẵn thín, chứng tỏ họ thường xuyên qua lại. Nhờ đi trên đường mòn đất bằng phằng, rừng già che khuất ánh nắng nên di chuyển có dễ chịu và tốc độ nhanh hơn. Đến chiều dừng chân bên bìa làng thượng, làng chỉ khoảng 10 nóc nhà sàn, không đông dân lắm, sống như thời bán khai, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy ở trần. Vì bộ đội không cho dân trong làng tiếp xúc với chúng tôi, nên không biết đám thượng này thuộc sắc dân nào để có thể đoán là chúng tôi đi đến đâu.
Ngày thứ ba, chúng tôi tiếp tục theo lối mòn, đi xuyên qua rừng già, bắt đầu xuất hiện nhiều lối mòn ngang dọc, đây có thể nói là “hệ thống” lối mòn mới đúng, vì có những dấu như mã số hoặc giắt một cái que chỉ hướng trên thân cây cạnh mỗi đường mòn, nếu không phải là họ thì khó có thể biết đường mòn này đi đâu. Có thể là hệ thống đường mòn, giao liên dùng để liên lạc với các đơn vị bộ đội đóng trong rừng. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những chòi nhà sàn nằm khuất dưới những tàn cây rậm, đó là những kho gạo phân tán, cất dấu trong rừng sâu, họ không tập trung lương thực vào một kho lớn vì nếu bị phát hiện là mất hết. Đến chiều, xuyên qua đám rừng già rậm rạp hơn, chúng tôi dừng chân tại một khu doanh trại bộ đội, trại bỏ hoang, chắc chỉ mới bỏ đây thôi vì nhà cửa còn nguyên vẹn. Chắc là doanh trại cấp trung đoàn, doanh trại không có hàng rào nhưng có hệ thống phòng thủ hầm hố chiến đấu, giao thông hào chạy quanh, bên trong rất nhiều lán trại, hội trường, nhà chăn nuôi lợn gà, tất cả nhà đều nằm chìm hơn một mét dưới đất, để tránh bom và là công sự phòng vệ. Đây là một mật khu của họ, nằm khuất dưới rừng già, máy bay khó phát hiện. Chúng tôi ăn cơm trong những căn nhà lớn, và ngủ qua đêm tại đây.
Ngày thứ tư, tiếp tục theo đường mòn xuyên rừng, cây to nhiều tầng đua nhau vươn cao tìm ánh sáng, che kín cả bầu trời làm lối mòn tối hẳn đi, rừng âm u ẩm thấp là nơi trú ẩn lý tưởng của đám côn trùng có cánh, muỗi đói bắt hơi người, vo ve bay lượn tấn công, chích nhát nào nhát ấy như kim đâm vào da thịt. Không còn cách nào khác hơn là dùng cành lá vừa đi vừa xua đuổi muỗi, đám bộ đội hai tay phải giữ súng nên khó khăn hơn trong việc xua đuổi đàn muỗi đói, họ chùm khăn mặt lên đầu, phủ khăn phía sau gáy thả đến vai, trên đội nón cối, áo dài tay che kín đến cổ tay, phần lớn mang dép râu (dép bằng lốp xe) có một số người đi giầy vải không vớ. Bình thường họ chỉ đi dép, nhưng nơi âm u này, có vài người mang vớ để chống muỗi. Đi qua nhiều chòi cất dấu gạo, chòi như cái nhà sàn nhỏ, có bốn chân, mỗi chân quấn vài cái hom sắt như hom nơm cá, mũi nhọn tua tủa chỉa hướng xuống đất để chống thú rừng, gạo chứa trong bao bố, chất chồng lên nhau, chòi lợp mái, quây kín bằng tre đan. Những kho gạo này, giao liên dùng để tiếp tế cho đám quân bắc việt xâm nhập vào nam.
Đến chiều, đoàn quân đến một khu hậu cần chăn nuôi nằm khuất dưới cánh rừng, chung quanh có mấy khoảng đất trống vây hàng rào bằng tre để tránh thú rừng vào phá phách, trồng khoai mì, rau và cây thuốc lá. Có vài nóc nhà, một nhà ở của bộ đội trông coi trại. Họ đưa chúng tôi vào một nhà to dài không có vách, nghỉ dưỡng sức một ngày hai đêm tại đây. Khu hậu cần này chỉ có ba bộ đội đã lớn tuổi và một con chó đặt tên là “Thiệu” trông coi. Không hàng rào hoặc công sự phòng thủ gì cả, heo gà nuôi thả, nghĩa là sáng thả vào rừng kiếm ăn, chiều đánh kẻng bằng mảnh bom, vật nuôi nghe tiếng kẻng chạy về, tối tự động vào chuồng, chúng ăn một ngày một bữa chỉ toàn khoai mì tươi băm nhỏ, có lẽ chúng được rừng hóa nên trông vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn. Một ngày ở đây, chúng tôi được cho ăn hai bữa có canh, canh chỉ là đọt khoai mì non (không biết họ lấy ở đâu) nấu với muối. Lần đầu tiên tôi biết lá mì ăn được, sao nó ngon chi lạ, nhờ có chất “rau” mà đỡ được phần sót ruột sau bao ngày chỉ toàn ăn cơm với muối.
Ngày thứ sáu, chúng tôi tiếp tục đi trên con đường mòn xuyên rừng chếch về hướng tây, đi khoảng ba tiếng gặp con đường đất khá lớn, mặt đường in dấu vết xe hơi hai hàng nhẵn thín, chạy hướng bắc nam. Con đường lúc ẩn lúc hiện dưới rừng già. Ôm lề đường phía tây có hai ống sắt dẫn dầu đặt sát bên nhau, đường kính khoảng 20 cm, trông như hai con trăn khổng lồ, uốn éo chạy dài bám theo con đường (sau này tôi được biết đường này là đường Đông Trường Sơn, nối tiếp với đường mòn Hồ Chí Minh, trước năm 73 chỉ là đường mòn cho người đi bộ, sau đó mới được san ủi thành đường lớn cho xe tải chạy. Đường này hướng bắc nam, trên đường gặp vài kho chứa xăng dầu nằm dấu dưới tàn cây to, có trạm chỉ dẫn xe cộ, biển báo chỗ ẩn núp cho đoàn xe khi bị máy bay phát hiện, trên đường thỉnh thoảng gặp những hố bom lớn do máy bay đánh phá, chỉ việc lách sang một bên, không trở ngại gì cả, mình có ném phá con đường chỉ tổ tốn bom. Nhân lúc gặp con đường với ống dẫn dầu, tôi có hỏi thằng Hùng đi bên cạnh:
- Ê này Hùng, mày lái máy bay quan sát, không thấy con đường với ống dẫn dầu to tổ bố thế này hay sao?
- Mày biết đấy, đường mòn Hồ Chí Minh, chạy từ bắc qua đất lào tới vùng KonTum đi vào Việt Nam, sau này nó làm thêm con đường song song nhưng bên bờ đông dãy trường sơn, đặt ống dẫn dầu cặp theo vào tới đất Miền Nam, tụi tao vẫn biết. Trước hiệp định Paris, quân mình cũng có thả bom bắn phá, nhưng như gãi ghẻ, thả các toán biệt kích xâm nhập dặt chất nổ phá ống dẫn dầu, nhưng chẳng làm được bao nhiêu, đâu phải lúc nào cũng có dầu chảy qua ống, dầu được bơm vào các bồn chứa nằm khuất trong rừng, rồi ngưng, mình phá, nó nối lại, cứ như vậy. Sau năm 73, Mỹ giảm viện trợ, thiếu xăng dầu, hầu hết các chuyến bay quan sát bị hủy bỏ.
- Còn xe cộ chạy trên đường, mày không thấy à?
- Thỉnh thoảng có thấy chứ, nhiều khi cả đoàn, gọi máy bay bắn phá, tới nơi thì nó tản vào rừng mất dạng. Mày thấy đấy, hai bên đường là rừng già, cây to gốc cả ôm che phủ, nghe tiếng máy bay là nó quẹo vào rừng ngay.
Sang ngày thứ 7, chúng tôi vẫn đi trên con đường này, nhiều người yếu sức trong đó có tôi, đã quá mệt mỏi, lê lết, rồi tụt dần về phía sau. Riêng tôi, bắt đầu gai gai sốt, toàn thân ê ẩm, cổ họng khô đắng, ăn không hết bữa cơm, tôi lo là không biết có lết được đến nơi không. Trên đường thỉnh thoảng gặp đoàn xe chở bộ đội, xe chở đầy đồ đạc, xe kéo súng phòng không, xe tăng kiểu lội nươc kéo theo đại bác cuốn bụi đỏ mịt mù, đi ngược chiều về phía nam. Có quãng đường phải qua con suối lớn nước sâu, không thấy cầu, tới gần mới biết có cái cầu chất bằng đá ngầm dưới mặt nước khoảng 4 tấc, bề ngang đủ để xe tải đi, hai bên có cắm những cây tre để làm dấu giới hạn dẫn lối cho xe cộ đi qua, nếu như nhìn từ máy bay khó biết có cây cầu ngầm dưới nước sắp bằng đá. Chúng tôi lội qua, nước gần đến đầu gối, đi loạng choạng vì nước chảy mà đá dưới chân lồi lõm, cố nắm tay nhau kéo thành dây dài cho khỏi té. Đến chiều, đoàn người tách khỏi đường lớn rẽ vào con đường nhỏ hơn về hướng tây, con đường này tuy nhỏ vẫn in dấu bánh xe tải Molotova. Vùng này có nhiều lối mòn ngang dọc, chứng tỏ là mật khu của Việt Cộng. Chiều gần tối, đến một lạch nước nhỏ, dừng chân cơm nước, ngủ qua đêm tại đây. Bọn tù nằm quây tròn, im lìm cuộn mình trong miếng vải võng, không một tiếng thì thầm vì ai cũng mệt. Toàn thân tôi ê ẩm, lại lên cơn sốt nhẹ, nằm mơ màng, tiếng ếch nhái từ con lạch nước vang lên, nghe như tiếng rên rỉ từ trong đáy lòng tôi, than thở cho cái phận hẩm hiu của mình. Rồi chìm dần vào giấc mơ, mơ có bàn tay dịu dàng của mẹ tôi chăm sóc trên giường bệnh, đút cho tôi từng thìa cháo nóng, an ủi dỗ dành vang vọng tiếng hát ru…
Ngày thứ 8. Tôi giật mình tỉnh dậy bởi tiếng báo thức của đám bộ đội canh gác. Thấy tinh thần, thể xác có khá hơn một chút hay chỉ là cảm giác đến từ giấc mơ? Đoàn người vẫn tiếp tục đi. Con đường bắt đầu hơi chếch về phía tây bắc, đi được vài tiếng, thân thể thấy ê ẩm, đầu choáng váng, lại lên cơn sốt. Tôi đi tụt dần, tụt dần mãi về phía sau. Thằng bộ đội áp tải đã chú ý đến tôi, nó nhắc tôi là phải cố đi lên trên. Tôi cũng đang cố đấy chứ nhưng lực bất tòng tâm, hai chân nặng như đeo chì rồi tụt đến cuối cùng, gặp một tù binh nữa cũng bê bết như tôi, hắn trông đã luống tuổi. Hỏi ra mới biết là thiều úy thuộc Trung Tâm Tiếp Vận, gồm nhiều kho chứa nhiên liệu, đạn dược, là một trong những nơi bị địch tấn công đầu tiên. Hai thằng tôi cố bước bên nhau dưới sự hối thúc của hai tên bộ đội áp tải. Đi được khoảng nửa tiếng, hai anh chàng nước ngoài cũng bị tụt đến cuối hàng, trông họ bơ phờ rất thểu não lại luôn có bộ đội đi kèm thúc dục, lớn tiếng. Chúng tôi kết thành bốn người với hai anh bộ đội đi sau chót, dần dà đứt quãng với đoàn quân. Đến lúc quá mệt mỏi không còn lết nổi nữa, hai tên áp tải la mắng cũng mỏi miệng, đành cho chúng tôi ngồi nghỉ, bốn thằng nhìn nhau, không buồn mở miệng, phờ người nằm lăn ra bên vệ đường. Tôi quá mêt thiếp đi một lúc, hai tên áp tải hối thúc đứng dậy đi tiếp vì đoàn quân đã mất dạng. Hai người nước ngoài sau khi nghỉ có vẻ khá hơn, phần bị thằng bộ đội quát tháo nên đi nhanh về phía trước, chỉ còn lại hai đứa tôi. Cố lết, lúc đi lúc nghỉ đưới sự hối thúc của bộ đội cho đến chiều, chúng tôi đã cách quá xa đoàn tù binh, tôi thấy người mệt mỏi quá sức, đầu choáng váng, mắt hoa lên không thể lết nổi nữa nên ngồi qụy xuống và nằm lăn ra đất, anh bạn tù còn lại thấy tôi lăn ra đất cũng ngồi xuống làm theo, cả hai bị tên bộ đội quát mắng lấy báng súng thúc vào vai bắt đứng dậy đi, tôi cứ mặc kệ nằm lì, thấy không hiệu quả nó lấy chân đá vào mông tôi rồi quát,” Này, có dậy đi không thì bảo.” Tôi nghĩ, thì bảo cái gì, chắc là sẽ cho ăn đạn chăng? Đến lúc này, vì quá khốn khổ tôi không còn biết sợ là gì, ngồi dậy đâm liều bảo hắn,” Anh thử sờ vào trán tôi, không phải tôi không muốn đi mà tôi đi không nổi nữa, khổ quá rồi, tôi chỉ muốn xin anh viên đạn, chết quách cho yên thân.” Hắn thấy tôi phản ứng mạnh, ngần ngừ một lát rồi quát lại,” Tôi chỉ tiếc mất viên đạn, chứ cái mạng của anh chẳng đáng gì, thôi, hai anh ngồi đây đi đến khi nào khỏe cứ theo vết mòn mà đi.” Hắn lấy hai túi gạo còn một ít của chúng tôi rồi bỏ đi. Tôi nghĩ là nó nói đúng, bắn chi cho tốn đạn, nó biết hai thằng tôi lết còn không nổi, rừng núi mênh mông biết đường nào để trốn, vả lại tụi nó đang trên đà thắng lớn, bắt được quá nhiều tù bình, thì hai thằng tôi có đáng gì. Hai đứa nằm lại giữa rừng, trong chiều tàn vắng lặng, chẳng còn sức để nói với nhau điều gì. Đầu óc bừng bừng lên cơn sốt, tôi chẳng còn khái niệm gì về chết sống, nằm thiếp đi lúc nào không hay cho đến nửa đêm chập chờn thức dậy, thấy mình cuộn kín trong mảnh vải võng. Có lẽ trong đêm vì lạnh tôi vô thức đã trùm kín người từ đầu đến chân, hé miếng vải nhìn sang người bạn tù có còn đó hay không, trong bóng tối lờ mờ tôi thấy một thân cũng cuộn tròn trong vải như xác chết, không thấy đụng đậy, tôi sợ quá thò tay lay xem còn sống hay chết, như một phản xạ, anh ta ngồi chổm dậy, ú ớ vài tiếng mới tỉnh hẳn. Tôi chấn an anh ta, “Tôi đây, anh có khá hơn không?” Anh trả lời, hỏi lại tôi, “Đỡ hơn, còn anh, ra sao?” “Cũng có đỡ hơn chiều hôm qua, anh có biết lúc này khoảng mấy giờ không?” tôi hỏi lại. Anh ta im lặng, chắc cũng không biết, hay còn đang mải mê nhớ đến vợ con mà quên trả lời tôi chăng? Tôi lại nằm xuống cuộn tròn trong tấm vải võng, cố xua đi suy nghĩ trong đầu, mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Tôi tỉnh dậy lúc trời mờ sáng, qua một đêm tuy cổ họng hãy còn đắng chát nhưng thấy người đỡ hơn nhiều, đúng là ‘trời nuôi trời dưỡng’, chẳng thuốc men cơm cháo gì cả. Anh bạn bên cạnh đã ngồi dậy tự lúc nào, đang trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó, hay đang thả hồn theo tiếng gió, tiếng chim chào bình minh trên tít các ngọn cây cao? Tôi đánh động đưa anh ta về thực tại, bảo anh ta chuẩn bị đi. Anh hỏi lại, “Giờ mình đi đâu, khi không còn tụi nó dẫn đường?” Tôi nói ” Mình chẳng còn lựa chọn nào khác là đi theo vết lối mòn của đoàn quân như thằng bộ đội chỉ dẫn mình hôm qua.” Thế là chúng tôi cố bước, đi theo lối mòn được khoảng nửa tiếng thì gặp thằng bộ đội hôm qua đi ngược lại tìm chúng tôi. Hôm nay hắn có vẻ hòa nhã hơn, nói với chúng tôi,” Sáng nay, đoàn quân phải ngồi lại chờ các anh, giờ khỏe hơn rồi chứ? Cố gắng đi nhanh lên cho kịp.” Chúng tôi cùng cám ơn hằn về sự hỏi thăm, và hòa nhã của hắn. Tưởng hắn sẽ vui vẻ, nhưng trái lại, hắn nghiêm sắc mặt tỏ vẻ không hài lòng (sau này tôi biết tụi Cộng Sản miền bắc, họ rất dị ứng với 2 chữ “cám ơn”, hình như ngoài Bắc không quen với từ này, họ cho là chúng tối mỉa mai họ). Hắn đanh giọng trả lời câu cám ơn, “Chúng tôi đánh để giải phóng các anh, chúng tôi không chủ trương giết các anh chứ không phải tiếc viên đạn đâu.” Tôi yên lặng bước đi, nghĩ thầm, “Mẹ mày, chúng tao đâu cần mày giải phóng, chắc tối qua mày lại được mớm cái giọng điệu này của thằng chính trị viên.” Đi khoảng hơn nửa tiếng nữa, gặp lại đoàn quân đang ngồi chờ, họ phát cho chúng tôi mỗi người một nắm cơm bọc trong lá chuối rừng với chút muối. Mặc dù không ăn gì chỉ uống nước từ chiều ngày hôm qua đến giờ, tôi vẫn không thấy đói, cố nuốt vài miếng cơm để có sức đi. Hai đứa tôi lại cố lết theo đoàn quân, băng rừng lội suối ở cuối hàng, lúc đi lúc nghỉ rồi cũng bám được họ cho đến chỗ nghỉ vào buổi chiều.
Ngày thứ mười, sau một đêm ngủ chậm chờn vì vẫn còn sốt. Đến sáng, tôi thấy trong người có khỏe hơn trước một chút, bụng mừng thầm cám ơn Trời Phật là ngày hôm qua mình đã bám được đoàn quân, hôm nay khá hơn chắc không đến nỗi phải nằm lại giữa rừng. Sau khi được phát cơm ăn sáng và nắm cơm dùng cho buổi trưa, đoàn quân lại tiếp tục lên đường, băng qua một con suối lớn nước lội chỉ đến đầu gối, đi sâu vào đám rừng già âm u hơn, có nhiều đường mòn cắt ngang, thỉnh thoảng gặp một vài toán bộ đội, họ dừng lại nhìn chúng tôi sầm sì gì đó. Tôi đoán, đây là một mật khu lớn của họ nên có nhiều đường mòn và gặp cả bộ đội, tôi nói nhỏ với anh bạn đi bên cạnh, chắc là sắp tới nơi rồi. Quả thật như vậy, đến quá trưa, qua nhiều rãy trồng mì bạt ngàn, xa xa nhiều mái nhà lớn ẩn khuất trong một khu rừng rất rộng. Nhìn đám mì bạt ngàn này, tôi mới hiểu đây là cây lương thực mang tính chiến lược, có thể nuôi cả sư đoàn trường kỳ kháng chiến. Chúng tôi được dẫn vào khu có hàng rào bằng cây rừng tương đối là chắc chắn, trong đó có nhiều lán lớn đã cũ, mái lợp bằng lá cọ, hoặc bằng mảnh gỗ để chồng lên nhau như lợp ngói, không vách, bên trong chỉ có sạp nằm cao khoảng nửa mét chạy dài hai bên theo hông nhà. Có lẽ là nhà tù, giữ tù binh trước đây, nay trống vì những tù binh đã được trao trả sau hiệp định Paris,1973. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng mười mấy tù binh chắc là mới bị bắt sau này, và mấy người nước ngoài bị bắt ở Ban Mê Thuột được chở bằng xe vào trước. Đoàn tù tập họp điểm danh phân chia chỗ ở, riêng hai thằng bệnh hoạn chúng tôi bị giữ lại. Tên bộ đội áp tải, bảo hai đứa chúng tôi đứng chờ, hắn đi một lúc trở lại đẫn chúng tôi ra ngoài, nơi có nhiều nhà của tụi bộ đội, đưa chúng tôi vào một căn nhà có mấy cái giường, giường bằng tre chân được chôn chắc chắn xuống đât, trên trải chiếu cói, đầu giường chiếc chăn mỏng xếp gọn ghẽ, cái bàn giữa nhà có đặt mấy chai thuốc, vậy là nó đưa chúng tôi vào trạm xá. Cái đập vào mắt ngay khi tôi bước vào là hai biểu ngữ bằng tre đan viết mực đen treo trên vách: “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. “Lương y như từ mẫu”. Tên bộ đội bảo hai đứa chúng tôi, ngồi vào mép cuối giường, hắn kéo sợi dây xích dấu dưới chiếu cuối giường, dài khoảng 80 Centi mét, một đầu xích khóa vào phần trên chân giường, đầu kia có cái vòng sắt dẹp, nó mở vòng, ôm vào cổ chân tôi, khóa lại bằng ổ khóa, rút chìa, rồi cũng làm như vậy với anh bạn tù ở cái giường khác. Chúng tôi còn đang ngỡ ngàng, đoán là bị phạt vì hôm trước nằm lại giữa rừng không chịu theo? Tên cảnh vệ lại gần nói,” Hai anh nằm nghỉ đây, tí nữa có đồng chí y tá đến khám, cho thuốc, chiều tôi sẽ dẫn vào trại.” Khoảng năm mười phút gì đó, “đồng chí y tá” bước vào, tay cầm quyển vở, cổ đeo ống nghe. Hắn nhỏ nhẹ hỏi thăm chúng tôi, khai tên, tuổi, cấp bậc và bị bắt ở đâu ghi vào sổ, tôi được khám trước, hắn lấy mu bàn tay để lên trán, đặt ống nghe lên cổ tay, lên ngực nghe nhịp tim hỏi tôi, “Anh bị sốt bao lâu rồi?” “Khoảng ba ngày,” tôi trả lời. Hắn phán là tôi mới bị nhiễm sốt rét do muỗi đốt. Bước qua giường kế cận cũng khám như thế. Tôi nghĩ bụng, không biết thằng này thực tâm đối xử với chúng tôi ôn tồn, nhỏ nhẹ hay là vì cái khẩu hiệu treo trên vách? Tôi nhớ lại, đã nhiều lần bị thương nằm bệnh viện, bác sĩ mình cũng khám chữa tận tâm nhưng cách đối xử với thương bệnh binh như là một người bề trên ban ơn hơn là một thầy thuốc chữa bệnh, không phải tất cả đều như vậy, nhưng là phần đông như thế. Tên bộ đội y tá lấy nồi nấu nước, bỏ kim tiêm, ống chích vào nấu sôi. Lâu lắm tôi mới thấy cái ống chích bằng thủy tinh, thời này nình dùng ống chích, kim tiêm bằng nhựa dùng một lần rồi vất. Hắn chích vào mông hai đứa chúng tôi chất nước mầu vàng, rút trong cái chai to như chai dịch truyền, đó là thuốc ký ninh (quinine) cổ đại trừ bịnh sốt rét, và cho uống hai viên “xuyên tâm liên”. Đến chiều, hắn bưng cho bát cháo nóng xông mùi lá bạc hà, có bỏ bột trứng của Trung Cộng mầu vàng.” Đó là tiêu chuẩn bồi dưỡng cho người bệnh,” hắn nói với chúng tôi như thế. Ăn xong bát cháo nóng, mồ hôi chảy ướt đẵm, tôi thấy người có vẻ khỏe ra. Đây là cách chữa cảm sốt cổ truyền ông bà mình để lại, vẫn hiệu quả. Tôi nằm nghỉ trên giường, vắt tay lên trán suy nghĩ về nơi giam giữ mới này. Tôi cố nhớ lại quãng đường, thời gian đi, và hướng di chuyển. Vận dụng hết kinh nghiệm bao năm đi hành quân, tôi đoán, có lẽ trại tù nằm nằm sát biên giới bên đất Miên, giáp với Pleiku, phía nam KonTum (sau này mới biết, tôi đoán gần đúng). Đến chiều tối, hai chúng tôi được tháo xích, dẫn trở vào trại, họ chỉ định vào chỗ sạp trống, phía cuối lán nơi gần mấy người nước ngoài nằm, được ngăn cách bằng hai sợi giây thừng. Dưới ánh lờ mờ của ngọn đèn dầu treo trên xà nhà, Jay nhận ra tôi, giơ tay chào. Ngày hôm sau, tù binh được phát một cục xà bông hình vuông to bằng lòng bàn tay, và một hộp kem đánh răng, hình thù giống như hộp kem đánh giầy, không có bàn chải đánh răng. Xà bông cứng như đá, kem đánh răng lâu ngày nằm trong kho nên khô cứng có mùi vôi. Chúng tôi được đưa đến bên bờ con suối lớn nằm sát phía ngoài trại để đánh răng rửa mặt, không có khăn, lấy hai tay vốc nước rửa mặt, không có bàn chải, lấy ngón chỏ quẹt kem cho vào miệng chà răng, thế cũng xong. Sáng nay sức khỏe có khá hơn nhiều, đêm hôm qua đã bớt sốt, sau khi vệ sinh sáng, hai bệnh nhân chúng tôi lại được dẫn lên bệnh xá, lại bị xích vào giường và ý tá bộ đội hôm qua cũng khám, cũng chữa cho ăn hai lần như hôm qua, hết ngày lại dẫn vào trại nằm gần mấy người nước ngoài. Qua hai ngày điều trị, chúng tôi đã khỏe và không cần lên trạm xá nữa.
Ngày hôm sau, tất cả tù binh được dẫn ra ngoài, qua nhiều láng trại hầu như bỏ trống, có lẽ quân lính ở đây được điều vào chiến dịch tấn công đánh chiếm Miền Nam, đến một hội trường lớn có thể chứa được 200 người. Tôi đưa mắt quan sát, đây là căn nhà rất lớn không vách, phía trên có sân khấu, màn chiếu phim, nhiều băng ghế dài bằng tre xếp thành ba hàng, tất cả từ sân khấu, bàn ghế đến mái, vách, cột kèo đều làm bằng cây lá trong rừng, không có một cái đinh hay cọng kẽm của cái thời hiện đại này mà vẫn chắc chắn. Nếu như quân mình phải làm một doanh trại cho cả sư đoàn như thế này chắc phải tốn tiền triệu. Tụi bộ đội đưa tù nhân vào, gọi là “lên lớp”. Chính ủy trung đoàn là Trung Tá Nguyễn Tất Nhiên (cái tên rất dễ nhớ, tôi không thể quên dù đến 50 năm) đứng trên sân khấu hội trường, tay cầm micro gắn liền với cái loa cầm tay chạy pin, trên bàn để cái radio, hắn mở đầu bằng lời chào hỏi sặc mùi chính trị:
“Chào mừng các anh, chúng tôi giữ các anh ở đây là các anh được sống không phải làm bia đỡ đạn cho Mỹ Ngụy, chúng tôi đánh kẻ chạy đi không chủ trương đánh kẻ chạy lại (có tiếng vỗ tay cò mồi của mấy tên bộ đội áp tải, làm chúng tôi phải vỗ tay theo), về với chúng tôi là các anh tuyệt đối chấp hành nội quy, tuân thủ mệnh lệnh của trại, và bộ đội trông coi hướng dẫn, các anh phải ra sức học tập để thấu hiểu chủ trương, chính sách và sự khoan hồng của đảng và chính phủ đối với tù binh vân vân ...” Sau đó, hắn tự đắc phô trương chiến thắng như thế chẻ tre của phe hắn, giải phóng được Phan Rang bắt được hai tướng Việt Nam Cộng Hòa và đang trên đường tiến quân về Saigon, hắn đề nghị chúng tôi vỗ tay rồi mở lớn âm thanh đài “ Giải Phóng”, phát ra từ chiếc radio với giọng đọc hùng hổ, chát chúa của nữ xướng ngôn viên, đang huyênh hoang về việc tiến quân vũ bão của họ, để chứng minh. Sau 15 phút giải lao, một giảng viên chính trị khác nói về đề tài: “Dân tộc ta là môt, đất nước ta là một, sông có thể cạn núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi” (tôi nghĩ, hắn nói về đề tài này là ngầm giải thích lý do họ đánh chiếm Miền Nam). Buổi chiều, đám tù được chia ra từng tổ 20 người để thảo luận đề tài này dưới sự giám sát của cán bộ chính trị cho đến hết ngày. Đây là ngày học tập có quy củ đầu tiên kể từ khi bị bắt, và chúng tôi cũng hiểu rõ thế nào là “lên lớp”.
Những ngày ở trại tù mới này, chưa phải học tập hoặc lao động gì nhiều, phần lớn là lo ổn định chỗ ở tập làm quen với nếp sống nhà tù mới. Hàng ngày được chia toán, đi chặt phá dọn dẹp khu đất gần suối để tăng gia (trồng rau), họ có nhiều loại hạt giống rau mang từ bắc vào, có toán đi vào rừng sâu rất xa chỗ ở, nơi có nhiều kho gạo rải rác, có lẽ bây giờ họ không cần nữa nên “giải phóng” những kho này. Gạo để lâu đổ mầu vàng, phần trên bị ẩm đã mốc đen, một toán khác vác bao tải vào khu trồng khoai mì (bộ đội gọi là sắn) bạt ngàn cách xa cả chục cây số, mà lúc hành quân chúng tôi đã đi qua. Nhổ một cây là phải chặt khúc thân cây mới nhổ thành cái hom khoảng 3 tấc cắm xuống đất, như thế là một đền một. Nhờ đất rừng và cây mì có sức sống mãnh liệt, dựa bám vào nhau, vươn mình ngoi lên lấy ánh sáng, trông thật xanh tốt. Đây là loại lương thực chiến lược cho trường kỳ kháng chiến đánh chiếm Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt. Hằng ngày tiêu chuẩn một người 3 lạng (300 gram) gạo mốc độn với khoai mì, ăn với canh nấu bằng đủ loại rau rừng, lá sắn, quả sung, hộp thịt nửa Kg nấu với muối hột cho khoảng 200 tù binh, như thế cũng tạm ổn cho cái bao tử.
Người nước ngoài tiêu chuẩn có khác chúng tôi, một ngày mỗi người một lạng thịt hộp, bốn lạng gạo không độn khoai mì, canh thì dùng canh của chúng tôi và một Kilo đường cho mỗi tháng. Ăn uống như thế nên họ đổ bệnh sụt cân trông gầy gò rất thảm hại, nhất là đứa cháu gái 6 tuổi. Hàng ngày vào buổi sáng, có Bác Sĩ Liên (anh này là Trung Úy, bác sĩ làm ở bệnh viện Ban Mê Thuột) đeo ống nghe, khám bệnh cho người nước ngoài rồi báo cáo cho y tá bộ đội, chỉ là làm cho có hình thức. Có lần anh nói với tôi, “Nó bắt tôi khám mỗi ngày rồi báo cáo, tôi như tiều phu không rìu, chữa trị gì được.” Chỉ trừ anh chàng Jay có lẽ còn trẻ, và đã từng sống ”bụi ” trong công việc nghiên cứu về văn hóa Chàm nên có vẻ dễ thích nghi, không bệnh hoạn gì cả.
Anh này có nhiều kỷ niệm với tôi, thấy anh chỉ quanh quẩn trong trại, tôi đề nghị anh ta, xin cán bộ trại cho theo toán nhổ mì với tôi, ra ngoài đi lao động cho bớt tù túng. Nghe lời, anh xin và trại đồng ý. Có lần đi nhổ mì, trong lúc nghỉ giải lao dưới một gốc cây to, tôi hỏi Jay, có tin cây mì có thể cao hơn 30 mét không? Hắn đưa mắt nhìn vào đám mì bạt ngàn, cây nào cao nhất chỉ khoảng 3 mét nên lắc đầu. Tôi chỉ cho hắn một cây mì, mọc cạnh một gốc cây to, thân lớn khoảng hơn một người ôm xum xuê cao cỡ 30 mét. Cây mì dựa vào thân cây to này, len lỏi qua các cành, ngoi lên cao khỏi ngọn cây để lấy ánh sáng. Thật là quá khâm phục với sức sống bon chen mãnh liệt của cái cây mì “chiến lược” này. Nó khẳng khiu mang cái “triết lý” của sự sống. Vươn lên từ nghèo khó, không tay nắm như thằng bầu cái bí, không thân mềm uốn dẻo đeo bám như bọn giây leo, nó không chịu khuất phục bởi thằng khổng lồ to lớn với cái cây gốc to cả người ôm, nó dựa thân, luồn lách để ngoi lên lấy ánh sáng cho sự sống còn. Nó (cây mì) là thằng bon chen hay kẻ không chịu khuất phục để ngạo nghễ với trời cao?!
Và đây là những mẩu đối thoại với Jay trong lần đi nhổ mì với tôi, hắn nói:
- Sao tôi thấy Việt Cộng, mặt thằng nào cũng lì lì như chó, còn các anh thì vui vẻ, cười nói như là đi picnic?
- Anh biết chữ “lì lì như chó” là nói tiếng Việt quá giỏi rồi, tụi nó được trang bị cái tư tưởng hận thù, còn chúng tôi chiến đấu với tinh thần tự vệ nên khác nhau (lúc đó tôi giải thích thế chẳng biết có đúng không nữa). Như tôi, giờ nằm trong tay chúng nó, biết làm gì hơn là cứ vô tư chịu đựng, xem như “Xưa nay chinh chiến mấy ai về!”. Anh học tiếng Việt bao lâu mà nói giỏi thế?
- Hơn hai năm, tôi nghiên cứu về văn hóa Chàm, phải tiếp xúc thường xuyên với người Việt nên thông thạo thôi. Vì tôi thông thạo tiếng Việt, nên tụi Việt Cộng nói tôi là CIA.
- Việt Cộng nó sợ CIA các anh lắm, cho rằng CIA đã luồn lách vào từng ngõ ngách của chính quyền Saigon, mọi tầng lớp dân chúng, thu thập tin tức để chỉ huy, kiểm soát Miền Nam, họ gặp bất cứ ai cứ nói phủ đầu là CIA, ngay cả chúng tôi họ cũng nói làm việc cho CIA. Người Chàm đâu có ở cao nguyên này mà anh lên nghiên cứu, rồi để bị bắt?
- Tôi quen gia đình nhà truyền giáo Miller, lên Ban Mê Thuột thăm họ mấy ngày trước, bị kẹt lại.
Ngày tháng trôi qua, đến ngày 30 tháng 4, tụi bộ đội từ trưởng trại, chính ủy đến các cảnh vệ đều” hồ hở, phấn Khởi” tập trung chúng tôi lên hội trường, dõng dạc tuyên bố Dương Văn Minh đã đầu hàng, Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đề nghị chúng tôi vỗ tay hoan hô thật to. Chúng tôi cố gắng vỗ tay cho cái thất bại của mình, lẹt đẹt miễn cưỡng làm sao ấy! Chắc không ai trong chúng tôi không rơi vào tâm trạng, buồn mất “nước”. Tại ai hay tại mình mà nên nỗi này?!... Trưởng trại tuyên bố tiếp,” Ngày mai các anh được nghỉ ngơi, ăn liên hoan mừng chiến thắng.” Chỉ có tiếng vỗ tay của phe hắn, chúng tôi lặng lẽ rời chỗ.
Thế là, chẳng biết trách ai! Mượn lời Nguyễn Du mà than cho cái “nghiệp” Miền Nam.
Đã mang cái nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!
Nguyễn Trường Sỹ
Việt Báo
Phụ chú:
Khoảng hơn một tháng Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi lại được dẫn bộ qua lối biên giới Đức Cơ, theo Quốc Lộ 19 đến quận Thanh Bình, cách Pleiku khoảng 30 cây số về hướng tây nam, nhập vào trại tù binh ở đây. Trại này giam giữ tù binh bị bắt trong cuộc rút bỏ cao nguyên của Quân Đoàn 2. Chúng tôi không được gọi là tù binh nữa, chuyển thành Học Tập Cải Tạo. Cải Tạo ở đây, tôi, với cái bản chất cố hữu bạt mạng, lại vi phạm kỷ luật, nội quy nhà tù như hồi ở quân trường, cũng chui rào ra ngoài để đổi chác, đánh lộn với bọn ăng ten, chôm chỉa rau củ của đội rau xanh, tìm mọi cách trốn học, lao động, rồi cũng bị cùm, vào nhà kỷ luật, nhưng nhờ có “khiếu” móc ngoặc kiểu đồng hương. Với châm ngôn, “khi nào chó chê cứt, thì tụi cộng sản mới chê tiền”, tôi đút lót, biếu xén cán bộ, bộ đội (tiền và đồ vật do bạn tù đưa để hối lộ) nên mọi sự vẫn êm xuôi.
Ngày 20 tháng 7 năm 1976, trại cải tạo giải tán, tất cả tù trong đó có tôi được thả, không kể cấp bậc, chức vụ, học tập cải tạo tốt hay không. Ngoại trừ những người làm trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, Phòng ban Hai, An Ninh Quân Đội, Cảnh Sát được chuyển giao cho bộ Công An tiếp tục cải tạo.