Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Các Hồ Sơ Lật Tẩy "Khu Vực Xám" - Bài 9

 

Biểu ngữ viết bằng máu, trại cấm Hồng Kông, ngày 17/09/1992

KỲ TÍCH CHƯƠNG SỬ CUỐI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: CÁC HỒ SƠ LẬT TẨY "KHU VỰC XÁM" - BÀI 9
Mạch Sống

Kỳ tích chương sử cuối thuyền nhân Việt Nam: Các hồ sơ lật tẩy “Khu Vực Xám” - Bài 9

2025-01-05

  • Khu Vực Xám chỉ là mồi nhử, hoàn toàn vô tích sự

Nguyễn Đình Thắng

Ngày 5 tháng 1, 2025

http://machsongmedia.org

Lời mào đầu: Trong phần tài liệu tham khảo, tôi phổ biến danh sách hơn 500 hồ sơ thuyền nhân đã chuyển cho Bộ Ngoại Giao để tái xét theo giải pháp “Khu Vực Xám” -- cách mệnh danh của Ông Lê Xuân Khoa. Việc tái xét hoàn toàn vô tích sự. Sau đó, tôi chuyển số hồ sơ này, với thông tin bổ sung và cập nhật, để Sở Di Trú Hoa Kỳ cứu xét theo chương trình ROVR. Tuyệt đại đa số được xét là tị nạn và định cư Hoa Kỳ. Trên nguyên tắc, tôi phải xin phép từng người trước khi phổ biến, nhưng điều này không thể thực hiện. Xét rằng thông tin này mang tính lịch sử cần lưu lại hậu thế, tôi xin mọi người có tên trong danh sách lượng thứ việc phổ biến. Tôi cũng mong nối lại quan hệ với những người trong danh sách để ôn lại quãng thời gian cùng nhau tranh đấu chống lại thanh lọc bất công và cưỡng bức hồi hương theo “Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện”, CPA. Xin liên lạc về: bpsos@bpsos.org.

Ông Lê Xuân Khoa là người Việt duy nhất bằng mọi giá đánh bại điều luật chống CPA của Dân Biểu Christopher Smith, nhưng thất bại. Điều luật này được Quốc Hội thông qua như một phần của Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Bộ Ngoại Giao. Tổng Thống Clinton phủ quyết toàn bộ luật chuẩn chi ngân sách nhưng Toà Bạch Ốc tương nhượng về thuyền nhân với DB Smith, mà kết quả là chương trình ROVR.

Thất bại trong kế hoạch đánh phá nhưng khi chương trình ROVR ra đời, Ông Lê Xuân Khoa nhận vơ rằng đó là xuất phát từ giải pháp “Khu Vực Xám” của ông ta. Thực ra, giải pháp đó là mồi nhử mà Bộ Ngoại Giao đưa ra thay cho điều luật chống CPA của DB Smith, với các lý lẽ mà Ông Lê Xuân Khoa đóng vai ngôn sứ phổ biến hàng đầu và tuyệt đối trung thành. Tại phiên toà ngày 19 tháng 11 vừa qua, ông ta xác nhận, thông qua luật sư đại diện, vai trò ngôn sứ này:

“[Ông Lê Xuân Khoa] là chứng nhân hàng đầu của Bộ Ngoại Giao để chống lại điều luật tu chính chống CPA [của DB Smith]. Và họ [những người ủng hộ điều luật] không thể làm gì để ông ta di dịch. Họ không thể làm cho ông ta thay đổi lập trường.” Xem bản ký tự phiên toà, trang 13.

Pic_1_-_01-05-2025.jpg

Hình 1 – Biểu ngữ viết bằng máu, trại cấm Hồng Kông, ngày 17/09/1992

Các lý lẽ biện minh cho Khu Vực Xám

Dưới đây là 4 lý lẽ của Bộ Ngoại Giao đưa ra để thuyết phuc Quốc Hội loại bỏ điều luật tu chính mà DB Smith đưa thêm vào Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Bộ Ngoại Giao. Cả 4 lý lẽ này là đối cực của các căn cứ đằng sau điều luật của DB Smith.

Khu Vực Xám – mồi nhử của Bộ Ngoại Giao

Thanh lọc tư cách tị nạn dưới CPA được thực hiện chu đáo và tốn kém; không ai bị từ chối tư cách tị nạn oan sai vì thực tế cho thấy không một thuyền nhân hồi hương nào bị đàn áp.

Sai sót trong thanh lọc chỉ giúp một số người không xứng đáng nhưng lại được hưởng quy chế tị nạn. CUTN/LHQ bảo đảm không ai bị từ chối tư cách tị nạn một cách oan sai.

Tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đã cải thiện. Các thuyền nhân còn ở các trại có thể an tâm hồi hương, sẽ không bị đàn áp.

Tuy các thuyền nhân còn ở các trại không ai có tư cách tị nạn, Hoa Kỳ có thể châm chước tuyển lọc một ít hồ sơ để cứu xét trên căn bản nhân đạo sau khi hồi hương (giải pháp Khu Vực Xám).

Điều luật chống CPA của DB Smith – khởi điểm của chương trình ROVR

Kết quả thanh lọc CPA hoàn toàn không đáng tin cậy; CUTN/LHQ đã tắc trách về bảo vệ người tị nạn hồi hương, giấu nhẹm nhiều trường hợp bị đàn áp, tù đày, mất tích và thậm chí bị xử tử.

Tuyệt đại đa số thuyền nhân còn ở các trại bị bác tư cách tị nạn oan sai vì tình trạng tham nhũng, đòi tiền, đòi tình. CUTN/LHQ tắc trách trong vai trò giám sát; có luật sư, viên chức của họ dính líu tham nhũng.

Nhà nước Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Các thuyền nhân trong trại sẽ đối mặt nguy cơ bị đàn áp nếu hồi hương.

Xoá toàn bộ kết quả thanh lọc CPA. Bộ Ngoại Giao không có thiện chí và thiếu năng lực để tuyển lọc hồ sơ tái xét. Viên chức tị nạn của Sở Di Trú Hoa Kỳ phỏng vấn lại mọi thuyền nhân theo tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ.


Tại buổi điều trần do DB Smith triệu tập ngày 25 tháng 7, 1995, chúng tôi đã trưng dẫn thông tin và chứng cứ để đánh bại 2 trong 4 lý lẽ của Bộ Ngoại Giao: (1) không thuyền nhân nào bị đàn áp sau khi hồi hương; (2) “Khu Vực Xám” là giải pháp thoả đáng, không cần điều luật tu chính của DB Smith. Và 2 lý lẽ còn lại sẽ được mổ xẻ tại buổi điều trần ngày 27 tháng 7 và ngày 8 tháng 11, 1995: (3) không thuyền nhân nào còn ở các trại bị oan sai trong thanh lọc; (4) họ sẽ không bị đàn áp khi hồi hương vì chế độ ở Việt Nam đã thay đổi.

Nhiều thuyền nhân hồi hương đã bị đàn áp

Ông Lê Xuân Khoa, trong bài phát biểu gởi cho buổi điều trần, khẳng định:

“Riêng về phần tôi, tôi đã thăm viếng Việt Nam nhiều chuyến kể từ 1991. Tôi cũng không tin là có sự kỳ thị hay đàn áp có hệ thống... Trong những năm qua, nhiều nhóm trẻ người Mỹ gốc Việt đã thiết lập các chương trình của riêng họ, huy động nguồn lực của chính họ, để cung ứng sự trợ giúp cho cả những người hồi hương và những người không thuộc thành phần hồi hương. Không một nhóm nào trong số đó nhận diện bất kỳ trường hợp bị đàn áp nào.”

Đó là nói leo theo Bộ Ngoại Giao, mà quan điểm được thể hiện bởi Bà Trợ Lý Ngoại Trường Phyllis Oakley tại buổi điều trần:

Chúng tôi có 4 tổ chức NGO, những người có thể tới lui [Việt Nam]. Kết luận của những người của chúng tôi là mức độ và cường độ giám sát thuyền nhân hồi hương là chưa từng có từ trước đến giờ, và chúng tôi không tìm thấy một dạng mẫu đàn áp hay kỳ thị nào.”

Một trong 4 NGO ấy là tổ chức SEARAC mà Ông Lê Xuân Khoa là Chủ Tịch kiêm Giám Đốc Điều Hành. Quan điểm y hệt của các NGO kia được Ông Claude Pepin đại diện phát biểu tại buổi điều trần:

“... chúng tôi không thấy bất kỳ hồ sơ nào bị ngược đãi hoặc bị kỳ thị từ phía chính quyền Việt nam đối với bất kỳ người hồi hương nào mà chúng tôi đã làm việc với.”

Lãnh tiền của Bộ Ngoại Giao thì phải làm theo, nói theo chỉ thị của Bộ Ngoại Giao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu việc nói dối trắng trợn. Trong tài liệu nộp cho buổi điều trần, Ông Lê Xuân Khoa tuyên bố:

“Cuối năm ngoái, một phái đoàn đại diện Tổ Công Tác CPA của Uỷ Ban Vụ Di Dân và Tị Nạn thuộc InterAction thăm viếng Việt Nam và báo cáo rằng ‘chúng tôi không nhận được thông tin nào trong chuyến viếng thăm rằng tuyệt đại đa số người hồi hương có bất kỳ lý do nào để lo sợ chính quyền Việt Nam khi hồi hương.’” (trang 221 trong tài liệu tham khảo)

Chính Ông Lê Xuân Khoa là người hướng dẫn phái đoàn này đi tham quan Việt Nam. Tại buổi điều trần, tôi chỉ ra sự thiếu trung thực trong tuyên bố của ông ta:

“Khi một phái đoàn NGO Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam cuối năm ngoái, tôi gửi gắm họ một số hồ sơ nhạy cảm, kể cả trường hợp [bị đàn áp] kể trên, và yêu cầu điều tra. Phái đoàn này, tuy nhiên, quyết định không xem xét bất kỳ trường hợp nào, với lời giải thích là không tin rằng sẽ được phép tiếp cận và e rằng sự quan tâm từ bên ngoài có thể gây nguy hiểm thêm cho người hồi hương.”

Để phản bác các lời tuyên bố rằng không một ai bị đàn áp, chúng tôi chỉ cần đưa ra một phản thí dụ. Bà LS Pam Baker đến từ Hồng Kông và tôi đã trưng dẫn nhiều ví dụ cụ thể. Chúng tôi còn đưa ra nhiều tài liệu nội bộ của CUTN/LHQ và từ một số nguồn cho thấy cả trăm người hồi hương đã bị đàn áp – nếu tính cả thân nhân thì lên đến nhiều trăm. CUTN/LHQ biết nhưng giấu nhẹm, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ biết nhưng lờ đi, phái đoàn NGO do Ông Lê Xuân Khoa hướng dẫn có hồ sơ nhưng không tiếp cận... Họ đã nói dối với Quốc Hội.

Sau buổi điều trần, BPSOS tiếp tục thu thập thông tin về các vụ đàn áp, bắt bớ thuyền nhân hồi hương. Chẳng hạn, ngày 26 tháng 9, 1995, báo An Ninh Hải Phòng cho biết công an có danh sách 79 đối tượng nghi vấn chính trị trong số thuyền nhân hồi hương và đã bắt giam 3 người. Các người này đã hồi hương trước khi điều luật của DB Smith được Quốc Hội thông qua và chương trình ROVR ra đời nên bị “lọt sổ” vĩnh viễn. Có lẽ họ không hy vọng gì vào công cuộc đấu tranh của chúng tôi tại Quốc Hội Hoa Kỳ vì Ông Lê Xuân Khoa đã cảnh cáo:

“... cộng đồng người Việt hải ngoại cần tuyệt đối tránh việc gửi đi những tin tức hoặc những tín hiệu sai lạc, đem lại cho đồng bào những hi vọng sai lầm, do đó gây nên những hậu quả tai hại cho nhiều gia đình, nhất là cho những người quá tuyệt vọng.” (“Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á”, ngày 15 tháng 2, 1995)

Pic_2_-_01-05-2025.jpg

Hình 2 – Báo An Ninh Hải Phòng ngày 26/09/1995

Khu Vực Xám hoàn toàn vô tích sự

Tại buổi điều trần, Bà Oakley cho biết Bộ Ngoại Giao sẵn sàng châm chước cứu xét tái định cư một số ít thuyền nhân đang ở các trại dù không xứng đáng tư cách tị nạn:

“...trong khi họ không được xét là tị nạn, dù vậy có thể vì lợi ích nhân đạo cho Hoa Kỳ... chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ một đề nghị tạo cơ hội phỏng vấn tái định cư sau hồi hương cho người hiện ở các trại đồng ý hồi hương tự nguyện.”

Giải pháp đó, Ông Lê Xuân Khoa mô tả trong “Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á”:

“... những hoạt động thực tế và cần thiết nhất trong giai đoạn này là cố gắng vớt vát những trường hợp đã được InterAction đề nghị cứu xét...”

Đó là 535 trường hợp được InterAction nộp cho Bộ Ngoại Giao cuối năm 1994. Tại buổi điều trần, DB Smith đặt câu hỏi về số hồ sơ này:

“Khoảng hơn một năm trươc, các tổ chức nhân quyền ở Hoa Kỳ đã đưa 535 hồ sơ sai sót nghiêm trọng cho Bộ Ngoại Giao, và theo tôi hiểu thì Bộ Ngoại Giao chỉ tuyển lọc 48 hồ sơ gửi cho CUTN/LHQ, cơ quan này chỉ lật ngược quyết định đối với 2 hồ sơ.

Có ai ở đây giải thích cho tôi hoặc cung cấp thông tin làm sáng tỏ là tại sao Bộ Ngoại Giao chỉ lọc ra có 48 hồ sơ, và CUTN/LHQ chỉ xét thấy có ít hồ sơ mà họ cho là xứng đáng đến vậy?”

LS Daniel Wolf, người đồng sáng lập Chương Trình LAVAS với tôi, cho biết là Bộ Ngoại Giao trả lời mơ hồ với InterAction rằng số 535 hồ sơ này đều “yếu”. LS Wolf kể, trong trường hợp một người bất đồng quan điểm chính trị, lời giải thích của Bộ Ngoại Giao vì sao “yếu”:

“... các khó khăn mà người bất đồng quan điểm chính trị này phải đối mặt khi trở về Việt nam sẽ là do ông ta tạo ra cho chính mình, vì những khó khăn đó sẽ chỉ xảy đến nếu như ông ta quyết tâm tiếp tục các sinh hoạt chính trị khi về đến nơi.”

Nghĩa là, theo quan điểm của Bộ Ngoại Giao, lên tiếng phản đối chính quyền mà bị tù đày thì đó là lỗi của người lên tiếng nên ráng chịu. Tôi tiếp lời LS Wolf:

Tôi tin rằng [Bộ Ngoại Giao] chẳng có tiêu chuẩn [tuyển lọc] rõ ràng. Mặc dù tôi không muốn đặt vấn đề về ý đồ của Bộ Ngoại Giao, tôi cảm thấy chúng ta phải đặt dấu hỏi về khả năng phán xét của họ khi tuyển lọc hồ sơ.”

Thực ra, 2 hồ sơ CUTN/LHQ tái xét và công nhận tư cách tị nạn là do DB Smith lấy từ BPSOS và đưa trực tiếp chứ không do Bộ Ngoại Giao chuyển.

Số 535 hồ sơ là của những ai?

Tôi đích thân thu thập khoảng 98% của tổng số 535 hồ sơ mà InterAction chuyển cho Bộ Ngoại Giao. Bộ Ngoại Giao lọc ra 48 hồ sơ theo “cảm nhận” của một viên chức mù tịt về luật và tiêu chuẩn tị nạn. Trong số 48 hồ sơ này, 12 hồ sơ được chính các quốc gia tạm dung tái xét đơn kháng cáo và công nhận tư cách tị nạn, theo hồ sơ kháng cáo mà các luật sư LAVAS nộp cho họ. Không một hồ sơ nào khác được tái xét tư cách tị nạn. Tóm lại, sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao theo giải pháp Khu Vực Xám là con số không.

Đầu tháng 5 năm 1996, do chỉ thị từ Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao bắt đầu hợp tác với văn phòng của DB Smith để thiết kế chương trình ROVR, có sự tham dự của Sở Di Trú. Nhà nước Việt Nam thoạt đầu cam kết hợp tác nhưng chuội lời, giải thích rằng các thuyền nhân hồi hương đã ổn định cuộc sống, không muốn đi Mỹ. Họ đinh ninh rằng Hoa Kỳ không có thông tin về các thuyền nhân hồi hương để phản biện, tương tự như Bộ Ngoại Giao, Ông Lê Xuân Khoa... và phe nhóm chống điều luật của DB Smith đinh ninh rằng không ai có thể phối kiểm khi họ tuyên bố không thuyền nhân nào hồi hương bị đàn áp. Nhưng họ lầm. BPSOS có đủ thông tin và hồ sơ để phản bác.

Tháng 6 năm 1997, tôi bắt đầu chuyển cho Bộ Ngoại Giao và Sở Di Trú Hoa Kỳ các hồ sơ thuyền nhân đã hồi hương mà lẽ ra phải được phỏng vấn ROVR từ cả năm trước. Tính đến tháng 7 năm 1998, tôi đã gửi 13 đợt gồm tổng cộng trên 500 hồ sơ. Phần lớn đó là các hồ sơ mà tôi đã giao cho InterAction để chuyển cho Bộ Ngoại Giao trước kia cho giải pháp Khu Vực Xám nhưng vô tích sự. Các hồ sơ này được cập nhật và bổ sung thông tin vì tôi vẫn giữ liên lạc với đa số đương sự có hồ sơ sau khi họ hồi hương.

Đằng sau mỗi tên trong danh sách là bộ hồ sơ chứng minh tư cách tị nạn. Thông tin này cho phép Bộ Ngoại Giao làm mạnh, đe doạ sẽ không cấp quy chế “tối huệ quốc” cho đến khi Việt Nam hợp tác về ROVR. Khoảng tháng 4 năm 1998, Việt Nam chấp thuận cho Hoa Kỳ phỏng vấn trên 17 nghìn thuyền nhân hồi hương. Nhưng vẫn còn hơn 1 nghìn người chưa được phía Việt Nam chấp thuận vì đang bị giam, bị tù hoặc đang lẩn trốn sự đàn áp. Chúng tôi tiếp tục vận động cho số người này cho đến khi họ được tham gia chương trình ROVR.

Ông Lê Xuân Khoa sai hoàn toàn khi cam đoan rằng thuyền nhân hồi hương sẽ không ai bị đàn áp. Hơn 18 nghìn thuyền nhân hồi hương đã bị đàn áp hoặc có căn cứ để sợ bị đàn áp nên được Hoa Kỳ công nhận tư cách tị nạn và đã định cư vào Hoa Kỳ. Không như bên Bộ Ngoại Giao, các viên chức tị nạn của Sở Di Trú am hiểu và áp dụng đúng tiêu chuẩn tị nạn. Họ không có nhu cầu giữ thể diện cho CUTN/LHQ hoặc phải quan tâm đến ảnh hưởng quan hệ bang giao Hoa Kỳ - Việt Nam. Một cách chuyên nghiệp và công tâm, họ xét thấy 98% những thuyền nhân hồi hương được phỏng vấn hội đủ tiêu chuẩn tị nạn.

Nhưng nhiều đồng bào bất hạnh đã bị loại khỏi chương trình ROVR vì Bộ Ngoại Giao đặt ra các mốc điểm hoàn toàn tuỳ tiện: phải hồi hương sau 30 tháng 9, 1995 hoặc trước 1 tháng 7, 1996 hoặc ghi danh hồi hương trước ngày này. Nếu Bộ Ngoại Giao và nhóm người theo đuôi, trong đó Ông Lê Xuân Khoa đóng vai trò ngôn sứ trung thành hàng đầu, sớm hợp tác với DB Smith và chúng tôi, thì nhiều nghìn đồng bào thêm nữa cũng đã có cơ hội đến tự do.

Trong số những thuyền nhân bất hạnh bị loại khỏi chương trình ROVR, hàng trăm người sau đó đã chạy sang Thái Lan lánh nạn vì bị đàn áp sau khi hồi hương. Có những người vẫn còn lưu lạc ở đất Thái cho đến ngày hôm nay.

Danh sách hơn 500 hồ sơ mà chúng tôi dùng làm phép thử cho Khu Vực Xám và sau đó, với một ít thay đổi, chuyển sang chương trình ROVR được lưu trong phần tài liệu tham khảo.

Pic_3_-_01-05-2025.jpg

Hình 3 - Ông Vũ Hoàng Hải và Ts. Thắng, ngày 30/06/2024, Orange County, California

Một trường hợp điển hình

Tên của Ông Vũ Hoàng Hải ở số 71 trong danh sách đợt 3 gửi đi tháng 9, 1997. Hồ sơ này cũng từng được chuyển cho Bộ Ngoại Giao cuối năm 1994 để thử nghiệm giải pháp Khu Vực Xám nhưng chẳng đến đâu.

Khi chương trình ROVR ra đời, tôi chuyển hồ sơ của Ông Hải cho Sở Di Trú và Bộ Ngoại Giao, giải thích rằng Ông Hải cùng với hàng nghìn thuyền nhân khác bị biệt giam trong Khu A trại Sikiew, Thái Lan nên không có tin tức về chương trình ROVR để ghi danh. Bị cưỡng bức hồi hương ngày 12 tháng 9, 1996, Ông Hải uỷ quyền cho BPSOS can thiệp với chính phủ Hoa Kỳ. Bộ Ngoại Giao nhất định không cứu xét.

Sau đó, Ông Hải đi định cư Hoa Kỳ theo con đường khác, tương tự trường hợp Ông Trịnh Văn Mến mà tôi đã nói đến trong Bài 7. Ông Mến về quá sớm còn Ông Hải hồi hương quá trễ.

Cho đến tận giờ này thỉnh thoảng vẫn có người ở Việt Nam hỏi tôi cách nào tham gia chương trình ROVR. Tôi ái ngại trả lời, chương trình ROVR đã đóng từ lâu.

Có không lòng trắc ẩn?

Dù chống đối kịch liệt trước đây, Bộ Ngoại Giao đã hợp tác với chúng tôi và làm mạnh với nhà nước Việt Nam. Các NGO lãnh tiền của Bộ Ngoại Giao để khuyến khích thuyền nhân hồi hương thì phải làm theo chỉ thị của Bộ Ngoại Giao.  Sau khi quả quyết mọi thuyền nhân còn lại ở các trại không ai là tị nạn, Việt Nam đã thay đổi, thuyền nhân hồi hương sẽ không bị đàn áp thì họ chẳng cần biết thực tế ra sao -- thuyền nhân Việt Nam hồi hương có thân tàn ma dại thì ráng chịu. Họ phủi tay không chút đắn đo và đi tìm nguồn tài trợ mới. Người dưng nước lã nên chẳng trách họ được.

Phũ phàng là Ông Lê Xuân Khoa, người Việt duy nhất nhập bọn với các NGO người dưng nước lã để bằng mọi giá, mọi cách chống nỗ lực giải cứu thuyền nhân của DB Smith và chúng tôi. Ông ta có bao giờ tự hỏi, có thật là Việt Nam đã thay đổi và ngưng đàn áp nhân quyền? Những thuyền nhân hồi hương có yên ổn dưới chế độ cộng sản, nhất là những người hụt chương trình ROVR? Thân phận của các cựu thuyền nhân phải ra đi lần 2 và vẫn còn lưu lạc ở Thái Lan ra sao?

Thay vì tự vấn lương tâm, Ông Lê Xuân Khoa quay ra tự nhận mình là tác giả chương trình ROVR mà thực tế ông ta đã cùng với Bộ Ngoại Giao tìm mọi cách ngăn chặn và thay thế với giải pháp “Khu Vực Xám” hoàn toàn vô tích sự.

Tài liệu tham khảo:

Bản ký tự phiên toà ngày 19/11/2024: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/12/4910-4532-4036-Trial-Khoa-11.19.24-cft.pdf

“Thơ gửi người trong trại tị nạn Đông Nam Á” của Ông Lê Xuân Khoa, ngày 15 tháng 2, 1995: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/11/LXKs-letter-to-boat-people-Feb-15-1995.pdf

13 đợt gồm trên 500 hồ sơ ROVR ưu tiên: https://dvov.org/wp-content/uploads/2025/01/ROVR-priority-cases-Jun-18-1997.pdf

Mạch Sống 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét