Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Nàng Là Ai, Hỡi Thúy Kiều

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài NÀNG LÀ AI, HỠI THÚY KIỀU, tác giả Trương Thanh Sơn (phu quân của đồng môn Huyền Chiêu)
Bài viết ngắn nhưng khá đầy đủ, cho chúng ta nhìn thấy một số chi tiết về văn học sử truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Xin cám ơn anh chị Trương Thanh Sơn & Huyền Chiêu đã chia sẻ.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN




Là nhân vật chính trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, một người đẹp toàn tài, được xây dựng bằng một ngòi bút tài hoa, thấm đẫm tâm sự u uẩn của tác giả, nên nhiều người tin rằng nàng là người Việt. Nhưng theo Dương Quảng Hàm và nhiều nhà nghiên cứu thì nàng là người Tàu chính gốc một trăm phần trăm. Và người đã sản sinh ra nàng chính là Thanh Tâm Tài Nhân, cũng một người Tàu chính hiệu. Vậy thì cớ gì từ giới bác học đến bình dân, từ thành thị đến nông thôn, từ 200 năm trước đến tận hôm nay, nàng vẫn được nhắc đến như một mỹ nhân tiêu biểu của người Việt? Theo tôi, ấy là do thiên tài của Nguyễn Du, chính cụ đã đem nàng về từ Trung Hoa. Rồi, bằng thể thơ lục bát êm ái như tiếng võng ru, bằng những âm điệu ngọt ngào trong ca dao, bằng nỗi biệt ly thăm thẳm trong Chinh Phụ Ngâm, bằng nỗi ai oán nghẹn ngào trong Cung Oán Ngâm Khúc, cụ đã dựng nên một nàng Kiều vừa đáng thương mà cũng vừa đáng giận, một nàng Kiều thông minh rất mực nhưng cũng ngớ ngẩn khờ dại khôn cùng. Nghĩa là một nàng Kiều vừa cao xa nhưng cũng vừa gần gụi, vừa là một trang quốc sắc nghiêng nước nghiêng thành bên cạnh các nhà nho khoa cử, cũng lại vừa là một cô thôn nữ “sao anh múc ánh trăng vàng đổ đi”.

Nói theo kiểu chợ búa là “mông má” lại nàng. Nói theo kiểu tân thời là được giải phẫu thẩm mỹ. Nói theo các nhà phê bình, nàng không phải là con đẻ của Nguyễn Du mà là con nuôi, tức là phóng tác. Nhưng dù nói gì thì nàng cũng đã đến Việt Nam trên 200 năm. Và trong 200 năm đó, đúng như cuộc đời chìm nổi của nàng, biết bao nhiêu khen chê, bão táp, biết bao nhiêu lần chết đi sống lại. Linh Mục Thanh Lãng, tác giả Bản Lược Đồ Văn Học Việt Nam đã chia ra 7 thời kỳ nàng vừa được xưng tụng vừa bị đánh đập như sau:

Linh mục Thanh Lãng

1. Thế hệ những người cùng thời Nguyễn Du ( 1788-1820): Kiều chỉ mới là một hài nhi nên những người bạn của tác giả cũng chỉ ngó qua vậy thôi. Chủ yếu là nói nhiều đến nỗi mang nặng đẻ đau hay công phu khó nhọc của tác giả.

2. Thế hệ Nguyễn Công Trứ ( 1820-1862): Kiều bị chê là con bé ranh mãnh hỗn xược. Một người rất chịu chơi là Nguyễn Công Trứ mà cũng phải hạ những câu độc địa như:

Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu
Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu
Mà bướm chán ong chường cho đến thế
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!

3. Thế hệ Chu Mạnh Trinh (1862-1913): Kiều được nhìn
nhận như một cô gái nhỏ bé đáng thương, đồng hóa thân phận Kiều với tác giả, phê bình Kiều với thái độ nghệ sĩ, giàu cảm tính rất tài tử mà tiêu biểu là Chu Mạnh Trinh Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu…đã toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên  
               
4. Thế hệ Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh (1913-1932): Kiều được tôn xưng là hoa hậu, là minh tinh. Phạm Quỳnh còn đi xa hơn nữa muốn Kiều trở thành giáo chủ, truyện Kiều là Thánh kinh, là Phúc âm của cả một dân tộc. Tâng bốc lên tận mây xanh, nên Phạm Quỳnh bị kết tội là học phiệt, bị Ngô Đức kế mỉa mai nước Việt Nam là Kim Vân Kiều Quốc!

5. Thế hệ Tự Lực Văn Đoàn (1932-1945): Lúc này xuất hiện nàng Loan trẻ trung sôi nổi trong Đoạn Tuyệt, nàng Mai dịu dàng dằm thắm trong Nửa Chừng Xuân, nên Kiều trở thành một bà già lẩm cẩm chẳng còn ai tơ tưởng tôn xưng nàng thành thần tượng nữa.

6. Thế hệ sau 45: Kiều bị đem ra đấu tố trước tòa án nhân dân, bị kết tội là phản động, đồi truỵ, bị đem thiêu đốt.

7. Thế hệ sau 54: Kiều đầu thai. Ở miền Bắc nàng bỗng trở thành một cô gái vô sản, là hiện thân của hàng triệu phụ nữ Việt Nam bị các thế lực phong kiến và bọn địa chủ đàn áp bóc lột. Ở Miền Nam, nàng là một cô gái hiện sinh dám dấn thân, dù suốt mười lăm năm là những tháng ngày buồn nôn. Và hai nàng Nam và Bắc hơn 20 năm gườm nguýt nhau, chửi bới nhau không thương tiếc!

Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du

Sau 75, cụ Thanh Lãng không còn sống để thấy rằng nàng Kiều miền Bắc đã hất cẳng nàng Kiều miền Nam ra khỏi các trường Đại học, các thư viện, khiến nàng phải lê lết dơ bẩn trong các chồng sách cũ bên vệ đường, hay theo những người đi kinh tế mới chùi đít cho những đứa bé bụng ỏng đầy gân xanh.

Nàng Kiều “thống nhất” bảnh chọe ngồi trên ngai vàng được Nguyên soái thi ca TH và nhị thập thiên bát tú xưng tụng ngất trời, còn hơn cả Phạm Quỳnh ngày trước. Giờ đây, những cuộc thi hoa hậu đủ vành đủ kiểu mở ra quanh năm suốt tháng, nàng lại được trọng vọng xưng tụng nhiều hơn nữa. Nàng phơi mở cái tòa thiên nhiên dầy dầy sẵn đúc cho thiên hạ lé mắt ra mà ngước nhìn bình phẩm.

Như thế đó, hơn 200 năm, Kiều đã thoát ra khỏi cái êm đềm trướng rũ màn che của sách vở để sống một cuộc đời thực cùng với những Tú Bà, Mã Giám Sinh nhan nhãn trên cõi đời này. Bị vùi dập, ngay cả đem đi thiêu sống mà nàng vẫn không chết, nên nàng trở nên dày dạn hơn, lọc lõi hơn. Ta có thể gặp nàng trên đường phố mang kính dâm chạy xe Spacy, trong quán bar mặc áo hai dây, quần phơi rốn và chỉ hơn Eva một chiếc lá nho bước đi nghệu nghễnh trên sàn diễn.

Trong văn học Việt Nam không có một nhân vật nữ nào lại có một đời sống dữ dội như thế. Bây giờ, không còn ai buồn biết tới cái tâm sự u uẩn, hay cái thuyết tài mệnh tương đố của cụ Tiên Điền nữa. Người ta chỉ biết có nàng đang lồng lộng hóa thân thành muôn ngàn Kiều @ ngập tràn trong đời sống. Cụ Nguyễn mà có sống lại cũng ngẩn ngơ khi ngước nhìn!

Trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, Kiều chết hẳn ở sông Tiền Đường sau khi mưu phản để Hồ Tôn Hiến giết chết Từ Hải. Nhưng cụ Nguyễn, vì quá yêu nàng nên đã để cho nàng được sống mà gặp lại người tình Kim Trọng. Chỉ có vậy thôi, không ngờ nàng sống mãi đến tận bây giờ và còn sống “phẻ” đến nhiều trăm năm nữa.

Thôi, cũng xin chúc mừng nàng cho dù nàng là người Việt gốc Tàu./.

Trương Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét