Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bài NGUYỆT CA của Quang Đặng. Đây là bài viết gửi cho NHHN sau chuyến du lịch Hoa Kỳ. Xin cám ơn đồng môn Quang Đặng rất nhiều.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
"Nửa đêm ra đón trăng xứ lạ
Cây rùng mình ngã xuống tịch không
Khói hay sương phơi trên màu lá
Vườn trăng
Thềm
cũ
Bước qua hồn"
(Trăng -
Cao Thị Nguyệt Lãng)
Nghe tiếng xe, người đàn ông bước vội bên hiên nhà
ra đón chúng tôi. Ở ngoài trông ông trẻ hơn trong hình rất nhiều. Sau khi chào
hỏi thay vì vào nhà theo lời mời, tôi và hai người bạn nấn ná ngoài khu vườn của
chủ nhân suốt mấy tiếng đồng hồ. Bảo mê hoặc thì không đúng, nhưng tất cả mọi
thứ từ sự xếp đặt như không hề xếp đặt, rồi những mảng màu đan xen khi thì rực
rỡ, lúc thì thuần khiết của hoa, lá, cỏ cây khiến chúng tôi không một phút rời
mắt khỏi khu vườn. Đó là một ngày tháng sáu, ngày đầu hạ ở Seattle và chủ nhân
của khu vườn là thầy giáo cũ của tôi.
Ông là giáo sư môn Việt văn kiêm phụ trách môn vẽ ở
trường trung học tôi theo học trong những năm đầu thập niên 70. Thời kỳ này ông
đã có nhiều sáng tác về hội họa, âm nhạc, thơ văn và gần đây nghe nói ông còn chế
tạo đàn guitar. Thành thử tôi cứ đinh ninh khu vườn tuyệt đẹp này là thành quả
do chính tâm hồn và bàn tay tài hoa của ông. Thế nhưng sự xuất hiện của người phụ
nữ trông có vẻ mảnh dẻ và giản dị từ phía sau vườn đi tới đã làm tôi ngạc nhiên.
“Khu vườn này do một tay vợ tôi chăm sóc”, ông dịu dàng nói như thế khi người
phụ nữ tiến đến chào khách. Tôi chợt nghĩ, tâm hồn của người phụ nữ này không
đơn giản như bề ngoài chút nào. Quả thật sự tinh tế như len lỏi qua từng góc nhỏ
của khu vườn. Bên cạnh những loại cây, loại hoa thích hợp với xứ lạnh và phương
Tây như cây thông, hoa hồng, hoa clematis, cẩm tú cầu, oải hương, phù dung … thì
sự hiện diện của bụi trúc sau vườn lại mang đậm dấu ấn phương Đông. Sự tinh tế
còn thể hiện qua cách trồng xen kẽ các loài hoa, bên cạnh một loài hoa vương giả
hình như bao giờ cũng thấy kèm theo một ít sắc màu hoang dại khi thì của Forget
me not, lúc thì của lưu ly, tigon hay marguerite trắng… Nhưng điểm nhấn quan trọng
nhất của khu vườn theo tôi là chiếc cầu thang gỗ bên hiên nhà. Khách chỉ cần
leo khỏi bậc thang cuối là nghe tiếng phong linh lay động, thấy toàn cảnh khu
vườn và mặt hồ Washington tĩnh lặng đẹp như một bức tranh.
Quang cảnh trong vườn
Tôi đã có dịp đi qua nhiều khu vườn trên nước Mỹ. Nhỏ
như vườn nhà của một người quen ở Cali chỉ trồng vài bụi hồng, ít gốc sả, giàn
chanh dây, hai ba cây phong trước sân đợi mùa thay lá. Cũng có lúc dừng chân ở
những vườn Nhật, vườn Trung Hoa, vườn hồng ở Cali hay lang thang ở những công
viên mênh mông hoa thơm, cỏ lạ ở New Jesey, Washington D.C, Virginia, Maryland…
nhưng đẹp một cách tự nhiên và lãng mạn như khu vườn này lần đầu mới thấy.
Sự bất ngờ của nữ chủ nhân dành cho tôi tăng lên gấp
bội khi hai người bạn của tôi ra về sớm. Tôi theo chân ông bà vào nhà và không
ngăn được những tiếng trầm trồ nho nhỏ. Toàn bộ vật dụng trong nhà được bày biện
một cách trang nhã, đẹp mắt thể hiện sự hướng nội và khuynh hướng thiên về nghệ
thuật của gia chủ. Trong lúc bà vào bếp sửa soạn thức ăn nhẹ, ông ôm đàn gảy một
bản classic ngoài phòng khách thì tôi xin phép đi thơ thẩn quanh nhà. Phòng làm
việc của ông, cây đàn guitar đứng im lìm bên chiếc dương cầm, một góc nhỏ cổ điển
với cây đàn tì bà và gốm sứ, căn bếp ấm cúng với những sổ nhìn ra vườn… đâu đâu
tôi cũng thấy thấp thoáng đôi bàn tay nữ chủ nhân ở đó. Sự e dè và biên giới giữa
người lạ, thầy trò biến mất khi chúng tôi ngồi xuống trao đổi về thơ văn. Một lần
nữa nữ chủ nhân lại đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bà chẳng
những am hiểu mà còn theo dõi thường xuyên các bài viết của tôi. Nhưng bất ngờ
nhất là khi ông tiết lộ, ngoài niềm đam mê cây cảnh, đan móc, thêu thùa, làm
búp bê nghệ thuật bà còn viết văn và làm thơ với bút hiệu Cao Thị Nguyệt Lãng .
Cuối buổi chuyện trò trên tay tôi là ba món quà tặng: tập thơ “Mõ Rừng” của Cao Thị Nguyệt Lãng, tuyển tập "Chỗ
Chúng Ta" kỷ niệm một thời làm báo của ông bà và món quà lưu niệm bằng gỗ ông
vừa làm tặng tôi.
Đã quá trưa ông bà đưa tôi xuống phố. Ông lái xe đi
dạo một vòng quanh bờ hồ Washington. Hồ nước long lanh, những con dốc chập
chùng, những con đường phượng tím, những câu chuyện trao đổi nhẹ nhàng trong một nhà hàng Việt
Nam. Mọi thứ gần gũi, thân quen đến độ không cho tôi cảm giác đang ở Seattle mà
ở Đà lạt, mới hôm qua đây thôi một buổi trưa nào 40 năm về trước. Lúc chia tay
bà hỏi tôi:
- Sao em không ở lại Seattle thêm vài ngày, sắp tới
có trăng, em sẽ thấy khu vườn lộng lẫy như thế nào? Rồi thứ ánh sáng lộng lẫy
đó sẽ tuôn chảy thành dòng về phía mặt hồ xa.
Từ phòng khách nhìn ra vườn
Tôi không thể ở lại Seattle như lời mời. Hoàng hôn
hôm đó tôi đã từ giã Seattle về lại Cali. Trong lúc chờ giờ bay tôi lần giở tạp
chí “Chỗ Chúng Ta” và tình cờ đúng ngay truyện ngắn “Dấu Mòn Của Một Giấc Mơ” của
Cao Thị Nguyệt Lãng:
“Gió đã xào xạc ngoài ngõ. Bạt ngàn cây lá đang đổi
màu khoe sắc mới, lồng lộng giữa mênh mông trời thu tĩnh lặng. Những ngôi nhà
quanh đây đằm thắm quyến rũ khách qua đường với vạt nắng vàng óng ả mơ màng
rung động trên từng cánh cúc tím, trên từng nhánh phong lộng lẫy để tàn phai,
trên thềm rêu xanh ẩn mật, trên cửa vườn lặng lẽ đợi chờ… hai chúng tôi lên đường
lúc xế chiều. Ngày im hơi và phố phường cũng đã hiu hiu thưa vắng.”( DMCMGM).
Truyện kể về hai người vợ chồng người Việt về thăm lại
ngôi nhà đầu tiên của họ trên đất Mỹ. Cốt truyện không lạ, điều đáng nói ở đây
là cách hành văn rất nhẹ nhàng, mượt mà, giàu chất thơ. Tác giả hẳn phải có một tâm hồn sâu lắng và thanh khiết
thế nào mới đem thiên nhiên rải hồn vào trong từng con chữ như thế. Nhưng trên
tất cả vẫn là tình yêu, giấc mơ tan khi người phụ nữ trong truyện phát hiện người
đàn ông trong căn nhà không phải chồng mình: “ Tôi vội vã trả lời: I am sorry.
I have wrong address. Rồi quay lưng về chỗ đậu xe.”( DMCMGM).
Từ “Dấu Mòn Của Một Giấc Mơ” tôi tò mò đọc tiếp truyện
ngắn “Kiều Miên” của tác giả Cao Hoàng. Người đàn ông trong truyện đuổi theo một
người đẹp có tên Kiều Miên qua nhiều con phố. Đến khi mất dấu nàng, ông quay về
nhà và thấy Nguyệt, người phụ nữ của mình vừa hoàn thành xong con búp bê mới có
tên là Kiều Miên. Phía sau món quà lưu niệm khắc bằng gỗ tặng tôi, thầy Cao
Hoàng có giải thích: Kiều Miên chỉ là một cái tên tiêu biểu cho nghệ thuật. Điều
này cũng liên quan đến câu hỏi của tôi và nhiều người, nhân vật nữ thường xuất hiện
trong các tác phẩm của Cao Hoàng là ai, một con người cụ thể hay chỉ là một bóng
hình mong manh tựa sương khói? Mọi sự chỉ
bắt đầu hé lộ khi dòng chữ “Riêng với anh, người bạn đời mãi mãi thân ái” trên
trang đầu của tập thơ “Mõ Rừng” đập vào mắt tôi và sau đó là những bài thơ tình thấm đẫm yêu
thương:
- TỎ TÌNH THÁNG SÁU:
Em có trái
tim nhỏ
Một ngày đầu
cho anh
Xuân bỗng dừng
bên ngõ
Xuân bao la
đồng xanh
Không là lời
ngăn cách
Cho bao nỗi
sầu vương
Anh Trường Sơn độ lượng
Anh Đông Hải
mặn nồng
Bài tình ca
cho bát ngát rừng phong
Bao giai điệu
nuôi yêu thương chất ngất…
- LỜI THẦM
YÊU DẤU:
……………………………
Nói thật khẽ
để ngày không thức giấc
Đêm ngọt
ngào đêm của hai ta
Cỏ vì sao
xanh biếc giải thiên hà
Đang run rẩy
trong bầu ngực trái
Giấc ngủ lười
ru từng miền hạnh phúc
Mặc tiếng đời
vội vã ngoài kia
Mặc lũ chim
gọi thức bình minh
Đàn rất nhẹ, thả lời thầm yêu dấu…
- NỐT NHẠC
CHIỀU:
…………………………………
Em cúi xuống,
nụ hôn thầm trên lá
Lời chim
khuyên thủ thỉ chuyện trăm năm
Lá trúc đong
đưa vẽ vòng năm tháng
Tình như mơ mật
ngọt ánh trăng rằm
Tựa vai anh,
ta cùng qua cửa hẹp
Kẻ đến người
đi mỗi bước bâng khuâng
Nhen bếp lửa
mình về soi đôi bóng
Trong sương
chiều cánh vạc mộng phù vân…
……………………………………………..
Tập thơ Mõ Rừng
Nhiều đề tài được đề cập trong tập thơ “ Mõ Rừng” nhưng
ở đây tôi chủ yếu nói về thơ tình, những bài thơ bắt đầu bằng chữ: “Thương yêu
gởi HTH hay với anh, tất cả…”. Vì sau khi đọc một số bài thơ, xâu một chuỗi tình
tiết liên quan giữa hai truyện ngắn và nhất là tận mắt thấy họ bên nhau tôi có
thể đoán nhân vật nữ thường thấy trong các tác phẩm của Cao Hoàng là ai.
Máy bay bắt đầu cất cánh. Seattle lùi lại phía sau.
Khi vùng đồi núi thơ mộng khuất dần theo độ cao thì phía bên dưới xuất hiện một
cảnh tượng đẹp đến nỗi tôi không tin vào mắt mình: núi tuyết. Tay tôi nhấn liên
tiếp vào nút chụp ảnh trên màn hình iphone. Hùng vĩ, huyền bí, thơ mộng… không
từ nào để diễn tả hết vẻ đẹp của ngọn núi quanh năm tuyết phủ mang lượng mưa dồi
dào và màu xanh đến cho Seattle. Nhìn ngọn núi trắng xóa tôi thoáng nghĩ đến một
người. Ẩn sau cái vẻ bề ngoài giản dị là một tâm hồn và trái tim yêu thương nồng
cháy. Tôi quên chưa hỏi tên thật của người đàn bà ấy, nhưng xem ra cũng không cần
thiết. Hãy tạm gọi nữ chủ nhân của ngôi nhà bên hồ, người đã tạo nên khu vườn
trong mơ đồng thời là tác giả của những áng văn, bài thơ hay ấy là NGUYỆT, vầng
trăng riêng của một người.
QUANG ĐẶNG (6/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét