Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu.
Bài viết CÁM ƠN ANH, NGƯỜI LÍNH CỨU HỎA của nhà văn Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là CHS Nguyễn Huệ, một cây bút quen thuộc với Thầy - Trò chúng ta.
Trân trọng,
NHHN
Hình minh họa - Internet
CÁM ƠN ANH, NGƯỜI LÍNH CỨU HỎA
Lê Nguyễn Hằng
Vừa mua xong những thứ cần thiết ở tiệm thuốc tây Walgreens, khi quay ra tôi thấy hai người lính cứu hỏa đang đi vào. Nhìn dáng điệu oai phong nhưng mỏi mệt của họ, trong đầu tôi chợt lóe lên hình ảnh những ngọn lửa đỏ ối đang hung hăng bùng phát đốt cháy khu rừng và đám khói đen mù mịt cuồn cuộn bốc lên từ tòa nhà đôi World Trade Center, tôi bèn mạnh dạn tiến đến gần họ và nói, “Hello gentlemen, how are you today?”
Hai người đàn ông trẻ quay sang mỉm cười, tôi nói tiếp, “Thanks for your service and sacrifice.” Một người bắt tay tôi và người kia nói, “How nice! Can I give you a hug?” Tôi gật đầu và anh ta ôm tôi, tay vỗ nhẹ trên vai tôi và nói, “Xin cám ơn bà đã nghĩ đến chúng tôi, câu nói này là phần thưởng quý giá nhất trên đời, nó làm chúng tôi rất cảm động và quên mọi nhọc nhằn hiểm nguy.”
Biết họ có rất ít thì giờ nên tôi nói vội, “Phần lớn mọi người, kể cả gia đình tôi, tuy không nói ra nhưng trong lòng lúc nào cũng quý trọng và kính phục các anh, xin các anh bảo trọng”, rồi tôi giơ tay chào họ. Tôi thấy họ nhìn lại tôi với cặp mắt long lanh và mắt tôi cũng cay sè.
Suốt mùa hè năm nay, đã có bao nhiêu trận cháy nhà và cháy rừng, chúng tôi đã xem tivi mà lòng run sợ khi nhìn thấy những ngọn lửa vàng rực đang ngùn ngụt thiêu rụi những căn nhà tội nghiệp, đổ nát và tiếng khóc than của các nạn nhân. Khi chứng kiến các nhân viên chữa lửa thách đố với tử thần cầm vòi rồng tưới trong hơi nóng hừng hực, có mấy anh xông vào nơi lửa cháy, rồi thấy một anh mặt mày lọ lem đang cõng trên lưng một bà cụ, anh kia tay ôm một em bé đang đem họ ra khỏi vùng lửa khói, tôi vừa mừng vừa rơi nước mắt. Ôi những con người can cường, đáng ngưỡng mộ!
Tôi luôn kính phục những người trong quân đội, những viên cảnh sát và nhất là lính cứu hỏa. Họ là những người can đảm và anh hùng, luôn hy sinh thân mình cho kẻ khác, kể cả những người không quen biết.
Chữ anh hùng của tôi giới hạn hơn chữ “hero” của Mỹ, nó có sự dũng cảm, sự hy sinh, và nó không bao gồm những tài tử điện ảnh, ca sĩ hay những người chơi thể thao nổi tiếng.
Để trở thành một người lính cứu hỏa, bạn phải đậu một cuộc thi thể lực khá vất vả. Mỗi cơ quan tuyển lựa có những diều kiện khác nhau. Thường thì họ đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn về chống lửa do một trường đại học hay trường dạy chuyên môn huấn luyện. Ở đó có các chương trình dạy để chuẩn bị cho sinh viên trở thành lính cứu hỏa, điều tra viên và thanh tra viên về hỏa hoạn.
Cuộc tuyển lựa thường gồm thi viết, vấn đáp, điều tra lý lịch, thử ma túy và khám sức khỏe. Họ cũng phỏng vấn về kinh nghiệm làm việc, bằng cấp, lịch sử về tín dụng và tham khảo cá nhân. Thêm nữa, thí sinh phải trên 18 tuổi, có bằng trung học, bằng lái xe, thị lực tốt và hồ sơ cá nhân trong sạch.
Có hai loại lính cứu hỏa: chuyên nghiệp và tự nguyện. Cả hai đều có sứ mạng, trang thiết bị, huấn luyện phần lớn giống nhau, ngay cả sự hiểm nguy. Điểm khác nhau là lính chuyên nghiệp được lãnh lương và làm toàn thời gian, còn người tự nguyện chỉ làm bán thời gian và không lãnh lương. Họ là những nam và nữ công dân có gia đình và công việc tay phải để sinh sống và họ sẵn sàng đến trợ giúp hoặc cứu những người xa lạ bất kể ngày đêm. Quả là một đóng góp to lớn nhất mà một người có thể làm được cho cộng đồng.
Chữa lửa là cố gắng ngăn ngừa sự bộc phát, lan rộng và dập tắt những đám cháy rừng, xe cộ, nhà cửa…Lính cứu hỏa ngoài việc dập tắt ngọn lửa đang đe dọa mạng sống, của cải và phá hoại môi trường, họ cũng cứu, chữa và chăm sóc cho người và súc vật đang trong tình trạng nguy hiểm. Hơn nữa, họ còn hướng dẫn chúng tabiết cách giữ cho an toàn khi ở gần lửa.
Vì phải lảm việc nhiều tiếng đồng hồ liên tục trong một điều kiện căng thẳng, khẩn trương giữa sống và chết, người lính cứu hỏa thường phải mạnh khỏe và gọn gàng săn chắc hơn những người làm nghề nghiệp khác trừ những người trong quân đội hoặc cảnh sát hay thể tháo gia.
John, người bảo trợ của gia đình tôi cũng là một lính cứu hỏa, nhưng đã lớn tuổi và về hưu rồi nên anh chỉ làm tự nguyện.
John cho biết, “Dù là chuyên nghiệp hay tự nguyện, người lính cứu hỏa luôn phải đeo trong mình một máy nhắn tin (pager). Khi trung tâm 911 địa phương gọi cho biết địa điểm và loại cấp cứu, bạn phải đáp ứng lập tức, 24/7/365, tức là 24 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần và 365 ngày một năm, bất kể cuối tuần hay ngày lễ trừ trường hợp bạn đau ốm hay đang làm việc hoặc ở ngoài địa phận. Khi họ gọi, bạn phải đến ngay trạm của mình để đi cùng nhóm tới nơi cần cấp cứu. Có khi tôi bị gọi 4 lần trong một ngày và có lúc 3 lần trong một đêm. Tôi nghĩ rằng ít người hiểu rõ được sự cam kết tận tụy này. Người ta chỉ biết là có một bộ phận chữa lửa trong khu vực và họ chờ đợi cái xe tải màu đỏ đến khi họ cần.”
Tôi hỏi John người lính chữa lửa đối phó với nguy hiểm và sợ hãi như thế nào thì John cho biết rằng theo anh, “Thật sự họ không sợ rằng công việc mình làm là quá nguy hiểm vì, thứ nhất, phần lớn họ là những người say mê thể thao và những hoạt động mà người ta thường nghĩ là nguy hiểm. Thứ hai, họ được huấn luyện trường kỳ để tự tin vào việc làm của mình và cuối cùng, sự huấn luyện của họ luôn luôn nhấn mạnh rằng an toàn là trên hết. Nhờ được huấn luyện liên tục, nó đã giúp họ tránh vấp phải những trường hợp gây nguy hiểm cho tính mạng của mình và người khác. Tuy nhiên dù huấn luyện bao nhiêu cũng vẫn có thể xảy ra trường hợp không may lâm vào thảm kịch. Nếu chuyện chẳng lành xảy ra, luôn luôn có một hệ thống yểm trợ mạnh mẽ của sở cứu hỏa và cộng đồng.”
Theo John, “Khi mà sở cứu hỏa thành lập hàng trăm năm trước đây, bổn phận của họ chỉ chữa lửa. Lúc đó, lính chữa lửa chỉ toàn đàn ông và họ không hề có hoặc chỉ được huấn luyện chút đỉnh.
Qua bao năm, sở cứu hỏa đã đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm, nên ngày nay, ít cuộc gọi chỉ thuần cho chữa lửa mà phần lớn là cho cấp cứu y tế (60%) hoặc tai nạn xe cộ (25%). Sở cứu hỏa của tôi ở Oregon đáp ứng lời gọi đến cứu cả những người bị tai nạn ngoài biển, trên sông và rớt xuống vực. Vậy nghĩa là phải cần nhiều thiết bị chuyên dụng và huấn luyện đặc biệt cho lính cứu hỏa thi hành nghĩa vụ cứu người. Như vậy ngày nay cái tên Sở Cứu Hỏa ‘Fire Department’ không còn nói lên đầy đủ nhiệm vụ của họbằng Sở Cấp Cứu ‘Emergency Services Department’.”
Toàn nước Mỹ, 70% lính cứu hỏa là tự nguyện. Trong khi đó California có 28.000 lính chữa lửa, một phần ba là tự nguyện, phần lớn là ở vùng thôn quê. Các bộ phận chữa lửa cho biết là trong những năm gần đây đã không đủ lính cứu hỏa để đối phó với số trận cháy rừng phá kỷ lục. Những trận cháy này xảy ra ở những nơi có thảm thực vật dễ cháy và thường ở vùng nông thôn.
Trong ba thập niên vừa qua, số tự nguyện giảm bớt 10% trong khi những cuộc gọi cấp cứu lại tăng lên gấp ba lần. Càng ngày việc tuyển mộ và giữ họ ở lại làm việc càng khó vì nó đòi hỏi quá nhiều cống hiến và thời gian.
Sự hạn hán, thiếu mưa trong nhiều năm liên tiếp càng tăng nguy cơ cháy rừng từ bắc xuống nam California. Nhiệt độ cao, đất dốc và cỏ khô khiến cho công việc chữa lửa thật khó khăn. Tệ hại hơn nữa, lính cứu hỏa còn phải đương đầu với những cơn dông và gió. Những cơn gió mạnh và khô này đã bốc những cục than hồng lên và rơi xuống một vùng khác, châm ngòi lửa rộng ra khiến cho lính cứu hỏa phải phân tán mỏng hơn.
Những tai nạn thảm khốc xảy ra cho lính chữa lửa khiến họ hy sinh mạng sống hay thể xác bị thương tật làm chúng ta không khỏi ngậm ngùi thương xót.
Ngày 5 tháng 9 năm 2001, Patrick Hardison, một người bán lốp xe và cũng là lính cứu hỏa tự nguyện, cùng mười mấy người lính chữa lửa khác, chạy đến cứu một căn nhà di động (mobile home) ở Senatobia, tiểu bang Mississippi đang bị cháy. Khi mái nhà sụp xuống thì chỉ còn một mình Patrick ở trong đó. Sức nóng cao độ đã làm mặt nạ hô hấp tan chảy trên mặt anh. Môi, tai, mí mắt và phần lớn da trên đầu anh đều bị cháy, đã làm khuôn mặt anh trở nên dị dạng, thật không thể có sự đau đớn nào hơn!
Patrick sau 71 cuộc giải phẩu
Trải qua 71 cuộc phẫu thuật trong 14 năm, mặt của Patrick vẫn bị biến dạng một cách thảm hại. Mãi đến tháng 8 năm 2015, bác sĩ Eduardo Rodriguez đã làm một cuộc giải phẫu ở New York, dài 26 tiếng đồng hồ với một đội ngũ hơn 100 bác sĩ phẫu thuật và chuyên viên y tế để ghép mặt của người hiến tặng David Rodebaugh vào mặt của Patrick. David là một người thợ máy và anh chết vì tai nạn xe gắn máy. Đây là một cuộc giải phẫu thành công vĩ đại. Bây giờ các con của Patrick đã không còn sợ hãi tránh xa khi nhìn anh, nên anh đã có thể chở con đi học mỗibuổi sáng, anh có thể bơi lội trong hồ, chớp mắt và vuốt tóc bằng ngón tay của mình. Anh có thể đi giữa đám đông mà không còn bịnhìn xăm xoi hay chỉ vào mặt và con nít thấy anh không hét lên sợ bỏ chạy nữa. Thật đáng mừng cho Patrick, cuối cùng anh đã trở lại cuộc sống gần như bình thường sau 14 năm chịu đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Với một nghị lực phi thường, Patrick đang mong chờ ngày anh có thể trở lại làm việc như ngày xưa. Cầu xin choước nguyện của anh trờ thành sự thực.
Sáu ngày sau, 11 tháng 9 năm 2001 ngày đau thương của đất nước Hoa Kỳ, đã có 343 lính cứu hỏa hy sinh tại tòa nhà đôi World Trade Center.
Đài ABC News thuật chuyện hy sinh cao cả của Đại Úy Timothy Stackpole rằng, một ngày mùa hè năm 1998, đang chữa cháy một dãy nhà ở Brooklyn, ông Stackpole nghe được một người đàn bà đang bị mắc kẹt trong nhà, không một chút ngần ngại, ông và hai đồng nghiệp chạy vào nơi lửa đang cháy ngùn ngụt để cứu người, thình lình sàn nhà sụp xuống, toàn thân mình ông bị kẹt đến tận cổ trong khi ngọn lửa vẫn gầm gừ cháy. Trong lúc bị đau thấu xương, ông cầu nguyện, “Xin Chúa cho con chết một cách can đảm.” Mãi nửa giờ sau, 34 người lính bạn đã liều mạng sống của họ nhảy vào cứu ba người, nhưng bất hạnh thay ông Blackmore, một trong ba người được cứu, đã thiệt mạng. Ở nhà thương, ông Stackpole chết đi sống lại mấy ngày vì những vết thương trên thân thể bị cháy hơn 30%. Mãi 66 ngày sau, ông bước khập khễnh ra khỏi bệnh viện trong tiếng hoan hô mừng rỡ và tán thưởng. Rồi ông trở lại làm việc dù ông đã có thể nghỉ việc và lãnh lương hưu trí nhưng ông từ chối vì ông có hai niềm đam mê trong đời, “Gia đình và chữa lửa”.
Sau 21 năm chiến đấu với những trận cháy khốc liệt ở New York, kể cả ngọn lửa năm 1998 suýt giết chết ông, ngày 10 tháng 9 năm 2001, ngưới lính cứu hỏa Timothy Stackpole hãnh diện được lên chức, mang lon đại úy.
Vừa lên lon thì ngay ngày hôm sau, 11 tháng 9, ông và hàng trăm lính cứu hỏa đã được điều động khi hai chiếc máy bay đâm vào tòa nhà World Trade Center và ông đã là một trong số 343 lính cứu hỏa chết khi tòa nhà đôi sập xuống. Đại úy Stackpole đã từng nói, “Cái cảm giác cao nhất mà bạn có được trong cuộc đời là giúp đỡ người khác.” Chắc chắn cảm giác này theo ông khi ông đi vào giấc ngủ ngàn thu trong niềm tự hào.
Bà Tara, vợ ông kể lại rằng, ngày định mệnh đó, thứ ba 11 tháng 9, ông bắt đầu như mọi ngày, ông hôn chào vợ con rồi đi làm. Khi nghe được tin tòa nhà đôi bị tấn công, bà vội vã chạy đến nhà của mẹ để đón các con. Lúc dừng lại trước đèn đỏ, bà giật mình nhận ra là mình đang ở ngay trước mặt tòa nhà mà ông đã bị thương suýt chết ba năm trước đây và bỗng có một cảm giác ớn lạnh rằng chắc ông Stackpole sẽ không trở về nhà đêm nay. Và ông ấy đã không về thật. Sau khi hoàn tất bổn phận cao cả cứu người, ông đã vĩnh viễn ra đi như một anh hùng.
Cũng vào ngày 11 tháng 9, Welles Crowther, một nhân viên của hãng Sandler O’Neil and Partners, làm việc trên tầng lầu thứ 104 của tòa nhà World Trade Center. Trước đây, Welles đã từng là một lính chữa lửa tình nguyện tại Nyack, New York, thành phố anh cư ngụ, nên anh là một người có khả năng và kinh nghiệm đương đầu với tình trạng nguy cấp. Ngay khi chiếc máy bay United Airlines số 175 vừa phóng vào tòa nhà đôi lúc 9:03 sáng ngày định mệnh đó, anh ta lập tức trở lại vai trò người lính cứu hỏa tự nguyện. Giữa đám khói mù mịt, gạch vụn đổ nát và hỗn loạn, Welles đã xuống lầu thứ 78, nơi đang có một số người bị thương, anh đã bình tĩnh hướng dẫn những người còn sống sót đi xuống cầu thang và khuyến khích họ giúp những người khác trong khi anh cõng một người đàn bà bị thương trên lưng. Sau khi cõng bà ấy xuống 17 tầng lầu tới chỗ an toàn, với cái băng đô đỏ trên đầu, anh lại chạyngược trở lên để cứu thêm những người khác.
Welles Crowther
Welles tuy anh hùng nhưng vẫn có những tình yêu bình thường như mọi người trong chúng ta, anh cũng rất yêu thương mẹ của mình nên trong lúc thập phần hiểm nguy, anh cũng điện thoại cho mẹ yên tâm và để lại lời nhắn, “Mom, this isWelles, I wanted you to know that I am OK”, rồi anh băng mình vào chỗ chết.
Cuối cùng người ta tìm thấy xác Welles, người anh hùng đeo băng đô đỏ, cùng với một số lính chữa lửa đã bị đè chết lúc tòa nhà sập xuống khi họ cố gắng chạy trở lên cứu thêm người nữa.
Welles đã ra đi nhưng không bao giờ bị quên lãng. Hành động anh hùng đã khiến anh trở thành biểu tượng của sự kiên trì, can đảm và hy vọng sau ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Nghĩ đến điều trong khi ai cũng dùng mọi cách và phương tiện chạy ra khỏi tòa nhà đang cháy để thoát thân đến nơi an toàn thì những người lính chữa lửa anh hùng lại liều mình chạy ngược trở vào vùng nguy hiểm, để bảo vệ mạng sống cho người khác. Họ đã chạy lên trong khi mọi người chạy xuống dù họ biết đó là chuyến đi một chiều nhưng họ vẫn cứ làm, những con người này phải có thân hình và khối óc bẳng thép nhưng lại có trái tim bồ tát mới có thể nhảy vào nơi lửa đạn dẫu biết rằng mình có thể bị thương tích trầm trọng hay mất mạng sống. Còn sự can đảm, anh hùng nào đáng kính trọng, ca ngợi và biết ơn hơn!
Trong đời sống hằng ngày vì quá bận bịu với cơm áo gạo tiền, nên chúng ta xao lãng món nợ to lớn với những hy sinh tối hậu, cao cả của những người lính chữa lửa mà chúng ta cần phải vinh danh lòng dũng cảm và sự hy sinh của họ một cách xứng đáng.
Đã bao lần tôi cám ơn những anh hùng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ, bây giờ tôi xin chân thành cám ơn những anh hùng cứu hỏa có trái tim vĩ đại, và cầu xin cho họ được an toàn trong khi làm công việc cao quý mà họ yêu thích.
Lê Nguyễn Hằng
https://www.firescience.org/how-to-become-a-firefighter/
https://www.cnn.com/2016/08/24/health/face-transplant-patrick-
hardison/index.html
https://abcnews.go.com/Primetime/story?id=132189&page=1
https://en.wikipedia.org/wiki/Welles_Crowther
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét