THƠ ĐỖ PHỦ - BÀI 60, 61 VÀ 62
Thầy Dương Anh Sơn
Bài 60
VỊNH HOÀI CỔ TÍCH (KỲ TỨ) 詠懷古跡(期四)
VĨNH AN CUNG, TIÊN CHỦ MIẾU 永安宮, 先主廟
Thục chủ chinh Ngô hướng Tam Giáp, 蜀主征吳向三峽,
Băng niên, diệc tại Vĩnh An cung. 崩年亦在永安宮。
Thuý hoa tưởng tượng không sơn lý, 翠華想像空山裡,
Ngọc điện hư vô dã tự trung. 玉殿虛無野寺中。
Cổ miếu sam tùng sào thuỷ hạc 古廟杉松巢水鶴,
Tuế thì phục lạp tẩu thôn ông. 歲時伏臘走村翁。
Vũ Hầu từ ốc trường lân cận, 武侯祠屋長鄰近,
Nhất thể quân thần tế tự đồng. 一體君臣祭祀同。
Đỗ Phủ (năm 766) 杜 甫
Dịch nghĩa:
Vua nhà Thục chinh phạt nước Ngô về phía vùng Tam Giáp – Năm vua mất khi đang ở tại cung Vĩnh An – Đồ nghi trượng kết hoa làm bằng lông chim thúy(từng theo vua) tưởng như còn trong núi vắng vẻ - Điện Ngọc không còn nữa (chỉ có) chùa miếu hoang dã ở trong (c.1-4) – Ngôi miếu cổ với các cội thông và tùng làm tổ cho loài chim hạc nước. - Mỗi năm việc cúng tế do ông lão trong thôn chạy lo công việc - Đền thờ của Vũ Hầu Gia Cát Lượng ở gần đó. – Vua tôi hưởng việc cúng tế suốt một lượt cùng nhau.
Tạm chuyển lục bát:
NGÂM THƠ NHỚ DẤU XƯA (Bài 4)
(CUNG VĨNH AN, MIẾU VUA ĐỜI TRƯỚC)
Đánh Ngô Tam Giáp: Thục vương,
Vĩnh An cung điện vua băng chốn này!
Thúy hoa mường tượng non bày,
Hoang sơ chùa miếu, điện rày trống không!
Miếu xưa tổ hạc tùng thông,
Hằng năm giỗ chạp thôn ông chạy rồi.
Vũ Hầu đền miếu gần nơi,
Cúng dâng suốt lượt vua tôi hưởng cùng!
Chú thích:
- tiên chủ 先主: người từng đứng đầu, vua đời trước, bậc vua chúa đời xưa nên có khi gọi là chúa công hay quân vương.
- Tam giáp 三峽: hay còn gọi là Tam Hiệp, nằm giữa ba vùng đất là Tây Lăng Hiệp, Vu Hiệp và Cù Đường Hiệp. Nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên và Hồ Bắc T.H có dòng sông Dương Tử chảy qua.
- Thục chủ 蜀主: quốc vương nhà Thục Hán 蜀漢 T.H với quốc hiệu chính thức là nhà Hán 漢 (221-263) vẫn thường xưng là nhà Thục 蜀 là một trong ba nước thời Tam Quốc (hai nước còn lại là Đông Ngô và Tào Ngụy) ở vùng Tây Nam T.H. nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Thục Hán được xem là triều đại chính thống vì vua Lưu Bị nhà Hán thuộc dòng họ hoàng tộc nhà Hán. Lưu Bị được thờ tại Đế Vương miếu còn vua Đông Ngô và Tào Ngụy không được thờ. Sau khi thất trận Kinh Châu, Lưu Bị chạy về thành Bạch Đế có cung Vĩnh An và sau một năm đã mất tại đó. Lưu Thiên lên làm hoàng đế khi 17 tuổi có hai trọng thần của tiên triều là Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm làm phụ chính đại thần. Năm 234, sau sáu đợt tấn công nước Ngụy, Gia Cát Lượng mất.
- chinh 征: đi xa chinh chiến hay chinh phạt nước khác. Có bản viết là khuy 窺 có nghĩa là dòm ngó (Bản in trong tập “Đường Thi” do Trần Trọng Kim tuyển dịch, NXBVHTT, 1995 (in lại) viết là “Thục chủ khuy Ngô hướng Tam Giáp 蜀主窺吳向三峽 . Năm 222, Lưu Bị đem quân đánh nước Ngô bị bại trận về chết ở cung Vĩnh An.
- thúy hoa 翠華: đồ nghi trượng theo vua khi ra ngoài thường kết bằng lông chim thúy.
- tưởng tượng 想像: mường tượng, hình dung như đang ở trước mắt...
- Ngọc điện 玉殿: nằm phía đông cung Vĩnh An ở thành Bạch Đế.
- tự 寺: chùa, đền, miếu thờ...
- sam 杉: một loại cây thông.
- phục lạp 伏 臘: việc quỳ lạy dâng cúng vào tháng 6 (phục) và tháng chạp (lạp) mỗi năm đối với tổ tiên hay người đã khuất.
- tẩu thôn ông 走村翁: ông già trong thôn xóm lo chạy (tẩu) công việc làng xóm.
- Vũ Hầu: tức Gia Cát Lượng 諸葛亮, tự là Khổng Minh 孔明, hiệu là Ngọa Long 臥龍 là một danh tướng của nhà Quý Hán(季漢, 221 - 263) tức Thục Hán. Ông được Lưu Bị ba lần đích thân mời ra giúp. Lưu Bị tôn ông làm quân sư giúp Lưu Bị chiếm Kinh Châu rồi Ích Châu, Hán Trung làm nên nước Thục. Ông giúp Lưu Bị “tam phân cát cứ” giữ vững nhà Thục Hán khi liên kết với nhà Đông Ngô của Tôn Quyền chống Bắc Ngụy hùng mạnh của Tào Tháo. Cả gia đình Gia Cát Lượng tận trung với nhà Thục Hán. Con trai và cháu nội đã hy sinh trong cuộc chiến chống Tào Ngụy. Ông là một người am tường việc binh nhung và nhiều mưu kế khi chinh chiến nhưng ông cũng am tường dịch lý nên hiểu được việc làm chủ thiên hạ tùy thuộc mệnh trời... Ông được phong tước Vũ Hương Hầu 武乡侯 khi còn sống. Khi mất đi có tên thụy là Trung Vũ Hầu. Người đời sau tỏ lòng tôn kính gọi là Vũ Hầu 武侯 hay Gia Cát Vũ Hầu 諸葛武侯. Đền thờ của ông ở phía tây miếu thờ vua Thục làLưu Bị.
- Nhất thể ㇐體: suốt một lượt, cùng một lần, chung một bậc...
Bài 61
VỊNH HOÀI CỔ TÍCH (KỲ NGŨ) 詠懷古跡(期五)
VŨ HẦU MIẾU 武侯廟
Gia Cát đại danh thuỳ vũ trụ, 諸葛大名垂宇宙,
Tông thần di tượng túc thanh cao. 宗臣遺像肅清高。
Tam phân cát cứ vu trù sách, 三分割據紆籌策,
Vạn cổ vân tiêu nhất vũ mao. 萬古雲霄㇐羽毛。
Bá trọng chi gian kiến Y Lã, 伯仲之間見伊呂,
Chỉ huy nhược định thất Tiêu Tào. 指揮若定失蕭曹。
Vận di Hán tộ chung nan phục, 運移漢祚終難復,
Chí quyết thân tiêm quân vụ lao. 志決身殲軍務勞。
Đỗ Phủ (năm 766) 杜 甫
Dịch nghĩa :
Gia Cát Lượng là tên tuổi lớn bao trùm trời đất! – Người bề tôi trung của dòng họ (Thục Hán) đã để lại hình tượng trang nghiêm và cao khiết. - Chia cắt thiên hạ làm ba nước (thời Tam Quốc) theo sự trù tính và sách lược của mình – Muôn đời như mây trời có thế lực mạnh mẽ, vây cánh lớn lao. (c.1-4) - Nếu xếp thứ tự trên dưới, (ông) ở khoảng giữa để nhìn thấy Y Doãn và Lã Thượng – Việc điều khiển, chỉ huy luôn thuận theo điều đã định liệu, (ông) bỏ xa Tiêu Hà hay Tào Tham – Thời vận nhà Thục Hán rốt cùng khó khôi phục - nhưng với ý chí và quyết tâm, ông vẫn dốc hết sức lực ra làm việc quân. (c.5-8)
Tạm chuyển lục bát:
NGÂM THƠ NHỚ DẤU XƯA (Bài 5)
(MIẾU VŨ HẦU)
Tiếng tăm Gia Cát khắp trời!
Tôi thần để lại vẻ người khiết cao.
Ba phần chia cắt: mưu sâu!
Muôn đời vây cánh vươn cao mây trời.
Lã, Y: xếp giữa nhìn thôi,
Chỉ huy đã định: hơn rồi Tào, Tiêu.
Vận dời, phục Hán khó nhiều!
Việc quân, thân mất, không xiêu chí bền!
Chú thích:
- thùy vũ trụ 垂宇宙: bao trùm trời đất, buông khắp thiên hạ...
- tông thần: người bầy tôi của dòng họ. Đây chỉ việc Gia Cát Lượng hết lòng phò tá nhà Thục Hán từ Lưu Bị cho đến con là Lưu Thiên Con trai và cháu nội cũng hy sinh trong trận chiến với Tào Ngụy.
- di tượng 遺像: tượng hay tranh vẽ để lại về sau của một danh nhân hay một conngười. Chữ “tượng” có nghĩa là tượng được khắc chạm, tô vẽ, cũng có nghĩa là “hình tượng” hay “biểu tượng” mang ý nghĩa dáng vẻ hay cốt cách một con người có thể làm khuôn mẫu cho người đời sau tôn kính....
- vu trù sách 紆籌策: tính toán kế sách hay mưu tính công việc từ trong lòng sâu xa nhiều rối rắm...
- túc 肅: trang nghiêm, cung kính, gấp gáp, mời vào, vô cùng....
- vân tiêu 雲霄: khoảng trời không, mây và sương mù, chỉ chung trời mây hay bầutrời, địa vị cao quý hơn người...
- vũ mao 羽毛: lông chim và lông thú, chỉ kẻ có vây cánh lớn hay thế lực mạnh...
- bá trọng 伯仲: thứ tự anh em sắp xếp trên dưới, quan hệ giữa người và vật...
- gian 間 : khoảng giữa, sự khác biệt, xen lẫn, chen vào giữa...
- Y, Lã: tức Y Doãn 伊尹 và Lã Thượng 呂尚 (tức Lã Vọng 呂望) là hai bậc tôi hiền có công lớn khai mở nhà Chu và nhà Thương trong thời cổ của dân tộc Trung Hoa:
* Y Doãn: theo “Sử ký Tư Mã Thiên” và “Phong thần diễn nghĩa”, Y Doãn là người ẩn sĩ tài đức, Thành Thang đứng đầu một nước chư hầu (một bộ lạc lớn) phải mất 5 lần mới mời được Y Doãn từ vùng Sằn Dã để giới thiệu lên vua Kiệt nhà Hạ.
Vua Kiệt hoang dâm lại tàn bạo không biết quý trọng người hiền tài nên y Doãn lại trở về với Thành Thang. Nhờ kế sách của Y Doãn, xúi vua Kiệt đem quân đánh các bộ lạc và bị sa lầy trong các cuộc chiến chống các bộ lạc không thần phục để rồi bị thua trận mất ngôi ,bị bắt đầy ra Nam Sào. Thành Thang lên ngôi, lập ra nhà Thương (1767 TCN). Theo một số sử liệu, khi Thành Thang qua đời (1761 TCN), Y Doãn là người làm phụ chính giúp đỡ cho 4 ông vua trẻ kế tiếp của nhà Thương....
* Lã Thượng 呂 尚 hay Lã Vọng 呂望 tên là Thượng, tính là Khương 尚, tự là Tử Nha 子牙, sử sách quen gọi là Khương Tử Nha 姜子牙 (1156 - 1017 TCN). Ông nổi tiếng với điển tích trong văn học Trung Hoa với câu chuyện Thái Công đi câu cá 太公釣魚. Khương Tử Nha có tổ tiên Lữ Bá Di (Lữ và Lã đều viết 呂) làm chức Tứ Nhạc có công giúp vua Hạ Vũ trị thủy nên được phong ở đất Lã (thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ). Sau thời nhà Thương, Lã Vọng ở chi thứ lại vào hàng con cháu đã trở thành dân thường nghèo khó chứ không còn trong hàng danh gia vọng tộc. Ở tuổi già, ông thường câu cá bên dòng sông Vị. Thủ lĩnh bộ tộc họ Chu là Tây Bá hầu Cơ Xương đi săn gặp ông đang câu cá ở bờ phía bắc sông Vị cùng nhau trò chuyện đã ngưỡng mộ sự hiểu biết và tài năng của ông. Cơ Xương nhớ lời tổ tiên là Thái Công dặn dò sẽ có người hiền tài ra giúp nhà Chu và cũng ứng với quẻ bói trước khi đi săn nên rước về làm thầy, tôn là Thái Công Vọng 太公望 (nghĩa là người được tổ tiên Thái Công mong đợi). Lã Vọng giúp Cơ Xương chấn chỉnh binh nhung tìm cách đánh đỗ nhà Thương tàn bạo của vua Trụ. Dần dà, bờ cõi nhà Chu mở rộng. Cơ Xương mất, Cơ Phát lên thay (1126 TCN). Năm 1123 TCN, Khương Thượng dẫn quân nhà Chu và quân chư hầu đánh bại quân của Đế Tân tức vua Trụ khiến ông ta phải bỏ trốn và tự thiêu. Người vợ tàn bạo của vua Trụ là Đát Kỷ cũng bị giết. Cơ Phát lên ngôi vua, xưng là Chu Vũ Vương. Khương Tử Nha là công thần hàng đầu nên được phong làm vua nước Tề ở vùng Doanh Châu. Nhưng khi đi đến vùng này nhận đất phong, ông phải đánh bại một thế lực chư hầu khác muốn tranh giành Doanh Châu là Lai Hầu mới chính thức trở thành vua nước Tề, chư hầu của nhà Chu, hiệu là Tề Thái Công....
- nhược định 若定: thuận theo điều gì đã định, không thay đổi việc đã liệu định...
- thất 失: bỏ qua, mất mát, lầm lỗi, sơ hở...
- Tiêu, Tào: tức Tiêu Hà và Tào Tham là hai trong số người tài giỏi đã giúp Hán Lưu Bang làm nên cơ nghiệp nhà Hán:
* Tiêu Hà 蕭何(257-193 TCN): ông cùng với Trương Lương và Hàn Tín có công rất lớn giúp Hán Lưu Bang dựng nên nghiệp đế sau khi đánh tan quân nhà Sở của Hạng Võ. Người đời sau gọi ba ông là Hán sơ Tam kiệt. Họ là ba người đã cùng nhau đi theo cuộc khởi nghĩa của Lưu Bang từ giai đoạn chống nhà Tần cho đến khi thống nhất được Trung Hoa thiết lập nhà Hán của Hán Cao tổ. Xuất thân của Tiêu Hà là làm ngục lại trông coi tù ở huyện Bái (nay thuộc Giang Tô, TH) lên đến chức Chủ lại, còn Tào Tham làm chức Giám ngục. Khi Trương Sở vương Trần Thắng đứng lên khởi nghĩa chống lại sự áp bức và tàn bạo của nhà Tần, quan huyện Bái đã cho mời Tiêu Hà và Tào Tham để bàn bạc. Tiêu Hà là người nhiều mưu kế đã bàn với quan huyện đất Bái nên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng. Tiêu Hà khuyên quan huyện nên triệu tập những nhân sĩ ở đất Bái trong đó có Lưu Bang để họp nhau chống nhà Tần. Tiêu Hà và Tào Tham vốn là bạn của Lưu Bang. Sau này quân khởi nghĩa đã tôn Lưu Bang làm Bái công đứng làm chủ soái cuộc nổi dậy ở đất Bái. Lưu Bang nhờ sự phò tá và giúp đỡ của ba người là Tiêu Hà, Tào Tham và Phàn Khoái đã chiêu tập được ba ngàn người tham gia khởi nghĩa. Về sau, cũng nhờ kế sách của Tiêu Hà và ý kiến của Tào Tham, Lưu Bang sau khi diệt vua Tần là Tử Anh rồi tiến vào Hàm Dương. Nhưng bắt đầu cuộc tranh giành thiên hạ với Sở vương Hạng Võ từ đây. Cũng nhờ Tiêu Hà biết được tài năng cầm quân của Hàn Tín đã đề bạt lên Hán vương Lưu Bang giúp cho Lưu Bang thêm vây cánh để thu phục các nước nhỏ cùng nhau hợp sức đánh Hạng Võ đến thua trận và chết ở Cai Hạ. Hán vương lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Hậu Hán định công các tướng theo giúp mình đứng đầu 18 Liệt hầu là Tiêu Hà. Về sau ông được phong Toán hầu 酇侯.
Khi Hàn Tín bị Lã hậu mưu hại và cũng do sự đố kỵ của Lưu Bang tức Hán Cao tổ ,ông được giao chức Tể tướng giúp vua định liệu các công việc quan yếu, chỉnh đốn và củng cố triều Hán. Lưu Bang mất đi, ông phò tá Hán Huệ đế Lưu Doanh.
Khi ông già yếu, trước khi mất được vua hỏi ý về người có thể thay mình, Tiêu Hà tiến cử Tào Tham đúng ý của Hán đế Lưu Doanh.....
* Tào Tham 曹参 tự là Kính Bá, người huyện Bái cùng là bạn thuở thiếu thời với Tiêu Hà và Lưu Bang (đã được đề cập khái quát trong phần trên nói về Tiêu Hà). Trong thời nhà Tần, Tiêu Hà và Tào Tham đều làm quản ngục ở huyện Bái. Năm 209 TCN, Trần Thắng và Ngô Quảng đã đứng lên chống lại triều đình của Tần Nhị Thế. Ở đất Bái, Tiêu Hà, Tào Tham và Phàn Khoái cũng tham gia và tôn Lưu Bang có dòng họ xa xôi với Thục Hán của Lưu Bị làm Bái công, chủ soái cuộc khởi nghĩa ở huyện Bái. Lúc đầu, Tào Tham đã dẫn quân đánh quân Tần ở vùng Hồ Lăng, Phương Dư phá được quân Tần do Tư Mã Cư, Chương Hàm chỉ huy. Ông cùng quân lính giết được thái thú Tam Xuyên là Lý Do nên được thăng chức Chấp Bạch, hiệu Kiến Thành Quân, chuyển về coi huyện Thích.Năm 208 TCN, Sở Hoài vương lại theo Lưu Bang đem quân vào Quan Trung đánh vùng Khai
Phong, Giang Lý, Thành Vũ phá được quân Tần của Đông quận úy Vương Ly, Dương Hùng và Triệu Bí; bắt sống thái thú, tư mã và ngự sử nhà Tần tại Nam Dương. Sau đó, đưa quân đánh vào tận Hàm Dương dẹp tan nhà Tần. Tào Tham được phong chức Chấp Khuê. Năm 206 TCN, Lưu Bang được Sở vương phong làm Hán vương vì dẹp được nhà Tần nhưng cũng bắt đầu tương tranh, giành giật thiên hạ. Tào Tham được phong chức Kiến Thành Hầu. Khi về Hán Trung, được thăng chức làm Tướng quân .Sau khi bình định nhà Tần bắt đầu xảy ra cuộc tranh chấp quyền lực và lãnh thổ giữa Hán vương Lưu Bang và Sở vương Hạng Võ. Tào Tham theo Lưu Bang đánh các chư hầu theo Hạng Võ là Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Ê. Đồng thời bình định được các vùng Cố Đạo, Hạ Biện, vùng Ung. Năm 205 TCN, Lưu Bang bị Hạng Võ đánh bại ở Bành Thành, cánh quân do Vương Vũ, Trình Xử, Trụ Thiên chỉ huy làm phản theo Hạng Võ đã bị Tào Tham tiêu diệt. Năm 204 TCN, Tào Tham được Hán vương phong chức Giả tả thừa tướng đóng quân ở Quan Trung. Cũng năm đó, Ngụy vương Báo làm phản, ông theo Hàn Tín đánh đuổi phá tan quân Ngụy, bắt sống Ngụy vương Báo và chiếm giữ đất Ngụy. Thừa thắng, quân Hàn Tín và Tào Tham đánh tan quân của tướng quốc nước Triệu là Hạ Duyệt là tay chân của Trần Dư. Hàn Tín dẫn quân tiến sang nước phía đông đánh Triệu. Tào Tham ở lại giữ đất và đánh tan tàn quân của nước Ngụy là Đại Thích ở Ô Thành. Nhờ công lao trước đây và bây giờ đánh tan quân Triệu, Hàn Tín được Lưu Bang phong làm tướng quốc, còn Tào Tham được thăng chức hữu thừa tướng do công lao góp phần cùng Hàn Tín làm tan rã hai mươi vạn quân Triệu. Kết thúc cuộc chiến với nhà Sở ,Tào Tham được phong làm Bình Dương hầu và cử sang nước Tề làm tướng quốc cho Tề vương Lưu Phì giúp nước chư hầu này ổn định. Khi Tể tướng Tiêu Hà sắp mất (năm 193 TCN), Hán Huệ đế đã triệu hồi Tào Tham về để nhận chức Thừa tướng triều Hán với sự đề bạt của Tiêu Hà trước khi mất. Ba năm sau, Tào Tham cũng mất (190 TCN)
- vận di 運移: vận hội, thời vận thay đổi, biến dời...
- thân tiêm 身殲: thân đem hết sức lực ra....
Bài 62
BÁT TRẬN ĐỒ 八陣圖
Công cái tam phân quốc, 功蓋三分國,
Danh thành bát trận đồ. 名成八陣圖。
Giang lưu thạch bất chuyển, 江流石不轉,
Di hận thất thôn Ngô. 遺恨失吞吳。
Đỗ Phủ (năm 766) 杜 甫
Dịch nghĩa:
Công lao (của ông) trùm khắp với (kế sách) chia cắt đất nước làm ba phần – Thành danh nổi tiếng với trận đồ Bát Quái – Dòng sông trôi chảy nhưng viên đá không dời đổi – (Ông )để lại mối hận lòng không chiếm được nước Ngô.
Tạm chuyển lục bát:
BÁT TRẬN ĐỒ
Chia ra ba nước công lênh,
Trận bày tám hướng đã thành tiếng tăm.
Sông trôi, đá chẳng chuyển lăn,
Ngô chưa chiếm được, hận tràn còn đây!
Dịch thơ:
TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI
Công lao chia ba nước,
Tiếng tăm “bát trận đồ”.
Sông trôi đá chẳng chuyển,
Hận còn chưa chiếm Ngô.
Chú thích:
- Bát trận đồ 八陣圖: Theo “Tam Quốc Diễn Nghĩa 三國演義” của La Quán Trung, Bát trận đồ đã được Khổng Minh sắp đặt bên dòng Trường Giang ở bên bờ vùng Tam Hiệp, T.H. dựa trên nguyên lý “Bát Quái” rút từ Kinh Dịch gồm 8 cửa: hưu, sinh, thương, đỗ, ảnh, tử, cảnh, khai. Ba cửa sinh, cảnh và khai là cửa “cát” nghĩa là cửa tốt; năm cửa còn lại là cửa “hung” tiến vào sẽ gặp họa. Khi quân địch tiến vào, thế trận sẽ chuyển hóa không ngừng làm cho kẻ địch hoang mang, không định hướng được ngõ ra an toàn. Nhờ sự biến hóa linh hoạt này, Gia Cát Lượng Khổng Minh đã cầm chân đoàn quân của tướng Lục Tốn nước Ngô đang truy đuổi Lưu Bị...
- trận đồ 陣圖: sắp xếp thế trận để đánh hay bẫy quân địch.
- công cái 功蓋: (cái: bao trùm, che khắp, trùm lên, ô, dù, lọng, đóng dấu lên, hơn hẳn, vượt lên trên...) công lao vượt lên trên, công lênh bao trùm hết...
- tam phân quốc 三分國: chia cắt nước ra làm ba như thế chân vạc, giảm bớt sức mạnh của đối phương hay còn gọi là “tam phân cát cứ“ (xem bài 60 phía trên)
- thất 失: sai lầm, không đạt mục đích, mất, lầm lỡ...
- di hận 遺恨: lòng oán hận để lại đời sau, thù hận còn để lại.....
- thôn 吞: nuốt, chiếm đoạt, diệt mất, ngốn...
(Lần đến: THƠ ĐỖ PHỦ: Bài 63, 64 và 65)
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét