Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Em Hãy An Tâm

 



Vết Thương Thứ Mấy

 



Hồi Tưởng

 


Truyện Ngắn HỒI TƯỞNG 
Nguyễn Đình Phượng Uyển (Con gái văn thi sĩ Nguyễn Đình Toàn)

1/- THUỞ BÉ

Mỗi chủ nhật, anh em tôi thường được bố mẹ chở đi chơi. Chỗ thường ghé nhất là quán kem Givral ở góc đường Tự Do và Lê Lợi. Chúng tôi được chọn món kem hay bánh ngọt mình thích, dù đó là phần mình ăn không hết. Mẹ tôi tiếc của, bảo lựa món nào hai đứa cùng ăn chung được. Thế là anh em cãi nhau loạn xị. Bố tôi chặc lưỡi “Kệ! Cứ để tụi nó lựa riêng đi”. Mẹ tôi thở dài nhưng khỏi nói cũng biết là anh em tôi sướng đến phát rồ. Chủ nhật mà! Nhiều khi chúng tôi còn được bố cho mấy đồng cắc để bỏ vào cái máy trong tiệm cho nó phát ra nhạc nữa. Ăn chán, các cụ dẫn chúng tôi qua công viên bên kia đường chơi , nơi có tượng một người lính mặt mũi đen sì, đầu đội nón sắt, tay cầm súng, dáng như đang tiến công. Hồi đó tôi sợ bức tượng này vì gương mặt rằn ri của người lính và vì nó to quá khổ so với đứa bé năm sáu tuổi như tôi. Bức tượng làm tôi nghĩ đến ông khổng lồ chuyên đi bắt con nít về ăn thịt trong truyện Cậu Bé Tí Hon.

Có khi chúng tôi được đi xem phim chưởng hay phim trẻ con nữa. Đến giờ tóc đã đổi màu, tôi vẫn còn nhớ cảnh Bạch Tuyết nằm chết trong hòm kính trong suốt rắc đầy hoa, xung quanh là Bảy chú lùn khóc tỉ tê hay chiếc áo đầm rực rỡ màu vàng Mặt Trời, lấp lánh màu trắng Mặt Trăng và lung linh màu xanh Biển của Công Chúa Da Lừa… Tôi mơ được gặp các diễn viên đó ngoài đời và mơ mình sẽ có những bộ váy đắt tiền ấy. Tối nằm ôm gối, tôi còn ước được nắm tay các chàng Hoàng Tử khôi ngô tuấn tú trong phim, rồi nhắm tít mắt lại cười rúc rích.

Saigon khi ấy, trước khi vào phim chính, người ta hay chiếu phim thời sự. Vài lần tôi nhìn thấy Bố mình trên màn ảnh trong khúc phim này. Số là ông được lãnh Giải Nhất Văn Học Nghệ thuật Toàn quốc của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nên người ta làm phóng sự. Tôi nhớ Bố tôi mặc complet đen, tóc bôi keo bóng loáng, chải ngược ra sau khoe vầng trán rộng, mắt kiếng gọng sáng, lên bắt tay Tổng Thống. Mấy anh em lao xao “Bố kìa! Bố kìa!” cốt để khoe với người chung quanh nhưng rạp đã tắt đèn, chả ai thèm quay nhìn lũ con nít.

2/- TÁC PHẨM ÔNG ĐOẠT GIẢI “Áo Mơ Phai”, miêu tả chi tiết về quang cảnh Hà Nội. Chi tiết đến từng góc phố, từng con đường, từng mùi hương…

Hà Nội qua ngòi bút của ông đẹp như tranh thế mà Cộng Sản lại BỎ TÙ ông vì tác phẩm này. Giải thưởng từ tay Tổng thống có nghĩa là bố tôi nợ máu với Việt cộng nhiều hơn ai hết thảy.

Lẽ ra họ nên cám ơn bố tôi

- đã viết về cái đẹp ở Hà Nội, trong cả một cuốn sách, hàng trăm trang giấy.

- mà ngay chính họ đã từng ở đến bao nhiêu đời vẫn không ra được cuốn nào.

- Họ gọi ông là nhà văn phản động.

- Họ thù hằn ông chưa đủ, họ thù luôn cả con cái ông.

Bà hiệu trưởng trường tôi, Hồ Thị Bảnh, đôi mắt trợn lộ nhiều tròng trắng, môi đen xì và làn da tai tái, làm tôi, dù bé con, đã liên tưởng đến câu ngạn ngữ “Mắt trắng dã. Môi thâm sì. Da thiết bì”.

Bà búi tóc củ tỏi, bọc trong miếng voan đen có kẹp tăm chặn sau gáy. Tạng bà thấp, chân vòng kiềng làm dáng đi có vẻ khập khiễng. Bà luôn mặc quần đen, loại vải khi đi đứng sẽ cọ vào nhau nghe sột soạt và mấy cái áo Bà Ba màu lạnh, có hai túi trước bụng. Giờ ra chơi hay trước giờ vào lớp, bà thường ngồi chồm hổm trước văn phòng, hai chân dạng rộng, một cánh tay thả lỏng trên một đầu gối, tay kia chống cằm, cùi chỏ đặt trên gối bên kia, lia mắt vào đám học trò. Trông bà ngồ ngộ so với các giáo viên khác vì họ luôn mặc đồ Tây, có cô giáo còn mặc áo dài đi dạy vào thứ hai đầu tuần, dù phải đạp xe hơn chục cây số.

Bà nói với học trò và phụ huynh trong trường rằng chị em tôi thuộc “Thành phần gia đình phản động, không nên quen biết.” Bà còn cài cắm ăng ten trong lớp để rình mò tôi.

Thời đó, đầu năm, trường bán rẻ hay phát cho học trò loại tập vở đen sì. Tập năm trước còn mấy trang chưa viết, tôi xé ra , đóng lại thành cuốn tập mới. Nếu có một quyển tập trắng, tôi kẻ thêm hai ba dòng ngoài lề để viết cho đỡ hao giấy và thường dành nó cho môn học hay thầy cô nào mình thích nhất.

Khi biết bà Hồ Thị Bảnh dạy môn Chính Trị lớp mình, tôi nói bâng quơ với chúng bạn “Tui sẽ dùng cuốn tập đen nhất, xấu nhất để học môn bả.” Vài ngày sau, trong giờ chào cờ, bà nói trước cả trường “ Có em nói không thích học giờ chính trị của tôi, sẽ dùng cuốn tập xấu nhất để viết bài” Tôi run như cầy sấy. Lời bà nói làm tôi giống như kẻ phản động – dám ghét môn chính trị – Tôi sợ bị đuổi học, bạn bè sẽ nghĩ tôi hư đốn, học dở hay phá phách. Tôi sợ bị làm nhục trước cả trường.Cũng may thầy cô giáo bộ môn thường dành cho tôi một mối quan tâm đặc biệt, không rõ vì thấy tôi chăm chỉ hay vì tôi là con của một nhà văn- bị cho là phản động.

Tôi thích đi học và tôi cũng sợ đi học. Trẻ con nào có thể chống đỡ với những đòn thù như thế?

3/- PHẦN THƯỞNG VĂN HỌC của ông có một tấm huy chương hình tròn, mạ vàng ông để lăn lóc trong hộc tủ bàn làm việc. Theo thời gian, lớp mạ vàng tróc hết chỉ còn lộ màu đồng đen xỉn. Có lần bố tôi cầm nó lên bảo “May mà nó bằng đồng nên còn. Nó bằng vàng thật thì mình đã ăn hết từ lâu.” Ý ông là đã bán nó đi kiếm tiền mua thức ăn vào cái thời gạo châu củi quế.

Một lần công an thành phố, quận, xã, đổ mấy xe hơi lính lác đến khám nhà. Chắc họ muốn tìm những bài hát do ông sáng tác để bỏ tù ông.

Thời điểm ấy, bài “Nước mắt cho Sài Gòn” – Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên…. - đã được phổ biến trên đài VOA và BBC dưới tựa đề “Sài Gòn niềm nhớ không tên” – Bài hát được đưa ra nước ngoài, do một người quen biết, ông cụ tập cho hát và bảo anh nhớ nằm lòng vài ngày trước khi anh đi vượt biên. Lời ca, anh nhớ chữ được chữ mất. Nhạc, nhiều chỗ không đúng. Còn cái tựa, anh quên mất tiêu nên nó được biết đến với một cái tên khác. Mấy bài mới, ông viết ra giấy. Khi nào thuộc thì đốt đi. Không rõ lần đó họ có lục được bài nhạc nào của ông không nhưng họ có chở đi nhiều thùng sách vở, giấy tờ.

Vào thời điểm này, Hội Văn Bút Quốc Tế thỉnh thoảng có gửi mấy thùng thuốc tây cho nhà tôi và một số văn nghệ sĩ khác để cứu đói. Khi ra bưu điện lãnh hàng, mẹ tôi và các bác thường chào hỏi nhau.

Đã không còn đường sống, có người cho mình cái ăn, Việt Cộng cũng không bằng lòng. Họ lùng sục xem bố tôi làm gì? Quen biết ai ? Mấy tấm hình khách khứa đến chơi nhà bị họ lấy hết. Họ bơi móc từng cuốn sách , từng khe giường. Hộc tủ riêng của tôi để mấy cuốn nhật ký, viết lăng nhăng tình cảm thuở mới lớn mà tôi rất sợ người nhà đọc được, họ cũng chọc mắt vào, trước mặt tôi. Tôi vừa xấu hổ vừa tức giận khi cái góc riêng tư nhất của mình bị xâm phạm, vừa hãi hùng nhìn cảnh nhà “Ào ào như sôi”. Họ lấy mất tấm huy chương của ông trong lần khám nhà đó. Cụ tôi vốn đã gầy còm, nhìn ông lọt thỏm trong đám công an, an ninh với súng ống, biên bản, tra khảo mà thương.

Chúng không bắt ông nhưng các bác nhà văn bạn ông bị bắt rất nhiều trong cái ngày định mệnh ấy. Người lạ tránh xa gia đình tôi vì sợ liên lụy. Người quen truyền tai nhau, rằng bố tôi bắt tay với Việt cộng nên tránh được họa ở tù.

Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, cả nhà căng mắt chờ một cuộc càn quét kế tiếp. Một tiếng xe chạy từ xa cũng làm mọi người nghe ngóng xem nó có đỗ xịch trước nhà mình không. Những tiếng nói lao xao của người qua đường cũng làm mình sợ đứng tim. Trời về đêm càng căng thẳng hơn khi nghe tiếng chó sủa. Gia đình sống trong tâm trạng sớm muộn gì họ cũng đến lần nữa.

4/-BỐ MẸ TÔI ĐI ĐỊNH CƯ Ở MỸ

Một chàng Việt kiều trẻ về nước, ra Bắc chơi, vô chợ lạc xoong mua đồ cổ. Anh nhìn thấy một mảnh đồng tròn có khắc chữ “ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu – VNCH”. Tò mò giở lên xem, anh đọc được hàng chữ “ Giải Nhất Văn Học Nghệ thuật– Ông Nguyễn Đình Toàn” Thế là anh mua về chơi rồi post lên mạng hình ảnh món đồ cùng câu chuyện vì sao anh có nó trong tay.

Trời xui đất khiến thế nào, Bố tôi đọc được mấy dòng chữ ấy. Ông tự giới thiệu và xin được chuộc lại tấm huy chương. Anh đến nhà, trò chuyện rồi gửi tặng lại ông cụ món đồ anh vớ được trong mớ lạc xoong rồi nói: ‘” Coi như cháu trao giải thưởng cho bác lần thứ hai.’”

Ly kỳ! Một vật đã mất đi cả hai ba chục năm, lưu lạc từ trong Nam ra ngoài Bắc, vượt trùng dương đến tận Hợp chủng quốc Hoa kỳ để rơi trở lại chính tay chủ nhân của nó. “Của Caesar, trả lại cho Caesar.”

Buồn, vì họ đã đối xử với một nhà văn và tác phẩm của ông như đống ve chai dép mủ.

Khi đã lớn và đi làm, tôi gặp lại bà hiệu trưởng thù hằn tôi năm xưa ngoài chợ. Vẫn “Mắt trắng dã. Môi thâm sì. Da thiết bì.” với búi tóc củ tỏi có cài kẹp tăm sau gáy. Chả biết bà có thấy xấu hổ với tôi, đứa con nít bà rắp tâm hãm hại? Nó vẫn còn sống và sống rất đàng hoàng, sạch sẽ.

Các ông chủ và các đồng chí của bà sau này đã đến tận cái “Gia đình phản động” bà miệt thị khi xưa, không phải một lần mà là ba lần để xin ông cho in lại tác phẩm. Cả ba lần đều bị ông từ chối. Ông bảo: Các anh bắt tôi còn được, huống hồ gì in sách của tôi, nhưng đã xin phép thì tôi không cho. Bằng không, ghi rõ ngoài đầu trang “Tác giả đã bị bỏ tù vì cuốn sách này.”

Lần mới nhất, năm 2016, người của nhà sách Phương Nam đến tư gia của ông bên Mỹ, lập lại lời yêu cầu. Ông bảo “Nếu muốn, các anh phải công khai xin lỗi tôi”. Ông chả lạ gì họ. Lúc cần thì năn nỉ ỉ ôi. Dăm ba bữa lại trở mặt cấm in hay lại thóa mạ ông.

Họ nói tại ngày xưa, cấp dưới làm sai chứ họ không chủ trương như thế, sao ông cứ làm khó làm dễ họ. Ha! Hóa ra bà Bảnh hiệu trưởng đã cố ý làm sai chủ trương của xếp bà.

Giả dụ như giờ đây, tôi thấy bà bị chiên trong chảo dầu sôi dưới bảy tầng Địa ngục tôi có thích không?

- Không, tôi thấy sợ.

Giả dụ như tôi thấy con cháu bà thất học, bưng rổ bánh mì đi rảo bán ngoài đường như anh chị em tôi ngày xưa tôi có thỏa mãn không?

- Không, tôi thấy tội.

Chuyện người lớn sao bắt con nít gánh chịu?

Vả lại, “Lấy oán báo oán….” để làm gì?

Hiện, tôi đi dạy Việt ngữ thiện nguyện đã hơn chục năm. Con cái người miền Bắc hay người miền Nam đều được tôi quan tâm như nhau. “Trẻ em như búp trên cành”, chúng sợ từ con sâu cái kiến, nỡ nào để chúng hứng chịu mưa bão, như mình ngày xưa.

- Đất ngọt, cây sẽ sai hoa, trĩu quả.

Đất chua, hoa chột, trái còi.

Nếu phải thù ghét Việt cộng, tôi nghĩ tôi có đủ tư cách để thù ghét họ hơn ai hết thảy

- nhưng tôi không chọn điều ấy.

Chuyện qua rồi. Thù hằn chỉ làm chính mình nhớ lại và khổ sở, quằn quại.

- Khổ thế chưa đủ sao?

Quằn quại thế chưa đủ sao?

Phải sống đến nửa đời người, tôi mới biết cách giúp cho tâm mình thanh thản bằng việc

- bỏ qua
- quên đi
- và tiến về phía trước.

Cảm nhận đầy đủ và quý hóa những gì mình đang có trong tay, cho nó nhẹ nhàng và ít đau bệnh.

Thế thôi!

NGUYỄN ĐÌNH PHƯỢNG UYỂN
From: Helen Hương Nguyễn
CategoriesTRUYêN NGẮN

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2023

Văn Thi Sĩ Nguyễn Đình Toàn


Văn Thi Sĩ Nguyễn Đình Toàn 

Văn Thi Sĩ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN 
Sưu tầm

Nguyễn Đình Toàn có bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân nhưng thành danh với tên thật và cũng là bút hiệu chính thức sau này, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại huyện Gia Lâm, bên bờ sông Hồng, ngoại thành Hà Nội. Ông di cư vào Nam 1954, bắt đầu viết văn, làm thơ, viết kịch, viết nhạc, cộng tác với các tạp chí Văn, Văn học. Trong nhiều năm, ông phụ giúp Trần Phong Giao tuyển chọn thơ và truyện cho báo Văn. Sau đó ông làm biên tập viên Đài phát thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc chủ đề trong những năm 1970.   Sau 1975, ông bị bắt hai lần và đi tù cải tạo một thời gian gần sáu năm. Ông và vợ, bà Thu Hồng, sang Mỹ định cư từ cuối năm 1998. Ông hiện đã nghỉ hưu và cùng gia đình sống tại Nam California.

Tình khúc thứ nhất

Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin những ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời

Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến

Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế

Đây là lời của Nguyễn Đình Toàn viết cho bản nhạc cùng tên của nhạc sĩ Vũ Thành An năm 1965 khi cả hai người cùng làm trong Đài phát thanh Sài Gòn.

Nguyễn Hoàng chia sẻ

Xin mời quý vị thưởng thức "Tình Khúc Thứ Nhất"



Vết Thương Thứ Ba

 


Vết Thương Thứ Hai

 


Đoạn Kết Một Cuộc Tình

 



Phân Ưu Bà Huỳnh Thị Thu Cúc

 







Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

Thơ Lý Bạch Bài 75, 76, 77

 


BBT: NHHN nhận được thơ LÝ BẠCH- Bài 75, 76, 77 của thầy Dương Anh Sơn đã lâu, nhưng vì lý do kỹ thuật nên mãi hôm nay mới đăng được.

Thành thật xin lỗi thầy Dương Anh Sơn, quý Thầy Cô, Đồng Môn và Thân Hữu.

Xin chân thành cám ơn.

Trân trọng 
NHHN 

THƠ LÝ BẠCH

BÀI 75

CỔ PHONG KỲ TỨ THẬP TỨ                                               古風 期四十四

Lục la phân uy nhuy,                                                                  綠蘿紛葳蕤,
Liễu nhiễu tùng bách chi.                                                           繚繞松柏枝。
Thảo mộc hữu sở thác,                                                               草木有所托,
Tuế hàn thượng bất di.                                                               歲寒尚不移。
Nại hà yêu đào sắc,                                                                    奈何夭桃色,
Tọa thán phong phỉ thi.                                                              坐嘆葑菲詩。
Ngọc nhan diễm hồng thái,                                                        玉顏艷紅彩,
Vân phát phi tố ti.                                                                       雲髮非素絲。
Quân tử ân dĩ tất,                                                                        君子恩已畢,
10 Tiện thiếp tương hà vi.                                                          賤妾將何為。
Lý Bạch                                                                                     李白

Dịch nghĩa:

Cổ phong bài thứ bốn mươi tư.

Dây leo màu xanh thắm của cây uy nhuy tranh giành sự tươi tốt, - quấn vòng quanh cành tùng, nhành bách. - Cỏ cây có chỗ để nương nhờ, - Tháng năm lạnh lùng (trôi đi) vẫn không làm thay đổi! (c.1-4). Làm thế nào mà hoa đào lại mơn mởn xinh tươi như thế!? - Ngồi nâng rau phong, rau phỉ lên mà than thở: - Vẻ mặt ngọc ngà tươi đẹp hồng hào rực rỡ - với làn (tóc) mây bày lộ ra không phải là những sợi tơ trắng nõn! (c.5-8). - Ơn nghĩa của chàng (quân tử) đã xong hết cả rồi, - làm sao tiện thiếp nghỉ ngơi được?! (c.9-10)

Tạm chuyển lục bát:

CỔ PHONG BÀI THỨ BỐN MƯƠI TƯ.

Dây leo lấn cỏ tốt tươi,
Quấn cành tùng bách, rối bời buộc vây!
Nương nhờ có chỗ: cỏ cây!
Lạnh lùng năm tháng chẳng thay đổi nào!
Làm sao mơn mởn hoa đào?
Nâng rau phong phỉ dạt dào ngồi than:
Ngọc xinh hồng sáng dung nhan!
Tóc không tơ nõn phô làn mây trôi.
Ơn người quân tử xong xuôi,
Làm sao tiện thiếp nghỉ ngơi được nào!

Chú thích:

- la 蘿: một loài dây leo, một loại nấm, củ cải, dây bò trên cây, trên cỏ.....
- phân 紛: tranh giành, rối rắm, nhiễu loạn, phân hóa, tá lả, lộn xộn, ngổn ngang.....
- uy nhuy 葳蕤: dáng cây tươi tốt, còn gọi là cây ngọc trúc dùng làm
thuốc, hoa uy nhuy bên Trung Hoa....
- liễu nhiễu 葳蕤: cây bị cuốn vòng quanh, bao quanh, buộc, cuốn
lại, viền vải, sắp đặt......
- tuế hàn 歲寒: thời gian năm tháng lạnh lùng trôi đi, năm tháng lạnh
lẽo.....
- thượng bất di 尚不移: vẫn chưa, mà còn không thay đổi....
- yêu 夭: mơn mởn, xinh xắn, tươi đẹp, tươi tốt, tai họa, đào tơ mơn
mởn...
- phong phỉ 葑菲: rau phong, rau phỉ người dân quê thường hái để nấu ăn . Kinh Thi của Trung Hoa xưa có câu :Thái phong thái phỉ 采葑彩菲 (hái rau phong rau phỉ) ý nói mình chỉ là người quê mùa mộc mạc, chơn chất... Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du có câu: " Ngần ngừ nàng mới thưa rằng, thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong" (Truyện Kiều -c. 332). Băng tuyết nghĩa là nước đóng băng và tuyết sạch chỉ sự trong sạch, thanh đạm, giản dị cũng giống như hằng bao thứ rau phong, rau phỉ....
- thi 詩: thơ ca, thơ có vần, nâng lên, cầm lấy....
- diễm hồng thái 艷紅彩: vừa xinh đẹp lại hồng hào rạng rỡ...
- vân phát 雲 髮: có nghĩa là làn tóc mây của người phụ nữ...
- quân tử 君子: khái niệm về mẫu người có đức hạnh, biết cách cư xử sao cho phải đạo làm người (như biết sống theo ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí ,tín ) của nhà Nho xưa kia....; cũng có nghĩa là trượng phu, người bề trên luôn hành xử bao dung, rộng lượng. Ví dụ: ĐTTT (Truyện Kiều): "Tấm thân ngọc trắng gương trong, là nhờ quân tử khác lòng người ta" (c.3181,3182).
- tiện thiếp 賤妾: cách xưng hô khiêm nhường của người phụ nữ Trung Hoa xưa với chồng hay người bề trên...
- tương 將: sắp đến, sẽ, nghỉ ngơi, vừa mới, gần đây, tiễn đưa....
- hà vi 何為: sao làm như thế...

BÀI 76

CỔ PHONG KỲ TỨ THẬP LỤC                                              古風期四十六

Nhất bách tứ thập niên,                                                              一百四十年,
Quốc dung hà hách nhiên.                                                          國容何赫然。
Ẩn ẩn ngũ phượng lâu,                                                               隱隱五鳳樓,
Nga nga hoành tam xuyên.                                                         峨峨橫三川。
Vương hầu tượng tinh nguyệt,                                                   王侯象星月,
Tân khách như vân yên.                                                             賓客如雲煙。
Đấu kê kim cung lí,                                                                    鬥雞金宮裡,
Xúc cúc dao thai biên.                                                                蹴鞠瑤臺邊。
Cử động diêu bạch nhật,                                                            舉動搖白日,
Chỉ huy hồi thanh thiên.                                                            指揮回青天。
Đương đồ hà hấp hốt,                                                                 當涂何翕忽,
Thất lộ trường khí quyên.                                                          失路長棄捐.
Độc dựu dương chấp kích,                                                         獨有揚執戟,
14 Bế quan thảo Thái Huyền.                                                    閉關草太玄.
Lý Bạch                                                                                     李白

Dịch nghĩa:

Cổ phong bài thứ bốn mươi sáu.

Một trăm bốn mươi năm - bộ mặt của đất nước lẫy lừng, rực rỡ! - Tiếng ồn ào nơi năm lầu phượng - với dáng cao lớn nằm trải ngang ba con sông (c.1-4). Các vị vương hầu dáng vẻ như các vì sao, như vầng trăng!! - Những người khách đến nhà đẹp đẽ như khói mây. - Trường chọi gà nằm trong cung điện vàng ; trò chơi đá cầu nằm gần bên các lầu đài sang quý! (c.5-8). Đương lúc ban ngày, những động tác của việc chơi gây náo động. - Người điều khiển ngoảnh đầu lại với bầu trờixanh. - Người nắm quyền sao lại lơ là chểnh mảng (chỉ ham vui), hợp nhau khi chơi các trò chơi - làm mất đi đường lối, bỏ mặc chuyện làm những việc nghĩa lâu dài... (c.9-12) - Riêng mình vươn lên chọn việc đã chỉ ra: - đóng cửa lại để soạn thảo sách Thái Huyền thôi! (c.13-14).

Tạm chuyển lục bát:

CỔ PHONG BÀI THỨ BỐN MƯƠI SÁU.

Một trăm bốn chục năm ròng,
Rạng ngời đất nước hình dong lẫy lừng!
Năm lầu phượng đẹp tưng bừng,
Trải ngang sông chảy ba dòng núi cao!
Vương hầu dáng dấp trăng sao!!
Đẹp vời khách khứa giống nào khói mây!
Cung vàng gà đấu trong này,
Đá cầu sang quý ngay bên lầu đài.
Ồn ào, quấy động ban ngày,
Trời xanh ngoảnh lại, chỉ tay sai người!
Hợp nhau sao nhãng việc đời,
Bỏ đi việc nghĩa, mất toi đường dài!
Vươn lên riêng chỉ chọn bày,
"Thái Huyền" soạn sách then cài cửa thôi!

Chú thích:

- câu 1: “Nhất bách tứ thập niên": nhà Hán bên Trung Hoa thành lập do Hán Cao tổ 漢高祖 (202-195 TCN) hay còn gọi là Tây Hán lấy Trường An làm kinh đô, trải qua nhiều đời vua Hán cho đến khi bị Vương Mãng 王莽 tiếm ngôi lập nên nhà Tân 新朝 rồi bị Hán Quang Vũ đế niên hiệu Thế Tổ 世祖 tự là Quang Vũ hoàng đế (光武皇帝) (25-57 SCN) dẹp tan lập nên gọi là nhà Đông Hán đóng đô ở Lạc Dương trước sau là 140 năm. Đây là những thời kỳ được xem như huy hoàng ,thịnh vượng và là niềm tự hào cho người T.H khi xưng là người nhà Hán!
- quốc dung 國容: dung mạo, bề mặt một nước.
- hách nhiên 赫然: hiển hách, lừng lẫy, vang dội, rực rỡ, chói lọi, thịnh nộ, giận dữ...
- ẩn ẩn 隱隱: thịnh vượng, ồn ào, tưng bừng, náo nhiệt, nhiều, vẻ lo lắng không yên....

- nga nga 峨峨: dáng cao lớn, mạnh mẽ, tráng kiện, cao to nổi bật...
- tượng tinh nguyệt 象星月: dáng dấp, hình tượng oai nghiêm đẹp đẽ
như trăng sao...
- như vân yên 象星月: vân yên: mây khói chỉ sự đẹp đẽ lãng mạn hay cảnh đẹp thiên nhiên cũng như nơi ở của các ẩn sĩ. Đây nói đến các khách ra vào lầu đài mang vẻ đẹp đẽ, sang trọng...
- đấu kê 指揮: trò chọi gà, dùng gà đấu đá nhau để ăn tiền và mua vui. Bên T.H, thời Hán cũng như các thời đại về sau rất say mê trò chọi gà và đá cầu.Thời nhà Trần nước ta cách hơn ngàn năm sau đã chịu ảnh hưởng và ưa chuộng các trò chơi này nên Trần Hưng Đạo thời chốngquân xâm lược Nguyên Mông đã viết trong Hịch Tướng Sĩ ... “Hoặc đấu kê dĩ vi lạc” 或鬥雞以 為樂" (Dụ chư bì tướng hịch văn 諭諸裨將檄文) Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui. (Trần Quốc Tuấn 陳國峻).
- xúc cúc 蹴鞠: trò chơi đá bóng ngày xưa bên T.H. quả bóng hay quả
cầu thường làm bằng tre đan hay bện rơm (cúc). Còn "xúc" là đá, đuổi theo, lật bóng, bước rảo theo....
- dao thai 瑤臺: lầu đài có cẩn ngọc dao. Chỉ sự xa hoa, sang quý của
chốn ăn chơi các quý tộc thời các vua Hán.
- diêu 搖: quấy nhiễu, náo động, lay động, vẫy tay...
- chỉ huy 指揮: ra lệnh, sai khiến người dưới quyền, điều khiển, ra chỉ
thị...
- đương đồ 當涂: cầm nắm quyền hành trong nước hay trong phần việc của mình ,đứng giữa đường...
- hấp 翕: kéo nhau, hợp nhau vì cùng chuộng một loại hình nào đó..., tương xứng, đưa đẩy, dẫn kéo...
- hốt 忽: bỗng nhiên, bất chợt, lơ là, chểnh mảng, coi thường, quên
khuấy...
- thất lộ 失路: mất đi địa vị, đường lối cai trị, bỏ đi con đường...
- khí quyên 棄捐: bỏ quên, bỏ mặc chuyện làm việc nghĩa, vứt bỏ việc quyên góp làm việc thiện...
- dựu 有: âm của hữu là dựu có nghĩa là: lại, thêm.
- dương 揚: phô bày, khoe khoang, dơ lên, bày ra, khen ngợi, bay cao....
- chấp 執: kén chọn, cầm giữ, thi hành, bằng chứng...
- kích 戟: vũ khí ngày xưa có hình chĩa ba; chỉ trỏ vào một cái gì đó cụ thể cũng gọi là kích...
- Thái huyền 太玄: lẽ sâu xa, huyền bí của trời đất. Người viết sách có tên”Thái Huyền kinh” dựa trên Kinh Dịch là Dương Hùng. Dương
Hùng 揚雄 (53-18 SCN), tự Tử-vân 子 雲, là người Thành-đô, Thục-
quận, thời Tây-Hán. Theo “Gia-điệp”, ông sinh năm Cam Lộ nguyên
niên và mất vào Thiên Phụng ngũ niên. Thời Hán Thành đế, ông làm
chức Lang, cấp “Sự Hoàng môn”. Thời Vương Mãng, nhà Tân, ông giữ chức Đại trung Đại phu, Hiệu thư Thiên lộc các. Ông để thời giờ soạn thảo Thái Huyền Kinh 經 太玄”, mô phỏng Kinh Dịch để đề cao “Thái-Huyền”cao-thâm và huyền diệu .Nắm rõ Thái Huyền là nắm rõ sự biến hoá vạn sự, vạn vật trong vũ trụ và thế-giới loài người (nhiên giới vànhân giới). Thực tế, ông cũng chỉ làm công việc diễn giảng Kinh Dịch mà Lão Tử trong Đạo Đức Kinh đã thấu hiểu những nguyên lý sâu xa bên trong từ trước rồi .Ở đây Lý Bạch, một người rất chuộng sự khoáng đạt, gần gũi với thiên nhiên và cũng rất am tường Lão học vẫn mong muốn tìm hiểu sâu hơn ,thấu đáo hơn huyền nghĩa của vũ trụ, của con người... Sống với đạo và học đạo là hai vị trí còn cách biệt trừ khi sự hiểu biết và sự thực hành trong cuộc đời luôn cần đi đôi với nhau như tư tưởng "Tri hành hợp nhất"của Vương Dương Minh 王陽明 (1472-1528)...

BÀI 77

CỔ PHONG KỲ TỨ THẬP BÁT                                              古風期四十八

Tần hoàng án bảo kiếm,                                                             秦皇按寶劍,
Hách nộ chấn uy thần.                                                                赫怒震威神。
Trục nhật tuần hải hữu,                                                              逐日巡海右,
Khu thạch giá thương tân.                                                          驅石駕滄。
Chinh tốt không cửu ngụ,                                                          征卒空九寓,
Tác kiều thương vạn nhân.                                                         作橋傷萬人。
Đãn cầu Bồng Đảo dược,                                                           但求蓬島藥,
Khởi tư nông hỗ xuân.                                                               豈思農扈春。
Lực tận công bất thiệm,                                                             力盡功不贍,
Thiên tái vi bi tân.                                                                      千載為悲辛。
Lý Bạch                                                                                     李白

Dịch nghĩa:

Cổ phong bài thứ bốn mươi tám.

Vua nước Tần vỗ gươm quý, - mặt đỏ bừng nổi giận đùng đùng với bộ dạng oai phong vô cùng! - Lần lượt nhiều ngày,ông ta đi xem xét, tuần tra trên các vùng biển, - rong ruổi thúc ngựa với chiếc xe lớn ở bờ biển rộng. (c.1-4) - Rất nhiều người lính đi xa phần lớn không có chỗ để ở. - Ôngta cho làm cầu đã tổn hại muôn người! - Ông ta chỉ mong cầu xin thuốc tiên của cõi Bồng Lai - chứ đâu dám suy nghĩ việc trồng trọt sao cho mùa xuân tươi tốt. (c.5-8). – Công sức đã cạn nhưng kết quả chẳng là bao, - khiến cho ngàn năm phải chịu đau thương, cay đắng. (c.9-10).

Tạm chuyển lục bát:

CỔ PHONG BÀI THỨ BỐN MƯƠI TÁM.

Vỗ thanh kiếm quí: vua Tần,
Mặt bừng đỏ giận oai phong vô cùng!
Ngày ngày trên biển đi tuần,
Ven bờ thúc ngựa ruổi rong tơi bời.
Đi xa, lính chẳng chỗ ngơi!
Làm cầu tổn hại muôn người đớn đau.
Thuốc nơi Bồng Đảo tìm cầu,
Trồng cho xuân đẹp há đâu nghĩ nào!
Ra chi sức cạn chẳng sao!
Khiến cho cay đắng thương đau ngàn đời!

Chú thích:

- Tần Hoàng 秦皇: tức Tần Thủy Hoàng 秦始皇 (259 - 210 TCN), tên thật là Doanh Chính 嬴政, còn có tên khác là Triệu Chính 趙政, là vị vua thứ 36 của nước Tần ở Trung Quốc từ năm 246 đến 221 TCN trong thời kỳ Chiến Quốc mà các vua đều xưngvương. Ông trở thành người xưng danh hoàng đế sáng lập ra nhà Tần trong thời kỳ mới sau khi thống nhất Trung Hoa vào năm 221 TCN sau thời Chiến Quốc khi tiêu diệt các nước chư hầu khác. Ông cai trị cho đến khi qua đời vào năm 210 TCN ở tuổi 49.Đây là một trong những ông vua được xem là bạo tàn nhất trong các triều đại Trung Hoa. Tần Thủy Hoàng theo kế sách "đốt sách, chôn Nho" và xây Vạn Lý Trường Thành từ Tây sang Đông ngăn sự quấy phá của quân Hung Nô của thừa tướng Lý Tư gây ra biết bao nỗi uất hận và đau thương cho dân chúng .Mặt trái của triều đại Tần Doanh Chính là để lại nhiều di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng như các di vật từ lăng mộ của Tần Doanh Chính cho đến Vạn Lý Trường Thành giờ được xem là những di sản văn hóa quan trọng của các nền văn minh thế giới. Đó là thành quả của công sức, mồ hôi hòa nước mắt và máu của biết bao người dân tương tự như Kim Tự Tháp của Ai Cập. v.v...
- hách nộ 赫怒: mặt đỏ bừng trong cơn giận dữ, thịnh nộ: nổi giận đùng đùng...
- chấn uy thần 震威神: oai quyền gây ra sự sợ hãi đáng sợ không phải tầm thường, quyền uy vô cùng...
- trục 逐: dần dà, lần lượt, bị đuổi đi, ruy đuổi, đuổi theo, cùng theo....
- hải hữu 海右: trên biển (hữu: bên phải, che chở, phương tây, bên
trên...)
- khu thạch giá 驅石駕: ruổi ngựa, thúc ngựa trên chiếc xe đóng ngựa cao to (khu: có bộ mã, chỉ sự rong ruổi, thúc dục cho ngựa chạy nhanh, chỉ huy, sai khiến, xua đuổi, lùa đi...; giá: đóng ngựa, trâu, bò vào xe , cầm lái, xe cộ, hầu vua...; thạch: đá cứng, to lớn, cứng cõi, vững vàng...)
- không cửu ngụ 空九寓: phần lớn không có nơi để ở hay nghỉ ngơi... ( cửu 九: số 9, đa số, phần nhiều, nhiều lần, phần lớn...)
- đãn cầu 但求: chỉ mong cầu, chỉ tìm kiếm...
- Bồng Đảo dược 蓬島藥: tức “Bồng Lai Đảo” 蓬萊島, một trong ba đảo ở biển Bột Hải 渤海 (đông bắc Trung Hoa ), theo truyền thuyết Trung Hoa là nơi có tiên ở cũng như nhiều loại thuốc quý giúp các thần tiên sống trường sinh .Tần Thủy Hoàng ham sống trên uy quyền lại có những tay đạo sĩ bày vẽ nên cho người ra Bột Hải tìm đảo Bồng Lai để mong có thần dược sống trường thọ đã gây ra nhiều hao phí và làm khổ binh lính đi tìm loại thuốc mơ hồ này....
- hỗ xuân 扈春: hỗ : loài chim báo hiệu bắt đầu mùa làm ruộng hay
trồng dâu. Đây chỉ việc trồng trọt vào mùa xuân cho cây cối tươi tốt.
- thiệm 贍: đầy đủ, dồi dào, nhiều, sung túc, cung cấp đầy đủ....
- vi 為: khiến cho, làm, trở thành, lập ra, rất là, đối với, là, mà...

(Lần đến, Thơ Lý Bạch: bài 78, 79 và 80)

Dương Anh Sơn 

Nắng Xuân

 


Con Tim Hóa Đá

 



Nhịp Cầu

 




Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Hai Tên Đồ Tể

 


BBT: NHHN nhận được bài Tạp Ghi HAI TÊN ĐỒ TỂ của nhà văn Điệp Mỹ Linh đã lâu, nhưng vì lý do kỹ thuật, hôm nay mới đăng được.

Thành thật xin lỗi Tác Giả Điệp Mỹ Linh, quý Thầy Cô, Đồng Môn và Thân Hữu.

Xin chân thành cám ơn

Trân trọng 
NHHN 

Tạp Ghi - HAI TÊN ĐỒ TỂ
Điệp Mỹ Linh

Tôi thấy Newsweek trên internet bài viết với tựa đề “Putin Can Still Visit These Major Countries After ICC Arrest Warrant” by Brendan Cole, lúc 9:03AM EDT Mar/18/23.

Tò mò, tôi đọc tiếp: “The International Criminal Court's (ICC) decision to issue an arrest warrant for Vladimir Putin  theoretically isolates the Russian president from two-thirds of the world, but it still leaves a significant number of countries that he can visit.”

“The arrest warrants for Putin, and Russia's commissioner for children's rights, Maria Alekseyevna Lvova-Belova, were linked to the forced deportation of children during the war from Ukraine to Russia, where many have been adopted by Russian families...”

Đọc đến đây, tôi buồn quá và tự hỏi: Nếu thập niên 50/60 và đầu 70 của thế kỳ 20, phương tiện truyền thông thế giới cũng tối tân và được phổ biến rộng rãi khắp nơi như ngày nay thì ông Hồ Chí Minh đã bị thế giới lên án nặng nề – như bây giờ ông Putin đang bị – thì mấy triệu người Việt Nam, cả Nam lẫn Bắc, đâu phải chết thảm trong cuộc chiến tàn ác/khốc liệt/dai dẳng do ông Hồ Chí Minh khởi động và chủ xướng theo lệnh của Trung cộng để cộng sản Việt Nam (csVN) được Trung cộng yểm trợ vũ khí cho mục đích cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, qua chiêu bài chống Tây/chống Mỹ!!

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine cũng dữ dội vô cùng. Trẻ em từ Ukraine bị đưa sang Nga để người Nga nhận làm con nuôi! Còn trẻ em Việt Nam trong hai cuộc chiến csVN chống Tây và chống Mỹ thì sao?

Chỉ có Trời mới xác định được bao nhiêu trẻ em chăn trâu/chăn bò đã bị csVN bắt gia nhập “bộ đội ông Hồ”. Lúc internet vừa mới ra đời, csVN đã có hình và ghi rõ tên họ các em bé đó ôm súng, trong danh sách dài mà csVN gọi là “đồng chí nhí”.

Điệp Mỹ Linh đã lên án gắc gao về hành động vô nhân đạo của csVN đã tận dụng trẻ em trong cuộc chiến. ĐML cũng chế nhạo danh từ kép “đồng chí nhí”. Nay, csVN đã đổi thành đồng chí “anh hùng dân tộc nhỏ tuổi”; và danh sách “anh hủng dân tộc nhỏ tuổi” cũng bị cắt ngắn rất nhiều; hình ảnh “đồng chí nhí cầm súng” cũng bị csVN lấy khỏi Google. Vì thế, tôi chỉ tìm được một số tên tuổi của các em vị thành niên bị đã csVN chiêu dụ, đưa vào chỗ chết, như:

-.* Kim Đồng, tên thật là Nông văn Dền, tử trận lúc 14 tuổi.
-.* Vừ A Dính, 13 tuổi.
-.* Dương văn Nội, tử trận lúc 15 tuổi.
-.* Kơ-Pa Kơ-Lơng, 13 tuổi.
-.* Hồ văn Mên, 13 tuổi.
-.* Võ thị Sáu, 12 tuổi.
-.* Nguyễn bá Ngọc, học sinh lớp 4B, v.v...

Link: http://c1baokhetp.hungyen.edu.vn/tin-tuc-su-kien/guong-mot-so-anh-hung-dan-toc-nho-tuoi-cua-nuoc-viet-nam-ta.html

Độc giả có thể nhớ được nhiểu chi tiết trong vài bài trước mà tôi phải lập lại trong bài này; chỉ với mục đích để các thế hệ trẻ Việt Nam được hiểu rõ rằng: Pháp đô hộ Việt Nam, nhưng người Việt chịu ơn hai người Pháp rất nhiều.

Người ơn thứ nhất là ông Alexandre de Rhodes, người đã có công sáng tạo ra chữ quốc ngữ để người Việt khỏi phải lệ thuộc vào chữ Hán của Trung Hoa. Sau khi trả độc lập cho Việt Nam, người Pháp cũng đã để lại nhiều ngôi trường vang danh cho đến ngày nay.

Người ơn thứ hai là nhà bác học Alexandre J. E. Yersin, người đã tìm ra sông Đồng Nai và biến vùng núi hoang sơ thành thị xã Dalat cùng với nhiều khám phá về y tế/khoa học.

Pháp/Mỹ đô hộ Việt Nam mà người Việt mang ơn hai người Pháp; vì có chữ viết riêng, tìm được tài nguyên mới và được tiếp xúc với nền văn minh Tây Phương. Trung Hoa đô hộ Việt Nam thì “đưa” không biết bao nhiêu thế hệ phụ nữ Việt Nam vào vòng khổ lụy vì những phát ngôn đầy thiên vị của ông Khổng/ông Mạnh/ông Trang/ông Lão, v.v... Và csVN, sau khi cưỡng chiếm được miền Nam thì không biết bao nhiêu nhà tù “mọc” lên khắp đất nước để giam cầm tất cả tinh hoa của miền Nam; không biết bao nhiêu khu vực trong núi rừng trở thành vùng kinh tế mới để vợ con/Cha Mẹ/anh em của những người bị csVN cầm tù phải dời đến canh tác; còn nhà cửa và tài sản của những người này csVN “tự do” chiếm đoạt!

Mỹ trợ giúp chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chống lại cộng sản Bắc Việt chỉ vì Mỹ – cũng như VNCH – thấy trước âm mưu của Trung cộng là sẽ “nhuộm đỏ” miền Nam Việt Nam; từ đó Trung cộng sẽ lấn chiếm biển Đông mà thế giới cũng như người Việt đều gọi là Pacific Ocean hoặc Thái Bình Bương và nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác tình khúc Lòng Mẹ với âm điệu thiết tha và câu mở đầu đầy cảm xúc: “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình ngọt ngào...”

Điều tiên đoán của Mỹ và VNCH năm xưa nay đã trở thành hiện thực, sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam!

Theo Hiệp Định ngưng chiến, Mỹ rút quân ngày 29 tháng 3 năm 1973, chấm dứt mọi viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam.

Trong khi Quân Lực VNCH còn súng mà không có đạn, còn xe và phi cơ mà không có xăng, còn xe tăng và chiến hạm mà không có dầu cặn v.v... thì csVN mở những cuộc cường tập đẩm máu.

Theo BBC tiếng Việt: “... Trung Quốc, từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973, đã điều động tổng cộng hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường sắt, rà phá bom mìn và hậu cần, v.v... để thực hiện các nhiệm vụ phòng không, xây dựng, rà phá bom mìn và đảm bảo hậu cần ở miền Bắc Việt Nam...”

Link: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61175313

Mỹ rút quân cuối tháng 03/1973 mà đến tháng 08/1973 Trung cộng cũng vẫn còn viện trợ vũ khí và nhân lực cho csVN; nhờ vậy, csVN lại mở những cuộc cường tập khốc liệt trên toàn lãnh thổ của VNCH!

Là một người từng tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp của Hải Quân VNCH trên sông rạch để viết tường thuật, tôi hiểu rằng: Mỗi khi quân của VNCH phải chống trả các cuộc cường tập của csVN tại chiến trường nào thì Hải Quân VNCH cũng phải chuyển quân/đạn dược/khí giới/quân trang/quân dụng đến địa phận đó.

Đó là lý do, ngày 19 tháng 01 năm 1974, Trung cộng tấn công Hoàng Sa, các chiến hạm hữu dụng của Hải Quân/VNCH đều đã bị trưng dụng cho các chiến trường khốc liệt khác. Bộ Tư Lệnh Hải Quân đành phải chỉ thị chiến Hạm Nhật Tảo HQ10, đang đại kỳ (sửa chữa/tu bổ/thay thế nhiều bộ phận quan trọng của chiến hạm) tại Hải Quân Công Xưởng ra Hoàng Sa!

Vì HQ10 bị nhiều trở ngại kỹ thuật, như đã nêu trên, Hạm Trưởng HQ10 Ngụy Văn Thà và 74 quân nhân Hải Quân VNCH đang chống trả mãnh liệt, quyết đánh đuổi quân xâm lăng Trung cộng – kẻ thù truyền kiếp của người Việt Nam yêu nước – ra khỏi Hoàng Sa thì HQ10 bị trúng đại pháo của Trung cộng và... chìm vào lòng biển Mẹ!!!

Được báo cáo, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra lênh cho Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn thành lập hành quân Trần Hưng Đạo 48 – do Hải Quân đại tá Nguyễn Văn May chỉ huy – tiến ra Trường Sa để bảo vệ quần đảo Trường Sa khỏi sự tấn công của Trung cộng.

Người csVN lúc nào cũng “hãnh tiến?”, tự cho rằng chính csVN đã “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” để thống nhất đất nước.

Nếu đất nước đã được csVN “thống nhất”, tại sao cả triệu triệu người Việt không ở lại “chung vui” với csVN mà triệu triệu người Việt lại liều chết vượt biển hoặc vượt biên đường bộ để xa lánh csVN? Nếu căn cứ vào những dinh thự vĩ đại và những ngôi mộ rất “hoành tráng” của cán bộ csVN mới xây, sau năm 1975, mà cho rằng nước Việt đã phát triễn vượt bậc thì xin đừng quên sự “tiếp tay” rất đắc lực của tập thể người Việt di tản và từng đợt người trẻ bên Việt Nam phải xuất cảnh lao động để thanh niên trồng cần sa và ăn cắp; phụ nữ làm điếm và ăn cắp.

Người Việt di tản đã vì tình ruột thịt, trực tiếp “cứu” csVN thoát khỏi thời bao cấp!! Thế mà, khi Việt Nam gặp thiên tai hoặc cần tiền, người csVN gọi chúng tôi là “khúc ruột ngàn dặm”. Khi bình yên, csVN chỉ thị dư luận viên viết trên internet rằng:

Cha/chồng/anh/em của chúng tôi là “Ngụy”, là “lính đánh thuê”!

Người csVN không là lính đánh thuê cho Trung cộng thì lý do gì Trung cộng viện trợ vũ khí và nhân lực cho csVN đánh Tây/đánh Mỹ? Nếu người csVN không là lính đánh thuê cho Trung cộng thì tại sao khi Trung cộng tấn công và cưỡng chiếm Hoàng Sa mà csVN lại im lặng?

Sau chiến tranh, nhiều cán bộ csVN cao cấp – điển hình là ông Nguyễn Tấn Dũng – đã gửi con sang Hoa Kỳ du học chứ không gửi con sang Trung cộng du học?

Không phải một mình csVN đánh Mỹ “kíu” nước rồi lại gửi con sang Mỹ du học mà Trung cộng – kẻ thù Mỹ nhiều nhất, chỉ muốn “hạ” Mỹ để được “soán ngôi”, thống lĩnh thế giới – cũng gửi học sinh sang Mỹ du học và làm gián điệp!

Trung cộng, cũng như csVN, lúc nào cũng căm thù Mỹ; nhưng cũng chính Trung cộng và csVN là những người “thèm” tất cả những gì xuất phát từ Mỹ. Bằng cớ được Tom Porter viết trên Insider vào Tue/Mar 21/2023 lúc 9:24AM CDT với tựa đề:

“Video shows mass order of KFC (Kentucky Fried Chicken – chú thích của ĐML) arriving to Xi's hotel during Putin visit, even though it's supposed to have rebranded in Russia.”

Nếu người csVN có chút tự trọng, hãy nhìn vào sự thật: Từ thời Tây đô hộ và Mỹ “xâm lượt” Trung cộng có dám “hó hé” gì tới Biển Đông hay không?

Không!

Thế thì tại sao, sau khi csVN cướp được miền Nam và “thống nhất?” đất nước thì Trung cộng khoanh vùng biển Đông thành “đường lưỡi bò”; sau đó Trung cộng xây nhiều đảo nhân tạo và phi trường tại Hoàng Sa?

Rồi đây, khi Trung cộng ngang nhiên kéo quân từ phía Bắc Việt Nam và, từ biển Đông, cả hạm đội của Trung cộng “ủi” thẳng vào bờ biển Việt Nam để chiếm Việt Nam thì người csVN hãy van lạy Trung cộng chứ người csVN đừng nên “muối mặt” kêu gọi Mỹ giúp đỡ!

Một điều làm cho tôi đau buồn hơn nữa là, trên The Hill, bài của Amy Thompson, Jan 09/2023 lúc 6:00 AM ET. Xin trích một phân đoạn trong bài phát biểu của NASA Administrator Bill Nelson. Câu ấy như thế này: “... Nelson warns that China could use the scientific appeal of the moon to advance its position in space and potentially claim it as its own, like it is doing on Earth with the Spratly Islands in the South China Sea...” 

Đọc xong câu này, tôi tự hỏi: Có phải hệ quả của việc ông Hồ Chí Minh khởi động/cổ xúy để người csVN đánh Mỹ “kíu” nước mà ngày nay Trung cộng “lộng hành” đến như vậy hay không?

Không thể tự giải đáp câu hỏi của tôi, tôi tìm tin khác đọc. Tôi thấy trên UPI News bài của Adam Schrader, Mar/18/2022 lúc 5:01PM, tựa đề: Uyghur leader calls for ICC to issue arrest warrant for Xi Jinping after Putin.

Tôi cúi đầu, thầm cầu nguyện cho ước vọng của dân tộc Uyghur được trở thành hiện thực để người Việt Nam/người Đài Loan/người Nam Hàn và dân của các nước nhỏ khác sẽ không phải sống trong lo âu – vì không biết ngày nào đất nước của họ sẽ bị Trung cộng xâm lăng./.

Điệp Mỹ Linh
https://www.diepmylinh.com