Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Lươn Lẹo

 

Hình minh họa (Internet)

BBT: NHHN nhận được truyện ngắn LƯƠN LẸO của đồng môn Lê Đức Luận đã lâu, nhưng vì lý do kỹ thuật nên hôm nay mới đăng được.

Thành thật xin lỗi tác giả Lê Đức Luận, quý Thầy Cô, Đồng Môn và Thân Hữu về sự chậm trễ này.

Xin chân thành cám ơn quý vị.

Trân trọng 
NHHN 

Truyện ngắn - LƯƠN LẸO 
Lê Đức Luận

Hiểu và cảm nhận một ngôn từ, tưởng là một nhưng thực sự là hai khía cạnh khác nhau. Hiểu hay nhận thức ý nghĩa của một ngôn từ, nó mang tính hiện thực khách quan; còn cảm nhận và xúc động do một ngôn từ thì lại mang tính trừu tượng chủ quan. Bởi vậy, khi ngâm một bài thơ, đọc một truyện ngắn người này rưng rưng rơi lệ, kẻ khác lại dửng dưng…

Nhà thơ, nhà văn thông qua nghệ thuật ngôn ngữ, phản ảnh cái phong phú, đa dạng của cuộc sống; khơi dậy cảm xúc, tình cảm khác nhau nơi con người… Người ta gọi đó là văn chương.

Phải thấm nhuần văn hóa của một dân tộc mới thấu hiểu và rung động cái biểu cảm của văn chương, chữ nghĩa. Đa số người Việt Nam ở lớp tuổi sáu mươi trở lên, đang sinh sống ở nước ngoài, dù thấm nhuần văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc mình, nhưng vì hoàn cảnh phải tiếp xúc với một nền văn hóa mới và sử dụng ngôn ngữ nước sở tại trong công việc và giao tiếp, nên dần dà những chữ bóng bẩy trong văn chương và các thuật ngữ của tiếng Việt ít khi dùng đến.

Mới đây, một anh bạn cùng quê gọi điện thoại nói chuyện về chuyến du lịch vừa rồi ở Argentina. Anh ta tốt nghiệp Kỹ sư Phú Thọ trước năm 1975 ở Sài Gòn; trẻ hơn tôi, qua Mỹ lúc Sài Gòn đang trong cơn hấp hối. Sống lâu trên đất khách, tưởng rằng tiếng Việt trong anh đã hao hụt - nhưng không, anh ta vẫn còn dùng những “thuật ngữ” của tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn - gợi cho tôi một nguồn cảm hứng!

Tôi mê tơi khi nghe anh ta kể về các chuyến du lịch. Những nơi anh ta đến với cái tên lạ hoắc, tôi chưa từng nghe thấy các hãng du lịch quảng cáo. Ấy vậy, mà sau khi nghe anh ta mô tả, tôi ước mong được đến đó một lần. Nhiều khi tôi tự hỏi: “Tại sao tôi mê anh ta kể chuyện về du lịch?” – Anh ta ăn nói hoạt bát chăng? Không phải! Vì có nhiều hướng dẫn viên du lịch ăn nói cũng rất hay… Vậy nơi anh có cái gì đặc biệt? Cuối cùng tôi tìm ra đáp số: Tôi vốn là người mê du lịch, bây giờ già, điều kiện “ắt có và đủ” để thực hiện một chuyến du lịch không còn dễ dàng như trước. Bởi vậy, ngồi nhà “du lịch hàm thụ” trên YouTube mà gặp được anh bạn nói về du lịch như một nhà khảo cổ, như một nhà nghiên cứu khí tượng và như một ông giáo giảng bài sử địa…thì tôi mê tơi là phải - không có gì thắc mắc!

Cách du lịch của anh bạn tôi khác với lối thông thường – không phải “đi cruise”, cũng không đi theo “tour du lịch” mà anh ta tự tìm những địa danh có những di tích lịch sử, hay tìm những nơi phù hợp cho một cuộc nghĩ dưỡng như khí hậu, phong cảnh, ẩm thực, rồi vợ chồng anh bay đến đó, thuê xe đi chơi tận hang cùng ngõ hẹp – không cần hướng dẫn viên du lịch (tour guide). Nhờ thế anh ta mới tìm được cái độc đáo, kể lại cho bạn bè nghe chơi.

Có lần anh ta nói: “Nếu du lịch miền Bắc-Việt Nam, trước tiên anh ta sẽ đến chụp hình các cọc gỗ mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đặt dưới lòng sông Bạch Đằng, để phục kích và đánh tan đoàn thuyền của Ô Mã Nhi năm 1288. Nếu du lịch Trung Hoa anh ta sẽ ưu tiên đến thăm năm ngọn núi lớn, bản doanh của Ngũ Nhạc Kiếm Phái mà Kim Dung đã nêu tên trong truyện kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ: Hoa Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn, Tung Sơn.”

Sự chọn lựa của anh ta khá là ngộ nghĩnh, ít người nghĩ tới, và đến nơi nào, anh cũng khám phá những cái độc đáo, ít người tìm ra.

Chuyến du lịch vừa rồi ở Argentina, anh ta đến khu phố La Boca.

Tưởng rằng sẽ được nghe anh kể về điệu nhảy tango quyến rủ mê li được biểu diễn trước các quán café ven đường hay thịt bò tuyệt hảo và rượu vang đa dạng… Nhưng không! Anh khám phá ra đồ da của Argentina là thượng hảo hạng: quần áo, những bộ salon làm bằng da ở đây vừa đẹp, phẩm chất lại tuyệt vời không đâu sánh kịp.

Tôi bảo: - Hồi nào đến giờ, người ta thường nghĩ đồ da của Ý đẹp và bền nhất thế giới (?)

- Chỉ đúng phần ngọn, nhưng cái gốc vẫn là ở Argentina. Anh ta trả lời rồi giải thích tiếp:

- Từ thế kỷ 18, người Âu Châu đến định cư ở Argentina đông nhất là dân Ý. Dân số Argentina hiện nay ước tính trên 46 triệu (dân da trắng chiếm 96,7%, 2,4% thổ dân, 0,5% da vàng, 0,4% da đen). Dân Argentina gốc Ý chiếm 62,5% (Italo-argentini). Trên quê hương mới, một số người Ý tiếp tục làm nghề thuộc da theo truyền thống cha truyền con nối cho đến ngày nay. Họ luôn luôn giữ phẩm chất tấm da thuộc ở mức thượng hảo hạng, chứ không lươn lẹo để kiếm lời nhiều, làm mất phẩm chất tấm da thuộc Argentina. Rồi các tay “lang bạt kỳ hồ” - gốc người Ý- đem những tấm da thuộc này về cố quốc, giao cho những người có kỹ năng khéo tay làm ra sản phẩm: áo quần, jacket, ví da, bóp đầm, giày dép và những bộ salon tinh xảo. Thế là cái thương hiệu Italy trở thành nổi tiếng khắp thế giới, phần chính nhờ những tấm da thuộc ở Argentina.

Anh ta nói người Argentina không lươn lẹo và những người Ý “lang bạt kỳ hồ” – Hai chữ này gợi cho tôi nguồn cảm hứng và muốn viết ra cái hay của tiếng nước tôi. Việc viết lách rất kỳ lạ: đôi khi có một chút cảm hứng, ta có thể viết “tràng giang đại hải”, nhưng có lúc muốn diễn đạt một vấn đề mà không có cảm hứng thì “rặn”mãi không ra nổi một trang.

Cũng như ở đây, nếu anh ta nói: dân Argentina thật thà, và những tay lái buôn người Ý sống lang thang, nay đây mai đó, thì chẳng có gì để viết. Nhưng anh dùng chữ “lươn lẹo” và “lang bạt kỳ hồ”- thế mới có chuyện để viết cho bà con đọc chơi.

Theo định nghĩa trong tự điển lươn lẹo là sự gian trá, lừa dối, xảo trá, lắt léo, không thành thật. Nhưng tiếng lươn lẹo còn ẩn chứa một sự lém lỉnh, tinh tế, thông minh, dịu dàng… Một anh chồng đi chơi hoang, về nhà bị vợ mắng: “anh gian trá” anh ta sẽ nổi quạu, nhưng nàng bảo:

“anh cứ lươn lẹo hoài” anh ta sẽ cười cầu hòa.

Nhà văn Sơn Nam đã viết một truyện ngắn “Con Rắn Ri Voi” mô tả chuyện một anh nông dân tìm cách căng da rắn ri voi cho đủ kích thước để bán cho một người Tàu - tên Xìn Phóc. Trong trường hợp này không có chữ nào hay hơn để diễn tả hành động của anh ta là chữ “lươn lẹo”.

Vắn tắt câu truyện thế này: “Xìn Phóc, một tay mại bản người Tàu, từ Sanh Ga Bo (Singapore) sang vùng U Minh đặt mua bốn ngàn tấm da rắn ri voi đem về hãng, làm thành da thuộc để làm bóp đầm, dây nịt bán giá rất cao ở các nước Âu Châu. Da rắn ri voi có vảy mịn, bám sát vào da nổi hột sáng ngời - người Âu Châu xem da rắn rì voi là bảo vật.

“Xìn Phóc đặt mua da rắn với giá khá cao, nhưng điều kiện rất gắt gao: bề ngang phải đủ ba tấc, da rắn phải cạo sạch hết mỡ, da rắn không bị lủng lổ. Nông dân vùng U Minh đua nhau đi bắt rắn. Ban đầu có rắn lớn - lột da đủ kích thước. Nhưng dần dà hết rắn lớn, chỉ còn những con rắn nhỏ, vậy làm sao có da rắn đủ kích thước để bán? Một anh nông dân trong làng tên Sáu Kiến, bí mật tìm cách căng da rắn bằng cách dùng ống bơm xe đạp, buộc lỗ đít rắn lại rồi bơm hơi vô miệng rắn; con rắn phình to như cái ruột xe đạp, căng thẳng no tròn và chẳng bao giờ nổ rồi treo tòn ten. Tới mức nào đó, anh ta lột da rắn - lẽ ra tấm da rắn chỉ có hai tấc, bây giờ trở thành ba tấc, nhờ khí… trời.

“Sáu Kiến nói: Cho thằng má chín (mại bản) Xìn Phóc biết một trận. Nếu bị bơm hơi, da rắn mỏng. Hễ mỏng thì Tây với Đầm xài cái bóp mau rách, dây nịt mau đứt. Tụi nó lại sang đây mua tiếp nữa.

“Nhưng Sáu Kiến đã lầm, Xìn Phóc đã lỗ vốn vì da rắn mỏng quá khi đem ngâm chất hóa học thì da rắn mỏng như tờ giấy hút thuốc, nhiều chỗ bị đứt, thay vì làm được dây nịt thì da đó chỉ làm được dây đeo đồng hồ.

“Xìn Phóc bị phá sản, đi mất tích. Mùa rắn năm sau bà con lối xóm
có lòng mong đợi, nhưng hắn không bao giờ trở lại…”

Sang thành ngữ “lang bạt kỳ hồ” – Đây là chữ trích dẫn trong kinh thi: “lang bạt kì hồ, tài chí kì vĩ. Công tôn thạc phu, xích tích kỉ kỉ”.

Theo nghĩa chữ nho: lang là con chó sói, bạt là giẫm lên, kỳ là đại danh từ thay thế chữ lang, hồ là cái yếm dưới cổ loài thú. Vậy nghĩa của chữ này là: con sói giẫm lên cái yếm dưới cổ mình để diễn tả tình trạng lúng túng, vướng mắc, không tiến triển… rồi nó trở thành thuật ngữ trong tiếng Việt - thông thường được hiểu là tình trạng lúng túng, không ổn định, lang thang, nay đây mai đó. Nhưng trong cái lang thang đây đó, “lang bạt kỳ hồ” còn phảng phất chút máu giang hồ, lãng tử của một nghệ sĩ… Một anh nông dân, không nhà cửa, không vợ con đi cày thuê cuốc mướn, lang thang từ làng này qua xóm nọ; hay một anh ăn mày sống nay đây mai đó… người ta không gọi: đó là kẻ lang bạc kỳ hồ.

Ngôn ngữ Việt Nam vô cùng phong phú - mỗi chữ có một nghĩa, nhưng “linh hồn” của nó bao la, tùy người cảm nhận đến mức độ nào.

Ngoài thuật ngữ, tiếng Việt còn có cách nói lái hay đáo để. Ngày nay trong nước, người ta hay nói lái để châm biếm các hiện tượng suy đồi của chế độ, như: thủ tục đầu tiên - tiền đâu? Hỏi tình trạng nhân quyền như thế nào, người ta bảo: - thường gặp ông Vũ Như Cẩn - vẫn như cũ. Mấy ông già ở ngoài này, ngày Tết hỏi thăm nhau, các cụ bảo: Chả thấy gì - chỉ thấy già.

Ngoài cái nói lái đơn giản như trên, nói lái có thể đặt ra câu đố, như: “khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn, là gì?” - là con ngựa; cà vô, cà ra, cà nhột là cá gì? - là cái cột nhà); lăng quằng lít quịt…lăng quằng trứng là cái gì? là cái lưng quần trắng.

Làm thơ nói lái cũng hay đáo để. Giai thoại ông Trạng Quỳnh (1) thấy kiệu một bà chúa (thời Chúa Trịnh) đi tới, ông bèn vén quần xuống ao sen, lấy chân vọc đám bèo. Khi bà chúa tới gần, hỏi: “Trạng làm gì đó?” Trạng Quỳnh trả lời: “ Thưa bà: Nắng cực cho nên phải đá bèo…”

Bà chúa đỏ mặt bỏ đi.

Dùng cách nói lái để làm thơ “phản động” thì nhiều lắm. Đơn cử một bài thơ, được phổ biến từ trước 1954 trong vùng Liên Khu 5 do Việt Minh kiểm soát: “Chú phỉnh tôi rồi Chính phủ ơi / Chú khiêng lên hết Chiến khu rồi / Thi đua chi nữa thua đi mãi / Kháng chiến chi hoài khiến chán thôi.” (vô danh) Xem ra nói lái đã góp phần làm cho ngôn ngữ nước ta thêm phong phú, đa dạng.

Đọc thơ phú tiếng Việt mà không thấy cái “ẩn dụ” và “sự tích” chứa đựng trong từng chữ, từng câu thì chưa thưởng thức hết cái tinh tế trong ngôn ngữ Việt. Như hai câu thơ của thi bá Vũ Hoàng Chương:

“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý/ Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.”

Với người Sài Gòn biết tên đường Công Lý và Tự Do và đã từng sống dưới hai chế độ tự do dân chủ của Miền Nam và chế độ độc tài Cộng sản mới thấy hay, thấy thấm. Những thế hệ sau này chưa chắc sẽ cảm nhận được hết cái thâm thúy của hai câu thơ trên.

Như khi đọc thơ bà Hồ Xuân Hương, chỉ biết cười mà chưa biết khóc, chỉ thấy tục mà chưa thấy thanh thì chưa thưởng thức hết cái tuyệt tác trong thơ của bà. Trong bài Vịnh Cây Quạt, bà tả cây quạt rất giống “cái ấy…”: Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa / Duyên em dính dán tự bao giờ/ Chành ra ba góc da còn thiếu / Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa. Rồi bà bảo cây quạt tức là “cái ấy” sẽ làm: Mát mặt anh hùng khi tắt gió / Che đầu quân tử lúc sa mưa / Nâng niu ướm hỏi người trong trướng /Phì phạch trong lòng đã sướng chưa? Thật là ngổ ngáo với các đấng mày râu. Họ cười! Nhưng đem bài thơ này hỏi một anh trai tân, chưa thấy “cái ấy” bao giờ, chỉ biết cây quạt giấy thì anh ta sẽ cho là hay. Thật hay!

Đọc thêm thơ bà Hồ Xuân Hương có lúc ta phải khóc cho thân phận của bà và số phận của những phụ nữ phải đi làm vợ lẽ dưới thời phong kiến. Bà khao khát hạnh phúc lứa đôi, nhưng rơi vào bi kịch. Bà là con của người vợ lẽ, rồi chính đời bà lấy chồng hai lần - cả hai lần đều làm lẽ. Thảm cảnh đó đã dồn nén bà để bao ẩn ức dồn vào bài thơ “Lấy Chồng Chung”: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung / Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/Năm thì mười họa chăng hay chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không/ Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm/ Cầm bằng làm mướn, mướn không công/ Thân này ví biết dường này nhỉ / Thà trước thôi đành ở vậy xong.”

Nói chuyện thơ văn, chữ nghĩa mà không nhắc đến Truyện Kiều là điều thiếu sót. Truyện Kiều là một tác phẩm lớn trong nền văn học Việt Nam. Nhiều người thuộc lòng Truyện Kiều, ngâm thơ Kiều, xót thương số phận truân chuyên nàng Kiều, mà không biết “lẩy Kiều” thì chưa thấy hết cái uyên bác, tài tình của Nguyễn Du. Theo tôi, độc đáo nhất của truyện Kiều là trong cảnh ngộ nào, người ta cũng cảm thấy thân phận mình bàng bạc ở trong đó và có thể “lẩy” vài câu Kiều để gởi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Chỉ một vài câu thôi mà có thể phản ảnh hết cả nỗi lòng.

Gần đây Truyện Kiều lại đi vào chính trị và ngoại giao. Ba ông Tổng Thống Hoa Kỳ đã “lẩy Kiều”. Không hiểu các ông “thâm cứu” truyện Kiều hay có tay Việt Nam nào “cò mồi” mà trong bài diễn văn, các ông đã “lẩy Kiều” rất điệu nghệ.

Lần đầu tiên, ông Bill Clinton, TT Hoa kỳ thứ 42, sang thăm VN (tháng 11, năm 2000) đã “lẩy”: Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân (câu 1795-1796) để nói lên sự “đóng băng” ngoại giao đã qua rồi. Bây giờ cùng thiết lập, xây dựng quan hệ ngoại giao để cùng hưởng mùa xuân tươi đẹp.

Lần thứ hai, ông Joe Biden ( lúc đó là Phó TT) đại diện TT Obama, tiếp Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục, Tòa Bạch Ốc (tháng 7, năm 2015) đã “lẩy”: Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời (câu 3121-3122) để cho bày tỏ sự lạc quan trong bang giao Việt - Mỹ.

Lần thứ ba, TT thứ 44 Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm VN (tháng 5 năm 2016) cũng “lẩy Kiều”: Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi (câu 355-356) nói lên sự tin tưởng, cam kết gắn bó cùng nhau.

Thơ Kiều, không phải chỉ có những người quyền qúy, cao sang, mới “lẩy” được mà bất cứ ai, bất cứ cảnh ngộ nào cũng có thể “lẩy” vài câu. Như khi đọc câu khẩu hiệu của Trung Cộng: “Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng” dân ta có thể “lẩy”: Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào(câu 490). Các ông lãnh đạo Việt Nam sang Trung Quốc nhận chỉ thị, tay bắt mặt mừng, ôm hôn thắm thiết… về nước bị nhân dân ta thán cũng có thể “lẩy” vài câu biện bạch: Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm.

Bây giờ Việt Nam đang sợ Trung Cộng không dám đứng hẳn về phía Mỹ, nhưng một mai đàn anh Trung Cộng chơi xấu quá, chịu hết nổi phải nhờ Mỹ giúp. Khi ấy ông TT Hoa Kỳ (có thể là thứ 47 hay 48) sẽ “lẩy” vài câu vừa “chảnh vừa tình” khi đến thăm Việt Nam: Xót người lưu lạc bấy lâu/ Tưởng thề thốt nặng, nên đau đớn nhiều (câu 3168- 3169) Rồi nói “chảnh”: Bấy lâu đáy bể mò kim/ Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa (3175-3176).

Lúc ấy, các ngài lãnh đạo VN cũng có thể “lẩy” vài câu tâm tình cảm tạ vuốt đuôi: Thân tàn gạn đục khơi trong/ Là nhờ quân tử khác lòng người ta.

Chuyện mấy ông ở phe Quốc gia, một thời hưởng bổng lộc, ăn trên ngồi trước dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bây giờ “trở cờ” theo VC để kiếm chút lợi lộc, cuối cùng chẳng được “xơ múi”gì, lại còn bị khinh chê cũng có thể “lẩy” vài câu hờn tủi: Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu.

Lúc đầu, tôi chỉ muốn viết cái hay và thâm thúy của tiếng Việt, nhưng viết xong lại thấy mênh mang dài dòng - chẳng ra một bài bình phẩm văn chương, chữ nghĩa; cũng không ra một chuyện phiếm. Thôi thì cứ coi nó như một bài “tả pín lù” để dỗ giấc ngủ trong đêm khuya…

LÊ ĐỨC LUẬN
(Tháng 3 -2023)
(1)Một số người hiểu nhầm: Trạng Trình, Trạng Quỳnh, Cống Quỳnh là một người. Nhưng sử sách ghi chép là ba nhân vật khác nhau - tìm đọc sẽ rõ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét