Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Muôn Nẻo Đường Về



Ông Dương hỏi mình Trịnh đâu? Mình bảo về Ninh Hòa rồi. Ổng lại cắc cớ, bộ sắp rụng sao về cội hoài vậy? Mình méc lại Trịnh cười ngất, đừng tin ổng giả vờ hỏi thế thôi. Tao về Ninh Hòa sáng thứ hai, tối thứ tư không chỉ mình tao mà có cả một đám lá rụng ở café Cỏ May trong đó có ổng. Mình nghĩ bụng, ông Dương và Trịnh là những người hạnh phúc nhất, cả một thời tuổi trẻ “đánh bắt xa bờ”, nay đến lúc mỏi gối chồn chân vẫn còn có quê nhà, có một nơi chốn muốn về lúc nào thì về. Điều đó không phải bất cứ ai ngay cả chính mình, muốn mà được sao.

Đôi khi mình nghĩ như Khanh vậy mà hóa hay. Suốt đời an phận, chẳng màng ngược xuôi. Nghỉ dạy, về hưu sống an nhàn nơi căn nhà dưới chân núi. Không giấc mộng lớn, cũng chẳng giấc mộng con. Sáng vác cuốc ra vườn. Chiều tựa lưng nhìn Chóp Chài mây phủ. Khanh gọi điện hỏi mình mệt chưa, mình nói mệt rồi. Khanh rủ rê mệt thì về đi. Thật ra mình không phụ Sài Gòn, nơi đã dang tay đón mình những ngày khốn khó. Nhưng Sài Gòn bây giờ đầy áp lực, như cái áo chật lúc nào cũng chực chờ bung nút chỉ còn thích hợp với người trẻ. Mình nay tóc đã hai màu rất ngại va chạm, giờ chỉ muốn bình yên.

Từ lâu mình cũng đã khao khát chuyện trở về. Không biết bao nhiêu năm xa cách, nơi đó có còn yên tĩnh, hiền hòa không? Khanh nói đã nhắm cho mình một căn nhà sát quốc lộ. Đã nhiều năm quá tải tiếng ồn, chỗ này nữa chịu thôi. Mình tính sẽ tìm mua một căn nhà dưới xóm công chức. Nhà nhỏ nhưng vườn rộng. Nhà cũ cũng được, đừng sửa sang gì nhiều cứ để rêu liếm láp mái nhà. Giữa sân nếu có cây ngọc lan hay cây sứ càng tốt. Khi gió thổi mình sẽ không quét, để những đóa hoa trắng bay lăn tăn như đùa trong gió.

Hồng tiểu muội

Mình sẽ ra nhà Khanh xin ít nhánh hồng tiểu muội về trồng ở hàng rào. Giống hồng này lạ lắm, nhìn nhỏ xíu vậy mà sức sống rất mãnh liệt, chỉ cần vài đợt mưa là nhảy đỏ cả góc sân. Mỗi sáng mình sẽ pha một ly café rồi ngồi bệt trên thềm nhà. Nhìn ra cổng thấy bóng ai thấp thoáng sau bụi hồng, chân lạo xạo trên sỏi bước lên thềm mừng rỡ: “Bảy! mới dìa hả Bảy?”. Với mình như thế là đủ, không mong muốn gì hơn. Nhưng công việc ở Sài Gòn vẫn đang dang dở, bao mối quan hệ như sợi dây vẫn bùng nhùng, thành thử đường về của mình vẫn mãi là một dự tính với những chữ “sẽ” không chừng còn kéo dài, rất dài.

Mà mình cũng chậm chạp thật. Quỹ thời gian có là bao mà loay hoay, đắn đo mãi. Đâu như ông bạn già của mình, quyết định về là về dù gần gũi gì cho cam, xa đến nửa vòng trái đất cơ chứ!

Thường thì một năm ổng qua bên đó sáu tháng, nửa năm còn lại ở bên này. Mình không nghĩ ổng đi đằng đẵng như vậy mà vẫn nặng lòng với quê hương. Hồi mới về cho sửa sang lại ngôi nhà cũ từ lâu bỏ hoang phế, tạo dựng lại cảnh vật y như hồi ông nội ổng còn sống. Ra tận Quảng Trị tìm nguồn gốc của dòng họ thất lạc đã bao đời, đêm đêm cặm cụi ngồi viết lại gia phả. Thỉnh thoảng còn chạy xe ra tận Hòa Đa, lên tuốt Sơn Hòa tìm thăm bạn bè từ hồi còn để chỏm. Có hôm ổng gọi điện cho mình sao tìm hoài không thấy ai bán bánh bèo ngon như bà Tiên ngày trước. Bữa khác lại than phiền bún sứa bây giờ lỏng chỏng nước, chả có chút mùi vị như hồi bà Cửu bán ở đường Phan Đình Phùng. Có đêm khuya khoắt còn điện thoại dựng mình dậy nói, ngoài này đang mưa phải chi có được chén chè bo bo nóng hổi của ông già người Tàu tên Xủi. Một hai lần không sao, nghe riết mình bực quá la lớn, tỉnh mộng đi bạn già mấy món ông thích đã theo chủ của nó lên thiên đường lâu rồi. Ổng ngơ ngác lâu rồi phải không, tại thằng nhỏ 15 tuổi trong tui cứ lâu lâu lại khều vào nỗi nhớ.

Ở quê sáu tháng, lần nào trước khi qua lại bển ổng cũng nhờ Khanh thỉnh thoảng ghé coi chừng giùm nhà, sợ mấy đứa cháu ham chơi để cây cối queo quắt, cửa nẻo hỏng hơ. Dặn mình hễ được tin mấy người bà con ở Quảng Trị nhớ điện cho ổng biết. Khanh càm ràm sao không về luôn, đi đi về về kiểu này làm gì cho nhọc công. Mình thầm nghĩ, đó là sự bận rộn tự nguyện, thứ hạnh phúc đa đoan của người đi xa mà lòng còn để lại.

Hoa Ngọc Lan

Mẹ mình cũng có hai người bạn thân. Bác Lân đã mất, bác Quí hiện đang ở Mỹ. Hồi mình chín mười tuổi, ngày tết mẹ thường sai đi mời hai bác tới nhà đổ Xăm Hường*. Mình nhớ bác Lân hiền, ít nói. Thắng hay thua, bác đều cười tủm tỉm. Bác Quí ngược lại rất vui tính. Mỗi khi giật được Trạng, nhà mình rộn rã tiếng cười của bác. Năm mình bắt đầu đi học ở Sài Gòn, gia đình bác Quí cũng chuyển vào trong đó luôn. So với cuộc ra đi của bác Quí, thì việc di chuyển từ miền Trung vào Nam của nhà mình không thấm vào đâu. Từ Bắc Ninh, bác vào Phú yên năm 1954. Mười mấy năm sau lại vào Sài Gòn và sau năm 75 thì định cư ở Mỹ. Mình còn nhớ ngoài tiếng cười giòn giã, bác Quí còn hát quan họ rất hay.

Hôm rồi chị Hạnh con bác ở Mỹ về ghé thăm. Mình hỏi thăm sức khỏe của bác, chị buồn buồn nói mẹ chị vào Nursing Home rồi. Mình thắc mắc, nghe nói trong đó có đủ điều kiện tốt cho người già. Không trả lời câu hỏi của mình giọng chị đầy tiếc nuối, hồi mẹ chị còn khỏe bà ao ước được một lần về quê. Nhưng chị bận con cái, bận đi làm giờ có thể thực hiện được ước nguyện của mẹ thì bà đã không còn sáng suốt nữa. Mỗi lần vào thăm thấy mẹ ngơ ngơ, ngác ngác giữa đám đông người già không cùng tiếng nói chị xót xa vô cùng.

Có hôm mẹ không nhận ra chị, cầm tay con gái như cầm tay một người xa lạ  nhắc đi nhắc lại mỗi một câu: “ Tháng giêng hội Lim phải không cô? Đường về Bắc Ninh có xa lắm không?”. Và trong đầu óc của người đã lẫn, bên ngoài cánh cổng của Nursing Home chính là Bắc Ninh nên bà thường xuyên bỏ trốn làm nhân viên của trung tâm phải vất vả đi tìm.
Dẫu biết thời gian sẽ nhấn chìm tất cả. Nhưng mình không tài nào hình dung nổi chủ nhân của tiếng cười giòn giã ngày xưa giờ chỉ là một cụ già không phân biệt nỗi đâu là xứ lạ, đâu là quê nhà.  

Không như bác Quí, mẹ mình lại nuốt nỗi nhớ vào trong. Sài Gòn đâu xa quê mình là bao, tụi mình vẫn thường giục mẹ về thăm nhưng bà chỉ lắc đầu. Mẹ không muốn về vì những lý do riêng của mẹ, mình không dám hỏi đến. Nhưng mình biết tận trong sâu thẳm, bà nhớ quê đến độ nào. Mỗi khi có ai ở ngoài đó vào hỏi:“ chị Hai! sao lâu quá chưa về?”. Mẹ mình thường không trả lời, chỉ đăm chiêu rồi hơi hơi nheo mắt. Mình biết sau cái nheo mắt chứa đựng những gì. Là con đường phố cũ với hai dãy nhà buồn hiu mùa đông. Là buổi chiều mùa hè xách giỏ ra chợ lựa con cá ồ còn tươi rói. Là nắng đã ngã vàng trên sân ngoại phơi lúa... Mẹ mình lại hay có tật chảy nước mắt sống, những lúc ấy mình không biết có lẫn thứ nước mắt nào khác.

Đó là khi mẹ mình còn sống, giờ thì…Nhiều hôm ra thăm, để mẹ nằm giữa những người quê quán xa lạ, mình cảm thấy có lỗi với mẹ thât nhiều. Mẹ đã hết đường về rồi sao? Thằng em bảo năm nay về không được, đám giỗ mẹ em cúng bên này nhen. Mình trêu nó, làm sao mẹ qua được tới bển? Nó khựng lại, ừ mẹ chỉ biết đường về quê thôi.

Hai chị em tưởng tượng mẹ sẽ đi qua đèo Cả, dưới chân đèo là Hòa Xuân, đi riết một mạch tới Phú Lâm rồi qua cây cầu dài nhất miền Trung là tới nhà. Đoạn đường dài mấy trăm cây số khi còn sống mẹ không thể vượt qua, nay chỉ cần nương theo làn nhang khói mẹ đã có thể thênh thang trở về.


Đèo Cả

Cách mộ mẹ mình không xa là mộ của N/S Trịnh Công Sơn. Người nhạc sĩ tài hoa của bao thế hệ Việt Nam cũng chọn nơi này làm “ Một Cõi Đi Về”. Dường như lúc nào đi ngang qua mộ ông, mình cũng thấy hoa tươi và khói hương nghi ngút dưới bức tượng ông đeo kính trầm ngâm. Không phải Huế cũng chẳng phải những địa danh từng đi qua trong âm nhạc, ở lại mãi mãi trong lòng người hâm mộ là con đường dành riêng cho ông.     

Hôm nọ tình cờ ghé Vincom, thấy nhà sách Phương Nam đang có buổi giao lưu giữa bạn đọc và nhà thơ NQT mình tò mò vào xem. Thú thật, văn thơ ông mình đọc in ít chỉ mới đọc truyện ngắn Mùa Hoa Cải Bên Sông vì xem phim thích quá. Còn thơ thì mới đọc một vài bài trong tập Châu Thổ. Mình tính chỉ vào nghe một lát vì có việc còn phải đi, nhưng không hiểu lý do gì đã giữ mình ở lại tận phút chót.

Như nhà văn NC giới thiệu, một trong ba điểm nổi bật ở nhà thơ NQT là bản sắc Việt. Mình thì qua những chuyện kể của ông lại tự hỏi, sao có người yêu quê hương đến thế? Nghe ông nói mình có cảm tưởng dòng sông Đáy quê ông đang lững lờ trôi trước mắt. Ông một điều người làng Chùa, hai điều người làng Chùa. Nhưng câu chuyện làm mình xúc động nhất là khi ông kể về ngày ba mươi tết ở quê ông. Ngày đó, người làng ông dọn dẹp sạch sẽ hai con đường. Một con đường cho những người đi làm ăn xa trở về. Một con đường từ làng ra cánh đồng ( nghĩa trang của làng) để con cháu mời những người đã khuất về nhà ăn tết.

Cách ông tả những người lưu lạc lâu năm trở về nghe mới cảm động làm sao. Có người về đến đầu làng thì gục khóc, cả làng khóc theo. Có người thì trở về ngủ môt giấc rồi không bao giờ trở dậy nữa. Nhưng con đường thứ hai mới thực sự là một phép màu. Buổi chiều ngày 30 Tết người làng ông tấp nập đi về phía cánh đồng thắp hương trên mộ và mời những người thân đã khuất về nhà ăn Tết. Tiếng chào hỏi: “ Ông, bà, anh, chị... ra mời các cụ về ăn Tết?” vang lên khắp con đường chiều hôm ấy. Và ông hình dung những người thân đã khuất của mình khăn áo, nói cười trở về như khi còn sống. Vẫn biết đó là sự tưởng tượng phong phú của nhà thơ nhưng sao mình vẫn hết sức xúc động. Giờ thì đã hiểu lý do nào giữ chân mình đến phút cuối. Lâu rồi mới gặp một người đậm chất Kinh Bắc như thế!     


Suối nước nóng Bình Châu

Bình Châu. Chiều cuối năm. Mình đang đi dạo ở một nơi vốn trước đây là rừng nguyên sinh. Chiều nay sao lá rụng thật nhiều. Có khi rơi xào xạc thành từng đám, có khi chỉ vài chiếc lạc loài. Mình để ý, dù rơi nghiêng hay chao đảo, mọi chiếc lá lìa cành rồi cũng rụng đầy quanh cây. Nhìn lá rơi, mình lại nghĩ đến chuyện về cội của ông Dương và Trịnh, của những người mình từng gặp, từng có và đã mất. Mọi sự trở về dù bằng hình hài hay bằng tâm tưởng, cuối cùng cũng chỉ tụ về một điểm là CỘI mà thôi.

Mãi loanh quanh mình không hay hoàng hôn đã nhuộm tím khu rừng. Ánh đèn dịu dàng hắt ra từ khu nhà nghỉ Bình Tâm làm mình liên tưởng đến ngôi nhà dưới xóm công chức, đến bụi hồng tiểu muội và một người đang chờ mình ở đó. Mới chỉ nghĩ thôi mà đã thấy nôn nao. Chung quanh mình lá vẫn rụng. Vẫn rụng…

                                                      QUANG ĐẶNG   
                                                                     
*Xăm Hường: một thú chơi tao nhã ngày Tết xuất phát từ cung đình Huế


Tác giả và Hội hoa xuân 
                                                                
                                            Tác giả và một góc phố Saigon                                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét