Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu,
Truyện ngắn MẸ HIỀN CON HIẾU, tác giả Hương Giáo kể câu chuyện "Bát Canh Hẹ". Một bài học cho chúng ta về tình mẫu tử và lòng hiếu thảo. Do NH-K76 Trần Hoàng Thân chia sẻ.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Trò Lê Văn Cui thân mến,
Buổi trước qua có kể cho trò nghe một
câu chuyện cổ tích, nay qua kể cho trò nghe một câu chuyện khác. Qua lóng rày
sao ngồi đâu chỉ nhớ tới những chuyện xưa tích cũ, chắc tại người già sống với
quá khứ, còn người trẻ thì say sưa với những viễn tượng tương lai.
Câu chuyện tuần này mang tên là
"Bát Canh Hẹ". Chuyện kể rằng:
"Ngày xưa, có một người thanh niên
bị gán ghép vào tội sát nhân. Anh ta bị tuyên án tử hình. Anh ôm mối hàm oan
nằm trong tử ngục mà chờ ngày lãnh án.
Ngày kia, có một người đàn bà quê mùa ,
nghèo khổ, ăn mặc rách rưới, xin gặp ông quan cai ngục, nhờ ông quan nầy mang
vô cho ông tử tội một bát canh hẹ.
Anh tử tội, cầm bát canh hẹ, không ăn
lại khóc nức nở. Viên cai ngục hỏi nguyên do.
Anh tử tội đáp: -Bát canh hẹ nầy là của
mẹ tôi nấu. Mẹ tôi rất kỹ lưỡng, bao giờ cũng cắt những cộng hẹ thành những
khúc bằng nhau. Tôi thấy bát canh, nhận ra được liền. Tôi khóc đây là vì mẹ tôi
già yếu mà còn phải lặn lội đường xa, đem bát canh hẹ gởi vô cho tôi. Trong khi
phận làm con, tôi chưa đáp đền ơn dưỡng dục sinh thành...
Người cai ngục nghe xong ngẫm nghĩ rằng:
Một người mẹ hiền từ như vầy, một người
con hiếu thuận như vầy, làm sao người con có thể can tội sát nhân cho được.
Ông làm sớ gởi lên quan trên xin xét lại
bản án. Nhờ đó mà người tử tù được minh oan, trở về sum họp với mẹ hiền".
Câu chuyện ngắn ngủi nhưng thật là cảm
động, phải không trò?
Hình ảnh người con ngồi trong tử ngục,
thấy bát canh hẹ, nghĩ tới mẹ già, chân đã mỏi, gối đã
dùn mà còn gian nan cực khổ vì mình, tấm
lòng hiếu tử nát ngướu như tương, biến thành những dòng lệ thảm.
Ôi tấm lòng mẹ con của Việt tộc ngày xưa
sao mà đậm đà tha thiết.
Trong lịch sử đã có biết bao danh nhân
hào kiệt, anh hùng, tên tuổi sống mãi trong lòng dân tộc, nhờ đó có một bà mẹ
hiền.
Bà mẹ ông Phạm Ngũ Lão, bà mẹ ông Nguyễn
Cao, nuôi dạy con cái mình nên hình, trưởng cái chí cho con, lấy cái chết để un
đúc con thành người nghĩa sĩ, thành bật anh hùng. Tấm gương từ mẫu của các bà
mẹ này đáng để cho đời sau noi theo.
Tuy nhiên, tục ngữ Việt Nam có câu
"Con hư tại mẹ". Ðây là những bà mẹ cưng con mà hóa ra hại con. Bởi
cưng con nên nâng niu, chìu chuộng nó, nuông chìu cả những tính hư tật xấu của
nó, mà không dạy dỗ chúng, khiến cho chúng mỗi ngày một thêm hư, xấu càng thêm
xấu.
Nhiều người đờn bà, mới nhìn cái nết
cưng chìu con cái, tưởng là hiền mẫu ai có dè đâu vì cưng con mà làm cho con
thành ỷ lại, vì chìu con mà làm cho con mất hết ý chí tiến thú ngoài đời,
thương con cũng đó mà rồi hại con cũng đó.
Nếu ai cũng như bà Nguyễn Thị Tồn, vợ
ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, ở Bình Thủy, Cần Thơ, dưới triều vua Tự Ðức, "chốn
tĩnh đường, một tiếng thét vang, rạch ròi lẽ chánh, lời nghiêm lũ băng đảng tai
nghe như đã khiếp vía", thì làm gì có câu "con hư tại mẹ".
Ðọc trong chuyện Tam Quốc, trò có nhớ bà
mẹ ông Từ Thức rầy con không?
Từ Thức bỏ Lưu Bị, về với Tào Tháo để
cứu mẹ, bà nói rằng:
"Thằng con đê nhục kia tưởng mấy
năm trôi dạt giang hồ, khôn ngoan tiến bộ hơn người. Không ngờ mầy bỏ chỗ sáng,
tìm chỗ tối. Tao thật xấu hổ khi có một đứa con như mầy".
Lời nói của bà mẹ Từ Thức thiệt là đắng
cay. Tuy nhiên, nhờ đó mà Từ Thức biết được lỗi lầm.
Có nhiều bà mẹ thương con mà thành hại
con. Lại cũng có nhiều bà mẹ không biết thương con là cái gì.
Có những đờn bà, ngồi lê đôi mắt, te rẹt
khắp làng trên xóm dưới. Con no không biết, con đói không hay. Có những người đờn bà say mê cây bài lá bạc,
tối ngày hết lết ở chiếu trên, lại ngồi ở chiếu dưới, hết đậu chến đến lắc bầu
cua, bỏ con bỏ cái lê la, cù bơ cù bất, thiếu điều giống xách bị ăn mày. Có
những người đờn bà ăn hàng có quai xách, lê lết hết đầu đường tới cuối chợ, hết
chả tới nem, hết chè tới cháo, mặc kệ con cái lêu lổng nhặt lá ngã ba.
Tình
Mẹ Con
Trò Cui ơi,
Người Việt Nam mình vốn coi trọng tình
mẹ con thiêng liêng. Nuôi được một đứa con cho lớn, người mẹ phải lo lắng hao
mòn tới trọc đầu. Con ho, con sốt mẹ ngồi đứng không yên. Con ấm mình, sốt mẩy
mẹ không chợp mắt.
Bà mẹ già trong chuyện Bát Canh Hẹ mà
qua đã kể ở trên, do tình mẫu tử, mà cứu được con. Tình mẫu tử bao la không bờ
không bến đã cướp được con mình ra khỏi tay tử thần.
Trong xã hội xô bồ phức tạp này, nơi xứ
người, tình mẫu tử như người xưa thật là khó hiếm.
Nhiều bà mẹ cũng lo cho con, cũng mờ
mắt, cũng khòm lưng để lo cho con miếng ăn, miếng uống, tấm thân manh áo. Họ
không có thì giờ mà chăm sóc phần tinh thần cho con, khiến cho có nhiều đứa trẻ
hư hỏng, lỗi lầm.
Nỗi lòng của những người mẹ này ai có
thấu hiểu cho chăng?
Trò Cui ơi,
Thời xưa khác, thời nay khác. Tuy nhiên,
cái gì tốt đẹp của người xưa, mình cố mà giữ cho gia đình êm ấm, cho gia đình
thuận hòa là điều rất tốt phải không trò?
Từ mẫu sao mà sanh ra bất hiếu tử cho
được?
(Hương Giáo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét