Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Nha Trang Không Có Ngày Về


Chợ đêm Nha Trang. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

NHA TRANG KHÔNG CÓ NGÀY VỀ
Nguyên Quang

Tựa bài viết lấy từ cảm hứng (mà cũng là cảm hoài!) từ ca khúc Nha Trang Ngày Về của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát tuy buồn nhưng vẽ ra một Nha Trang đẹp, thánh thiện và yên bình với một “cố nhân” trở về, cảm nhận nỗi cô đơn của kiếp nhân sinh sau một hành trình đánh mất. Nhưng đó là một Nha Trang của xa xưa. Nha Trang ngày nay sau những tháng ngày du lịch, thời mà đi đâu cũng gặp Trung Quốc, thời của kim tiền và bất chấp, dường như, nếu như sống lại, có lẽ nhạc sĩ phải thảng thốt khi nhận ra Nha Trang không còn ngày về. Một Nha Trang của một thế giới khác!

Nha Trang kỳ vị Bắc Kỳ

Một người bạn vong niên của tôi ở Nha Trang đã nói như vậy và lý giải, “Nha Trang của một thế giới khác bởi hai lý do: Nha Trang bây giờ đã đậm vị Bắc Kỳ (giống Sài Gòn) và; Nha Trang với Bắc Kỳ trầm tư thì ít mà Nha Trang với Bắc Kỳ nhặng xị thì quá đông. Chính vì lẽ này mà Nha Trang trở thành một tâm điểm hút người Trung Quốc.”

“Bác nói vì Nha Trang đậm vị Bắc Kỳ mà trở thành tâm điểm của người Trung Quốc nghĩa là sao?”

Ông Quốc, tên người bạn vong niên và cũng là người nặng lòng với nước mắm gia truyền, với bờ biển, hải đảo… trầm ngâm, nói như đang tự nói với mình, “Người Nha Trang gốc cũng giống như người Sài Gòn gốc vậy, mà đã là người miền Nam thì quen với phong cách Tây hơn là phong cách Tàu.” 

Nha Trang về đêm với ngọn Trầm Hương, biểu tượng mới của du lịch Nha Trang. 
(Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Bác có thể nói rõ hơn một chút không?”

“Nghĩa là trước 30 tháng 4 năm 1975, thành phố Nha Trang này là một phố biển đẹp, thơ mộng và người Mỹ cũng rất ưa nó, giới trí thức, thượng lưu hay giới bình dân lao động đều sống chan hòa nơi đây. Cái cung cách nhẹ nhàng, mặc dù thời chiến nhưng người ta lại sống chậm, không vồ vập và lòng tự trọng, tính nhân ái cao chứ không như bây giờ, nó lộn xộn quá!”

“Nhưng bác nói vậy thì liên quan gì đến người Bắc?”

“Có chứ, sau 1975, người Bắc vào đây rất đông, mà Bắc 1975 thì khác hoàn toàn với Bắc 1954. Bắc 1975 vào Nam với tinh thần hãnh tiến và bất chấp, đạp đổ mọi giá trị của miền Nam để áp đặt cái thứ văn hóa của họ lên đó. Bắc 1954 thì nền nã, có học thức và có tôn giáo, có đạo đức….”

Ở đâu cũng gặp những nhóm người Trung Quốc ồn ào. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Một quãng lặng trôi qua, ông tiếp, “Nói ra thì đâm thành kì thị Bắc Nam, vùng miền. Nhưng sự thật là vậy, thành phố Nha Trang này sở dĩ có đông người Trung Quốc đến độ người ta nhầm đây là một thành phố của Trung Quốc cũng chỉ vì người Bắc. Họ vào đây từ mấy chục năm nay và có nhà ở vị trí đắc địa, khi hệ thống chính quyền thành phố (cũng phần đông là người Bắc) mở những tour từ Trung Quốc thì hầu hết người Nha Trang gốc thấy lo nhưng người Nha Trang gốc Bắc lại thấy như mở cờ trong bụng.”

“Bằng chứng của việc này là anh thử đi các quán có người Bắc làm chủ, họ chỉ tiếp khách nước ngoài và hành xử với người Việt rất tệ mạt. Đặc biệt là họ rất ưu ái với người Trung Quốc. Dần dần, dân Nha Trang gốc cũng thấy nếu muốn cạnh tranh làm ăn thì phải tốt với Trung Quốc nên chi bây giờ người Trung Quốc được ưu ái nhất ở đây!”.

“Cháu nghĩ khách nước nào được ưu ái nhất vẫn chưa phải là vấn đề, mà còn một thứ gì đó sâu xa hơn, bác nghĩ sao?”

Biển hiệu Trung Quốc khắp hang cùng ngõ hẻm Nha Trang. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Đúng rồi, vấn đề là người Trung Quốc và người miền Bắc sống rất gần nhau, ảnh hưởng nhau rất nhiều, từ cung cách, điệu sống cho đến những thói xấu của họ. Và nó xấu như thế nào, chắc tôi không bàn thêm, mà muốn cho sinh động thì chút nữa các anh chị thử đi dạo một vòng, chịu khó ghé các quán, thử gọi món và nhớ hỏi giá trước nha! Lúc đó cậu sẽ hiểu!”

Ông chủ mắm và chút tư lự Nha Trang không có ngày về

Tạm biệt ông Quốc, chúng tôi lại lang thang. Có thể nói rằng Nha Trang là thành phố khá hẹp so với mọi thành phố. Nếu xét trên khía cạnh du lịch thì mọi hoạt động của thành phố này xoay quanh trục đường Trần Phú chạy dọc bờ biển và các con đường xương cá nối tiếp với con đường này.

Lòng vòng các con đường qua Chợ Đầm, thăm Tháp Bà Ponagar, xuống Cầu Đá ghé viện Hải Dương học Nha Trang… Xế trưa, cả nhóm đói bụng và tìm thấy một quán bún bò Huế, thôi thì ghé vào đó cho nó đậm tình miền Trung. 

Nha Trang hiện tại với nhặng xị xe cộ đưa khách Trung Quốc khắp thành phố. 
(Nguyên Quang/Viễn Đông)

Bước vào quán, một người đàn ông chừng 75 tuổi, đon đả chạy ra mời chào, với giọng Bắc Kỳ ngọt lịm: “Dzạ mời các anh chị vào. Dzạ có phở tái, nạm, viên và bún bò Huế, các anh chị dzùng gì ạ?”

Cả nhóm order cụ ông bảy bát bún nạm gân bò Huế cho người lớn và ba bát bún bò nạm Huế cho em bé không bỏ sa tế, ông chủ lại “dzạ” rất lịch sự rồi đi vào trong.

Chừng mười phút sau, có bảy bát bún bò Huế được mang ra và ba bát phở nạm viên. Người trong nhóm lắc đầu: “Hình như bưng nhầm ba bát phở rồi em ơi, vì lúc nãy bàn này gọi ba bát bún bò Huế nạm không bỏ cay cho em bé mà!”

Nha Trang bây giờ. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Cô nhân viên phục vụ im lặng chạy vào bếp, giọng Bắc của ông chủ the thé: “Con nít thì phải ăn phở, nó mềm mới dzễ ăn.”

Cô nhân viên lại chạy ra, chắc là định nói câu của ông chủ mà cô vừa nghe thì có giọng ông chủ nói vói theo, “Họ gọi ba bát phở, tôi nghe zất zõ!” Có vẻ vì vậy mà cô đành phải phớt lờ khách và nói rằng, “Dạ, lúc nãy mấy anh gọi ba bát phở cho em bé, ông chủ nói vậy!”.

Vậy là chúng tôi đành ngậm bồ hòn và nhờ cô ấy cho thêm ba bát bún cho em bé vì mấy đứa nhỏ không ưa phở.

Nha Trang có gì đó phảng phất Bắc Kỳ. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Rời quán, chúng tôi tìm đường đến thăm làng nước mắm truyền thống Bình Tân, ở đây, tiếp chuyện chúng tôi cũng một người gốc Bắc, mà Bắc 1975 chứ không phải 1954, ông Sơn, chủ nước mắm Châu Sơn nổi tiếng ở Nha Trang. Ông là một người đàn ông điềm đạm, sắc sảo và chừng mực, không nhiệt tình thái quá, cũng không lạnh lùng, luôn sẵn sàng trả lời với khách bất kì câu hỏi gì, cách trả lời chân tình, thiện chí.

Khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện dân Bắc, dân Nam ở Nha Trang, ông cười, “Đúng vậy, nhưng không hẳn đúng hoàn toàn. Tôi cũng là Bắc 1975, nhưng tôi yêu biển, yêu người Việt Nam, yêu những hòn đảo trong dải Trường Sa, Hoàng Sa, yêu ngư trường sắp mất vào tay giặc…”.

Khách Trung Quốc ở chợ đêm Nha Trang. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Chú nghĩ sao về chuyện người Trung Quốc và người Bắc làm thay đổi Nha Trang?”

“Người Bắc, ngoài cái dở mà các anh chị đều thấy thì họ cũng có cái hay là tính tiết kiệm. Người Nam có tính hào sảng, phóng đạt nhưng cũng dễ sa đà trong chuyện chơi. Vấn đề là có bao nhiêu người đàng hoàng, tử tế khi vào đây sống mới quan trọng. Đã là người Việt với nhau, ai cũng có quyền sống tử tế và ai cũng có trách nhiệm yêu nước thương nòi!”

“Thời du lịch, tiền bạc dễ kiếm, người ta cũng dễ sinh ra ích kỉ và sống cẩu thả, sống vội. Nhiều khi thấy cũng buồn mà chẳng biết nghĩ sao cho nó thoát!”

Câu chuyện tiếp tục với những tâm tư nghề làm nước mắm truyền thống và cả việc Nha Trang giờ ra sao khi ông dẫn chúng tôi thăm cơ sở làm nước mắm của mình.

Khách Trung Quốc ở các hàng quán hải san. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Trời xế chiều, rời khỏi hầm nước mắm, tạm biệt ông Sơn chúng tôi quay lại đường Trần Phú và ghé thăm tháp Trầm Hương, một trong những công trình có thể được xem là biểu tượng du lịch mới của Nha Trang trước khi ghé chợ đêm. Từ đây có thể nhìn thấy bờ biển Nha Trang trải dài ngút tầm mắt, chạy xuống đến tận Viện Hải Dương Học. Và bờ biển Nha Trang có nét giao thoa giữa bờ biển Đà Nẵng với bờ biển Vũng Tàu, nước trong xanh, hàng dương thơ mộng, nhìn giống Đà Nẵng, nhưng các khu nghỉ mát cao cấp chen chúc nhau trên bờ và có nhiều nơi che những buồng vải trắng thì lại na ná Vũng Tàu. Có vẻ, tuy Nha Trang xây dựng cao cấp hơn Vũng Tàu nhưng cảm giác chen chúc thì giống hệt.

Tầm gần 7 giờ tối, xe cộ rộn ràng hơn. Người Trung Quốc ở đây kéo nhau đi rầm rộ. Có người đi theo tour có người hướng dẫn, có người đi theo nhóm lẻ. Cả những nhóm khách Nga và lâu lắm, cả đoạn dài mới thấy bóng dáng vài vị khách Tây (hiểu theo nghĩa không phải là Nga). Thi thoảng chúng tôi nghe thấy tiếng cãi vã của những đoàn người Trung Quốc chen lấn trong các khu chợ hoặc các ngã tư đường. Lúc này tôi bỗng sực nhớ lại câu nói chua chát của một chị bạn mới quen hồi cùng đi xe, chị này định cư bên Úc cùng chồng và mới về thăm nhà được vài tuần: “Nha Trang giờ nhặng xị lắm em. Nói là về thăm nhà nhưng về đến nơi chị chỉ muốn trốn đến xứ khác. Giờ em ít gặp Tây ở đây lắm, chỗ nào mà Trung Quốc chiếm số đông là khách Tây bỏ đi hết à!”

Thấy một thanh niên làm kem thủ công trong một nhà hàng hải sản khá đẹp, chung quanh anh ta là một nhóm khách Trung Quốc đang chụp hình, quay phim, chúng tôi cũng ghé lại đứng xem, anh chào “nị hạo.” Tôi trả lời, “Người Việt anh ơi!” Sau đó anh ta không nói gì, cũng không thèm nhìn, tiếp tục làm kem. Tôi lấy máy ảnh ra định chụp một tấm như nhóm người kia. Mới giơ máy thì anh nói: “Người Việt không được chụp anh!”

Tôi hạ máy xuống, “Xin lỗi anh vì tôi đường đột không xin phép anh, nhưng cũng vì tôi thấy họ chụp đông quá nên tôi nghĩ anh cho chụp thoải mái!”

“Đúng rồi, cho chụp thoải mái, không cần xin phép, nhưng việc đó cho dành cho khách du lịch!”

“À, dạ, chúng tôi cũng là khách du lịch đây, chụp được phải không anh?”

“Tôi nói là không được, người Việt thì không được chụp!”

Tôi định hỏi thêm anh có phải là người Trung Quốc, nhưng thấy vẻ mặt hung hăng, hai tay lăm lăm cầm dao nĩa (làm kem kiểu Thái) thấy ớn quá, thôi đi cho nó lành!

Một ngày chiêm nghiệm Nha Trang, chúng tôi lướt qua chợ đêm và về khách sạn với đủ thứ câu hỏi trong đầu. 

“Nếu nhạc sĩ Phạm Duy còn sống và đặt thời điểm ông viết bài Nha Trang ngày về vào thời điểm này thì chắc là chết!” Một người bạn trong nhóm nói.

“Chết là chết thế nào?”

“Tìm đâu ra thơ mộng, thánh thiện, tìm đâu ra nhà thờ đá yên tĩnh không bóng người, tìm đâu ra Nha Trang cát trắng biển xanh tĩnh lặng, tìm đâu ra những con người thấy ốc nằm thì suy ngẫm về thân phận, giờ mà ông Phạm Duy thấy cảnh đời nó ăn ốc xì xụp thì có dám mơ tôi như là con ốc nữa không?! Thời thế thay đổi, Nha Trang bây giờ giống như một cổ máy hút tiền và bất chấp nhân tính. Tôi nghe người ta nói nhiều. Giờ tôi thấy nó vậy, đây là không khí chung, tôi vẫn tin rằng còn những chủ nhà hàng, chủ doanh nghiệp tử tế và có tinh thần ái quốc.

Nhưng nó hiếm quá, hiếm đến độ Mẹ Nấm phải cô đơn mà giã biệt quê nhà!”

Câu chuyện tự dưng trở nên trầm lắng hơn, và Nha Trang cũng trở nên xa lạ hơn khi nhắc nhớ hình ảnh Mẹ Nấm, một phụ nữ cô đơn và không lối thoát ngay trên thành phố thân yêu của mình. Cô đơn bởi vì cô quá yêu sự thật, không lối thoát bởi vì cô quá yêu mảnh đất đã sinh ra cô! 

Ôi, Nha Trang không có ngày về!

Nguyễn Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét