Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021
Nắng Và Xuân
NẮNG VÀ XUÂN Thu Tuyết Tôi vẫn nói mùa xuân, mặc dầu nơi đây đang hạ, mùa hạ của một xứ sở thanh bình, nhưng trên bầu trời trong xanh vẫn còn lảng vảng những bóng mây đen. Tuy nhiên, nó không che nổi ánh mặt trời rạng rỡ sáng rực phía bờ đông, nó đem đến cho chúng ta năng lượng sống tích cực, sự vươn lên không ngừng trong một tâm hồn sạch và trái tim nhân bản. Như một qui luật, đêm mãi là đêm. Sau đó là ánh bình minh tưới lên muôn loài, ngày mới bắt đầu, rộn ràng tiếng hót của chim, tiếng cười trẻ thơ. Thế giới vẫn trôi... Ngày có thể dài hơn khi mùa hạ đến và đêm sẽ phủ xuống trần gian khi chiều chưa kết thúc. Cứ thế qua bốn mùa, chúng ta có muôn vàn sắc thái, muôn vàn tâm trạng... để thích nghi. Muốn thay đổi một đêm là ngày thì chỉ có một số vùng hiếm hoi trên trái đất, nhưng nó cũng chỉ được gọi là “Đêm Trắng”. Có nghĩa là bản chất của nó vẫn là đêm, nó chỉ thay hình đổi dạng trong một vài thời điểm nhất định nào đó khi có những tác động của vũ trụ rồi trở vể nguyên thuỷ để thuận theo qui luật của thiên nhiên: Ngày và Đêm mãi mãi là một chuỗi tiếp nối, không tách rời! Tương tự như vậy, Trắng đen tốt xấu thiện ác vẫn luôn tồn tại song hành. Sẽ không ngạc nhiên khi phần CON trong một tâm hồn mạnh lên vào một thời điểm nào đó để thỏa mãn bản ngã thấp hèn với những sân si và ích kỷ. Nhưng vài giây phút khác, chút phần NGƯỜI còn sót trổi dậy để lại một chút ăn năn sám hối cho những hành vi không lý trí, không trái tim. Họ không thoát khỏi bản ngã vô biên của một tâm hồn đen tối, chỉ có những mùa đông triền miên trôi theo năm tháng... Cái họ đạt được là một chút danh ảo của cuộc đời rồi tan biến vào hư vô không một tiếng vọng để lại không trung. Đó là con người bình thường trong thế giới của họ. Phải chăng, đây là lý do cho tôn giáo ra đời. Ngược
lại, trong một thế giới cao hơn, con người ta thăng hoa vào những điều tốt đẹp.
Họ biết đè nén phần CON khi nó hiện nguyên hình và khích lệ phần NGƯỜI cho nó
phát triển. Nếu không làm được cho nhau đôi điều thiện lành thì cũng không
hãm hại nhau. Đừng tưới lên đám cỏ non xanh tươi những thùng nước bẩn. Bởi
thiên nhiên rất diệu kỳ, một cơn mưa sẽ rửa sạch tất cả, trả lại màu xanh cho
đám cỏ, trả lại hương thơm cho đất trời và không gian tươi mát cho muôn loài.
Một cánh hoa dại, một con bọ nâu cũng nhận biết được sắc và hương của trời đất, tôi nghĩ thế, mặc dầu tôi chưa và không bao giờ được đối thoại trực tiếp với chúng; nhưng tôi cảm nhận được qua trái tim. Tôi tin, tất cả những cái tâm thiện và hướng thiện sẽ mãi mãi thấy ánh sáng mặt trời và bóng đêm cũng sẽ mãi là bóng đêm; nó chỉ có thể đẹp hơn khi có ánh trăng vàng vọt, nhưng cũng chỉ có những tâm hồn sạch mới cảm được cái đẹp liêu trai cuả Đêm và Trăng. Ngược lại, Đêm chỉ là bóng tối! Mặt khác, bóng tối cũng là lúc muôn loài yên ngủ để lấy năng lượng cho ngày làm việc kế tiếp, là lúc cỏ cây hoa lá uống những giọt sương trong lành mát dịu; nhưng bóng tối cũng là thời gian che giấu tội lỗi của những tâm hồn vẩn đục, là lúc cho bầy quỉ săn mồi, là nơi chốn cho thế “giới ngầm” hoạt động. Đó là cuộc đời. Ta không mong một xã hội hoàn hảo chỉ có thiện lành ngay thẳng, cũng không mong có môi trường hoàn toàn sạch để ta an bình cư ngụ; nhưng nó như một mảnh vườn, nếu muốn tốt tươi, phải có sự chăm sóc từng ngày. Ngoài phân nước, thuốc diệt sâu bọ... con người còn phải biết nâng niu trò chuyện với chúng bởi chúng cũng có một tâm hồn. Điều đáng chú ý, sự khác biệt với giống người là cỏ cây không làm tổn thương nhau, không xúc phạm nhau cũng không tranh giành những hư ảo của cuộc đời. Theo tôi, đó là lý do cho con người luôn muốn gần gũi với thiên nhiên. Hôm nay, một ngày “xuân” theo cách gọi truyền thống của người Việt chúng ta, nắng vẫn tưới trên muôn loài cây cỏ. Tôi ngửi được mùi thơm của nắng, nhìn được ánh vàng sót lại của chiều tà để đưa tâm hồn về ngôi làng xưa xa lắc của quá khứ, để hồi tưởng và ngâm mình vào vùng tuổi thơ trong vắt hồn nhiên mà tôi không tìm được trong thế giới nhiễu nhương này. Thật lạ, khi tôi đắm chìm vào vùng quá khứ nồng nàn mùi thơm con trẻ thì tôi tìm thấy chính mình trong vùng ánh sáng tuyệt vời ấy. Tôi ôm chặt mảnh hạnh phúc bồng bềnh như những đám mây nhiều hình thù từ trên máy bay nhìn xuống của những chuyến bay khi chưa có nạn Covid xảy ra. Tôi tận hưởng hạnh phúc thoáng qua này như một cơn mưa rào giữa ngày hè nóng bức để rửa sạch vết nhơ đang bám bên ngoài chiếc áo tinh tươm bị vấy bẩn bởi những tâm hồn mục rữa và trái tim vô cảm đang lẫn khuất trong thế giới yên bình của những con người lương thiện. Tôi không ngạc nhiên khi thấy những con sâu len lỏi vào từng ngóc ngách của những đám lá non xanh biếc muợt mà và những bông hoa rực rỡ để thưởng thức hương vị thơm ngon tinh khiết của lá. Nhưng theo qui luật huỷ diệt và sinh tồn, chỉ một cơn gió mạnh thổi qua hay một cơn mưa lớn, đám sâu sẽ bị đưa về vùng trời của nó, trả lại nụ cười hồn nhiên cho những chiếc lá non đáng yêu… Cái Thiện luôn chiến thắng cái ác, không chỉ là thực tiễn cuộc đời mà còn là sự sắp xếp của Đấng Tối Cao. Thiện và ác luôn song hành để đấu tranh cho sinh tồn và huỷ diệt, nhưng nắng và xuân là một cặp song sinh hoà bình làm nên một thế giới sắc màu rực rỡ cho muôn loài chiêm ngưỡng. Tôi mỉm cười và hít thật sâu cái mùi thơm của nắng, ngắm nhìn hương sắc của xuân, một mùa xuân trong hạ của xứ sở Kangaroo thanh bình gió nắng. Melbourne,
2021 Photographer:
Hung Nguyen Designer:
HM |
Tình Xanh
Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021
Cá Tai Tượng Chưng Tương Miền Tây
Nét đặc sắc, sự giản dị của ẩm thực miền Tây chính là sự kết hợp nhuần nhuyển của nhiều nguyên liệu “có gì nấu nấy”, vì thế nhiều món ăn được giới thiệu đều là những sản vật chỉ riêng miền Tây mới có như: lá cách um lươn, gỏi sầu đâu, lẩu mắm cá linh bông điên điển, bần nấu canh chua, gỏi bưởi…
Với sự chăm sóc tận tình về hình ảnh, ngoài việc làm xoa diệu nỗi nhớ quê của những người con xa xứ, còn tham gia vào việc quảng bá nét đẹp của ẩm thực miền Tây, để cả thế giới đều biết đến sự đôn hậu và chất phát của người dân ở “miền đất của những nụ cười” .
Xuân Nguyễn chia sẻ
Trân trọng
NHHN
Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021
Đài Phát Thanh Saigon Dallas - 1600AM Phỏng Vấn Nhà Văn Điệp Mỹ Linh
Kính chào cô Điệp Mỹ Linh, rất
vui được cô nhận lời nói chuyện hôm nay. Cô khỏe không. Houston mưa nắng
ra sao?
ĐML.- Điệp Mỹ Linh
xin trân trọng kính chào quý thính giả, mến chào cô Phượng Vi. Houston mấy hôm
nay trời âm u, mưa nhè nhẹ. Hôm nay nắng, đẹp.
Phượng
Vi.- Thưa cô, cầm cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, Phượng Vi cảm
thấy ngưỡng mộ một phụ nữ tài năng như cô, đã bỏ công viết một cuốn sách
quân đội rất kỹ lưỡng. Để hoàn thành cuốn tài liệu này cô đã mất bao
nhiêu thời gian? Bắt đầu như thế nào để cô có cảm hứng viết được một
tác phẩm đồ sộ và giá trị như thế?
ĐML.- Cảm ơn lời khen tặng của cô. Tôi bắt đầu viết cuốn tài liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 vào đầu năm 1976; xuất bản năm 1990.
Trong thời gian cuộc chiến Việt Nam ở vào giai đoạn quyết liệt, tôi muốn viết tường thuật về những trận chiến trong các vùng sông rạch; vì vậy, tôi thường tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp trên sông của nhiều đơn vị tác chiến Hải Quân. Chính trong các cuộc hành quân hỗn hợp đó tôi mới thấy được tận mắt sự can cường, sự liều lĩnh đến độ phi thường cũng như sự hy sinh vô bờ của người Lính Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.). Cũng chính trong các cuộc hành quân trên sông rạch đã khơi dậy trong tim tôi tình yêu Quê Hương nồng nàn; vì tôi nhận ra vẻ đẹp thầm kín của Quê Mẹ đau thương ẩn hiện trên những dòng sông đầy mìn bẫy do cộng sản Việt Nam (c.s.V.N.) cài đặt.
Từ tình yêu Quê Hương, từ lòng cảm phục của tôi đối với người lính V.N.C.H. và cũng từ biến cố 30 tháng Tư, 1975, nhìn cả Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H. lầm lũi tiến, cố đưa đồng bào và quân bạn thoát khỏi gông cùm của c.s.V.N., tôi dành cho quân chủng Hải Quân V.N.C.H. tất cả niềm thương mến. Thế là những truyện ngắn, tùy bút, hồi ký của tôi thường có liên quan đến Hải Quân.
Nhờ đọc những bút ký và truyện ngắn của tôi, cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc – nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Quân Lực V.N.C.H. – khuyên tôi nên viết về cuộc di tản của Hải Quân V.N.C.H.
Nhận thấy viết về cuộc di tản của Hải Quân năm 1975 là một dự án quá lớn lao, tôi từ chối. Sau đó, bất cứ khi nào gặp tôi, cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc cũng nhắc nhở, khuyến khích tôi viết về cuộc di tản. Tôi chỉ cười.
Hôm dự tiệc tại nhà tôi, Tướng Vĩnh Lộc ở lại sau cùng để kể cho ông Minh – Bố của các con tôi – và tôi nghe về trận chiến hào hùng, đẩm máu tại cứ điểm chiến lượt Pleime, khi Tướng Vĩnh Lộc là Tư Lệnh Quân Đoàn II.
Tôi bị xúc động mạnh về sự chiến đấu hào hùng của quân nhân V.N.C.H. đồn trú tại Pleime. Thế là truyện ngắn Người Trở Lại Pleime ra đời và tôi nhận lời của Tướng Vĩnh Lộc để viết về cuộc di tản mang tích cách lịch sử của Hải Quân V.N.C.H.
Tôi khởi viết cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 bằng những cuộc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại có thu băng. Nhiều vị không đồng ý trả lời qua điện thoại, ông Minh và tôi – vào cuối tuần – phải “bay” đến thành phố các vị đó cư ngụ để tôi lo việc phỏng vấn và ông Minh cũng có niềm vui riêng với bạn hữu.
Tất cả sĩ quan cao cấp, các vị Hạm Trưởng và hầu hết Chỉ Huy Trưởng các đơn vị tác chiến Hải Quân đều hết lòng giúp tôi. Thời điểm đó computer chưa được thông dụng. Tôi phải nghe băng, viết ra, chọn lựa, đúc kết, tổng hợp theo thứ tự đơn vị, thời gian và vùng hành quân. Tôi cũng phải mượn tài liệu từ thư viện Hoa kỳ để tìm hiểu về những chi tiết không thuộc phạm vi Hải Quân V.N.C.H.
Phượng Vi.- Khi liên lạc với cô, được biết phu quân của cô là Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh, ông không thích cô đàn, không thích cô viết, như vậy trong khi cô viết rất nhiều, phỏng vấn nhiều nhân vật, thì cô phải làm sao để hoàn thành nhiều mục như thế? Nhất là trong những trận chiến cuối cùng, một mất, một còn với Việt cộng, như cuộc rút quân tại các vùng duyên hải: Qui Nhơn, Nha Trang, Thuận An, v.v... khi viết những tài liệu đó, cô phải làm sao?
ĐML.- Như phần trên tôi đã trình bày: Tôi không có mặt trong các cuộc rút quân từ vùng I Duyên Hải. Những chi tiết chính xác trong các cuộc rút quân bằng đường thủy dọc theo lãnh hải của V.N.C.H. là do sự tường thuật rất trung thực của tất cả Hạm Trưởng đã tham dự các cuộc chuyển quân và dân từ Vùng I, vùng II Duyên Hải về Phú Quốc và Saigon. Tôi chỉ là người ghi lại, sắp xếp theo thứ tự thời gian và không gian.
Về câu hỏi có tính cách riêng tư, tôi xin xác định: Thời mới lớn, tôi không có ước vọng cầm bút. Từ bé, tôi rất say mê và có năng khiếu về âm nhạc; nhưng Ba Má tôi nhất quyết không cho tôi trở thành nghệ sĩ trình diễn – dù nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Canh Thân đã nhiều lần khuyến khích Ba tôi. Tôi từng đàn Accordéon và hát trong ban ca nhạc Bình Minh, đài phát thanh Nha Trang, từ giữa thập niên 50 đến đầu thập niên 60; dùng tên thật, Thanh Điệp.
Không ngờ, sau đám cưới, ông Minh mới tỏ ý không muốn tôi chơi đàn hoặc tiếp tục đường học vấn – thời điểm đó tôi đang học tại trường đại học Luật Khoa Saigon – vì ông Minh chỉ muốn tôi dành thì giờ cho chồng con.
Thấy tôi buồn vì không chơi đàn nữa, Ba tôi – bút hiệu Điệp Linh – dạy tôi viết văn. Tôi lại không ngờ ông Minh cũng không muốn tôi viết văn; thế là tôi phải dùng vài bút hiệu khác nhau như Nguyễn Thị Kiều Lam, Thủy Điện, Điệp Mỹ Linh.
Tôi đàn, ông Minh có thể biết, vì phát ra
âm thanh; nhưng tôi viết, ông Minh khó biết. Những lần tháp tùng các cuộc hành
quân hỗn hợp, trong khi ông Minh đứng gần mũi chiếc Command để trực tiếp chỉ
huy, tôi ngồi bên trong, quan sát chiến trận và ghi chép. Khi ông Minh đi họp
hành quân, tôi viết, cho vào phong bì, ghi địa chỉ tòa báo, gửi tiền, nhờ mấy
anh hỏa đầu vụ – lúc đi chợ – ghé bưu điện, mua tem, gửi giùm tôi. Đó là lý do
trước tháng Tư năm 1975 tôi không thể viết nhiều.
Sau khi tị nạn tại Hoa Kỳ tôi mới nhận ra
vị thế của người phụ nữ không phải chỉ là cái bếp, ông chồng và đàn con. Thế là
tôi “tuyên chiến” với ông Minh! Ông Minh chỉ im lặng. Sau đó, khi nào ông ấy vui,
ông ấy để yên cho tôi viết; khi nào ông ấy không vui, tôi ra nhà lan hoặc
garage để viết. Đó là lý do tại sao suốt mấy mươi năm qua, cuốn tài liệu Hải
Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 vẫn chưa được dịch ra ngoại ngữ; vì ông Minh bảo
khi thực hiện cuốn tài liệu đó, chỉ tiền máy bay để tôi đi phỏng vấn cũng nhiều
rồi. Gần đây tôi mới tìm được người để chuyển ngữ cuốn tài liệu Hải Quân V.N.C.H.
Ra Khơi, 1975, từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Phượng Vi.- Bây giờ Phượng
Vi xin được trích đọc đoạn Hải
Vận Hạm Hương Giang, HQ 404, Đón Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn
I, trong phần Cuộc Rút Quân Tại
Đà Nẵng, thuộc chương V của phần Những Biến Chuyển Quân Sự và Các Cuộc Rút Quân
để quý thính giả hiểu được phần nào tình cảnh bi đát trong các cuộc rút quân.
“...Khuya 29 tháng
3, khoảng 12 giờ 30, Hạm Trưởng HQ 404 – Hải Quân Trung Tá Nguyễn Đại Nhơn – nhận
được mật lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân: “Chỉ thị HQ 404 đúng 04 giờ 30 sáng 30
tháng 03 năm 1975, vào cách bờ 05 hải lý để đón Trung Tướng Ngô Quang Trưởng,
Tư Lệnh Quân Đoàn I!”
30 tháng 3, đúng 4 giờ sáng, Trung Tá
Nhơn báo cáo đã đến điểm hẹn. Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ thị HQ 404 thả trôi lềnh
bềnh, chờ lệnh trực tiếp từ Tổng Tham Mưu.
8 giờ sáng, không thấy lệnh mới, Trung Tá
Nhơn liên lạc Bộ Tư Lệnh Hải Quân xin chỉ thị; được trả lời: “Cứ lềnh bềnh ở
đó, chờ lệnh.”
10 giờ sáng, Hạm Trưởng HQ 404 sốt ruột,
dùng máy truyền tin PRC25 liên lạc bằng bạch văn với Tư Lệnh Hạm Đội – Hải Quân
Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn – được trả lời: “Tôi không có thẩm quyền gì về chiến
hạm của anh cả. Anh hãy chờ lệnh từ Tổng Tham Mưu. Tuy nhiên, cho anh hay là
Trung Tướng Trưởng đang ở trên bờ, trước mặt anh đó.”
Khoảng 2 giờ trưa cùng ngày, từ Bộ Chỉ Huy
Thủy Quân Lục Chiến ở căn cứ Non Nước, nhân viên canh phòng thấy HQ 404 vào, liền
trình lên thượng cấp.
Biết chiến hạm vào đón, Thủy Quân Lục Chiến
tận dụng phao, poncho và tất cả vật nổi để làm bè. Trung Tướng Ngô Quang
Trưởng cùng bơi ra chiến hạm HQ 404 với những người lính đã từng sống, chết với
Ông qua nhiều chặng đường binh nghiệp gay go!
Trên HQ 404, cũng như tại căn cứ Thủy Quân
Lục Chiến ở Non Nước, Bộ Tham Mưu Thủy Quân Lục Chiến thảo công điện theo chỉ
thị của Tướng Trưởng để gửi về Saigon.
5 giờ chiều, Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ thị HQ 5 – Soái Hạm – đón Tướng Trưởng từ
HQ 404 sang; vì HQ 5 đầy đủ tiện nghi.
Tuy cuộc rút quân thê thảm trong vịnh
Đà Nẵng chưa chấm dứt, nhưng HQ 404 và HQ 5 vẫn chuẩn bị nghi lễ đúng truyền thống
Hải Quân để đưa và đón Tư Lệnh Quân Đoàn I – Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.
Hạm Phó HQ 5 – Hải Quân Thiếu Tá Hồ Văn
Kỳ Tường – mang sang HQ 404 mật điện của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Thiếu Tá
Tường được Hạm Phó HQ 404 hướng dẫn gặp Tướng Trưởng. Tướng Trưởng rời giường
ngủ của đoàn viên, cầm mật điện, xé ra, đọc. Đọc xong, Tướng Trưởng ra lệnh cho
Thiếu Tá Tường: “Báo cáo với Saigon là tôi xin được ở đây với anh em Thủy Quân
Lục Chiến chứ không đi đâu cả.”
Yêu cầu của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
được Tổng Thống Thiệu chấp thuận.”
Thưa cô, ngòi bút của cô đã cho thấy
một cảnh chiến tranh rất khốc liệt một tháng trước khi kết thúc. Khi chứng kiến
những cuộc hành quân, những trận đánh rất bi hùng, lúc ấy và cho tới
khi ghi lại, cô có cảm giác như thế nào đối với quân đội V.N.C.H. nói
chung và quân chủng Hải Quân nói riêng?
ĐML:
Nhờ thấy tận mắt sự chiến đấu can cường và bền bỉ cũng như sự hy sinh vô tận của
người Lính V.N.C.H., lúc nào tôi và ngòi bút của tôi cũng dành cho người Lính V.N.C.H.
tất cả sự trân quý. Riêng về Hải Quân V.N.C.H., tôi nhận thấy có hai sự kiện rất
đặc biệt trong lịch sử cận đại mà các quân, binh chủng khác không có cơ hội để thực
hiện – đó là trận Hải Chiến chống Trung cộng tại Hoàng Sa và cuộc di tản rất bi
hùng, vào cuối tháng Tư năm 1975.
Nhờ cuộc di tản vĩ đại do Hải Quân V.N.C.H.
thực hiện vào cuối tháng Tư, 1975, đài BBC đưa tin, cho nên đồng bào trong nước
mới biết người tị nạn được thế giới Tự Do đón nhận; thế là vạn vạn người liều
chết, trốn khỏi sự trả thù dã man của c.s.V.N. để tìm Tự Do.
Cũng nhờ cuộc di tản bi hùng của Hải Quân
V.N.C.H. và những cuộc vượt biển, vượt biên của người Việt liều chết, trốn chạy
khỏi sự cai trị sắt máu của c.s.V.N. mà ngày nay chúng ta có được thế hệ di dân
thứ hai với những thành quả rất tuyệt vời, trên mọi lãnh vực – kể cả chính trị
và quân sự.
Phượng
Vi.- Khi các chiến hạm rời Việt Nam, hướng về Subic Bay, lúc ấy cô biết
miền Nam đã thất thủ phải không? Quân nhân Hải Quân có tiên liệu cuộc chiến đã đến
hồi chấm dứt hay không? Trên chuyến hải hành cuối cùng, cảm giác của cô ra sao?
ĐML.-
Trong phần phỏng vấn những nhân vật liên hệ đến Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng của Hải
Quân V.N.C.H., Tư Lệnh Hải Quân cuối cùng – Nguyên Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang –
đã trả lời câu hỏi của Điệp Mỹ Linh như thế này: “Lúc đó tôi có ý định đưa gia đình binh sĩ Hải Quân ra tạm trú tại Phú
Quốc để binh sĩ yên lòng trở lại miền Tây chiến đấu chứ tôi không có ý biến Phú
Quốc thành một ‘Đài Loan Việt Nam’…” Câu trả lời của cựu Phó Đô Đốc Chung Tấn
Cang cho thấy rằng Hải Quân và gia đình Hải Quân V.N.C.H. không bao giờ nghĩ rằng
miền Nam Việt Nam sẽ mất vào tay c.s.V.N.
Riêng cá nhân tôi, tôi xin trích một đoạn
ngắn trong bài Nỗi Niềm Của Người Vợ Lính của Điệp Mỹ Linh để nói lên tình cảm của tôi.
Đoạn ấy như thế này: “Năm 1973, sau khi ký hiệp định ngưng chiến tại Paris,
Mỹ rút quân và cắt đứt mọi viện trợ – gồm có vũ khí, quân dụng,
quân trang và tiếp liệu – cho V.N.C.H. trong khi c.s.V.N. vẫn âm thầm
nhận viện trợ quân sự từ Trung cộng và Nga.
Ông Bà mình thường bảo: ‘Hai thằng đánh một, không chột cũng
què’. Thời chiến tranh Việt Nam, V.N.C.H. bị đến ba “thằng” – c.s.V.N.,
Trung cộng và Nga – hùa nhau đánh thì một mình V.N.C.H. chống nổi hay
không?” Đó chỉ là sự lo âu của tôi chứ tôi cũng vẫn không tin rằng c.s.V.N.
sẽ chiếm được miền Nam.
Trên chuyến hải
hành vô định, năm 1975, tôi rất buồn và đau khổ; vì em tôi, bạn hữu của tôi đã
chiến đấu đến cùng, nhưng phải kẹt lại để nhận sự trả thù tàn độc của c.s.V.N.;
và cũng vì em ruột của ông Minh đã tử trận tại Bình Long rồi hình ảnh người Lính V.N.C.H. bê bết máu mà tôi đã thấy tận
mắt tại U Minh, Chương Thiện cứ chờn vờn trong tâm tưởng tôi!
Phượng Vi.- Sau đây, Phượng xin đọc một đoạn ngắn
trong phần Hướng Về Subic Bay để thính giả có thể thấu hiểu được niềm đau khổ
và nỗi thống hận của những người đã bị c.s.V.N. cướp đi phần đất mà chính c.s.V.N.
đã ký Hiệp Ước chia đôi nước Việt, năm 1954: Miền Nam thuộc Quốc Gia; miền Bắc
thuộc cộng sản.
Đoạn ấy như thế này: “… Tối 29 tháng 4, ông Richard Lee Armitage rời Saigon bằng trực thăng
và đáp xuống chiến hạm Blue Ridge thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ.
Tại chiến
hạm Blue Ridge, ông Armitage yêu cầu được gặp Đề Đốc Donald Whitmire, Tư Lệnh Đệ
Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Khi gặp Đề
Đốc Whitmire, ông Armitage thỉnh cầu Đề Đốc Whitmire liên lạc với Ngũ Giác Đài
để được Ngũ Giác Đài xác nhận vai trò của Ông; đồng thời ông Armitage cũng nhờ
Đề Đốc Whitmire xin Ngũ Giác Đài cho phép trợ giúp Hải Quân V.N.C.H.
Sau khi
được Ngũ Giác Đài cho phép, ông Armitage trở lại Côn Sơn với hai chiến hạm Hoa Kỳ,
gặp Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H.. Tại Côn Sơn, ông Armitage chuyển sang Soái Hạm,
HQ 3, và hướng dẫn Hạm Đội Việt Nam đến Phi Luật Tân.
Dù Quân Lực
đã tan rã, dù Quê Hương đã rơi vào tay kẻ thù, dù chưa ai biết mình sẽ đi về
đâu và dù rất nhiều quân nhân Hải Quân không đem gia đình theo được, v. v… truyền
thống Hải Quân vẫn được thể hiện cao độ trong thời điểm bi hùng này! Nếu không
có khối lượng đồng bào và quân bạn trên những chiến hạm; nếu không có những
quân nhân Hải Quân, ban ngày thi hành khẩu lệnh của cấp trên, ban đêm tựa boong
tàu, âm thầm lau nước mắt, nhớ đứa con thơ, thương người vợ trẻ còn kẹt lại quê
nhà thì không ai có thể biết được đây là Hạm Đội của một Quân Lực vừa được lệnh
buông súng, hàng giặc!
Trong
quân sử chưa có cuộc rút quân của bất cứ một đại đơn vị nào mà quân dụng được bảo
toàn tối đa, kỹ luật được tôn trọng tuyệt đối và tình người được dâng cao chất
ngất như Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng của Hải Quân V.N.C.H!
Lúc cử
hành lễ hạ Quốc Kỳ V.N.C.H., tất cả quân nhân và đồng bào hát Quốc Ca trong tiếng
khóc nghẹn ngào. Tiếng hát vang xa trong vùng biển lạ như nỗi đau đang len lỏi
trong từng ngõ ngách tâm hồn! Chiều tím thẫm trên đại dương mênh mông như báo
trước những bất trắc không lường được trong cuộc đời của những kẻ mất Quê
Hương!
Thưa cô, khi đọc đoạn này Phượng
Vi cảm thấy rất ngậm ngùi! Dầu đã thua, nhưng, như đô đốc Hồ Văn
Kỳ Thoại đã nói "Can Trường Trong Chiến Bại" của trận Hoàng Sa. Để
chấm dứt phần nói chuyện hôm nay và tưởng niệm Hoàng Sa ngày 19 tháng 01 vẫn
còn dư âm, mặc dù năm nay covid-19 nên khắp nơi không có buổi lễ lớn tưởng
niệm các chiến sĩ Hoàng sa. Xin cô cho biết trận chiến oai hùng này, mặc dù Trung
cộng đã cưỡng chiếm Hoàng Sa.
ĐML.-
Trước hết, tôi xin xác nhận: Quân lực V.N.C.H. không hề thua c.s.V.N. tại chiến
trường mà chính phủ V.N.C.H. đã thua c.s.V.N. tại bàn hội nghị.
Để minh chứng, tôi xin trích phần Điệp Mỹ Linh
trả lời phỏng vấn do phóng viên Huy Tâm của Hệ Thống Truyền Thông Việt Nam
Hải Ngoại thực hiện. Đoạn ấy như thế này: “… Người Lính
V.N.C.H. đã chu toàn trách nhiệm và bổn phận trước lịch sử. Ai hoài nghi thì mời
người đó xem lại hồ sơ những trận đánh “để đời” của người Lính V.N.C.H. trong
các trận chiến đẩm máu tại An Lộc, Bình Long, Hạ Lào, Cổ Thành Quảng Trị,
Pleime, Tống Lê Chân, Đồng Xoài, Tam Giác Sắt, Vũng Rô, v.v… Với kỹ thuật tác
chiến thần tốc của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh,
v.v… Người Lính và Quân Lực V.N.C.H. chưa bao giờ thua cộng sản Bắc Việt tại chiến
trường mà chính quyền miền Nam đã thua c.s.V.N. tại bàn hội nghị – vì sự tráo
trở, gian manh, lật lộng của c.s.V.N!
Tháng Ba 1975, lệnh rút quân khỏi Cao Nguyên, rồi lệnh rút quân khỏi
Vùng I, Vùng II. Sáng 30-04-1975, ông Dương Văn Minh đầu hàng và ra lệnh người
Lính V.N.C.H. buông súng!
Vào thời điểm nghiệt ngã như vậy, người Lính V.N.C.H. làm được gì khi vũ
khí và đạn dược không được tiếp tế mà lệnh đầu hàng thì đến từ vị chỉ huy tối
cao, Tổng Tư Lệnh Dương Văn Minh? …”
Đề cập đến trận Hải Chiến Hoàng Sa, tôi xin
trích một đoạn ngắn từ bài Góp Ý Với Tướng cộng sản Lê Mã Lương của Điệp Mỹ
Linh. Đoạn ấy như thế này: “… Năm 1973 và 1974, nếu quân Bắc Việt không lợi dụng
thời cơ để tạo nên các trận chiến khốc liệt tại miền Nam Việt Nam thì lực lượng
Hạm Đội của Hải Quân V.N.C.H. không phải bị phân tán mỏng để chuyển đạn ra vùng
này, chuyển quân đến vùng kia, chuyển quân dụng đến vùng nọ, tuần tiễu dọc bờ
biển, tuần tiễu xa bờ, v.v… thì Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H. sẽ huy động các chiến
hạm có khả năng tác chiến cao để đưa ra Hoàng Sa chứ Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H.
sẽ không bao giờ đưa chiến hạm đang đại kỳ hoặc tiểu kỳ (sửa chữa/tu bổ) – như
Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 – ra Hoàng Sa!
Chi tiết này cho thấy, chính nhà cầm quyền
c.s.V.N. và bộ đội cụ Hồ là những kẻ đã gián tiếp tiếp tay với Trung cộng để
Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa của miền Nam Việt Nam.
Phương Vi.- Thời lượng của
cuộc phỏng vấn đến đây đã đủ. Cảm ơn cô.
ĐML.- Điệp Mỹ Linh xin trân trọng cảm ơn quý thính giả đã lắng nghe. Điệp Mỹ Linh cũng xin cảm ơn Ban Giám Đốc đài phát thanh Saigon Dallas, cảm ơn cô Phượng Vi đã dành cho Điệp Mỹ Linh cuộc phỏng vấn này. Kính chào.
Phượng Vi
Quả Tim Thứ 2 Và Thứ 3 Của Con Người Là Gì?
Mỗi con người chúng ta đều có một trái tim, nó có chức năng bơm đều đặn để đẩy máu theo các động mạch và đem dưỡng khí và các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất. Nhưng có nhiều người lại cho rằng con người chúng ta có tới ba quả tim đó là quả tim thứ hai và quả tim thứ ba. Vậy quả tim thứ 2 và thứ 3 của con người là gì? Hãy cùng Huỳnh Mai Tửu tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Nhịp đập của trái tim thứ nhất
Tất cả mọi người chúng ta hiện đang sống, đang làm việc đều nhờ một trái tim thứ nhất hoạt động trong cơ thể. Nếu tim bị suy yếu thì tính mạng bị đe dọa hoặc ngừng đập thì ta sẽ chết.
Sau đây, chúng ta hãy làm một con toán để biết trong cuộc đời chúng ta từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt tim đã đập bao nhiêu lần thì sẽ thấy vô cùng ngạc nhiên, từ đó chúng ta mới thấy thương trái tim chúng ta:
Trung bình 1 phút tim đập 72 nhịp.
Một giờ 60 phút : 72 x 60 = 4.320 nhịp.
Một ngày 24 giờ : 4.320 x 24 = 103.680 nhịp.
Một năm 365 ngày : 103.680 x 365 = 37.843.200 nhịp.
Trung bình con người sống 70 năm : 37.843.200 x 70 = 2.649.024.000 nhịp.
Tức là: hai tỷ sáu trăm bốn mươi chín triệu không trăm hai mươi bốn ngàn nhịp đập trong suốt 70 năm của đời người trong nhân gian. Một trái tim nhỏ bé của mỗi người trong một cuộc đời lại đập liên tục với số lần như thế. Biết như thế để ta nên thương cho trái tim nhỏ bé ấy và nên cộng tác giúp đỡ nó trong công việc tống máu đi nuôi cơ thể, đừng để nó bị suy sớm mà nguy hiểm đến tính mạng.
Quả tim thứ 2 của con người là gì?
Trái tim thứ hai của con người đó chính là "Cơ Hoành". Nghe qua thì ai cũng lấy làm lạ và ngạc nhiên nhưng theo sự phân tích của y khoa Tây Y sau đây chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề :
Thở bụng dưới bằng cơ hoành là biện pháp tối ưu nhất giúp cho trái tim thứ nhất đỡ mệt mỏi gắng sức tống máu đi nuôi cơ thề. Khi hít vào thì phình bụng, cơ hoành hạ thấp xuống làm cho oxygen đến tận cùng màng tim, cơ tim. Trái tim thứ nhất chỉ cần giãn ra rất nhẹ cũng đủ lấy đầy đủ máu.
Khi thở ra bụng hóp lại, cơ hoành bị đẩy lên trên tối đa ép các mạch máu mạnh nhất giúp cho cơ tim co bóp không gắng sức cũng đủ tống máu đi khắp cơ thể một cách thong thả nhẹ nhàng nhất. Cơ tim không cần phải làm việc nhiều như khi thở ngực vì ở đây cơ hoành phụ giúp cho sự co bóp trái tim thứ nhất. Do đó cơ hoành là trợ lý đắc lực nhất cho tim.
Nhờ những tác động đó mà cơ hoành đã chia bớt gánh nặng cho tim và tim sẽ hoạt động bớt lại nên tim sẽ khỏe hơn và tránh được suy yếu theo thời gian. Vì thế mà cơ hoành được gọi là trái tim thứ 2.
Thở bụng dưới cơ hoành cùng với tim giúp đưa oxygen đến khắp các cơ quan nội tạng vùng bụng bên trong. Khi cơ hoành đưa lên hạ xuống theo nhịp thở là một trạng thái massage đều đặn nội tạng và đưa máu đủ đến gan, lách, thận, ruột, bàng quang, tử cung, tiền liệt tuyến, v..v phòng ngừa bệnh ở các tạng này rất hiệu quả.
Giúp chống lại bệnh nhiễm trùng của hệ tiết niệu như thận, bàng quang.
Máu được đưa đầy đủ về vùng chậu như, tử cung, buồng trứng làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh của phụ nữ.
Phổi được co vô và nở ra tối đa, oxy đến phổi đầy đủ nhất nên ngừa được bệnh phổi.
Tiêu hóa: làm tăng chức năng của dạ dày, gan, lách nhất là máu đến đầy đủ dạ dày, lách làm quá trình chuyển hóa thức ăn được dễ dàng và thuận lợi.
Điều hòa thần kinh thực vật do đó huyết áp ổn định.
Khi thở bụng cơ hoành thì sẽ có tác dụng ức chế mọi tạp niệm ở não, chống stress, chống đau, an thần do chất endorphin được tiết ra từ não trong lúc thở bụng.
KẾT LUẬN:
Xuyên qua 10 đặc điểm chính đó ta sẽ thấy cơ hoành xứng đáng là trái tim thứ 2 của cơ thể, chia việc cho trái tim thứ nhất để cho tim khỏe mãi không suy yếu. Thật vậy ở những người tập luyện thở cơ hoành thì có các đặc điểm sau :
Sau một thời gian luyện tập thở cơ hoành, sắc khí của họ hồng hào rõ nhất vì máu đến được tận cùng tế bào.
Nhịp đập của tim giảm lại chỉ còn 60-65 nhịp/phút.
Những nhát bóp của tim chắc chắn và mạnh mẽ có nghĩa là co và bóp đúng chất lượng dù cơ tim không cố gắng.
Khoảng sau một năm dù trong lúc nghỉ ngơi họ không còn thở ngực nữa mà đã có phản xạ thở bụng hằng ngày tự nhiên một cách vô thức dù không nghĩ đến thở bụng. Đó là đích đến thành công nhất trong công việc san sẽ cho trái tim thứ nhất khỏi bị quá tải và suy yếu.
Tóm lại, chúng ta nên thở bụng ngay từ bây giờ ở bất cứ tuổi nào. Mỗi ngày nên để ra 5 - 10 phút luyện thở bụng thì sau một thời gian ta sẽ có thở bụng vô thức như đã nói ở trên.
Tây y đã đồng qui với Khí Công trong sự thở bụng để bảo vệ sức khỏe và trái tim nhỏ bé của chúng ta và nên nhớ thở bụng là cứu cánh của khí công nói riêng và y học phương Đông nói chung.
Quả tim thứ 3 của con người là gì?
Trái tim thứ ba của con người đó chính là lòng bàn chân. Chắc các bạn ngạc nhiên lắm phải không ? Xin hãy đọc những lợi ích của nó về mặt đông - tây y thì sẽ rõ.
Về mặt Tây y:
Lòng bàn chân là nơi có nhiều mạch máu, mao mạch ngoại biên nhất, có cả hàng ngàn mao mạch. Nếu máu ở đây được cung cấp tốt thì ta sẽ khỏe hơn và nếu lòng bàn chân được kích thích nhiều thì các mao mạch ở đó sẽ dãn nỡ, oxygen đến tận cùng tế bào đầy đủ nhất. Kết quả huyết áp sẽ hạ trong chừng mức sinh lý và máu ra ngoại biên nhiều hơn, bệnh tật ít có cơ hội phát triển. Nhất là trái tim đỡ phải tống máu tối đa vì các mao mạch lòng bàn chân dãn nỡ sẽ làm cho máu tự động đi ra ngoại biên hơn là cần lực tim co bóp mạnh đẩy máu đi đến đó
Hơn nữa lòng bàn chân ở một vị trí thấp nhất của cơ thể nên các mạch máu ở đây khi dãn nỡ thì sẽ tạo một lực hút mạnh kéo máu khắp châu thân đi xuống và ra ngoại biên rất đầy đủ mà không cần đến lực bóp nhiều của tim do đó có thể trợ lực cho tim một cách hữu hiệu. Tim không cần phải cố gắng mà chỉ cần những nhát bóp nhẹ nhàng cũng đưa máu ra ngoại biên, tim sẽ khỏe và bền vững với thời gian mà không suy yếu lúc tuổi chưa già hoặc tuổi đã già.
Nếu để cho lòng bàn chân lạnh thì các mạch máu ở đó sẽ co lại càng làm cho oxy không ra đủ ngoại biên và tim phản ứng lại bằng cách tăng cường lực co bóp, lâu ngày sẽ làm tim yếu và suy. Thực hiện ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ ở một vài bài tập dưỡng sinh hay dùng máy sấy tóc sấy ấm lòng bàn chân, cũng là cách làm cho mạch máu ở bàn chân giãn nở giúp đưa máu ra ngoại biên dễ dàng, đó là cách giúp cho trái tim chúng ta đỡ phải làm việc nhiều và cũng giúp tuần hoàn châu thân đầy đủ, oxy có mặt khắp mọi nơi tốt cho sức khỏe.
Những người thôn quê làm ruộng làm rẫy đa số có trái tim khỏe nhất, già 90 tuổi mà tim vẫn mạnh mẽ. Đó là do suốt cuộc đời họ luôn đi chân đất làm ruộng, rẫy, lòng bàn chân họ dẫm lên đá, sỏi và mặt đất đủ mọi địa hình. Vô tình kích thích lòng bàn chân một cách tự nhiên và kết quả giúp cho trái tim như đã nói ở trên
Ở thành phố, luôn mang giầy, dép nên lòng bàn chận không được kích thích, họ đành phải tập mỗi đêm đi trên sỏi đá bằng chân trần, ngâm chân nước nóng hay đấm vỗ, massage... để tạo kích thích như đã nói.
Về mặt Đông y:
Lòng bàn chân là nơi chứa các huyệt đạo đại diện cho toàn thể cơ quan nội tạng trong cơ thể. Chúng ta sẽ giật mình khi thấy sơ đồ cơ quan nội tạng dưới lòng bàn chân là một cửa ngỏ của cơ thể rất ư là quan trọng mà lâu nay chúng ta thường hay bỏ qua.
Nhất là các kinh mạch đi xuống chân là phải qua lòng bàn chân
Muốn các cơ quan tim, phổi, gan, lách, dạ dày, tai mũi họng, ruột, thận, tử cung, buồng trứng, dịch hoàn, não..v..v…khỏe mạnh thì phải chú ý đến lòng bàn chân. Phải kích thích nó để đả thông nội tạng mà khi nội tạng được đả thông thì lưu lượng máu đến cơ quan càng nhiều và đầy đủ do chính sức hút của các cơ quan nội tạng đó mà không cần tim phải dùng sức bóp nhiều. Từ đó tim được thư giãn, hoạt động nhẹ nhàng cũng làm đủ chức năng của nó nên không bị suy yếu theo thời gian.
Thực hành ở lòng bàn chân thế nào cho hiệu quả?
- Đó là mỗi ngày nên để ra 3 - 5 phút theo thứ tự: ĐẤM – VỖ - XOA
- ĐẤM: khắp cả mỗi lòng bàn chân không sót một chỗ nào trên đó với một lực khá mạnh để đả thông toàn bộ cơ quan nội tạng. Đấm từ 50 - 100 lần
- Vỗ: cũng khắp cả lòng bàn chân 50-100 lần
- Xoa: xoa khắp lòng cho nóng từ 50-100 lần
- Bấm huyệt dũng tuyền ở vị trí 1/3 trên của lòng bàn chân. Bấm day bằng ngón cái từ 15-30 giây để bồi bổ kinh thận là tiền đề cho trường thọ vì thận là gốc của sự sống vế mặt đông y.
- Nếu ta bị yếu hoặc bệnh ở cơ quan nào thì đấm-vỗ-xoa nhiều hơn cho cơ quan đó trên lòng bàn chân
- Tất cả các thao tác chỉ mất 3-5 phút mà thôi
- Thật vậy, các bạn cứ thử xem, mỗi buổi sáng làm như vậy thì cả ngày sẽ cảm thấy khỏe hơn, làm việc không biết mệt. Cứ thử xem nhé, không tốn thời gian bao nhiêu mà có lợi cho sức khỏe….
Tóm lại chúng ta có 3 quả tim : Quả tim trên lồng ngực, Cơ hoành, lòng bàn chân. Nên phối hợp nhịp nhàng bằng cách: Thở bụng cơ hoành, đấm vỗ xoa lòng bàn chân là phương pháp giúp cho trái tim thứ nhất thật sự của chúng ta không bao giờ bị suy yếu, trường thọ với thời gian….Đó là cốt lõi của Khí Công nói riêng và y học phương đông nói chung.
Nguồn (Facebook: Phuong Tran)
Dựa Dẫm
Ta không bao giờ tách ly tuyệt đối với sự yểm trợ và nuôi dưỡng của những điều kiện bên ngoài, nhưng ta vẫn không xem đó là cơ hội để thiếu đi trách nhiệm lèo lái con thuyền đời mình.
Ngọn đèn sẽ tắt
Đời sống là phải có sự nương tựa qua lại, vì bản chất của mọi sự vật trên thế gian này vốn không thể tồn tại riêng biệt. Trong những bước đầu bỡ ngỡ, hoặc khi gặp những nghịch cảnh lớn lao mà bản thân ta không đủ sức chống chọi, thì sự hỗ trợ hết lòng và hợp lý của những đối tượng xung quanh luôn là nhu cầu rất thiết yếu. Nó sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho ta ổn định và đi tới. Nhưng nếu cảm xúc tốt từ sự nương tựa ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ hình thành trong ta thói quen khiến ta không thể nào buông bỏ được hoặc ta cũng không hề có ý thức buông bỏ. Ta đã rơi vào tình trạng "nghiện cảm xúc". Thiếu cảm xúc ấy ta luôn thấy chới với và bất an. Tình trạng này chính là sự dựa dẫm.
Có một cậu bé mù đến nhà người bạn chơi. Do mải mê trò chuyện nên cậu bé không hay trời đã tối, người bạn liền thúc giục cậu bé hãy mau ra về và đưa cho cậu bé một cây đèn. Cậu bé tức cười hỏi: "Anh đưa cây đèn cho một kẻ mù như tôi để làm gì?". Người bạn liền giải thích: "Anh cầm cây đèn này người ta thấy anh thì họ sẽ tránh". Nghe có lý, cậu bé vui vẻ cầm cây đèn ra về. Cậu bé mạnh dạn lao thẳng về phía trước vì tin chắc rằng hôm nay ai cũng sẽ tránh mình. Nhưng chẳng bao lâu, có một người đâm sầm vào cậu và cả hai đều ngã nhào. Vừa đau vừa tức, cậu bé hét lên: "Bộ mù sao không thấy cây đèn của tôi vậy?". Người kia ôm bụng cười ngất: "Cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi anh mù ơi!".
Tự thân cậu bé mù có thể đi đường vào ban đêm cũng như ban ngày bằng kỹ năng đặc biệt mà cậu từng luyện tập. Nhưng từ khi được trao cây đèn, thay vì phối hợp cả hai thì cậu bé lại dựa hẳn vào cây đèn mà bỏ qua tài năng dò đường khéo léo của mình. Không thấy được chân tướng của cây đèn, không hề biết nó còn dầu nhiều hay ít hoặc có thể sẽ bị gió thổi tắt bất cứ lúc nào, vậy mà cậu bé cứ tin tưởng vào nó một cách tuyệt đối. Đến khi ngã một cú đau điếng rồi mà cậu bé vẫn chưa hay cây đèn đã tắt, lại còn đổ thừa kẻ khác. Thật tội nghiệp!
Bản thân ta cũng có thể tìm thấy giá trị hạnh phúc bằng chính những kỹ năng đã được rèn luyện của mình, vì hạnh phúc chân thật vốn là sự bình yên và vững chãi trong tâm hồn. Nhưng từ khi cuộc đời tạo ra quá nhiều "cây đèn" tiện nghi vật chất và tinh thần, ta đã mê mẩn và bám chặt vào chúng. Ta dành hết thời gian, năng lực để sắm sửa và nâng niu chúng. Ta tức giận hay thù nghịch nhau cũng vì chúng. Ta loanh quanh hết cả kiếp người cũng vì chúng. Ta để cho những thứ phương tiện tạm thời ấy biến thành mục đích cao cả của cuộc sống, mà quên mất bản chất của những "cây đèn" ấy luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh. Như ta vẫn thường thấy tiền bạc rồi cũng có lúc đầy lúc vơi, danh dự thì cũng có khi vinh khi nhục, sắc dục thì cũng có lúc hấp dẫn lúc chán chường. Khi đánh mất hay không còn yêu thích những cảm xúc ấy nữa, ta mới thấy nương tựa nơi chính mình là an ổn nhất. Tiếc thay, những phẩm chất quý giá trong tâm hồn ta khi ấy có thể đã bị chai cứng trong quá trình ta nạp vào những cảm xúc hưng phấn từ bên ngoài. Tuy chúng có thể hồi sinh, nhưng ta phải tìm đúng cách và quá trình khơi dậy rất gian nan. Đó là cái giá mà khó ai có thể ngờ được.
Cũng như khi ta vấp phải cục đá thì não bộ sẽ tiết ra chất endorphin để hóa giải bớt cảm giác đau đớn; hoặc khi ta suy nghĩ đến mức quá căng thẳng thì não bộ sẽ tiết ra chất sérotonin để làm êm dịu thần kinh. Bản thân ta có khả năng tự chữa trị rất cao. Dựa vào cấu trúc này, ngành y dược đã chế ra những loại thuốc chống trầm cảm như Prozac, Paxil để giúp ta hóa giải bớt những cảm xúc xấu mà bản thân ta ngay lúc ấy không thể chữa trị. Nhưng điều nguy hại là các loại thuốc kích thích đó sẽ làm rối loạn các chu kỳ sinh học của cơ thể, tiêu diệt các tế bào thần kinh và có thể làm hỏng luôn cả bộ nhớ. Tai hại hơn nữa là sau một thời gian dùng thuốc, cơ chế thích nghi của não sẽ ra lệnh cơ thể giảm hoặc ngưng hẳn tiến trình sản xuất endorphin và sérotonin tự nhiên. Khi hàm lượng kích thích bất ngờ giảm xuống, nó sẽ tạo ra một cảm giác cực kỳ khó chịu và bức ép ta phải nạp thêm một lượng cần thiết. Tình trạng nghiện ngập đã bắt đầu xảy ra.
Chính vì lẽ đó, các cơ quan quản lý dược phẩm như FDA của Mỹ đã ra lệnh cấm sử dụng những loại thuốc này, hoặc chỉ được dùng trong những trường hợp đặc biệt dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Những kẻ lợi dụng các loại thuốc heroin, morphine hay cocaine có cấu trúc tương tự như hai nội tiết tố trên có thể thăng hoa cảm xúc lên tới tuyệt đỉnh. Nhưng chỉ sau vài lần dùng thuốc, họ đã trở thành những con ma nghiện thuốc đến điên cuồng và mất hết nhân tính. Thật khó tin linh dược cũng có thể biến thành độc dược.
Làm chủ đời mình
Những người có cấu trúc tâm lý yếu đuối thường bộc lộ khuynh hướng dựa dẫm ngay từ nhỏ. Được ai làm giúp cho là ta rất thích thú. Ta nghĩ như thế mình sẽ đỡ mất thời gian, công sức và cả việc động não. Nhiều bậc cha mẹ vì quá yêu con nên không dám để con mình làm việc vất vả, dù đó chỉ là những công việc rất căn bản mà mỗi đứa trẻ phải tự trải nghiệm. Nên khi lớn lên ta luôn gặp rắc rối trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn. Khi làm việc, ta luôn tìm mọi cách để được cấp trên chú ý và nâng đỡ. Khi tiếp xúc với mọi người, ta luôn mong được công nhận và khen thưởng. Khi yêu, ta luôn bị cuốn hút và đồng hóa vào đối tượng. Thói quen tin tưởng vào sự thuận lợi từ điều kiện bên ngoài dần ngấm vào con người ta, rồi nghiễm nhiên trở thành một loại tính nết hay một phong cách sống. Chỉ đến khi đối tượng dựa dẫm không còn nữa, ta bị hụt hẫng hoàn toàn thì ta mới sực tỉnh.
Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng có nhiều cơ hội để dựa dẫm vào máy móc. Ai mà chẳng thích sự tiện lợi? Ở những nước kinh tế phát triển cao thì những việc cỏn con người ta cũng dùng đến máy móc. Máy móc gần như trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng càng dựa vào máy móc bao nhiêu thì ta càng đánh mất khả năng vốn có của mình bấy nhiêu. Nhiều cuộc khảo nghiệm cho thấy hầu hết những người "nghiện máy móc" thường rất lười biếng vận động tay chân, lười biếng ghi nhớ và tư duy sâu. Do đó, số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng và số người đãng trí cũng gia tăng. Ta cũng rất tin vào bảo hiểm. Tưởng đã có công ty bảo hiểm lo thì mọi lĩnh vực sinh hoạt của ta sẽ đều rất an toàn, chỉ cần kiếm tiền đưa cho công ty bảo hiểm là được. Nhưng sự thật là công ty bảo hiểm chỉ chi trả những khoản phí tổn khi ta gặp những tai nạn rủi ro mà thôi, họ không thể giúp ta lành lặn hay chia sẻ những vấn đề sâu sắc. Thế nên, khi cần phải kiên nhẫn lắng nghe người khác hay làm chủ cảm xúc nóng giận của mình thì ta hoàn toàn không có một kỹ năng nào để ứng phó. Ta đành chịu thất bại.
Nhiều người tìm tới môi trường tâm linh nương tựa sau những thất bại nặng nề do những tranh chấp trong cuộc sống. Họ tin rằng đối tượng lần này là những bậc thánh, nên chắc sẽ không làm cho họ thất vọng như con người. Nhưng thái độ nương tựa đã biến thành dựa dẫm khi họ chỉ có niềm tin mãnh liệt mà bản thân không hề có sự luyện tập và chuyển hóa nào. Tu tập mà ngày càng đánh mất niềm tin vào chính mình, phó thác hạnh phúc và tương lai đời mình cho kẻ khác thì đó chắc chắn không phải là thái độ tu tập đúng đắn. Có những người siêng năng nghiên cứu và thậm chí học thuộc rất nhiều giáo lý thâm sâu, rồi cố tạo cho mình cách nhìn hay cách sống thật khác với mọi người. Nhưng rốt cuộc họ cũng vẫn gặp vô vàn khó khăn với những vấn đề trong chính họ hay với những người thân sống bên cạnh. Bởi thái độ ấy chỉ là sự "ăn mày chân lý" để tạo cho mình một chân dung đẹp đẽ, một kiểu tô vẽ cho cái tôi đầy tự hào và cách biệt với mọi người. Họ vẫn chưa từng có một trải nghiệm nào của riêng mình. Họ tuyệt đối tin tưởng và dựa hẳn vào giáo lý, trong khi giáo lý chỉ có giá trị như tấm bản đồ hướng dẫn con đường đi tới hạnh phúc. Tự bản thân giáo lý không phải là hạnh phúc.
Khi ngã quỵ hay không thể đứng vững vì phải tách ly ra khỏi đối tượng, tức là ta đã bị đối tượng ấy thao túng chủ quyền sống của ta rồi. Đối tượng ấy có thể là bậc thánh, là những người rất mực thương yêu ta, hay là những kẻ đang rất tài giỏi. Nhưng rốt cuộc họ cũng không thể nào gánh chịu và giải quyết được những khó khăn bế tắc trong ta. Họ chỉ đóng vai trò tác nhân, chứ không phải là chủ nhân trong khu vườn tâm của ta. Ta chỉ cần đến sự trợ giúp ấy trong những lúc ta đã cố hết sức mà không thể vượt qua nổi tình trạng bức ngặt. Vì nếu đã từng trải nghiệm, ta sẽ thấy rõ mối nguy hại của sự nương tựa là rất dễ khiến ta yếu hèn. Nên ta thà chấp nhận hư hao công việc hay tài sản, chứ nhất định không nhờ vả kẻ khác. Còn nếu lỡ ta là kẻ ham thích sự thành công và nổi bật nhưng lại không muốn dựa vào sức lực của mình thì ta phải chấp nhận cái giá điêu đứng của sự vay mượn. Khi ấy, tuy có quyền lực và tài sản, nhưng ta không thể tận hưởng cuộc sống vì phải luôn tìm mọi cách để làm vui lòng kẻ có quyền lực hơn. Ta vẫn chưa có cái gì là vững chãi của riêng mình.
Thôi, chuyến lưu đày như thế cũng quá đủ rồi. Đã đến lúc ta phải can đảm tự giải thoát mình ra khỏi những cảm xúc nghiện ngập để tìm lại giá trị tự do đích thực của kiếp sống con người. Tiến trình ấy quả thật rất gian nan. Mỗi khi phải dứt khỏi một "cây đèn" phương tiện là ta phải đón nhận những cảm xúc rất đau nhức. Nhưng ta sẽ cảm thấy thật bình yên và tự tin ngay sau đó, vì ta đang trên đường trở về khôi phục chủ quyền sống của mình. Khi tỉnh ngộ ra rồi, những hào quang hấp dẫn của tiền bạc, danh dự hay sắc dục sẽ không đủ sức khiến ta phải đánh đổi tiếp phần đời còn lại của mình. Dù mãi mãi ta không bao giờ tách ly tuyệt đối với sự yểm trợ và nuôi dưỡng của những điều kiện bên ngoài, nhất là những người thân yêu, thì ta vẫn không được xem đó là cái cớ để thiếu đi trách nhiệm lèo lái con thuyền đời mình. Lúc nào thấy mình không còn đủ sáng suốt và mạnh mẽ để tiếp tục phối hợp nhuần nhuyễn giữa những "cây đèn" và năng lực của bản thân, thì hãy can đảm buông bỏ "cây đèn" bằng mọi giá để ưu tiên quay về giữ lấy vị trí làm chủ đời mình.
Rồi mùa thu sẽ tàn
Dòng sông xưa cũng cạn
Về nương tựa đời mình
Mênh mông cùng năm tháng.
Đi như một bầy chim
Vượt vùng trời băng giá
Đừng một mình ra khơi
Biển đời nhiều sóng cả.
Xuân Nguyễn chia sẻ