Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Tản Mạn Cuối Năm Cùng Dòng Sông

 


 

TẢN MẠN CUỐI NĂM CÙNG DÒNG SÔNG 

Thu Tuyết 

Khi nói đến Dòng Sông, có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng được nghe hoặc đọc qua tác phẩm nổi tiếng “Câu Chuyện Dòng Sông” của Herman Hesse, người được giải thưởng Nobel Văn học và giải Goethe năm 1946. 

Ly cũng không là ngoại lệ, cô đã gặm nhắm từng câu từng chữ và thả hồn theo dòng tư tưởng của tác giả qua những lời hội thoại. Cô như bị mê hoặc, bị dẫn dắt vào cõi thiền định, một cảm nhận sâu sắc và thú vị chưa từng có bao giờ. 

Lúc còn là một cô gái hồn nhiên với cuộc đời, với tình yêu cho và nhận; Ly đã đọc nhưng chỉ đón nhận nó như cơn gió thoảng trưa hè, đem lại một chút dịu mát cho tâm hồn còn non nớt. Năm tháng trôi qua, Ly nếm trải đủ mùi vị: hạnh phúc, khổ đau, có lúc bế tắc và chìm sâu trong cô đơn. “Câu chuyện Dòng Sông” như một bóng mát giữa sa mạc mênh mông cho tâm hồn Ly trú ngụ để đợi chờ một đồng hành trong tư tưởng và trong yêu thương. 

Thế rồi một Dòng Sông đã đến với cuộc đời Ly như một kết nối với “Câu Chuyện Dòng Sông” của ngày nào. 

Đã bao mùa xuân đi qua bên Dòng Sông Maribyrnong với những buồn vui mà Ly đã trải lòng cùng nó. Mỗi sáng kéo rèm cửa ra, cô và Sông hân hoan đón ánh bình minh, ngắm đàn Hải âu là đà trên mặt nước. Hoàng hôn xuống, Ly lang thang dọc bờ Sông để ngắm mặt trời chui dần vào bóng tối và lắng nghe câu chuyện của nó. Tối đến, những đêm không ngủ, trong lặng lẽ, cô đã hàn huyên cùng Sông những trăn trở cuộc đời. Biết bao đêm như thế. Lâu dần Sông trở thành người bạn đồng hành tư tưởng mà cô hằng mong đợi. 

Sáng nay Ly hỏi nó: “Sông nghĩ gì khi một năm đã đi qua với bao biến cố xảy ra cho loài người như: dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh... đặc biệt là nỗi khổ của người dân nghèo?” 

Sông ngước nhìn bầu trời và nói: “Dịch bệnh ư? Từ đâu và vì đâu? Một nước đông dân nhất hành tinh đã sản sinh ra con Virus khuyết tật rồi che dấu nó, làm đảo điên thế giới, giết hàng triệu người dân, để lại hàng loạt mồ côi: mồ côi cha, mẹ, ông, bà, chồng, vợ… 

Hậu quả, làm điêu đứng nền kinh tế toàn cầu dẫn đến người lao động thất nghiệp, đời sống thiếu thốn, bệnh tật, đói nghèo, gia đình tan vỡ... 

Chính trị gia của một nước hùng mạnh nhất thế giới thì tận dụng cơ hội này xem nó như một loại vũ khí hiện đại nhất để hãm hại đối thủ, tranh giành quyền lực, bất chấp những tang thương đổ xuống người dân vô tội. Nhóm quyền lợi vì lợi ích cá nhân cũng đồng tình gây nên tội ác.

Thiên tai đến từ đâu? Từ trời! Đúng rồi! Ông Trời là nơi loài người có thể nói bất cứ điều gì mà không sợ phản bác, chống đối hay thù hận. Lúc đắm chìm trong hạnh phúc mấy khi loài người nhớ đến Ông, nhưng luôn gọi tên Ông khi đau khổ tột cùng! Và bất cứ lúc nào cần, con người đem một thứ gì đó ra để thương lượng trao đổi với Ông. Khi tuổi xế chiều thì bằng mọi giá phải mua một mảnh đất trên miền cực lạc. Có cầu thì phải có cung, nên ngày càng có nhiều hơn những nhóm người mua bán bất động sản “vô hình, vô minh” nhằm đáp ứng nhu cầu người mua!

Loài người quên rằng; Thiên tai ngày càng dữ dội, một phần cũng do con người gây nên qua nạn phá rừng, diệt thú, phá hoại môi sinh... Lũ lụt ập về gieo rắc tang thương, dân lành đói khổ. “Lá lành đùm lá rách” cũng chỉ giúp trong lúc ngặt nghèo, làm sao xoá được cái nghèo triền miên đeo bám người dân chơn chất!” 

Sông trầm ngâm một lúc rồi tiếp: “Quê hương Ly , sự phân hoá giàu nghèo ngày mỗi lớn hơn. Những từ đẹp nhất luôn được lập đi lập lại quanh năm để trấn an người dân, nhưng sau cùng chúng cũng chỉ là những danh từ! Đã từng một thời, người dân sống dựa vào những mảnh giấy khen, giấy chứng nhận thành tích... Chỉ cần ngày ba bữa nhìn vào khung hình có lồng những mảnh giấy đó treo trên tường là phải no, thay cơm. Nhưng than ôi! “Vật chất có trước ý thức có sau” mà, những món ăn tinh thần ấy lâu ngày bào mòn sức mạnh tinh thần lẫn ý chí của con người, kể cả những anh hùng thời đại!” 

Ly hỏi tiếp: “Điều gì xảy ra khi tinh thần và ý chí bị bào mòn?”

Thoáng buồn, Sông nói: “Là lúc tinh thần đấu tranh cho sự sống nói chung, cũng bị huỷ diệt. Mặc dầu trong sâu thẳm ẩn chứa sự kìm nén, nhưng họ có vẻ an phận chỉ mong sao được bình yên với một đời sống mấp mé cái đói. Một sự mâu thuẫn luôn dày vò họ bởi những bất lực phủ quanh cuộc đời khốn khó”. 

Hermann Hesse đã từng viết: “Tất cả mọi hình dáng trong cuộc đời luôn biến đổi không ngừng, nhưng nó vẫn nằm trong một thực thể nhất định. Đó là sự sáng tạo và huỷ diệt: trong sơ sinh có tiềm ẩn tuổi già, trong sự sống tiềm ẩn cái chết. Đó là hạnh phúc và khổ đau của luật vô thường; là sự biến hoá, tái sinh để tạo ra cái mới. Chỉ có thời gian là đứng giữa hai thái cực” (Wikipidea: Siddhartha). 

Vậy thì, Dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, đói nghèo... và gần hơn là tính cách tốt, xấu của từng con người trong mỗi dân tộc; tất cả nằm trong qui luật sáng tạo và huỷ diệt của luật vô thường. Rồi sẽ thay đổi thôi. Ly tin vậy! 

Từ Thế chiến thứ nhất (1914-1918), Thế chiến thứ hai (1939-1945), Đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918), những cuộc chiến giữa các quốc gia và rất nhiều dịch bệnh thiên tai khác nữa, đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng; nhưng có vẻ như chưa có loại dịch bệnh nào tinh vi, làm cho loài người đảo điên như SARS-CoV-2 hôm nay. Có phải luật biến hoá của vô thường ngày một tăng độ nguy hiểm, tang thương hơn và thiệt hại nhiều hơn. Giá như Hermann Hesse sống lại và viết tiếp Câu Chuyện Dòng Sông 2 thì Ly đã có câu trả lời cho những biến cố này. 

Ly buồn bã hỏi Dòng Sông: “Nếu như loài người được giáo dục kỹ và tuân thủ nghiêm ngặt những lý thuyết của tôn giáo, những học thuyết, tư tưởng, kiến thức uyên thâm... thì thế giới này có bình yên?” 

Sông đăm chiêu một lúc rồi trả lời: “Qua nhân vật Siddhartha (được dịch là Tất Đạt) trong “Câu Chuyện Dòng Sông”, Herman Hesse đã nhắn nhủ đến chúng ta rằng: Tất cả những giáo lý, tư tưởng, kiến thức uyên thâm… cũng chỉ là những danh từ. Bởi sẽ không ai có thể truyền đạt được những điều bí ẩn bằng ngôn ngữ mà phải qua sự nếm trải từ kinh nghiệm của bản thân”.

Ly hỏi tiếp: “Có nghĩa hãy cứ để loài người nếm trải những điều tồi tệ nhất; gặm nhắm những nỗi đau từ mất mát và tổn thương cho đến khi có đủ những trải nghiệm thì thế giới sẽ sống trong yên bình?” 

Sông sôi nổi: “Có những ngày Sông phải hứng chịu những cơn mưa như thác đổ, rồi những ngày cuồn cuộn gió giông và cũng có những ngày mưa lăn tăn từng hạt nhỏ hay những ngày nắng chảy bốc hơi... Cứ thế trải qua hàng nghìn năm nên nó không còn là những cơn cuồng nộ của thiên nhiên mà là sự sáng tạo cho đời Sông phong phú. 

Cũng từ đó Sông thấy được cái hay và cần thiết trong mỗi biến cố, nên Sông yêu thương tất cả; từ những cơn giận dữ của thiên nhiên đến những chiều tà yên ả với vũ điệu của bầy thiên nga đã làm nên sắc màu cho cuộc sống. An bình là đây, nó đến từ sâu thẳm của tâm hồn và khát khao yêu thương”. 

Ngừng một chút, Sông tiếp lời: “Vì thế giới là những mắt xích được gắn liền nhau bởi luật vô thường như sự sống và cái chết, sinh thành và huỷ diệt; nên mọi điều trong cuộc sống luôn là phiến diện, không hoàn hảo. Trong một con người không thể chỉ tồn tại thánh thiện hoặc tội lỗi, mà là một sự kết hợp cả hai” 

Bao nhiêu hình ảnh méo tròn, bao nhiêu khuôn mặt người trắng đen thật giả lướt qua tâm trí Ly, với những buồn vui hờn trách cùng những tổn thương đau đớn mà họ vô tình hay cố ý đã gây ra cho Ly. Tất cả nằm trong phạm trù phiến diện mà chúng ta là những hình hài luôn đi giữa hai vùng tốt xấu, trắng đen, thánh thiện tội lỗi; để đấu tranh vươn tới cái tận cùng của miền an lạc.

“Đúng vậy”, Ly nhận ra rằng: “Chúng ta không nên kỳ vọng vào tính tuyệt đối của bất cứ sự vật nào trong vũ trụ. Vậy sao ta không yêu thương để nâng tâm hồn lên, ngay cả sự điên dại của thế giới này. Từng ngày như thế, chúng ta sẽ đạt được cái tiệm cận của sự hoàn hảo”. 

Một cơn gió đi qua, mặt Sông lăn tăn chút sóng gợn. Năm mới đã gần kề, đang ngấp nghé ngoài hiên chờ tiếng pháo giao thừa với những bông hoa rực rỡ trên nền trời đêm. Ly quay về góc nhỏ của tâm hồn, nhìn Sông, thầm nói: “Cám ơn Sông, người bạn tuyệt vời đã dạy cho Ly biết lắng nghe với tâm tĩnh lặng, mở rộng lòng để vị tha. Dạy Ly sống thật đẹp cho hôm nay vì nó chính là quá khứ của ngày mai, là bức tranh phong phú sắc màu của con đường phía trước”. 

Cám ơn Dòng Sông và câu chuyện đẹp của ngày cuối năm! 

Melbourne, Xuân 2021

Photographer: Hung Nguyen

Designer: HM

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét