Bơi lội không chỉ trị bệnh tâm lý mà còn giúp cơ thể được đẹp, hấp dẫn như phụ nữ này. (Getty Images)
CĂNG THẲNG, KÍCH THÍCH VÀ TRẦM CẢM
Chu Tất Tiến
Đã là người, không ai có thể tránh được bệnh tật. Có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, nên vừa chào đời đã gánh một căn bệnh bất trị nào đó. Những người khác thì lớn lên mới mắc bệnh, có người may mắn thì khỏe mạnh đến lão niên rồi mới mắc bệnh và... ra đi luôn, không chịu khổ như đa số nhân loại, là “sống chung với bệnh,” bệnh nhẹ hay bệnh nặng thì tùy hệ thống “gene” của mỗi dân tộc, mỗi sắc da.
Nói chung, bệnh giống như cái bóng của con người, người đi đến đâu, bệnh theo đến đó. Với người Việt mình, thì phải nói là hầu như ai lớn lên đều mang một hoặc cả bốn căn bệnh thông thường, mà chúng ta hay đùa là “3 cao, 1 thấp” (cao mỡ, cao máu, cao đường và thấp khớp). Ngoài ra, rất nhiều người mắc bệnh tim, mạch máu. Một số nhỏ bị sạn thận, suy thận, suy gan, và ung thư. Sau khi sang Mỹ, vì thay đổi nếp sống, lo âu nhiều hơn, nên rất nhiều người mắc bệnh về tâm lý, một căn bệnh gần như bất trị.
Thông thường, bệnh tâm lý có ba cấp độ:
Giai đoạn 1 là Căng Thẳng (Stress): Người bệnh trông chờ một sự thay đổi nào đó về việc làm, lương bổng, hạnh phúc gia đình, hoặc về con cái. Giai đoạn này dễ chữa và có khi không cần chữa, nếu điều lo lắng, chờ đợi điều gì đó đã được đáp ứng thì sự căng thẳng có thể biến mất nhanh.
Giai đoạn 2 là bị Kích Thích Tấn Công (Anxiety Attack): Đột nhiên, một cơn lo sợ, hãi hùng về một phương diện nào đó, bất ngờ đến như bị điện giật, làm toàn thân rung rẩy, hồi hộp, mệt mỏi, chán nản, ngực nặng như bị ai đè, hơi thở cạn và nhanh. Nếu đo tim, thấy tim đập không đều, lúc to lúc nhỏ, lúc chậm lúc nhanh, có khi đổ mồ hôi tay. Bệnh này nếu kéo dài thì ít có hy vọng chữa được, ngoài việc uống thuốc an thần để rồi bị nghiện, hễ không có thuốc thì lại căng thẳng, khó chịu, hồi hộp.
Giai đoạn 3 là Trầm Cảm (Depression): Không ít người vì hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, hoặc mất mát người thân, hoặc bị con cái bất hiếu, hoặc vì lo nợ… mà mang bệnh trầm cảm. Người bị trầm cảm thì lúc nào cũng u uất, lo buồn, chán nản, không thích liên lạc với bất cứ ai, cho dù là cha mẹ, anh em, chỉ thích giam mình trong phòng tối, vắng. Người trầm cảm có thể phát sinh ý tưởng tự tử. Nếu không chữa trị, sẽ có thể đi đến kết quả bi thảm: Một là tự kết liễu đời mình, hai là phát điên rồ, ba là tìm cách nổ súng, nổ bom, giết người. Rất nhiều cựu chiến binh, các thương phế binh Hoa Kỳ bị trầm cảm, sau khi đã về từ các trận địa kinh hoàng chứng kiến đạn bom và xác chiến hữu tung tóe hoặc bản thân không còn nguyên vẹn, thiếu mất đi một cơ phận nào đó.
So sánh với các căn bệnh “3 cao 1 thấp” và các bệnh về tim, mạch máu, thì bệnh về tâm lý khó trị nhất, vì liên quan đến hệ thần kinh là một hệ thống mỏng manh, nhạy bén, nhỏ bé nhất trong cơ thể nhưng lại chỉ huy toàn bộ các hoạt động bắp thịt, gân, xương và các bộ phận trong cơ thể khác.
Điều đáng ngại hơn là các bệnh nhân về tâm lý, về thần kinh thường uống thuốc an thần hay thuốc ngủ (dưới dạng viên và dạng chích) mà phản ứng phụ của các loại thuốc này là “nghiện,” vì để cơ thể thư dãn, hưng phấn, bớt lo buồn, dễ ngủ, chỉ có các dược phẩm mang tính chất thuốc phiện, mới có thể giúp người bệnh tâm lý được thoải mái, an giấc, nhưng một khi đã dùng thuốc an thần rồi, thì cơ thể quen với thuốc, lúc nào cũng có thể lên cơn đòi hỏi, nếu vắng thuốc thì lại bứt rứt, khó chịu, và căng thẳng gấp chục lần lúc chưa uống thuốc.
Với mục đích giúp những ai bị mắc bệnh về tâm lý như trên, người viết bài này, dựa theo kinh nghiệm của chính bản thân, cũng như đã được chia sẻ với một số người bệnh tâm lý, xin trình bày vài phương pháp chữa trị đơn giản, nhưng kết quả mau hay chậm, hoặc không có kết quả, thì tùy theo ý chí của người bệnh, có cương quyết muốn trị dứt cơn bệnh của mình hay chỉ muốn thử nghiệm.
Bơi lội
Phương pháp trị căng thẳng, trầm cảm, kích thích, hồi hộp nhanh nhất và hữu hiệu nhất là bơi lội. Nhiều người đã khỏi hẳn căn bệnh “stress” này sau khi bơi mỗi buổi sáng chừng 1 tiếng đồng hồ mà không cần uống một viên thuốc nào.
Thể thao, chạy, đi bộ nhanh
Trường hợp không tiện đi bơi, hoặc không gần hồ bơi, thì phải tập thể thao, thể dục. Phương pháp thể dục cũng giúp gạt qua cơn căng thẳng rất nhanh. Những người trung niên quen với hít đất, hít xà ngang, thì làm mỗi lần 20 cái hít đất hoặc 5 cái hít xà ngang. Ngày làm 2, 3 lần. Nếu bị bệnh tim, thì không nên làm những cử động mạnh như thế, thay vào đó là chạy dậm châm tại chỗ. Chạy vừa phải, vừa chạy vừa hít thở, vừa đếm. Lần chạy đầu tiên, thì đếm đến 300, sau đó, tăng dần lên thành 500, rồi 1,000.
Trước khi ngưng chạy hẳn, phải chạy chậm dần lại, rồi mới ngừng. Sau đó, đi bộ thêm vài phút, vừa đi bộ vừa thở. Nên nhớ, trước khi tập thể dục hay thể thao, phải làm nóng người bằng những động tác vung tay, chân, lắc đầu, lắc vai, lắc mình, xoay đầu gối... chừng 10 phút rồi mới tập.
Không nên làm những động tác mạnh ngay khi mới ngủ dậy, mới ăn cơm, vừa bước ra khỏi bàn làm việc, mà phải đi từ chậm và nhẹ đến mạnh để tim không bị mệt.
Các vị trên 65 tuổi, hoặc yếu sức thì chỉ có đi bộ nhanh. Đi trong nhà, đi ngoài vườn. Đi nhanh, vung tay, vừa đi vừa hít thở. Đi như thế này vừa trị được bệnh tâm lý vừa trị suy tim. Mỗi ngày đi 2 lần, mỗi lần tối thiểu nửa tiếng. Càng đi nhiều càng khỏe.
Tập Yoga và Dịch Cân Kinh
Nếu trong nhà hay ngoài vườn không có chỗ đi bộ hoặc là không thể đi bộ trong mùa lạnh, hoặc muốn khỏe mạnh hơn thì ở trong nhà tập thêm Yoga và Dịch Cân Kinh.
a) Yoga: Yoga là Thiền bất động nhưng căng thẳng bắp thịt, gân và thần kinh. Một số thế Yoga căn bản mà có tác dụng mạnh như sau:
- Đứng: Đứng thoải mái, hai chân vừa tầm vai. Hai tay dang thật thẳng ra phía trước, bẻ ngược bàn tay lên, thẳng góc với cánh tay. (Phải bẻ tối đa cho bàn tay và cánh tay là 90 độ để chân khí (Ki) chuyển động, cho cảm giác rần rần vào ngón tay giữa). Hít vào thật chậm, thở ra thật chậm. Đếm 10 lần. Tiếp theo, dang tay ngang ra hai bên, cũng bẻ bàn tay thẳng góc với cánh tay. Hít, thở 10 lần. Sau đó, vòng hai tay lên đầu, cánh tay thẳng đứng, bẻ hai bàn tay cho các ngón tay chiếu vào nhau. Hít thở 10 lần. Xong, nghiêng người qua bên phải, tay trái vòng lên đầu, tay phải bỏ thỏng xuống, chỉ xuống đất, cũng bẻ cổ tay tới khi thấy cảm giác rần rần ở ngón giữa. Hít thở 10 lần. Đổi bên, nghiêng qua bên trái…
- Quỳ: Quỳ trên hai đầu gối, chống hai tay xuống đất. Hít thở 10 lần. Rồi từ từ giơ 1 tay lên cao. Hít thở. Đổi tay kia. Hít thở. (Sẽ có cảm giác rần rần ở cả tay và chân). Xong, giơ tay phải và chân trái lên. Hít thở 5 lần. Đổi bên kia: giơ tay trái và chân phải lên. Hít thở 5 lần.
- Nằm: Nằm sấp, chống cùi chỏ xuống đất, ngóc đầu lên (như rắn) Hít thở 10 lần. Rồi co hai chân lên bụng, hai tay để úp xuống, chúi đầu xuống cho trán nằm giữa hai tay. Hít thở 10 lần. Duỗi chân ra, nằm úp sấp xuống sàn, hai tay giơ thẳng về phía trước, từ từ ngóc đầu và nhấc 2 chân lên. Hít thở tối thiểu 3 lần. Đổi sang nằm ngửa, hai tay thẳng giơ lên qua đầu. Hít thở 10 lần.
Từ từ rút hai chân lên, cho hai bàn chân lùi gần vào mông, nhấc lưng lên cho thân mình chéo xuống: đầu gối cao, lưng thẳng, đầu dưới đất, hai tay để sang hai bên. Hít thở 10 lần. Thế này vừa giúp chữa căng thẳng, vừa làm tốt cho thận, vừa mang máu về óc nhiều hơn, giúp cho các tế bào não thêm oxygen, như thế hoạt động óc não tốt hơn.
b) Dịch Cân Kinh nhị thức: Có nhiều thế Dịch cân Kinh (căn bản, thập nhị thức), nhưng trong phạm vi chữa bệnh căng thẳng, chỉ làm một kiểu này thôi: đứng thẳng, từ từ giơ hai tay lên cao trong khi nhấc gót chân lên, hít vào. Từ từ bỏ tay xuống hai bên, “ngồi” xuống (không phải cúi gập đầu xuống), tưởng tượng như ngồi trên ghế “không khí,” từ từ thở ra. Cố gắng thẳng lưng được tới đâu, hay tới đó, dĩ nhiên không thể nào ngồi 90 độ được, nhưng không còng lưng về phía trước vì cong lưng về trước sẽ gây đau lưng. Ngồi xuống xong, lại vung tay lên, đứng dậy, nhấc gót lên, hít vào… Rồi ngồi xuống, thở ra.
Làm 20 lần, từ từ tăng lên thành 25, rồi 30 lần. Đứng lên, ngồi xuống chừng 20 lần là mệt, nên sau khi đếm hết đến 20 thì đứng thả lỏng người, lắc qua lắc lại, hít thở đều hòa. Ngay khi bị căng thẳng, mà làm từ 20 đến 40 lần là hết căng thẳng ngay. Nhắc lại: cứ tập mệt xong, thì phải thư giãn, làm động tác nhẹ, hít thở đều hòa. Không lăn ra nằm vì mệt.
Giải trí, ca hát
Xem phim “thiếu nhi,” phim hoạt họa, phim vui, diễu. Nghe nhạc nhẹ. Không xem phim trinh thám, máu me, không đọc tin về chính trị hay chiến tranh trên báo giấy hay email. Tránh tranh luận về chính trị, đảng phái vì một khi đã lao vào các đề tài tranh luận chính trị thì đâm “ghiền” và mức độ căng thẳng mỗi ngày mỗi tăng, đến khi biến thành bệnh thì khó chữa.
Nên quan niệm: Cuộc sống là vô thường, nay còn, mai mất, vậy lo buồn làm chi, vô ích. Vui với hiện tại, có gì vui nấy, không băn khoăn về ngày mai, tháng kế tiếp. Chuyện gì mà số phận đã sắp đặt thì tránh không khỏi, vậy tại sao lại lo buồn? Nhìn lại quá khứ, bạn bè, người thân và nhiều Thần Tượng đã từ từ ra đi, không để lại dấu vết gì. “Triệu người quen, có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa” (Bài Không Tên số 4). Vậy tại sao lại lo buồn, suy nghĩ căng thẳng về những điều ngoài tầm tay?
Cuối cùng, với những ai có niềm tin tôn giáo thì cầu nguyện là một phương pháp siêu nhiên nhưng có kết quả thật lạ lùng. Trong thời vượt biên, vượt biển những năm trước, có hàng chục ngàn người, nhờ cầu nguyện mà đến xứ tự do bình an.
Trên đây, chỉ là ý kiến đóng góp hy vọng giúp được những ai bị bệnh về tâm lý. Nếu thấy không thích hợp, xin bỏ qua. Chúc tất cả an vui, mạnh khỏe, và tìm thấy hạnh phúc trong đời sống của mình.
Chu Tất Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét