Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Người Em Sầu Mộng



NGƯỜI EM SẦU MỘNG

Chuyện tình có thật trong ca khúc “Người Em Sầu Mộng” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, phổ thơ Lưu Trọng Lư.

Đôi mắt anh lặng buồn
Nhìn em mà không nói
Tình đôi ta có nói cũng không cùng…

Đó là lời một ca khúc nhạc vàng nổi tiếng qua giọng hát ca sĩ Hương Lan, được nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác sau năm 1975.

Người Em Sầu Mộng có thể xem là bài nhạc vàng nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trần Quang Lộc thời kỳ sau năm 1975. Nguyên tác của bài hát này là thi phẩm mang tên Một Mùa Đông rất nổi tiếng của thi sĩ Lưu Trọng Lư từ thời tiền chiến, đã từng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành bài hát Mắt Buồn từ năm 1960.

Ngoài ra bài thơ này cũng đã được các nhạc sĩ Y Vân, Anh Bằng phổ nhạc, trở thành 1 trong những thi phẩm nổi tiếng nhất trong âm nhạc. Bài hát của nhạc sĩ Y Vân cũng mang tên là Người Em Sầu Mộng, được ca sĩ Giao Linh hát trước 1975.

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Một Mùa Đông rất đặc biệt, là câu chuyện tình đẹp nhưng mang nhiều nuối tiếc của tác giả Lưu Trọng Lư cùng một người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng nhất trên toàn thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật, là một trong những điêu khắc gia tài năng nhất thế giới thế kỷ 20.

Lưu Trọng Lư là nhà thơ thuộc thế hệ mở đầu của phong trào Thơ Mới. Những bài thơ mang âm hưởng trữ tình lãng mạn, thanh thoát, giàu nhạc điệu của ông đã trở thành bất từ và được yêu mến trong suốt ngần 1 thế kỷ qua. Bài thơ Một Mùa Đông nằm trong số đó.

Thi sĩ Lưu Trọng Lư

Bài thơ này có 4 trường đoạn, mỗi trường đoạn là thể thơ khác nhau. Mở đầu là câu thơ quen thuộc đã từng đi vào nhạc:

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

“Người em” trong bài thơ này là cô nữ sinh người Huế tên là Phùng Thị Cúc, hoa khôi của trường nữ sinh Đồng Khánh. Cô có gương mặt kiều diễm, đôi mắt đẹp và nụ cười có mà lúm đồng tiền đã làm hút hồn nhiều chàng trai cùng trang lứa.

Phùng Thị Cúc

Khi cô từ Huế đón tàu ra Hà Nội để theo học trường Thăng Long, cô tình cờ đi chung chuyến với Lưu Trọng Lư, là bạn của người chị của cô Cúc.

Trước đó Lưu Trọng Lư có nhiều gắn bó với xứ Huế khi từng theo học trường Quốc Học Huế và chủ trương thành lập nhà xuất bản Ngân Sơn Tùng Thư tại đây.

Trong suốt chuyến tàu, họ không nói chuyện với nhau, cô lặng ngắm cảnh dọc đường và nhà thơ mải ngắm dung nhan của người đẹp. Đây là lần đầu cô đến Hà Nội nên Lưu Trọng Lư đã tình nguyện đưa cô về tận nơi ở. Đó là một căn gác nhỏ có căn phòng của những người bạn và người chị của cô Cúc.

Khi chia tay ra về, xuống dưới đường thì Lưu Trọng Lư tình cờ gặp người bạn là Phạm Hầu, lcus đó đang học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Hà Nội. Lâu ngày không gặp, Phạm Hầu mời Lưu Trọng Lư vào nhà chơi. Khi lên gác, bước vào một căn phòng và mở cửa sổ ra, nhà thơ giật mình khi nhìn thấy cô bạn đường xinh đẹp mà ông vừa chia tay ít phút trước đó, đang ở bên khung cửa sổ của căn phòng đối diện.


Không chút đắn đo nào, Lưu Trọng Lư ngỏ ý được ở trọ chung phòng với người bạn Phạm Hầu, và được vui vẻ đồng ý.

Suốt mùa đông năm đó, thời tiết Hà Nội giá lạnh nhưng nhà thơ đã được sống trong những ngày tháng ấm áp của một mối tình trong sáng và thơ mộng. Cở sổ 2 phòng giáp nhau, nhiều khi không đóng bao giờ để rất nhiều lúc 4 mắt nhìn nhau trong bối rối.

Không biết bao lần ánh mắt đó đã đi vào trong giấc mơ của người thi sĩ, trở thành cảm hứng cho bài thơ Một Mùa Đông ra đời, kể lại một mối tình câm khi chưa ai từng thổ lộ, chỉ dừng lại ở những phút nhìn nhau đó:

Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.

Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.

Để mặc anh đau khổ,
Ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!

Cuộc tình của họ đã có những bước tiến rất chậm rãi. Đáng kể nhất là một lần với sự sắp đặt của những người bạn, hai người đã đi chơi chùa Thầy cùng với nhóm bạn này. Sau một hồi leo núi, nhìn chung quanh chẳng thấy ai, đôi người ngượng ngập đi bên nhau. Đến trưa cả nhóm mới trở lại sân chùa cùng ăn trưa. Bữa trưa có gà quay và rượu vang Pháp. Cũng như mọi người, cô Cúc uống vài ly rượu nho. Đôi má ửng hồng và cặp môi nhuốm màu nho chín, rơi trên trán vài lọn tóc đen nhánh… Tất cả đã tạo thành một hình tượng nghệ thuật có sức ám ảnh lớn trong đoạn thứ 3:

…Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.

Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.

Nhưng câu chuyện tình “mặt ngoài còn e” của họ cũng chỉ đi đến đó, dừng lại khi mùa đông đã hết và mãi mãi không thể thành một đôi vì nhiều lý do khác nhau.

Sau này, bà Phùng Thị Cúc tốt nghiệp nha khoa tại trường Đại học Y khoa Hà Nội khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1946.

Năm 1948, bà bị bệnh và sang Pháp điều trị rồi ở lại học tập nghiên cứu. Đến năm 33 tuổi, bà mới kết hôn với người đồng nghiệp, đồng hương Nguyễn Phúc Bửu Điềm. Ông Bửu Điềm là cháu 4 đời của ông hoàng Tuy Lý Vương, một thi sĩ nổi tiếng thời Tự Đức. Từ đó bà đổi tên thành Điềm Phùng Thị.

Điềm Phùng Thị

Thập niên 1960, bà Điềm Phùng Thị đến với nghệ thuật điêu khắc và có cuộc triển lãm đầu tiên vào năm bà 46 tuổi, được công chúng Pháp đón chào nồng hậu.

Đến năm 1975, bà mới có dịp gặp lại Lưu Trọng Lư. Lúc đó Phùng Thị Cúc từ Paris về Hà Nội. Người em gái bé bỏng ngây thơ hôm nào đã là bà Điềm Phùng Thị – một điêu khắc gia nổi tiếng thế giới. Bà cũng được bầu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu, được đưa vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ 20 trong từ điển Larousse.

Những năm cuối đời bà quay về sống ở quê hương và đã mất ở Huế năm 2002.


Chuyện tình Lưu Trọng Lư và bà Cúc ngắn ngủi chỉ trong một mùa đông duy nhất, nhưng đẹp, và đặc biệt là nhờ đó mà để lại cho đời 1 bài thơ bất hủ. Cũng bởi vì tình dang dở nên ai cũng thấy nó đẹp: Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở… (Hồ Dzếnh). Có lẽ bởi chính cái sự “dang dở” ấy giữa thi sĩ họ Lưu và mỹ nhân Phùng Thị Cúc, mà hậu thế mới được tận hưởng câu chuyện tình bằng thơ vừa mơ mộng, vừa buồn vời vợi.

Bài thơ Một Mùa Đông của Lưu Trọng Lư có đến 4 đoạn khác nhau, với thể thơ khác nhau. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ chỉ đoạn đầu để viết thành ca khúc Mắt Buồn.

Sau 1975, nhạc sĩ Trần Quang Lộc lấy mỗi đoạn 1 vài câu để viết thành bài Người Em Sầu Mộng. Nhạc sĩ không dùng nguyên câu thơ mà chỉ lấy ý thơ rồi phóng tác thành nhạc.

Tặng D.C.

Em là gái trong khung cửa,
Anh là mây bốn phương trời;
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.

Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời,
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?

Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ?
Cho mộng tràn gối chăn?


Xin mời quý vị thưởng thức



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét