Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Ly Hương, Sự Lựa Chọn Nghiệt Ngã

 


LY HƯƠNG, SỰ LỰA CHỌN NGHIỆT NGÃ

Cuộc Di Cư Thầm Lặng Đến Bao Giờ Chấm Dứt..
by Nguyễn Thị Oanh

Cuối cùng cũng đến ngày em gái út cùng chồng và con sang Mỹ định cư. Thế là lại thêm một gia đình người thân nữa của tôi rời bỏ đất nước này.

43 tuổi, em đang có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp nhà nước với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng có biệt thự, xe hơi và chồng còn sở hữu một cơ ngơi làm ăn riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đáng để cho nhiều người phải mơ ước. Vậy mà điều gì đã khiến các em bỏ hết mọi thứ và dắt díu ba đứa con nhỏ dại từ giã quê hương để bắt đầu làm lại cuộc sống nơi xứ người cách đây nửa vòng trái đất? Câu trả lời nghe vẫn quen thuộc như nhiều lần tôi đã từng nghe: “Vì tương lai con cái!”

Vâng! Đó là lý do mà rất nhiều người Việt trong dòng chảy nhập cư nước ngoài những năm gần đây thường nêu lên để giải thích cho việc ra đi của mình. Thật chua chát khi hơn 48 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc

Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường! Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh. Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đủ cách. Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về. Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc. Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau bốn năm.

Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ. Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD. Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột. Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ…

Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi? Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng! Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu. Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “CON”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội. Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “NGƯỜI”. Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài? Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút, các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?

Bây giờ, bước ra đường là thấy lo: Lo nạn cướp giật, móc túi; lo tai nạn giao thông; lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm; lo hít khói bụi bị ung thư; lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc… Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo. Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần! Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an. Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy? Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước. 33 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô. Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền. Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước.

Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng, nhưng vẫn còn cố nấn ná… Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”. Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế?


Hồi đi thăm Israel, tôi thường đứng lặng thật lâu trước hình ảnh những con tàu hồi hương hiện diện khắp mọi nơi, như một niềm kiêu hãnh trong lịch sử lập quốc của đất nước này. Đó là những chuyến tàu từ châu Âu, châu Mỹ… đưa hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng quê hương sau khi Israel chính thức được thành lập vào năm 1948. Những gương mặt người Do Thái hồi hương khi ấy còn vương nét nhọc nhằn sau Thế chiến, nhưng vẫn bừng sáng niềm hy vọng vào tương lai và ý chí quyết tâm kiến thiết quốc gia. 75 năm sau khi lập quốc, ngày nay Israel đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2016). Những chuyến tàu hồi hương ngày đó đã mang về cho quốc gia này vốn liếng quý nhất là những con người tinh hoa để xây dựng thành công một đất nước đã từng không có tên trên bản đồ thế giới.

Còn chúng ta? Sau (1945) 78 năm thành lập và thống nhất đất nước (dài hơn thời gian lập quốc của Israel), những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về? Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”.

Và trong tôi, không hiểu sao cứ thấp thoáng khôn nguôi hình ảnh những con tàu hồi hương về Israel cùng những con tàu ly hương rời Việt Nam.

Nguyễn Thị Oanh


Một Đời Theo Anh

 



Phần Tổng Luận - Ảnh Hưởng Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh

 


PHẦN TỔNG LUẬN - ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn 

ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

PHẦN TỔNG LUẬN

Có thể nói rằng ý nghĩa cuộc đời khởi đi từ những kinh nghiệm mà mỗi người đã trải qua trong kiếp nhân sinh. Dĩ nhiên, đây không phải là những kinh nghiệm thông thường hình thành bởi thói quen, bởi kinh nghiệm kẻ khác, bởi thiên kiến hoặc những tri thức sẵn có. Muốn sống đích thực với những kinh nghiệm này, người ta phải nằm trong một trạng thái tra hỏi và tìm kiếm thường xuyên mới mong đạt tới một tâm thức yên bình giữa dòng đời mải miết. Thêm vào đó, đời sống bao khổ đau, bao nỗi thăng trầm đắng cay cũng chính là trường đào luyện con người. Từ sự nhận thức ở mỗi lần đụng chạm ấy, ý nghĩa đời sống xét như một toàn thể mới nẩy sinh. Nếu “Văn tức là người” (le style c'est l'homme) như Buffon đã nhận định, thì xuyên qua cuộc đời và các tác phẩm của Tố Như tiên sinh, chúng ta sẽ nhận thấy ông là người có đầy đủ thẩm quyền hơn bất cứ ai khác để đưa ra bài học được rút từ kinh nghiệm sống: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Thành thử phải trải qua một cuộc bể dâu, phải tham dự vào “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, cụ Tiên Điền mới thâm nhập lẽ vô thường của cuộc đời thể hiện qua các tác phẩm lưu truyền. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại trên cầu đoạn trường đối diện với đau khổ thì quả thật đời này đầy rẫy những tính cách bi đát và khe khắt của định mệnh như nàng Kiều chịu đựng. Với Nguyễn Du, có lẽ điều quan trọng là phải vượt qua, phải đến bên kia cầu để đến cõi bình yên sau khi đã thực chứng sự thật về cuộc đời.

Mặt khác, bài học đoạn trường xây dựng trên niềm cay đắng, trên sự khổ đau, trên lẽ vô thường mà Kiều biểu trưng cũng chính là thành tố của đạo Phật được phát sinh từ đó như một thứ chân lý không thể phủ nhận nơi dòng đời như Đức Thích Ca Mâu ni từng nhận định :”Đời là bể khổ”. Trong chiều hướng này, chúng ta sẽ nhận thấy đạo Phật đã đóng một vai trò tích cực trong đời sống tinh thần Nguyễn Du và tiềm tàng ở hầu hết tác phẩm của tiên sinh. Ở một bình diện nào đó, khi tìm đến các tác phẩm của Tố Như, đặc biệt là Đoạn Trường Tân Thanh, tư tưởng đạo Phật đã được thăng hoa trở thành một thứ nghệ thuật sống, mượn ngôn từ của thi ca để diễn đạt. Thêm vào đó, chúng ta cũng nhận thấy tác giả đã sử dụng tư tưởng đạo Phật có thể hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau, từ bình dân cho đến trí thức, từ phổ thông cho đến sâu xa. Cho nên, đến với Nguyễn Du và đọc Truyện Kiều, người ta phải trong một nhịp điệu vi tế, mới thấu đáo được chân nghĩa ẩn dụ trong từng biểu tượng và mối dây liên kết chúng. Và cũng vì thế, những thành kiến có tính cách tri thức luận nhằm trình bày ảnh hưởng đạo Phật bên trong Đoạn Trường Tân Thanh hoặc một
ảnh hưởng nào khác có lẽ sẽ thất bại ngay từ đầu, nếu chân nghĩa chỉ là những hình ảnh do những công trình suy diễn mà thôi.  

Do đó, những dấu tích trong Đoạn Trường Tân Thanh cần được thẩm định một cách nhất quán mới có thể nhận ra được vai trò và ý nghĩa của nó. Cuộc đời ba chìm bảy nổi của Kiều và ngay chính Nguyễn Du là một kinh nghiệm sống thật. Giữa đạo Phật và kinh nghiệm sống thật, thực chứng ấy là một không thể tách rời nhau. Cho nên, vai trò đạo Phật có mặt trong Đoạn Trường Tân Thanh đặt trên nền tảng sự thật về sự Khổ (dukha), hiểu một cách rộng rãi và đúng tinh thần của thời đại này và cuộc đời Thúy Kiều chỉ là một trong muôn ngàn biểu trưng mà thôi. Chính vì thế, địa vị đạo Phật nơi Đoạn Trường Tân Thanh có một tính chất thật đặc biệt và toàn bộ chớ không nhìn một cách biệt lập cạnh những tư tưởng khác được.

Đoạn Trường Tân Thanh đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn những người yêu thích nó. Đó là một tác phẩm lớn có sức cuốn hút chúng ta một cách mạnh mẽ, không chỉ ở ngôn ngữ chắt lọc, trau chuốt, nghệ thuật tả cảnh, tả tình phong phú, đặc sắc mà còn ở nội dung tư tưởng chất chứa trong tác phẩm:

1./- Dùng Lời để đạt ý, dùng ý để đạt Nội Dung. Với cách biện chứng như thế, chúng ta thấy rằng thông qua ngôn ngữ thi ca của Đoạn Trường Tân Thanh, nội dung chủ yếu đem lại sức sống, và sự tồn tại của tác phẩm lớn này chính là tư tưởng đạo Phật xuyên suốt tác phẩm. Phủ nhận tư tưởng đạo Phật tức là xóa bỏ phần cốt tủy của Đoạn Trường Tân Thanh. Vì vậy, khi kết thúc Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã viết:

“Thiện căn ở tại lòng ta (c. 3251)
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

“Lòng ta” hay chữ Tâm chính là kiến giải của Nguyễn Du về cuộc đời thông qua số phận của nàng Kiều với những bước đường đoạn trường, truân chuyên.

“Tẻ” và “vui” (“tẻ vui cũng tại lòng này mà ra” – Đ.T.T.T). “Khổ đau” và “hạnh phúc”, đó là hai đỉnh điểm mà Kiều đã đi qua “lòng này mà ra” ... Nói khác hơn, “lòng này” hay tâm thiền là kết quả của sự thực chứng trên bước đường tra hỏi về số kiếp của Kiều. Nếu quá trình giác ngộ của đạo Phật bắt đầu từ nhận thức về Khổ đế thì nàng Thúy Kiều cũng bắt đầu ý thức về sự khổ, sự vô thường của kiếp người:

“Tẻ vui, thôi cũng tính trời, biết sao?” (c.494)

Kế đến, ở giai đoạn Tập đế, Kiều đã nhận ra

“Tẻ vui cũng một kiếp người” (c. 1193)

Rồi ở giai đoạn Diệt đế, Nguyễn Du qua lời nói của chàng Kim đã nhận ra nơi con người Kiều một sự mới mẻ của sự tỏ ngộ:

“Hoa tàn mà lại thêm tươi (c. 3123)
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”

Và cuối cùng Nguyễn Du đã mô tả cái tâm giác ngộ nơi Kiều tương ứng với giai đoạn thứ tư của Tứ Diệu Đế tức là Đạo Đếđau khổ và hạnh phúc bở tại lòng này.

Chàng rằng:“Phổ ấy thế nào (c. 3207)
Xưa sao sầu thảm giờ sao vui vầy?
Tẻ vui cũng tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”

Từ những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du trong “Thanh Hiên Tiền Hậu Tập”, “Nam Trung Tạp Ngâm”, “Bắc Hành Tạp Lục” (Tạm gọi là THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du) ... cho đến văn Nôm như “Văn Tế Chiêu Hồn” và nhất là “Đoạn Trường Tân Thanh”, niềm băn khoăn về kiếp người, về lẽ đạo rồi cũng được trả lời từ cuộc hóa thân của Kiều sau lần nhảy xuống sông Tiền Đường tìm cái sống trong cái chết. Cuộc đời Nguyễn Du tiên sinh cũng thế, phải đi đến Phân Kinh Thạch Đài bên Trung Quốc, ông mới nhận ra “Kinh không chữ mới là chân kinh”.

“Kinh không chữ” nghĩa là Tâm Thiền. Vì vậy, đó là kết quả của sự múc cạn vấn đề sau bao sự trăn trở, kiếm tìm. Mặt khác, nếu chỉ nhìn Đoạn Trường Tân Thanh như một tác phẩm văn học thông thường sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không nhận ra khía cạnh triết lý xuyên suốt của nó bắt nguồn từ tư tưởng đạo Phật mà chủ yếu là tư tưởng Thiền tông.

2./- Kinh nghiệm và những nhận thức từ cuộc sống là nền tảng cho một tác phẩm văn học để nó có sức hấp dẫn người đọc. Tố Như tiên sinh bằng chính sự tìm kiếm, suy tư và trăn trở về cuộc đời của mình, thông qua Đoạn Trường Tân Thanh, thông qua đời Thúy Kiều, đã cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về tư tưởng Thiền tông.Ngoài những giá trị nghệ thuật tinh tế trong cách sử dụng ngôn từ , nghệ thuật tả cảnh, tả tình..v..v... đã được nhiều nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu ,nghệ thuật sử dụng tư tưởng đạo Phật trong ĐTTT của Nguyễn Du lại làm cho tác phẩm có một giá trị độc đáo về mặt tư tưởng. Và không có tư tưởng Thiền tông để làm sợi chỉ nối cho Đoạn Trường Tân Thanh, tác phẩm này sẽ trở thành bình thường như “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân mà thôi. Mặt khác, nếu không có cuộc sống với bao nhiêu “tẻ vui”, đau khổ và hạnh phúc thì cũng chẳng có đạo Phật. Cuộc đời là sự thiết định trên sự vô thường và tác phẩm văn học cũng trôi theo chiếc bách giữa dòng đó.

3./- Sau hết, nếu “Đoạn Trường” là chiếc cầu vô thường thì “Tân Thanh” lại là sự giác ngộ về lẽ vô thường đó. Âm thanh mới đó là gì há không phải là sự “vui vầy” (xưa sao sầu thảm giờ sao vui vầy) mà Kiều có được trong sự an lạc? Đoạn Trường Tân Thanh lôi cuốn chúng ta một phần lớn bởi cuộc đời nàng Kiều luôn bị “gió táp mưa sa” nhưng vẫn không ngừng vươn tới sự an lạc: “Tẻ vui cũng tại lòng này mà ra”.

Trong chiều hướng ấy, sức khơi dậy của Đoạn Trường Tân Thanh sẽ vẫn còn mãi mãi nếu chính cuộc đời mỗi người vẫn không ngừng tìm kiếm để giác ngộ, để an lạc ngay trong cuộc sống như Thúy Kiều, giống như kinh Mathieu đã viết: “Cứ gõ cửa, cửa sẽ mở, cứ tìm rồi sẽ thấy”. Phải chăng cái Hay, cái Đẹp của Đoạn Trường Tân Thanh chính là sự huyền nhiệm của nghệ thuật cao cả? Và phải chăng Nghệ Thuật cao cả của Truyện Kiều cũng chính là Lẽ Đạo? và rồi Lẽ Đạo là gì? Câu trả lời ấy phải chăng chỉ dành cho những ai đó vượt qua cầu Đoạn Trường, tham dự trọn vẹn với tác phẩm bằng chính sự thực chứng của mình trong cuộc sống mới có thể tìm thấy câu giải đáp cho đời mình như nàng Kiều.

* * *

Để thay lời kết, chúng ta có thể mượn lời của Mộng Liên Đường Chủ Nhân, người từng sống ở thời vua Minh Mạng, đã nhận định về thi tài và con người của Tố Như tiên sinh: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy” [1].

Với lời cảm phục và khen ngợi sâu sắc này, chúng ta càng thấy rõ vóc dáng lớn lao của bậc thi hào, với một trí tuệ và tấm lòng rộng lớn. Phải chăng, đó là một con người đã thấm nhập Lẽ Đạo, đã sống với Lẽ Thiền và đã vẽ ra được “Một Nghệ Thuật Sống” qua hình ảnh vươn lên của Thúy Kiều?

Góp thêm một cách nhìn về Đoạn Trường Tân Thanh và về Nguyễn Du là để cùng khơi mở với nhiều cách nhìn khác, cốt sao cho cái Hay, cái Đẹp của tác phẩm này luôn được tỏa sáng, mãi mãi xứng đáng là một tác phẩm lớn trong kho tàng văn học Việt Nam và nhân loại.

Soạn xong tại Ninh Hòa /Khánh hòa tháng 12 -1974

[1] Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, S.đ.d, trang XL VIII (trang 48).

Dương Anh Sơn

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 192

 



Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 191

 



Biển Vẫn Đợi Chờ

 


Tạp ghi - BIỂN VẪN ĐỢI CHỜ 
Điệp Mỹ Linh 

Tác giả Điệp Mỹ Linh

Ngày 09/07/2023, lúc 18:12 (GMT+7) tôi thấy trên VNExpress tựa đề bản tin: “Cục Điện ảnh yêu cầu gỡ phim Trung quốc có ‘đường lưỡi bò’”.

“Cục Điện ảnh yêu cầu gỡ ‘Flight to you’, có hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ phi pháp, trên các nền tảng phim trực tuyến Việt Nam...”

Hơi ngạc nhiên và hoài nghi, tôi tự hỏi: Từ bé đến giờ tôi chỉ biết lúc nào cộng sản Việt Nam (csVN) cũng khúm núm” đối với Trung cộng bằng những câu rất khôi hài như môi hở răng lạnh” / "4 tốt 16 chữ vàng” mà nay csVN dám tỏ thái độ đối với Trung cộng?

Vì hoài nghi, muốn kiểm chứng, tôi tìm tin khác và thấy trên BBCNews tiếng Việt,  July/07/2023 lúc 5:47 AM, tựa đề: “Việt Nam Tẩy chay đêm nhạc Blackpink, phim Barbie vì ‘đường lưỡi bò’ là yêu nước?”.

Cũng trên BBCNews, tôi thấy các phân đoạn này: “Barbie không phải là sản phẩm duy nhất bị Việt Nam cấm vì có đường chín đoạn.

Năm 2019, bộ phim hoạt hình Abominable của hãng phim DreamWorks cũng bị cấm chiếu vì lý do tương tự.

Ba năm sau, bộ phim hành động Uncharted của hãng Sony cũng bị Cục Điện Ảnh, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm cấp phép và kiểm duyệt phim nước ngoài, coi là có nội dung vi phạm.

Hai năm trước, bộ phim trinh thám của Úc Pine Gap đã bị Netflix gõ khỏi thị trường Việt Nam sau khi có khiếu nại từ cơ quan chức năng.

Tháng 8/2022, tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đăng bài trên Facebook chính thức về tình hình khí hậu, hạn hán ở Trung quốc, trong đó sử dụng bản đồ ‘đường lưỡi bò’ Việt Nam nêu ý kiến phản đối việc WMO và yêu cầu gỡ bỏ, sửa đổi nội dung...”.

Người Việt Nam ai cũng hiểu rằng: Sự chia cách tại vĩ tuyến 17 – theo Hiệp Định Genève, ngày 20/07/1954, csVN phía Bắc/Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phía Nam – chỉ là giai đoạn/tạm thời; đảo Hoàng Sa vĩnh viễn là một phần diễm tuyệt của Quê Mẹ Việt Nam.

Thế thì, tại sao ngày nay csVN phản đối một vật vô tri như bản đồ “đường lưỡi bò” mà ngày 19/01/1974, khi Trung cộng ngang nhiên đưa một lực lượng Hải Quân hùng hậu tiến chiếm Hoàng Sa của VNCH – Hải Quân VNCH phải “đơn thân” chống lại Trung cộng thì csVN lại im lặng một cách đồng lỏa với Trung cộng?.

Nhưng, nghĩ cho cùng, csVN không đồng lỏa với Trung cộng cũng không được; vì – từ đầu thập niên 50 Trung cộng và Nga  đã viện trợ vũ khí cho csVN đánh Pháp; sau đó, cũng Nga và Trung cộng cung cấp vũ khí cho csVN đánh Mỹ, từ 1954-1975, để cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam!.

Ai cũng thấy rõ âm mưu thâm độc của Trung cộng là dùng đảng cộng sản và người Việt Nam để đánh Pháp/đánh Mỹ. Vì, nếu Pháp hoặc Mỹ còn đóng quân tại Việt Nam thì không thể nào Trung cộng dám đánh Hoàng Sa để làm “bàn đạp” cho Trung cộng chiếm trọn Biển Đông.

Đây là sự đổi chác có giao ước “ngầm” giữa Trung cộng và người csVN!.

Sự đổi chác này được thực hiện theo thứ tự: CsVN phải đuổi Mỹ trước; Trung cộng chiếm Hoàng Sa; csVN chiếm miền Nam.

Sau khi csVN chiếm miền Nam Việt Nam, Trung cộng tự do “tung hoành” trên biển Đông.

Gần nửa thế kỷ qua chưa hề gặp trở ngại, hiện tại, Trung cộng tự xem như đang thống trị Biển Đông.

Tôi có thể khẳng định rằng: Trung cộng vươn lên được như ngày nay là nhờ Hoa Kỳ đã chấp thuận du học sinh Trung cộng sang Hoa Kỳ du học.

Nhận thấy thời cơ đã đến, Trung cộng cho một số lớn sinh viên được “nhồi sọ” và huấn luyện về gián điêp sang Hoa Kỳ du học rồi ăn cắp tài liệu – trong mọi địa hạc – của Hoa Kỳ, chuyển về Trung cộng. (Tôi đã dẫn chứng trong vài bài trước; xin miễn viết lại).

Theo Indiatimes, bài của Divine D, July/09/2023 lúc 1:26AM tôi thấy chi tiết này: “Năm 1972, Tổng Thống Nixon sang Trung cộng, trong 08 ngày, đã hội đàm với chủ tịch Mao Trạch Đông để bình thường hóa bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung cộng”.

Những người cùng thời với tôi có lẽ vẫn còn nhớ những bản tin rất buồn cười trên báo giấy Times/Newsweek về sự hội nhập vào Thế Giới Tự Do một cách lừa dối/quê mùa đến tội nghiệp của các xí nghiệp Trung cộng.

Vào Google tìm lại những bản tin cũ, tôi thấy trên CNN, ngày 29/06/2010, lúc 7:33AM EDT, bài của Lara Farra, tựa đề: “Chinese companies ‘rent’ white foreigners.” Xin trích một câu trong bảng tin của Lara farra để độc giả thẫm định: “In China, white people can be rented. For a day, a weekend, a week, up to even a month or two, Chinese companies are willing to pay high prices for fair-faced foreigners to join them as fake employees or business partners...”.

"Face, we say in China, is more important than life itself," said Zhang Haihua, author of "Think Like Chinese." "Because Western countries are so developed, people think they are more well off, so people think that if a company can hire foreigners, it must have a lot of money and have very important connections overseas...”.

Bây giờ, sau khi nhờ ăn cắp tài liệu của Hoa Kỳ mà vươn lên, Trung cộng trở thành kẻ “ăn cháo đá bát” đối với Hoa Kỳ! Xin dẫn chứng câu này, cũng trong bảng tin trên Indiatimes, bài của Divine D, July/09/2023: “On June 3rd, 2023, the US Navy has released a video of an unsafe interaction in the Taiwan Strait in which a Chinese Warship crossed in front of a US destroyer in the waterway. This happened amidst the deteriorating US-China relations which makes it worse. The US claimed that the USS Chung-Hoon, a destroyer was conducting a routine transit of the strait on Saturday when the Chinese ship cut in front of the US vessel coming within 137 metres near it”.

Không những Trung cộng ngang nhiên tỏ thái độ khiêu khích Mỹ mà Trung cộng còn phát ngôn một cách thiếu lễ độ. Theo Reures, July/12/2023 lúc 10:19AM CDT: “China accused the United States of ‘ganging up’ and forcing it to accept a 2016 arbitration ruling over claims in the South China Sea, as Washington urged Beijing to halt what it called its routine harassment of vessels of other countries in the region”.

Trung cộng còn tìm cách “bao vây” Hoa Kỳ một cách tiệm tiến. Theo Business Insider ngày 21/06/2023 lúc 4:14AM, bài của Kwan Kevin Tan: “China is planning a new joint military training facility in Cuba...At 100 miles off Florida's coast, the facility would put China's troops at Florida's doorstep”.

Nếu Trung cộng ăn cắp tài liệu của Hoa Kỳ chỉ để giúp người dân Trung Hoa có đời sống văn minh/tân tiến/hạnh phúc – như cuối thập niên 70 Hoa Kỳ hy vọng và bắt đầu bang giao với Trung cộng – thì không ai trách Trung cộng. Đằng này, Trung cộng lại dùng những tài liệu ăn cắp được từ Hoa Kỳ rồi sáng tạo nhiều phương thức chống lại Hoa Kỳ để ông Xi Pinjing được trở thành thống lĩnh thế giới. Như thế, Trung cộng không là kẻ “ăn cháo đá bát” thì ai?.

Khi CIA Director William Burs cảnh báo về hành động “ăn cháo đá bát” của Trung cộng thì Foreign Ministry spokesperson Zhao Lijan của Trung cộng “trả đũa” rằng: “China warned that the United States is ‘the biggest threast’ to world peace, stability and development" (Theo Brooke Singman /Fox News/July 7, 2022 1:15pm EDT).

Như thế tưởng chưa đủ để “đàn áp” Hoa Kỳ, Trung cộng còn phát ngôn một cách trịch thượng/vượt xa ngôn ngữ ngoại giao: "Beijing is telling the U.S.: ‘We are willing to die to the last Chinese for Taiwan. You Americans are not.’” (Theo Jon Gefner/June 28/2023 trên Clever Rebel). Cũng nhờ câu này của Trung cộng mà tôi có thể xác quyết được nguồn gốc của câu “Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” do csVN phổ biến trong thời binh lửa!.

Viết đến đây, tôi thấy dấu hiệu email vừa vào box của tôi; tôi vào đọc. Đọc email xong, tôi tìm tin tức xem có gì lạ. Vào South China Morning Post, tôi thấy bài của Laura Zhou, ngày 14/07/2023 lúc 3:06PM với tựa đề: “China urges more cooperation with Vietnam as disputes simmer over South China Sea”.

Bản tin này làm tôi nhớ lại một bản tin cũ, vội vào Google tìm. Tôi thấy trên China/Military ngày 27/06/2023 lúc 9:04PM bài của Amber Wang in Beijing: “Beijing would coordinate with Hanoi to strengthen high-level communication’ and deepen practical cooperation between the two militaries, Li told Vietnamese Defence Minister Phan Van Giang”.

Tại sao bây giờ Trung cộng lại công khai kêu gọi csVN hợp tác nữa để làm gì? Để đánh “đế quốc” nào?.

Chiến tranh với đế quốcMỹ do csVN thực hiện từ 1954-1975 đã thiêu rụi hơn 02 triệu người Việt và gần 60 ngàn quân nhân Hoa Kỳ để Mỹ rút quân, Trung cộng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, cả trăm ngàn người Việt phải lìa xa quê hương để tìm đường sống trong khi Trung cộng xây đảo nhân tạo/sân bay/tự vẽ ‘đường lưỡi bò”/tự cho rằng Biển Đông là “ao nhà” của Trung cộng, v.v... chưa đủ hay sao?!.

Giận quá, tôi ngưng viết, vào internet “lang thang”. Bất ngờ tôi thấy bảng tin cũ trên BBC, bài của Phạm Viết Đào, ngày 01/09/2016, câu này: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi xây dựng trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”.

Không hiểu tại sao những chi tiết như tôi đã ghi bên trên lại làm cho tôi sợ hãi và đau lòng!.

Chỉ một thoáng sau, những hình ảnh đẩm máu/những bản tin bi thảm về từng đoàn người di tản bằng đường bộ, trên Quốc Lộ I, và những cuộc di tản bằng đường biển – do Hải Quân VNCH thực hiện, từ tháng Ba cho đến cuối tháng Tư 1975 – từ Đà Nẵng vào Saigon rồi đến Subic Bay lại hiện về làm ray rứt hồn tôi!.

Tôi không hiểu, sau này, trước khi Trung cộng đặt “gông cùm” lên Quê Mẹ Việt Nam, Hải Quân csVN có được phép đưa người Việt thoát khỏi “nanh vuốt” của Trung cộng – như Hải Quân VNCH đã thực hiện năm 1975 – hay không?.

Nếu Hải Quân csVN không được phép đưa người Việt thoát khỏi gông cùm của Trung cộng thì... người Việt Nam ơi! Biển vẫn đợi chờ!.

Điệp Mỹ Linh
https://www.diepmylinh.com/ 


Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 190

 



Trường Thi Chôn Nhau Cắt Rốn Đoạn 189

 



Thông Báo Số 5 - Đại Hội CHSLT Phú Yên Kỳ 10

 


THÔNG BÁO SỐ 5 - ĐẠI HỘI CHSLT PHÚ YÊN KỲ 10

Kính gởi: Quý Thầy Cô cũng các Đồng Môn và Thân Hữu,

Thay mặt Ban Tổ Chức, chân thành cảm ơn các mạnh thường quân đã gởi kinh phí ủng hộ cho Đại Hội.

Chỉ còn ba tháng nữa là tới ngay Đại Hội và cuối tháng 7 việc ghi danh sẽ chấm dứt để Ban Tổ Chức tổng kết và sắp xếp mọi việc.
Chúng ta sẽ có mỗi người một T-shirt (áo thun) và một vài lưu niệm khác.

Ban tổ chức mong các bạn khi ghi tên cho biết cỡ áo mình cần, những bạn nào ghi tên rồi nhưng chưa đóng tiền nên liên lạc với Tuyết Hương (TANYA CHEN) Phone (909)630-6961.

Tham gia VĂN NGHỆ xin gọi về KIM LOAN phone (281)435-6606.

Đưa đón gọi HOÀNG phone (832)876-0636.

Có hai phi trường để quý thầy cô và các bạn book vé:
1- HOBBY AIR POR. (HOU)
2- GEORGE BUSH Airport. (IAH)

Khách sạn: HILTON GARDEN, Inn.
6855 w Sam Houston Pkwy. Houston TX 77072

Gọi điện thoại để đặt phòng phone (713)270-6100. Nói với nhân viên là group (nhóm TLG) Để được giảm giá.

Địa điểm tổ chức

Nhà hàng OCEAN PALACE
11215 Bellaire BLVD. Houston TX 77072

Du ngoạn (Land Tours):

1- RIVER WALK, San Antonio.
2-Houston NASA Trung tâm không gian.

Giờ khởi hành sẽ cho biết sau trong những thông báo tới.

Về các khoản chi phí:

- Tiền Đại Hội $70/người cho phần ẩm thực.
- Đại Hội chính thức $80/người cho ẩm thực.
- Du ngoạn $70 /Người cho Bus và Vé đi du thuyền Ở San Antonio (River walk).
- NASA $70/người cho vé vô cửa và Bus.

Mọi thắc mắc hoặc muốn biết thêm những gì chưa rõ xin gọi về

1- Lê Thọ (832)6183129
2-Trọng Tiên (408)234-9212
3-Lê Đạm (713)966-9197
4-Hoàng Thân (408)314-4462
5-Tuyết Hương (Tanya) -(909)630-6961
6-Kim Loan (281)435-6606

Xin chân thành cảm ơn sự hợp tác của quý thầy cô và các bạn.

Kính chúc quý thầy cô và các bạn thật nhiều sức khỏe và luôn an vui cùng gia đình!

Houston Ngày 07 /07 /2023

TM BTCĐH10

Lê Thọ
Kinh thông báo






Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Phong Cách Thiền Trong Đoạn Trường Tân Thanh - Ảnh Hưởng Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh

 


PHONG CÁCH THIỀN TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH - ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn 

PHẦN BA

NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT QUA THƠ CA CỦA NGUYỄN DU VÀ TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Trong những phần trên, chúng ta đã lần lượt khảo sát về tiểu sử Nguyễn Du, về ảnh hưởng đạo Phật trong các tác phẩm của tiên sinh, về nguồn gốc của Truyện Kiều, về vị trí tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh đối chiếu với tư tưởng Nho gia và Đạo gia. Qua những điều nhận xét như thế, ta thấy đạo Phật ít nhiều đã đóng góp và chiếm một vai trò đặc biệt trong việc xây dựng và hình thành tư tưởng Nguyễn Du. Vậy tư tưởng Nguyễn Du là gì, liên hệ thế nào đối với Đạo Phật và có những ảnh hưởng nào trong Đoạn Trường Tân Thanh? Những vấn đề đó sẽ được nhận định lại một lần nữa hầu có một cái nhìn chung ở những phần sau.

CHƯƠNG II

TƯ TƯỞNG NGUYỄN DU VÀ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Mục 3: PHONG CÁCH THIỀN TRONG TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Sau khi từng bước đưa Thúy Kiều đến chỗ chứng nghiệm được sự thật của lẽ vô thường: “Tẻ vui bởi tại lòng này” cũng như thấy được cội nguồn mọi sự đổi thay vô thường là do bởi tâm mình mà ra, Tố Như đã kết thúc Truyện Kiều bằng phần thuyết lý về chữ tâm (câu 3241 đến 3252) để đưa ra lời phủ nhận đầy phong vị của nhà thiền:

“Lời quê chắp nhặt dông dài (c. 3253)
Mua vui cũng được một vài trống canh”

Chúng ta có thể tìm thấy cùng lúc ở cả hai câu thơ này ba ý  nghĩa quan trọng khác nhau:

1./- Trước hết, hai câu thơ trên là do lời nói khiêm nhượng theo cung cách của các nhà Nho thường có. Đặc tính khiêm nhượng được thể hiện không những ngay chính cuộc đời Nguyễn Du mà còn trong các tác phẩm của tiên sinh như là một yếu tố cần thiết để sống giữa cuộc đời. Những năm ra làm quan với nhà Nguyễn, mặc dù “có tài” những tiên sinh đã không “cậy chi tài” (c.3247) để cố gắng giữ nguyên “viên ngọc phác” (Bài thơ Ký hữu) bằng thái độ lảng tránh sự chung đụng trong giới quan trường. Dĩ nhiên, ít nhiều trong thái độ khiêm nhường của tiên sinh cũng có sự tự hào bên trong, nhất là với một kẻ “thông minh vốn sẵn tính trời” (c.29- Truyện Kiều & Bài thơ Mạn Hứng 2/THTT). Như thế, Tố Như đã coi tác phẩm mình vừa hoàn thành  chỉ là những “góp nhặt dông dài” hay chỉ là một câu chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh”! Quả thật tiên sinh có vẻ quá khiêm nhượng khi mà Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm dài nhất từ trước cho đến thời Nguyễn Du (3254 câu) và là một tác phẩm xuất sắc và có giá trị nhất trong nền văn học Việt Nam từ xưa cho đến ngày nay! Người xưa vẫn nói: ” Giai nhân nan tái đắc 佳人難再 得!” (“Người đẹp khó gặp lại được” trích trong bài thơ Giai nhân ca của Lý Diên Niên thời nhà Hán), Đ.T.T.T hay cách gọi dân gian là Truyện Kiều, quả thực ví như một giai nhân tuyệt sắc khó có thể tác phẩm văn vần nào bì kịp không những về mặt nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật tả cảnh, tả tình v.v... mà còn nghệ thuật vận dụng tư tưởng trong đó có tư tưởng đạo Phật để soi sáng con đường tìm trở về cái tâm ,từ bỏ con đường đoạn trường khổ đau của nhân vật Thúy Kiều.

2./- Thứ đến, hai câu thơ này lại mang một ý hướng nghệ thuật. Nhà thơ hay người làm nghệ thuật không bao giờ bằng lòng với những công trình đã hoàn tất. Con đường sáng tạo là con đường đòi hỏi kẻ lữ hành phải biết những quán trọ rải rác trong cuộc hành trình và mỗi tác phẩm chỉ là một quán trọ tạm thời để rồi tác giả lại lên đường tìm đến một quán trọ khác. Một nhà thơ cũng vậy, thi sĩ sẽ được coi là một kẻ đã chết khi bằng lòng với công trình của mình. Mỗi khám phá trên đường tìm chân lý là một niềm vui của kẻ lữ hành, mỗi tác phẩm là một quán trọ đưa người làm thơ đến gần hơn với chân lý hoặc với những gì mình muốn tìm kiếm. Cho nên, thái độ của Tố Như qua hai câu thơ cuối cùng của Truyện Kiều có thể hiểu như là một thái độ chối từ, lìa bỏ nơi trú ngụ của mình. Tác phẩm chỉ là phương tiện để đưa người sáng tạo đến chỗ nhận ra được đích điểm đời mình vàmột khi thấu rõ được bến bờ tất nhiên sẽ không cần đến phương tiện nữa. Nói khác đi, Tố Như đã gây niềm vui cho mình trong những bước đi dò tìm chân lý, tiên sinh không những đã “mua vui” cho người đọc mà còn “mua vui” cho chính mình sau khi hoàn tất tác phẩm. Thêm vào đó, với tư thái của một nhà thơ, Tố Như tiên sinh đã nhìn cuộc đời xuyên qua những nhân vật trong Truyện Kiều như một vở kịch hoặc một vở tuồng với nhiều khuôn mặt tượng trưng những cảnh đời khác nhau. Và cái nhìn ấy đã xem cuộc đời như một trò “mua vui” hay là một cuộc chơi; điều quan trọng là các nhân vật, nhất là Thúy Kiều đã đóng xong vai tuồng của mình trên cái sân khấu cuộc đời ấy mà cái nghiệp hay một số mệnh nào đó của trời già đã chủ xướng. Người nghệ sĩ chân chính sẽ không bao giờ chối từ đời sống, họ luôn mong muốn tham dự và đóng trọn vẹn vai trò của mình trong cuộc đời vì biết rằng “trời kia đã bắt làm người có thân”“có đâu thiên vị người nào!”.
Ý thức được sự kiện đó, nhà thơ thường có thái độ coi thường mọi khúc mắc của đời sống vì đã vượt lên trên những sự tầm thường đó rồi. Chính vì đã vượt thoát lên để biết nhìn cuộc đời một cách bình thường, nên chúng ta có thể xem ý hướng của Tố Như qua hai câu kết này như là thái độ của một kẻ đã hoàn tất công việc, chơi xong một trò chơi với những luật lệ riêng của nó. Giữa trò chơi đó, kẻ tham dự dù “có tài” song lại “cậy chi tài” để được làm một thường nhân mà thôi. Phải chăng, nghệ thuật sống ở đời chính là thái độ bình thường giữa sự tầm thường đó? 

3./ Sau hết, đây không phải chỉ là lời nói khiêm nhường về tác phẩm vừa hoàn tất của mình, nhưng lại còn chứa đựng một ý nghĩa chủ yếu nhuốm đầy màu sắc của thiền gia trên phương diện tánh không. Hai câu thơ có giá trị như một hình thức phủ định, phủ nhận mọi quyết đoán về chữ tâm mà tiên sinh đã dẫn dắt từ nhừng câu thơ đặt vấn đề cho đến những dòng cuối cùng của Đoạn Trường Tân Thanh. Cũng giống như đức Phật sau 48 năm thuyết pháp đã cho rằng mình không nói gì cả, Nguyễn Du đưa ra lý thuyết bao quanh chữ “Tâm” hiểu như là nguồn cội của nghiệp để rồi tiên sinh lại phủ nhận ngay cái tâm đó. Với "Lời quê chắp nhặt dông dài” để xây dựng một thuyết lý về chữ tâm xoay quanh cuộc đời Thúy Kiều, nhưng rồi lại xem đó như một sự “mua vui”, tức là những gì mình đã nói chỉ có giá trị như một câu chuyện phiếm hay một vở tuồng. Tuy nhiên, công trình xây dựng câu chuyện phiếm đó đều chứa đựng những ẩn nghĩa cần phải khai mở bởi chính người đọc:

a/- Cái tâm viên thành của Thúy Kiều rốt cùng cũng là “không”, vì còn chấp vào một cái tâm, tức là chưa nắm được yếu chỉ của nhà Phật. Ngôn ngữ - nói một cách chung - và Truyện Kiều - nói một cách riêng - có giá trị như một thứ phương tiện để đến bờ giác. Vì thế nên “mượn nơm để đơm cá, được cá cần quên nơm”; mượn lời cần ý, được ý quên lời; dùng ý để đạt tâm, đạt tâm cần phải xa ý, và mượn tâm để chứng đạo, đến đạo cần quên tâm, theo một diễn trình biện chứng hai nhịp của tục đế và chân đế mà chúng ta đã nhiều lần đề cập bên trên. Đạt đến đạo thì vô ngôn(達 道 之 無 言), nghĩa là trả lại sự yên lặng theo tinh thần Bát nhã (Prajnaparamita): “Bát nhã không phải là bát nhã mới chính là bát nhã”. Và vô ngôn không phải là không nói lời nào, nhưng nói mà không còn chấp trước theo tinh thần bát nhã. Phải  chăng đó cũng chính là điều mà Tố Như, như chính tên hiệu của mình đang mang, thường nhắc nhở tâm thức mình:

Chướng tiêu thời giác túc tâm không
(Thôn Dạ-THTT)

障 肖 時 覺 夙 心 空 (村夜) [1]
(Chướng ngại tiêu tan bây giờ mới thấy tâm cũng là không)

b/- Và ở giữa đó, đạt đến cảnh giới của chân không (cái không chân thực) tức là đã bước vào chốn an nhiên tự tại như tự bao giờ. Cô L. Silbum đã có lý khi viết: “Phật giáo đi từ chân không (sunyata) để tới chân không, nhờ sự dẹp lắng mọi khởi thảo hiện tượng” [2]. Cho nên, đạt đến sự lắng đọng mọi hiện tượng tức là đạt đến sự giải thoát; còn “chân không có ý thức” (Samcetanâ) của Tố Như qua sự phủ nhận “lời quê chấp nhặt dông dài...” hiểu như là một sự ý thức về những gì mình viết và xem đó là sự “mua vui cũng được một vài trống canh” là cách thể hiện “chân không  hóa” đầy ý vị. “Vài trống canh” của một câu chuyện “dông dài” rồi sẽ đi qua, sẽ là “không”. Hỏi “không” là gì tức là hỏi thế nào là Đạo vì “Đạo khả đạo phi thường đạo 道可道非常道” [3]. “Không” không phải là sự trống rỗng của hư vô, cũng không phải là điều bất khả tư nghì hoặc bất khả tri, và lại càng không phải một cõi miền của hạnh phúc. Tuy vậy, ta cũng có thể nhận thấy đó như là một thái độ mà Tố Như dùng để bày tỏ tâm thức của mình trước một cuộc đời vô thường và Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là một thứ sân khấu của sự biến dời thay đổi thâu hẹp lại mà thôi.

Thực vậy, ngay từ những bài thơ chữ Hán của Tố Như cũng thường nhắc nhở ta điều này. Vũ trụ vạn vật, nhiên giới hoặc nhân giới rộng lớn hoặc bé nhỏ đều không thể tránh được định luật vô thường. Thúy Kiều và toàn bộ nhân vật Đoạn Trường Tân Thanh với bao nhiêu mưu toan, bao nhiêu tính toán, bao nhiêu thức tỉnh hay mê lầm diễn tả trong vai tuồng của mình đã làm xong nhiệm vụ, dù muốn dù không muốn cũng phải trả lại cho sân khấu sự yên tĩnh cố hữu của nó sau “vài trống canh” nổi chiêng trống ào ào. Những nhân vật như Kim Trọng, Từ Hải, Giác Duyên, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Vương Viên ngoại, Thúy Kiều, v.v... “Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?” (Thơ Vũ Đình Liên). Cái sân khấu cuộc đời vô thường như một giấc mơ, đau khổ hay hạnh phúc chỉ là những “Tuồng ảo hóa đã bày ra đó” (Nguyễn Gia Thiều) có có không không, hết tuồng này đến lớp nọ:

“Tưởng bây giờ là bao giờ (c. 3013)
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”

Hoặc:

“Bèo trôi sóng vỗ, chốc mười lăm năm” (c. 3020)

và:

“Toàn cảnh đều là không nào đâu là hình tướng”
(Đề Nhị Thanh Động - THTHT) [1]

Cho nên sân khấu cuộc đời đều là không. “Không” không phải là không có, nhưng là cái không của cái tâm đã lắng đọng. Do đó, ta có thể tạm hiểu “... chân không chỉ là chân không khi cái tâm của ta trở về chân không, không còn muốn, dự phóng hay ý thức nữa. Và cái chân không tuyệt đối đó chính là Niết Bàn  vậy” [4]. Nếu đặt câu hỏi sự “mua vui” hay Niết Bàn của Nguyễn Du ở đây là gì cũng giống như ta đặt câu hỏi Tánh Không (Sunyata) là gì?, cái không chân thực là gì ? Ta có thể mượn lời thơ của một thi sĩ Nhật Bản:

Hoa đào mỗi năm nở trên đỉnh Yoshinô
Thử chẻ cây ra đâu là hoa nhỉ? [5]

Nếu định tâm để nghĩ về hai câu thơ của đoạn Kim Kiều tái hợp, hình ảnh “hoa tàn mà lại thêm tươi”“trăng tàn mà lại hơn mười nằm xưa” (câu 3123-3124) có một ý nghĩa triết lý đặc biệt. Phải chăng đó là tinh thần của “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật” mà Nguyễn Du đọc trên ngàn lần (Ngã độc Kim Cương thiên biến linh), rồi kịp khi đến “Đài đá Phân Kinh” của Thái Tử Lương Chiêu Minh, mới Ngộ, mới Thấy được? Phải chăng đó là sự vượt trội hơn trước của một tâm thức đã thoát ra được những hệ lụy nhân sinh để có được sự trinh trắng, an lạc (“Chữ trinh còn một chút này”) sau bao lần “gạn đục khơi trong”?

Cái tâm vô phân biệt này chính là cái tâm thiền, tâm Bát Nhã mà Nguyễn Du đã thủ đắc được qua tiếng đàn lần cuối cùng của Kiều trước khi nàng bặt “tiếng tơ đồng” để trả cung đàn bạc mệnh cho sự im lặng của cái “gương lòng” thanh thoát của một thuở nào đời chưa dấy bụi, sân khấu chưa có tiếng vỗ thôi thúc:

Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự,
Tứ thời tâm kính tự như như.
(Nguyễn Du/Tạp thi II)

葉 落花 開 眼 前 事
四 時心 鏡 自 如 如 (雜詩 二) [1]

“Lá rụng hoa nở là việc trước mắt, bốn mùa gương lòng vẫn y nhiên như tự thuở nào”. Phải chăng đạt đến cảnh giới ấy, mọi ngôn từ hay mọi lời nói dù là “lời quê chắp nhặt dông dài”với những phân tích, tra cứu cần phải im hơi lặng tiếng từ đây? Phải chăng đó chính là ý hướng thiết yếu nghệ thuật sống hay kinh nghiệm thiền mà Tố Như chứng đắc? Phải chăng tấm gương lòng ấy (“tâm kính”) là sự an nhiên như thuở nào vốn là của nó (“như như”). Biệt hiệu “Tố Như” phải chăng là mong mỏi trở về với “chân diện mục” (Thái phác bất toàn chân diện mục - Ký hữu, 2) [1], trở về với “bản lai diện mục” hay tấm gương lòng y nhiên ,vẫn “như như” của mình như các thiền sư vẫn nói. Phải chăng đây chính là “căn nhà xưa” mà Nguyễn Du muốn thấy lại, muốn trở về. Và thấy được căn nhà xưa ấy là thấy được “chân diện mục”, là Ngộ đó chăng?

---------------------------
[1] xem “Thơ chữ Hán của Nguyễn Du” ,bản dịch của D.A.S đã đăng trên<ninh-hoa.com> và <nguyenhuehaingoai.blocspot.com>
[2] Thiện Cẩm, S.đ.d, tr. 110.
[3] Lão Tử, S.đ.d, Chương I.
[4] Thiện Cẩm, S.đ.d, tr. 111.
[5] D.T.Suzuki, Cốt tủy đạo Phật, S.đ.d, tr. 33.

Dương Anh Sơn