Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

Tiến Trình Giải Thoát Và Chứng Đắc - Ảnh Hưởng Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh


 


TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT VÀ CHỨNG ĐẮC - TƯ TƯỞNG NGUYỄN DU VÀ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn

PHẦN BA

NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT QUA NGUYỄN DU VÀ TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Trong những phần trên, chúng ta đã lần lượt khảo sát về tiểu sử Nguyễn Du, về ảnh hưởng đạo Phật trong các tác phẩm của tiên sinh, về nguồn gốc của Truyện Kiều, về vị trí tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh đối chiếu với tư tưởng Nho gia và Đạo gia. Qua những điều nhận xét như thế, ta thấy đạo Phật ít nhiều đã đóng góp và chiếm một vai trò đặc biệt trong việc xây dựng và hình thành tư tưởng Nguyễn Du. Vậy tư tưởng Nguyễn Du là gì, liên hệ thế nào đối với Đạo Phật và có những ảnh hưởng nào trong Đoạn Trường Tân Thanh? Những vấn đề đó sẽ được nhận định lại một lần nữa hầu
có một cái nhìn chung ở những phần sau.

CHƯƠNG II

TƯ TƯỞNG NGUYỄN DU VÀ
ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

MỤC 2: TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT VÀ CHỨNG ĐẮC

1./ Tiến trình giải thoát và chứng đắc của Kiều đã đi đúng theo chiều hướng của đạo Phật. Thực vậy, đạo Phật quan niệm có tám cấp độ giải thoát, nhưng tất cả đều dựa trên sự thông suốt bản tâm của mình. Trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikâya), Đức Phật cũng từng giải thích rõ cho chúng đệ tử:

“Này Ananda, có tám giải thoát. Thế nào là tám? “Tự mình có sắc, thấy các sắc pháp”. Đó là giải thoát thứ nhất. “Không biết tự mình có sắc, thấy các sắc ngoài tự thân”. Đó là giải thoát thứ hai. “Tâm mình hướng đến thanh tịnh”.

Đó là giải thoát thứ ba. (...) Tỳ kheo chứng và an trụ trong tâm giải thoát và tự giải thoát, không còn lậu hoặc ngay trong thời hiện tại, tự mình thấu đạt và chứng ngộ. Này Ananda, không còn có một câu giải thoát nào khác cao hơn và thủ thắng hơn câu giải thoát này”. [1]

Chúng ta có thể thấy nàng Kiều đã được Tố Như tiên sinh lần lượt phác họa qua ba giai đoạn giải thoát quan trọng tương tự như trên:

a./ Khi còn sum họp với Kim Trọng, chưa bước chân vào chốn phong trần, có lần nàng Kiều đã nhận ra một cách mờ ảo lẽ vô thường qua “sắc thân”, nghĩa là “Tự mình có sắc, thấy các sắc pháp”, thấy ngay trong cái “tính trời” của mình sự vô thường (tẻ, vui) của sắc thân:

“Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao” (c. 494)

Thấy được sự “tẻ vui” do “tính trời” ngay trong tâm tính của chính mình,phải chăng Thúy Kiều đã “chứng ngộ ít nhiều về lẽ vô thường?!”

b./ Kế đến những năm tháng đoạn trường đã tạo dịp cho Thúy Kiều thấy được cả một số kiếp đang chi phối mình. “Thấy các sắc pháp ngoài tự thân”, nghĩa là nhận ra được phần nào nghiệp kiếp của mình nhưng vẫn còn lầm tưởng là do tay “trời” xếp đặt nghĩa là vẫn còn trộn lẫn quan niệm về “nghiệp kiếp” theo kiểu suy nghĩ của dân gian: mọi việc đều do số mệnh, do thiên định hoặc do số kiếp, nghiệp kiếp mà ra. v.v...:

“Túc nhân âu cũng có trời ở trong. (c. l018)
Kiếp này trả nợ chưa xong,
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau”

Thêm vào đó, ở giai đoạn này lẽ vô thường biến đổi ở đời, của chính mình đã được Kiều thị kiến 是見 (cái thấy được cho là đúng với sự hiểu biết của mình mà đạo Phật gọi là kiến giải 見解). Đó là một thứ thị kiến không phải bỗng dưng mà có, song phải do sự nghĩ ngợi sâu xa trên chính đau thương của mình khi nàng muốn đào thoát khỏi chốn lầu xanh. Từ sự “Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân” (c.1190), Kiều mới bất chợt thấy được mệnh số của mình:

“Tẻ vui cũng một kiếp người” (c. 1193)

Nói khác đi, thấy được “kiếp người” tức là ít nhiều tâm trí đã cảm nhận lẽ vô thường. Thúy Kiều đã đi từ sự thị kiến có một ông “trời”, tượng trưng cho nghiệp, đang tác động lên đời mình để rồi quay lại đối diện với chính mình: Thúy Kiều đã bao lần “Nghĩ mình mình lại thương mình xót xa” (c.1234). Và khi nhận ra được cội rễ ấy do của nghiệp kiếp tạo ra, nàng mới có quyền nói: “Đục trong thân vẫn là thân" (c.1423), nghĩa là giai đoạn mà nàng bắt đầu đem cái nghiệp lại gần mình hơn để xem xét và tìm hiểu đâu là nguyên nhân tác động gây ra kiếp người gian truân.

c./ Sau cùng, tâm thức Thúy Kiều đã tiến đến một giai đoạn chín mùi, nghĩa là đứng trước cửa ngõ của giải thoát, của giác ngộ: nàng nhìn Tiền Đường cuồn cuộn tuôn trào, và thấy rõ đã tới lúc có thể “buông bỏ” hay “buông mình trên vực thẳm” bằng cái chết ở dòng sông hầu chấm dứt những mê lầm, những khổ đau, phiền muộn của kiếp sống. Hành động “buông bỏ” của nàng không hẳn là một hành động của kẻ chán đời, chán sống nhưng là một hành động có sự tham dự của ý thức, của chính tâm thức của nàng trước khi đạt đến cảnh giới vô phân biệt, xóa nhòa sự chấp trước giữa đoạn trường và hạnh phúc, giữa nghiệp và kẻ chịu nghiệp quả. Đó chính là con đường của thiền đòi hỏi bậc hành thiền phải vượt qua. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc thuộc dòng Thiền Lâm Tế Nhật Bản đã dạy đệ tử: “Nếu các ngươi muốn đạt được đạo lý thanh tịnh của vô ngã, hãy cứ một lần buông tay rơi trên vực thẳm, rồi các ngươi sẽ bừng tỉnh, trổi dậy trở lại và thành tựu bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh” như đã đề cập ở mục trên [2]. Lời dạy đó rất tương hợpvới suy nghĩ và hành động của Thúy Kiều nơi dòng sông Tiền Đường:

“Nhớ lời thần mộng rõ ràng (c. 2621)
Này thôi hết kiếp đoạn tràng là đây”

Có đi đến tận cùng của kiếp sống, có dám mạo hiểm buông mình vào con nước sâu thẳm, Thúy Kiều mới có cơ hội tái sinh với một tâm thức thực sự thanh tịnh như tiến trình thứ ba của sự giải thoát hướng đến. Từ giây phút “nạn xưa trút sạch làu làu” này, Kiều mới “chứng và an trụ trong tâm giải thoát và tuệ giải thoát”, không còn lậu hoặc (漏 惑: chữ trong nhà Phật chỉ sự tiết hay rỉ ra những sự ô uế, những cái xấu ô tạp của vô minh, mê mờ....) bằng chính sự chứng nghiệm của nàng. Đạt đến cảnh giới của cái tâm không còn lậu hoặc, tức là Kiều đạt đến cái tâm vô phân biệt được thể hiện qua tiếng đàn cuối cùng đời nàng. Sự im lặng của Kiều và để mặc cho tiếng đàn lên tiếng rất tương hợp với trí Bát nhã vô phân biệt của đạo Phật và Tánh Không (sunyata) của Thiền cũng như bốn đức thường, lạc ngã, tịnh của người giác ngộ:

Ngôn ngữ đã dứt,
Tâm hành cũng xong.
Thấm nhuần an lạc,
Tự tâm tịch tĩnh. [3]

Chính vì thế, Nguyễn Du chỉ để Kim Trọng lên tiếng ca ngợi cái tâm trong suốt đó:

“Khúc đâu đầm ấm dương hòa, (c.3199)
Ấy là hồ điệp hay là trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.
Chàng rằng: Phổ ấy tay nào? (c. 3207)
Xưa sao sầu thảm giờ sao vui vầy
Tẻ vui bởi tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”

Những câu hỏi liên tiếp của một kẻ đứng ngoài đó ít nhiều cũng cho thấy Kiều đã chứng nghiệm được lẽ vô thường đã có lần bao trùm đời nàng. Cănnguyên của lẽ vô thường ấy chính là lòng mình, là tâm của mình. Khi viết. “Tẻ vui bởi tại lòng này”, tư tưởng của Tố Như xuyên qua Đoạn Trường Tân Thanh ít ra đã phải trải qua hai sự chứng nghiệm quan trọng từ trước [4], như đã trình bày ở các phần trên ,mới có thể nhận ra một cách không xa rời với tư tưởng đạo Phật về giải thoát là bao nhiêu. Thêm vào đó, khi Tố Như viết: “.... Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ, Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu. Minh kính diệc phi đài, Bồ Đề bổn vô thụ. Ngã độc Kim Cương thiên biến linh, Kỳ trung áo chỉ đa bất minh. Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ, Tài tri vô tự thị chân kinh. 人了此心人自菩,靈山只在汝心頭.明鏡亦非臺,菩提本無樹.我讀金剛千遍零, 其中奧旨多不明.及到分經石臺下, 纔知無字是眞經.” (... Người hiểu biết chữ tâm tường tận để cứu giúp chính mình, Linh Sơn cũng chỉ ở lòng người. Gương sáng không phải ở đài, cây Bồ đề vốn không phải là cây. Ta đọc kinh Kim Cương trên một ngàn lần, những điều sâu sa trong đó nhiều chỗ không hiểu rõ. Kịp khi đến dưới đài “Chia kinh” này mới biết “không chữ" mới thực là chân kinh... c.25-32) [3]. Tư tưởng Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật thật sự đã ăn sâu vào tâm thức của Nguyễn Du để đưa đến CÁI THẤY hay NGỘ của ông dưới chân “Phân Kinh Thạch Đài”. Và với tinh thần thông hiểu và đạt đạo sâu xa như thế ,Tố Như chắc chắn đã đưa vào Đ.T.T.T. để khắc họa hình ảnh thực chứng của Thúy Kiều phù hợp với tinh thần của Thiền tông lấy Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật làm một trong những kinh Phật căn bản để tu tập và hành thiền.

2/- Với Thiền nói riêng và đạo Phật nói chung, điều quan yếu là tự mình hãy tự thắp đuốc lên mà đi, “Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một gì khác” [5]. Đó là điều Tố Như đã nhắc nhủ: “Nhân liễu thử tâm ,nhân tự độ”. Tinh thần ‘tự độ”, tự mình chiến thắng chính bản thân mình thông qua sự chứng nghiệm của Thúy Kiều hay tiến trình tư tưởng của Nguyễn Du tiên sinh ở đây vẫn có sự tương hợp. Nếu sự thật là một thì bằng con đường nào, bằng cách thức nào, phương tiện nào, tu hoặc chẳng tu, Phật hay tục nhân đều có thể đạt đến như nhau khi vượt qua được sự vô minh. Sự thật mà Kiều hay Tố Như ở đây chứng nghiệm được không có gì xa xăm huyền bí, nó rất gần gũi với người đời, nhưng có lẽ vì mê lầm họ đã quên khuất. Sự thật chính là “lòng này”, chính là cái tâm của ta. Tâm thực xa, nhưng cũng rất gần. Chính ta là tâm nhưng nếu lại chấp trước, tâm vẫn chỉ là vọng tâm hoặc hư tâm mà thôi. Đồng thời ,con đường liễu đạo, am tường lẽ Phật luôn đi từ “tục đế” đến “chân đế”, từ “sơ ngộ” đến “đại giác”, từ sơ quả Tu đà hườn đi đến đạo quả Tư đà hàm, A na hàm, A la hán. v..v... Cho nên, chúng ta đừng đòi hỏi cái tâm chứng đắc của Thúy Kiều phải so với mẫu mực của các bậc thanh văn, duyên giác hay Bồ Tát. v..v... Mỗi người đều có những pháp tu theo căn cơ của mình. Nhưng với thiền, kinh nghiệm trải qua trong mười lăm năm chốn đoạn trường là một bài học thử nghiệm để trui rèn tâm thức cho Thúy Kiều .Nhờ vào sự thao thức và nổ lực của chính mình, Thúy Kiều đã đạt đến chốn an vui của lẽ đạo: ”Xưa sau sầu thảm giờ sao vui vầy? Hay là khổ tận đến ngày cam lai” trong tinh thần của Kim Cương Bát Nhã: “Chẳng tu cũng như tu mới là”!

Do đó, tư tưởng của Nguyễn Du bàng bạc trong mỗi giai đoạn đời của Kiều mang một ý nghĩa đặc biệt. Những nguồn ảnh hưởng dù của Nho, của Lão hoặc của Phật không còn giữ nguyên những tư tưởng thuần túy của nó. Và với Tố Như, cả ba chỉ là những chất liệu cần thiết hầu có thể tự mình tìm ra một cách thế dung hòa sao cho phù hợp với tâm thức, phù hợp với vị thế sống của mình giữa cuộc đời mà thôi. Câu thơ thu tóm toàn bộ tư tưởng của Nguyễn Du về cuộc đời sau khi đã trải qua “một cuộc bể dâu” với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong những dòng thơ kết luận đã tỏ rõ con đường đó:

“Thiện căn ở tại lòng ta (c. 3251)
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Chữ Tâm mà Kiều tỏ ngộ không những "bằng" mà có phần vượt trội và hơn hẳn sau khi Thúy Kiều đã chết đi và sống lại nơi dòng Tiền Đường. Cái thiện duyên Thúy Kiều đã gieo như lời trong Đạm Tiên đã nói trong “giấc vàng chưa phai” (c.2710):

“ Tâm thành đã thấu đến trời, (c.2717)
Bán mình là hiếu ,cứu người là nhân.
Một mình vì nước vì dân,
Âm công cất một đồng cân đã già!”

Nói theo nho giáo, cái “tâm thành” của Kiều đã “thấu đến trời” khiến nàng đã thay đổi được “số mệnh”. Còn nói theo đạo Phật, nhờ gieo cái thiện nên nghiệp quả của nàng đã thay đổi ,giúp cái tâm của nàng trở nên trong trắng như “gương vỡ lại lành” (c.3071) đạt được sự an vui.

3/- Mặt khác, đọc Đ.T.T.T. chúng ta đều thấy toàn bộ tư tưởng Tố Như qui kết vào chữ tâm, một chữ tâm dung thông được mọi dị biệt của các nguồn ảnh hưởng khác nhau, hầu tạo một cách thế nhìn đời riêng biệt tùy theo tâm thức của mình. Chữ tâm ở đây không mang là sắc thái của đạo Phật theo lối hiểu thông thường. Con đường của Nguyễn Du lựa chọn và đã đến đích là do chính tiên sinh tìm thấy. Nếu vô tình con đường đó tương hợp với con đường tầm cầu đạo pháp của nhà Phật chẳng qua do bởi sự thật chỉ có một, nhưng lại có thể đưa đến bằng muôn ngàn lối mòn khác nhau. Sự thật đó là gì, nếu không phải chính tại mình khám phá, tự mình chứng nghiệm. Và sự chứng nghiệm, một cách trùng hợp, lại là con đường của thiền vì rằng căn cội của nó đều dựa trên sự sống thật. Có sống thật, có trải qua sẽ thấy vạn vật không có gì sai khác; tâm mình vốn bình thường và mình đã lãng quên sự bình thường đó mà thôi.

Và để đúc kết lại dòng tư tưởng của mình trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã nhận định trong phần kết:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời (c. 3241)
Trời kia đã bắt làm người có thân”

Để rồi Tố Như đã nhấn mạnh thêm lần nữa:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân, (c. 3249)
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Chúng ta khi nhìn lại những phần đầu của “Truyện Kiều” khi nàng Thúy Kiều đang sống êm đềm cùng với gia đình nhưng mầm mống “vô thường” đã có mặt. Nàng cứ băn khoăn, thao thức về cuộc đời về sau của mình qua lời mộng của Đạm Tiên. Và Nguyễn Du, dùng lời Kim Trọng để nhắc nhở:

Sinh rằng: “Giải cấu là duyên, (c. 419)
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

Phải chăng cái “nhân định” ấy có được khi bản thân con người Thúy Kiều đã bao lần vươn lên khổ đau ,tìm cách vượt qua cầu đoạn trường và nhận ra căn nguyên của sự tốt lành (Thiện căn) nằm trong cõi lòng sau khi đã thắng được chính mình để đạt được sự an vui bình thường?

Mặt khác, “chữ Tâm” mà Nguyễn Du nói là “bằng ba chữ tài” chỉ là cách nói cho thuận vần lục bát với câu trên (có một số tác giả cũng cho rằng “ba chữ tài” là thiên ,địa và nhân .Nhưng nói như thế không hợp lý vì đó là cái tâm của bậc đại giác thấu rõ lẽ huyền nhiệm của vũ trụ rộng lớn!). Nhưng thực sự cái tâm mà Kiều có được cũng rộng và đẹp biết bao (“hoa tàn mà lại thêm tươi, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa” - câu 3213). Nếu cái “tẻ” (tẻ vui bởi tại lòng này - câu 3209) ban đầu là do nghiệp, do triền phược, khổ đau, thì cái “vui” lúc đoàn tụ là an vui. Và dù “tẻ” hay “vui” đều do Tâm (cõi lòng) sinh ra. Đó là lẽ Phật, lẽ Thiền mà Tố Như đã đúc kết (từ câu 3241-3254: đi từ Nghiệp (“Đã mang lấy nghiệp vào thân”) bước sang chữ Tâm (“thiện căn ở tại lòng ta”) và trở về với Tánh không (“Mua vui cũng được một vài trống canh”). Chúng ta sẽ bàn thêm để rộng nghĩa hơn ở phần tiếp theo.

[1] Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh (tập III), Viện Đại học Vạn Hạnh xb, 1972 trang 71A và 71B.
[2] D.T.Suzuki, Thiền luận ,quyển trung ,dịch giả Tuệ Sỹ, NXB An Tiêm , Saigon 1971, tr.151.
[3] D.T.Suzuki, sđd, quyển trung, tr.513.
[4] Xem “Thơ chữ Hán của Nguyễn Du”: bài “Đề Nhị Thanh Động 題二青洞 trong Thanh Hiên Tiền Hậu Tập 清軒前後集 và “Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài 梁昭明太子分經石臺 trong Bắc Hành Tạp Lục 北行雜錄 đã đăng trên <ninh-hoa.com> và<nguyenhuehaingoai.blogspot.com>.
[5] Thích Minh Châu, S.đ.d, tr.101.

Dương Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét