Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Phong Cách Thiền Trong Đoạn Trường Tân Thanh - Ảnh Hưởng Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh

 


PHONG CÁCH THIỀN TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH - ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn 

PHẦN BA

NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT QUA THƠ CA CỦA NGUYỄN DU VÀ TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Trong những phần trên, chúng ta đã lần lượt khảo sát về tiểu sử Nguyễn Du, về ảnh hưởng đạo Phật trong các tác phẩm của tiên sinh, về nguồn gốc của Truyện Kiều, về vị trí tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh đối chiếu với tư tưởng Nho gia và Đạo gia. Qua những điều nhận xét như thế, ta thấy đạo Phật ít nhiều đã đóng góp và chiếm một vai trò đặc biệt trong việc xây dựng và hình thành tư tưởng Nguyễn Du. Vậy tư tưởng Nguyễn Du là gì, liên hệ thế nào đối với Đạo Phật và có những ảnh hưởng nào trong Đoạn Trường Tân Thanh? Những vấn đề đó sẽ được nhận định lại một lần nữa hầu có một cái nhìn chung ở những phần sau.

CHƯƠNG II

TƯ TƯỞNG NGUYỄN DU VÀ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Mục 3: PHONG CÁCH THIỀN TRONG TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Sau khi từng bước đưa Thúy Kiều đến chỗ chứng nghiệm được sự thật của lẽ vô thường: “Tẻ vui bởi tại lòng này” cũng như thấy được cội nguồn mọi sự đổi thay vô thường là do bởi tâm mình mà ra, Tố Như đã kết thúc Truyện Kiều bằng phần thuyết lý về chữ tâm (câu 3241 đến 3252) để đưa ra lời phủ nhận đầy phong vị của nhà thiền:

“Lời quê chắp nhặt dông dài (c. 3253)
Mua vui cũng được một vài trống canh”

Chúng ta có thể tìm thấy cùng lúc ở cả hai câu thơ này ba ý  nghĩa quan trọng khác nhau:

1./- Trước hết, hai câu thơ trên là do lời nói khiêm nhượng theo cung cách của các nhà Nho thường có. Đặc tính khiêm nhượng được thể hiện không những ngay chính cuộc đời Nguyễn Du mà còn trong các tác phẩm của tiên sinh như là một yếu tố cần thiết để sống giữa cuộc đời. Những năm ra làm quan với nhà Nguyễn, mặc dù “có tài” những tiên sinh đã không “cậy chi tài” (c.3247) để cố gắng giữ nguyên “viên ngọc phác” (Bài thơ Ký hữu) bằng thái độ lảng tránh sự chung đụng trong giới quan trường. Dĩ nhiên, ít nhiều trong thái độ khiêm nhường của tiên sinh cũng có sự tự hào bên trong, nhất là với một kẻ “thông minh vốn sẵn tính trời” (c.29- Truyện Kiều & Bài thơ Mạn Hứng 2/THTT). Như thế, Tố Như đã coi tác phẩm mình vừa hoàn thành  chỉ là những “góp nhặt dông dài” hay chỉ là một câu chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh”! Quả thật tiên sinh có vẻ quá khiêm nhượng khi mà Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm dài nhất từ trước cho đến thời Nguyễn Du (3254 câu) và là một tác phẩm xuất sắc và có giá trị nhất trong nền văn học Việt Nam từ xưa cho đến ngày nay! Người xưa vẫn nói: ” Giai nhân nan tái đắc 佳人難再 得!” (“Người đẹp khó gặp lại được” trích trong bài thơ Giai nhân ca của Lý Diên Niên thời nhà Hán), Đ.T.T.T hay cách gọi dân gian là Truyện Kiều, quả thực ví như một giai nhân tuyệt sắc khó có thể tác phẩm văn vần nào bì kịp không những về mặt nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật tả cảnh, tả tình v.v... mà còn nghệ thuật vận dụng tư tưởng trong đó có tư tưởng đạo Phật để soi sáng con đường tìm trở về cái tâm ,từ bỏ con đường đoạn trường khổ đau của nhân vật Thúy Kiều.

2./- Thứ đến, hai câu thơ này lại mang một ý hướng nghệ thuật. Nhà thơ hay người làm nghệ thuật không bao giờ bằng lòng với những công trình đã hoàn tất. Con đường sáng tạo là con đường đòi hỏi kẻ lữ hành phải biết những quán trọ rải rác trong cuộc hành trình và mỗi tác phẩm chỉ là một quán trọ tạm thời để rồi tác giả lại lên đường tìm đến một quán trọ khác. Một nhà thơ cũng vậy, thi sĩ sẽ được coi là một kẻ đã chết khi bằng lòng với công trình của mình. Mỗi khám phá trên đường tìm chân lý là một niềm vui của kẻ lữ hành, mỗi tác phẩm là một quán trọ đưa người làm thơ đến gần hơn với chân lý hoặc với những gì mình muốn tìm kiếm. Cho nên, thái độ của Tố Như qua hai câu thơ cuối cùng của Truyện Kiều có thể hiểu như là một thái độ chối từ, lìa bỏ nơi trú ngụ của mình. Tác phẩm chỉ là phương tiện để đưa người sáng tạo đến chỗ nhận ra được đích điểm đời mình vàmột khi thấu rõ được bến bờ tất nhiên sẽ không cần đến phương tiện nữa. Nói khác đi, Tố Như đã gây niềm vui cho mình trong những bước đi dò tìm chân lý, tiên sinh không những đã “mua vui” cho người đọc mà còn “mua vui” cho chính mình sau khi hoàn tất tác phẩm. Thêm vào đó, với tư thái của một nhà thơ, Tố Như tiên sinh đã nhìn cuộc đời xuyên qua những nhân vật trong Truyện Kiều như một vở kịch hoặc một vở tuồng với nhiều khuôn mặt tượng trưng những cảnh đời khác nhau. Và cái nhìn ấy đã xem cuộc đời như một trò “mua vui” hay là một cuộc chơi; điều quan trọng là các nhân vật, nhất là Thúy Kiều đã đóng xong vai tuồng của mình trên cái sân khấu cuộc đời ấy mà cái nghiệp hay một số mệnh nào đó của trời già đã chủ xướng. Người nghệ sĩ chân chính sẽ không bao giờ chối từ đời sống, họ luôn mong muốn tham dự và đóng trọn vẹn vai trò của mình trong cuộc đời vì biết rằng “trời kia đã bắt làm người có thân”“có đâu thiên vị người nào!”.
Ý thức được sự kiện đó, nhà thơ thường có thái độ coi thường mọi khúc mắc của đời sống vì đã vượt lên trên những sự tầm thường đó rồi. Chính vì đã vượt thoát lên để biết nhìn cuộc đời một cách bình thường, nên chúng ta có thể xem ý hướng của Tố Như qua hai câu kết này như là thái độ của một kẻ đã hoàn tất công việc, chơi xong một trò chơi với những luật lệ riêng của nó. Giữa trò chơi đó, kẻ tham dự dù “có tài” song lại “cậy chi tài” để được làm một thường nhân mà thôi. Phải chăng, nghệ thuật sống ở đời chính là thái độ bình thường giữa sự tầm thường đó? 

3./ Sau hết, đây không phải chỉ là lời nói khiêm nhường về tác phẩm vừa hoàn tất của mình, nhưng lại còn chứa đựng một ý nghĩa chủ yếu nhuốm đầy màu sắc của thiền gia trên phương diện tánh không. Hai câu thơ có giá trị như một hình thức phủ định, phủ nhận mọi quyết đoán về chữ tâm mà tiên sinh đã dẫn dắt từ nhừng câu thơ đặt vấn đề cho đến những dòng cuối cùng của Đoạn Trường Tân Thanh. Cũng giống như đức Phật sau 48 năm thuyết pháp đã cho rằng mình không nói gì cả, Nguyễn Du đưa ra lý thuyết bao quanh chữ “Tâm” hiểu như là nguồn cội của nghiệp để rồi tiên sinh lại phủ nhận ngay cái tâm đó. Với "Lời quê chắp nhặt dông dài” để xây dựng một thuyết lý về chữ tâm xoay quanh cuộc đời Thúy Kiều, nhưng rồi lại xem đó như một sự “mua vui”, tức là những gì mình đã nói chỉ có giá trị như một câu chuyện phiếm hay một vở tuồng. Tuy nhiên, công trình xây dựng câu chuyện phiếm đó đều chứa đựng những ẩn nghĩa cần phải khai mở bởi chính người đọc:

a/- Cái tâm viên thành của Thúy Kiều rốt cùng cũng là “không”, vì còn chấp vào một cái tâm, tức là chưa nắm được yếu chỉ của nhà Phật. Ngôn ngữ - nói một cách chung - và Truyện Kiều - nói một cách riêng - có giá trị như một thứ phương tiện để đến bờ giác. Vì thế nên “mượn nơm để đơm cá, được cá cần quên nơm”; mượn lời cần ý, được ý quên lời; dùng ý để đạt tâm, đạt tâm cần phải xa ý, và mượn tâm để chứng đạo, đến đạo cần quên tâm, theo một diễn trình biện chứng hai nhịp của tục đế và chân đế mà chúng ta đã nhiều lần đề cập bên trên. Đạt đến đạo thì vô ngôn(達 道 之 無 言), nghĩa là trả lại sự yên lặng theo tinh thần Bát nhã (Prajnaparamita): “Bát nhã không phải là bát nhã mới chính là bát nhã”. Và vô ngôn không phải là không nói lời nào, nhưng nói mà không còn chấp trước theo tinh thần bát nhã. Phải  chăng đó cũng chính là điều mà Tố Như, như chính tên hiệu của mình đang mang, thường nhắc nhở tâm thức mình:

Chướng tiêu thời giác túc tâm không
(Thôn Dạ-THTT)

障 肖 時 覺 夙 心 空 (村夜) [1]
(Chướng ngại tiêu tan bây giờ mới thấy tâm cũng là không)

b/- Và ở giữa đó, đạt đến cảnh giới của chân không (cái không chân thực) tức là đã bước vào chốn an nhiên tự tại như tự bao giờ. Cô L. Silbum đã có lý khi viết: “Phật giáo đi từ chân không (sunyata) để tới chân không, nhờ sự dẹp lắng mọi khởi thảo hiện tượng” [2]. Cho nên, đạt đến sự lắng đọng mọi hiện tượng tức là đạt đến sự giải thoát; còn “chân không có ý thức” (Samcetanâ) của Tố Như qua sự phủ nhận “lời quê chấp nhặt dông dài...” hiểu như là một sự ý thức về những gì mình viết và xem đó là sự “mua vui cũng được một vài trống canh” là cách thể hiện “chân không  hóa” đầy ý vị. “Vài trống canh” của một câu chuyện “dông dài” rồi sẽ đi qua, sẽ là “không”. Hỏi “không” là gì tức là hỏi thế nào là Đạo vì “Đạo khả đạo phi thường đạo 道可道非常道” [3]. “Không” không phải là sự trống rỗng của hư vô, cũng không phải là điều bất khả tư nghì hoặc bất khả tri, và lại càng không phải một cõi miền của hạnh phúc. Tuy vậy, ta cũng có thể nhận thấy đó như là một thái độ mà Tố Như dùng để bày tỏ tâm thức của mình trước một cuộc đời vô thường và Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là một thứ sân khấu của sự biến dời thay đổi thâu hẹp lại mà thôi.

Thực vậy, ngay từ những bài thơ chữ Hán của Tố Như cũng thường nhắc nhở ta điều này. Vũ trụ vạn vật, nhiên giới hoặc nhân giới rộng lớn hoặc bé nhỏ đều không thể tránh được định luật vô thường. Thúy Kiều và toàn bộ nhân vật Đoạn Trường Tân Thanh với bao nhiêu mưu toan, bao nhiêu tính toán, bao nhiêu thức tỉnh hay mê lầm diễn tả trong vai tuồng của mình đã làm xong nhiệm vụ, dù muốn dù không muốn cũng phải trả lại cho sân khấu sự yên tĩnh cố hữu của nó sau “vài trống canh” nổi chiêng trống ào ào. Những nhân vật như Kim Trọng, Từ Hải, Giác Duyên, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Vương Viên ngoại, Thúy Kiều, v.v... “Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?” (Thơ Vũ Đình Liên). Cái sân khấu cuộc đời vô thường như một giấc mơ, đau khổ hay hạnh phúc chỉ là những “Tuồng ảo hóa đã bày ra đó” (Nguyễn Gia Thiều) có có không không, hết tuồng này đến lớp nọ:

“Tưởng bây giờ là bao giờ (c. 3013)
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”

Hoặc:

“Bèo trôi sóng vỗ, chốc mười lăm năm” (c. 3020)

và:

“Toàn cảnh đều là không nào đâu là hình tướng”
(Đề Nhị Thanh Động - THTHT) [1]

Cho nên sân khấu cuộc đời đều là không. “Không” không phải là không có, nhưng là cái không của cái tâm đã lắng đọng. Do đó, ta có thể tạm hiểu “... chân không chỉ là chân không khi cái tâm của ta trở về chân không, không còn muốn, dự phóng hay ý thức nữa. Và cái chân không tuyệt đối đó chính là Niết Bàn  vậy” [4]. Nếu đặt câu hỏi sự “mua vui” hay Niết Bàn của Nguyễn Du ở đây là gì cũng giống như ta đặt câu hỏi Tánh Không (Sunyata) là gì?, cái không chân thực là gì ? Ta có thể mượn lời thơ của một thi sĩ Nhật Bản:

Hoa đào mỗi năm nở trên đỉnh Yoshinô
Thử chẻ cây ra đâu là hoa nhỉ? [5]

Nếu định tâm để nghĩ về hai câu thơ của đoạn Kim Kiều tái hợp, hình ảnh “hoa tàn mà lại thêm tươi”“trăng tàn mà lại hơn mười nằm xưa” (câu 3123-3124) có một ý nghĩa triết lý đặc biệt. Phải chăng đó là tinh thần của “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật” mà Nguyễn Du đọc trên ngàn lần (Ngã độc Kim Cương thiên biến linh), rồi kịp khi đến “Đài đá Phân Kinh” của Thái Tử Lương Chiêu Minh, mới Ngộ, mới Thấy được? Phải chăng đó là sự vượt trội hơn trước của một tâm thức đã thoát ra được những hệ lụy nhân sinh để có được sự trinh trắng, an lạc (“Chữ trinh còn một chút này”) sau bao lần “gạn đục khơi trong”?

Cái tâm vô phân biệt này chính là cái tâm thiền, tâm Bát Nhã mà Nguyễn Du đã thủ đắc được qua tiếng đàn lần cuối cùng của Kiều trước khi nàng bặt “tiếng tơ đồng” để trả cung đàn bạc mệnh cho sự im lặng của cái “gương lòng” thanh thoát của một thuở nào đời chưa dấy bụi, sân khấu chưa có tiếng vỗ thôi thúc:

Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự,
Tứ thời tâm kính tự như như.
(Nguyễn Du/Tạp thi II)

葉 落花 開 眼 前 事
四 時心 鏡 自 如 如 (雜詩 二) [1]

“Lá rụng hoa nở là việc trước mắt, bốn mùa gương lòng vẫn y nhiên như tự thuở nào”. Phải chăng đạt đến cảnh giới ấy, mọi ngôn từ hay mọi lời nói dù là “lời quê chắp nhặt dông dài”với những phân tích, tra cứu cần phải im hơi lặng tiếng từ đây? Phải chăng đó chính là ý hướng thiết yếu nghệ thuật sống hay kinh nghiệm thiền mà Tố Như chứng đắc? Phải chăng tấm gương lòng ấy (“tâm kính”) là sự an nhiên như thuở nào vốn là của nó (“như như”). Biệt hiệu “Tố Như” phải chăng là mong mỏi trở về với “chân diện mục” (Thái phác bất toàn chân diện mục - Ký hữu, 2) [1], trở về với “bản lai diện mục” hay tấm gương lòng y nhiên ,vẫn “như như” của mình như các thiền sư vẫn nói. Phải chăng đây chính là “căn nhà xưa” mà Nguyễn Du muốn thấy lại, muốn trở về. Và thấy được căn nhà xưa ấy là thấy được “chân diện mục”, là Ngộ đó chăng?

---------------------------
[1] xem “Thơ chữ Hán của Nguyễn Du” ,bản dịch của D.A.S đã đăng trên<ninh-hoa.com> và <nguyenhuehaingoai.blocspot.com>
[2] Thiện Cẩm, S.đ.d, tr. 110.
[3] Lão Tử, S.đ.d, Chương I.
[4] Thiện Cẩm, S.đ.d, tr. 111.
[5] D.T.Suzuki, Cốt tủy đạo Phật, S.đ.d, tr. 33.

Dương Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét