Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Phần Tổng Luận - Ảnh Hưởng Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh

 


PHẦN TỔNG LUẬN - ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn 

ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

PHẦN TỔNG LUẬN

Có thể nói rằng ý nghĩa cuộc đời khởi đi từ những kinh nghiệm mà mỗi người đã trải qua trong kiếp nhân sinh. Dĩ nhiên, đây không phải là những kinh nghiệm thông thường hình thành bởi thói quen, bởi kinh nghiệm kẻ khác, bởi thiên kiến hoặc những tri thức sẵn có. Muốn sống đích thực với những kinh nghiệm này, người ta phải nằm trong một trạng thái tra hỏi và tìm kiếm thường xuyên mới mong đạt tới một tâm thức yên bình giữa dòng đời mải miết. Thêm vào đó, đời sống bao khổ đau, bao nỗi thăng trầm đắng cay cũng chính là trường đào luyện con người. Từ sự nhận thức ở mỗi lần đụng chạm ấy, ý nghĩa đời sống xét như một toàn thể mới nẩy sinh. Nếu “Văn tức là người” (le style c'est l'homme) như Buffon đã nhận định, thì xuyên qua cuộc đời và các tác phẩm của Tố Như tiên sinh, chúng ta sẽ nhận thấy ông là người có đầy đủ thẩm quyền hơn bất cứ ai khác để đưa ra bài học được rút từ kinh nghiệm sống: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Thành thử phải trải qua một cuộc bể dâu, phải tham dự vào “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, cụ Tiên Điền mới thâm nhập lẽ vô thường của cuộc đời thể hiện qua các tác phẩm lưu truyền. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại trên cầu đoạn trường đối diện với đau khổ thì quả thật đời này đầy rẫy những tính cách bi đát và khe khắt của định mệnh như nàng Kiều chịu đựng. Với Nguyễn Du, có lẽ điều quan trọng là phải vượt qua, phải đến bên kia cầu để đến cõi bình yên sau khi đã thực chứng sự thật về cuộc đời.

Mặt khác, bài học đoạn trường xây dựng trên niềm cay đắng, trên sự khổ đau, trên lẽ vô thường mà Kiều biểu trưng cũng chính là thành tố của đạo Phật được phát sinh từ đó như một thứ chân lý không thể phủ nhận nơi dòng đời như Đức Thích Ca Mâu ni từng nhận định :”Đời là bể khổ”. Trong chiều hướng này, chúng ta sẽ nhận thấy đạo Phật đã đóng một vai trò tích cực trong đời sống tinh thần Nguyễn Du và tiềm tàng ở hầu hết tác phẩm của tiên sinh. Ở một bình diện nào đó, khi tìm đến các tác phẩm của Tố Như, đặc biệt là Đoạn Trường Tân Thanh, tư tưởng đạo Phật đã được thăng hoa trở thành một thứ nghệ thuật sống, mượn ngôn từ của thi ca để diễn đạt. Thêm vào đó, chúng ta cũng nhận thấy tác giả đã sử dụng tư tưởng đạo Phật có thể hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau, từ bình dân cho đến trí thức, từ phổ thông cho đến sâu xa. Cho nên, đến với Nguyễn Du và đọc Truyện Kiều, người ta phải trong một nhịp điệu vi tế, mới thấu đáo được chân nghĩa ẩn dụ trong từng biểu tượng và mối dây liên kết chúng. Và cũng vì thế, những thành kiến có tính cách tri thức luận nhằm trình bày ảnh hưởng đạo Phật bên trong Đoạn Trường Tân Thanh hoặc một
ảnh hưởng nào khác có lẽ sẽ thất bại ngay từ đầu, nếu chân nghĩa chỉ là những hình ảnh do những công trình suy diễn mà thôi.  

Do đó, những dấu tích trong Đoạn Trường Tân Thanh cần được thẩm định một cách nhất quán mới có thể nhận ra được vai trò và ý nghĩa của nó. Cuộc đời ba chìm bảy nổi của Kiều và ngay chính Nguyễn Du là một kinh nghiệm sống thật. Giữa đạo Phật và kinh nghiệm sống thật, thực chứng ấy là một không thể tách rời nhau. Cho nên, vai trò đạo Phật có mặt trong Đoạn Trường Tân Thanh đặt trên nền tảng sự thật về sự Khổ (dukha), hiểu một cách rộng rãi và đúng tinh thần của thời đại này và cuộc đời Thúy Kiều chỉ là một trong muôn ngàn biểu trưng mà thôi. Chính vì thế, địa vị đạo Phật nơi Đoạn Trường Tân Thanh có một tính chất thật đặc biệt và toàn bộ chớ không nhìn một cách biệt lập cạnh những tư tưởng khác được.

Đoạn Trường Tân Thanh đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn những người yêu thích nó. Đó là một tác phẩm lớn có sức cuốn hút chúng ta một cách mạnh mẽ, không chỉ ở ngôn ngữ chắt lọc, trau chuốt, nghệ thuật tả cảnh, tả tình phong phú, đặc sắc mà còn ở nội dung tư tưởng chất chứa trong tác phẩm:

1./- Dùng Lời để đạt ý, dùng ý để đạt Nội Dung. Với cách biện chứng như thế, chúng ta thấy rằng thông qua ngôn ngữ thi ca của Đoạn Trường Tân Thanh, nội dung chủ yếu đem lại sức sống, và sự tồn tại của tác phẩm lớn này chính là tư tưởng đạo Phật xuyên suốt tác phẩm. Phủ nhận tư tưởng đạo Phật tức là xóa bỏ phần cốt tủy của Đoạn Trường Tân Thanh. Vì vậy, khi kết thúc Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã viết:

“Thiện căn ở tại lòng ta (c. 3251)
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

“Lòng ta” hay chữ Tâm chính là kiến giải của Nguyễn Du về cuộc đời thông qua số phận của nàng Kiều với những bước đường đoạn trường, truân chuyên.

“Tẻ” và “vui” (“tẻ vui cũng tại lòng này mà ra” – Đ.T.T.T). “Khổ đau” và “hạnh phúc”, đó là hai đỉnh điểm mà Kiều đã đi qua “lòng này mà ra” ... Nói khác hơn, “lòng này” hay tâm thiền là kết quả của sự thực chứng trên bước đường tra hỏi về số kiếp của Kiều. Nếu quá trình giác ngộ của đạo Phật bắt đầu từ nhận thức về Khổ đế thì nàng Thúy Kiều cũng bắt đầu ý thức về sự khổ, sự vô thường của kiếp người:

“Tẻ vui, thôi cũng tính trời, biết sao?” (c.494)

Kế đến, ở giai đoạn Tập đế, Kiều đã nhận ra

“Tẻ vui cũng một kiếp người” (c. 1193)

Rồi ở giai đoạn Diệt đế, Nguyễn Du qua lời nói của chàng Kim đã nhận ra nơi con người Kiều một sự mới mẻ của sự tỏ ngộ:

“Hoa tàn mà lại thêm tươi (c. 3123)
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”

Và cuối cùng Nguyễn Du đã mô tả cái tâm giác ngộ nơi Kiều tương ứng với giai đoạn thứ tư của Tứ Diệu Đế tức là Đạo Đếđau khổ và hạnh phúc bở tại lòng này.

Chàng rằng:“Phổ ấy thế nào (c. 3207)
Xưa sao sầu thảm giờ sao vui vầy?
Tẻ vui cũng tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”

Từ những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du trong “Thanh Hiên Tiền Hậu Tập”, “Nam Trung Tạp Ngâm”, “Bắc Hành Tạp Lục” (Tạm gọi là THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du) ... cho đến văn Nôm như “Văn Tế Chiêu Hồn” và nhất là “Đoạn Trường Tân Thanh”, niềm băn khoăn về kiếp người, về lẽ đạo rồi cũng được trả lời từ cuộc hóa thân của Kiều sau lần nhảy xuống sông Tiền Đường tìm cái sống trong cái chết. Cuộc đời Nguyễn Du tiên sinh cũng thế, phải đi đến Phân Kinh Thạch Đài bên Trung Quốc, ông mới nhận ra “Kinh không chữ mới là chân kinh”.

“Kinh không chữ” nghĩa là Tâm Thiền. Vì vậy, đó là kết quả của sự múc cạn vấn đề sau bao sự trăn trở, kiếm tìm. Mặt khác, nếu chỉ nhìn Đoạn Trường Tân Thanh như một tác phẩm văn học thông thường sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không nhận ra khía cạnh triết lý xuyên suốt của nó bắt nguồn từ tư tưởng đạo Phật mà chủ yếu là tư tưởng Thiền tông.

2./- Kinh nghiệm và những nhận thức từ cuộc sống là nền tảng cho một tác phẩm văn học để nó có sức hấp dẫn người đọc. Tố Như tiên sinh bằng chính sự tìm kiếm, suy tư và trăn trở về cuộc đời của mình, thông qua Đoạn Trường Tân Thanh, thông qua đời Thúy Kiều, đã cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về tư tưởng Thiền tông.Ngoài những giá trị nghệ thuật tinh tế trong cách sử dụng ngôn từ , nghệ thuật tả cảnh, tả tình..v..v... đã được nhiều nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu ,nghệ thuật sử dụng tư tưởng đạo Phật trong ĐTTT của Nguyễn Du lại làm cho tác phẩm có một giá trị độc đáo về mặt tư tưởng. Và không có tư tưởng Thiền tông để làm sợi chỉ nối cho Đoạn Trường Tân Thanh, tác phẩm này sẽ trở thành bình thường như “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân mà thôi. Mặt khác, nếu không có cuộc sống với bao nhiêu “tẻ vui”, đau khổ và hạnh phúc thì cũng chẳng có đạo Phật. Cuộc đời là sự thiết định trên sự vô thường và tác phẩm văn học cũng trôi theo chiếc bách giữa dòng đó.

3./- Sau hết, nếu “Đoạn Trường” là chiếc cầu vô thường thì “Tân Thanh” lại là sự giác ngộ về lẽ vô thường đó. Âm thanh mới đó là gì há không phải là sự “vui vầy” (xưa sao sầu thảm giờ sao vui vầy) mà Kiều có được trong sự an lạc? Đoạn Trường Tân Thanh lôi cuốn chúng ta một phần lớn bởi cuộc đời nàng Kiều luôn bị “gió táp mưa sa” nhưng vẫn không ngừng vươn tới sự an lạc: “Tẻ vui cũng tại lòng này mà ra”.

Trong chiều hướng ấy, sức khơi dậy của Đoạn Trường Tân Thanh sẽ vẫn còn mãi mãi nếu chính cuộc đời mỗi người vẫn không ngừng tìm kiếm để giác ngộ, để an lạc ngay trong cuộc sống như Thúy Kiều, giống như kinh Mathieu đã viết: “Cứ gõ cửa, cửa sẽ mở, cứ tìm rồi sẽ thấy”. Phải chăng cái Hay, cái Đẹp của Đoạn Trường Tân Thanh chính là sự huyền nhiệm của nghệ thuật cao cả? Và phải chăng Nghệ Thuật cao cả của Truyện Kiều cũng chính là Lẽ Đạo? và rồi Lẽ Đạo là gì? Câu trả lời ấy phải chăng chỉ dành cho những ai đó vượt qua cầu Đoạn Trường, tham dự trọn vẹn với tác phẩm bằng chính sự thực chứng của mình trong cuộc sống mới có thể tìm thấy câu giải đáp cho đời mình như nàng Kiều.

* * *

Để thay lời kết, chúng ta có thể mượn lời của Mộng Liên Đường Chủ Nhân, người từng sống ở thời vua Minh Mạng, đã nhận định về thi tài và con người của Tố Như tiên sinh: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy” [1].

Với lời cảm phục và khen ngợi sâu sắc này, chúng ta càng thấy rõ vóc dáng lớn lao của bậc thi hào, với một trí tuệ và tấm lòng rộng lớn. Phải chăng, đó là một con người đã thấm nhập Lẽ Đạo, đã sống với Lẽ Thiền và đã vẽ ra được “Một Nghệ Thuật Sống” qua hình ảnh vươn lên của Thúy Kiều?

Góp thêm một cách nhìn về Đoạn Trường Tân Thanh và về Nguyễn Du là để cùng khơi mở với nhiều cách nhìn khác, cốt sao cho cái Hay, cái Đẹp của tác phẩm này luôn được tỏa sáng, mãi mãi xứng đáng là một tác phẩm lớn trong kho tàng văn học Việt Nam và nhân loại.

Soạn xong tại Ninh Hòa /Khánh hòa tháng 12 -1974

[1] Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, S.đ.d, trang XL VIII (trang 48).

Dương Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét