Huyền Chiêu
Đọc tin trên báo: “Bình Nhưỡng đã tử hình 3 người ở tỉnh Yangang vì tội dùng điện thoại di động lén xem phim của đài truyền hình Nam Hàn” bỗng nhớ vụ án ngày 27 tháng 3 năm 1968, Hà Nội xử:
– Phan Thắng Toán 15 năm tù
– Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù– Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù
Vì tội… hát Nhạc Vàng.
Nhạc Vàng là dòng nhạc Cộng Sản miền Bắc ám chỉ các ca khúc được sáng tác trước năm 1954.
Dòng nhạc ấy được viết ra khi tâm hồn của các nhạc sĩ chưa được thấm nhuần tư tưởng Mác-Lê, chưa được “Mặt trời chân lý chói qua tim” [2].
Vì vậy, nhà nước Cộng Sản miền Bắc lúc bấy giờ muốn xóa sổ dòng nhạc mà họ cho là vong nô, đồi trụy, vết tích của một nền văn hóa phản quốc.
Vậy mà có ba thanh niên, mỗi tối vẫn tụ tập một số bạn bè, đóng cửa, lén lút như hội kín, kẻ đàn người hát những ca khúc của Văn Cao, Lê Thương, Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Giác, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn – Từ Linh…
Họ ngồi bên nhau ngậm ngùi cất tiếng hát thương tiếc Hà Nội năm nào.
“Mây bay về đây cuối trời
Mưa rơi làm rụng lá vàng
Duyên ta từ nay lỡ làng
Còn đâu những chiều
Dệt cung đàn yêu” [1]
Mưa rơi làm rụng lá vàng
Duyên ta từ nay lỡ làng
Còn đâu những chiều
Dệt cung đàn yêu” [1]
Victor Hugo nói: “Có hai thứ không thể giấu được. Đó là tình yêu và sự nghèo túng”.
Các chàng trai Hà Nội yêu nhạc vàng, một ngày nọ bị phát hiện, theo dõi và bắt giam ở Hỏa Lò ba năm trước khi bị đem ra xử án như những tội đồ phản động, phá hoại nền văn hóa Xã Hội Chủ Nghĩa.
Đốt một quyển sách thì dễ nhưng làm sao tẩy xóa được những kỷ niệm êm đềm trong lòng một con người?
Cộng Sản biết rất rõ điều này.
Và họ ghét nhất những não bộ bất trị.
Sau khi ra tù, ông Phan Thắng Toán không còn nhà cửa, gia đình, sống lây lất đầu đường xó chợ và gục chết ngoài hè phố.
Ông Lộc Vàng đang mồi thuốc cho ông Phan Thắng Toán
Ông Nguyễn Văn Lộc may mắn hơn vẫn còn cô người yêu chờ ngày ông ra tù.
Bị kết án 10 năm, được tha tù trước hai năm, ông Nguyễn Văn Lộc nói trong một cuộc phỏng vấn:
– “Trong thời gian ở tù tôi bị hỏi cung không dưới 2.000 lần, mỗi lần không dưới bốn tiếng”.
Dù được ra tù sớm hơn thời hạn nhưng với bốn năm mất quyền công dân cuộc sống bên ngoài nhà tù vẫn đầy cay nghiệt.
Đi tù năm 23 tuổi, ngày trở về của ông sao mà u ám.
Nhớ tới số phận bi thương của những người bạn “hội kín” năm nào chắc lòng ông khôn nguôi bàng hoàng, thương xót:
“Ơi đàn xưa, còn vang nhắc chi tới người
Lòng ta tắt bao thắm tươiU hoài duyên đưa
……………………
Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn” [3]
Trong thời gian người miền Bắc đau đớn, ngậm ngùi chôn Nhạc Vàng vào huyệt mộ thì người miền Nam vẫn vô tư ca hát bất cứ ca khúc nào mà họ thích.
Từ 1954 đến 1975, tất cả các ca khúc lãng mạn bị cấm đoán ở miền Bắc vẫn được trân trọng lưu truyền một cách tự do, phơi phới ở miền Nam.
Lớp trẻ miền Nam chúng tôi thời bấy giờ không tưởng tượng nổi kiếp sống đớn đau tủi nhục của những người Hà Nội còn lại bên kia giới tuyến.
Chúng tôi chỉ biết Hà Nội chắc đẹp lắm nên nhạc sĩ Vũ Thành mới viết rằng:
“Nghẹn ngào thương nhớ “em”… Hà Nội ơi!”
Ông Nguyễn Văn Lộc (bây giờ được mọi người gọi là ông Lộc Vàng) nói:
“Làm sao tôi không yêu được những ca khúc có lời văn sâu sắc, ý nhạc mượt mà”.
Hát dưới giá treo cổ mà vẫn cứ hát. Tôi gọi những người trong vụ án Lộc Vàng là những người bất khuất.
Ca sĩ (Chủ quán) Lộc Vàng
Sau khi vợ qua đời và sau khi nhạc trước 1954 được phục dựng và được gọi là “di sản văn hóa”, là dòng nhạc “Còn Mãi Với Thời Gian”, ông Lộc Vàng bây giờ đã bước sang con dốc của cuộc đời lại bán nhà, thuê một chỗ ở gần hồ Tây để mở phòng trà Lộc Vàng.
“Tôi luôn muốn giữ gìn, phổ biến Nhạc Vàng. Đó là dòng nhạc quý, có giá trị vĩnh viễn”.
“Tôi rất vui vì những ai yêu Nhạc Vàng, đến quán của tôi nghe Nhạc Vàng, đều là những người trí thức và có tâm hồn đẹp”.
Nhưng người thực sự yêu Nhạc Vàng ở Hà Nội bây giờ đâu còn nhiều nên quán của ông không đông khách. Và dù đã phải bù lỗ cả tỷ đồng rồi, ông thề quyết giữ phòng trà cho đến khi túi không còn xu nào.
Vì yêu nhạc vàng mà thời nào ông cũng dũng cảm làm người thiệt thòi.
Mà ông cũng cực đoan lắm. Ông không bao giờ nhận ca sĩ quốc doanh, ca sĩ được đào tạo từ nhạc viện vào hát ở phòng trà của ông.
Ông nói: “Họ hát nhạc tiền chiến theo giọng Liên Xô (opera) nghe không có hồn”.
50 năm trôi qua, người tha thiết với Nhạc Vàng ở Hà Nội lần lượt qua đời.
Dù Nhạc Vàng được cho hát lại, thế hệ sinh ra và lớn lên trong Xã Hội Chủ Nghĩa có mấy ai thật sự hiểu và hát Nhạc Vàng với trái tim thuần Việt?
Và ông Nguyễn Văn Lộc bây giờ đã trở thành người gác đền thiêng cô đơn.
Tôi vẫn tưởng tượng, hằng đêm có ông già ngồi chờ tri kỷ đến để nghe ông hát khúc nhạc mà vì nó ông phải bị tù tội, phải sống bên lề xã hội, phải hết của hết tiền.
Cái tình với Nhạc Vàng, lòng kiên cường bảo vệ những giá trị đẹp của quê hương đất nước của Lộc Vàng thật đáng kính trọng.
“Cung thương là tiếng đàn
Cung nam là tiếng người
Ai oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi” [3]
Cung nam là tiếng người
Ai oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi” [3]
Đối với tôi, có thể ông không là ca sĩ, nhưng ông thật sự là một nghệ sĩ.
Tôi cũng biết ông còn có một niềm vui rất cảm động.
Mỗi khi có bài viết về Lộc Vàng ông đều mang ra mộ đọc cho vợ nghe.
Tôi mong bài viết này có cơ duyên đến được với ông.
Huyền Chiêu
Tháng 3- 2016
Tháng 3- 2016
[1] Lời trong ca khúc của Đoàn Chuẩn – Từ Linh
[2] Thơ Tố Hữu
[3] Lời trong Cung Đàn Xưa – Văn Cao
[2] Thơ Tố Hữu
[3] Lời trong Cung Đàn Xưa – Văn Cao
Ghi thêm: Bài viết có tham khảo bài phỏng vấn Lộc Vàng của Trần Thiện Tùng.
(Nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 71 tháng 8-2016 chủ đề Chiều Đầy Bông Phùng Thăng mới phát hành)
(Nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 71 tháng 8-2016 chủ đề Chiều Đầy Bông Phùng Thăng mới phát hành)
Quán cà phê Lộc Vàng tại Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét