Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Ruồi Úc Gốc Việt

GIỚI THIỆU
Xin kính mời quý Thầy Cô, quý Anh Chị Đồng Môn và quý Thân Hữu đọc câu chuyện ngụ ngôn "RUỒI ÚC GỐC VIỆT" của đồng hương Phú Yên Phạm Đà Giang từ Úc Châu gửi đến.
Trân trọng giới thiệu
NHHN

(Các vai: Hai mẹ con nhà ruồi)

Vợ chồng nhà ruồi chia tay nhau, ruồi cái bay theo đàn đi vượt biên, khi đi nàng đã mang thai, đến Úc sinh con trai được mẹ tròn con vuông. Ruồi đực ở lại còn phải chăm sóc cha mẹ già và hương khói mồ mả tổ tiên. Nhưng chẳng bao lâu được tin chồng ruồi đã theo ông theo bà vì thiếu dinh dưỡng. Nay thấm thoát đã mấy năm xa quê. Nhớ ngày giỗ chồng, ruồi mẹ giắt ruồi con về quê làm giỗ cúng chồng đồng thời cho ruồi con ra mắt họ hàng.  Ruồi con mừng lắm, mừng vì nó sẽ có cơ hội về nơi quê cha đất tổ dù chưa hề biết bố nó ra sao và quê hương như thế nào.
Nó nói với mẹ:
-  Mẹ ơi! từ ngày con có trí khôn, con hằng ấp ủ sẽ có ngày con trở về phục vụ quê hương, ngày ấy sau khi con học xong mẹ nhé!
Mẹ ruồi âu yếm nhìn con thong thả nói:
-  Ừ! Mẹ mừng là con sớm có lý tưởng yêu nguồn gốc của mình như thế. Nhưng con hãy tập trung vào sự học cho xong đã, đồng thời phải trau dồi tiếng Việt cho giỏi thì mới hy vọng phục vụ tốt cho quê hương dân tộc được.
Ruồi con thưa với mẹ:
- Mẹ nghĩ coi, con sinh tại Úc, học trường Úc, mọi văn tự và ngôn ngữ giao dịch toàn bằng tiếng Úc. Nay mẹ bảo con phải giỏi tiếng Việt thì con thấy khó quá. 
Mẹ ruồi ôn tồn bảo con:
- Người ta thường nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Vậy thì tiếng nói cũng là cửa ngõ của tư tưởng để biểu lộ tư cách, phẩm giá, trình độ hiểu biết cuả mỗi con người, và nó còn là phương tiện để thuyết phục hay gây cảm tình với người khác nữa, cơ hồ như cái máy computer nó đã giúp người ta bao nhiêu công việc hàng ngày đó. Cho nên con phải cố gắng học tiếng Việt, ngõ hầu mới đạt được ước nguyện. 
Ruồi con thưa:
- Vâng! Con xin hứa.
Một tuần sau, mẹ con nhà ruồi về đến quê nhà. Mẹ ruồi thưa với bà con cô bác và giới thiệu đứa con yêu quí của mình xong.  Đến lượt ruồi con cúi chào họ hàng nhà ruồi có mặt, nó nói bằng tiếng Úc, xem ra cả đàn thờ ơ và quay lưng bỏ đi vì ruồi con không nói được tiếng Việt. Hôm sau ruồi con vào làng xóm thăm viếng quê cha đất tổ, nó bị đồng bào của nó nhạo báng, châm chọc, đối xử một cách thậm tệ chỉ vì nó không nói được tiếng mẹ đẻ, trong lúc họ nhà ruồi tỏ ra quí mến và kính trọng ruồi Úc nói tiếng Úc, nhưng lại xa lánh nó chỉ vì nó là ruồi Việt mà nói tiếng Úc. 

Khi trở về Úc nó thủ thỉ với mẹ:
- Mẹ có hay chăng, đa số đồng bào mình ở quê nhà họ không ưa ruồi Việt nói tiếng nước ngoài, trong lúc họ lại rất kính trọng ruồi nước ngoài nói tiếng nước ngoài. 
Ruồi mẹ trả lời:
- Đó là tính tự ái dân tộc, con có hiểu tại sao họ có thái độ kính trọng ruồi nước ngoài, mà nói tiếng nước ngoài không? như ruồi Úc đang sống ở nước Việt mà vẫn nói tiếng Úc? Còn con thì nói tiếng Úc trong khi lại là ruồi Việt! 
Ruồi con lắc đầu nói:
- Con chịu thôi, mẹ giải nghiã cho con mới hiểu nổi. 
Mẹ ruồi lấy giọng nghiêm túc rồi dẫn giải xa gần cho con dễ hiểu:
- Tâm lý loài ruồi rất phức tạp, có lắm đứa rất bảo thủ; chỉ bo bo ôm cứng những từ ngữ đang có sẵn để gọi là bảo tồn văn hóa tiếng mẹ đẻ, làm như vậy họ ngỡ là thể hiện lòng yêu tổ quốc Việt Nam lắm. Nhưng cũng không ít kẻ khi họ tiếp cận với ruồi Tây Phương, họ đã vội vàng quay lưng lại với tiếng nói của tổ tiên, rồi họ hấp tấp chạy theo những ngôn ngữ mới mà họ vừa tiếp thu được. Khi ruồi phương tây đến nước ta những kẻ đó, họ đã xem tiếng nói nước ngoài như là thứ ngôn ngữ cao quí, đến nỗi mỗi khi họ giao tiếp bằng tiếng Việt thì họ cố chêm vào tiếng Anh hay tiếng Pháp, để biểu thị ta đây là hạng ruồi thông thái; thuộc giai cấp trưởng giả và có học hành; họ vênh vênh tự đắc được hấp thu nền văn minh tiến bộ... 
Ruồi con ngơ ngác hỏi:
- Mẹ nói cụ thể con mới biết được, chứ mẹ nói chung chung và trừu tượng quá làm sao con hiểu nổi. 
Ruồi mẹ nói tiếp:
- Ngôn ngữ, là một tấm gương soi chân dung của kẻ nói: Hạng ruồi  bảo thủ như con vừa tiếp xúc với họ nhân ngày về quê làm giỗ bố con đấy. Hạng ruồi thứ hai là đã công khai chối bỏ tiếng nói thân yêu của dân tộc mình. Loài người cũng chẳng khác gì, chẳng hạn hồi năm ngoái ở Melbourne, có một đám cưới cả nhà trai lẫn nhà gái đều là người Việt, mẹ và con cùng chứng kiến con còn nhớ chăng?  Hôm ấy, lúc hai họ đứng tề chỉnh trước bàn thờ gia tiên, để chứng kiến lễ thành hôn cho đôi nam nữ. Người chứng hôn thú vừa cất tiếng: “Kính thưa quí quan viên hai họ” thì bị gia chủ cắt ngang, yêu cầu nói bằng tiếng Anh.  Khá khen thay! Anh ta vẫn cứ thong thả, nhẹ nhàng và dõng dạc nói bằng tiếng Việt cho đến khi hết tiết mục. Rồi mới chuyển sang nói bằng tiếng Anh dù quan viên hai họ đều là người Việt cả.  Gia chủ đó là tiêu biểu cho hạng người thứ hai con hiểu chưa nào?
Ruồi con cười vui vẻ:
- Mẹ nhắc, con nhớ ra rồi, nhớ cả những người phù dâu và phù rể hôm ấy còn ăn mặc quốc phục: “áo gấm, khăn đóng, quạt quỳ” chẳng khác gì đám cưới làng quê đang diễn ra tại thôn xóm VN chứ không phải tại Úc. Có khác chăng là cha mẹ và dâu rể phát biểu bằng tiếng Anh dù họ đều là người Việt và hai họ nhà trai và nhà gái cũng đều là người Việt. Khiến con vừa buồn cười vừa xót xa và vừa thương hại cho họ là người có học thức (hữu sư trí) nhưng thiếu trí thức (vô sư trí!). 
Mẹ ruồi khen:
- Ừ! Con hiểu khá đấy, mẹ sẽ hãnh diện vì con sau này.  
Ruồi con nói thêm:
- Nói thì nói vậy, nhưng con còn nghĩ rằng sở dĩ cái đám cưới đó họ dùng ngôn ngữ Úc trong lễ nghi thay vì tiếng Việt, phải chăng tiếng Việt còn thiếu từ ngữ, không đủ để diễn tả tâm tư tình cảm cao xa của họ chăng? 
Mẹ ruồi sua tay nói:

- Không phải, hoàn toàn không phải vậy.  Tiếng Việt đã từng chứng tỏ đủ khả năng phong phú và đa dạng trong mọi lãnh vực khoa học, văn chương, triết học, nghệ thuật, chính trị, kinh tế, xã hội, âm nhạc, hội họa... v.v Con không thấy bao nhiêu biên khảo bằng tiếng Việt thuần túy đã lớn mạnh và trường tồn của lịch sử văn hóa dân tộc đấy chứ. Nên mình có quyền tự hào về gia tài ngôn ngữ Việt Nam con không thấy sao! Có thiếu chăng là thiếu đối với những kẻ vọng ngoại, chối bỏ cội nguồn của mình bởi họ có tự ti mặc cảm về tiếng Việt trước thế mạnh của tiếng Anh, mà họ không nhận chân được rằng: Nước Úc là một quốc gia gồm nhiều dân tộc trên khắp thế giới tụ họp nhau lại tạo thành nước Úc; Tựa hồ như tiệm tạp hóa, gồm nhiều sản phẩm mới thành một cửa hàng bán lẻ, trong đó có thịt cá, rau quả, mắm muối, đường, gạo... Mỗi loại có đặc trưng khác nhau về cảm quan, chất lượng, hình dáng, màu sắc của nó.  Cũng như mỗi dân tộc khác nhau, sẽ có phong tục tập quán khác nhau, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Cho nên, con là ruồi Việt mà không nói được tiếng Việt thì khác chi cá không tanh, thịt không béo, đường không ngọt, mắm không mặn... Tức là toàn đồ giả; sản phẩm giả; hàng hóa giả. Vậy con  cũng chỉ  là hạng ruồi giả; cái vỏ mang hình hài Việt Nam mà thôi./.

Phạm Đà Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét