Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Thương Nghiệp Đạo


Hình minh họa (internet)

Nói với tuổi trẻ
THƯƠNG NGHIỆP ĐẠO
(Thảo Luận Bàn Tròn)
Phạm Đà Giang
((o_o))

- Thân chào các em! Gặp lại nhau hôm nay, các em đưa ý kiến về chủ đề thảo luận, miễn sao xoay quanh trong cuộc sống hàng ngày là đúng hướng của chúng mình rồi.

Em Trưởng toán giơ tay phát biểu:

- Tuần vừa rồi, mẹ em đi phố mua phải cái áo hàng giả, nhãn giả mà tiền thì thật. Mà cô bán hàng cứ xoen xoét cái mồm là bảo đảm 100% hàng thật và nhãn hiệu chính công thật! Cho nên em đề nghị chúng ta bàn thảo: Làm cách nào đưa chữ “ĐẠO” vào ngành thương nghiệp được không ạ!.

- Hay lắm, em đặt vấn đề cho nền văn học sử nước nhà một chủ đề mới mà ngàn xưa chưa từng có! –Chú hoan nghênh thảo luận chủ đề ấy. Còn tất cảc em tính sao?
Nhiều tiếng ồn ào:

- Chúng em đồng ý, chúng em tán thành ạ!…

- Chủ đề khó đấy, khó vì ý mới mẻ quá và khó về nghĩa của chữ “Đạo” rất mơ hồ về sự khái quát của nó. Tức là: Giữ được ‘đạo’ trong mọi ngành nghề rất khó, nhưng giữ được ‘đạo’ trong nghề buôn bán còn khó khăn hơn nhiều. Vậy “Đạo” là cái gì? Khiến phải khó như thế? –Ngay chữ ‘đạo’ định nghĩ và hiểu được nó cũng đã khó rồi, huống chi thực hành với nó thì còn khó biết là bao. -Theo nho gia. Thì Trang Tử nói: “Đạo lưu hành trong vũ trụ, tàng ẩn trong muôn vật, cho nên vật nào cũng có phần linh diệu của Đạo bên trong để điều hòa, trưởng dưỡng cho nó. Đạo không có hình trạng, rất khó diễn tả, nên con người chỉ lấy tâm để cảm nhận và hình dung Đạo mà thôi”. Đồng với quan điểm đó: Đạo là Chơn Như, là Phật Tánh, là Bồ Đề của Phật giáo. Hoặc Đạo là Thái Cực, là Thiên lý của Nho giáo. Tên gọi tuy khác nhau, nhưng tựu trung đều chỉ cái nguồncội của càn khôn vũ trụ và vạn vật. Cái nguồn cội ấy gọi là Đạo. Còn gọi là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Phật...

Theo quan niệm của thế gian thì: “Đạo là những đức tính tử tế, lương thiện của con người phải giữ để xử sự cho phù hợp với ‘đạo’, và ăn ở cho tương hợp với lòng người. Được như vậy thì gọi là đạo. ‘Đạo’ tức là những việc làm lương thiện, điều tốt, bắt nguồn bởi ‘từ bi’ của Phật giáo và ‘bác ái’ của Thiên Chúa giáo…”. Nói một cách khác: Đạo là tâm thiện, là tính hiền hòa là ngay thẳng, là trung thực, là sự thật và là chân lý! Tức là cứ nhìn thẳngvào Tâm Tánh của chính mình thì sẽ thấy Đạo, chứ tìm ‘đạo’ ở bên ngoài mình thì chẳng bao giờ thấy ‘đạo’ được. Vì ở bên ngoài làm gì có ‘đạo’ mà tìm cho uổng công nhọc sức.Bởi những lẽ trên, chú đề nghị chúng ta ghép thêm chữ “Đức”, đứng sau chữ “Đạo” để làm túc từ cho chữ ‘đạo’, ngõ hầu chữ ‘đạo’ được sáng tỏ hơn và dễ hiểu hơn. - Vậy chữ ‘đức’ là gì? Chúng ta cũng cần hiểu sơ qua một chút: “Đức” là biểu hiện cái tốt đẹp về tính nết, tư cách, hành động của con người… Nếu một người có cả “Đạo và Đức” là con người hoàn thiệt ở đời vậy. Nghĩa là: người có đạo đức là người có tâm ý ngay thẳng, chân chính, lời nói tử tế và việc làm lương thiện… Như vậy gọi là “Đạo Đức”.

Hình minh họa (internet)

-Trở lại chủ đề: “THƯƠNG NGHIỆP ĐẠO!”.Ngôn ngữ tiếng Việt đã hình thành cụm từ: “Gian thương” để chỉ sự gian dối, điêu ngoa, lật lọng, tráo trở, bất lương; không thành thật, không ngay thẳng trong buôn bán. Cho nên chủ đề: “Thương Nghiệp Đạo !” để đối lập với nhóm từ‘Gian Thương’ nói trên. Hầu ước mong các bạn trẻ hành nghê ‘doanh nghiệp’ làm hành trang vào đời với ý niệm về: Vấn đề nhân cách, uy tín luôn là cái vốn đáng quí nhất trên cõi đời này. Vậy, dù là ngành nghề mua bán; trao qua đổi lại hàng hóa, sản phảm, tiền bạc…v.v. cũng cần phải có cái ‘Đạo’ của nó, chứ chẳng riêng gì những nhà đạo đức, mô phạm, các thầy tu hoặc các vị hiền triết thánh nhân mới có ‘Đạo’ được… Thật ra các vị đó giữ ‘Đạo’ khá dễ dàng, vì vốn họ đã và đang hành ‘Đạo’ rồi. Bây giờ chuyển sang giới thương mại, mà cứu cánh của thương mại là lợi nhuận, vì lợi nhuận là mục đích của thương trường. Cho nên, khó mà “hành Đạo” và khó mà “giữ Đạo” được dễ dàng...  Nhưng chẳng phải không có người giữ và làm được. Vậy ta sẽ hành sự bằng cách nào để đưa ‘đạo’ vào nghề buôn bán?

Một em đứng dậy thưa:

- Nói như chú, thì làm sao có được các doanh nhân triệu phú, tỷ phú trên cõi đời này?
- Hừ! Nói như em thì chính em đã xác nhận những nhà triệu phú và tỷ phú là gian thương; nếu không ăn gian nói dối thì không thể trở thành triểu phú, tỷ phú được ư? *Không hẳn vậy đâu em, ngược lại là khác đấy. -Nếu họ buôn bán mà lường gạt, mưu mô, thủ đoạn, mánh mung, quỷ quái!!! Thì trước sau thiên hạ ai ai cũng biết, khi biết người ta sẽ xa lánh, tẩy chay, đào thải kẻ gian thương…Tức là kẻ gian thương đã tự đào lỗ chôn chính họ. Như thế làm sao mà thành triệu hay tỷ phú cho đặng! Sở dĩ có người trở lên triệu hay tỷ phú là họ có viễn kiến; tầm nhìn xa hơn những kẻ chỉ muốn bốc hốt! Chỉ chăm chăm nhìn vào cái lợi trước mắt khi lường gạt được khách hàng, tất nhiên khách hàng ấy sẽ chả bao giờ trở lại lần nào nữa, mà còn nói lại cho gia đình và bạn bè biết cửa hàng đó là: “Gian thương chính hiệu con nai vàng” nên xa lánh. Những kẻ gian thương đó làm sao có thể thành công được để đạt tới Triệu và tỷ phú cho đặng chứ?

Em khác lên tiếng:

- Chú nói đúng, em cũng tẩy chay những ai gian dối không thật thà trong buôn bán. Bởi vậy, em chỉ trở lại mua sắm ở những tiệm có uy tín mà thôi.

- Ừ! Quan niệm của em cũng y như trăm, vạn, triệu người khách hàng khác thế thôi. Cho nên những người thành công lớn là người biết đặt tín nghĩa lên hàng đầu trong giao tiếp với mọi người nghe không! Tức là “Đạo Buôn Bán” phải lấy chữ “TÍN” là duy nhất trong cái “Đạo” của Buôn Bán. Nghĩa là: Đạo Buôn Bán là gì? Là giữ tín nghĩa trong giao dịch thương mại... Đó là ‘Đạo Buôn Bán’ vậy. Và chỉ có thế thôi!

Có một em gái còn nhỏ tuổi phát biểu:

- Nếu chỉ có thế thì dễ ợt! Em làm được ngay kể từ quá khứ cho đến bây giờ và chắc chắn luôn cả tương lai nữa chú ạ!.

- Hihihi! Chú có lời chúc mừng em kể từ giờ phút này lui lại quá khứ, còn tương lai thì chưa tới, làm sao mà biết được, bởi luật vô thường chi phối cả thân lẫn tâm luôn luôn biến đổi khôn lường nghe em. Tuy nói thì nói vậy, nhưng không dễ như em tưởng đâu. Vì nói tới chữ ‘tín’ thì ai mà chả biết, nhưng không mấy ai đã hành trì chữ ‘Tín’ được trọn vẹn đâu, khó lắm, vô cùng khó đấy. *Tại sao vậy? Vì chữ “Tín” nó không hình không tướng; nhìn không thấy, sờ không đụng… nên những kẻ làm ăn muốn bốc hốt cho mau, để làm giàu cho lẹ, chỉ biết bây giờ và tại đây, giành giật được càng nhiều càng tốt…



Tầm nhìn không xa quá một bước chân… Đó là những kẻ ăn xổi ở thì…Kỳ thật, nhờ chữ ‘Tín’ nó vô hình, cho nên nó to lớn không cùng không tận, nó chứa đựng tất cả mọi thứ thuộc phạm vi “Chân, Thiện, Mỹ” bao nhiêu cũng không đầy. Chẳng hạn như: Nhân cách, phẩm giá con người, Đạo lý làm người, Đức tự trọng của mình. Nói cách khác, nó bao trùm cả kiến thức, sức khỏe; Nhân, Nghĩa, Lễ của nho gia… nữa.  Chữ ‘tín’ ví như thân con rết, dưới thân nó có bao nhiêu là chân. Mỗi một chân là một  triết thuyệt sống ở đời. Chẳng hạn cái chân thứ nhất mang tính “Nhân nghĩa”. Chữ ‘NHÂN’ nhà nho nói: “Vi nhân nan” (làm người khó). Tây phương cũng nói tương tự: “Mỗi cá nhân gồm: Một nửa là người, một nửa khác là thú”. *Cái chân thứ nhì mang tính “Chân thành”. Không gian dối, điêu ngoa. Chẳng xảo trá, lật lọng. Chả lường gạt, lưu manh ai. *Cái chân thứ ba mang tính “Tự trọng”. Mình phải trọng cái nhân cách của chính mình trước đã, thì người khác mới trọng mình sau. Trang Tử bảo: “Vô cầu, phẩm giá cao”. Thật vậy, nếu vì sự ham muốn của mình mà phải cầu cạnh, nhờ vả hay xin xỏ cái này hoặc cái nọ… thì mỗi lần “cầu” là một lần nhân cách bị xuống cấp. Xuống cho đến tận cùng dưới đáy! Thì mình không còn là mình nữa. Cho nên ta phải tự mình bảo vệ cái nhân cách của chính mình bằng cách: Biết cư xử; đừng vì lợi mình mà để người khác phải thiệt thòi, đừng vì nguồn vui của mình mà người khác phải buồn rầu… Nên: “Cho nhiều hơn là nhận”. Dù có phải thiếu thốn chút ít, ngoại trừ sống dưới mức tri túc (một nhu cầu cần thiết cho sự tồn tại). Và vân vân. Nói khác đi, ta có thể sống khổ một chút còn hơn sống nhục.

Tóm lại. Có được chữ “Tín” là có được cái vốn lớn! Nhờ nó vô hình, nên nó chứa đựng được tất cả cái vốn hữu hình (gồm hiện kim, hìện vật; nhà cửa, xe cộ, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất…). Có nhiều tiền, chức vụ lớn cũng không thể mua được chữ “tín”, nếu mua được thì chỉ là “Tín giả” mà thôi. Cho nên, muốn có ‘Tín’ thì phải tự mình tạo ra nó bằng việc làm, bằng công sức và tài đức của mình chứ không phải bằng lời nói suông! Nghĩa là phải hành xử ngược lại so với ‘gian thương’ là thành công một cách vẻ vang rồi… Nhưng phải hiểu chữ thành công theo nghĩa rộng, chứ không hẳn chỉ có tiền bạc. Mà thành công về tiền bạc là thứ thành công thấp nhất so với những thứ thành công khác. Như thế mới đáng là người cho ra người !!!./.
Phạm Đà Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét