Từ giã quê hương ra đi,
những gì ta mang theo, nếu có, nhứt định không phải là đôi đũa. Vậy mà ngày đầu
tiên đặt chưn đến đảo cũng như sau nầy.. trong những bữa ăn, đôi đũa vẫn xuất
hiện bên cạnh ta, đi theo ta suốt một đời.. Nó hiển nhiên đến đổi không còn ai
biết nó từ đâu đến, tại sao có? Trong những bữa cơm nghèo nàn, muối dưa đạm bạc
hay những yến tiệc linh đình, mỹ vị cao lương, người Việt ta vẫn phải dùng đến
đôi đũa. Không thể dùng tay để bốc thức ăn như con người 5000 năm trước đây của
nửa phần trái đất nầy.
Tuy tầm thường, thô sơ, rẻ
mạt... không ai để ý, nhưng nó luôn luôn ở bên cạnh ta. Cả đến khi ta qua đời,
đôi đũa cũng được so ngay ngắn để bên chén cơm cúng ta trên bàn thờ.
Đôi đũa là một phát minh
của nền văn minh nông nghiệp cách đây hàng ngàn năm của vùng Hoa hạ và sau đó
lan tràn cả vùng Đông Nam Á. Nó vừa là một dụng cụ vừa là một chứng nhân của
dòng sinh hoạt văn hóa dân gian, biểu tượng một phần của đời sống văn minh trong
sự ăn uống. Riêng người Việt Nam, qua cung cách sử dụng, đôi đũa còn thể hiện
nét đẹp của tinh thần gia tộc: Biết kính trên nhường duới, biết ''ăn coi nồi,
ngồi coi hướng'', biết gắp miếng ngon dâng cho ông bà, cha mẹ, nhưng đồng thời cha mẹ,
ông bà cũng chia sẻ, nhường nhịn thức ăn cho con cháu. Tình gia tộc chan hoà ấm
áp qua sự sử dụng đôi đũa trong bữa cơm.
Trước khi ăn, người ta
còn cầm đũa xá 3 xá, để nhớ ơn người nông dân lam lũ, một nắng hai sương, nhọc
nhằn vất vả, mới tạo ra được hột cơm. Và khi ăn, phải ăn cho sạch cơm trong
chén – để thể hiện cái đạo lý ''Ăn trái nhớ kẻ trồng cây'' của dân tộc ta. Tập
quán tốt đẹp nầy hiện vẫn còn một số gia đình áp dụng. Đôi đũa còn mang lại cho
ta cái thú vị trong cách thưởng thức món ăn. Cứ thử ăn món phở mà dùng chiếc
nĩa cuộn tròn mấy cọng bánh đưa vào miệng, hoặc ăn món mắm và rau mà cầm nĩa
xăm từng cọng rau, con dao cắt từng miếng thịt – mắm, thịt và rau rời rạc...
không còn là món ''mắm-thịt-cá-và-rau'' hài hoà tuyệt diệu.. ăn một miếng, ngon
thấm tận vào da thịt.. như âm hưởng một bản đàn đã dứt mà dư âm còn lan man mãi
trong tâm hồn. Ăn mắm bằng muỗng nĩa... thì không còn thú vị gì nữa...
Nếu văn hoá là cái gì còn
sót lại, khi người ta đã quên hết.. như một tác giả nào đó đã nói (“La culture
est ce qui reste, quand on a tout oublié”), thì chính đôi đũa là cái còn sót
lại..
ĐÔI DÒNG VỀ LỊCH SỬ ĐÔI
ĐŨA
Theo nhiều sử liệu nghiên
cứu về đôi đũa thì người dân vùng Hoa Nam thuộc giống dân Bách Việt là dân tộc
đầu tiên phát minh ra đôi đũa dùng để gắp thức ăn. Trong quyển L'histoire
culturelle de la Chine, sử gia Đàm Gia Kiện xác nhận người Tàu thời tiên
Tần (trước Tần Thỉ Hoàng) vẫn còn ăn bốc tức dùng tay như một đứa trẻ đưa thức
ăn vào miệng. Riêng dân Trung Hoa miền Hoa Bắc – ăn bốc là một thói quen truyền
thống. Vì miền nầy khí hậu lạnh lẽo... dân ở đây chỉ trồng được lúa mạch (orge)
và lúa kê (millet) và ăn bánh mì, tất nhiên là ăn bốc, vì phải dùng tay để cầm
bánh mì đưa vào miệng ăn. Và bánh mì của họ khác với bánh mì Tây Phương. Chỉ
khi họ bành trướng lãnh thổ về phương Nam – vùng đất của dân Bách Việt (100
giống dân Việt) đất ấm áp, nơi có nhiều rừng tre và trồng được lúa nước, người
Hán khám phá ra dân nơi nầy dùng một dụng cụ thô sơ bằng tre, dùng để và cơm và
gắp thức ăn đưa vào miệng. Đôi đũa đuợc phát sinh qua hình ảnh cái mỏ con chim
ngậm giữ một cách có hiệu quả... hột lúa hay một con cá, trước khi đưa vào
miệng ăn. Và cũng vì thức ăn có nhiều thứ ẩm nước hay nóng sôi... dùng tay ăn
sẽ dơ bẩn hay bị phỏng tay, rất bất tiện... Từ đó, họ dùng 2 cái que, hình ảnh
cổ xưa nhứt của đôi đũa. Họ Đàm kết luận, với những khám phá mới gần đây nhứt,
đã minh chứng ĐÔI ĐŨA là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp của vùng Đông Á.
(Đàm Gia Kiện, L'histoire culturelle de la Chine - p.769)
Người Tàu còn sử dụng đôi
đũa trong Toán học trước khi phát minh ra được bàn toán (boulier ). Đời nhà
Hán, người Tàu đã biết sử dụng những chiếc đũa viết những con số để xếp thành
những phương trình đại số... Liu Hui (220-280 ) dùng những chiếc đũa màu đỏ
(chỉ số dương) và những chiếc màu đen (chỉ số âm), để dạy Toán học, để xếp
thành những ma trận (matrice), một ngàn năm trước cả GAUSS. Người Tàu cũng sớm
biết rút căn số (extraire les racines carrées) từ thời đó. (Theo J. Claude
Marzloff, Histoire des Mathématiques chinoises (J. Claude
Marzloff, 1988, p.376)
Qua những nghiên cứu về
nguồn gốc đôi đũa, luận chứng của sử gia Đàm Gia Kiện gần đây nhứt, có lẽ là
đáng tin cậy hơn cả. Nhà Hán bành trướng lãnh thổ về phương Nam – vùng các tỉnh
phía Nam sông Dương Tử gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến –
là những vùng khí hậu tương đối ấm, trồng được lúa nước và có nhiều rừng tre.
Thực phẩm vùng nầy là cơm nấu từ lúa gạo không phải là bánh mì như vùng Hoa Bắc
(ăn bằng cách cầm tay). Ăn cơm thì phải dùng 2 cái que bằng tre để lua cơm vào
miệng và để gắp thức ăn – tiện lợi, sạch sẻ hơn dùng 2 bàn tay.
TRÊN ĐƯỜNG LƯU LẠC XỨ
NGƯỜI
Bây giờ lưu lạc xứ người,
cộng đồng ta là một thiểu số nhỏ bé. Môi trường khác, văn hoá khác, ngôn ngữ
tập quán khác. Văn hóa mới ảnh hưởng ào ạt trực tiếp – tác động có tánh cách
thượng phong, áp đảo, nhứt là đối với giới trẻ. Muốn sống còn, dù không muốn,
ta vẫn phải hội nhập vào xã hội mới. Giới trẻ được giáo dục theo văn hoá sở
tại. Từ nơi ăn chốn ở, cách ăn uống, nếp suy tư – là hệ quả của nền giáo dục
mới. Bữa cơm Việt Nam, tất nhiên có đôi đũa, có còn giữ vững địa vị của nó
trong nếp sống của nhiều thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại không?
Nhiều người ưu tư.. nghĩ
rằng chỉ vài ba thế hệ sau... nền văn hoá ta sẽ chìm mất vào nền văn hóa bản
địa. Trẻ con ta dần dần sẽ không nói được tiếng Việt, không học tiếng Việt hoặc
có, cũng chỉ là qua loa, thứ yếu.. Hậu quả tất nhiên là không đọc sách báo
Việt, không thích nhạc Việt. Trẻ con thích Hamburger hơn cơm, thích khoai tây
chiên hơn phở. Bữa cơm gia đình sẽ không còn canh chua cá kho, sẽ vắng bóng mấm
tôm cà pháo, và đôi đũa, cũng sẽ bị dòng nước lũ văn hoá mới cuốn trôi đi mất…
Mặc dù có rất nhiều tổ
chức, hội đoàn, chùa chiền.. khắp thế giới hoạt động thiện nguyện, nhiệt tình,
tích cực cho việc giáo dục tiếng Việt cho con em, nhưng có một sự thật không
thể chối cãi là phần lớn con em sinh tại hải ngoại không đọc sách báo Việt ngữ
và thích ăn Hamburger, hot dog hơn cơm và phở.
Bảo tồn và duy trì văn
hoá cũng còn tùy thuộc nơi sức tranh đãu của chúng ta – những bậc cha ông của
các thế hệ sinh tại hải ngoại. Tại sao các cộng đồng Tàu còn giữ được văn hóa
của họ. Thăm dò những người Tàu nhiều thế hệ sinh đẻ tại đây – hiện có người từ
60 tới 90 tuổi.. họ vẫn đọc được tiếng Tàu, ăn cơm Tàu, sử dụng đôi đũa.. Người
Tàu đã làm được. Còn ta thì không biết ra sao!
ĐÔI ĐŨA TRONG BÀN TIỆC
Một người Tây Phương, Ô.
G. Charles, trong tác phẩm: ''La table du dragon'' hết sức ca tụng đôi
đũa và thức ăn Á Đông. Ông viết: ''Người ta tự đào huyệt chôn mình bằng chiếc
nĩa, nhưng ngườt ta xây dựng sức khoẻ của mình với đôi đũa (On creuse sa tombe
avec la fourchette, mais on construit sa santé avec les baguettes). Tác giả một
mặt đề cao đôi đũa và thức ăn Á Đông, mặt khác, ông nhận xét cung cách ăn uống
của mấy ông con trời: ''Bữa ăn được xem là khoảng thời gian xum họp, vui vẻ,
nên người Tàu gây nhiều tiếng động ồn ào trên bàn ăn. Xương xẩu, rác rưởi bỏ
bừa bãi bên cạnh chén cơm hoặc vứt đầy xuống mặt đất.. và rất ít khi không thấy
họ khạc nhổ xuống nền nhà. Chiếc bàn sau bữa ăn giống như một bãi chiến trường
ngỗn ngang xác chết..'' (G. Charles, La table du dragon).
Người Việt ta có lẽ cũng
đã từng thấy ngoài đời lẫn trong phim, người ta ăn lẫu... Họ dùng đôi đũa dính
cơm, thức ăn đang nhai, gắp thịt cá nhúng vào lẫu rồi đưa vào miệng ăn. Đôi đũa
dính đầy đờm dãi, xác rau, thịt cá nhai nát.. nhúng vào rồi còn quậy quậy trong
nước lẫu... cho thịt mau chín. Chao ơi! cái lẫu bây giờ giống như một chậu nước
rữa chén! Mọi người dùng cái muỗng múc nước trong lẫu húp xì xụp..!
Chính người viết bài nầy
những ngày gần đây cũng đã từng trải qua nhiều lần ăn lẫu như thế: Cá bóng kèo
còn sống nhảy soi sói... được bỏ vào chiếc lẫu để giữa bàn. Rau rác cũng được
bỏ vào cùng lúc. Hàng chục đôi đũa chỏ vào nhúng, gắp, quậy quậy.. rồi đưa vào
miệng nhai, ăn... và tiếp tục dùng đôi đũa dính đầy thức ăn chỏ vào lẫu lập lại
cái ''điệp khúc'' nầy nhiều lần trong bữa ăn. Nước dùng trong giây lát.. ngã
màu, nổi màng màng. Kỳ vi, thịt cá, rau rác vụn và chắc chắc có cả nước miếng,
đờm dãi trôi lều bều trong nước lẫu... Ly la ve độc nhứt trên bàn chuyền
nhau... nốc ừng ực một hơi, khà một tiếng khoái trá! Những người khác trong bàn
vỗ tay: ‘Dzô! Dzô! Chăm phần chăm’! Tiếng vỗ tay rôm rốp. Tới phiên mình cũng
đành phải nâng ly và cũng đành chỏ đũa, nhúng, gắp như mọi người, nếu không
muốn lãnh cái cán búa. Thiệt tình! Ớn thấu trời xanh!
Thói quen ''truyền
thống'' nầy đã có lâu đời nên người trong cuộc thấy rất bình thường. Nếu để ý
một chút hoặc khi xem người Tàu ăn lẫu... thấy thật muốn nhợn... Ớn quá trời!
Người Tây Phương lấy làm lạ trong lòng!
Trong bàn tiệc, người
mình cũng vậy thường dùng đôi đũa đang ăn dính đầy nước miếng, đờm dãi chỏ vào
gắp thức ăn trong dỉa. Mười người mười đôi đũa chỏ vào gắp cá, thịt, rau.. cho
vào miệng nhai.. rồi tiếp tục dùng đôi đũa đó gắp như vậy suốt bữa tiệc. Cứ
tưởng tượng thức ăn nhai nát cùng đờm dãi, vi khuẩn, vi trùng sẽ đi du lịch
thoải mái từ miệng người nầy sang miệng người khác... Và nếu có người bị cảm
cúm, hépatite, ho lao hay bệnh truyền nhiểm nào đó, thì nhứt định sẽ lây sang
người khác... Trong tiệc cưới hỏi hay party hội họp bạn bè.. người mình có thói
quen dùng đôi đũa đang ăn trong miệng gắp thức ăn bỏ vào chén các vị cao niên,
các bà, các cô… để bày tỏ sự kính trọng người lớn tuổi hay sự xã giao lịch lãm
của mình. Tuy nhiên, qua sự thố lộ của nhiều người, họ rất khổ tâm trước vấn đề
nầy. Có nhiều điều bất tiện. Dùng đôi đũa đang ăn gắp thức ăn phục vụ cho người
khác có khi làm họ không hài lòng. Vì món ăn đó không thích hợp với cái răng vừa
mới thay, vì muốn tự mình gắp món nào mình thích, hoặc vì cử món đó, hay vì món
đó khi được phục vụ chỉ còn đầu và vỏ (Thí dụ như tôm hùm) Và đôi đũa mình đang
ăn, đã dính nước miếng, cơm và thức ăn nhai trong miệng, mà gắp thức ăn bỏ vào
chén phục vụ người khác. Bỏ thì sợ mích lòng bạn mà ăn thì nuốt không vô... Một
bà bạn tâm sự: Tui ngồi chết trân, hổng biết phải làm sao, bèn lén lén để ra
dĩa lấy giấy khăn ăn đậy lại, mắt lấm lét vì sợ bị bắt gặp. Trông cho anh bồi
đi tới dọn để phi tang cho lẹ lẹ.
Ta vẫn có thể lịch sự
phục vụ người khác bằng cách sử dụngmuỗng nĩa do nhà hàng dọn sẳn trong
dĩa để lấy thức ăn để vào chén họ. Ta vẫn giữ được thói quen tốt đẹp nầy. Người
viết đã có một lần chứng kiến một vị phu nhân dùng đôi đũa bươi bươi dĩa mì
xào.. để tìm kiếm cái gì đó. Dường như bà bất mãn nhà hàng xào mì không có tôm.
Dĩa mì sau đó còn nguyên, không ai rớ tới... Dùng đôi đũa để gắp thức ăn, cái
muỗng để húp canh, là một thói quen lâu đời. Thay đổi một thói quen không phải
là một việc dễ dàng có khi còn lãnh cái cán búa.
Xoá bỏ một thành kiến còn
khó hơn phá vỡ một thành trì. Huống chi đôi đũa trong bữa ăn người Việt còn là
một tập quán lâu đời, một nét văn hoá trong đời sống ông cha hàng ngàn năm nay.
Bỗng nhiên thay đổi cung cách sử dụng, dù biết đúng đi nữa cũng khó mà chấp
nhận. Nhưng nếu so sánh chuyện cái búi tóc và bộ âu phục ngày xưa, quả nhiên
chuyện đôi đũa có phần dễ dàng hơn. Đạo lý Khổng Mạnh quan niệm: ''Thân thể
phát phu thọ chi phụ mẫu – bất cảm hủy thương hiếu chi thị giả'' (Thân thể,
tóc da, do cha mẹ sinh ra. Hủy bỏ hay làm thương tổn đến nó là điều bất hiếu).
Bất hiếu là tội lớn nhứt. Làm thương tổn đến tóc da là bất hiếu. Làm sao có thể
tưởng tượng người Việt Nam thời đó dám hy sinh cái búi tóc. Thế mà các nhà ái
quốc Trần Cao Vân, Mai Xuân Thưởng đã dám đứng lên cổ xúy cho phong trào cắt
cái búi tóc thế kỷ trước đây, đã gặp một sức phản kháng dữ dội. Thế nhưng dần
dà... dân chúng ý thức được cái tiện lợi, sạch sẽ.. nên cái ''củ tỏi'' lần lần
biến mất. Các chiếc áo dài, khăn đống, giày hàm ếch, dây thắt lưng bằng lụa
xanh, cũng chỉ còn lại trong các buổi lễ… để tượng trưng cho một dấu vết của
nền văn hóa dân tộc.
Dòng văn hóa ngàn đời của
ta là gạn lọc và thâu thái. Gíáo dục của ta vừa dân tộc, vừa khai phóng... Vừa
bảo tồn, vừa biến đổi... Gìn giữ cái hay nhưng đào thải cái dở.. Nhưng chính
chúng ta là những người trực tiếp tham dự, đóng góp vào dòng văn hoá đó. Đôi
đũa là một di sản dân tộc... Cho đến ngàn sau ta vẫn còn sử dụng nó, nếu ta còn
là người Việt.. Nhưng biến đổi, cải tiến cung cách sử dụng... cho thích nghi
với nếp sống văn minh hiện đại là điều cần thiết, là phù hợp với dòng văn hóa
ngàn đời của ông cha ta... Hiện tại, sau gần bốn năm, kể từ khi phổ biến bài
viết nầy, có một số khá đông hưởng ứng. Cứ nhìn cái cung cách sử dụng đôi đũa
trong bàn tiệc, trong bữa ăn người ta thấy được điều đó. Nhưng cũng có một số
người không hưởng ứng. Nhưng dầu không đồng ý –thậm chí đến mỉa mai, chống đối–
nhứt định không thể dữ dội bằng vụ cái búi tóc hai thế kỷ trước. Dần dà bà con
thấy là chuyện nên làm thì như sự hiện diện bộ âu phục ngày nay và sự biến mất
cái búi tóc ngày trước, đôi đũa sẽ được sử dụng đẹp hơn bao giờ hết.
LÊ QUỐC