Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Con Đường Đến Mỹ


Coronado Beach, San Diego

Tọa lạc trên con đường đẹp nhất thành phố. Bề ngoài của tòa nhà số 4 LD không có gì nổi trội so với các kiến trúc bên cạnh nhưng mỗi khi đi ngang tôi vẫn ghé mắt nhìn. Lý do, không phải vì vẻ xấu đẹp hay chi tiết lịch sử liên quan đến tòa nhà mà vì dòng người ngày này qua ngày khác xếp hàng ngay ngắn ở phía trước luôn đập vào mắt tôi. Mục đích của họ ai cũng biết, xin visa đi Mỹ. Bình thường tôi cũng chỉ đưa mắt nhìn rồi thờ ơ lướt qua. Cho đến ngày là một người trong số họ, tôi mới biết con đường đến Mỹ đơn giản hay nhiêu khê, màu hồng hay màu xám như thế nào. 

- Đến Mỹ làm gì?

- Nghề nghiệp hiện tại?

- Thu nhập hàng tháng?
- Có thân nhân bên Mỹ không?
- Sẽ đến những nơi nào trong nước Mỹ?
- Dự định ở lại Mỹ trong bao lâu?
- Cho xem tất cả hồ sơ!

Vỏn vẹn chỉ có 6 câu hỏi, viên chức tổng lãnh sự quán Mỹ gõ vào bàn phím mấy cái và đẩy tờ giấy màu xanh qua ô cửa nhỏ về phía tôi. Như vậy sau một thời gian chờ đợi: nộp hồ sơ, hẹn lịch phỏng vấn, cuối cùng tôi cũng chạm vào nước Mỹ.

Chuyến bay Tân Sơn Nhất- John F. Kennedy( New York) quá cảnh ở sân bay Incheon( Hàn Quốc) sau 5h bay. Một sự trùng hợp giữa chuyến đi lần này và chuyến đi Hong Kong sáu năm trước của tôi. Cả hai sân bay đều ở trong thời điểm nhạy cảm với dịch bệnh: A/H1N1 ở Hong Kong 2009 và bây giờ là MERS-CoV 2015 ở Incheon. Trái với không khí hoang mang ở sân bay Hong Kong năm đó, thật tình tôi chẳng thấy chút lo âu nào đang diễn ra ở Incheon. Các cửa hàng vẫn tấp nập người mua bán, nhân viên sân bay và khách vãng lai rất hiếm người mang khẩu trang. Trên các lối đi đám đông hành khách vẫn thản nhiên qua lại. Incheon nhìn chung một ngày như mọi ngày ở các sân bay quốc tế khác. Nói thì nói vậy chứ sau 3h quá cảnh, máy bay cất cánh tôi mới thở phào nhẹ nhõm.


Wall Street - New York

Sau khi bay tiếp 14h dài và mệt mỏi, New York (hay nói đúng hơn là nước Mỹ) chào đón tôi với con dấu cho phép lưu trú 6 tháng trên visa. Cơn gió lạnh mùa hè 18 độ C bên ngoài phi trường JFK làm tôi tỉnh táo hẳn dù vừa trải qua hai đêm mất ngủ liên tiếp. Trước mắt tôi không phải là một New York mới lạ đang mời gọi khám phá mà là một giấc mơ đã thành hiện thực. Thế là sau những đêm ngủ vùi vì trái múi giờ, mỗi ban mai tôi lại hăm hở lên đường với giấc mơ của mình. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đứng trên boong tàu lộng gió ở vịnh Hudson chiêm ngưỡng tượng Nữ Thần Tự Do, biểu tượng của nước Mỹ. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đi qua cây cầu Brooklyn nổi tiếng trong một ngày nhiều mây như thế! Càng không nghĩ mình lại lang thang trên quảng trường Times Square, rảo bước dưới những màn hình quảng cáo cực lớn, nơi luôn có triệu người chào đón năm mới với quả cầu pha lê. Cũng có lúc thơ thẩn trước nhà hát Broadway, tôi không tin mình đang đặt chân trên thánh đường của kịch nghệ, nơi mà ngay cả những ngôi sao như TL, ĐT đã từng mê mẩn.

New York không chỉ lôi cuốn tôi bởi những thắng cảnh nổi tiếng hay những tòa nhà chọc trời san sát nhau. Đứng trước những cái tên như phố Wall (khu trung tâm tài chính chứng khoán thế giới), NYSE Building( Sở giao dịch chứng khoán New York), Trung tâm Rockefeller, Tòa nhà Empire State Building…hay nhìn cờ các nước phất phới tung bay trước trụ sở Liên Hiệp Quốc mới biết để đến được vùng đất mang tính toàn cầu như thế này quả là điều không dễ thực hiện.


Rời New York, điểm đến kế tiếp của tôi là thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania một trong những thành phố lâu đời nhất nước Mỹ. Sau khi băng qua những xa lộ mênh mông, ngắm nhìn thỏa thích những ngôi nhà xinh xắn trên các sườn đồi, xe dừng lại trước quảng trường Độc Lập của thành phố. Nhìn mấy chiếc xe ngựa màu trắng gõ nhịp ngang tòa nhà Độc Lập (Independence Hall), nơi đầu tiên bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được ký kết. Nhìn nhóm nghệ sĩ đường phố trong trang phục quí tộc thời xa xưa nói cười trên hè phố, tôi có cảm tưởng quá khứ như ngừng lại ở quảng trường lịch sử này. Cách đó không xa, phía bên tay phải của tòa nhà là nơi trưng bày biểu tượng độc lập của nước Mỹ, quả chuông Tự Do (Liberty Bell). Cuối quảng trường là một bức tường gạch thô với những bức tranh mô phỏng sinh hoạt của người dân các thế kỷ trước. Xe rời khỏi Philadelphia một lúc lâu nhưng hình ảnh cái chuông nứt, màu nâu đỏ của tòa nhà cách đây mấy trăm năm vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi.

Independence Hall - Philadelphia
Chia tay Philadelphia, xe chạy thẳng về hướng Washington D.C. Bên ngoài cửa kính, mùa hè đang về trên những thảo nguyên xanh. Một màu xanh tươi mát chạy dài qua những vùng đất mà tôi đoán chỉ mới mấy tháng trước đây tuyết còn phủ dày trắng xóa. Mãi mê nhìn phong cảnh hai bên đường, dòng sông Potomac và thủ đô nước Mỹ hiện ra trước mắt lúc nào không hay.

So với New York hiện đại và sôi động, Washington D.C tạo cho du khách cảm giác rất đỗi bình yên. Không gian thoáng đãng, cảnh quan thơ mộng cùng với sự có mặt của nhiều tượng đài, nhà bảo tàng đã biến thủ đô nước Mỹ thành một quần thể du lịch ưa thích. Đứng trước tượng đài Washington một ngày nắng hạ, nhìn ngọn tháp bút chì soi mình trong bóng nước thấy lòng thanh thản gì đâu. Ngã mình trên thảm cỏ xanh, tôi rất tiếc đã không đến đây vào tháng 3, tháng mà hoa anh đào nở rộ chung quanh khu vực tượng đài này. Công viên nối tiếp công viên thành thử nắng tháng 6 mà Washington D.C không hề oi bức. Rảo bước qua các đài tưởng niệm TT Lincoln, chiến tranh Mỹ- Hàn…không hiểu sao tôi dừng lại rất lâu trước đài tưởng niệm chiến tranh Mỹ- Việt. Tôi không nhớ mình đã nghĩ gì, nghĩ về bước chân người lính Mỹ viễn chinh năm xưa, về quê hương đang cách xa vạn dặm hay về bốn chữ “Freedom is not free” trên bức tường thấp màu đen có mấy đóa cẩm chướng đỏ hắt hiu bên cạnh.

Điều đáng tiếc trong chuyến tham quan là điện Capitol (tòa nhà quốc hội Hoa Kỳ) đang trong quá trình tu sửa. Một phần mái vòm uy nghi đã bị khung sắt thô che kín làm cho vẻ đẹp của tòa nhà giảm đi rất nhiều. Song các kiến trúc và nhiều bảo tàng gần đó đã không làm tôi thất vọng. Được nhìn tận mắt phi thuyền Apollo đầu tiên đáp xuống mặt trăng, bộ sưu tập máy bay của lịch sử ngành hàng không ở bảo tàng Không Gian, hay những viên đá giá trị nổi tiếng, bộ sưu tập xương khủng long, voi ma mút ở bảo tàng Thiên Nhiên…mới thấy thế giới này quả là rộng lớn và có biết bao điều để chiêm nghiệm.

Một trong những điểm du lịch thu hút khách tham quan nhất ở Washington D.C là nhà trắng (White House). Thu hút vì đây là nơi làm việc và là nơi ở của nhiều đời tổng thống Mỹ kể cả đương nhiệm. Việc tìm một góc ảnh tương đối trống trải ở khu vực này quả rất khó. Du khách nườm nượp đổ về khoảng sân trống trước tòa nhà không lúc nào ngớt. Tôi tò mò tự hỏi, giá lúc ấy nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ bất ngờ xuất hiện phía bên trong hàng rào song sắt, đám đông sẽ như thế nào nhỉ!

Thời gian không cho phép tôi lưu lại bờ Đông nước Mỹ lâu hơn, nhưng có lẽ đó là nơi rất phù hợp với sở thích du lịch của tôi. Thời tiết mát mẻ, phong cảnh tuyệt đẹp, không gian yên bình… những yếu tố dễ làm mềm lòng du khách. Tôi vẫn nhớ bữa cơm chiều đầu tiên trên đất Mỹ trong một tiệm ăn Việt Nam ở New Jersey. Ngoài đường vắng tanh, mưa bụi nhạt nhòa sau khung cửa, ánh mắt xa xăm của ông chủ tiệm người gốc Hà Nội và tiếng hát Mai Hương trong bản nhạc phổ thơ Hồ Dếnh vang lên nơi góc nhà gợi bao nhung nhớ! Tôi cũng không quên những cung đường đẹp như tranh vẽ khiến cho con người có cảm giác gần gũi với thiên nhiên hơn. New Jersey, Delaware, Pennsylvania, Maryland, Washington D.C, Virginia…mỗi khi xe chạy qua khỏi một địa danh tôi đều ngoái đầu thầm thì: hẹn ngày trở lại.

Nhà Tưởng Niệm TT Lincoln - Washington DC

Giã từ bờ Đông, chuyến bay Baltimore- Los Angeles đưa tôi đến với Cali, một tiểu bang ở bờ Tây nước Mỹ. Ngoài yếu tố du lịch, Cali còn là điểm chính trong hành trình đến Mỹ của tôi vì có nhiều bà con, bạn bè và người quen định cư ở đó. Thời tiết Cali lúc này đang chuyển dần từ xuân sang hè khá mát mẻ và dễ chịu, ban ngày nắng ấm nhưng ban đêm nhiệt độ xuống thấp có khi 16,18 độ C. Theo chân một người bà con ở Mỹ lâu năm, tôi đi từ Nam đến Bắc Cali và mỗi điểm dừng chân là một trải nghiệm lý thú. Như đặt tay lên những ngôi sao năm cánh màu hồng có gắn tên các nghệ sĩ lừng danh thế giới trên đại lộ danh vọng ở Hollywood. Tận hưởng những giây phút thần tiên không thể nào quên ở Disneyland, ngắm bãi biển du lịch xinh đẹp Coronado Beach ở San Diego trong một chiều vàng…

Ngoài những điểm du lịch nổi tiếng, tôi cũng có những khoảnh khắc đời thường rất thú vị ở Los Angeles. Vào một cửa hàng quần áo ở thương xá Phước Lộc Thọ, thích thú khi phát hiện một nhãn hàng pyjama nổi tiếng ở chợ An Đông. Nhìn những tấm bảng hiệu tiếng Việt trước các cửa hàng vàng bạc, băng đĩa nhạc, quần áo hay những cái tên quen thuộc như bánh xèo, cơm tấm, phở, hủ tiếu… trước các tiệm ăn tôi có cảm giác như đang đi dạo ở chợ An Đông hay chợ Bến Thành.

Không quá sầm uất như Los Angeles, đời sống ở San Jose miền Bắc Cali có vẻ êm đềm hơn. Đây cũng là thành phố tôi lưu trú lâu nhất ở Mỹ thành thử có nhiều thời gian để rong ruổi hơn. Hầu như ngày nào tôi cũng theo mấy cô em họ ra phố. Khi thì ngắm nghía băng đĩa nhạc ở Làng Văn, lúc thì vào tiệm phở 90 Degree kêu một tô size nhỏ vừa ăn vừa ngắm mấy ông già Việt Kiều về hưu đánh cờ, chuyện trò nơi góc phố. Thỉnh thoảng lại vào chợ Lion xem hàng Việt đầy ắp trên các quầy kệ hay đến siêu thị bán sỉ Costco nếm thử món này đến món khác…

Bắc Cali có một thành phố tôi phải quay lại lần thứ hai là San Francisco. Quay lại để ngắm lần nữa Golden Gate Bridge ( Cầu Cổng Vàng) huyền ảo trong sương mù, để cảm nhận chim bồ câu như sà thấp trên vai trước City Hall (Tòa thị chính San Francisco) hay đứng dưới con dốc thấp nhất nhìn xe hơi chạy chầm chậm giống đồ chơi con trẻ trên đỉnh Lombard Street (con đường hoa hình Zic Zac)…

Hollywood - LA

Nam lẫn Bắc Cali có một thứ đặc biệt tôi không thể tìm thấy ở các tiểu bang khác là tình thân. Lúc ở Việt Nam, tôi không hình dung được cuộc sống của những người họ hàng, quen biết cũ như thế nào trên đất Mỹ trong ngần ấy năm! Mọi thứ như một tấm màn bí mật được vén lên từ khi tôi đặt chân đến Cali. Ăn với nhau một bữa cơm, gặp gỡ trong một buổi picnic, thăm hỏi từ nhà này sang nhà khác… là điều 40 năm trước đây tôi chưa hề nghĩ tới. Điều đáng mừng là dù thành đạt hay cuộc sống ở mức trung bình, mọi người xem ra đều hài lòng vì đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

Một tháng trên đất Mỹ trôi qua nhanh chóng nhưng những điều đọng lại cũng không ít. Thời tiết, cảnh quan, môi trường, giao thông, con người…mọi thứ đều lạ lẫm với tôi. Trong số đó giao thông có lẽ ấn tượng nhất. Tôi từng thắc mắc về những bức tường cao cỡ 4m, 5m chạy dài dọc các Freeway, có nơi còn trồng hoa hay lót gạch trông như một bức tranh gắn phù điêu rất đẹp. Hỏi ra mới biết để ngăn tiếng ồn vì người Mỹ vốn thích sự yên tĩnh. Đường sá ở Mỹ rất tốt và hiện đại, nhiều đường cao tốc có đến 5, 6 line mỗi bên. Các bảng tín hiệu giao thông chỉ dẫn rất cụ thể, chi tiết đến cả đường nội bộ. Người Mỹ rất tuân thủ luật giao thông, ở một đất nước mỗi người dân sở hữu một chiếc xe hơi lại không có tiếng còi xe, không lấn line, vượt tuyến. Trên xe thì dù ngồi sau cũng phải seat belt (cài dây an toàn) nghiêm chỉnh. Đối tượng được ưu ái khi tham gia giao thông trên đường là người đi bộ. Tại những giao lộ không có đèn xanh, đèn đỏ thấy người đi bộ từ xa xe đã ngừng lại, người lái thậm chí còn thò đầu ra vẫy tay cười ra hiệu nhường đường. Parking( chỗ đậu xe) được qui định rất cụ thể, không có tình trạng đậu xe bừa bãi, tùy tiện.

Với hệ thống đường sá qui hoạch văn minh như thế, đi xe đò ở Mỹ cũng rất thú vị. Đoạn đường từ Los Angeles về San Jose khoảng 600 cây số, thay vì đi xe Hoàng mất 40 USD thì cô em họ tôi mua vé Megabus của Mỹ trên mạng chỉ có 10 USD (mua sớm có thể chỉ 1 USD). Xuất phát từ trạm chính gần công viên Disneyland, nhà chờ của Megabus trông như một sân bay cỡ nhỏ. Trên xe chỉ có một tài xế duy nhất, vừa lái xe vừa kiêm luôn soát vé và thu xếp hành lý. Suốt một chặng đường dài từ Nam đến Bắc Cali ngoại trừ ở những trạm dừng chân còn thì tuyệt nhiên không một bóng người, tất cả như lẩn khuất đâu đó sau những trang trại trồng cây trái, những trại chăn nuôi gia súc nằm cách xa mặt đường.


TX Phước Lộc Thọ - Santa Ana

Không chỉ di chuyển bằng đường bộ, tôi cũng có một trải nghiệm vui khi đi máy bay nội địa ở Mỹ. Từ sân bay Baltimore tôi đáp máy bay của hãng hàng không giá rẻ Southwest đi Los Angeles. Đinh ninh vào số ghế đã in sẵn trên vé như mọi lần, tôi cứ thế ung dung xếp hàng gần giờ chót. Đến lúc xếp hàng mới biết con số ghi trên vé chỉ là mã số và hành khách phải xếp hàng theo cột mã số, ai vào trước sẽ có chỗ ngồi tốt. Quả là một kinh nghiệm vô cùng quí báu khi trong khoang máy bay các ghế sát cửa sổ và lối đi khách Mỹ chiếm gần hết, chỉ chừa lại các ghế giữa. Cả nam lẫn nữ tiếp viên của Southwest là những người đứng tuổi, ăn mặc rất đơn giản khác với hình ảnh trẻ đẹp, chỉn chu từ đầu đến chân của các tiếp viên hàng không người châu á. Nhân viên dưới mặt đất cũng vậy, dường như người Mỹ chú trọng đến hiệu quả công việc hơn là hình thức bên ngoài. An ninh ở sân bay nội địa Mỹ thắt chặt hơn cả sân bay quốc tế, có lẽ rút kinh nghiệm từ sau biến cố 11/9.

Sau giao thông, mua sắm ở Mỹ cũng là đề tài rất hấp dẫn. Theo kinh nghiệm của những người từng đi Mỹ nhiều lần thì khi đi nên đem theo quần áo thật ít, chừa chỗ trống để mang hàng mới về. Bản thân tôi không mặn mà gì với lời khuyên đó nhưng khi qua tới Mỹ mới thấy điều đó hoàn toàn đúng. Hàng hóa ở Mỹ rất phong phú, cao cấp có, bình dân có. Bên cạnh những nơi chuyên bán hàng hiệu như đại lộ 5 (Fifth Avenue) ở New York hay Santana Row ở San Jose, tôi cũng bắt gặp những anh chàng da đen luôn miệng rao “10 đồng ba cái” trước các cửa hàng quần áo trên đại lộ Hollywood. Giá cả tùy theo túi tiền, chất lượng thì bảo đảm không sợ hàng giả, hàng nhái vì ngoài made in USA, hàng China, Việt Nam hay các nước thứ ba khác khi qua đến Mỹ đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Hàng mua rồi có thể đổi, trả miễn là còn hóa đơn và cùng một hệ thống cửa hàng.

Tháng 6 tuy không phải là dịp mua sắm của dân Mỹ, nhưng đi đâu tôi cũng thấy bảng sale-off, đôi khi mua được những món hàng ưng ý với giá rẻ bất thường. Thời gian dành để mua sắm tại một mall ( trung tâm mua sắm) có khi mất cả ngày vì có quá nhiều cửa hàng, nhiều sự lựa chọn. Tại những siêu thị giá rẻ như Walmart, Costco hàng tiêu dùng rất nhiều chủng loại, giá cả lại phải chăng. Với phương thức mua bán thoải mái, hàng hóa đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của mọi tầng lớp khách hàng, nước Mỹ quả là điểm đến lý tưởng đối với những ai ưa thích mua sắm.


Santana Row - San Jose

Người Việt ở Mỹ cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Đến tiểu bang nào tôi đều gặp người Việt. Trên du thuyền ở vịnh Hudson, chen lẫn giữa ngôn ngữ các nước tôi nghe có âm thanh Việt, tour tham quan San Francisco gặp không ít đồng hương, shopping ở Los Angeles hay San Jose tưởng như đang ở Việt Nam giọng Bắc, Trung, Nam có đủ cả. Ở những trung tâm thương mại của người Việt như Eden ở Washington D.C, Lion Plaza ở San jose, Little Sài Gòn ở Los Angeles ngoài các cửa hàng mua bán tôi còn thấy có hiệu ăn, siêu thị, tiệm nail, văn phòng luật sư, phòng mạch bác sĩ…Ngôn ngữ không là một rào cản ở những nơi này. Giọng nói Việt, dịch vụ Việt, hàng hóa Việt, thức ăn Việt…tôi có cảm tưởng những người lưu lạc đã bê nguyên xi quê hương đến xứ người. Tôi cũng có dịp tham dự một buổi họp mặt của hội đồng hương PY ở Bắc Cali, đọc vài tờ báo tiếng Việt, xem một số chương trình TV của người Việt tại Mỹ…những hoạt động văn hóa mà hình bóng quê nhà xem ra còn vướng víu trong nhiều tâm hồn Việt (ngoại trừ các thế hệ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ).

Sau chuyến đi tôi tự hỏi mình đã biết bao nhiêu về nước Mỹ. Dường như tất cả chỉ mới dừng lại ở mức “Say Hi!” thì phải. Quả đúng như thế, nước Mỹ rộng lớn và bao nhiêu vấn đề là bấy nhiêu câu hỏi trong tôi. Từ những câu hỏi rất ư đời thường như tại sao giờ bờ Đông đi trước giờ bờ Tây, tại sao vào mùa khô hạn chính quyền Cali buộc người dân không được tưới nước cây trước 5h chiều, tại sao ban đêm trên các Freeway ngoại trừ hệ thống đèn phản quang dưới mặt đất lại không có đèn đường…đến những câu hỏi mang tính mở như tại sao nghề nail được người Việt ở Mỹ ưa chuộng, tại sao số vụ tai nạn giao thông ở Mỹ khá thấp so với mật độ xe hơi dày đặc trên đường, tại sao các sản phẩm du lịch ở New York đều có dòng chữ I Love NY…

Bên cạnh những bức tranh sáng màu, tôi cũng hay tò mò về các góc khuất ở Mỹ như một buổi sáng thức dậy ở San Jose thấy nến, hoa và nhiều kỷ vật của một thiếu niên, nạn nhân của vụ xả súng đêm qua bên vệ đường. Về cái chết đến rất nhanh của những người già chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào Nursing Home. Về nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ở đất nước nổi tiếng bình đẳng…Thiết nghĩ dù có đến Mỹ thêm vài lần hay n lần đi nữa thì nước Mỹ và các vấn đề của nó luôn là một ẩn số đối với tôi.

Golden Gate Bridge - San Francisco

Những ngày này tôi vẫn thường đi ngang tòa nhà số 4 LD, vẫn thấy đám đông tụ tập trước cao ốc Kumho chờ đến giờ sang bên kia đường sắp hàng phỏng vấn. Cho dù có kẻ đậu người rớt, có những nụ cười và không thiếu những ánh nhìn thất vọng, tờ visa có đóng dấu USA vẫn được nhiều người khao khát sở hữu. Giấc mơ Mỹ xem ra vẫn là một hấp lực chưa biết đến khi nào dừng lại.

QUANG ĐẶNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét