Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Thăm Đập Đồng Cam


Tuy Hòa luôn là thành phố tôi nhớ đến nhiều nhất, dù tôi đã từng đi học xa ở Nha Trang, Phan Rang, Sài gòn… nhưng không nơi nào để lại nhiều tình cảm bằng Tuy Hòa dù Tuy Hòa là một thành phố nghèo, cảnh quan không có gì đặc biệt.
Vì sao lại thế? Có lẽ vì tôi đã sống với Tuy Hòa ở lứa tuổi giàu cảm xúc nhất. Vào lớp đệ lục ở trường Nguyễn Huệ cũ năm 12 tuổi, tôi như con bướm lột xác từ cái kén bé xíu để trở thành một thiếu nữ 16 tuổi trước khi ngậm ngùi rời xa thành phố đầy kỷ niệm.

Tuy Hòa không có gì đặc biệt nhưng con đường xe lửa 82 km từ Ninh Hòa thật sự quá lộng lẫy. Nó đã làm cho đứa bé lần đầu xa mẹ bị mê hoặc và tạm thời nguôi ngoai cơn sầu não. Sau khi con tàu có đầu máy chạy bằng hơi nước chậm chạp bò qua cung đường đèo Cả chênh vênh như có thể làm rơi cả đoàn tàu xuống biển, trời bắt đầu tắt nắng.
Nhìn những tảng đá xám buồn bã ẩn sau những chòm cây rừng heo hút, nước mắt tôi lại lã chã rơi.
Thương ba tôi làm việc và sống một mình ở Tuy Hòa tôi đồng ý chuyển trường để ở gần ông và quyết định đó quá sức với chính tôi.
Qua khỏi đèo Cả, tàu chui vào bóng đêm của địa phận Tuy Hòa và mỗi lần tàu ngừng ở một ga xép vắng vẻ, tôi lại thò đầu ra cửa sổ để chỉ nhìn thấy cây đèn dầu leo lét của người sếp ga đong đưa trong tiếng còi tàu thét vang.
Đèo Cả quá dài so với đèo Rù Rì ở gần quê tôi và cây cầu Đà Rằng thì cứ như bất tận.
Sao điều gì ở Tuy Hòa cũng mênh mông và điều này càng làm cho nỗi sầu khổ của tôi thêm bao la.
Trời đã tối hẳn khi tàu vào ga. Trời ơi! Ga Tuy Hòa đây sao? Khác với ga Ninh Hòa đẹp đẽ sang trọng, ga Tuy Hòa là một tấm vách đen thui, lỗ chỗ vết đạn.
Tay xách cặp, tay xách một giỏ nhỏ lủi thủi theo bước chân cha, tôi tự hỏi ngày mai tôi sẽ sống như thế nào đây ở một nơi thảm não như thế này?
Ngôi nhà của ba tôi quay mặt về hướng nam nên sáng hôm sau tôi sững sờ nhìn thấy một ngọn núi mọc ngay trước mặt, giữa phố, trên đỉnh lạ lẫm một cái tháp Hời.
Từ trái: Nguyễn Lệ Uyên, Khuất Đẩu, Huyền Chiêu, Thanh Hằng&Thân Trọng Minh
Rồi tôi quen dần với những bụi gai bàn chải mọc trên những đồi cát hoang. Nhiều lần tôi cặm cụi lần từng bậc thang trèo lên đỉnh núi Nhạn để từ đó ngóng về những đám mây trắng nơi xa lắm có quê nhà của tôi.
Cái nắng gay gắt của Tuy Hòa, mùa gió Lào thổi cát vào mắt, những cơn mưa bão kinh hồn không làm héo úa nổi những bụi gai bàn chải và không thể ngăn được tóc cô bé xanh mướt, mắt cô to ra và da cô trắng hơn. Tháp Nhạn vẫn thế nhưng cô đã thay đổi.
Cho đến khi phải rời Tuy Hòa năm 16 tuổi cô mới biết mình thân thiết với nơi này xiết bao.
Năm mươi năm trôi qua. Tháp Nhạn vẫn thế nhưng cô đã thay đổi.
Không có nắng gắt, không gió Lào, mưa bão nhưng tóc cô đã nhiều sợi bạc, mắt cô phải đeo kính và làn da đã nhiều nếp nhăn.
Và cô vẫn nhớ thành phố Tuy Hòa.
Cho nên khi vợ chồng anh bạn từ Sài Gòn ra thăm rủ đi chơi Tuy Hòa cô rất vui mừng.
Bạn tôi, anh Thân Trọng Minh, muốn về Tuy Hòa thăm anh bạn Nguyễn Lệ Uyên và rủ anh cùng lên thăm đập Đồng Cam. Anh Thân Trọng Minh nói: “Cách đây 60 năm khi tôi 13 tuổi, ba tôi làm thanh tra nông nghiệp khu vực miền Trung, đã một lần dẫn tôi và đứa em trai lên tận đập Đồng Cam. Lúc đó thời ông Diệm, đập Đồng Cam vừa sửa chữa lại. Tôi muốn nhìn lại nơi ba tôi đã từng đến công tác bây giờ ra sao.”


Rượu Tây nhắm với nem Ninh Hòa
Sau khi ghé Hòa An thăm nhà anh Nguyễn Lệ Uyên, chúng tôi phải vượt 23 km nữa để đến đập Đồng Cam. Trong đầu của tôi luôn ám ảnh mấy bụi gai bàn chải của thành phố Tuy Hòa nên tôi vô cùng ngạc nhiên trước quang cảnh kỳ vĩ của đồng quê Tuy Hòa.
Màu xanh của núi non ruộng đồng xinh tươi trải dài trước mắt. Con đường lên cao dần, một bên là con mương dẫn thủy rung rinh ngập nước, chạy men theo những sườn đồi thơ mộng, bên trái là con sông Ba mùa hè cát phơi trắng xóa, ẩn hiện những nương bắp, nương khoai trù phú.
Nhìn không chán mắt, tôi mong con đường dài thêm nhưng xe đã đến nơi muốn đến.
Chúng tôi lặng người nhìn dòng nước sông Ba chảy tràn như một con thác khổng lồ trên gần 700 mét bờ đập.
Anh Thân Trọng Minh nói: “Mình phải kính trọng lương tâm nghề nghiệp của các kỹ sư Pháp. Con đập này người Pháp xây cách đây gần 100 năm, cho đến giờ vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh ba tôi dẫn tôi đi trên con đập, ba tôi nắm tay thằng em còn tôi phải đi một mình, cảm giác sợ bây giờ như vẫn còn.”
Để ghi nhớ một chuyến đi có thể không bao giờ lặp lại, quý ông trong đoàn ngồi bệt ngay tại đập rót rượu tây ra nhắm với nem Ninh Hòa trong khi quý bà … chụp ảnh.

Từ trái: Thanh Hầng, Huyền Chiêu
Trên đường về tôi nói với Nguyễn Lệ Uyên: “Quê anh đẹp quá chừng!”
Anh Nguyễn Lệ Uyên trả lời giọng buồn buồn: “Chị thấy vậy chứ miền quê Viêt Nam đã bị bỏ rơi, dưới những mái nhà êm đềm thơ mộng kia hầu như chỉ còn mấy ông bà già. Ngày trước có em bé chăn trâu còn bây giờ chỉ có mấy ông lão chăn trâu.”
– “Người trẻ đi đâu?”
– “Hột lúa không nuôi nổi dân làng, bọn trẻ tha phương cầu thực, đi làm công nhân ở đâu đó…”
Chiều xuống dần, làng quê càng thêm lặng lẽ. Khói đã tỏa trên những mái nhà cheo leo trên sườn đồi.
Một chuyến đi thì vui mà về thì cũng nhiều nghĩ ngợi.
Ước gì người dân Việt được sống với mảnh đất của mình một cách an tâm, no đủ như người nông dân Hà Lan.
Bỗng nhớ câu hát của Phạm Duy hồi đó:

Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
…”
(Nương chiều – Phạm Duy)

Ngậm ngùi thương cho người dân Việt có Hòa Bình nhưng chưa có hạnh phúc.
Huyền Chiêu
Tháng 8-2016

Đập Đồng Cam (ảnh của Thân trọng Minh)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét