Một trong ba cây phượng cổ thụ trong ngôi nhà trên đường Cerritos, thành phố Anaheim thuộc Orange County, Nam California (Hình: Ngọc Lan)
ANAHEIM, California (NV) – Khi nhận được điện thoại của độc giả gọi đến tòa soạn để “mách cho biết” rằng thì là “có một ngôi nhà ở Anaheim có mấy cây phượng vĩ đang nở bông đẹp lắm,” trong đầu tôi cứ nghĩ có lẽ đó là những cây phượng còn nhỏ, mới ra hoa lần đầu. Nhưng vậy cũng là “sự kiện” đáng chú ý lắm rồi, bởi Cali đâu phải đất dành cho phượng vĩ, chỉ có phượng tím chiếm lĩnh ngôi nữ hoàng mà thôi.
Thế nhưng
Lái xe trên đường Euclid theo hướng Bắc về phía thành phố Anaheim, đến ngay góc đường Cerritos quẹo phải. Không cần tìm số nhà, tôi cũng đã biết chính xác nơi tôi cần phải ghé vào là đâu: cả một khoảnh trời đỏ rực màu phượng vĩ.
Không phải một cây, hai cây, mà những ba cây phượng thuộc hàng cổ thụ chi chít hoa nhẹ lay trong chiều Hè như muốn làm bừng lên ký ức cả một thời cắp sách của những đứa học trò Việt Nam thuở nào.
Vợ chồng bác Bảo Trâm, chủ nhân ngôi nhà có những cây phượng vĩ hiếm hoi tại miền Nam California (Hình: Ngọc Lan)
Trồng được phượng là ‘vì số trời cho’
Vợ chồng bác Bảo Trâm, chủ nhân của ngôi nhà đẹp như mơ, đã mở rộng cửa từ lúc nào để đón tôi, kẻ tò mò đến xem thử những cây phượng to nhỏ ra sao.
“Cứ việc ra xem và chụp hình đi con,” cả hai bác cùng nói bằng giọng thân tình.
Sau khi sang Mỹ 10 năm, những cây phượng đầu tiên tôi bắt gặp lại là ở Key West, Florida. Tôi nhớ khi đó cứ nhìn những chùm bông phượng nho nhỏ đong đưa dọc theo con đường lang thang đến nhà của đại văn hào Hemingway mà cứ thấy lòng xao xuyến, nao nao.
Thế mà giờ đây, nơi chỉ cách nhà mình chừng 15 phút lái xe thôi, rất gần trung tâm Little Saigon, lại có thể trông thấy những cây phượng đến gần 30 tuổi đời, đang mùa nở rộ, hoa đỏ tươi chen với những cánh đỏ cam, lộng lẫy, ngạo nghễ, thì quả thật không biết phải diễn tả như thế nào cho hết sự ngỡ ngàng.
Hai cây ngoài sân. Một cây trong sân. Như những chiếc dù bung ra, soi mát cả một khoảng sân, rực rỡ cả một vùng trời.
Hai cây phượng vĩ nằm trên đường Cerritos, thành phố Anaheim làm rực rỡ cả khoảng trời (Hình: Ngọc Lan)
“Những cây này bác trồng từ năm 1990, do ngẫu nhiên thôi,” bác trai cho biết.
Bác kể “khi đến vườn bán cây, thấy họ bán phượng, bỗng nhớ thời còn ở Việt Nam người ta trồng phượng rất là đẹp. Nhớ vậy nên mua về trồng để làm kỷ niệm cho bây giờ và cho tương lai.”
“Cali không phải là đất trồng phượng nhưng vì sao bác lại trồng được những cây phượng to lớn đến như thế?” Tôi thắc mắc.
Bác trai nói, “Đúng là vào những năm 90 thời tiết rất lạnh. Bác trồng tới mười mấy cây nhưng thời tiết lạnh bị chết hết, chỉ còn có mấy cây đó thôi. Bác có đem lên cúng chùa Huệ Quang một cây nhưng nó cũng bị chết vì lạnh. Giờ thì thời tiết nóng dần lên rồi nên có lẽ trồng phượng sẽ dễ hơn.”
“Còn hỏi vì sao những cây phượng này còn sống và đẹp như vậy là vì số trời cho thôi, không nói được. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên,” bác Bảo Trâm trai cười giòn theo câu trả lời.
Theo lời chủ nhân thì “những cây phượng này rất dễ chăm sóc, lâu lâu tưới nước cho nó, tuần hai lần, hay trong tháng những khi rảnh ranh mình tưới cho nó là được.”
Trong khi đó thì bác Bảo Trâm gái lại là người “rất mê phượng” với lý do giản dị là “tuổi học trò ở Việt Nam ai cũng mê hoa phượng. Thời đi học mỗi khi thấy hoa đỏ đỏ là biết mình sắp nghỉ hè rồi.”
Mê phượng nên bác gái cho rằng “hằng năm cứ đến Tháng Tư là lại ra ngắm coi nụ ra chưa, đến đầu Tháng Sáu thì ra hoa, và Tháng Bảy thì nở rộ, và kéo dài đến Tháng Mười Một.”
“Nhưng năm nay do đợt nắng gắt vừa rồi đến 114 độ, nụ non bị rụng hết nên cô nghĩ những cây phượng này còn đẹp chỉ vài tuần nữa thôi,” bác gái nói thêm.
Thực tế, dù có bị cơn nắng “lịch sử” ở Nam Cali vừa rồi vùi dập, nhưng những cây phượng cổ thụ nơi đây vẫn cứ rực rỡ, kiêu sa. Đặc biệt là cây phượng trong sân, với những tầng những tán như có bàn tay sắp đặt. Đẹp đến lạ lùng.
Một trong những cây vải đang ra trái trong vườn nhà của ông bà Bảo Trâm ở thành phố Anaheim (Hình: Ngọc Lan)
Vườn cây nhiệt đới trong căn nhà phố
Ngoài phượng, sân trước nhà bác Bảo Trâm, chủ nhân cửa hàng mỹ phẩm Bảo Trâm trong khu chợ Phước Lộc Thọ, còn có một cây “quý hiếm” khác, đó là cây bàng.
“Cây bàng thiệt đó, cây bàng Việt Nam trong truyện Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh, là nó đó. Cây này mua từ Hawaii mang về. Năm nay bắt đầu ra hoa. Cây bàng có lá màu sắc rất đẹp. Trái bàng cũng rất đẹp, nhìn y như mặt trăng khuyết vậy đó,” bác trai giới thiệu.
Đúng là truyện ngắn “Nhặt Lá Bàng” của Nhất Linh được mở đầu bằng bốn câu thơ của Thế Lữ:
“Cơn gió thổi… lá bàng rơi lác đác./Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành/Những cây khô đã chết cả màu xanh/Trong giây phút lạnh lùng tê tái ấy…”
Đứng ngay giữa Quận Cam, vừa nhìn phượng, ngắm lá bàng, lại còn miên man về một thời Tự Lực Văn Đoàn, một thời Thơ Mới thì đúng là không gian và thời gian của hiện tại phải dừng lại hết bên ngoài con phố đang ầm ào tiếng xe chạy kia.
Nếu sân trước nhà còn có cây bồ đề được chủ nhân uốn cong thành ba vòm độc đáo, có hai chú trâu trắng bằng đá thật to nhưng ánh mắt lại hiền đến ngây thơ, và rất nhiều tượng Phật cùng những cây mai vàng Việt Nam hãy còn lác đác hoa Xuân trong Hè, cùng nhiều cây quý hiếm khác, thì sân sau ngôi nhà này quả là giấc mơ của những ai yêu thích cây trái, nhất là trái cây miền nhiệt đới.
Khoảnh vườn sau nhà bác Bảo Trâm dễ rộng đến cả arce, được bố trí, sắp đặt gọn gàng, tinh tươm, nhìn vào là có thể thấy ngay bàn tay chăm bón, nâng niu của chủ nhân.
Chăm sóc, tỉa tót cây cành chính là một trong những thú vui của người đam mê với vườn tược, hoa lá. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Bước đi trên mảnh vườn này có lẽ ai cũng phải ngất ngây với nào là vải đang mùa say trái, nào xoài, nào nhãn, nào sapoche lủng lỉnh trên cành.
Này là mãng cầu xiêm “để xay sinh tố,” này là mãng cầu dai, kia là cây mít, đây là cây lê, rồi hồng giòn, hồng ướt.
Này là lựu ngọt, này là bưởi, bưởi 5 roi, bưởi biên hòa, cả bưởi không nhớ tên. Rồi ổi không hột, ổi xá lị, mận Mỹ Tho. Kia là táo tào, táo xanh Thái Lan.
Đến cả khế, chùm ruột, cóc cũng có đã đành, mà cây trâm, cây hồng quân, cây sấu cũng hiện diện một cách “hiên ngang” trên mảnh vườn này.
Dĩ nhiên cà pháo, bí bầu, thiên lý, hay thanh long, quýt đường, cam ngọt cũng không thể thiếu.
Chưa kể những cây sứ đủ màu, trắng, vàng, hồng, đỏ, cố khoe hương với những cây ngọc lan thơm nức mũi.
Và mai. Không biết bao nhiêu mà đếm cho xuể những cây mai tứ quý Mỹ, tứ quý Việt.
“Còn cây gì thích mà cô chưa trồng được?” Tôi hỏi bác gái sau một hồi say sưa ngắm nghía, chụp hình.
“Cô thích nhất là trồng cây chôm chôm nhưng tiếc là khí hậu ở đây chưa trồng được,” chủ nhà trả lời.
Một trong những cây sapoche đang mùa say trái trong vườn nhà ông bà Bảo Trâm ở thành phố Anaheim. (Hình: Ngọc Lan)
Lạ một điều, trồng nhiều cây trái như thế, nhưng cây mà bác gái mê nhất lại là ngọc lan.
“Cô mê nhất là ngọc lan, nhà có hai cây thật to phía trước, phía sau có thêm một cây là ba cây. Ngày nào cũng ra hái cả hai dĩa vào cúng Phật rất là thơm. Ngoài ra cô cũng mê cây mai vàng Việt Nam nữa. Chỉ vậy thôi,” bác gái cười nói một cách hiền từ.
Chủ nhân ngôi nhà của biết bao là trái ngon trái quý này lại khiến tôi ngạc nhiên hơn khi nói, “Với cây ăn trái thì thật sự hai bác chỉ thích trồng để coi nó ra trái, thích coi nó đẹp, thích hái cho bạn bè, con cái, đó là niềm vui. Còn ăn thì chỉ thích ăn trái nhãn thôi.”
Quả thật trồng cây, làm vườn đôi khi chỉ là thú vui, một thú vui chỉ người đam mê mới hiểu.
Và, cuối cùng, quan trọng nhất, chủ nhân ngôi nhà có lời mời tất cả những ai muốn ngắm phượng vĩ cứ tự nhiên đến ngắm hoa, chụp ảnh tại địa chỉ 1643 West Cerritos Ave, Anaheim, CA 92802.
Bạn bè, đồng nghiệp nghe tôi xuýt xoa về khu vườn sau, hỏi thêm, “Thế chủ nhà có cho vào ngắm vườn cây ăn trái không?”
Á à, chắc hên xui, bác gái có kêu tôi hãy trở lại khi vải và sapoche chín. Khi đó, tôi rủ mọi người theo cùng thì có lẽ sẽ được ngắm vườn luôn!
(Ngọc Lan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét