Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Bút ký HỒN PHỐ của nhà văn Quang Đặng, một cây bút quen thuộc với thầy trò chúng ta. Sau một thời gian khá lâu bận rôn với việc ra mắt sách Muôn Nẻo Đường Về. Nay chị tiếp tục gửi bài cho diễn đàn đàn NHHN. Xin cám ơn đồng môn Quang Đặng rất nhiều.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Đêm đêm nằm mơ phố,
trăng rơi nhòa trên mái.
Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà.*
Lần
thứ nhất tôi đến Hội An cách đây 15 năm. Tôi nhớ hôm ấy mưa nặng hạt, cả bọn mặc
áo mưa lùm xùm đi khám phá phố cổ. Đi mới được một hai điểm mưa mỗi lúc một lớn
hơn thế là tíu tít thay nhau tìm chỗ trú mưa. Khởi hành lúc hai giờ chiều, quay
về Đà nẵng khi trời sụp tối vẫn còn mưa. Lần đó về lại Sài Gòn ai hỏi Hội An có
gì chỉ biết cười trừ: mưa! Năm 2015 tôi đến Hội An lần thứ hai với một công ty
du lịch. Sau khi thuyết minh qua quít vài câu tay hướng dẫn lỉnh đâu mất để
đoàn tự đi tìm hiểu lấy. Đêm đó trăng rằm người đông ơi là đông, chen vai thích
cánh một lát mỏi chân quá tôi và cô bạn ở Mỹ về sà vào một quán chè bên đường. Cả
hai lần đến Hội An đều trôi tuột khỏi trí nhớ của tôi, họa hoằn lắm sót lại tiếng
mưa rơi và bước chân người. Rút kinh nghiệm hai chuyến đi "cỡi ngựa xem
hoa" lần trước, lần này tôi thầm nhủ phải giữ lại chút gì riêng của Hội
An.
Chia
tay bầu trời mưa xám xịt ở Sài Gòn, Hội An những ngày hè cuối tháng bảy trời
hanh hanh nắng, nhiệt độ không quá làm khó những người thích khám phá thành phố
nhỏ này bằng xe đạp hay đi bộ. Trước khi đến Hội An khoảng ba cây số là một bức
tranh làng quê khá đẹp. Những đồng lúa mát rượi xanh rì, những ngôi nhà bình
yên thấp thoáng dưới rặng cây. Trên những con đường nửa quê, nửa phố từng tốp
du khách Tây có, ta có thong thả đạp xe. Thế nhưng càng đến gần khu trung tâm
thành phố thì sự yên bình càng bị phá vỡ, cảnh bát nháo ồn ào không khác gì khu
phố Tây Phạm Ngũ Lão gần nhà tôi ở Sài Gòn. Được một cái xe cơ giới buộc phải dừng
lại trước khu phố cổ thành thử du khách tha hồ đi bộ ngắm cảnh, chụp hình. So với
lần tôi đến Hội An cách đây năm năm thì số lượng du khách đã tăng lên rất nhiều
nhất là khách ngoại quốc. Nhìn lượng người đủ mọi quốc tịch xếp hàng dài dằng dặc
trước xe bánh mì “Phượng” hay chờ mỏi cổ mới có được một chỗ ngồi trong quán
cơm gà "Bà Buội" nhỏ xíu mới thấy được sức hút của Hội An. Số phận dường
như định sẵn cho đô thị cổ này, cực thịnh trong các thế kỷ trước và bây giờ là
sự lặp lại. Vốn dĩ không bị tàn phá trong chiến tranh cũng không chạy đua theo
cơn lốc xây dựng đô thị mới như nhiều tỉnh thành khác, sự thủy chung của Hội An
dường như được đáp đền.
Khác
với hai chuyến đi trước lần này tôi ở lại Hội An lâu hơn và ở tại một địa chỉ
trên đường Trần Hưng Đạo chỉ cách khu phố cổ vài trăm mét. Mục đích của tôi là
chiêm ngưỡng vẻ đẹp phố từng đánh mất cơ hội trong những chuyến đi trước, nhưng
lượng người quá đông cả ban ngày lẫn ban đêm làm tôi mất hứng. Đêm cuối cùng ở Hội
An trong một quán café bên bờ sông Hoài chúng tôi nói với nhau: hoài công lần nữa
sao? Không ngờ cô bé phục vụ nói rặt giọng Hội An nghe được liền góp ý: hãy đến phố cổ lúc trời còn mờ sương! Một
ý kiến không thể nào tuyệt vời hơn!
Sáng
hôm sau chúng tôi ra đường khi phố cổ còn ngái ngủ. Đường phố lặng im đến nỗi
nghe được bước chân mình trên phố vắng. Dòng sông Hoài mối đe dọa của phố cổ với
những cơn lụt hàng năm giờ nằm ngoan chưa từng có. Đứng dưới hàng liễu rũ bên
này bờ nhìn sang phố cổ thấp thoáng bên kia sông chao ôi là phố! Và phố cổ giờ
đây như một thiếu nữ đẹp chưa kịp son phấn, tinh khôi mộc mạc đến bất ngờ. Trên
bậc thềm một ngôi nhà, dưới hàng hiên một cửa hiệu, góc phố liêu xiêu ở một ngã
ba trồng hoa giấy đỏ, những con hẻm bé xíu sạch tinh tươm tường quét vôi vàng đầy
bí ẩn, những con đường ngắn hẹp tưởng kéo dài nào ngờ mất hút nơi cuối phố… đâu
đâu cũng là những góc ảnh đẹp, đâu đâu cũng là một Hội An hoài cổ mơ màng.
Nhiều
người từng đến Hội An nhận xét, người thì thích vẻ trầm mặc của phố cổ, người
thì thích ánh sáng lung linh của đêm trăng rằm, người thì thích cuộc sống vẫn
đang tiếp diễn trong những căn nhà tuổi đời hơn cả 100 năm. Tôi chỉ góp một ý
nhỏ: hãy đến, ở lại và chạm vào Hội An lúc bình minh.
Từ chuyến đi Hội An vừa rồi tôi nhận ra một điều,
để cảm nhận một vùng đất nào đó cần phải có thời gian, không nhiều thì cũng đủ
để trải nghiệm như chuyến đi Hà Nội của tôi năm 2013. Từ nhỏ tôi đã thích đọc văn
của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, thích nghe nhạc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn Từ Linh… và một
Hà Nội lãng mạn, nên thơ hình thành trong tôi từ rất sớm. Thế nên tôi hơi bị hẫng
khi đối diện với một Hà Nội thực tế. Quả thật không thể nào tìm thấy hình ảnh một
làng quê êm đềm Bắc bộ xưa khi đi ngang qua những làng mạc nhà mái bằng nhiều
hơn nhà ngói ở vùng ngoại ô Hà Nội. Hay không thể hình dung hình ảnh cô Loan
trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh mặc chiếc áo dài trắng đi trên đê Yên Phụ một
chiều lộng gió khi nhìn những tấm bảng "Bán thịt chó" treo trước dãy
hàng quán trên đê Yên Phụ. Rồi cũng Hồ Gươm, cầu Thê Húc, chùa Một Cột, Tháp
Bút, đền Ngọc Sơn… hai ngày ở Hà Nội cứ thế lướt nhanh không để lại chút dấu ấn.
Đêm
đó trở về khách sạn tôi bị sốt rất cao phải chia tay với đoàn, nghỉ thêm một
ngày ở Hà Nội cho khỏe hẳn hôm sau mới về Sài Gòn được. Không còn bị áp lực về
thời gian sáng hôm sau tôi khỏe lên rất nhiều. Từ tầng hai của khách sạn ở phố cổ
Hàng Trống tôi vén màn nhìn ra ngoài, Hà Nội đang mưa. Mưa bay từng sợi nhỏ
trên mái nhà đối diện. Ngói cũng rong rêu tường cũng rong rêu, thời gian như ngừng
lại trước ngôi nhà cổ tôi đoán gần cả trăm tuổi. Sau cánh cửa lớn khép hờ ai đó
đang ngồi khâu vá bên trong, một con chim sẻ ở đâu tới ngơ ngác đậu trên vũng
nước nhỏ xíu trước balcon, tôi chợt nghĩ những bức tranh Phố của họa sĩ Bùi
Xuân Phái cũng bắt đầu từ những ô cửa như thế này. Giữ nguyên mạch cảm xúc tôi
bước chân ra phố. Trời mưa, đường vắng, lá vàng rơi, không khí lành lạnh cho
tôi cái nhìn về một Hà Nội khác hai ngày trước. Và tản văn "Ngày ốm ở phố
cổ" được bắt đầu từ những cảm xúc bình dị như thế!
Ngoài
thứ cảm xúc bất chợt nói trên còn có thứ cảm xúc sâu lắng dành cho nơi chốn đã từng
sống, từng yêu. Tháng ba vừa rồi tôi và nhóm bạn ở Sài Gòn rủ nhau về Tuy Hòa
trong dịp ra mắt sách của tôi. Công việc xong xuôi mọi người bắt đầu rong ruỗi.
Anh bạn nhà văn lớn tuổi trong nhóm có một
sở thích duy nhất, ngắm vẻ u tịch của tháp Nhạn lúc hoàng hôn và ghé quán bánh
bèo nóng quen thuộc dưới chân núi. Anh bạn
nhà giáo thì lãng mạn hơn, thức dậy lúc 5h sáng đi loanh quanh vài con phố nhỏ,
ghé quán cóc kêu một ly café, châm điếu thuốc nhìn ngày mới Tuy Hòa qua làn
khói trắng. Chị bạn xa Tuy Hòa mấy mươi năm thì không thích vào những hàng quán
xập xình đèn xanh đèn đỏ, chỉ thích nghe tiếng rao ai…ăn…hột…vịt…lộn…trên đường
Trần Bình Trọng lúc đêm về hay ngửi mùi chả dông thơm nức tỏa ra từ một quán ăn
cũ kỹ trên đường Nguyễn Công Trứ. Ngoài
ba nhân vật vừa kể những người còn lại trong nhóm ít có người nào giống sở
thích của người nào, nhưng điểm chung của những người đã quá tải tiếng ồn và sự
hối hả ở Sài Gòn là tận hưởng cuộc sống yên bình ở Tuy Hòa, nét đặc trưng hiếm
hoi không phải tỉnh thành nào cũng có. Thế nên điểm đến của chúng tôi không phải
là những con đường mới mở, những đại lộ thênh thang nhiều biệt thự mà là những
góc phố êm đềm, những con đường hàng cây lá thấp gần như chưa bao giờ thay đổi như
Lê Thánh Tôn, Phan Đình Phùng, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Bình Trọng, Nguyễn Thái Học,
Nguyễn Công Trứ, Cao Thắng… Rồi không giống những chuyến du lịch khám phá khác,
cả nhóm tận dụng thời gian ngắn ngủi chỉ để ngắm phố phường cũ, ngắm đường Trần
Hưng Đạo mấy mươi năm chưa bỏ thói quen ban đêm tắt đèn đi ngủ sớm hay đứng trước
Ngã Năm không khác xưa cho lắm bâng khuâng chưa biết sẽ về đâu, đường Nguyễn
Công Trứ hay đôi ngã Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo? Có thể nói trong con tim của
những người ít nhiều có dây mơ, rễ má với Tuy Hòa thì phố phường cũ chính là hồn
phố thị.
Mỗi
người trong chúng ta ai cũng ấp ủ một giấc mơ về quê hương của mình. Người ở
nông thôn thì mơ về một cánh đồng hay dòng sông tuổi nhỏ. Người ở biển thì mơ về
tiếng sóng hay cánh chim hải âu, còn những người sinh ra ở phố, lớn lên ở phố, mang
theo phố trong suốt những chặng đường đời như tôi thì luôn có một giấc mơ về phố.
*:
Đêm nằm mơ phố: Sáng tác của Việt Anh
QUANG ĐẶNG (Hội An cuối tháng 7/2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét