Kính thưa quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu,
Kỷ niệm lúc nào cũng đẹp, cũng trân quý. Nhất là những kỷ niệm thời học sinh đã khắc sâu vào tâm khảm chúng ta, không bao giờ phai mờ bởi lớp bụi thời gian.
Xin mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị đọc Hồi Ký BÀI CA NƯỚC MẮT, do tác giả Thiên Trúc chia sẻ. Xin cám ơn đồng môn Thiên Trúc.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Trường Nguyễn Huệ thập niên 60
Hồi ký: BÀI CA NƯỚC MẮT
(Để tưởng nhớ đến một người bạn đồng môn rất thân thương)
Thiên Trúc
Thiên Trúc
Hồi đó nhà nàng nằm trên đường Nguyễn Công Trứ Tuy Hòa, gần chỗ cắt qua đường Trần Hưng Đạo nơi nhà thương Tuy Hòa tọa lạc. Hàng rào trước ngõ có hàng dâm bụt đỏ hoa bốn mùa. Từng đàn chim sẻ ríu rít trong sân. Có giàn giây leo đậu ngự rợp bóng lá xanh. Có người anh hiền lành dễ mến lúc nào gặp nhau cũng nở nụ cười hiền hòa, học cùng lớp với tôi từ năm Đệ Thất tại TH NH. Hồi học Tiểu Học anh ấy cũng học tại Trường Nam Tiểu Học Tuy Hòa như tôi trên đường Trần Hưng Đạo đối diện với khu đất trống mà sau này thành sân đá banh và sâu vào bên trong thì xây trường Nguyễn Huệ mới. Lúc ở lớp Nhất thì anh ấy học khác lớp với tôi.
Tôi thường đạp chiếc xe đạp cà tàng xuống nhà anh ấy giải toán với nhau vì nhà anh ấy có tấm bảng đen thật to treo trên vách, thuận tiện cho việc giải toán hình học, sau này thì toán hàm số, đạo hàm, nguyên hàm và hình học giải tích ở lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất do Thầy Nguyễn Đảm dạy. Năm lớp Đệ Nhị thì nhà anh ấy có một thành viên mới mà tôi gặp lần đầu, đó là cô em gái của anh ấy từ Vạn Giã về ở chung với Mẹ. Thân phụ thì đã mất từ lúc nào thì tôi không hỏi, chỉ thấy di ảnh trên bàn thờ. Mẹ anh thì có sạp hàng trong chợ Tuy Hòa, hiếm khi tôi được gặp mặt.
Học sinh trung học Nguyễn Huệ năm xưa
Tôi xin tạm đặt tên nàng là Hương nhé để dễ viết hồi ký này, chứ tên thật của
nàng thì tôi xin dấu kín. Hương rất lặng lẽ, chỉ cười tươi nhưng rất ít nói.
Hỏi điều gì thì chỉ trả lời vừa đủ cho câu hỏi chứ không hề nói thêm một lời
nào. Những buổi hoàng hôn khi nắng chiều soi riêng một phía, tôi thấy Hương
ngồi yên lặng trên một chiếc ghế sau vườn, mắt nhìn xa xăm. Hình như anh nàng
tạo dịp cho tôi được nói chuyện với cô em gái ấy nên thường lánh mặt khi tôi
đến chơi mà có Hương đang ở nhà. Tôi hay nói đùa và tiếu lâm với các bạn khác
trong lớp nhưng với anh của nàng thì tôi lại phải nghiêm trang vì anh chàng này
bản tính trang nghiêm dù rằng anh ta lúc nào cũng nở nụ cười hiền hòa với bạn
bè.
Người anh ấy thích nghe tôi đọc thuộc lòng lại mấy bài thơ Đường do Thầy Hoàng Quang Vỵ dạy Quốc Văn ở lớp Đệ Lục dạy. Như các bài "Phong Kiều Dạ Bạc" (của Trương Kế), "Đề Tích Sở Kiến Xứ" (của Thôi Hộ), "Xích Bích Hoài Cổ" (của Đỗ Mục), "Trường Tương Tư" (của Trương Y Nương) [Sau này tôi có gặp được lại Thầy Vỵ trong một kỳ ĐH tại San Jose. Thầy già đi rất nhiều. Tôi ôm Thầy và đọc lại cho Thầy nghe các bài thơ Hán văn này. Thầy rất vui và cảm động khi thằng học trò già còn nhớ vanh vách các bài thơ Hán văn nổi tiếng trong Văn Học Trung Hoa mà Thầy đã dạy cho, lúc Thầy còn là một thanh niên trẻ, rất đẹp trai].
Người anh ấy thích nghe tôi đọc thuộc lòng lại mấy bài thơ Đường do Thầy Hoàng Quang Vỵ dạy Quốc Văn ở lớp Đệ Lục dạy. Như các bài "Phong Kiều Dạ Bạc" (của Trương Kế), "Đề Tích Sở Kiến Xứ" (của Thôi Hộ), "Xích Bích Hoài Cổ" (của Đỗ Mục), "Trường Tương Tư" (của Trương Y Nương) [Sau này tôi có gặp được lại Thầy Vỵ trong một kỳ ĐH tại San Jose. Thầy già đi rất nhiều. Tôi ôm Thầy và đọc lại cho Thầy nghe các bài thơ Hán văn này. Thầy rất vui và cảm động khi thằng học trò già còn nhớ vanh vách các bài thơ Hán văn nổi tiếng trong Văn Học Trung Hoa mà Thầy đã dạy cho, lúc Thầy còn là một thanh niên trẻ, rất đẹp trai].
Tháp Nhạn Tuy Hòa 1965
Hương đứng gần đó lắng nghe và vui cười tâm đắc. Thật không ngờ Hương lại có tâm hồn hoài cổ khi còn quá trẻ. Tôi kể cho Hương nghe trận đánh Xích Bích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung để giải thích ý nghĩa từng câu của bài thơ "Xích Bích Hoài Cổ". Hương vô cùng thích thú và từ đó Hương nói chuyện với tôi nhiều hơn.
Năm học lớp Đệ Nhất có một lần tôi cùng hai anh em nàng đạp xe xuống biển trong
một đêm trăng để bắt còng về rang muối dù biết trước là thịt còng ăn dở lắm,
thua xa cua, nhưng không sao, có gì ăn nấy. Đêm đó trăng sáng nhưng thủy triều
xuống thấp, rất thấp vì ánh trăng ở xa về hướng Đông, tít tắp gần chân trời nên
hấp lực của mặt trăng kéo nước về phía đó khiến bãi biển kéo dài ra rất xa phía
ngoài khơi. Tụi tôi tha hồ chạy ra xa để lựa những con còng lớn mà rượt bắt.
Còng chạy tở mở khắp nơi. Dù mình là học trò tay trắng không nên nghĩ đến
chuyện yêu đương vớ vẩn, nhưng ông Trời đâu có biết mình đang nghèo kiết xác
đâu, nên Ông cứ để con tim thằng nghèo phát triển theo lẽ tự nhiên của mọi loài
động vật khi gần đến tuổi trưởng thành, trong đó có tôi. Tôi cảm thấy quá xúc
động trước Hương trong ánh sáng mờ ảo của một đêm trăng không sáng lắm. Có lần
Hương trao cho tôi một con còng lớn để tôi bỏ vào bao, tôi đánh bạo nắm tay
Hương, nàng để yên và cười, không phản đối. Lúc đó chính tôi là thằng nhát cáy,
buông tay nàng ra vì sợ người anh kia nhìn thấy. Sau này tôi mới thấy mình ngu
quá đi khi nhớ ra rằng thằng anh ấy đang giả vờ chạy theo con còng ở hướng xa
rời chúng tôi. Tôi rõ là một thằng ngu, nhát như thỏ đế.
Thế rồi cuộc chiến đến hồi khốc liệt. Khi đó tôi đang học ĐH ở Sài Gòn thì được
biết anh của Hương cũng đã nhập ngũ cùng khoảng thời gian với người bạn khác
cũng cùng lớp với tôi như đã có nói trong một hồi ký trước (Đôi Mắt Người
Xưa...).
Năm 1972 tôi về Tuy Hòa. Việc đầu tiên của tôi hôm đó là đến nhà Hương để hỏi tin tức về ông anh ấy nay đang hành quân ở đâu và xin địa chỉ Khu Bưu Chính để tôi gửi thư. Đến nơi, căn nhà vắng tanh, không một bóng người. Một lúc rất lâu sau thì Mẹ của bạn tôi về đến. Mới nhìn thấy tôi thì bà cụ bật khóc làm tôi hốt hoảng. Như tin sét đánh ngang tai, bạn tôi đã gục ngã trên chiến trường trong cuộc Hành Quận Lam Sơn 719 vào Hạ Lào trong tháng 3 năm 1971 !!! Còn Hương thì đã về lại Vạn Giã từ lâu rồi. Bác ấy vào nhà lục tìm và trao cho tôi một tấm ảnh và nói: "Con....nó dặn khi nào cháu có đến thăm thì trao lại cho cháu. Bây giờ nó đang ở trong Vạn Giã". (Tôi còn giữ mãi tấm ảnh ấy của Hương đến hôm nay).
Tiếng hát Duy Khánh vang vọng bên tai: ".....Thời gian qua mau, tìm anh nơi đâu? Tôi về qua xóm nhỏ, con đò nay đã già. Nghe tin anh gục ngã. Dừng chân quán năm xưa, uống nước dừa hay nước mắt quê hương?" (Ca khúc Những Ngày Xưa Thân Ái của Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ). Tôi cảm thấy cay cay trong lòng mắt, rồi những giọt nước mắt tràn xuống dọc theo vành mũi.
Những cụm mây trắng trên bầu trời vẫn lãnh đạm lững lờ bay…….
Thiên Trúc 9/21/2018
Năm 1972 tôi về Tuy Hòa. Việc đầu tiên của tôi hôm đó là đến nhà Hương để hỏi tin tức về ông anh ấy nay đang hành quân ở đâu và xin địa chỉ Khu Bưu Chính để tôi gửi thư. Đến nơi, căn nhà vắng tanh, không một bóng người. Một lúc rất lâu sau thì Mẹ của bạn tôi về đến. Mới nhìn thấy tôi thì bà cụ bật khóc làm tôi hốt hoảng. Như tin sét đánh ngang tai, bạn tôi đã gục ngã trên chiến trường trong cuộc Hành Quận Lam Sơn 719 vào Hạ Lào trong tháng 3 năm 1971 !!! Còn Hương thì đã về lại Vạn Giã từ lâu rồi. Bác ấy vào nhà lục tìm và trao cho tôi một tấm ảnh và nói: "Con....nó dặn khi nào cháu có đến thăm thì trao lại cho cháu. Bây giờ nó đang ở trong Vạn Giã". (Tôi còn giữ mãi tấm ảnh ấy của Hương đến hôm nay).
Tiếng hát Duy Khánh vang vọng bên tai: ".....Thời gian qua mau, tìm anh nơi đâu? Tôi về qua xóm nhỏ, con đò nay đã già. Nghe tin anh gục ngã. Dừng chân quán năm xưa, uống nước dừa hay nước mắt quê hương?" (Ca khúc Những Ngày Xưa Thân Ái của Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ). Tôi cảm thấy cay cay trong lòng mắt, rồi những giọt nước mắt tràn xuống dọc theo vành mũi.
Những cụm mây trắng trên bầu trời vẫn lãnh đạm lững lờ bay…….
Thiên Trúc 9/21/2018
Bãi biển Tuy Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét