Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và quý Thân Hữu
Tâm tình của thầy Nguyễn Đức Giang, cựu hiệu trưởng trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên sau chuyến tham dự Đại Hội 8 Boston.
Trân trọng giới thiệu.
NHHN
Quý đồng nghiệp và các em CHSLT thân ái,
Mỗi lần
đến với đồng nghiệp và cựu học sinh các trường như Cường Để Qui Nhơn, Tổng Hợp
Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Võ Tánh-Nữ Trung Học/ HuyềnTrân Nha Trang qua những lần Hội
Ngộ, tôi đều nói là "Chuyến Đi Áp Chót". Và áp chót đã năm ba lần...
Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Giang
Lần này
đến tái ngộ với đồng nghiệp và cựu Học Sinh Liên Trường Phú Yên (CHSLTPY), rồi
tiếp theo bằng một chuyến cruise non một tuần tôi rất đắc ý. Đắc ý vì lần đầu
tiên đi cruise, đắc ý hơn vì có cơ hội cho đồng nghiệp và thầy trò nhân dịp này
cùng nhau thổ lộ hàn huyên tâm tình chân thật qua những ngày đêm cùng ăn ở,
sinh hoạt trên tàu. Cựu giáo sư Nguyễn Văn Hàng từ sau 1975 tôi mới gặp lại: "Biết có anh dự Hội Ngộ chúng tôi mới đi dự". Cảm kích! Một Nguyễn Huệ ước
chừng vào tuổi cổ lai hy đang phì phèo điếu thuốc ngoài hành lang tàu, nơi có
để gạt tàn, tôi vừa ngồi xuống ghế bên cạnh:
- Em hư
lắm thầy ạ
- Hư thế
nào? Em hút thuốc từ năm 14 tuổi, đến bây giờ vẫn còn hút.
- Em có
biết tại sao hư như vậy không? Vì em học với một ông thầy hư. Vừa nói tôi
vừa móc bao thuốc ra châm một điếu! Thân mật như bạn bè! Ngày vui bao giờ
cũng qua mau!
Quý Thầy Cô trong đêm Đại Hội Boston
Một
chuyện rủi ro xảy ra, không những gây rắc rối phiền hà cho cá nhân tôi mà còn
gây lo âu cho cựu giáo chức và CHSLTPY. Lần thứ hai lên bờ tôi phát hiện
passport bị thất lạc. Tôi thường để passport và tiền bạc chung trong túi jacket
ngắn tay có fermeture cho an toàn. Ngày lên bờ đầu tiên, nghĩ rằng có
tiêu pha, lôi tiền ra vào vô ý có thể làm rớt cái passport nên để tiền vào túi
quần. Sự thể diễn ra ngược lại. Ba lần đến văn phòng lưu giữ đồ thất lạc không
có kết quả, phải làm giấy kê khai mất passport.
Sáng thứ
bảy 15-9 tôi bị gọi đến phòng làm việc với nhóm an ninh Mỹ trên bờ xuống kiểm
tra trước ngày tàu cặp bến Boston. Đến nơi, tôi thấy một đoàn dài hàng trăm
người, tuần tự bị gọi "hỏi cung". Hỏi ra mới biết đó là những bồi
bếp, nhân viên người ngoại quốc phục vụ trên tàu. Tôi lâm vào tình trạng bất
thường, không có passport, nên cũng bị xếp vào loại người cần kiểm tra. Trong
lúc chờ đợi, tôi chưa ăn sáng. Nói với nhóm an ninh, họ chỉ đến một cái bàn đặt
ở góc phòng để dùng tạm bánh ngọt, trà, cà phê. Thậm chí mỗi lần cần đi
restroom cũng có người dẫn đi rồi đứng chờ ngoài cửa. Chết cha rồi, bị quản
thúc! Vấn đáp với cô/bà trưởng toán security:
- Anh đã
đến Mỹ lần nào chưa?
- Có, lần
đầu vào mùa hè năm 1962.
- Làm gì
?
- Tham dự
Đại Hội Sinh Viên Quốc Tế tổ chức tai Laval University, Quebec, Canada với tư
cách chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Huế, Việt Nam. Sau hội nghị thăm M.Gill
University ở Montreal, Columbia University ở New York do lời mời của các Tổng
Hội Sinh Viên liên hệ.
- Sau đó
?
- Năm
1967 đến Mỹ 15 tuần, thành viên trong phái đoàn giáo dục VN đi quan sát
giáo dục Mỹ do USAID tài trợ.
- Anh
định cư tại Denmark từ năm nào?
- Từ cuối
năm 1982. Từ đó đến nay tôi đã sang Mỹ 14-15 lần để thăm viếng thân nhân, bằng
hữu.
Sau năm
ba câu hỏi lông bông, họ yêu cầu tôi dẫn đến phòng ngủ lục soát. Bốn nhân viên
an ninh Mỹ lục soát khá kỹ càng. Không có chi đáng nghi ngờ. Trước khi chia tay
bà trưởng toán nhắc nhở: Nhiệm vụ chúng tôi đến đây kết thúc. Phần anh, không
thể rời Mỹ hay vào nước quá cảnh trên đường về mà không có passport. Anh phải
tiếp xúc với Tòa Đại Sứ Đan Mạch ở Washington hay tiện hơn là Tòa Tổng Lãnh Sự
Đan Mạch ở New York để làm một passport tạm thời.
Rắc rối
rồi! Tin chắc lâm vào hoàn cảnh này nhất định không thể nào trở về tổ ấm theo
hành trình dự đinh. Bỏ vé máy bay, chỉ mua chuyến về, nghe đâu mua trước vé máy
bay rẻ không hoãn lại được. Và giá vé máy bay một chuyến bằng vé
khứ hồi. Tiền bạc không thành vấn đề, đã có sẵn. Vấn đề là không ước lượng được
những việc khá phức tạp cần phải làm. Tìm gặp Trần Vũ, người địa phương Boston,
đồng trưởng ban tổ chức Hội Ngộ với Thái Sắc để vấn kế. Vũ hứa một cách nhiệt
tình đưa tôi đi New York, hẹn 6 giờ sáng thứ hai 17-9 lên đường. Cầm chắc không
kịp đáp chuyến bay về Đan Mạch ngày hôm sau 18-9. Tuy vậy cũng khá yên tâm vì
nhờ Vũ, đã có hướng giải quyết...
Kỷ niệm trên du thuyền Đại Hội 8 Boston
Gặp nhau
qua những buổi ăn chung trên cruise, Hoàng/Hạnh đến từ San Jose biết rõ sự
tình nên đã nhiều lần liên lạc với Tịnh, một CHS Nguyễn Huệ thân thiết
làm việc ở Washington. Tịnh tìm hiểu rồi cho biết ở Boston có Văn Phòng Đại Diện
Thương Mãi Đan Mạch có thể cấp passport tạm thời, đồng thời cho biết số điện
thoại emergency của văn phòng này. Mọi thông tin hữu ích Minh Trí, con trai
trưởng của tôi tháp tùng chuyến đi Hội Ngộ, nhận được trưa chủ nhật từ
Tịnh qua Hoàng/Hạnh. Chỉ còn vài giờ nữa Minh Trí phải ra phi trường bay về Đan
Mạch nhưng kịp gọi Emergency đến Văn Phòng Đại Diện Thương Mãi nói chuyện với
trưởng cơ quan Jakobsen. Jakobsen có một lối làm việc "hơi lạ"
so với người VN làm việc tại những cơ quan ngoại giao ở nước ngoài. Jakobsen
xác nhận có thể cấp passport tạm thời rồi hướng dẫn: Ngày mai thứ hai bận họp
đầu tuần, chưa biết lúc nào rảnh. Muốn làm passport tạm thời đến ngay chiều nay
(chủ nhật) tại địa chỉ..., lúc 6 giờ 30, mang theo hai tấm hình passport và 160
đô lệ phí. Chúng tôi đến địa chỉ đã cho biết, Jakobsen mặc T-shirt quần short
đứng đón ngoài ngõ cụt. Jakobsen bắt tay ngay vào việc. Tôi điền vài ba mẫu
giấy, Jakobsen điền một số chi tiết về tôi vào passport tạm thời, cắt hình cho
vừa cỡ, dán vào passport, đóng dấu ký tên, xuất biên lai nhận lệ phí. Công việc
diễn ra chừng 20 phút! Cám ơn, bắt tay nhau, hẹn gặp lại theo phép lịch sự.
Giải quyết xong công việc một cách gọn nhẹ tôi báo tin ngay cho Vũ, cám
ơn sự nhiệt tình của Vũ và nhờ Vũ thông báo rộng rãi có thể được để anh chị em
trong đại gia đình Cựu Học Sinh Liên Trường yên tâm, xem như chẳng có xảy ra
chuyện gì bất thường cho tôi cả.
Đoạn trên
tôi nói cách làm việc của một trưởng cơ quan người Đan Mạch ở nước ngoài
"hơi lạ", lẽ ra phải nói quá lạ lùng vì thiện chí và sốt sắng quá mức
của Jakobsen. Ai có thể trách Jakobsen nếu anh trả lời "hôm nay chủ nhật,
văn phòng đóng cửa, ngày mai bận công tác, rồi hẹn một dịp khác..." Nói
chuyện với vài thân nhân và bằng hữu ở Mỹ, họ cũng cho rằng khó có thể có một
người hành xử như Jakobsen. Trong cái rủi có cái may, học được một bài học đáng
giá.
Điểm
"hơi lạ" thứ hai là sự khác biệt về cung cách làm việc của Jakobsen
so với các viên chức VN làm việc ở nước ngoài. Tôi thường nghe cách xử lý công
việc của các cơ quan công quyền VN ở trong nước hay nước ngoài bao giờ cũng
phải qua "thủ tục đầu tiên", nói trắng ra là "tiền trước hậu
sau", nếu không thì thành "ngưu trâu mã ngựa". Tôi gặp trường
hợp này cách đây 5 năm trong chuyến đi VN, nhân tiện qua Cao Miên thăm ông chef
cũ Đan Mạch đang làm trưởng ban hay chủ tịch Ủy Ban Mekong. Tưởng rằng đã xuất
trình chiếu khán nhập cảnh khi từ Đan Mạch vào VN. Đến sân bay Pnom Penh để về
Saigon mới hay cần phải xin chiếu khán nhập cảnh. May sẵn có xe ông chef cho
tài xế đưa ra phi trường, tôi tức tốc chạy về Pnom Penh làm chiếu khán nhập
cảnh tại Tòa Lãnh Sự VN. Viên chức trách nhiệm hỏi:
- Muốn
lấy ngay hay để mai mốt?
- Khác
biệt như thế nào giữa hai trường hợp?
- Mai mốt
lấy 20 đô, lấy ngay 40 đô.
Tôi muốn
lấy ngay, kéo bóp tiền ra đếm 20, 30,... 37 thì hết tiền lẻ. Đang lưỡng lự có nên
đưa tờ 100 đô để người ta thối lại không, thì viên chức đứng trong khung kính
nói, thôi 37 cũng được!
Thầy - Trò chiều Hội Ngộ
Còn lưu
luyến với cruise và không khí đượm tình thân thiết đồng nghiệp, đồng môn trên
tàu nên rủ bà con trở lại cruise. Ngày 15-9 bà con trên cruise nhận được
thông báo chuyền miệng sẽ có buổi họp tổng kết chuyến đi cruise vào lúc 17 giờ.
Thọ thay mặt Ban Tổ Chức Hội Ngộ nêu lên một số vấn đề và trả lời vài ba câu
hỏi. Trước khi kết thúc, Thọ tiếp, thầy Giang mất passport... Tôi nghĩ ngay,
rằng Thọ có thể kêu gọi nam nữ Nguyễn Huệ giúp đỡ mình nên đi nhanh lên lấy
micro từ tay Thọ để đánh lạc hướng bằng cách kể một chuyện đời xưa: "Tam
Nhơn Đồng Hành Tất Hữu Ngã Sư".
Ngày xửa
ngày xưa cách đây trên 30 năm có một thằng tên Ánh. Ánh có hàm răng Cời. Người
ta gọi nó là thằng Ánh Cời, môi trên không che kín hàm răng, tuổi tác trên dưới
30. Có khi cái tên cúng cơm của nó cũng bị bỏ quên, chỉ gọi nó là thằng Cời.
Cời không bao giờ tỏ ý bất mãn khi bị gọi tên bằng tật nguyền của mình, chỉ toe
toét cười, hàm răng hô lộ ra rõ hơn một chút. Tiếng xì xào đúng sai không rõ, kể
rằng nó phụ trách một tủ thuốc tại một trạm Y Tế xã đâu ở Diên Khánh. Tủ thuốc
rất đơn sơ, chủ yếu là Xuyên Tâm Liên trị bá bệnh. Trạm Y Tế cháy, xã qui trách
nhiệm cho nó. Đó là nguyên do nó phải vào tù, giam chung với tù chính trị? Cời
và tôi được đặt dưới quyền điều khiển của Khanh, một cựu hạ sĩ quan quân đội
VNCH, lo việc nấu cơm canh cho tù nhân, Khanh sai đâu chúng tôi làm đó. Nhóm
làm bếp được mở cửa phòng sớm để lo chuyện bếp núc.
Nội qui
bất thành văn của trại, hai tháng được thăm nuôi một lần, không được nhận những
thứ xa xỉ, chẳng hạn cà-phê để khỏi làm phiền gia đình, tiền bạc tối đa chỉ
được 10 đồng (tiến mới đổi)... Một hôm thằng Cời lượm được một cục giấy, tờ
giấy bạc 20 đồng, xếp và xếp cho đến khi không còn xếp được nữa, có lẽ cho dễ
dấu. Cời đem tờ bạc 20 trình cho cán bộ quản lý. Cán bộ tuyên bố tiền này sẽ
sung vào quỹ trại. Sung như thế nào chẳng ai dám hỏi. Có hỏi tù nhân xem ai mất
tiền cũng chẳng có ai dám nhận, nhận là vi phạm nội qui, tiền mất họa
mang. Những năm cuối thập niên 70, toàn miền Nam lâm vào tình trạng khó
khăn chung. 20 đồng mới có giá trị lớn.
Nhìn vào
bàn ăn chung tại khu nhà bếp, ta có thể dự đoán được hoàn cảnh kinh tế của gia
đình tù nhân. Sau những ngày chủ nhật được thăm nuôi hai tháng/lần, có nhóm ăn
uống có thịt cá tương đối, có nhóm muối dưa (muối sả kho mặn có pha chút thịt
mỡ)... Thằng Cời thỉnh thoảng cũng có thăm nuôi, nhưng rất đơn sơ. Chẳng ai mời
ai, tích cốc phòng cơ. Thằng Cời khác, mỗi lần được thăm nuôi nó bày hết đồ lên
bàn ăn vui vẻ mời chú mời anh trong đội nhà bếp... Xét tính khí hồn nhiên của
nó, không phải nó mời để được mời lại.
Đi lâu
mới biết đường dài, ở lâu mới biết con ngài (người) phải chăng. Tiếng tốt của
thằng Cời được đội nhà bếp bàn tán và loan đến một số tù nhân thường lui tới
nhà bếp. Nó được phục hồi tên cúng cơm và thay vì Cời người ta đổi thành Cười:
Thằng Ánh Cười. Chứng kiền việc thằng Ánh Cười nộp 20 đồng cho cán bộ quản lý,
tôi thật tâm suy nghĩ, đặt vào địa vị của nó, mình có làm được như nó không.
Thằng Ánh tuổi tác bằng con tôi, thằng Ánh không có học vấn bằng tôi, thằng Ánh
không có địa vị xã hội bằng tôi, nhưng khi lưỡng lự tự hỏi: mình có làm được
như nó không, thì về mặt "Thiện Căn Ở Tại Lòng Ta, Chữ Tâm...!", tôi
thấy chưa được xếp ngang với Thằng Ánh Cười. Trường học có thể cho ta cơ hội để
thành công về một phương diện nào đó, nhưng trên mọi nẻo đường đời, ba người
cùng đi ắt có một ông thầy cho ta những bài học để thành nhân. Quả thật tôi đã
học được một bài học từ Thằng Ánh Cười.
Thầy - Trò trên phố Boston
Các em
CHSLTPY thân mến,
Trở về
Đan Mạch với trọng lượng hành lý theo qui định của hãng máy bay. Nhưng tôi mang
về một gánh nặng, quá nặng không cân-đo-đong-đếm được, gánh nặng tâm tình của
đồng nghiệp và CHSLTPY.
Chúc đại
gia đình chúng ta khắp mọi nơi thân tâm an lạc!
Thân mến
Nguyễn Đức
Giang
- Tin giờ chót. Cruise đã tìm thấy passport của tôi, đang hỏi địa chỉ để gởi về Đan Mạch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét