Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Diễn Hành Tết Xuân Canh Tý 2020 Của CĐNVQG Nam Cali Trên Đại Lộ Westmins...

GIỚI THIỆU
Tết Nguyên Đán năm nay may mắn trùng vào ngày cuối tuần nên việc vui Xuân rất nhộn nhịp. Tại Nam California, thủ đô người Việt tỵ nạn, CĐNVQG tổ chức diễn hành long trọng và rầm rộ. Đồng hương tham dự rất đông.
Xin mời quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu xem video DIỄN HÀNH TẾT CANH TÝ 2020.
Trân trọng
NHHN




Diễn Hành Tết Little Sai Gon 2020 - California - Tết Parade 2020

GIỚI THIỆU
Tết Nguyên Đán năm nay nhằm vào ngày cuối tuần nên việc tổ chức vui Xuân rất thuận lợi và nhộn nhịp. Cuộc diễn hành trên phố Bolsa, thủ đô người Việt tỵ nạn được các Hội Đoàn, Đoàn thể và Đồng Hương tham dự rất đông.
Xin mời quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu xem video DIỄN HÀNH TẾT LITTLE SAIGON 2020
Trân trọng
NHHN




Bộ Lạc Sống Thọ Và Có Nhiều Phụ Nữ Đẹp Nhất Thế Giới

BỘ LẠC SỐNG THỌ VÀ CÓ NHIỀU PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI

PAKISTAN Sống ở độ cao gần 2.500 m, người Hunza không mắc các chứng bệnh như ung thư, tiểu đường và phụ nữ có thể sinh con khi đã ngoài 60.



Hunza là một thung lũng biệt lập ở độ cao gần 2.500 m, phía bắc Pakistan, giáp với khu vực Tân Cương của Trung Quốc và hành lang Wakhan, Afghanistan. Đây là nơi ở của cộng đồng người Hunza, còn gọi là Burusho, bộ tộc có tuổi thọ cao nhất thế giới. Ảnh: Levart.




Bộ tộc này tự xưng là hậu duệ của Alexander Đại đế, từ thế kỷ 4 trước Công nguyên. Họ sống trong một khu vực biệt lập và kết hôn theo ý cha mẹ sắp đặt. Nguồn gốc ngôn ngữ Burushaski của người Hunza là một bí ẩn. Các nhà nhân chủng học cho biết, thay vì liên quan tới ngôn ngữ Ấn - Âu hay Tây Tạng, các vùng giáp ranh, tiếng Burushaski lại có nét tương đồng nhất với vùng Basque, Tây Ban Nha. Ảnh: Dawn.



Hầu hết người Hunza là nông dân. Họ trồng các loại cây như lúa mì, khoai tây, lúa mạch, kê, kiều mạch, nhiều loại trái cây trên các thửa ruộng bậc thang. Họ cũng chăn nuôi gia súc gồm dê, cừu và gà. Ảnh: Chirawan Thaiprasansap/Shutterstock.


Người Hunza tin rằng họ có thể sống tới 120 tuổi và thậm chí 150 tuổi, phụ nữ được cho là có thể sinh con ở độ tuổi ngoài 60. Nhiều người cho rằng, điều này không đúng sự thật hoặc do quan niệm khác biệt về năm tháng của bộ tộc này. Ảnh: Gaia.


Tuy nhiên, theo các báo cáo của địa phương, dân số ở đây đều có tuổi thọ trung bình cao, khỏe mạnh và minh mẫn khi về già. Tờ Telegraph đã đưa Hunza vào danh sách 14 nơi người dân có tuổi thọ cao lạ thường. Ảnh: Claudiovidri/Shutterstock.


Hunza cũng được cho là bộ lạc có nhiều phụ nữ xinh đẹp nhất hành tinh. Ảnh: Khlong Wang Chao/Shutterstock.


Họ có làn da sáng và đẹp hơn so với những người sống ở khu vực khác của đất nước. Ảnh: Chirawan Thaiprasansap/Shutterstock.


Bí kíp trường thọ và xinh đẹp của người Hunza được cho là nhờ nguồn nước tinh khiết, không khí trong lành, thực phẩm sạch và lối sống lành mạnh. Ảnh: Khlong Wang Chao/Shutterstock.


Chế độ ăn của họ bao gồm các thực phẩm tự cấp như rau, sữa, ngũ cốc, các loại hạt, trái cây và ít thịt. Ảnh: Mark Wiens.


Người dân địa phương không tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn. Ảnh: Dawn.


Quả mơ là thực phẩm chính của người Hunza. Trong một năm, họ có vài tháng ăn kiêng với mơ và nước từ loại quả này. Người Hunza không mắc ung thư do hấp thụ vitamin B17 hay amygdalin, được tìm thấy trong hạt mơ. Ảnh: Easyway/Shutterstock.


Người Hunza thường xuyên tập luyện yoga, bao gồm các phương pháp thở và thiền định. Đặc biệt, họ sẽ thư giãn và nghỉ ngơi khi cần, để giảm thiểu căng thẳng. Theo Very Well HealthHunza là những người hạnh phúc nhất trên thế giới. Họ yêu cuộc sống và thể hiện điều đó qua chế độ rèn luyện thân thể nghiêm ngặt và lối sống tối giản. Ảnh: Karavan Leaders.


Ngoài câu chuyện về tuổi thọ, Hunza còn thu hút du khách bởi phong cảnh thiên nhiên như tranh vẽ. Thời gian lý tưởng nhất để tới đây là tháng 4 đến tháng 10. Tháng 6 - 8 là cao điểm du lịch ở đây. Ảnh: Khlong Wang Chao/Shutterstock.

Thành phố gần thung lũng Hunza nhất là Gilgit, cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng một giờ bay. Từ thành phố Gilgit, du khách có thể di chuyển bằng xe bus Natco hoặc xe jeep đường dài. Thời gian di chuyển là 2 đến 3 tiếng.

Lan Hương (Theo Telegraph)

Chiều Xuân




Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Phân Ưu Đồng Môn Lê Thị Hải Đường




12 Bức Ảnh Thiên Nhiên Đẹp Như Tranh Vẽ

12 BỨC ẢNH THIÊN NHIÊN ĐẸP NHƯ TRANH VẼ.


Vẻ đẹp toàn cảnh của vùng núi đá và hang động bị xói mòn ở vùng Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ từ trên khinh khí cầu.

Hồ nước ngọc lam nằm trên ngọn núi Flores cao nhất Indonesia, luôn thay đổi màu sắc một cách định kỳ. Cứ sau một khoảng thời gian nhất định nước trong hồ lại chuyển từ màu xanh lá cây ô liu sang màu gạch đỏ và thậm chí màu đen do nồng độ muối khoáng trong hồ.

Hang động đá cẩm thạch ở Chile có hoa văn đẹp huyền hoặc kết hợp với sự phản chiếu làn nước lấp lánh trên trần tạo ra một hiệu ứng tuyệt đẹp.


Được hình thành do mưa xói mòn từ khoảng 5 triệu năm trước núi Api ở công viên Quốc gia Gunung Mulu, Malaysia với 150 chỏm đá nhọn giống như những thanh kiếm tạo nên một quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Từng đi vào tác phẩm của đại danh họa Hà Lan Van Gogh dải núi đá sa thạch hẹp ở chân đồi Kỳ Liên có nhiều gam màu rực rỡ không khỏi khiến cho người xem choáng ngợp. Dải núi đá này nằm trong Công viên Địa chất Quốc gia Zhangye Daxia ở Trung Quốc.

Eye of Africa, một thung lũng có diện tích rộng 30 dặm, bao quanh bởi các dãy núi được tạo nên từ quá trình hình thành địa chất gần Ouadane, Mauritania.

Là một phần của dòng sông băng Mendenhall Glacier, hang động băng Mendenhall được hình thành do các sông băng tan chảy tạo ra một thế giới màu ngọc lam đẹp huyền bí.

Hồ Ongeim L'Tketau, Palau là vương quốc độc quyền của loài sứa vàng trong suốt. Không có kẻ thù nào trong hồ nên số lượng sứa trong hồ phát triển rất nhanh.

Hố địa ngục nằm ở mỏ khí tự nhiên ở làng Derweze, Turkmenistan, vùng đất có khoảng 230 núi lửa đã bốc cháy suốt 40 năm và được gọi là "cánh cửa tới địa ngục".

Mặt hồ muối lớn nhất thế giới Salar de Uyuni ở Bolivia như một tấm gương phản chiếu bầu trời rộng lớn .

Cồn cát trắng ở Vườn quốc gia Lencois Maranhenses, Brazil trông giống như một sa mạc.

Ghềnh đá đĩa khổng lồ ở Ireland có khoảng 40.000 viên đá đa giác bazan màu đen xếp chồng lên nhau tạo nên một quang cảnh tuyệt đẹp giống như ở hành tinh khác. Ghềnh đá đĩa này được hình thành từ khoảng 60 triệu năm trước, đã được Unesco công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Đọc Truyện - Thèm Quê

GIỚI THIỆU
Nhằm mục đích phuc vụ quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu thêm hữu hiệu và đa dạng. Diễn Đàn NHHN mở thêm tiết mục "Đọc Truyện".
Xin mời quý vị thưởng thức truyện ngắn THÈM QUÊ
Tác giả: Thoại Văn
Trân trọng
NHHN

(Click vào link hình nghe đọc truyện)




Một Tấm Lòng Nhân Hậu



MỘT TẤM LÒNG NHÂN HẬU

Năng Khiếu

Vào một ngày hè oi ả, tôi đang cặm cụi với công việc bề bộn trong tiệm may. Nghe tiếng người lao xao trước cửa, tôi vội bước ra, thì thấy hai người tuổi tầm trung niên, mới ở Việt Nam qua, đến xin việc.

Tôi mời ông bà vào văn phòng. Qua câu truyện trao đổi, tôi thông cảm cho hoàn cảnh của ông bà. Tiệm lại đang cần thêm thợ, nên tôi nhận hai người luôn. Lúc đó bà hơn tôi cả chục tuổi, nên tay chân chậm chạp, phải mất thời gian dài kiên nhẫn, tôi mới hướng dẫn cho bà cách may ráp quần áo nhanh hơn. Còn ông thì được xếp vào chân nhặt chỉ và phụ với nhóm kiểm hàng.

Đó là ông bà Lâm, ông 65 bà 60 tuổi. Đến Mỹ không thân nhân, phải nhờ nhà thờ tin lành bảo trợ. Mấy người bạn HO. qua trước mướn cho căn apartment một phòng. Giúp chở đi làm giấy tờ, xin Medical, chở đi khám tổng quát. Bác sĩ nhãn khoa lấy hẹn cho ông đi mổ mắt ngay, vì võng mạc bị tổn thương. Vừa chữa xong mắt, thì vào môt đêm ông bị xây xẩm mặt mày, té nhào, may mà kêu xe cấp cứu đưa ông đến bệnh viện kịp thời, để bác sĩ thông tim gấp. Sau mấy tháng dưỡng bệnh, ở nhà buồn quá lại không có tiền tiêu, nên hai ông bà đến tiệm may xin việc làm.

Khi được biết ông bà qua Mỹ đơn độc không con cái, mọi người đều xúm vào  giúp đỡ. Mỗi lần có ai hỏi đến con cháu, bà lại tủi thân nước mắt ngắn, nước mắt dài. Tôi phải hết lời an ủi, giải thích với bà là ở bên Mỹ này, người già sống một mình là chuyện thường. Như bác Nhẫn ngồi phía trước, có sáu người con ở bên tiểu bang Ohio hết, chỉ có bố mẹ về sống tại Cali tìm hơi nắng ấm. Hoặc có người đông con cái ở cùng tiểu bang, chúng cũng không thích sống chung với cha mẹ vì nhiều lý do. Bà Lâm hiểu ra, không vừa làm vừa khóc như trước nữa. Buổi tối ông bà đi học lớp ESL ở trường Westminster high school, để sửa soạn học thi quốc tịch. Đủ 5 năm có quốc tịch, ông bà sẽ tìm người quen có income, giúp bảo trợ tài chánh, để bảo lãnh cho các con sau này.

Nhưng làm được mấy tháng thì ông lại đổ bệnh, phải nghỉ ở nhà, chỉ có mình bà mỗi sáng lủi thủi đón xe bus đến tiệm. Sau này ông bà thuê phòng gần nhà tôi, cần kiệm để dành tiền, Tết  gửi về lì xì cho các cháu.

Cuối tuần chúng tôi thường chở ông bà đi lễ. Chở bà đi chợ, đi làm, bà Lâm lại có dịp trải lòng mình. Nghe tâm sự của bà tôi như lây nỗi buồn, vì những ngày loạn lạc đau thương ấy, ám ảnh tôi mãi.

***
Cho đến hôm nay, bà Lâm vẫn không sao quên được quãng đời đã qua. Từ trước năm 1975, gia đình đang sống tại Ban Mê Thuột một thành phố nhỏ bé, nhưng là một vị trí chiến lược trọng yếu đối với vùng cao nguyên. Cũng là cái nôi kinh tế của miền đất đỏ, với những rẫy cà phê dài hun hút, ngon nổi tiếng. Đồn điền cao su hàng chục ngàn mẫu. Những khu rừng là tài nguyên quý giá, trở thành trung tâm khai thác lâm sản bậc nhất của quốc gia, về các loại gỗ quý như: Bằng lăng, cẩm lai, gụ, lim... v...v…

Ban Mê Thuột còn có những thắng cảnh nên thơ như: Đồi Cỏ Vàng, Suối Hẹn Hò, Thác Drayling… Những ngày nghỉ cuối tuần ông thường chở vợ con đến Vườn Mộng ngắm cỏ úa mùa thu, hay những ngày hè nhìn hoa phượng đỏ rực trong khuôn viên trường Tổng Hợp.

Nhưng tất cả những cảnh vật đó, và sự sống hiền hòa của người dân, bị hủy diệt, bằng các trận mưa pháo, đại bác và hỏa tiễn của quân Bắc Cộng, đem đến nỗi kinh hoàng,  cho những người dân vô tội, trong đó có gia đình ông bà Lâm. Trước hoàn cảnh đó, nhiều gia đình khá giả đã tìm cách rời Ban Mê Thuột, để về Saigon hay ra Nha Trang, với giá máy bay rất đắt, mà có khi không còn chỗ.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, ông Lâm đang đóng tại Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8. Đứa con gái lớn mười sáu tuổi, đứa bé nhất chưa đầy thôi nôi, bà Lâm cũng tìm cách đưa các con đi di tản, ở nhờ người quen được vài bữa, sốt ruột, mẹ con lại bồng bế nhau về nhà chờ tin ông.

Đơn vị ông được điều động đến giải vây cho tiểu khu Darlac, nhưng bị lực lượng Cộng quân từ Ngã Sáu tràn xuống, chặn đánh . Ông bị tan đàn thất lạc đơn vị, như rắn mất đầu, suýt chết, cũng phải mấy ngày mới chạy về tới  nhà ở cư xá sĩ quan Thiết Giáp, nơi vợ con đang trông chờ.

Trong thâm tâm mỗi người dân Ban Mê Thuột, luôn ghi nhớ lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, trong  giờ phút lâm nguy, đã hy sinh cố gắng hết sức mình để làm tròn bổn phận. Đối đầu với chiến thuật biển người của Cộng Sản cho đến phút cuối cùng. Để rồi ngày 11/3/1975, thị xã Ban Mê Thuột, tỉnh Darlac thất thủ, kéo theo sự sụp đổ của Miền Nam Tự Do. Thảm khốc hơn, đã dẫn đến một khúc quanh lịch sử.

Thành phố hôm ấy như một bãi tha ma, những đống tro tàn, bụi khói và gạch vụn, đầy mùi tử khí. Bộ đội chia từng toán nhỏ, lục soát khắp các hang cùng ngõ hẻm. Côn đồ thời cơ đông lắm, đeo băng đỏ ở cánh tay, đập phá các cơ quan công quyền, dinh thự, cửa tiệm, tư gia. Lục soát các nhà thờ, trường học, lôi đốt hết các loại sách báo, tự điển, giáo khoa. Nhất là những ấn phẩm văn học nghệ thuật, viết bằng Anh hoặc Pháp ngữ.

Cảnh hôi của lan tràn khắp nơi, đi ngang qua cư xá sĩ quan có căn nhà ông bà Lâm, bọn du kích nằm vùng ập vào khám xét lục lọi, xông xáo, như kẻ đang cầm trong tay uy quyền đầy hung dữ. Họ ra lệnh cho mọi người trong nhà đứng dồn vào một góc để tự nhiên khuân đồ đạc, từ chiếc xe Honda dame của bà, cái máy ảnh hiệu Canon của ông. Đến chiếc TV trắng đen, bộ xa-lông cẩm lai, tủ khảm xà cừ, mà cha mẹ ông Lâm cho từ ngày mới cưới. vào nhà trong khiêng từ cái giường, tủ quần áo, xuống bếp nhặt từ bộ nồi inox, bưng cả chiếc bếp dầu… Như đua nhau xem ai lấy được nhiều hơn. Không chỉ nhà của ông bà Lâm, mà tất cả các nhà trong cư xá đều bị tình trạng này, họ như đang tịch thu những chiến lợi phẩm, sau một trận đánh khốc liệt, chứ không phải đang vơ vét của cải mồ hôi nước mắt của những người dân lành.

Xã hội lúc bấy giờ không luật pháp, thảm khốc diễn ra khắp nơi. Bộ đội tiếp tay với đặc công, trả thù, thanh lọc dân chúng, truy lùng các viên chức chính phủ, sĩ quan và binh lính. Nhiều người bị đánh đập, bị đấu tố,  mà vợ con thân nhân không biết kêu vào đâu?!

Nhưng tất cả không đáng sợ bằng vào một buổi tối, họ xông vào bắt ông Lâm đi. Bà Lâm bắt đầu cuộc việt dã đầy nước mắt. Tìm ông đủ mọi nơi trong vô vọng. Vì trước ngày 1 tháng 5 năm 1975,  Cộng Sản chưa lập ra cái mà họ gọi hoa mỹ là trại “cải tạo”, nếu ai bị bắt thì vợ con không biết đâu mà mò. Mãi cả năm sau, sức lực đã kiệt quệ thì bà nhận được thư ông gửi về từ trại tù “cải tạo” Gia Trung,  Gia Lai gần Pleiku.

Bà Lâm vừa lo cho tính mạng và sự an nguy của ông, vừa lo cho đàn con dại, không biết rồi sẽ ra sao? Bà quay cuồng, xoay sở để sống còn giữa muôn vàn khó khăn. Bao nhiêu âu lo bất định dồn dập, bà lặng lẽ khóc mỗi đêm nhìn các con ngủ lăn lóc, trên những tấm chiếu cũ trải dài không giường, trên sàn nhà. Mưa trên vùng cao nguyên rả rích, cũng không dầm dề bằng nước mắt của bà Lâm, khi công an khu vực liên tục tới khuyến dụ:

- Những gia đình có chồng đang “cải tạo” nếu tình nguyện đi “kinh tế mới”, thì cách mạng sẽ khoan hồng cho về sớm để đoàn tụ với gia đình.

Biết được mục đích của Cộng Sản, là đuổi những gia đình đang sống trong cư xá đi, để tịch thu nhà cửa, nên không ai hưởng ứng. Thấy sự kêu gọi không kết quả, chính quyền mới  liền ra thông báo:

- Bắt buộc tất cả vợ con “ngụy quân” trong cư xá, phải lên văn phòng “đăng ký “ để lập danh sách đi vùng “kinh tế mới”. Mẫu giấy đã để sẵn trên bàn chỉ việc ký tên, nếu ai đi sớm sẽ được cấp nhà cấp đất. Nhà nước nói gì, nhân dân phải thi hành, đó là mệnh lệnh.

Vợ con các sĩ quan lúc bấy giờ ai cũng ngán Cộng Sản, lại cả tin lời đường mật, đồng ý ký tên đi. Rốt cuộc mẹ con bà Lâm và một số gia đình khăn gói lên đường đi “kinh tế mới”.

Sống khổ cực lầm than năm này qua tháng nọ, mà người chồng người cha vẫn bặt tăm. Trong khi nhà cửa bị tịch thu để cấp cho gia đình cán bộ cách mạng.

Thực ra “kinh tế mới” là chính sách “giãn dân”, trong kế hoặch quản lý hành chánh, không liên quan gì đến những người đi tù “cải tạo” được về nhà đoàn tụ với gia đình. Cộng Sản lại chơi một cú lừa ngoạn mục nữa sau khi đã lùa hết các Quân, Cán, Chính của “ngụy” vào tròng.

Vào đầu mùa đông, cái lạnh vùng cao nguyên buốt da nứt thịt, mẹ con bà Lâm và những người cùng xóm co ro cúm rúm trong manh áo không đủ ấm, người khuân, kẻ vác, nào:  nồi, niêu, chén bát, quần áo và những đồ dùng cá nhân đủ thứ lỉnh kỉnh, lật đật lên xe cho kịp.

Một hàng xe dài lăn bánh, chở mọi người đến xã Hòa Lê, Huyện Krong-Bong. Ra khỏi đường tráng nhựa đi vào đường đất đỏ, len lỏi trong khu rừng cao su rậm rạp, dưới những tàn cây âm u che khuất mặt trời. Hai, ba tiếng đồng hồ, không biết qua bao nhiêu khu rừng thì đến một chân đồi, xe bò từ từ xuống khu đất gần một dòng suối.

Bỏ mấy chục gia đình xuống cạnh những dãy chòi lợp tranh, chung quanh chưa có vách, trống trơn, rồi đoàn xe quay đầu lặng lẽ bỏ đi. Ngày hôm sau được lãnh gạo theo nhân khẩu, mỗi gia đình vài chục ký gạo mọt, nổi lều bều trong nước vì rỗng ruột. Đúng là “Đem con bỏ chợ”, hàng chục gia đình ngơ ngác nhìn nhau.  Không nơi thờ phượng, không trường học, chỉ một trạm y tế nhỏ như lỗ mũi, đừng nói gì chợ búa. Mọi người phải mua rau cải, bí, bầu, măng, mướp của người thượng ở làng bên, gùi đến bán.

Phải qua nhiều ngày mẹ con bà Lâm mới quen được tiếng chồn cáo gọi nhau ăn đêm. Tiếng chim cú gáy, xa xa trong rừng sâu. Ban ngày ồn ào với tiếng cây cối bị đốn hạ, chất thành đống chờ xe be đến chở đi. Do đội thanh niên xung phong không biết khởi công từ bao giờ, chỉ thấy các em mặt mũi non choẹt, hay ghé vào nhà dân xin nước.

Như câu thơ không biết xuất xứ từ đâu: Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ / Mũ tai bèo che lấp cả tương lai.

Biết bao gian nan khổ cực kể sao cho xiết, nhiều nguời bỏ đi. Nhưng mẹ con bà Lâm xem ra không còn nơi nào để đến  “tay làm hàm nhai” bữa đói, bữa no. Trời thương! Nhờ vùng đất đỏ đầy màu mỡ, cây cối tốt tươi, những luống rau xanh lớn nhanh theo giọt mồ hôi, nước mắt. Để mẹ con bà Lâm đem bán, rồi mua đường, bột, mắm, muối, đi tiếp tế thăm nuôi ông.

Ông Lâm lê gót qua nhiều nhà tù từ Nam ra Bắc, bảy, tám năm trời, cuối cùng cũng được thả về. Tìm vợ con ở vùng “kinh tế mới”, vừa đi vừa hỏi thăm tên huyện Krông Bông, thị trấn Krông Kmar nghe là lạ, đường đi chỉ thấy rừng xa hun hút, mặt đường đầy dấu bánh xe tải cày xới, đất đỏ nhão nhoẹt thành từng vũng lầy nhớp nhúa.

Gặp lại vợ con, mừng mừng tủi tủi. Ra ngoài mà cuộc sống cũng không khá hơn ở trong tù bao nhiêu. Trong thời gian quản chế, ông không được đi đâu khỏi địa phương nếu chưa có giấy phép, không được buôn bán hay làm nghề gì, ngoài việc cuốc đất trồng cây.

Tuy vậy  tại đây hàng ngày ông không bị công an khu vực đến “động viên” đi “kinh tế mới”, bị mời lên mời xuống, bị chặn đường mượn tiền mua thuốc lá… như những người bạn còn ở trong thành phố. Nhưng ở cái nơi tận cùng trái đất này, ông Lâm không được tiếp xúc nhiều, cũng không thường xuyên về thăm anh em họ hàng ngoài thành phố Ban Mê Thuột, cách sáu, bảy chục cây số, nên không biết gì về chương trình HO. (Humanitarian Operation) mà thời đó không sẵn điện thoại hay internet như bây giờ. Gặp mấy người bạn cùng ở  “vùng sâu, vùng xa”  cho biết thì ông lại không tin Cộng Sản cho đi thật, nên không làm giấy tờ. Sau này thấy có người đi êm xuôi rồi, ông mới tìm hiểu lo làm thủ tục giấy tờ xuất cảnh thì khá muộn.

***
Năm đó cả nhà ông bà Lâm không ai còn tinh thần mà ăn Tết, vì ngày mùng bốn tháng Giêng năm 1997 ông bà đi Mỹ theo chương trình tị nạn HO 36.

Gần cuối chầu, vì từ gia đình HO1 đầu tiên đặt chân đến Mỹ là ngày 5 tháng 1 năm 1990, sự cứu xét cho đi rộng rãi hơn, có gia đình đi được cả ba thế hệ. Nhưng “Chậm chân uống nước đục” từ tháng tư năm 1995 Cơ quan INS và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thay đổi, họ từ chối cha mẹ già, những người con có gia đình hoặc còn độc thân mà trên 21 tuổi, không được đi theo định cư tại Mỹ nữa.

Ông bà Lâm đi trơ trọi, buồn thiu, bỏ lại đàn con tám đứa, năm gái, ba trai. Hai cô con gái và cậu trai lớn có gia đình, biết thân biết phận không làm đơn theo. Nhưng còn năm đứa độc thân, đang sống chung cùng hộ khẩu với cha mẹ, ra dịch vụ làm hồ sơ, vào thời điểm đang được chấp thuận. Về ăn chay ở vậy hai ba năm trời chờ đợi, với hàng đống tin tức lệch lạc cho đến ngày phỏng vấn. Rốt cuộc năm đứa “tu tại gia” đều bị từ chối. Bà Lâm chép miệng, tội nghiệp nhất là Chi Mai cô con gái út, hai mươi mốt tuổi rưỡi cũng bị lọt sổ luôn.

Để rồi nguyên đàn con cháu, cùng với anh em, bạn bè, âm thầm kéo nhau đến phi trường Tân Sơn Nhất, đưa tiễn ông bà Lâm bằng một cuộc chia ly đẫm nước mắt. Ông bà lưỡng lự mãi không nỡ bước chân đi. Nhưng nghĩ lại những ngày tháng sống cơ khổ quá, đã thúc đẩy ông bà “ra đi tìm đường cứu gia” hy vọng sau này có cơ hội bảo lãnh con cái.

Sở dĩ tôi phải kể dài dòng văn tự, để thấy cảnh các con ông bà Lâm sống cực khổ làm vậy, mà khi cha mẹ ra đi “về miền đất hứa”, con cái không được đi theo mới thấm nỗi khổ tâm của ông bà, bước chân ra đi mà thương đàn con không  ai lo toan, dạy dỗ chúng trong độ tuổi trưởng thành.

***
Khỏang giữa năm 2001, cả tiệm may bất ngờ khi bà Lâm báo tin, bà xin nghỉ ba ngày để đi đón con từ Việt Nam qua. Rồi vài tuần sau bà dắt con gái, cùng chồng và đứa cháu trai hai tuổi, đến tiệm giới thiệu với mọi người và xin việc luôn.

Bà mừng rỡ nói huyên thuyên, đây là Chi Mai, con gái út xinh đẹp, ngoan ngoãn của tôi, năm 19 tuổi cô yêu thương Lãng một anh bạn cùng xóm, nhưng vì nghe lời cha mẹ, cô phải dứt khoát không liên lạc với Lãng, để chờ đi.  Anh chàng thất tình bỏ làng đi thật xa, hơn hai năm trời, để quên mối tình đầu dang dở. Khi nghe Chi Mai phải ở lại Viêt Nam, Lãng ta như mở cờ trong bụng trở về ca bản:  “Về đây bên nhau ta nối lại tình xưa…. Rồi sau cơn mưa, giông tố sẽ vượt qua.….” Thế là hai đứa làm đám cưới năm 1998. Cứ nghĩ rằng suốt kiếp chôn vùi tương lai nơi xó rừng.

Nhưng rồi có “tin vui giữa giờ tuyệt vọng”. Đúng vậy,  nhờ McCain Amendement đã là cánh cửa mở ra cho các con ông bà Lâm và nhiều người con của các cựu tù nhân Việt Nam Cộng Hòa, tưởng là hết hy vọng được đi định cư tại Mỹ.

Năm 1997, Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, đã đề xuất một dự luật phục hồi quy chế tị nạn phụ thuộc, cho các con em độc thân trên 21 tuổi của những cựu tù nhân, đã bị Bộ Ngoại Giao từ chối không chấp thuận, cho phép qua Mỹ định cư cùng cha mẹ, từ sau năm 1995. Nay dù những đứa con đó đã kết hôn, vẫn được nộp đơn để xin cứu xét đem theo gia đình. Dự Luật này được Quốc Hội Mỹ thông qua và được Tổng Thống Bill Clinton, ký ban hành ngày 1/5/1998, có hiệu lực đến 30/9/1999. Sau đó lại tiếp tục được Tổng Thống kế nhiệm George W. Bush gia hạn thêm, đến 30/9/2003. Thật là “Tiền xung hậu kiết”.

Thế nên năm người con của ông bà Lâm, từ lúc nhận được giấy báo, chờ đợi, rồi giấy phỏng vấn cầm trong tay, mà cứ như mơ. Hơn một năm sau, đã lần lượt đến Hoa kỳ đoàn tụ với cha mẹ già. Như một phép lạ! Ông bà Lâm mừng khôn tả, mà những chuyến đi sau này lại có lời, thêm con, thêm cháu. Chỉ tội nghiệp những người con của ông bà Lâm ở Việt Nam đã không có phương tiện học hành, qua đến Mỹ thì tuổi đã muộn, lại không có trình độ căn bản, nên vừa vất vả học Anh văn vừa học nghề, nhưng tương lai con cháu tươi sáng trước mặt. Hiện giờ Chi Mai con út bà Lâm đang làm chủ tiệm nail khá lớn ở Los Angeles.

Theo tôi được biết thì chương trình này, đã cứu được gần hai chục ngàn người con, của các cựu tù nhân. Họ như những hạt giống được gieo trong đất tốt. Sẵn đức tính hiếu học lại cần cù, nhiều người đã học thành tài, đã thành công trên mọi lãnh vực, đóng góp nhiều cho Hoa Kỳ. Có người đã ưu ái gọi những đứa con này là: “The children of John McCain”.

John McCain là ai? Ông là một Trung Tá Phi Công của Hải Quân, bị bắn rơi trong một phi vụ oanh kích tháng 10/1967. Rồi sau đó bị giam cầm ở Bắc Việt hơn 5 năm tại Hỏa Lò. Ông được trả tự do ngày 14/3/1973, sau khi Washington và Hà Nội ký hiệp ước trao trả tù binh.

Từng là một cựu tù nhân chiến tranh, chịu sự giam cầm của Cộng Sản Bắc Việt, chịu đựng những hành hạ khổ nhục của Cộng Sản Việt Nam. Với tấm lòng nhân hậu và cảm thông, Thượng Nghị Sĩ John McCain đã hăng hái góp tay cùng  các ông Shef Lawman nhân viên Bộ Ngoại Giao. Ông Robert Funseth Phụ Tá Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách chương trình tỵ nạn, đã vận động Tổng Thống Reagan và Quốc Hội Hoa Kỳ. Bên Lập Pháp còn có ông Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy và phần đông những Nghị Sĩ, Dân Biểu, ngày xưa là cựu chiến binh Hoa Kỳ họ hiểu hoàn cảnh của những người anh em, nên rất ủng hộ tiến trình cứu giúp những tù nhân chính trị Việt Nam Cộng Hòa. Vận động chính phủ Mỹ và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đồng thuận trao đổi, để các cựu tù nhân và gia đình được định cư tại Hoa Kỳ.

Ông Lâm vẫn nhắc nhở con cái: “Các con được như ngày hôm nay, là nhờ sự can thiệp  của ông John McCain, cùng nhiều vị trong giới chức chính quyền, về diện tuổi của con em HO. mà nước Mỹ đã mở lòng đón nhận. Các con phải ghi nhớ mãi mãi”.

Sau này, chúng tôi và ông bà Lâm không còn ở cùng xóm như hồi mới qua, nhưng vẫn liên lạc và thỉnh thoảng ghé thăm. Ông bà tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn.

Hôm Thứ Bảy, ngày 25/8/ 2018. Trên thuyền thông báo chí đưa tin ông John McCain từ trần, hưởng thọ 81 tuổi. Ông Lâm điện thoại nói chuyện với nhà tôi, ông muốn được đến trước linh cửu ông Thượng Nghị Sĩ McCain để nói lời cám ơn chân thành.

Trong ngày 29/8/2018, linh cửu của Nghị Sĩ John McCain đã được đưa đến điện Capitol Arizona, ở thành phố Phoenix. Nhiều người Mỹ gốc Việt, từ các cộng đồng việt Nam ở Arizona và California, đã có mặt để cùng với hàng ngàn người xếp hàng, chờ dịp được bày tỏ lòng kính phục cố Thượng Nghị Sĩ. Ông Lâm cũng theo những người Việt đầu tiên từ Quận Cam trên hai chuyến xe bus, mất sáu tiếng đồng hồ mới đến nơi, cùng dòng người Việt Nam mỗi lúc một dài, để vào viếng và tiễn đưa ông lần cuối.

Nước Mỹ mất đi một thượng Nghị Sĩ  kỳ cựu, một người luôn tận tụy và hy sinh cho quốc gia. Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ đã mất đi một người bạn tốt, một ân nhân. Nhất là đối với các cựu tù nhân Việt Nam Cộng Hòa. Từ thế hệ cha ông đến thế hệ con cháu, đều được hưởng ân huệ đổi đời. Việt Nam chúng tôi có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Xin cám ơn ông John McCain.

Vào ngày thứ sáu, linh cửu ông John McCain được đặt ở tòa nhà Quốc Hội, tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi các chính khách và người dân được vào thăm viếng. Đến Chúa nhật, ngày 2/9/2018, ông được an táng tại nghĩa trang trường Sĩ Quan Hải Quân ở Maryland, bên cạnh Đô Đốc Chuck Larson là một trong những người bạn thân nhất của ông.

Chi Mai cùng anh chị là con của ông bà Lâm, cũng có mặt trong nhóm con cháu hậu duệ HO. Để đến dự tang lễ Thượng Nghị Sĩ John McCain ở Hoa Thịnh Đốn. Với hai tấm banners:

1. “Hậu duệ HO. ngàn đời không quên ơn Thượng Nghị Sĩ John McCain”.
2. “The Vietnamese Political Prisoners’ Children Will Never Forget The Man Who Saved Our Lives:  Senator JOHN MCCAIN”.

Xin vĩnh biệt ông John McCain, người có tấm lòng bao dung và nhân hậu. Chúng tôi là những gia đình HO. Không bao giờ quên ơn ông.

Năng Khiếu

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Máy Tạo Nước Uống Từ Không Khí


Máy WateMill

MÁY TẠO NƯỚC UỐNG TỪ KHÔNG KHÍ
Chiếc máy WaterMill tạo nước uống trực tiếp từ không khí được cho có thể trở thành phát minh gia dụng vĩ đại nhất sau lò vi ba.
Ứng dụng công nghệ tương tự như máy khử ẩm, sản phẩm của công ty Element Four (Canada) có khả năng tạo ra nguồn nước uống liền bằng cách hút khí ẩm từ một nguồn vô tận và chưa được khai thác – không khí. Theo nhà sản xuất, WaterMill không chỉ có thể thay thế nước uống đóng chai ở các nước phát triển, mà còn là giải pháp cho hàng triệu người trên thế giới đang sống trong cảnh khan hiếm nước thường trực.
Máy hoạt động bằng cách hút khí ẩm qua bộ lọc để khử bụi bẩn, sau đó khí ẩm được làm lạnh ở nhiệt độ những giọt sương hình thành để cô đọng lại thành giọt nước. Nước này sau đó đi qua khoang tiệt trùng bằng tia cực tím. Nước được lọc thêm một lần nữa trước khi được dẫn đến tủ lạnh hoặc vòi nước trong nhà bếp. WaterMill có thể sản xuất đến 12 lít nước mỗi ngày. Máy sẽ cho ra nhiều nước hơn vào mùa mưa bão do độ ẩm trong không khí lúc đó tăng lên.
Máy sẽ ngừng hoạt động khi độ ẩm giảm xuống mức dưới 30%. Để khắc phục hạn chế này, nhà phát minh Jonathan Ritchey tích hợp máy tính thông minh vào trong máy để tăng sản lượng nước vào lúc sáng tinh mơ khi độ ẩm đạt nước cao nhất, và giảm sản lượng từ giữa trưa khi nắng chói chang.

WaterMill trông giống như trái banh golf khổng lồ được bổ làm đôi, có đường kính khoảng 0,9 m, được làm bằng nhựa trắng và có thể treo trên tường. Ảnh: Daily Mail
Máy hoạt động bằng cách hút khí ẩm qua bộ lọc để khử bụi bẩn, sau đó khí ẩm được làm lạnh ở nhiệt độ những giọt sương hình thành để cô đọng lại thành giọt nước. Nước này sau đó đi qua khoang tiệt trùng bằng tia cực tím. Nước được lọc thêm một lần nữa trước khi được dẫn đến tủ lạnh hoặc vòi nước trong nhà bếp. WaterMill có thể sản xuất đến 12 lít nước mỗi ngày. Máy sẽ cho ra nhiều nước hơn vào mùa mưa bão do độ ẩm trong không khí lúc đó tăng lên.

Máy sẽ ngừng hoạt động khi độ ẩm giảm xuống mức dưới 30%. Để khắc phục hạn chế này, nhà phát minh Jonathan Ritchey tích hợp máy tính thông minh vào trong máy để tăng sản lượng nước vào lúc sáng tinh mơ khi độ ẩm đạt nước cao nhất, và giảm sản lượng từ giữa trưa khi nắng chói chang.

WaterMill được cho là một sản phẩm thân thiện môi trường, không chỉ vì nó ít ăn điện mà còn bởi nó có khả năng “giết chết” nước uống đóng chai – lâu nay được cho là thảm họa sinh thái. Người ta ước tính, chỉ riêng Mỹ mỗi năm tiêu thụ khoảng 30 tỉ lít nước đóng chai với trị giá khoảng 11 tỉ USD. Theo Viện Chính sách Trái đất, khoảng 1,5 triệu thùng dầu – đủ để chạy 100.000 xe hơi trong một năm – đã được dùng chỉ để sản xuất nhựa dùng làm chai đựng nước. Quá trình chế biến nhựa cũng “ngốn” một lượng nước gấp đôi so với nước được vô chai. Đó là chưa kể mỗi ngày dân Mỹ thải ra khoảng 30 triệu chai nhựa đựng nước.

Tuy nhiên, WaterMill cũng có “điểm yếu”, đó là giá dự kiến đến 1.200 USD (20,3 triệu đồng)/máy khi được bán ở Mỹ, Anh, Ý, Úc và Nhật Bản vào mùa Xuân tới. Giữa thời buổi tiền bạc khó khăn như hiện nay, mức giá này có thể làm nản lòng nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, Element Four làm phép tính với mức giá trên, chi phí một lít nước do WaterMill tạo ra khoảng 0,3 USD (5.000 đồng), rẻ hơn nhiều so với nước đóng chai và chỉ sau vài năm là người mua đã hoàn vốn.
Daily Mail

Tìm Được Người Thấu Hiểu Mình...



TÌM ĐƯỢC NGƯỜI THẤU HIỂU MÌNH MỚI THỰC LÀ NIỀM VUI LỚN NHẤT

Sống ở đời, nếu có một người hiểu rõ bạn thích gì, cần gì, khiến bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi ở bên, thì đó chính là món quà lớn nhất mà cuộc sống này dành cho bạn.

Người tri kỷ của bạn không nhất thiết là người hoàn hảo, chỉ là họ có thể lắng nghe được trái tim, có thể thấu hiểu từ sâu thẳm trong tâm hồn bạn, có thể nhìn thấy tất cả mọi điều trong tâm tư của bạn. Ở trước mặt họ bạn giống như một vật trong suốt.

Bạn đang nghĩ gì, thích gì, yêu gì họ đều nắm rõ. Ở bên họ bạn sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái nhẹ nhõm, không có muộn phiền lo lắng trong tâm, cũng cảm thấy rất an toàn.

Khi không gặp được bạn, họ sẽ nhắn tin cho bạn, gọi điện cho bạn, sẽ không để bạn cảm thấy cô đơn buồn chán, dặn dò bạn hãy chú ý giữ gìn sức khỏe, chú ý an toàn, gửi những tin nhắn hóm hỉnh cho bạn, chọc bạn vui cười!

Những lúc đi bên bạn, họ sẽ không để cho bạn cảm thấy hai người có một khoảng cách xa xôi, mà khiến bạn cảm thấy tâm hồn của hai người hoà quyện với nhau.

Khi tâm trạng của bạn không tốt, họ sẽ kiên trì an ủi bạn, dùng đủ lời nói hài hước để bạn thấy vui!


Khi bạn gặp phải những nỗi buồn, họ sẽ không nói những lời tổn thương mà chỉ dỗ dành đưa ra những lời khuyên bạn khắc phục khó khăn, học cách kiên cường, dũng cảm vượt lên nghịch cảnh.

Người hiểu bạn, là người lý giải được nỗi lòng của bạn, là người cảm thông, có tình yêu thương đối với bạn

Khi bạn vui, họ cũng sẽ vui lây, cùng chia sẻ niềm vui với bạn. Khi bạn buồn phiền, họ cũng sẽ buồn cùng bạn, nhưng sẽ không tùy tiện nói ra mà sẽ cố gắng giúp bạn giải trừ phiền não!

Cả cuộc đời có thể gặp được người hiểu bạn là điều rất khó, cũng cần có duyên phận, song nếu gặp được rồi, hai bên nhất định phải biết trân trọng nhau.


Người hiểu bạn nhất, trái tim của họ sẽ luôn mãi ở bên bạn, lặng lẽ lo lắng và che chở cho bạn, cố gắng hết sức không để cho bạn chịu bất kỳ tổn thương nào. Người hiểu bạn, tình yêu của họ dành cho bạn là âm thầm lặng lẽ, là tình yêu chân thật xuất phát từ sâu tận con tim.

Hơn nữa, người thật sự hiểu bạn, sẽ không nói những lời ngon ngọt để lừa gạt bạn, tuy nhiên sẽ cùng bạn thỏa thích chia sẻ khoảng thời gian vui vẻ của hai người.

Xin hãy biết trân trọng nếu gặp được người thấu hiểu trái tim bạn!