Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Lão Tư Khuyên

GIỚI THIỆU
Nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020 - Xin mời quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu đọc truyện ngắn LÃO TƯ KHUYÊN, do CHSLTPY Lê Đức Luận sáng tác và chia sẻ.
Trân trọng
NHHN


Hình minh họa - internet

LÃO TƯ KHUYÊN
Lê Đức Luận

Mấy năm nay lão Tư sống âm thầm, bỏ cái tật hay cãi, hay phê bình, công kích người này, kẻ nọ. Lão tỏ ra bất cần mọi thứ, trông lão cô đơn đến tội nghiệp! Bỗng dưng, vào cuối mùa Thu năm nay, lão thay đổi một cách lạ thường: Giáng sinh vừa rồi lão sắm bộ com lê (complet) mới tinh màu xám đậm, một cái mũ phớt màu xám lợt, và đôi giày da mũi nhọn trông rất thời trang và hợp gam màu (ton sur ton). Với đồng hương lão tỏ ra vui vẻ, ân cần. Lão thường xuyên tham dự các buổi họp mặt bạn bè…

Mấy đứa con bảo: “ba hồi xuân”, nhưng bà Tư lo lắng, sợ ông “hồi dương”.

Bà đi hỏi nhiều người và tìm hiểu trong sách vở thì được biết: phụ nữ hồi xuân ở độ tuổi 42 đến 52; còn nam giới từ 47 đến 57 tuổi. Ông Tư năm nay đã trên bảy mươi thì còn “hồi xuân” nỗi gì ?! Bỡi vậy bà nghĩ đến sự “hồi dương” của chồng  mà thương đứt ruột…

Bà Tư nhớ lại, ngày xưa ở quê, một người bịnh hôn mê, sắp lìa đời, chưa có lời trăn trối với vợ con; ông thầy lang cho uống một thang thuốc  hồi dương, gồm các vị: “nhân sâm, nhục quế, phụ tử” để tỉnh lại đôi ngày - chờ người thân ở xa về, hay chỉ nơi chôn dấu vàng bạc hoặc nói đến vấn đề phân chia tài sản. Trường hợp lão Tư có khác: chẳng thuốc thang gì mà lại thay đổi nếp sinh hoạt hằng ngày - từ suy nghĩ cho đến hành động, nên bà sợ rằng: như  ngọn đèn phụt sáng trước khi tắt, rồi bà suy rộng ra để đi đến kết luận: Ông Tư đang trong giai đoạn “hồi dương”.

Nghĩ đến đây tim bà thắt lại - bà thổn thức,  nuớc mắt cứ ứa ra… Bà để ý xem ông Tư có biểu hiện nào về “hiện tượng hồi dương”. Nhưng ông Tư càng ngày càng hăng hái, yêu đởi, nói năng hoạt bát. Chỉ một đôi lần ông tỏ ý lo lắng cho bà, ông nói: “Nếu tôi chết trước, ai chăm sóc cho bà lúc ốm đau, già yếu?! Con cái dù hiếu thảo đến đâu cũng phải lo cho gia đình chúng nó, sao bằng có tôi, rồi bà sẽ cô đơn trong nhà dưỡng lão -  nghĩ tới đó, tôi thấy thương!”

Chuyện này thì vợ chổng già nào chả trối trăng như vậy: - Người đi trước lo cho người còn ở lại - người ở lại thì thương tiếc người đã ra đi… Bà Tư nghĩ: sự đời là thế! Càng già, vợ chồng càng quấn quít, yêu thương như thuở ban đầu.

Bà hồi tưởng cái thuở ban đầu “lưu luyến ấy”:

Năm đó thôn Liêm Lạc có hai đứa thi đậu Đệ Thất – bà và thằng Khiết. Cả làng ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Ngày tựu trường, thằng Khiết rời nhà từ sáng tinh mơ. Nó đi bộ hơn năm, sáu cây số mới tới trường. Ngày khai giảng, nó vẫn mặc bộ đồ vải thô cũ mèm, vai nó đeo cái túi cói đựng sách vở và một mo cau (1) cơm đề ăn trưa tại trường. Không phải nó lập dị mà vì nhà nó nghèo - mẹ nó chỉ lo được chừng đó.

Còn bà, hôm ấy diện bộ đồ lụa mới, cha mẹ sắm cho chiếc xe đạp để đi học. Bà không phải rời nhà sớm như thằng Khiết. Khi đến gầntrường, bà thấy thằng Khiết còn lơn tơn trên con hương lộ; bà thương hại, dừng xe bảo nó: “Lên xe chị chở vô trường” “ Thôi còn chút nửa, em đi bộ”.  Hôm ấy, thằng Khiết từ chối lòng tốt của bà.

Bà chỉ lớn hơn thằng Khiết hai tuổi, nhưng trông thằng Khiết khờ câm, còn bà khôn lanh hơn nhiều, nên xưng hô chị chị, em em rất tự nhiên. Mấy ngày hôm sau, bà đi học sớm hơn, đón Khiết từ đầu làng. Gặp Khiết, bà bảo: “Lên xe với chị, đi một mình trên đường vắng, chị sợ người ta cướp xe”. Thằng Khiết ngần ngừ, nhưng sau đó, có lẽ để tỏ lòng “nghĩa hiệp” nó leo lên xe. Từ đó, hằng ngày hai đứa đèo nhau đi học như chị em.

Vào học hơn một tuần, buổi trưa đạp xe về nhà ăn cơm, bà thấy mệt, nhất là những ngày nắng gắt, nên bà bới cơm theo ăn trưa tại trường như thằng Khiết. Bà nghĩ: ăn trưa ở trường với Khết chắc sẽ vui. Nhưng bà lầm. Thằng Khiết không ngồi ăn chung. Nó chẳng quan tâm mấy về chuyện ăn uống - chỉ mê đá banh. Khi cổng trường khép lại, còn năm ba đứa cũng ở lại buổi trưa như Khiết, chúng nó kéo nhau ra sân cỏ đá bóng, đến khi mệt nhừ, mới vào mở mo cơm ra ăn vội vàng cho xong bữa. Bà ăn một mình - buồn hiu! 

Học được mấy tháng thì trời đã chớm Đông, thời tiết trở lạnh, bầu trời vần vũ những đám mây xám xịt, đem đến những cơn mưa nặng hạt. Thằng Khiết không còn ra sân đá bóng được nữa. Hôm ấy, nó lấy mo cơm ra ăn với muối mè. Bà đem phần cơm của mình đến ngổi bên Khiết, ăn chung. Bà tự động lấy muối mè cho vào phần cơm của mình và gắp thịt cho vào phần cơm của Khiết. Thằng Khiết đứng nhìn, nó trông bà sửa soạn bữa ăn như một người chị lo cho em. Thằng Khiết xúc động nói: “Sao chị nhường cho em món ngon, còn chị lại ăn muối…”. Bà âu yếm nhìn nó, bảo: “Từ nay, chúng mình ăn chung, có gì ăn nấy, chia xẻ với nhau, Khiết chịu không?” - “Thế thì chỉ tội cho chị”, thằng Khiết đáp.

Qua năm Đệ Thất, thằng Khiết vẫn hồn nhiên, ngây thơ… Nhưng lòng bà phảng phất những ý nghĩ vẩn vơ: bà không ưng thằng Khiết xưng em với bà nữa và mỗi lần nói chuyện với nhau bà thường nói trống không, hay xưng tên, chứ không còn “chị chị, em em” tự nhiên như trước. Khi ăn trưa ở trường với Khiết, bà thấy vui và ngon hơn bữa cơm ở nhà. Thường ngày thằng Khiết chỉ bới theo cơm nắm với muối mè, bà cảm thấy thương. Bà bới thêm cho Khiết những món ăn ngon. Sau ngày giỗ hay Tết bà đem cho Khiết vài cái bánh ít, bánh in… Thằng Khiết ăn ngon lành, bà thấy vui.  Bà cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc bữa ăn cho Khiết. Mùa nghỉ hè năm đó bà cảm thấy buồn và nhớ Khiết. Bà mong ngày tựu trường chóng đến để chở Khiết đi học và cùng ăn trưa với Khiết. Nhiều khi nỗi buồn chợt đến, chợt đi làm bà cảm thấy cô đơn và tâm hồn cứ vươn vấn nỗi niềm thương nhớ… Lúc đó bà ở tuổi mười ba.

Lên lớp Đệ Ngũ, thằng Khiết trỗ mã - đẹp trai... Nó lại học giỏi nhất lớp, nên nhiều đứa bạn gái cứ tìm cách lân la nhờ nó giải bài toán khó, hoặc tán chuyện linh tinh. Có đứa tưởng bà là chị của Khiết, nên tìm cách làm thân, làm bà khó chịu. Nhưng thằng Khiết vẫn hồn nhiên, ngây thơ, không để ý đến sự khó chịu của bà. Những lần bà tỏ ý chăm sóc cho Khiết, lòng bà xao xuyến, nhưng thằng Khiết tỉnh bơ, làm bà giận. Đôi lần bà bảo: “ Lớn rồi mà còn khờ câm” như người chị mắng đứa em trai. Thằng Khiết chỉ cười hì hì…

Qua năm Đệ Tứ hai đứa đã thành đôi bạn tri kỷ. Bốn năm ở trường quận, hai đứa đã đem lại niềm vui và hãnh diện cho cha mẹ với mảnh bằng Trung học Đệ Nhất Cấp. 

Lên lớp Đệ Tam, Thằng Khiết vẫn còn khờ câm. Dù ở Đà Nẵng có nhiều chỗ vui chơi, nhưng nó chỉ biết chuyện học hành. Những ngày cuối tuần bà đến nhà trọ của Khiết rủ nó về quê. Nếu không về quê, bà cũng đến rủ nó đi chơi chỗ này, chỗ nọ, nhất quyết không để nó lang thang một mình. Trong lòng bà vẫn muốn một mình chăm sóc cho Khiết, không muốn ai chen vào.

Ba năm Trung học Đệ Nhị Cấp qua nhanh, hai đứa đều đậu Tú Tài hai. Nhà thằng Khiết tuy nghèo, nhưng cha mẹ nó cũng cố gắng cho con vào Đại học vì thằng Khiết thông minh và nó muốn học tiếp. Còn bà, với mảnh bằng Tú Tài hai, cũng đủ để xin một việc làm khá tốt lúc bấy giờ. Nhưng tin thằng Khiết sẽ vào Sài Gòn học tiếp, làm bà băn khoăn: vào trong đó một mình, ai chăm sóc cho nó. Nhưng điều bà lo lắng: nó sẽ có bạn mới, sẽ quên bà… Nghĩ đến những ngày xa Khiết, bà đã thấy đau nhói trong tim, huống chi là nó sẽ quên bà. Thế là bà xin cha mẹ vào Sài Gòn học tiếp.

Những ngày đầu, hai đứa lạc lõng, bơ vơ giữa Sai Gòn đô hội, nên nương tựa vào nhau. Rồi thời gian cũng ổn định: thằng Khiết xin vào ở trong Đại học xá Minh Mạng, còn bà ở trọ nhà một người bà con, đến cuối tuần mới gặp nhau. Điều hai đứa suy nghĩ  đắn đo là: Học ngành gì?

Thằng Khiết hỏi:  - Chị sẽ chọn ngành nào?

- Ngành Sư phạm.
- Nghề đó chán thấy mồ - Không có nghề nào bạc bẽo như nghề dạy học - chẳng khác nào làm nghề lái đò đưa khách sang sông. Qua sông, khách tỏa muôn phương theo đuổi mục đích của mình, mấy ai còn nhớ đến ông lái đò, hay bến cũ thuyền xưa.
- Đâu phải người học trò nào cũng bạc bẽo. Khiết không còn nhớ chuyện vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ, cùng thầy ăn bữa cơm quê đạm bạc, miễn lễ vua tôi. Trong dân gian còn truyền tụng câu ca dao: “Canh cua nấu cải thêm gừng/ Xưa nay vua chúa đã từng khen ngon" . Còn chuyện thầy Chu Văn An, thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), không ra làm quan, về làng mở trường dạy học. Vua Trần Minh Tông hỏi lý do, thầy tâu: “Thần đọc sách thấy, chưa nước nào không coi trọng việc học mà tiến lên được. Xin Bệ hạ cho thần được về nhà mở trường dạy học, góp phần bồi bổ sự học của nước nhà”. Môn sinh của Thầy có lúc lên đến ba ngàn, trong số đó có nhiều người làm quan to. Chuyện Tể tướng Phạm Sư Mạnh, một hôm về thăm thầy mà tiền hô hậu ủng, náo động thôn làng bị thầy khiển trách, phải qùy gối xin thầy tha lỗi. Như vậy, dạy học là một nghề cao quý, phải không?

Thằng Khiết im lặng một lúc rồi phát biểu:

- Vậy chị nên thi vào Đại học Sư phạm, còn em sẽ không theo nghề dạy học.
- Rứa (vậy) Khiết chọn ngành nào?
- Chưa biết. Hôm ra đi, em có hỏi ý kiến ba em? Ông trả lời:  “Muốn giúp đời và cứu người, ngoài lòng nhân ái, ‘tiền’ và ‘quyền’ là hai phương tiện cần có để người ta thực hiện ước mơ. Tùy đó mà chọn ngành nghề”. Tổng quát quá, nhưng em sẽ tìm một hướng đi phù hợp với ý muốn của ba em.
- Em hoài! Sắp vào Đại học rồi mà cứ xưng em - Khờ câm à… bà vừa nói vừa âu yếm nhìn Khiết.

Thằng Khiết không hiểu ý của bà, cười hì hì, đáp lại: 

- Thánh nhân sẽ đãi kẻ khù khờ. Tuần sau, thằng Khiết ghi danh học luật.

Học luật được hai năm, biến cố Tết Mậu Thân (1968) xảy ra, làm gián đoạn việc học hành của Khiết. Theo lịnh Tổng động viên, Khiết rời ghế nhà trường, gia nhập Quân đội VNCH để góp phần chiến đấu bảo vệ quê hương Miền Nam trước làn sóng xâm lăng của cộng sản Bắc Việt.

Ra trường Bộ binh Thủ Đức, Khiết tình nguyện vào Binh chủng Nhảy Dù. Cuộc đời quân ngũ rày đây mai đó với những cuộc hành quân liên miên, đối mặt với bao gian nguy nơi chiến trường và sau những lần sống sót trở về, Khiết đến với bà để tìm sự bình an. Nếu đôi ba tháng không gặp bà, Khiết cảm thấy bâng khuâng nhung nhớ;  những kỷ niệm của tuổi học trò lại hiện về và hình như có sợi dây vô hình đã nối kết hai tâm hồn không thể phân ly. Có lúc Khiết nghĩ đến chuyện hôn nhân, nhưng khi nghe Nhật Trường -Thanh Lan hát bài “Góa Phụ Ngây Thơ” đến đoạn: “Đơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới/ Anh viết rồi lại xé em ơi/ Anh không muốn thấy người yêu nhỏ bé/ Một sớm nào thành góa phụ ngây thơ”, Khiết lại thẩn thờ…

Những lần Khiết về thăm, bà rơi nuớc mắt vì vui mừng và nước mắt lại rơi lúc chia tay vì lo lắng. Đêm đêm bà nguyện cầu bình an cho Khiết và cầu xin cho đất nước sớm thoát cảnh binh đao. Nhưng nào có được gì. Quân Miền Bắc ồ ạc tiến công với vũ khí hùng hậu của Nga, Tàu. Trong khi Miền Nam bị Đồng minh Mỹ cúp viện trợ, không đủ súng đạn chống quân xâm lược, đành phải bó tay.

Trước ngày 15 tháng 3 năm 1975, Khiết bị thương nặng ở mặt trận Thường Đức được trực thăng tải thương về Quân Y Viện Duy Tân. Những ngày kế tiếp, Đà Nẵng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ngày 29 tháng 3 Đà Nẵng hoàn toàn rơi vào tay giặt. Bà túc trực bên Khiết trong những giờ phút nguy nan đó cho đến lúc tất cả thương binh VNCH bị đuổi ra khỏi bệnh viện, bà đưa Khiết về làng Liêm Lạc với những vết thương còn mưng mủ.

Khiết về ở với cha mẹ, nhưng bà là người lo thuốc men chạy chữa cho Khiết. Những năm sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, bà về dạy ở trường Trung học Phan Chu Trinh, nên có sự quen biết rộng rãi. Bà đã nhờ một bác sĩ quân y, lúc ấy chưa vào trại tập trung cải tạo, đến chăm sóc vết thương cho Khiết.

Cuộc tình ôm ấp tử thưở bà ở tuổi mười ba, và Khiết còn “khờ câm” đến nay đã trên mười mấy năm, cha mẹ hai bên biết điều đó và hai tâm hồn cũng đã cùng hòa nhịp. Thế nên, một đám cưới được tổ chức đơn sơ ở làng Liêm Lạc, khi trong người Khiết vẫn còn vài mãnh đạn.

Từ đây hai cuộc đời gắn bó, hạnh phúc bên nhau, tưởng chừng không còn xa cách. Nhưng cuộc tình thăng hoa thì cuộc đời lại gian truân kéo dài trong nhiều năm sau đó.

Khi chiếm trọn Miền Nam (30-4-1975), chính quyền cộng sản ra thông cáo: Tất cả sĩ quan, công chức chế độ cũ (họ gọi là ngụy quân, ngụy quyền) phải trình diện học tập cải tạo, theo chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước – Sĩ quan cấp úy đem theo 10 ngày ăn, sĩ quan cấp tá 30 ngày.

Ở Đà Nẵng, từ ngày 5 tháng 4 đã có lịnh “tập trung”. Nhưng thương tích của Khiết chưa lành hẳn, nên được chính quyền địa phương cấp giấy cho hoãn đi “học tập cải tạo”. Khiết sống âm thầm, nhẫn nhục ở quê nhà cùng cha mẹ, còn bà tiếp tục dạy học để giữ sổ mua gạo, mua nhu yếu phẩm, chứ cái thời: “Thầy giáo, lương lãnh ba đồng/ Làm sao sống nổi mà không đi thồ/ Nhiều thầy phải đạp xích lô/ Làm sao xây dựng cơ đồ học sinh”; trong dân gian lại có những câu vè miệt thị: “Muốn sang lấy thợ điện/ Muốn diện lấy thợ may/ Muốn ăn mày lấy thầy giáo” thì nghề dạy học của bà còn có ra chi.

Còn Khiết, dù cố “nín thở qua sông”- âm thầm, nhẫn nhục, nhưng qua cuộc “đổi đời”: “Năm đồng đổi lấy một xu/ Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy”. Hơn nữa, nhìn quanh trong đám bạn bè: “ Thằng khôn thì đã vượt biên/ Những thằng ở lại không điên cũng khùng”.  Cái máu: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi kỳ co” của Khiết vùng dậy – không còn chịu đựng nổi những cảnh trái tai gai mắt và lộng hành của bọn cầm quyền, nên thường chỉ trích, phê bình, cãi vã… Thế là bị bọn chúng tống vào trại “tập trung”. Vào đây thì phải kê khai lý lịch ba đời. Ôi thôi! Hằng trăm thứ tội: Tội đi lính dù, đơn vị khét tiếng hung tàn - giết nhiều bộ đội miền bắc; có nợ máu với nhân dân lại trốn học tập cải tạo; tội ba đời nhà Khiết hoạt động trong đảng phái phản động - Việt Nam Quốc Dân Đảng v…v… Tội nào cũng đáng xử: tử hình. Nhưng Đảng và Cách mạng tha tội chết – khoan hồng nhân đạo cho xuống tàu ra Bắc “học tập cải tạo” (!?).

Khiết vào tù hơn ba tháng, thì ở nhà bà “mất dạy” (2). Từ đây, người ta thấy cô giáo Lan (bà Tư) lang thang ở chợ Cồn Đà Nẵng – buôn bán chợ trời. Không ai biết mỗi ngày bà kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ thấy đám học trò đem đến cho bà lúc thì giỏ khoai, túi bắp, ký đường; lúc thì bó rau, túi gạo … có đứa ôm cô giáo khóc ròng.

Sáu năm sau, Khiết được thả về  -  thân tàn ma dại! Nhưng cuộc đời đưa đẩy như chuyện “Tái ông thất mã” – Sáu năm lưu đày đủ điều kiện cho Khiết nạp đơn xin tỵ nạn chính trị qua chương trình HO.

Lại một cuộc “đổi đời” kỳ diệu… Gia đình nhỏ bé của Khiết và cô giáo Lan được định cư ở Hoa kỳ - một đất nước tự do, văn minh, giàu có. Nơi đây con người có nhiều cơ hội phát huy khả năng, sáng kiến của mình.

Lúc này Lan và Khiết đã vào tuổi trung niên, được hội nhập vào môi trường xã hội mới  trong tình yêu thương, đùm bọc của những đồng hương đến trước. Họ gọi hai người là ông bà Tư, chứ ít ai gọi tên. Tên Lan và Khiết chỉ còn ghi trên trên giấy tờ.

Đến Mỹ, việc đầu tiên, ông Tư xin vào bệnh viện để nhờ lấy những mảnh đạn còn nằm trong người. Khi tình trạng sức khỏe ổn định,  ông đã làm việc quên mình – “đi cày” hai job. Người ta ít khi thấy ông chưng diện - vẫn cái quần kaki với chiếc áo sơ mi đậm màu mua ở tiệm bán đồ cũ giá vài, ba đô la.

Mười mấy năm trên xứ người, nhờ sự cần kiệm và giáo dục con cái chu đáo, ông bà Tư đã  tạo dựng một gia đình gương mẫu: nhà cửa khang trang, con cái học hành thành đạt – ai ai cũng ngưỡng mộ. Nhưng ông Tư vẫn mang nặng nỗi ưu tư  của một người mất nước và hình ảnh quê hương cứ canh cánh bên lòng…

Năm 62 tuổi ông về hưu non, ông muốn làm một điều gì đó để thực hiện lời dạy và mơ ước của cha: “giúp đời, cứu người”. Nhưng khả năng có hạn, ông chỉ giúp đời qua những lời khuyên.

Đầu tiên ông khuyên mọi người nên về “hưu non” để vui hưởng lạc thú ở đời, và làm công việc từ thiện để cứu kẻ lầm than. Ông thường nói: "Chớ như Lão Hạc trong chuyện ngắn Nam Cao (3) – Xưa rồi! Không còn phù hợp cuộc sống ở Mỹ".

Ông mượn lời Đức Khổng Tử khuyên mọi người sống đời đạo đức: “Để lại vàng chưa chắc con cháu giữ được. Để lại sách chưa chắc con cháu sẽ đọc. Nhưng để lại phúc đức, tuy mơ hồ, nhưng còn lưu lại lâu dài cho con cháu mai sau” (Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ; tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc; bất như tích âm đức vu minh minh chi trung, dĩ di tử tôn trường cửu chi kế).

Ông sưu tầm những vị thuốc chữa bịnh nan y mà thuốc tây không trị khỏi. Ông khuyên người ta dùng dược thảo bồi dưỡng sức khỏe. Về chính trị ông khuyên mọi người đoàn kết đấu tranh chống Tàu và bọn tay sai bán nước, chờ ngày quang phục quê hương... v…v…

Nói chung là ông khuyên đủ mọi thứ chuyện trên đời: từ đạo đức, sức khỏe đến chính trị. Cho nên người ta gán cho ông cái tên: Lão Tư Khuyên.

Trong thời đại truyền thông tin học tiến bộ, nên ông cũng “Meo” (Email); cũng “Phết” (Facebook) để phổ biến tin tức hữu ích đến nhiều người. Ông còn tiến một bước xa hơn: viết truyện ngắn, tham luận chính trị gởi lên mạng để chuyển tải tâm tư tình cảm không  ngoài mục đích phát huy đạo đức và giữ lửa đấu tranh.

Nhưng sống trong xã hội đầy dẫy những chuyện ly kỳ, mấy ai bỏ thì giờ quí báu để đọc những mẫu chuyện vừa dở, vừa dài với văn chương “xôi đậu” của ông (!?). Tệ hại nhất là chuyện mách bảo dùng dược thảo. Vì càng ngày, bọn con buôn càng lưu manh, chúng mua hằng thùng phuy “thuốc nhộng” của Tàu, không biết trong đó có dược liệu gì, cứ đóng chai, đặt tên, dán nhãn quảng cáo chữa đủ thứ bịnh bán ra thị trường. 

Người mua dùng thì: “tiền mất tật mang”; người mách bảo thì “bị mắng”. Còn những lời khuyên về chính trị - ôi thôi: “rối rắm trăm bề”.

Xem ra, những lời khuyên của ông coi như “nước chảy qua cầu”, nên gần hai năm nay ông  làm thinh. Nhưng thiên hạ vẫn gọi ông là Lão Tư Khuyên. Thế mới bực!

Ngồi buồn, ông suy ngẫm chuyện đời, nhớ lại trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử chia cuộc đời con người thành 6 giai đoạn: “Thập hữu ngũ nhi chí vu học - Tam thập nhi lập - Tứ thập nhi bất hoặc - Ngũ thập tri thiên mệnh - Lục thập nhi nhĩ thuận - Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ” (4). Ông đã trải qua năm giai đoạn, kiểm điểm lại, ông thấy đời mình chẳng ăn khớp với sách thánh hiền. Bây giờ ở giai đoạn cuối đời, làm sao sống được theo lời dạy của Đức Khổng Tử: “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ” - Bảy mươi tuổi có thể làm theo ý muốn của mình, nhưng không vượt quá quy củ. Vậy hãy làm những điều bản thân thấy hứng thú.

Ông đã làm theo ý muốn của bản thân, nhưng chẳng được gì. Ông buồn! Vào ra thơ thẩn… Bà Tư thấy tội nghiệp, khuyến khích ông đi du lịch cho khuây khỏa. Đầu năm nay ông về Việt Nam chơi cả tháng, trở qua bên này được mấy tháng, ông trở nên vui vẻ một cách lạ thường.

Bà Tư đem chuyện này tâm sự với một bà bạn thân:

- Mấy tháng nay, ông nhà tôi bỗng dưng vui vẻ một cách lạ thường - Mấy đứa nhỏ bảo ba “hồi xuân”, nhưng tôi lo - chắc ổng “hồi dương”.

Bà bạn là người hay “nhuộm đen cuộc đời”. Điều gì đến tai bà, rồi cũng được diễn giải thành nghiêm trọng và bi đát. Bà bạn bảo:

- Tụi nhỏ nói đúng  - “hồi xuân” chứ chẳng “ hồi dương” gì ráo.
- Nhưng mà tui biết ổng, nhũn như con chi chi à. Bà Tư bẽn lẽn nói.
- Đấy! Thế mới chết mấy bà vợ già! Tưởng mấy chả chẳng còn “rục rịch” được nữa, cho về Việt Nam một mình, nhưng về bển “quậy” hết biết luôn.
- Đầu năm nay, ông Tư nhà tôi về bển chơi hơn tháng, qua đây vẫn bình thường, chỉ mới đổi tính vài tháng nay thôi.
- Chết bà rồi! Mấy tháng đầu ổng “giả dạng thường dân”, bây giờ “bồ nhí” báo tin có bầu – vui quá, không kềm chế được nên vui mặt chứ gì (!?).

Bà Tư xây xẩm mặt mày, ú ớ:

- Đời nào ông Tư nhà tôi làm thế - Ổng kịch liệt phản đối cái chuyện mấy ông già bên này về Việt Nam ăn chơi, gái gú. Ổng đã từng đuổi mấy người ra khỏi nhà khi đang ngồi nhậu mà nói chuyện “trâu già gặm cỏ non”. Ổng bảo mấy thằng “già dịch” không chơi được.  
- Nói dzậy mà không phải dzậy - Ông Tư nhà bà có phải thánh đâu mà tin- Đừng chủ quan rồi sẽ ân hận - chưa có cơ hội đó thôi - chứ cỏ non mà để trước miệng trâu già làm sao nhịn được. Tôi kể bà một chuyện nghe vui mà là sự thật: “ Hai ông bạn nối khố từ lúc còn mài đủng quần ở ghế nhà trường. Một ông học ra bác sĩ, một ông ra sĩ quan CTCT. Sau 75, họ cùng sang đây. Ông bác sĩ mở phòng mạch. Ông sĩ quan CTCT mở nhà hàng. Thỉnh thoảng mới đến thăm nhau tại nhà. Một hôm ông sĩ quan CTCT đến phòng mạch (lúc này hai ông đều già – trên 70 tuổi). Ông bác sĩ tỏ vẻ lo lắng, hỏi bạn: ‘có bịnh gì mà đến đây?’. Ông bạn CTCT không trả lời, lấy mảnh giấy viết 3 chữ L (LLL) đưa cho ông bạn bác sĩ. Ông bác sĩ suy nghĩ một chút rồi rút giấy kê toa - cũng 3 chữ L (LLL). Hai ông bạn già nhìn nhau tương đắc – chào tạm biệt.

“- Bà đoán xem, ông sĩ quan CTCT mắc bịnh gì? Và ông bác sĩ kê toa cho loại thuốc gì?”.

Bà Tư ngẫm nghĩ một lúc, rồi lắc đầu, nói: - Chịu thua!

Bà bạn cười khoái trá giải thích: - 3 chữ L của bệnh nhân là: “Lâu Lên Lắm”; còn 3 chữ L trong toa thuốc của ông bác sĩ là: “Lạ Lên Liền”.

Bà bạn nói thêm: - Bà nên biết: đàn ông không có hạn định tuổi hổi xuân, trăm tuổi vẫn còn “hồi xuân”. Bà không nhớ ông chủ tạp chí Playboy, Hugh Hefner, ở tuổi 84 vẫn khao khát kết hôn với người mẫu Crystal Harris, kém ông đến 60 tuổi à?

Bà bạn ra về để lại trong lòng bà Tư nhiều nỗi ưu tư, nhưng bà không dám thổ lộ cùng ai. Bà âm thầm theo dõi thơ từ và email của ông Tư, nhưng không có dấu hiệu lăng nhăng trai gái.

Một hôm có nguời bạn bên Úc sang chơi, trong khi sửa soạn bữa cơm đãi khách, bà nghe ông Tư đề cập chuyện bầu cử ở Mỹ với người bạn, ông nói: “ Người Mỹ họ hay thật, cuộc tranh cử Tổng Thống, năm 2020 có nhiều hào hứng. Mấy ông già trên 70: Ông Donald Trump 73, ông Joe Biden 77, Ông Burnie Sander 78, Ông Michael Bloomburg 77 - Họ quyết tranh nhau vào Tòa Bạch Ốc, trông họ hăng say, nhiệt tình, quyết tâm giành thắng lợi để được phục vụ cho dân, cho nước. Người mình đến tuổi 70 đã nhụt chí đấu tranh. Mấy ông già Mỹ này làm tôi thức tỉnh, không còn trùm mền như mấy năm nay. Mình già không làm được những việc lớn lao, thì ít nhất cũng giữ “lửa” để chuyền lại cho thế hệ con cháu tiếp tục đấu tranh chống quân Tàu xâm lược và bọn tay sai bán nước để bảo vệ mảnh đất tổ tiên đã dày công xây dựng”.

Mô Phật! Thì ra thế! Bà bạn đã đoán sai và nghi oan cho chồng tôi rồi. Bà Tư lẩm bẩm một mình. Lời than của bà chìm trong âm thanh rò rè của cánh quạt nhà bếp, không  ai nghe rõ. Nhưng đôi mắt bà ngấn lệ làm ông Tư ngạc nhiên hỏi: “bà làm sao thế?”. Bà Tư nghẹn ngào: “ Từ nay tui sẽ lo cái ăn, cái mặc cho ông chu đáo hơn”. Ông Tư ngẩn ngơ, chẳng hiểu ý bà - bà trả lời một câu chẳng ăn nhập vào đâu. Lúc này, dưới mắt bà, ông Tư vẫn còn “khờ câm”.

Lễ chào cờ đầu năm nay ở Thương xá Eden, người ta thấy ông Tư diện đôi giày bata mới tinh, khoát chiếc áo dạ màu navy blue, trông phong lưu ra phết!

LÊ ĐỨC LUẬN
(Tháng 01 – 2020)

(1) Những năm 1950-60 đổ nhựa, hoặc nhôm chưa phổ biến, ở miền Trung người ta dùng mo cau làm hộp đựng cơm đem theo.
(2) “Mất dạy” là không được đi dạy học nữa.
(3) Lão Hạc cố giữ mấy sào vườn cho thằng con trai, khi đau ốm nhất quyết không bán để lo thuốn men và cuối cùng tự tử.
(4) 15 tuổi chú tâm học hành – 30 tuổi có thể tự lập thân – 40 tuổi không còn mê hoặc – 50 tuổi biết được mệnh trời (số mệnh của mình) – 60 tuổi nghe biết đìều phải trái, không cảm thấy có chướng ngại – 70 tâm theo ý mình, làm theo ý muốn bản thân, nhưng không vượt quá quy củ.       


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét