Quang Đặng
4g30 chiều ngày 11/2/2020 máy bay cất cánh rời phi
trường Đông Tác. Khi ngọn núi Chóp Chài chỉ còn là một chấm đen nhỏ xíu bên dưới
thì tâm trạng của tôi cũng bồng bềnh theo mây. Thứ cảm giác pha trộn và giữa hạnh
phúc và mệt mỏi không thể diễn tả được. Một nửa theo tôi trong suốt chuyến bay,
nửa còn lại ở đâu đó trên mảnh đất có hai chữ: Tuy Hòa.
Nhìn lại quá trình từ lúc nảy sinh ý tưởng cho đến
lúc kết thúc buổi hội ngộ 9/2/2020 quả là một hành trình nhiều cung bậc đối với
tôi và Mỹ Hoa. Hăng hái, lo lắng, vui rất nhiều và buồn cũng không hiếm. Từ lâu
lớp học toàn con gái này luôn ám ảnh tôi. Lệ Hồng từng nói: “Sao tao không thể
thân với đứa bạn học đại học nào, với tụi bay thì hoàn toàn khác. Gặp lại đám
9A giống như tao tìm được chính mình”. Còn cháu ngoại của Kim Nghĩa thắc mắc: “
Ngoại học mới lớp 9 hả? Sao con toàn nghe ngoại nói với mấy bà bạn lớp 9A của
mình thế này, lớp 9A của mình thế kia”. Bản thân tôi cũng thế, 54 đứa với từng ấy
54 cá tính không choảng nhau mới lạ nhưng lạ nhất là vẫn “ghiền” nhau. Năm 2012
tôi đã viết “Áo Dài Ơi”, quá nhiều điều trong tiềm thức luôn thôi thúc phải viết
về lớp học đó. Thật ra cũng không có gì đặc biệt, ngoài cái nghịch như quỉ sứ
và những kỷ niệm chia sẻ cùng nhau. Lần này cũng vậy, tháng 7/2019 lúc Mỹ Hoa
còn ở Châu Âu tôi đã rủ rê, làm cái gì cho 9A đi! Hai tháng sau Mỹ Hoa về Việt
Nam, chúng tôi bắt tay ngay vào việc.
Từ phải: Mỹ Hoa, Quang Đặng, Ái Vân
Đầu tiên là mở một Group 9A Messenger. Không khí rộn
ràng y như mở hội. Nào là huy động nhân lực, tài chánh, chọn màu áo dài, thành
phần khách mời, chương trình văn nghệ. Rất nhiều ý kiến song chúng tôi quyết định
chọn chủ đề “ trường cũ” và đó là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Tà áo dài
xanh truyền thống của Nguyễn Huệ được chọn, mọi tiết mục văn nghệ hướng đến đề
tài trường lớp và “ 9A Một Thời Và Mãi Mãi” là slogan đồng thời là tựa đề bài
viết giới thiệu cuộc hội ngộ lên Facebook. Về văn nghệ tôi và Mỹ Hoa tâm niệm một
điều: đây là cuộc chơi chung và cơ hội chia đều cho tất cả. Hồi tưởng lại phải
thật sự khâm phục các bà bạn U70, những người chưa bao giờ đứng trên sân khấu,
đến tập hát một lúc lại tất tả chạy về trông cháu, nấu cơm cho chồng. Sức khỏe
thì bà này đau lưng, bà kia thấp khớp ấy vậy phải hát “live” cùng đàn organ và
guitar. Yêu cầu đặt ra hơi cao so với một cuộc văn nghệ “cây nhà lá vườn” toàn người
lớn tuổi, không ngờ tất cả lại luyện tập hăng say và qua đó cũng phát hiện không ít bạn có năng khiếu ca hát, nhảy múa,
đóng kịch, dàn dựng chương trình như Xuân Lan, Kim Nghĩa, Ngọc Tới, Mỹ Hoa, Kết
Lương, Nguyên Tố…
Trong vòng 4 tháng mọi công tác chuẩn bị khá khả
quan. Tài chánh được nhiều người ủng hộ. Chương trình văn nghệ gồm có đơn ca,
song ca, đồng ca, hợp ca, múa, kịch rất phong phú. Về đồng phục ngoài chiếc áo
dài xanh đặc trưng, chúng tôi còn bổ sung thêm áo thun in tên trường Nguyễn Huệ
và hai chữ 9A. Hình ảnh của lớp trên FB nhận được sự cỗ vũ nồng nhiệt của bạn
bè khắp nơi trong cũng như ngoài nước. Nhà hàng cũng đã đặt cọc, thiệp cũng đã
gởi tới khách mời. Nhìn chung trước Tết Nguyên Đán mọi việc chuẩn bị đâu vào đấy
và chỉ còn chờ giờ G.
Đồng phục áo thun 9A
Thế nhưng sắp đến ngày khai mạc thì xảy ra sự cố: dịch
cúm Corona. Một không khí lo sợ không chỉ trên các phương tiện truyền thông nước
ngoài mà ở cả Việt Nam. Chưa bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất vắng ngắt như hôm
5/2/2020. Mọi lần thủ tục check-in và qua cổng hải quan phải mất nhiều thời
gian vì dòng người xếp hàng dài rồng rắn. Trái lại sáng hôm đó tôi chỉ cần 20’
là xong. Chuyến bay về Tuy Hòa chỉ có 1/3 khách dồn hết phía trước máy bay. Bịt
kín khẩu trang tôi ngồi nhắm mắt tư lự, liệu vùng trời sắp đến có bình yên?
Trái với không khí lo âu ở Sài Gòn. Nắng rất ấm và
ngày rất đỗi bình yên ở Phú Yên. Cũng khẩu trang, cũng bàn tán xôn xao nhưng mọi
thứ dường như không liên quan gì đến những con phố cũ quen thuộc ngày nào. 5g30
sáng có việc phải ra ngoài sớm. Tôi đi trong cơn gió tháng giêng buốt lạnh khi trời
chưa tỏ mặt người. Đường Trần Bình Trọng hai hàng phố cửa đóng im lìm không một
bóng người. Chỉ có tiếng lá rơi, bước chân tôi trên đường vắng vẫn cảm thấy yên
tâm. Khái niệm chữ “nhà” ấm áp như chưa bao giờ rời bỏ tôi mỗi khi trở về mảnh
đất này.
Thế nhưng không khí lạc quan mới thật sự vỡ òa khi
30 thành viên của lớp học cũ gặp nhau. Hai bạn ở nước ngoài, một số ở Sài Gòn,
Nha Trang, Kon Tum, Vũng Tàu, Đồng Nai đều tề tựu đông đủ ở Tuy Hòa. Dịch bệnh
dường như không làm nao núng những người 52 năm mới gặp nhau. Họ đều ngầm hiểu
đây có thể là cuộc gặp gỡ “một lần và mãi mãi”. Thế nên cứ tụ tập hát hò, đùa
nghịch, ăn hàng y hệt ngày còn đi học. Ba ngày bên nhau trôi qua nhanh chóng,
ngày quan trọng nhất cuối cùng cũng đến.
BTC tặng hoa cho quý Thầy, quý Cô
Đúng 8g30 ngày 9/2/2020 chương trình hội ngộ bắt đầu.
Từ trên sân khấu đứng phía sau cánh gà nhìn xuống bên dưới lòng tôi tràn đầy
xúc động. Cả khách lẫn chủ gần như có mặt đông đủ. Xen lẫn trong những tà áo dài
xanh của 9A là những gương mặt thân hữu, bạn bè và không ít khách mời đến từ
phương xa, nước ngoài. Sau những tràng vỗ tay cùng tiếng hô to “9A Một Thời Và
Mãi Mãi” vang dội cả khán phòng, cô Hường vợ thầy Toản, thầy Ngô Liên Phương,
thầy Trương Xuân Huy lần lượt được mời lên sân khấu. Không ai nghĩ nửa thế kỷ
trước các giáo sư đáng kính này vất vả biết bao với đám nữ sinh giờ đã là bà nội,
bà ngoại kia. Khán phòng cũng chùng xuống khi Mỹ Hoa đại diện lớp đọc lời khai
mạc. Một lớp học nhỏ nhưng có biết bao thân phận và dòng đời đã đưa đẩy họ ngược
xuôi mãi cho đến hôm nay mới gặp lại nhau. Tiếp sau đó là các ca khúc hát về
trường lớp như Con Đường Đến Trường, Tiếng Hát Học Trò, Ngày Xưa Hoàng Thị, Hoa
Học Trò, Trường Cũ Tình Xưa được các giọng ca không chuyên của 9A tuần tự vang
lên trên sân khấu. Sau lưng họ màn hình LED liên tục chiếu hình ảnh từng thành
viên của lớp ngày ấy và bây giờ. Bên cạnh những bản nhạc nhẹ nhàng sâu lắng, ba
tiết mục thể hiện thương hiệu “nghịch ngợm”của 9A là phần minh họa cho ca khúc “Ngày
Xưa Hoàng Thị”, tiểu phẩm hài “Về Thăm Trường Cũ” và trò chơi xổ số trúng thưởng.
Sự hóm hỉnh, nét duyên dáng cùng phong cách trẻ trung của các cựu nữ sinh 9A đã
làm bật lên những tiếng cười lớn và những tràng vỗ tay không ngớt.
Phần II của chương trình dành cho khách mời. Những
ca khúc trữ tình như Điều Giản Dị (Phú Quang), Tuổi 13 (Nguyên Sa- Ngô Thụy
Miên), Mal (Christophe), Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa (Quốc Dũng), Mắt Lệ Cho Người
(Từ Công Phụng), Mơ Hoa (Hoàng Giác)… đã được trình bày qua các giọng ca truyền
cảm của Tuy Hòa như anh Phạm Duy Binh, anh chị Kim Khoa, anh Mai Xuân Việt, anh
Từng, Anh Luật, chị Đoàn Khánh, anh Huỳnh Duy Hiếu. Không có biên giới giữa chủ
và khách chỉ có âm nhạc, tiếng vỗ tay, nụ cười và những câu chuyện hàn huyên tưởng
chừng không bao giờ dứt.
Tiểu phẩm Về Thăm Trường Cũ
“Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế”*. Đúng 12g trưa
tôi thay mặt lớp đọc lời bế mạc. Chỉ ít phút nữa thôi cuộc hội ngộ sẽ thành kỷ
niệm, một kỷ niệm hiếm hoi và nhớ mãi. Rất nhiều lời khen ngợi cùng những chia
sẻ chân tình trực tiếp hay gián tiếp qua FB, điện thoại, tin nhắn của nhiều thầy
cô, bạn bè sau đó. Chiêm nghiệm đoạn đường đã qua, tôi cho rằng cuộc hội ngộ
thành công vì các lý do sau:
- Sự đồng tâm, hợp lực gần như tuyệt đối giữa tôi và
Mỹ Hoa với vai trò đồng tình nguyện tổ chức.
- Sự giúp đỡ vô điều kiện về vật chất lẫn tinh thần của
nhiều bạn bè, thân hữu, mạnh thường quân nhất là gia đình Việt Hoa. Nếu không
có các bệ phóng này đường đến thành công ắt hẳn rất xa.
- Trên hết tất cả là tinh thần đoàn kết tuyệt vời của
tập thể lớp 9A. Nhất là khi cuộc hội ngộ tổ chức đúng thời điểm dịch bệnh xảy
ra.
Xin cám ơn quí thầy cô, các anh chị, bạn bè, thân hữu,
các mạnh thường quân đã giúp đỡ chúng tôi tổ chức thành công buổi hội ngộ “9A Một
Thời Và Mãi Mãi”. Đặc biệt cám ơn những người bạn đã cùng tôi chia sẻ buồn vui
trong lớp học ngày xưa ấy, những người mà “Đi một mình bạn sẽ đi rất nhanh,
nhưng nếu đi với đồng đội bạn sẽ đi rất xa”**.
QUANG ĐẶNG ( Sài Gòn 17/2/2020)
*Điều Giản Dị: nhạc Phú Quang
**Câu nói của ca sĩ Jun Phạm, thành viên ban nhạc
365 trước đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét