Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Tiếng Lóng Sài Gòn

 

Hình Minh họa (Internet)

TIẾNG LÓNG SÀI GÒN
Lê văn Sâm

Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời "tiếng lóng" khác đến thay thế.

Do đó, việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian:

Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành tiếng lóng "sức mấy" để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố "Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám"

Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi Sài Gòn thời chiến, quê hương chiến tranh buồn phiền; "sức mấy" đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt "tính tính tè tè, tè ti tè ti té", làm cho đường phố càng náo loạn hơn.

Trước đó cũng từ bài ca "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn mà sinh ra tiếng lóng "xưa rồi Diễm ơi", mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó, mà người nghe không muốn nghe thêm nữa.

Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà/Tour Ivoire, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng lóng "Cai gà", gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành "mã tà".

Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: "gác-dang" tức thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang.

Cũng như nói "de cái đít" tức lùi xe en arrière; tiền cho thêm người phục vụ tiếng Pháp: pour-boire âm bồi gọi "tiền boa", sau này chế ra là "tiền bo".

Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi sở bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là "con cò", còn nếu gọi "ông cò" là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi "thầy cò" tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói "cò mồi" là tay môi giới chạy việc, "ăn tiền cò" thì cũng giống như "tiền bo", nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.

Thời kinh tế phát triển, đi xe auto gọi là đi "xế hộp", đi xe ngựa gọi là đi "auto hí ", đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là "xe điếc", đi nghỉ mát Cap Saint Jacques = Vũng Tàu gọi là "đi Cấp".

Đi khiêu vũ gọi là "đi bum", đi tán tỉnh chị em gọi là đi "chim gái", đi ngắm chị em trên phố gọi là "đi nghễ", gọi chỉ vàng là "khoẻn", gọi quần là "quởn", gọi bộ quần áo mới là "đồ día-vía".

Ði chơi bài tứ sắc các bà gọi là "đi xòe", đi đánh chắn gọi là "múa quạt", đi chơi bài mạt chược các ông gọi là "đi xoa", đi uống bia gọi "đi nhậu", đi hớt tóc gọi đi "húi cua".

Hình minh họa (internet)

Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là "đi đầu dầu", tức các chàng trai ăn diện "đi nghễ" với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là "hết sẩy", quê mùa chậm chạp gọi là "âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".

Tiền bạc gọi là "địa", có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão đa địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai, gọi là "bắt địa", ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình.

Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão", có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu", có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được phân vai diễn gánh hát, đêm đêm họ cũng xách vali trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì kép chầu thay thế vào ngay.

"Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau đâu chữa đó.

Ðào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là "đào thương", kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là "kép độc". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi " tức uống café thiếu ghi sổ...

Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình".

Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu", các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét" vedette, nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là "luộc bài", chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài", truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết 3 xu", các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải".

Làng nhật trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa", nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất hiện vào đầu tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư".

Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Ðó là "tịch", "hai năm mươi", "mặc chemise gỗ", "đi auto bươn", "về chầu diêm chúa", "đi buôn trái cây" hay "vào nhị tỳ", "nhị tỳ" thay cho nghĩa địa và "số dách" thay cho số một... đều ảnh hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập cư.

Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Tề Thiên", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi".

Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, đạo đức giả, gọi là "Ðoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé...

Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời.

Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa", dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu 3 cẳng" thì thật không biết do đâu?

Có lẽ cầu 3 cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Ðó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "main jouer" tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là "anh hùng xa lộ", bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám". Bỏ học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót".

Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy kia dẫn em dâu là ca sĩ Khánh Ngọc qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.

Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà", "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi".

Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô". Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình.

Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc.

Ðể tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của người Việt. Bắt quả tang thành "quả tó", gọi chiếc xe Honda là "con rim", gọi tờ giấy 100 USD là "vé", đi ăn cơm bình dân gọi là "cơm bụi", xuống phố dạo chơi gọi là "đi bát phố", gọi người lẩm cẩm là "dở hơi"...

Lê Văn Sâm


20 Nguyên Tắc Dành Cho Người Cao Tuổi

 

Hình minh họa (Internet)

20 NGUYÊN TẮC DÀNH CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Nguyễn Bích

Đối với những người trong chúng ta, những người đã đạt đến những năm hoàng kim, đây là một bộ sưu tập thực phẩm tuyệt vời để suy nghĩ.

20 quy tắc để áp dụng:

1. Đã đến lúc sử dụng số tiền bạn tiết kiệm được, hãy sử dụng và tận hưởng nó:

- Đừng để dành nó cho những người có thể không biết bạn đã hy sinh để có được nó. Vì vậy, hãy tận hưởng giây phút hiện tại.

2. Ngừng lo lắng:

- Về hoàn cảnh của con cháu mình. Bạn đã chăm sóc chúng cho nhiều năm bạn đã cho họ một nền giáo dục, họ bây giờ chịu trách nhiệm cho chính họ.

3. Duy trì một cuộc sống lành mạnh với tập thể dục vừa phải:

- Ăn uống điều độ, đi lại, tôn trọng giấc ngủ của bạn, vì càng khó khăn hơn để giữ một sức khỏe hoàn hảo, luôn cập nhật thông tin mà không dư thừa ...!

4. Luôn mua những món đồ tốt nhất và đẹp nhất cho bạn:

- Mục tiêu chính là tận hưởng cuộc sống.

5. Đừng căng thẳng về những điều nhỏ nhặt:

- Bạn đã vượt qua rất nhiều điều trong cuộc sống của mình, hôm nay điều quan trọng là hiện tại. Đừng để tương lai làm bạn sợ hãi.

6. Bất kể tuổi tác, hãy luôn giữ cho tình yêu luôn tồn tại:

- Tình yêu của mọi thứ, gia đình bạn, môi trường của bạn, đất nước của bạn.

7. Hãy tự hào, từ trong ra ngoài:

- Đừng ngăn cản những chuyến đi chơi của bạn. Chăm sóc cơ thể của bạn, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và mạnh mẽ hơn.

8. Đừng bỏ qua những xu hướng thời trang dành cho lứa tuổi của bạn, nhưng hãy giữ cho mình phong cách sành điệu:

- Bạn đã phát triển ý thức của riêng mình về những gì cảm thấy tốt cho bạn: hãy giữ quỹ đạo này và tự hào về nó. Giữ cá tính của bạn.

9. Đọc báo, xem tin tức:

- Nghe, đọc, đảm bảo rằng bạn có nhắn tin tích cực và thử sử dụng một số mạng xã hội này. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi những cuộc gặp gỡ mới.

10. Tôn trọng thế hệ trẻ và ý kiến của họ:

- Đưa ra lời khuyên, chứ không phải chỉ trích, và cố gắng nhắc nhở họ về sự khôn ngoan của ngày hôm qua vẫn còn được áp dụng cho ngày hôm nay.

11. Đừng bao giờ sử dụng những từ: "trong thời gian của tôi". Thời đại của bạn là bây giờ:

- Bạn còn trẻ hơn, nhưng bạn vẫn tồn tại, hãy vui vẻ và tận hưởng cuộc sống.

12. Ôm trọn những năm tháng vàng son của bạn:

- Dành thời gian cho những người tích cực, vui vẻ, họ sẽ cảm thấy thích thú với bạn và những ngày của bạn sẽ có vẻ dễ chịu hơn rất nhiều.

13. Đừng đầu hàng trước sự cám dỗ để sống với con cháu:

- Họ cần sống cuộc sống của họ và bạn cần sống cuộc sống của bạn.

14. Đừng từ bỏ sở thích của bạn:

- Nếu bạn không có, hãy tổ chức các hoạt động giải trí. Tìm một cái gì đó bạn thích và có một thời gian tốt, vui vẻ.

15. Ngay cả khi điều đó không phải lúc nào cũng làm bạn hài lòng, hãy chấp nhận những lời mời: - Lễ rửa tội, tiệc tùng, sinh nhật, đám cưới, hội nghị.

Cứ liều thử đi...! Điều quan trọng là thỉnh thoảng ra khỏi nhà.

16. Nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn:

- Đừng kể những câu chuyện dài, trừ khi được hỏi. Nói một cách lịch sự và cố gắng tỏ ra tích cực.

17. Nếu bạn bị người khác xúc phạm, hãy tha thứ cho họ:

- Có người đã nói: “Cắn răng này vào răng kia chẳng khác nào uống thuốc độc”.

18. Nếu bạn có một niềm tin mạnh mẽ, hãy giữ nó:

- Đừng lãng phí thời gian của bạn để cố gắng thuyết phục người khác. Sống thật với niềm tin và sự lựa chọn của bạn.

19. Cười. Cười nhiều. Cười với tất cả:

- Thuyết phục bản thân rằng bạn là một trong những người may mắn. Bạn đã có một cuộc sống, một cuộc sống lâu dài.

20. Không để ý đến những gì người khác nói: 

- Hãy tự hào về bản thân, tự hào về những gì bạn đã hoàn thành.

Còn rất nhiều hạnh phúc nên nắm lấy ...!

NGUYỄN BÍCH


Cảm Nhận Về Ca Khúc “Ai Cho Tôi Tình Yêu” Của Nhạc Sĩ Trúc Phương


CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC "AI CHO TÔI TÌNH YÊU" CỦA NHẠC SĨ TRÚC PHƯƠNG
Sakura.

“Ai cho tôi tình yêu
Của ngày thơ ngày mộng
Tôi xin dâng vòng tay mở rộng
Và đón người đi vào tim tôi
Bằng môi trên bờ môi

Nhưng biết chỉ là mơ …
Nên lòng nức nở, thương còn đi yêu thì chưa đến
Tên gọi tên tình chưa đỗ bến,  nẻo mô mà tìm?

Nằm nghe cô đơn, thoáng bước trong buồn
Giá buốt về tìm, sao rơi gối đêm
Nhà vắng mang nhiều cay đắng, xua hồn đi hoang

Ai cho tôi tình yêu, để làm duyên nụ cười
Tôi xin dâng tình tôi trọn đời
Người ơi người, xin đừng e ấp
Làm tim nghẹn ngào …”

Một người bạn của tôi từng bảo rằng, đối với một kiếp người đến cuối cuộc đời có 3 thứ mà chúng ta ai cũng cần, không có gì có thể thay thế hay mua được đó là: sức khỏe, thời gian và cuối cùng là người bạn đời của mình. Cho dù bạn là người giàu nhất hay thông minh nhất thế giới thì cũng không tránh khỏi sự già yếu rồi chết đi hay làm cho thời gian quay ngược trở lại, đồng hành cùng bạn đến cuối đời không phải là cha mẹ, anh chị em hay con cái của mình, mà chỉ có chính mình và người bạn đời của mình thôi. Ai rồi cũng sẽ bỏ ta đi cha mẹ rồi sẽ già đi, con cái rồi sẽ lớn lên và bay xa. Nhưng để có được một người có thể cùng ta vượt qua mọi khó khăn, chia sẻ buồn vui,cùng nắm tay nhau đến cuối cùng không phải ai cũng có được bởi nó được liên kết bởi một sợi dây mang tên tình yêu, tình yêu giữa người với người như cực âm và cực dương nó hút nhau, khao khát có được nhau. Tình yêu phải có được từ hai phía mới là một tình yêu trọn vẹn và không khiếm khuyến, không giống như tình yêu của cha mẹ đối với con cái chỉ có một bên cho đi và hy sinh.

Bởi vậy đề tài về tình yêu luôn luôn là chủ đề tạo nhiều nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ, cho dù ở thời đại nào con người muốn sống một kiếp người trọn vẹn phải có một tình yêu chân chính thuộc về riêng mình. Người đời thường bảo nhau rằng người nghệ sĩ thường đa tài cũng đa tình, có được nhiều người yêu mến, nhưng mấy ai hiểu rằng họ cũng như bao nhiêu người khác, cũng khao khát có được thứ tình yêu thuộc về mình như bài hát “Ai cho tôi tình yêu” của nhạc sĩ Trúc Phương. Ca khúc này được viết vào đầu thập niên 1960, trong một buổi chiều mưa buồn, ký ức của quá khứ ùa về làm tâm trạng tác giả thổn thức và viết nên ca khúc “Ai cho tôi tình yêu”.

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc, nhưng dù sống trong môi trường đó tâm hồn của ông lại rất lãng mạn, yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Xung quanh nhà ông như bao làng quê khác có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu mến những tiếng kẽo kẹt của tre và trút va chạm với nhau và sau này ông đã chọn tên là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của mình với những cây tre trúc. Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn.

Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt mà khó lầm lẫn với người khác được. Nó có vẻ trầm buồn, ray rức, ưu tư trước thời cuộc dạo đó (là chiến tranh triền miên) và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò thì mới có thể diễn tả hết cái hay của giòng nhạc Trúc Phương.

Với tâm trạng ưu sầu, buồn thương vì những mối tình dang dở mà ông đã sáng tác nên các ca khúc đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất và cũng làm nên tên tuổi cho một số ca sĩ nổi tiếng như Thanh thúy, Chế Linh…. Một số bài hát tiêu biểu như: Thói đời, Hai lối mộng, Con đường mang tên em, Tàu đêm năm cũ…” Ai cho tôi tình yêu” cũng được ra đời cùng tâm trạng đó. Với nhiều người bài hát như một câu hỏi lớn không người trả lời, còn với tôi nó vừa là câu hỏi vừa là lời thầm thì tự thuật lại câu chuyện của bản thân, là nổi khao khát hy vọng của một người cần một điểm tựa, cần một bến bờ cho riêng mình.

“Ai cho tôi tình yêu
Của ngày thơ ngày mộng
Tôi xin dâng vòng tay mở rộng
Và đón người đi vào tim tôi
Bằng môi trên bờ môi”.

Thanh xuân của bất kì ai cũng đều có mơ ước về một tình yêu thanh thuần trong sáng, tuổi trẻ ta luôn yêu hết mình “xin dâng vòng tay mở rộng” yêu một cách cháy bỏng, yêu không cần bất kì đều gì, chúng ta vô tư cho đi không cần suy nghĩ, sẵn sàng hi sinh đánh đổi tất cả, thậm chí đánh đổi cả lòng tự trọng để có được thứ gọi là tình yêu“đón người đi vào tim tôi, bằng môi trên bờ môi”.

Nhưng thực tế lúc nào cũng tàn khóc hơn trong mơ“Nên lòng nức nở, thương còn đi chứ yêu thì chưa đến” tình yêu của cuộc sống đời thực nó không lãng mạn giống như phim “Hoàng tử ếch” đâu ạ. Các bạn đừng bao giờ tin trên đời này sẽ xuất hiện một chàng hoàng tử bị lời nguyền biến thành một con ếch nhưng vẫn được công chúa yêu thương chân thành. Đó chỉ là những câu chuyện cổ tích cho trẻ em. Còn cuộc đời của người lớn thì lại khác, con người luôn chạy theo những thứ không thuộc về mình mà bỏ quên những điều hạnh phúc đơn giản, những tình cảm bình dị luôn ở xung quanh chúng ta, nhưng mấy ai hiểu được những điều đó.

Tình yêu đúng nghĩa là khi ta có thể yêu những cái xấu xí nhất của một người không phải chỉ thích những mặt tốt đẹp đến khi nhìn thấy sự thật người mình yêu không hoàn hảo như mình nghĩ lại chối bỏ không yêu, như ta yêu cô ấy lúc hai mươi tuổi thì cũng sẽ yêu cô ấy lúc tám mươi tuổi. Đôi lúc con người ta hay nhầm lẫn và ngộ nhận giữa tình thân và tình yêu. Không phải biết về nhau thân nhau là sẽ yêu nhau đâu “Tên gọi tên tình chưa đỗ bến, nẻo mô mà tìm”. Đôi lúc sống chung, nằm chung một chiếc giường chưa chắc đã có tình yêu, bởi thế mới có câu nói “đồng sàn, dị mộng”. “Giá buốt về tìm, sao rơi gối đêm, Nhà vắng mang nhiều cay đắng, xua hồn đi hoang”. Còn nổi đau nào đau hơn khi cô đơn trong chính căn nhà của mình, “nhà” là nơi tìm về là tượng trưng cho ấm áp, vui vẻ, sum vầy, vì nó chứa đựng tình yêu và sự vun đắp cho những con người trong đó. Nhưng chỉ cần một người đạp đổ thì nó đã không còn mang đúng ý nghĩa ban đầu của nó, nó đã bị biến chất.

Bài hát cho ta nhìn rõ được hiện thực của cuộc sống mang lại. Tuổi trẻ ta yêu hết mình, cứ nghĩ sẽ sống mãi với tình yêu đó, nhưng tình yêu đó lại không chống lại được hiện thực, không vượt qua được những khó khăn mà cuộc sống mang lại, không vượt qua được cơm áo gạo tiền, đến cuối cùng tình yêu đẹp ban đầu lại biến thành đau khổ mãi mãi về sau. Và tình yêu phải đến từ hai phía nếu chỉ từ một phía thì tình yêu ấy lại biến thành nổi đau khổ da diết  “Người ơi người, xin đừng e ấp, làm tim nghẹn ngào”.

Ca khúc như lời tâm sự của tác giả về tình duyên trắc trở của mình, tác giả sử dụng từ ẩn dụ “Ai” có thể là nam, nữ cũng có thể là người giới tính thứ ba. Bản chất tình yêu không phân biệt giai cấp, độ tuổi, màu da, hay giới tính, mà nó là sự đồng điệu về tâm hồn của hai con người, mọi người đều có cái quyền được yêu và không yêu. Nó làm tôi liên tưởng đến bộ phim điện ảnh của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lấy cảm hứng từ “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”. Bộ phim có cái tên rất chợ “Lô Tô” do NSUT Hữu Châu thủ vai chính, bộ phim nói về những người giới tính thứ ba họ khao khát được làm chính mình, tìm thấy giá trị của bản thân, để có thể giống như bao người khác có được một tình yêu hoàn chỉnh, nhưng họ lại hiểu sai giá trị mà tình yêu mang lại. Tình yêu chỉ thật đẹp khi ta gặp “đúng người đúng thời điểm”. Nó sẽ trở thành sự nối tiếc như khi “Lê Liễu” gặp được ông bầu “Lê Minh” đúng người nhưng sai thời điểm hay là nổi đau khổ khi Lê Liễu gặp được Quân đúng thời điểm nhưng lại sai người.

Với tôi tình yêu là thứ điểm tô cho cuộc sống chúng ta thêm màu sắc, nó là chỗ dựa tinh thần cho con người tìm thấy niềm vui trong một xã hội bon chen đầy rẫy những thị phi. Nhưng phải biết và hiểu hết giá trị mà nó mang lại, vì nó là con dao hai lưỡi, nếu bạn sử dụng lầm chỗ có thể giết chết bạn, nhưng khi bạn sử dụng đúng lúc nó có thể mang đến niềm vui trong cuộc sống và tương lai sau này cho bạn, bạn muốn có nó trước tiên bạn nên là chính bạn đừng vì bất kì ai. Cuộc đời con người chỉ nên yêu 3 lần trong đời, 1 lần ngây thơ, 1 lần khắc cốt ghi tâm và 1 lần là cả đời. Đừng vì tạm bợ mà yêu 1 ai đó, cũng đừng coi 1 người là tất cả của mình. Yêu thương bản thân mình trước tiên. Muốn làm được điều đó phải có sự tự tin, niềm tin, nó tạo cảm giác an toàn cho bản thân. Tình yêu không tự sinh ra mà nó là sự bồi đắp, thấu hiểu và cùng xây dựng, nó sẽ lớn dần theo năm tháng theo sự thăng trầm của cuộc sống, nếu chúng ta đủ mạnh để vượt qua. Vì thế cứ yêu đi khi còn có thể bạn nhé, nhưng hãy nhớ một điều đừng đánh mất lòng tự trọng vì nó. Chúng ta có thể chủ động nếu cảm thấy xứng đáng, còn không xứng đáng hãy tự động buông bỏ và hãy mạnh dạn mỉm cười đứng lên, đừng vì một gốc cây mà bỏ qua cả khu rừng.

Chúng ta sinh ra không có mệnh công chúa nhưng hãy sống một cuộc sống của nữ hoàng.

Sakura (Nhạc Vàng)



Xin mời quý vị thưởng thức nhạc phầm "Ai Cho Toii6 Tình Yêu"



PPS Nhạc - Ai Cho Tôi Tình Yêu

PPS Nhạc - AI CHO TÔI TÌNH YÊU 

Sáng tác : Trúc Phương 
Trình bày: Quỳnh Trang 
PPS: Nguyễn Doanh Doanh
Thực Hiện: Tran Nang Phung

Trân trọng 
NHHN 

Xin mời quý vị thưởng thức 



Tĩnh Và Động

 



Một Chút Buồn

 



Tháng Giêng Cỏ Non

 

Bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân)

THÁNG GIÊNG CỎ NON 
Mai Thảo

"Hắn đọc câu chuyện này, nếu trên cương vị một người đàn ông, họ sẽ giải quyết ra sao! Bỏ thì thương mà vương thì tội và chắc không mang nhiều cảm xúc như hai người đàn bà gặp chuyện oái oăm này.

Có lẽ cái thời đại đó vẫn còn cảnh đàn ông vẫn còn được làm hôn thú bậc 2 có khi còn đến bậc 3 nữa. Không phải hắn bịa ra đâu, chính trong tờ giấy khai sinh của hắn cấp tại Hà Nội còn có ghi khoản"con vợ chính hay vợ thứ"(được dịch từ khai sinh Pháp là premier rang ou deuxième rang), đây là giấy tờ hộ tịch còn áp dụng theo dân luật Napoléon và luật Hồng Đức cho đến khi có bộ luật gia đình thời đệ nhất cọng hòa năm 1962 mới bãi bỏ, thời đó nhiều người gọi là "luật bà Nhu"

Trong sách “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà Rồng” (tác giả Monique Brinson Demery, dịch giả Mai Sơn) đã viết, bà là người đàn bà tài giỏi, can đảm, dám nói và dám làm. Chẳng hạn khi bà đưa ra đạo luật về gia đình ở Việt Nam, đề cao nhân phẩm của người phụ nữ. Đạo luật đó được Quốc hội biểu quyết thông qua, cấm đàn ông lấy hai vợ, và những vấn đề khác nữa, để nâng cao đời sống của người phụ nữ Việt Nam lên. Mặc dầu hồi đó có nhiều chống đối nhưng bà vẫn can đảm vượt qua. 

Tháng giêng cỏ non
Mai Thảo

Posted by GLN

Cách đây 18 năm, Sạng bỏ quê hương, một thôn xóm bé nhỏ miền duyên hải Bắc Việt, vào Nam kỳ. Chuyến đi của anh Sạng ngày ấy như một chuyến đi phát vãng biệt xứ và anh Sạng lúc xa lìa bóng tre làng cũ lên đường vào đất Nam kỳ xa xôi, anh đã cầm bằng là sẽ gửi nắm xương trên một mảnh đất nào ở xứ lạ. Anh Sạng đi làm phu đồn điền cao su.

Hồi ấy, tôi mới có tám tuổi. Ngày anh Sạng đi đến nay tôi chỉ còn nhớ được qua những hình ảnh rất nhạt thoáng, bóng dáng người mẹ anh khóc sướt mướt chạy theo anh lên tận chân đê đầu làng, túm áo anh van xin anh ở lại. Ở lại mà làm ăn. Mà cầy bừa. Mà thương lấy một người đàn bà còn trẻ dại đã có với anh hai đứa con thơ.

Nhưng rồi anh Sạng cũng vẫn đi Nam kỳ. Đôi mắt ấu thơ của tôi ngày ấy đã nhìn thấy những ấn tượng khá buồn thảm: bóng anh Sạng xa khuất dần trên con đê heo hút, người mẹ khóc rũ xuống, bước chân xiêu đổ trên con đường về và qua nhà tôi, người đàn bà hiền lành đã chạy vào ngồi trên bục cửa mà khóc như mưa như gió.

Tôi còn nhớ mụ bảo tôi:

“Chú Thảo ơi, thằng Sạng nó bỏ vợ bỏ con nó đi Nam kỳ rồi”.

Một lát sau, chị Sạng tay bồng hai đứa trẻ nhỏ cũng chạy đến. Thế rồi cả cái gia đình đáng thương ấy đã ngồi quây lấy nhau mà khóc cái tan vỡ gây nên bởi một người bỏ đi Nam kỳ. Hồi ấy tôi chưa hiểu gì đến phân ly. Càng không hiểu Nam kỳ là gì nữa. Người làng xóm nhắc nhở thì thầm đến Tân Thế giới, đến Nam kỳ, đến đời sống hãi hùng của những người phu dưới bóng lá tối thẳm của những đồn điền cao su và đất Nam kỳ đã hiện ra trong tưởng tượng thơ ngây đơn giản của tôi như một hòn đảo nào xa dạt có những bến bờ hoang vu và đầy gió bão.

Trong cái thôn xóm nhỏ bé của quê tôi, một vài năm lại có một vài người, thường là một gã con trai, động lòng bốn phương thì ít, vì chuyện này chuyện nọ thì nhiều, bỗng dưng một buổi bỏ làng đi Nam kỳ. Chuyến đi nào cũng chứa đựng một cái gì tối tăm thê thảm. Người làng coi những người bỏ đi như những kẻ điên dại cùng cố, đã mất hết lẽ phải.

“Bọn mày đã dở chứng. Muốn hoá điên hay sao mà đi chứ? Tự dưng bỏ làng bỏ nước đi biệt vô tăm tích, có chăng là đồ hoá dại!”

Riêng anh Sạng, cái nguyên nhân bỏ đi của anh về sau tôi hỏi và mẹ tôi có thuật lại. Số là anh Sạng bị làng xóm láng giềng nghi ngờ là đã ra tỉnh báo Tây đoan về bắt rượu lậu chôn giấu ở vườn rau một người anh họ con chú con bác với anh. Người anh họ bị đi tù sáu tháng về tội nấu rượu lậu thật. Và anh Sạng uất ức bỏ đi. Riêng tôi, không hiểu tại sao ngay hồi đó tôi đã nhất định tin rằng anh oan. Một phần có lẽ vì anh Sạng oan thật, một phần vì anh là một trong những người ở làng mà tôi mến yêu trong suốt thời kỳ tuổi nhỏ. Giữa anh Sạng và tôi có nhiều kỷ niệm, bé mọn, nhưng lòng tôi thay đổi nhiều mà những kỷ niệm ấy vẫn còn lại và vẫn thơm hương.

Anh Sạng có một thửa ruộng nhỏ ngoài cánh đồng gần nhà tôi. Buổi sớm nào tôi cũng ra đứng ở đầu ngõ và buổi sớm nào tôi cũng gặp anh Sạng ra đồng. Lần nào thấy tôi anh cũng đứng lại, trợn mắt, mắm môi, làm cho tôi vừa sợ hãi và thích thú. Anh bế bổng tôi lên trên cánh tay lực lưỡng, đoạn anh ghé sát vào tai tôi, hỏi nhỏ:

“Chú Thảo muốn gì?”

Lần nào anh cũng chỉ hỏi có vậy. Lần nào tôi cũng giơ tay chỉ lên cây bàng cổ thụ ở trước cửa nhà tôi. Thế là anh Sạng liền bỏ cày bỏ cuốc leo ngay lên cây. Từ những cành cao chót vót, anh hái những trái bàng chín vàng vất lung tung xuống đất cho tôi nhặt. Khi nào thấy hai túi áo tôi đã phồng lên, anh mới leo xuống, phùng má trợn mắt với tôi một hồi nữa rồi mới bỏ đi. Tôi lớn dần lên. Đến lúc đi học ở trường làng lại vẫn anh Sạng là người ở những ngày mưa gió cõng tôi đi trên con đường lầy đến tận cửa trường.

Tôi yêu anh Sạng. Gia đình tôi quý anh, vì tính anh hiền lành, vì lòng dạ anh ngay thẳng, hay nổi nóng, nhưng bản chất anh bao giờ cũng đôn hậu, cũng vui tươi.

Chuyện anh Sạng bỏ làng đi Nam kỳ, người làng người nước nói này nói nọ mãi rồi cũng thôi. Như mọi câu chuyện xảy ra ở cuộc đời, những sự kiện sôi nổi nhất cũng lắng chìm trong dĩ vãng và cái thôn xóm bé nhỏ của tôi cũng biết lãng quên. Chuyện cũ nhoà dần, rồi chết hẳn. Duy có gia đình anh, duy có tôi là vẫn không quên anh. Cứ mỗi mùa bàng chín, tôi ra đầu ngõ nhìn lên là hình ảnh anh lại hiện về qua một nhớ thương phảng phất dịu nhẹ. Bàng chín vàng trên kia nhưng không ai hái cho tôi nữa. Người mẹ già yếu thêm mãi. Chị Sạng lúc nào cũng tư lường sầu muộn. Những đứa con anh đã biết nói biết đi.

Nhưng anh Sạng đi Nam kỳ thì vẫn chẳng thấy về. Cũng chẳng có âm hao tin tức gì. Người đàn ông bỏ làng một buổi đi xa, con đê cao dẫn lối cho anh Sạng ngày nào, đến nay vẫn không hắt trả lại một bước chân, một tiếng nói, một âm hưởng, một chút ánh sáng dù rất mong manh của ngày hồi hương. Tôi thương vợ con anh Sạng, càng thấy cái đất Nam kỳ là mịt mùng xa xôi. Không biết anh Sạng còn sống hay đã chết? Một vài lần, chị Sạng khẩn khoản nhờ vả, tôi cũng viết mấy lá thư cho chị gửi vào Nam. Nhưng viết đấy cũng biết trước chẳng ăn thua gì. Phần vì anh Sạng bặt vô âm tín đã lâu ngày. Phần vì thư gửi đến những địa chỉ hết sức vu vơ. Thường là những vùng có đồn điền cao su. Dầu Tiếng, Trảng Bom, Ninh Hoà. Hỏi thăm phong thanh thấy nói anh Sạng ở đâu là chị Sạng lại nhờ tôi viết đến đấy. Cứ viết cứ gửi. Cứ bặt vô âm tín. Chị Sạng buồn phiền đau yếu luôn, càng biết đến những ngày cùng cực thiếu thốn trên mảnh vườn ruộng xơ xác. Về sau không biết ai đồn đến tai chị Sạng rằng anh Sạng ở trong Nam kỳ bây giờ giầu có lắm, rằng anh đã có nhà cửa đất cát, anh đã thôi làm ở đồn điền cao su về mua nhà mở tiệm ở Sài Gòn. Chị Sạng cũng giục giã tôi viết hộ chị những cánh thư gửi vào Nam. Thư tôi viết cho anh Sạng từ hồi đó đã nhiều mà vẫn không có một hồi âm nào gửi trả về xóm cũ.

Ngày tháng nghiêng đi. Như thế đã 18 năm.

Rồi người ta ký kết với nhau hiệp định Genève.

Cái thôn xóm bé nhỏ miền bể quê tôi náo động lên như một cuộc đổi đời. Đàn bà trẻ con già lão từng đoàn kéo nhau lũ lượt xuống tàu. Vợ con anh Sạng cũng dời bỏ mảnh vườn cũ. Đất Nam kỳ xa xôi hãi hùng ngày nào bây giờ lại nằm trong nhỡn giới người đi như một viễn tượng tươi đẹp của miền Tự Do.

Chị Sạng cùng đi một chuyến tàu với tôi. Suốt mấy ngày lênh đênh trên mặt sóng, chị Sạng chỉ nói chuyện với tôi đến chồng. Xa cách 18 năm, tin tức bằn bặt, mà chị Sạng vẫn cứ tin rằng anh còn sống và trời đất tao loạn lại làm cho vợ chồng chị được gặp nhau. Tôi, tôi cũng muốn tin như thế, tin niềm tin của chị Sạng, tin tưởng hết lòng. Kỷ niệm tuổi nhỏ trở về trong một ngày ly hương của tôi đã có cái bóng dáng của anh Sạng, những ngày mưa gió cũ cõng tôi đi trên con đường lầy. Tôi cũng mong được gặp lại anh.

Đặt chân lên đất nước miền Nam, mẹ con chị Sạng theo người làng lên định cư ở vùng Dốc Mơ, trên con đường Biên Hoà. Chị khẩn khoản dặn tôi ở Sài Gòn nếu có gặp anh Sạng thì nhắn ngay cho anh biết mẹ con chị đã vào đây. Sự chung thuỷ của người đàn bà làm tôi cảm động. Tôi hứa với chị Sạng nếu anh còn sống, thế nào tôi cũng tìm bằng được anh.

Suốt hai tháng đầu tiên ở Sài Gòn, tôi để ý thăm dò tin tức của anh Sạng trong những buổi đi thăm thú đường đất, thuê mướn nhà cửa. Tình cờ một hôm, tôi gặp anh Sạng ở Khánh Hội. Tôi nhận ra anh nhưng anh không nhận được tôi. Mãi sau, lúc tôi đã nói tên tuổi nhà cửa anh mới chợt nhớ. Nhớ ra tôi rồi, anh mừng quýnh mời tôi về nhà.

Anh Sạng đã già đi nhiều. Tóc đã hoa râm. Những nếp nhăn in hằn lên những ngày mưa nắng. Vậy mà đi bên anh tôi bỗng có cảm tưởng như mình bé nhỏ hẳn lại. Tôi sống một cảm giác thơ dại bỡ ngỡ như những tháng ngày hoa bướm đã về cũ, đã xa khuây, gặp anh đi qua ngõ ra đồng phùng má trợn mép làm bộ doạ nạt, một cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú lại nổi dậy trong tôi. Chỉ thiếu một con đường lầy và những trái bàng chín, nếu không, anh Sạng đã đưa hẳn tôi trở về trong tuổi thơ.

Tôi hỏi anh Sạng:

“Anh đi từ hồi ấy được bao lâu rồi nhỉ?”

Anh Sạng vẫn gọi tôi bằng chú:

“Chú tính 18 năm rồi còn gì? Dạo ấy chú còn bé tí. Giời mưa đi học còn phải cõng, chú bá lấy cổ tôi mỏi chết đi ấy”.

Hai chúng tôi cùng cười.

Đang đi tôi chợt nhớ đến mẹ con chị Sạng. Định báo tin cho anh biết, nghĩ thế nào tôi lại thôi. Để đến nhà anh sẽ báo sau. Tôi muốn dành cho anh một sự bất ngờ vui thú. Tôi tin rằng nếu biết vợ con anh đã vào đây anh Sạng sẽ sung sướng lắm.

Đến một căn nhà lá bé nhỏ, xiêu vẹo cuối một ngõ hẻm, anh Sạng đứng lại.

“Nhà tôi đây chú ạ!”

Tôi nhìn căn nhà tồi tàn, thật thà hỏi anh:

“Sao người ta đồn anh giàu có lắm cơ mà?”

Anh Sạng nói, giọng buồn rầu:

“Ấy vì thế mà tôi cũng chẳng muốn tin tức gì về làng về nước cả. Đã lang bạt đến nơi đất khách quê người mà cứ lận đận mãi. Tôi cũng chẳng muốn cho làng xóm láng giềng họ biết làm gì. Chỉ thêm chê cười chú ạ!”

Anh đẩy cánh cửa gỗ mời tôi vào. Định nói cho anh biết tin tức vợ con anh tôi lại thôi ngay. Vừa có một người đàn bà đi ra tay dắt mấy đứa trẻ con. Thấy tôi nhìn trừng trừng có vẻ lạ lùng, anh Sạng vậy nói:

“Nhà tôi đấy chú ạ!”

Người đàn bà cúi đầu chào tôi. Chị nói tiếng miền Nam. Mấy đứa trẻ nhỏ vây chung quanh gối người mẹ, nhìn tôi chăm chú.

Anh Sạng bảo vợ:

“Chú Thảo đấy!”

Người đàn bà mỉm cười bế con lại gần. Chị hỏi thăm tôi chuyện ngoài Bắc. Chị bảo tôi rằng anh Sạng có nói chuyện đến tôi, đến gia đình tôi cho chị nghe luôn. Chị mong một ngày nào yên bình, đường đất đi lại dễ dàng, mẹ con chị sẽ được anh Sạng cho ra chơi thăm ngoài quê chồng. Tôi trả lời nhát gừng. Tôi không có cảm tình với người đàn bà này. Nhìn chị, tôi nghĩ đến một người đàn bà khác, người vợ cả miền Bắc, vừa vượt bể đi hàng nghìn cây số vào đây, với niềm tin tưởng cuối cùng gửi gấm tất cả vào một ngày lại gặp người cũ. Nhưng mà cuộc đời có đi theo cái hướng đi của niềm tin tưởng kia không? Anh Sạng đã lấy vợ khác rồi. Anh đã có những đứa con khác, xây dựng một cuộc đời khác. 18 năm hiện lên trong qua một ấn tượng cách biệt thăm thẳm. Tôi nghĩ đến khoảng thời gian không cùng ấy với sự đổi thay rộng lớn của cuộc đời và của con người. Tôi nghĩ đến những tầng lớp của biến chuyển tàn nhẫn, đảo lộn ghê gớm, đến cái độ tan biến hoàn toàn những dấu vết đường lối cũ. Thời gian ở đây cũng đang làm loãng nhạt những tâm hồn chung thuỷ nhất, những kỷ niệm đằm thắm nhất và những liên lạc sâu nặng nhất. Vậy mà chị Sạng đã đợi chờ mười tám năm. Hình ảnh người đàn bà bồng con đợi chồng về trong không gian bát ngát và trong thời gian không màu, dưới mưa nắng gió bão, mùa qua mùa, trở lại về bằng những bóng hình tối xám trong tôi. 18 năm. Người đàn ông bỏ làng ra đi, khi ném cả đời mình vào cuộc phiêu lưu chắc đã có thừa ý định đoạn tuyệt với đoạn đời cũ, những người thân yêu cũ. Tôi không muốn tin. Nhưng lại bắt buộc phải tin.

Tôi nhìn anh Sạng. Anh bế đứa trẻ nhỏ nhất vào trong lòng. Người đàn bà đến ngồi bên anh. Tôi quay mặt trước cảnh tượng âu yếm. Tôi đứng dậy.

“Ngồi chơi đã chú Thảo”. Anh Sạng bảo tôi.

“Thôi để lần khác”.

“Vậy hôm nào chú ở chơi lâu nhé! Các con chào chú Thảo đi”.

Người đàn bà đẩy tay những đứa trẻ. Chúng chào tôi ngượng ngập. Anh Sạng đứng dậy bảo vợ:

“Mình ở nhà, tôi đưa chú Thảo ra đầu phố”.

Từ nhà anh Sạng đi trở ra, ngõ hẹp chói nắng không có một bóng cây. Tôi nhớ đến cái bóng mát dầy đặc của một cây bàng cổ thụ ở đầu ngõ quê tôi. Tôi muốn đưa anh Sạng trở về cùng tôi dưới gốc bàng này, trong dĩ vãng. Tôi nghĩ nhiều đến cái gia đình của anh. Đến chị Sạng, đến sự đợi chờ của chị suốt bấy lâu, đến những cánh thư của chị gửi đi lác đác suốt một đoạn đời dài thẳm, sự trông mong khắc khoải không tính đếm đến tháng ngày. Tôi nghĩ đến lúc tàu ghé bến Sài Gòn, đôi mắt chị tha thiết, khẩn khoản nhờ tôi tìm bằng được anh Sạng cho chị. Tôi đã tìm được rồi, chị Sạng ạ! Nhưng anh Sạng có còn là người của chị nữa không?

Hai chúng tôi im lặng bước đi.

Tôi nói bất thình lình:

“Anh Sạng này!”

“Chú Thảo bảo gì?”

“Chị ấy và các cháu đã vào đây rồi đấy”.

“Ai?” Anh Sạng hỏi sửng sốt.

“Chị ấy với các cháu.

Cùng đi một chuyến tàu với tôi. Bây giờ hiện ở trên Dốc Mơ. Chị Sạng có nhờ tôi nếu có gặp anh thì nói cho anh biết để anh tới đón về”.

Một lát ngẫm nghĩ. Anh Sạng nhìn tôi:

“Sao bây giờ chú mới nói cho tôi biết”.

Tôi không trả lời anh. Anh cũng đã biết tại sao tôi đã im lặng, tại sao bây giờ tôi mới nói với anh. Người đàn bà miền Nam với những đứa trẻ nhỏ tôi vừa gặp đã là cái nguyên nhân làm cho tôi trở nên ngại ngùng. Báo tin cho anh Sạng về sự mới tới của mẹ con chị Sạng, tôi chỉ giữ trọn vẹn một lời đã hứa. Thế thôi. Tôi không dám tin tưởng gì. Mà lại chỉ dám tin tưởng ở điều này là thời gian và sự xa cách vẫn làm cho những hướng đời gần gụi nhất cũng lãng quên nhau và kỷ niệm chỉ là một hình ảnh trừu tượng, những sự kiện đã chết, không có được lấy một tác động bé nhỏ. Tôi không giận anh Sạng nếu thực ra anh đã lãng quên. Tôi biết anh đang buồn phiền nhiều. Đem lòng mình hôm nay để giải quyết một sự trạng trái ngược của hiện tại, anh Sạng chỉ còn cách đi ngược lại 18 năm cũ, thăm dò lại lòng anh thì anh mới tìm được giải pháp thích đáng. Lại cũng chỉ có mình anh giải quyết được thôi. Tôi đoán anh cũng đang làm thế.

“Tôi thật không ngờ, chú Thảo ạ! Chú có nói tôi mới nhớ vì quả thật tôi đã quên từ rất lâu. Như tôi đã muốn quên tất cả. Cả làng ngờ oan cho tôi, đến mẹ tôi, đến vợ tôi cũng ngờ vực theo nữa. Mấy năm sau có người vào trong này nói đến tai tôi là vợ tôi đã đi lấy chồng. Sau đó tôi gặp cái Năm ở Dầu Tiếng. Đang buồn bực tôi lấy nó làm vợ. Bây giờ thấm thoát đã ăn ở với nhau được mười hai năm rồi. Có con cái với nhau nữa. Tôi cũng lại bảo cái Năm là tôi đã mất vợ trước, nó mới bằng lòng lấy tôi. Nó biết sự thể thế này, nó sẽ buồn lắm. Mà tôi bỏ cái Cả ở trên Dốc Mơ thì cũng không đành. Chú bảo tôi xử trí thế nào bây giờ?”

Trước hết tôi thấy cần phải đính chính giùm cho chị Sạng một điều: không bao giờ có chuyện chị đi lấy chồng. Mười tám năm trời chị nuôi con trong khổ cực và sống trong sự chờ mong tin tức anh. Anh Sạng có thể tin rằng, trước sau ở người vợ miền Bắc đáng thương kia không hề có một dấu vết đổi thay bé nhỏ nào, mà chỉ là những sắc màu bền vững nhất của chung thuỷ. Ngoài ra đó là chuyện riêng của anh. Anh phải xử trí lấy. Nghe rõ những tiếng lòng anh, thì rồi anh sẽ giải quyết được êm đẹp ổn thoả.

Cuối cùng, tôi cho anh biết địa chỉ của mẹ con chị Sạng, rồi tôi từ giã anh.

Thời gian nghiêng đi. Từ ngày gặp anh Sạng, đến nay đã được sáu tháng. Trong thành phố rộng lớn, cuộc sống tiến tới là sự kết thành của những lớp đổi thay mãnh liệt. Mỗi ngày một hình thức mới. Mỗi ngày một màu sắc mới, một tâm tình mới. Đôi khi, giữa hai trang nhật báo, đọc những tin tức của thất lạc, của thăm hỏi, và qua hình ảnh của những người mẹ tìm con, những đứa con thơ dại đi tìm những người chị khuất vắng dài hạn, những người vợ yếu đuối đi dò thăm một dấu vết nhoà nhạt của chồng con giữa những ngã ba, những đám đông, tôi lại chợt nhớ đến chị Sạng, đến đôi mắt chị Sạng, chị có còn được ai dành cho một chỗ đứng bé nhỏ dưới một mái nhà nào không? Sự cô độc đơn lẻ ở người đàn bà đáng thương kia có là một trạng thái vĩnh viễn kéo dài như một vệt bóng tối cho đến trọn đời?

Tôi còn giữ được niềm tin của tôi ở rất nhiều điều. Nhưng tôi không dám tin tưởng ở sự bền chặt của lòng người. Nhất là ở lòng người đã bỏ đi như anh Sạng.

Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa, của buổi gặp lại, của ngày trở về. Mùa xuân tự do thứ nhất ở đây vẫn chứa đựng cái hình ảnh muôn đời đôn hậu của đoàn viên. Cuộc sống như hình ảnh của một ngả đường đến hình ảnh một trạm hẹn. Con người từ hình ảnh một chuyến đi đến hình ảnh một ngày dừng chân. Đến sự hoà hợp của những phương hướng cách biệt. Nhưng còn điều này: mùa xuân có đến với tất cả mọi người? Đến với tôi, đến với chúng ta, nhưng có đến với mẹ con chị Sạng? Tôi không biết nữa.

Rồi câu chuyện của anh Sạng, nỗi bận tâm của tôi trong suốt một thời gian, chính tôi cũng lãng quên đi.

Cho mãi đến tuần lễ trước. Một buổi sáng tháng Chạp. Thành phố tấp nập không khí buôn bán cuối năm. Tôi đang đi bộ ngắm những dãy hàng đến dịp này thì lại xuất hiện và lại chiếm hết chỗ của những hè đường vây chung quanh chợ Bến Thành thì tôi gặp anh Sạng.

Trông thấy tôi, anh đứng sững lại mừng rỡ:

“Ô kìa chú Thảo! Lâu lắm mới lại gặp chú. Về nhà chơi cái đã”.

Không kịp để tôi trả lời, anh kéo bừa tôi đi. Giữa phố phường đông đảo, một anh Sạng đã già yếu nắm tay tôi kéo thẳng một mạch về nhà, và tôi ngoan ngoãn đi theo anh như anh đã dắt tôi những ngày thơ ấu cũ. Anh Sạng nói chuyện suốt dọc đường đến cái Tết năm nay. Đến công việc của anh dạo này xem chừng đã thấy khấm khá hơn. Đến sự may mặc cho những đứa trẻ. Như thế cho đến nhà.

Như lần trước căn nhà bé nhỏ của anh hiện ra cuối đáy ngõ hẻm.

Như lần trước anh gõ cửa. Như lần trước cửa mở, rồi người đàn bà miền Nam hiện ra. Đằng sau chị, mấy đứa trẻ nhỏ.

Nhưng lần này tôi đã nhìn thấy thêm một cái gì, một cái gì mà tôi đang mong đợi hết lòng suốt mười tám năm. Tôi đứng ngây người: ở một góc nhà, dưới một vùng ánh sáng của lửa bếp, chị Sạng, người vợ cả miền Bắc, đang ngồi thổi cơm. Bên gối chị, hai đứa trẻ miền Nam tựa vào lòng chị nhìn lửa cháy. Nghe tiếng động, chị Sạng bỏ củi lửa nhìn lên. Chị mỉm cười với tôi. Tôi nhìn anh Sạng. Tôi nhìn cả nhà. Sau cùng cái nhìn của tôi gửi đến người đàn bà miền Nam vẫn đứng sau tôi. “Cái Năm Sà-goòng” của anh Sạng, người đàn bà thứ hai đã đến đời anh, yên lặng ngó tôi không nói gì. Nhưng tôi đã hiểu chị, qua một thoáng lửa lấp lánh nghịch ngợm mà tôi vừa bắt gặp ở trong mắt chị, nó nói nhiều cho cái tâm tình dễ dàng cởi mở, dễ dàng đón nhận, mà tôi thường thấy ở người đàn bà miền Nam. Tôi nhìn chị Sạng Hai. Tôi nhìn anh Sạng. Vui mừng và cảm động.

Tôi biết anh đã giải quyết ổn thoả êm đẹp cái chuyện riêng của anh rồi. Tôi còn biết rằng một phần lớn chính còn ở chị Năm nữa. Trước sự phân vân lưỡng lự, trước hoàn cảnh éo le của chồng, người đàn bà miền Nam đã hành động cao đẹp bằng cách đón nhận về chung một mái nhà, người đàn bà miền Bắc xa lạ, chia sẻ tình vợ chồng để có thêm tình chị em. Hành động này tôi thấy như một bông hoa vừa nở lên giữa thiên nhiên, trong cuộc đời, thành mùa xuân thứ nhất sau 18 năm không có mùa xuân. Tôi nhìn chị Năm, kính phục, quý mến. Chị Năm đã lấy được trọn vẹn cảm tình của tôi.

Buổi trưa cuối năm hôm đó tôi đã ở lại ăn một bữa cơm thường với gia đình anh Sạng.

Chúng tôi nói chuyện ngày xưa. Kỷ niệm tuổi thơ được nhắc nhở lại, vừa cảm động, vừa buồn cười. Tôi thấy tôi bé nhỏ hẳn lại.

Vợ chồng con cái anh Sạng đưa tiễn tôi ra tận đầu ngõ. Ngày ngả về chiều. Nắng vàng lụa. Xa xa từ những trung tâm thành phố, những tiếng ồn ào của một phiên chợ Tết vừa dâng lên. Tôi đi ra khỏi ngõ. Tôi cất tiếng hát nhỏ. Tôi nhớ đến tuổi thơ của tôi. Tôi đang đi trên đường tuổi thơ. Hình ảnh đoàn viên của gia đình anh Sạng, chiều nay đã gây cho tôi cái cảm giác ấm áp của đêm Giao thừa, của ngày mùng Một. Người ta đang tìm về nhau. Đông lắm. Người ta đang gặp lại nhau. Con người, dân tộc đang hồi xuân.

Tôi nghĩ đến những con mắt, những nắm tay, những bếp lửa, những mái nhà. Từ một chấm dứt của mưa phùn tháng Chạp đến một khởi đầu của cỏ non tháng Giêng, mùa xuân dâng lên trong tôi, trong những hình ảnh tươi đẹp nhất của Đoàn Viên./.

Mai Thao