Truyện ngắn - NGƯỜI CÒN NHỚ HAY NGƯỜI ĐÃ QUÊN
Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn
“Old soldiers never die, they just fade
away” - General MacArthur
Thầy
Năng Tĩnh ở một mình trong ngôi Chùa nhỏ vùng ngoại ô, rất xa thành phố. Ngôi Chùa
chỉ là chiếc “mobile home” trên vài mẫu đất, trước kia là một nông trại bé tí
teo, có hàng rào kẽm gai chung quanh để trại chủ nuôi bò. Từ ngày lập Chùa, Thầy
chỉ nuôi một con chó nhỏ để làm bạn và mấy con gà trống, thả chạy tự do đặng
nghe tiếng gáy cho vui. Sát hàng rào Thầy trồng mấy dây mùng tơi, khổ qua, giàn
bầu và mướp trái xum xuê, bên cạnh đó là mấy luống cải xanh, rau thơm, cà pháo.
Sân trước, Thầy đào chiếc hồ xinh xinh, có hòn non bộ, đầy đủ cảnh “Sơn Thủy
Tùng Đình” với “Ngư Tiều Canh Mục”, trông cũng vui mắt. Trong hồ có cá vàng bơi
lội tung tăng, vài con rùa thỉnh thoảng lại trồi lên mặt nước ngoe ngoảy. Những
lúc rảnh rỗi, Thầy ra ngồi trên chiếc ghế đá đặt cạnh hồ đọc sách hoặc uống trà,
có khi ngồi thiền nữa. Đúng là khung cảnh nhà quê Việt Nam của kẻ nhàn hạ ẩn
dật. Kể ra cuộc sống cũng tạm đầy đủ, thỉnh thoảng có khách lại thăm, mang cúng
dường vài bao gạo, mấy chai tương đủ cho Thầy dùng cả năm. Phật tử theo Thầy đa
số là bạn bè cũ, hoặc mấy người theo học khóa tu thiền. Thầy cất mấy cốc nhỏ
sau chánh điện làm phòng ngủ cho chính Thầy và cho khách phương xa cần ở lại.
Thỉnh
thoảng Chùa vẫn mở khóa tu thiền, thường kéo dài từ 4 ngày đến 1 tuần. Phật Tử
đến tu tập xúm nhau nấu ăn tập thể, nghe Thầy thuyết pháp và tập thiền, đa số
là những người lớn tuổi, thời giờ rảnh rỗi, muốn tìm về nơi yên tĩnh để được hít
thở không khí trong lành, như một cuộc nghỉ mát hằng năm cho tâm hồn thư giãn. Chùa
ở xa thành phố nên cũng it khách thập phương vãng lai. Thầy là người điềm đạm,
thông thái và vui tính. Ai có điều khó giải quyết trong gia đình cũng lại Chùa
để trút bầu tâm sự và nghe lời Thầy chỉ dẫn. Thầy đã lăn lóc hơn nửa đời người
ngoài đời nên cũng có chút kinh nghiệm về đời sống gia đình. Dạo gần tết, có
người biếu Thầy một chậu mai vàng, Thầy vẫn chưng trong phòng khách cùng với
mấy chậu kiểng bonsai. Bên Mỹ, loại mai rừng năm cánh dài và nhỏ xíu thì rất
nhiều, nhưng Mai Việt Nam thì hiếm, quý lắm, thế mà có người trồng được, hay họ
nhập cảng từ Việt Nam không chừng. Phòng khách, phía sau chánh điện, trên tường
có treo bức tranh thật đẹp, có lẽ Phật Tử vẽ tặng Thầy; Hình một tháp chuông
của ngôi Chùa nào đó, ở góc tháp, chỉ thấy chiếc áo nâu của vị Sư đang nhìn về
phía núi rừng trước mặt, trong buổi chiều tà. Phía dưới hình tháp chuông là bài
kệ “Cáo Tật Thị Chúng” của Thiền Sư Mãn Giác:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai
Bài
kệ này đã được cụ Ngô Tất Tố dịch ra như sau:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Ðừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai
Bài kệ đã được sáng tác hàng ngàn năm
trước từ đời vua Lý Nhân Tông, có lẽ sẽ còn truyền tụng nhiều ngàn năm sau và
mãi mãi. Thiền Sư Mãn Giác đã khéo léo dùng hình ảnh hoa rụng rồi hoa nở để nói
lên kiếp luân hồi của chúng sanh, như thiên nhiên có đi rồi có về, giòng đời
vẫn trôi vô tình.
Một
buổi chiều cuối tuần có người khách từ phương xa đến trao cho Thầy tấm thiệp. Thầy
Năng Tĩnh cầm tấm thiệp, lật qua lật lại xem tỉ mỉ. Tấm thiệp cũ kỹ, bạc màu,
đã sờn rách mấy góc cạnh, không có địa chỉ người gởi nhưng địa chỉ người nhận
đã bị sửa đổi nhiều lần, chứng tỏ nó đã chuyền qua nhiều người trước khi tới
tay Thầy. Thầy lẩm nhẩm đọc tấm thiệp từ Việt Nam gởi tới:” Nội của cháu nhắc
đến Ông luôn, Nội đã mất rồi. Cháu tình cờ đọc được bài viết về Ông trên mạng.
Cháu cám ơn Ông và bạn của Ông đã cứu gia đình cháu, Huế, Mậu Thân.” Thầy nhìn
mãi tấm thiệp như đang nhìn hình ảnh đời Thầy trong dĩ vãng.
Thầy
Năng Tĩnh sinh ra và lớn lên ở Huế. Những gì còn lại trong Thầy chỉ là mấy bài
thơ nhớ Huế, và vài kỷ niệm của cậu “Bé Tư” hoang đàng chơi nhiều hơn học.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
(Đây Thôn Vỹ Dạ, Thơ
Hàn Mặc Tử)
Thời
niên thiếu của Thầy là cả một trời mộng mơ với bao kỷ niệm êm đềm. Mỗi khi trời
se lạnh, rong chơi trên những con đường Thành Nội, ngắm những tà áo trắng học
trò khoác hờ một chiếc áo len đủ màu, ôi dễ thương làm sao! Những buổi trưa hè
cùng đám bạn “Trời đánh” đạp xe ra hồ Tịnh Tâm hay lên đồi Vọng Cảnh hoặc nằm
dưới gốc mấy cây Phượng Vỹ hoa đỏ rực gần cầu Trường Tiền. Huế chỉ còn lờ mờ
trong ký ức đâu đây. Chùa Linh Mụ trang nghiêm soi mình trên giòng sông Hương
thơ mộng, núi Ngự Bình hiền hòa như vòng tay Mẹ dang ra ôm những người con xứ
Huế vào lòng. Còn gì nữa nhỉ, phải rồi, những buổi hẹn hò đi ăn chè Cồn, ăn cơm
Âm Phủ, bún bò Huế ở cái quán sập xệ bên
đường quốc lộ 1, dưới gốc tre già, ngon tuyệt vời và cay xé họng, hay những ngày còn bé bỏng lẽo đẽo theo Mạ
trong chợ Đông Ba. Vâng, chỉ có thế thôi, còn lại là máu và nước mắt. Máu của
đồng đội và nước mắt của những bà mẹ mất con, người vợ mất chồng. Huế là những
tang tóc điêu tàn của Tết Mậu Thân, là ngơ ngác lo âu hoảng loạn của nhũng ngày
cuối cùng thời VNCH.
Đời
người thật ngắn ngủi, mới hôm nào đây, Thầy còn là một chàng trai trẻ “Cậu Tư”
vẫn cắp sách đến trường, rồi bị gọi động viên vào quân ngũ. Cậu mê màu xanh rằn
ri và cuộc sống hào hùng của những “Thủy Thần Mũ Xanh”, thế là tình nguyện gia
nhập TQLC. Trải qua bao nhiêu gian khổ, sống chết trong gang tấc. Những đứa con
yêu xứ Huế đã mấy lần cứu đất Mẹ, để trả một chút ân tình cưu mang. Tết Mậu
Thân, hối hả theo đơn vị từ Saigon về Phú Bài, suốt gần một tháng hành quân
giải tỏa, đổ bao nhiêu xương máu của anh em, bạn bè, đồng đội để giành lại từng
căn nhà, từng con đường, cuối cùng cũng treo được lá cờ vàng trên kỳ đài Huế, lính tráng vỗ vai nhau cười mừng
rỡ. Cha Mẹ ở đó, bà con anh em ở đó, Thầy cô ở đó, ngôi trường thân thương thời
niên thiếu ở đó, bây giờ đã chiếm lại được! Cái giá phải trả quá cao nhưng vẫn
là đáng giá. Đã là trả chữ hiếu thì nghĩ
gì đến giá cả! Đơn vị lúc ra đi đầy đủ quân số, giải tỏa xong chỉ còn lại một
phần ba.
“Mùa
Hè Đỏ Lửa” Cậu Tư theo đoàn quân cấp tốc từ Ái Tử kéo về dàn hàng ngang bờ nam
sông Mỹ Chánh. Bắc quân, với quân số cao gấp mấy lần, đang hùng hổ vượt sông
Bến Hải kéo nhanh về phương nam, Hy vọng sẽ chiếm Huế một lần nữa trong thời
gian rất ngắn, nhưng bị khựng lại ngay bờ sông Mỹ Chánh. Những đứa con yêu đất
Thần Kinh đã dựng một bức tường lửa ngay ở đó đốt rụi đám quân “Sinh Bắc Tử
Nam” điên cuồng, rồi đẩy bật “những con thiêu thân” đó ra khỏi Cổ thành Quảng
Trị. Máu đổ thịt rơi, trên 3.000 chiến hữu đã bỏ mình để đổi lấy sự tự do cho
miền địa đầu giới tuyến. Quảng Trị ơi, quê hương ta đấy!. Quê hương đầy máu lửa
và hận thù, do giặc phương Bắc mang đến. Thời trai tráng đã đi qua mau chóng
sau những chiến trận đẫm máu, Cậu Tư đã trở thành Ông Tư lúc nào không biết.
Tháng
3 năm 75, đám bạn bè của Ông muốn cứu đất Mẹ lần thứ ba, nhưng không còn cơ hội
nữa, thế là “Gãy Súng”, thế là “Tan Hàng”, nhưng không ai còn nhớ những đứa con
thân yêu bị bỏ rơi ở cửa biển Thuận An, ở Non Nước Đà Nẵng. Đồng đội của Ông đã
hy sinh trên những “Pháp Trường Cát” đó. Người ta đã quên đi, nhưng Ông thì
không, bạn bè, anh em còn nằm lại đó, làm sao quên được.
Ông
Tư bị đi tù cải tạo tận miền Bắc, ngày được tha về, vợ Ông đã qua đời. Gia đình
cha mẹ chẳng còn ai. Nhà cửa bị tịch thu, đứa con gái nhỏ vượt biên chẳng ai
biết tin tức ra sao. Nghĩ đến gia đình tan nát, đúng là cảnh “Nước mất nhà tan”
Ông lại ứa nước mắt. Ông tự hỏi từ ngày đi tù cải tạo, vợ con Ông làm sao để
sống? Bao nhiêu cay đắng nhọc nhằn nay mới được dịp tuôn trào như nước vỡ bờ. Ông
theo người bạn, sắm một thùng đồ nghề nho nhỏ để sửa xe đạp, “bản doanh” đặt ở
gốc cây gần ngã tư. Thời điểm đó chương
trình đoàn tụ gia đình (ODP) đang lên cao. Nhờ chút vốn liếng Anh Văn trong
những lần Quân Đội cho tu nghiệp bên Mỹ trước kia, Ông đổi nghề làm Thầy dạy
Tiếng Anh tại tư gia cho những gia đình sắp đi đoàn tụ, học trò của Ông nhiều
quá phải chia bớt cho đám bạn tù khác. May mắn gặp người bạn giới thiệu dạy mấy
lớp tiếng Anh trong một trường tư thục, cũng tạm đủ sống. Lúc nạp đơn theo diện HO đi Mỹ, Ông vẫn còn lưỡng
lự giữa đi và ở lại, cuối cùng Ông quyết chí ra đi để tìm đứa con thất lạc.
Qua
Mỹ, nhờ bạn bè cũ, ra đi từ trước, giúp đỡ kiếm việc và hướng dẫn hội nhập vào
đời sống mới. Việc làm lao động cực nhọc, dù cực mấy cũng không bằng những năm
tù cải tạo. Ông làm việc không nghỉ, những ngày cuối tuần lại đi làm công quả ở
Chùa, để khỏi phải nhớ về dĩ vãng. Ông muốn quên đi, nhưng không làm sao quên
được.
Có
những đêm mệt mỏi đặt lưng xuống giường nhưng mắt vẫn mở thao láo, dĩ vãng lại
ùn ùn kéo về như mây mùa thu. Đôi khi chợt thấy mình còn đang nhọc nhằn trong
trại tù cải tạo, giật mình thức giấc nửa đêm, mồ hôi ướt đẫm áo ngủ, sờ xoạng
trên tấm nệm một lúc mới tin rằng mình đang ở bên Mỹ. Có những lúc thương nhớ
người vợ đã ốm đau trong lúc nước mất nhà tan, chồng tù tội, không thuốc thang,
rồi đột ngột bỏ đi về bên kia thế giới không lời từ giã với Ông, để lại đứa con
gái trẻ dại, không biết nương tựa vào đâu, Ông ngồi khóc một mình trong nỗi cô
đơn nơi xứ lạ quê người. Đứa con vẫn chẳng có tin tức gì.
Thỉnh
thoảng đám bạn già lại tụ họp nhau ôn lại chuyện xưa, vỗ về an ủi nhau, ai còn
ai mất. Ai hiểu được lòng thổn thức nỗi niềm mất nước nhà tan, lưu vong nơi xứ
người?. Những vết thương xưa trong lòng hầu như khó lành, thỉnh thoảng lại vỡ
ra. Hãy quên đi! Hãy quên đi! Hãy quên đi! Giọt nước mắt lưng tròng không gọt
rửa được tủi nhục và lòng thương nhớ anh
em bạn bè, những kẻ kề vai sát cánh, sống chết với mình đã vĩnh viễn nằm lại.
Mỗi
lần nghe bản nhạc:”Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm
qua bằng máu…” Đám bạn bè của Ông cúi đầu mắt đỏ hoe. Ai hiểu được nỗi niềm của
kẻ tha hương muốn đem nắm xương tàn về với quê hương bên đồng đội của mình:
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Ben-Hét, Đắc-Tô
Nơi bạn bè tôi, xây mộng sông hồ
Nguyện trấn giữ dãy Trường Sơn yêu quý.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Bình Giả, Chiến Khu Đ
Cho hồn tôi siêu thoát với lời thề
Thân chiến sĩ, nguyện xin đền nợ nước.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Cái Nước, Đầm Dơi
Đêm U Minh, nghe tiếng thét vang trời
Mừng chiến thắng để dâng về tổ quốc.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
Gói thân tôi ba sọc đỏ màu vàng
Xin liệm kín
với hồn thiêng sông núi.
(Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển. Thơ
Nguyễn Văn Phán)
Một
ngày giúp Sư Cụ dọn dẹp kệ sách trong Chùa, bất ngờ đọc được bài kệ của Thiền
Sư Mãn Giác. Tục truyền rằng bài kệ đó, Thiền Sư đã ban cho các đệ tử trước khi
Ngài viên tịch, để an ủi những người còn thương tiếc Ngài. Ông Tư ngộ ra rằng kiếp nhân sinh là vô thường nên quyết tâm cạo đầu xin quy y
làm đệ tử Phật Môn. Sư Cụ cũng hoan hỷ chấp thuận. Ông Tư nay đã trở thành Thầy
Năng Tĩnh, sớm hôm theo Sư Cụ học đạo và tụng kinh.
*****
Thầy
Năng Tĩnh chợt nhớ ra, tuần lễ đầu tiên về giải tỏa Huế trong trận đánh Mậu
Thân, đơn vị của Thầy đã mất một phần ba quân số chỉ để băng qua một con đường,
tiến vào khu trường học. Hóa ra ngôi trường là khu giam giữ những người dân
chẳng may lọt vào tay lũ Việt Cộng nằm vùng.
Hằng đêm chúng mở ra phiên tòa, buộc những tội vu vơ hay chỉ là tư thù cho
người bị bắt rồi mang đi thủ tiêu. Một số người may mắn được đơn vị Ông cứu
kịp, thoát chết, mặt mày ngơ ngáo, đói khát, trong đó có gia đình người Thầy
giáo biệt phái bạn học cùng trường với Ông. Người bạn đã ôm chặt lấy Ông và
khóc ròng. Nhiều người đã quỳ xuống đất lạy tứ phương như cám ơn những người
lính VNCH và Trời Phật đã cứu họ vừa đúng lúc. Lính tráng chẳng có nhiều đồ ăn
nhưng cũng chia cho đám “tù nhân” thê thảm đó ít cơm sấy ăn đỡ lòng. Đứa bé
viết lời cám ơn gửi tới Ông chắc là cháu của Ông Thầy giáo hay là của một người
nào đó trong đám tù nhân được Ông và đồng đội giải thoát.
Đôi
tay run run, Thầy lau nhẹ hai giọt lệ lăn trên gò má rồi tất tả đi vào chánh
điện lạy Phật, tụng một hồi kinh sám hối. Thầy bước qua góc phải đến trước bàn
thờ Hương Linh.Trên bàn thờ có hình ảnh 5 vị Tướng VNCH tuẫn tiết và thấp
thoáng rất nhiều hình ảnh các cựu chiến binh. Thầy thắp nhang, vái lạy và ngồi
tụng một hồi kinh. Tiếng Thầy sang sảng nhịp đều theo tiếng mõ. Thỉnh thoảng âm
vang tiếng chuông giải thoát trong không gian tĩnh mịch như muốn thức tỉnh những
ai còn đang u mê trong cõi trầm luân.
Nửa
đêm, Thầy chợt tỉnh giấc, trong tay vẫn cầm tấm thiệp, nước mắt còn hoen ố trên
mi. Thầy thì thầm đọc bài kệ của Thiền Sư Mãn Giác:
“Ðừng bảo xuân tàn hoa
rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai”
Đúng
vậy, Chết không phải là hết, Miền Vĩnh Cửu vẫn là
điều mong ước như cành mai còn nở vào độ xuân tàn. “Nhất Chi Mai” tượng trưng
cho niềm hy vọng, chân thiện mỹ. Những sự hy sinh bản thân mình của các vị anh
hùng cho tha nhân giống như những giá trị siêu việt, vẫn trường tồn bất diệt.
Thầy mỉm cười, khoác thêm tấm áo lạnh, đầu chùm chiếc mũ len, lặng lẽ đi ra
phía bờ hồ, con chó con lẽo đẽo theo sau. Thầy châm lửa đốt tấm thiệp, rồi ngồi
tọa thiền đến lúc nghe tiếng gà gáy, con chó vẫn nằm yên dưới chân chủ nó. Thầy
thủng thẳng đứng dậy, đi về hướng chánh điện. Sau một đêm tọa thiền, ánh sáng
ban mai đã xua đuổi hẳn màn đêm tăm tối ra khỏi bàu trời mênh mông và ra khỏi
tâm trí Thầy Năng Tĩnh. Thầy chậm rãi đi về chánh điện để tụng hồi kinh sớm
mai.
Thầy
là người tu hành, những tưởng rằng nương tựa cửa Phật thì sẽ quên mọi sự nhưng
dù sao Thầy cũng chỉ là con người như trăm ngàn con người khác với đủ cả “hỉ nộ
ái ố” … và một tấm lòng từ bi, một trái tim biết xót thương đồng loại!
Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét