Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Ở Đợ

             
    Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Giang

Ở ĐỢ

Thời gian đầu hội nhập


Sau một thời gian ngắn viếng thăm Đan Mạch, chú em tôi  phát biểu: Em cứ tưởng, vì thấy hành động thô bạo của người Viking trong phim ảnh trước đây mà người ta thường dùng nhóm chữ "tiếng Đan Mạch" để chỉ những lời nói chửi thề, thô tục. Té ra không phải rứa, người Đan hiền hòa, bặt thiệp nhưng không hiểu vì sao khi gặp nhau cứ trẽ ra (bày ra, phô ra có ý khoe khoang) "Cu đâu, cu đâu...? Cu đây, cu đây,,,!".

Lời chào hỏi của người Đan :

- Goddav: ........hello , hi (tiếng Anh) . tiếng chào khi gặp nhau bất cứ lúc nào. Phát âm theo âm Việt, nghe tương tợ "cu đâu".

- Goddag :..........good morning hay good afternoon, phát âm :"cu đây".

Vần "g" phát âm như "K" hay "C", nếu nó bắt đầu một từ.

Còn vần "a" thì quá rắc rối, ông thầy cho biết có tám cách phát âm khác nhau, tùy theo nó đi kèm với phụ âm nào trước hay sau nó.
Cách phát âm tiếng Đan hơi rắc rối, không theo một qui luật nào hết. Tiếng Pháp có vần, tiếng Anh có phiên âm quốc tế có thể giúp mình cách đọc. Tiếng Đan viết một đường, đọc một lối.

Lâu đài Egeskov
Click vào hình để xem lớn
(Hình trong bài lấy từ Internet) 

Xấp xỉ năm chục mới bắt đầu học a,b,c...mình có cảm tưởng như được trẻ lại. Vui thay ! Học ít nhiều gì cũng phải hành mà việc cần thiết nhất là "dĩ thực vi tiên". Đi siêu thị mua vật dụng cần thiết hay thực phẩm thường trả bằng những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn. Vì có khi không nghe kịp người bán hàng nói số tiền phải trả. Tiếng Đan giống như tiếng Đức, nói số đơn vị trước số hàng chục. Đưa tờ bạc lớn, được thối lại, chắc ăn, khỏi nói năng gì hết. 

Lần đầu tiên ra quân mà không theo một người đã thông thạo chợ búa, tôi muốn mua tiêu. Không biết tiêu để chỗ nào trong khu vực bán gia vị. Tôi hỏi một nhân viên, tiêu ở đâu. Anh ta trả lời : ở tiệm bán thuốc hút. Tôi ngạc nhiên cãi lại: trong siêu thị, tiêu làm sao lại bán trong tiệm thuốc. 

Người nói có, kẻ nói không, mà không thiệt. Tôi mượn cây bút nguyên tử của anh ta, viết trên bàn tay chữ PEBER. Anh nhân viên siêu thị cười và đọc "pju-ơ". Té ra mình đọc sai làm anh ấy hiểu tiêu ra ống vố (pibe=pipe). Trời đất, pi-bơ rành rành mà đọc pju.ơ !

Công viên Legoland

Nhiều nhóm thuyền nhân có người không biết đọc hay viết tiếng Việt. Họ chỉ cần học năm bảy tiếng Đan cần thiết. Đầu tháng vào ngân hàng lảnh tiền trợ cấp chỉ cần nói "ti hí" (det hele=the whole - "d" phát âm gần như "t"). ý muốn nói có tiền bao nhiêu trong sổ ngân hàng, lãnh hết. Anh nhân viên phát tiền có óc khôi hài, đưa ra 25 xu và tờ giấy cho khách hàng ký nhận. Còn sớm, hôm sau tiền trợ cấp mới được chuyển vào sổ băng.

Lớp tôi, một nhóm gồm 8 người có trình độ học vấn tương đối ngang nhau nên không mấy trở ngại cho mấy ông/bà thầy. Tôi cùng đứa con trai đầu lòng chung một lớp. Nó vào Đại Hoc Khoa Học Sài Gòn từ năm 1974 đến 1982 mà chẳng có mảnh bằng cầm tay. Có ra trường cũng chẳng có việc làm vì lý lịch xấu, chuyển từ khoa này qua khoa khác chỉ cốt giữ cái hộ khẩu ở Sài Gòn đã có từ trước 1975 cho đến khi bị trục xuất khỏi đại học. Điều này có nghĩa là mất hộ khẩu, mất sổ gạo!

Cày bừa với chữ nghĩa ở tuổi 50 mới thấy trí nhớ bắt đầu mòn mỏi. Tôi dùng thường xuyên hai bộ tự điển: Đan-Pháp, Pháp-Đan và Đan-Anh Anh-Đan để hiểu tiếng Đan qua trung gian tự điển Anh-Việt và Pháp-Việt, khi cần. Đọc tin tức hằng ngày trên trang TV-text, khi gặp một chữ mới cần tra tự điển, tôi dùng bút chì chấm một chấm nhỏ phía trước.Và trước một số chữ đôi khi có ba bốn chấm. 

Cách học ngoại ngữ của tôi là cách học tiêu cực. Nhưng ngoài cách đó ra không còn cách nào khác hơn để tranh thủ thời gian. Biết những chữ có vẻ "trí thức", nào là dân chủ, độc tài, nào là đa đảng, độc đảng, nào là tự do, nhân quyền...nhưng đôi khi không biết gọi tên những vật dụng quanh mình.

Lâu đài Kronborg

Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ 20 nơi thành phố tôi ở, nếu nói đến người tị nạn thì chỉ có người Việt Nam. Tại một số trường Đan Mạch đã xuất hiện lác đác những học sinh tóc đen. Vì nhu cầu phổ biến thông tin cho quần chúng về một nhóm người đến từ Viễn Đông xa xôi được gọi là "thuyền nhân", một số chúng tôi đựợc mời đến các trường nói chuyện với học sinh, giáo chức và đôi khi có phụ huynh. 

Nói chuyện mà mỏi tay, đôi khi bí phải dùng body language, hay chêm vài tiếng Anh mình biết. Về sau, tôi có dịp nói chuyện với những hội đoàn, tổ chức quần chúng. Qua đó, tôi nhận thấy ngưới Đan hay nói chung là người Bắc Âu chống Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, chỉ vì bênh vực kẻ yếu. 

Họ không hiểu, hay không am hiểu tường tận khúc mắc của cuộc chiến. Hoặc nói như một giáo sư sử học của đại học Odense: thiên tả là mốt thời thượng của một số trí thức sau đệ nhị thế chiến. Vì vậy mà thông thường câu hỏi được đặt ra là: tại sao người Việt Nam liều mạng bỏ nước ra đi sau ngày thống nhất đất nước?

Tôi ít khi trả lời thẳng câu hỏi mà tùy theo cử tọa mà đặt ra những câu hỏi để tự họ trả lời. Chẳng hạn :


Cầu Oresund

- Đan Mạch có bao nhiêu đảng phái sinh hoạt trong Quốc Hội ? Những câu hỏi kế tiếp dẫn học sinh đến thực trạng là phụ huynh các em đều có tham gia đảng phái trong hai liên minh thay nhau cầm quyền: Khối Đỏ hay Cánh Tả và Khối Xanh hay Cánh Hữu. Tôi cho biết sự khác biệt là ở Việt Nam chỉ có một đảng cầm quyền. Và hiến pháp qui định chỉ đảng ấy lãnh đạo đất nước trên 80 triệu dân.

- Giá như ông hiệu trưởng trường này là thành viên của một đảng trong Liên Minh Cánh Hữu cầm quyền. Khi chính quyền vào tay Cánh Tả, chuyện gì xảy ra cho chính hiệu trưởng và con cái của ông? Học sinh và ông hiệu trưởng cùng trả lời: Chẳng có gì xảy ra. Tôi cho họ biết, sau ngày được gọi là "giải phóng" Miền Nam, tôi bị bắt đi tù sáu năm chỉ vì đã giữ một chúc vụ khiêm nhường trong ngành giáo dục. 

Con cái bị phân biệt đối xử ở học đường cũng như ngoài xã hội. Cụ thể, một đứa con tôi thi đậu vào đại học tại một thành phố khác, nhưng chính quyền địa phương không cho cắt hộc khẩu. Điều này có nghĩa bị giam lỏng một nơi, chỉ vì lý lịch của cha mình.

Vào một buổi nói chuyện với một hội đoàn, người trên bàn chủ tọa và thuyết trình đã nói nhỏ với tôi: có một cử tọa là đảng viên cộng sản. Ý người này chắc muốn nhắc chừng tôi dè dặc trong lời tố cọng. Tôi đặt vấn đề về nội dung tấm biển ngữ được treo khắp nơi trong nước :" Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa". 


Bức tượng Nàng Tiên Cá 

Lý luận ngược lại, không yêu xã hội chủ nghĩa là không  yêu nước. Mà không yêu nước là phản động. Vì vậy mà trong nhà tù cộng sản với mỹ từ "trại cải tạo" (genopdragelse kamp = reeducation camp) có quân nhân, có công chức, có thành viên của những đảng phái không phải đảng Cộng Sản, có người nhà giau. 

Giàu có cũng là trọng tội trong con mắt của chính quyền mới vân vân...và vân vân....Và để kết luận, tôi yêu cầu họ tự tìm lấy câu trả lời cho câu hỏi : Tại sao sau khi đất nước thống nhất, người Việt Nam liều chết ra đi và hiện diện khắp các nước tự do trên thế giới, trong đó có Đan Mạch.

 Vào nghề "ở đợ

Bà thanh tra Đặng Hữu Mô của Sở Học Chánh Nha Trang/Khánh Hòa sang Bỉ đoàn tụ với con, viết thư thăm tôi, trong thư đó có đoạn : "...đọc thư anh mà tôi không cầm được nước mắt. Người ta ra nước ngoài thành ông nọ bà kia, sao ông chef của tôi mà ra nông nổi này? ....." Trong thư trả lời cho bà Mô về câu hỏi đang làm gì. Tôi nói đùa: Giữ Em. Bà Mô nghĩ rằng tôi giúp việc cho một gia đình nào đó có con dại, không ai trông nom khi đi làm nên thuê tôi ở đợ như cách ngày xưa ở Việt Nam mình.

Sau 18 tháng học sinh ngữ theo luật định cho người tị nạn hay di dân hợp pháp, tôi trình bày với ông hiệu trưởng trường sinh ngữ dành cho người tị nạn Andreas Kam, tôi muốn học tiếp tại một trưởng Cao Đẳng hay Đại Học. Tôi học, không phải học cho mình mà cho con cháu của tôi, cho dồng hương của tôi. 

Old Town Aarhus

Họ thấy một ông già còn cặm cụi đi học, như một tấm gương để noi theo. Andreas Kam có tuổi cùng con Giáp với tôi nhưng sau một giáp. Ông ấy biết tôi nguyên là giáo chức nên khi nói chuyện thường gọi tôi là đồng nghiệp. Andreas góp ý. Ở Đan Mạch luôn luôn có cơ hội cho người mọi lứa tuổi muốn trau dồi kiến thức hay nghề nghiệp. 

Khác với Việt Nam mà anh đã cho tôi biết, sinh viên tốt nghiệp một số ngành chuyên môn được chính phủ bổ dụng ngay. Học để có một văn bằng hay nghề nghiệp bất cứ ngành nào, đòi hỏi thời gian tối thiểu bốn năm. 

Học xong, vác đơn đi xin việc, nhiều khi một chống với năm bảy hay mười người, Giá như anh là một trưởng cơ quan hay chủ một hãng xưởng, anh sẽ chọn một người trẻ tuổi năng động hay một ông giả ? Để tôi sắp xếp cho anh học thêm một khóa "overbygning" ba tháng. Chữ "bygning" do động từ bygge= xây dựng (build, construct) mà ra. 

Tôi nghĩ đến một lớp huấn luyện ngắn hạn phụ hồ, phụ cháo gì đây. Thấy sự ngạc nhiên hiện trên nét mặt của tôi, Andreas giải thích, đây là lớp tiếng Đan cao hơn một chút dành cho những người trẻ muốn học tiếp.

Ở đời có khi hay không bằng hên. Trong số thuyền nhân, có vài "thuyền nhân tí hon", những trẻ em được cha mẹ gởi vượt biên theo người thân. Lẽ ra các em ở với gia đình thân nhân sau khi định cư. Nhưng có sự hiểu lầm, bên Việt Nam tưởng rằng thân nhân ở Đan Mạch nuôi các em vì có lợi về tiền bạc. Sự hiểu lầm này dẫn đến việc thân nhân ở Đan Mạch không muốn làm giám hộ và bảo trợ cho các em. 

Hội Đồng Tị Nạn giải quyết bằng cách tìm gia đình người Đan bảo trợ. Ở một đôi năm trong gia đình người Đan các em thành lạc lỏng. Đan chưa thành Đan mà Việt thì mất dần gốc Việt. Gia đình gởi thư cho các em qua địa chỉ Hội Đồng Tị Nạn. 


Vườn Tivoli

Văn phòng Hội Đồng cử thông dịch đưa thư đến nhà đọc cho các em nghe. Rồi chính người thông dịch lấy ý kiến các em để trả cho gia đình. Khi ra đi có em còn nhỏ, chút ít vốn liếng Việt ngữ bỏ dọc đường dọc sá hết rồi. Gia đình ở Việt Nam rất băn khoăn không rõ hoàn cảnh của con mình ở Đan Mạch ra sao nên rất lo.

Đầu tháng tư năm 1985, ông chủ tịch Hội Đồng Tị Nạn gọi điện thoại  mời tôi đến gặp, cho biết có ba trẻ em không có thân nhân (unaccompanied children) mới đến từ trại tị nạn. Hội Đồng Tị Nạn sẽ bàn với chính quyền địa phương về dự án thành lập một Nhà Việt Nam (Vietnamesisk Hus=Vienamese House) cho 5 em nhỏ. Ba đứa mới đến và hai đứa đang ở nhà người Đan. Ông hỏi tôi có muốn làm việc với dự án này không. 

Mừng quá đi chớ ! Mới ngoài 50, chẳng lẽ ăn trợ cấp xã hội suốt đời, kiếm đâu ra một việc làm với khả năng ngôn ngữ còn hạn chế, tôi tán thành ngay. Không đầy một tháng sau, dự án thành hình và bắt đầu hoạt động vào ngày 1-5-1985 với một đội ngũ nhân viên 5 người rưỡi, 5 người toàn thì và một người bán thì, hai người Việt và ba người rưởi Đan. Tôi bắt đầu vào nghề Giữ Em hay Ở Đợ từ đó.

Mục đích của Nhà Việt Nam là tạo cho các em một không khí gia đình. Nhân viên đóng vai làm cha lam mẹ, hướng dẫn các em  mọi sinh hoạt gia đình cũng như việc học hành. Phương thức này sẽ tạo  điều kiện thuận lợi cho các em hội nhập qua hướng dẫn của nhân viên người Đan, đồng thời các em giữ được bản sắc, gốc rể của mình qua các nhà giáo Việt Nam.

Điều đáng ngạc nhiên với riêng tôi là sau cuộc phỏng vấn, họ báo ngay tôi được tuyển dụng. Đồng thời họ cho tôi biết, một cơ quan phải có người làm trưởng. Đây cũng là cơ quan nhưng quá nhỏ, nên nhân viên được tuyển dụng theo diện pædagog (pedagogy), riêng tôi được tuyển primair pædagog (primary pedagogy). 


Cung điện Amalienborg

Những người Đan nằm trong nghiệp đoàn liên hệ, hai người Việt nằm trong nghiệp đoàn cố vấn xã hội. Tuy làm việc như tất cả các nhân viên khác, tôi còn có trách nhiệm quản lý ngân khoản hàng năm của Nhà Việt Nam, gồm tiền thuê nhà, điện nước, bảo hiểm, tiền ăn, chi phí văn phòng, du lịch ... Thêm chữ "Primair" đó, tôi có một khoản phụ cấp hơn 200 USD/tháng, cũng trưởng nhưng trưởng nho nhỏ.

Tôi thật sự ái ngại. Những người Đan được đào tạo chuyên ngành chính qui và họ lại là người bản xứ. Hai người Việt chúng tôi được hưởng trường hợp miển trừ, chỉ nộp bản sao bằng Đại Học Sư Phạm với bản dịch. Có trở ngại gì cho việc điều hành dự án 5 năm này không. Để trấn an tôi, họ (trưởng phòng nhân viên thành phố và chủ tịch Hội Đồng Tỵ Nạn) cho biết  đã nghiên cứu hồ sơ những người được tuyển và có lý do để chọn tôi vào nhệm vụ này.

Tâm lý trâu buộc ghét trâu ăn ở đâu cũng có. Sau vài ba năm, một nam nhân viên mới được tuyển dụng thay thế một đồng nghiệp xin thôi việc. Thể thức tuyển người của Đan Mạch rất hay. Thành phố ra cáo thị tuyển người, nhưng cơ quan sử dụng xét đơn và lựa chọn. 

Để thay thế một người, chúng tôi xét 9 đơn xin việc rồi chọn ra ba người để phỏng vấn. Qua phỏng vấn chúng tôi chọn một người rồi cung cấp nhửng dữ kiện cần thiết cho thành phố ra quyết định tuyển dụng.

Một thời gian sau, trong buổi họp hàng tháng, anh đồng nghiệp mới đặt vấn đề. Tại sao trách nhiệm như nhau mà ông Giang lại có thêm một khoản phụ cấp. Bàn qua bàn lại một hồi, họ đi đến một đồng thuận là chia khoản phụ cấp của tôi ra 5 phần rưỡi, mỗi người nhận một phần. Tôi phát biểu, phụ cấp cũng nằm trong tổng số tiền lương, và tôi phải đóng thuế lương bổng. 


Pháo đài Hammershus

Tôi không đồng ý chia lương của mình cho ai. Nếu anh chị em có thắc mắc điều gì thì ghi vào biên bản buổi họp và yêu cầu thành phố giải quyết, chẳng hạn bỏ cái PRIMAIR của tôi. Không PRIMAIR thì không còn phụ cấp, và chúng ta ngang nhau về công việc cũng như về lương bổng. Trưởng phòng nhân viên thành phố yêu cầu Nhà Việt Nam triệu tập một buổi họp.

- Mấy năm nay, ông Giang làm việc có gì sai phạm?

- Không có gì.

- Ai tổng kết chi tiêu hàng tháng để bao cáo cho thành phố hay ký giấy thanh toán những khoản chi cố định?

- Ông Giang.

- Ai tổng kết giờ làm việc sau 19 giờ ngày thường, thứ bảy chủ nhật hay ngày lễ để anh chị em hưởng giờ phụ trội?

- Ông Giang.

Sau đôi ba câu hỏi và trả lời, ông trưởng phòng nhân viên nói, không có một cơ quan, một hội đoàn, một tổ chức nào mà chẳng có người chịu trách nhiệm chung. Nhà Việt Nam mấy năm nay chạy đều, cứ vậy mà tiếp tuc.

Tôi hỏi : cậu làm bao nhiêu lần rồi ? - Mới ăn chứ chưa làm ! Riêng tôi đang khổ sở với món gà kho trứng. Khi mới đến Dan Mạch, còn ở chung tại khu vực tạm trú tôi quan sát được món thịt gà kho trứng. Hai chúng tôi đều ở trong tình trạng gà trống nuôi con tại chỗ, vợ còn ở Việt Nam. Sau một thời gian ở chung, hai đứa con trai chuyển qua thủ đô học đại học. Tôi tự lực cánh sinh. 

Một hôm tôi mua hai con gà giá rẻ, chặt ra từng miếng. Nhớ lại cách làm đã quan sát trước đây, ướp mắm muối tiêu hành với ít bột cà-ri, thêm 10 cái trứng gà luộc, kho một soong lớn. Dự tính kho một lần ăn được nhiều ngày. Ăn lần thứ nhất, lần thứ hai còn ngon, qua ngày thứ ba đã thấy ngán khi ngửi mùi hâm soong gà. Bỏ thì thương mà sương thì nặng, ráng hâm đi hâm lại mà ăn hết soong gà cho khỏi phí của trời, hâm đến nỗi lòng trắng nhăn lại và dai như cao su.

Hai chúng tôi tìm cách học hỏi nấu ăn với các bà nội trợ quen biết và nhờ đó mà trưởng thành dần trong khói lửa! Trù tính 5 năm cho dự án Nhà Việt Nam nhưng hơn bốn năm phải giải thể, vi các em bảo lãnh được gia đình sang đoàn tụ.

Tầu gỗ Frigate Jylland

Sau 8 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp lại có một đợt 12 đứa vừa trẻ em vừa tuổi "teen" không có thân nhân, từ một trại tị nạn ở Thái Lan sang, hai chúng tôi lại được tuyển dụng. Lần này mô thức tổ chức có khác. Tùy theo tuổi tác và liên hệ gia đình, các em được chia thành bốn nhóm. Một nhóm ở với gia đình đôi vợ chồng trẻ có hai con mà người vợ được tuyển dụng. Ba nhóm kia ở trong ba ngôi nhà sinh hoạt giống như Nhà Việt Nam nhưng tầm cỡ nhỏ hơn.

Một ngày nọ, gặp ông thầy cũ tại trường sinh ngữ, vừa bắt tay ông vừa nói : Mừng anh có một việc làm thoải mái. Sống lâu ra lão làng. Tôi không còn trực tiếp làm việc với các em ra đi một mình, lần này làm điều hợp viên cho bốn nhà. Hằng ngày đi quanh thăm viếng, ghi nhận sinh hoạt của mỗi nhà, góp ý kiến với những người có trách nhiệm nếu cẩn ...để cuối tuần báo cáo lại cho cố vấn xã hội của Hội Đồng Tị Nạn.

Ngoài cái nhãn PRIMAIR vẫn giữ, tôi còn được trả tiền xăng nhớt chạy quanh. Vẫn còn trong hạng ngạch Ở ĐỢ, nhưng được thăng lên Ở ĐỢ CẤP CAO!

Nguyễn Đức Giang


1 nhận xét:

  1. Bài viết hay. Cách thức trình bày rất trang nhã. Chúc mừng anh Nhượng.

    Trả lờiXóa