Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Tản Mạn Cali


Đường bay từ San Francisco về VN
Clicl vào hình để xem rõ
(Hình trong bài lấy từ internet)

Sau 5h bay từ sân bay Baltimore, tôi đến Los Angeles vào lúc 3h chiều. Một thứ cảm xúc khó tả trong tôi lúc này. Thứ cảm xúc chưa hề có khi đi qua những tiểu bang của bờ Đông nước Mỹ như New York, Maryland, Virginia, Washington D.C…Từ sân bay xe chạy thẳng đến khu Phước Lộc Thọ, thương xá đầu tiên của người Việt ở Cali. 

Chưa kịp nhìn khung cảnh chung quanh, tôi bồi hồi xúc động khi nhận ra bóng dáng quen thuộc của dì tôi trên lối vào thương xá. Giờ thì tôi hiểu Cali đã chạm vào tôi thứ cảm xúc nào.

“Chiến tranh và nhiều lý do khác nữa đã khiến cho những cuộc trùng phùng gần như là không tưởng”. Dì tôi, người chưa bao giờ về lại Việt Nam kể từ lần ra đi năm 1979 đã nói với tôi như thế. Năm giờ sáng thức dậy trong căn hộ dành cho người già ở thành phố Westminster, nghe tiếng dì lục đục trong bếp, tiếng nước chảy róc rách ngoài sân rồi mùi xôi thơm ngát đến tận chỗ nằm thấy ấm áp chi lạ. 

Ba mươi mấy năm khoảng cách quá dài để bàn tay nắm được bàn tay. Tình thân suy ra cho cùng là thứ không có trở lực nào ngăn cách nổi.


Phước Lộc Thọ Little Saigon

Họ hàng nhà tôi đến Mỹ vào các thập niên 70, 80 và hầu hết sinh sống ở hai thành phố lớn của Cali là Los Angeles và San Jose. An sinh xã hội tốt cho người già và cơ hội được chạm ngưỡng cửa các trường đại học như Berkeley của giới trẻ, tôi cho  là thành tựu quan trọng nhất mà thế hệ đi trước như dì tôi đã phải đánh đổi bằng muôn vàn khó nhọc thậm chí cả mạng sống trong hành trình đến xứ người.

Tôi cũng có dịp đến thăm một người bà con đang điều trị ở bệnh viện Palomar tại thành phố San Diego. Từ trên tầng cao nhất của bệnh viện nhìn xuống là một khung cảnh tuyệt đẹp. Những ngôi nhà xinh xắn nằm nép mình dưới vòm cây xanh, những con đường sạch đẹp uốn cong theo thảm cỏ, triền núi xa xa thì chạy dài không biết đến khi nào mới dứt. 

Trong hành lang mỗi tầng lầu của bệnh viện được trang trí bằng các bức tranh chủ đề khác nhau. Nơi phòng khách, tựa lưng vào ghế sopha khách có thể nghe tiếng dương cầm thánh thót… Cậu tôi, một bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối đang được chăm sóc trong một bệnh viện giống như khách sạn 5 sao nhờ chính sách bảo hiểm y tế mà bất cứ công dân Mỹ lớn tuổi nào cũng được thụ hưởng. 

Thành phố San Diego

Nhìn cậu nằm thiêm thiếp trên giường tôi bỗng dưng nghĩ đến cái chết, ai cũng một lần phải đối diện nhưng với những phương tiện chăm sóc vật chất và tinh thần như thế này thì người ra đi, kẻ ở lại cũng phần nào thanh thản, bớt nhọc nhằn. 

Một người bà con lớn tuổi khác sau cơn đột quị thay vì đến bệnh viện đã được chăm sóc tại nhà và người con trực tiếp chăm sóc được lãnh lương như một y tá. Điều này cũng dễ chạnh lòng vì tôi biết ở Việt Nam có nhiều người đã hy sinh từ vật chất đến tuổi thanh xuân cho người thân mà không được bù đắp một thứ gì.

Một tháng ở Cali tôi đều có mặt trong những buổi tụ họp của đại gia đình bên ngoại. Trong khi thế hệ thứ hai và nhất là thế hệ thứ ba gần như Mỹ hóa thì thế hệ thứ nhất gồm những người như dì tôi, các anh chị em họ trạc tuổi tôi vẫn là những người Việt, thuần Việt dù tất cả đều có quốc tịch Mỹ. Đề tài “ bên nhà” là thứ không bao giờ thiếu trong câu chuyện của các thành viên lớn tuổi này.

Dì tôi có thể kể vanh vách tên những người hàng xóm cũ ông Út, bà Hậu, chú Sáu… dù 50 năm chưa gặp mặt. Bà mợ 90 tuổi thì nhớ không sót một chi tiết ngày mới về làm dâu nhà ngoại. Đám cưới của một đứa cháu, tin một người bà con mới qua đời hay nước lũ dâng cao ở quê bỗng chốc trở thành những đề tài nóng bỏng. Thức ăn thì vẫn là những món không thể thiếu trong bất cứ gia đình Việt nào như bún bò, phở, bánh bèo, bánh xèo, bánh bột lọc, nem nướng...

Lake Tahoe

Nơi Cali xa xôi không gian Việt được tái hiện bằng những tâm hồn Việt. Quê hương đến giờ vẫn nguyên vẹn trong ký ức của những người lớn tuổi, chỉ sợ một mai khi họ không còn nữa, hai từ Việt nam chỉ còn là một khái niệm mơ hồ trong đầu óc của đám con cháu sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. 

Vì thế  các bà, các mẹ mỗi ngày cố gắng một ít hướng đám trẻ về cội nguồn bằng cách thường xuyên trò chuyện bằng tiếng Việt, tạo điều kiện gặp gỡ với bà con mỗi khi lễ lạt, giỗ chạp…

Ở Mỹ đời sống của cha mẹ và con cái sau 18 tuổi hoàn toàn độc lập với nhau. Ba đứa con của cô em họ tôi là một ví dụ điển hình. Hai cô con gái lớn đều tốt nghiệp đại học đang sống và làm việc ở hai thành phố khác nhau. Cậu út thì ở nội trú một trường đại học cách nhà 2h lái xe. Hai, ba tháng cả ba mới về thăm nhà một lần, chủ yếu liên lạc với gia đình qua điện thoại, email. “ Mẹ có khỏe không?  Công việc của con như thế nào? ” Đó là những mẫu đối thoại vui vẻ và lịch sự thường xuyên giữa mấy mẹ con. 

Sự độc lập về kinh tế lẫn lối sống đã biến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thành những người bạn hơn là một gia đình. Với những người hội nhập tốt đời sống Mỹ như cô em tôi thì chuyện đó không có gì đáng nói. Nhưng với những người Việt quen với lối sống có con cháu quây quần bên cạnh là cả một vấn đề. 

Thành phố San Francisco

Trong những appartment dành cho người già hay trong những căn nhà vắng lặng sau khi con cái đi xa, viễn cảnh về những năm tháng cuối đời trơ trọi trong Nursing Home, hay đau đáu về chốn quê xa có bà con chòm xóm luôn là nỗi ám ảnh của không ít người Việt xa xứ.

Cali cũng là nơi tôi gặp lại những người bạn thuở thiếu thời. Chưa bao giờ tôi hình dung sẽ nói, cười với A, B, C…ở một nơi như thế này, mọi cảm xúc cứ rối tung lên. Chúng tôi ngồi ôn chuyện cũ hàng giờ trên cầu tàu Newport Beach, cùng nhau nhìn hải âu bay về cuối trời ở biển Huntington, cười như chưa bao giờ được cười khi tạo dáng với tượng của Marilyn Monroe ở Hollywood…Giữa tôi và các bạn là một mớ bòng bong của quá khứ, có giũ sạch bao nhiêu hệ lụy thì vẫn vướng víu vào nhau. Chỉ có điều là tóc cả bọn không còn xanh nữa và đời sống hiện tại hoàn toàn cách biệt nhau. 

Cùng một lứa tuổi trong khi ở Việt Nam tôi đã về hưu thì ở Mỹ bạn vẫn đi làm, vẫn lái xe phom phom từ thành phố này sang thành phố khác, vẫn xử dụng các thiết bị công nghệ cao rất thành thạo. Bạn là hình mẫu của rất nhiều U 60 trẻ trung, năng động không khó tìm thấy trên đất Mỹ. Nhưng đằng sau sự thành công viên mãn gia đình hạnh phúc, có nhà, có xe, con cháu đuề huề thi thoảng tôi vẫn thấy trong mắt bạn có ánh buồn. “ Một phần đời của mình đã thuộc về nơi mình từ bỏ. 

Thủ đô diện ảnh thế giới

Mình chưa phải là người toàn tâm toàn ý với cái xứ sở đang cưu mang mình. Nhiều lúc mình thấy trống trải làm sao, thèm một buổi café có đủ mặt bạn bè…” M đã bộc bạch với tôi như thế trong một đêm khuya ở Los Angeles. Không giả tạo, không màu mè kiểu  “người giàu cũng khóc”, tôi tin cảm xúc của M là thật. Đêm đó lần đầu tiên tôi thấy trăng Cali. Trăng lạnh.

Cứ như thế tôi đi từ Nam đến Bắc Cali hết nhà người thân này đến nhà người bạn khác. Nhưng Cali đâu chỉ có mỗi tình thân. Nắng, hoa, đường phố, núi đồi…mỗi thứ đều gợi cho tôi những cảm xúc khác nhau. Đôi khi chỉ là một bụi hồng leo trên mái nhà ai đó, lúc là ánh đèn đêm bất chợt ở San Jose, hay tiếng hát bình dị của một ban nhạc đường phố trên Bến Ngư Phủ ( Fisherman’s Wharf)…tất cả đều khiến tôi ngẩn ngơ. 

Tôi chỉ tiếc tháng sáu ngày không dài thêm chút nữa để hiểu Cali nhiều hơn, chứ ngày Cali thì đã biết rất dài. Lake Forest, thành phố đầu tiên tôi ngạc nhiên khi nắng vẫn còn sau 8h tối, vẫn đủ ánh sáng để phản chiếu mặt nước hồ trong xanh. Cũng có hôm 7h tối chúng tôi vẫn còn trên cầu Golden Gate Bridge vịnh San Francisco. Gió thì lạnh, sương mù thì dày đặc nhưng xe vừa qua khỏi dốc cầu, chạy chưa tới freeway 101 đã đi vào vùng nắng ấm. 

Hôm trên đường từ Los Angeles về San Jose, 7h30 tối qua khung cửa kính xe hơi tôi vẫn thấy những cánh đồng nho, những trang trại nuôi gia súc, những giếng dầu bỏ hoang...vàng ươm vì nắng. Và tôi tưởng tượng nhân vật chính trong bộ phim The Wild Wild West thập niên 60, đang cưỡi ngựa tung bụi mịt mờ trên sườn đồi có nắng chiều ngủ quên trước mặt.   

Thành phố San Jose

Nhờ có nắng cộng với khí hậu không quá nóng vào buổi trưa, mát mẻ vào sáng sớm và chiều tối (có hôm nhiệt độ xuống 16, 18 độ C) nên Cali rất thích hợp cho việc trồng hoa và cây ăn trái. Trừ những loại cây đặc sản của Mỹ như mận (plum), cam vàng,  peach…thì khổ qua, bầu, bí, mướp, su su, rau thơm…không hề thiếu trong khu vườn của mỗi gia đình người Việt. 

Nhìn dì tẩn mẩn lặt từng chiếc lá héo của bụi húng quế, đổ từng lon nước vo gạo vào chậu hành lá tôi trộm nghĩ ngoài việc để cải thiện thêm các bữa ăn còn có chút tình hoài hương nào từ bàn tay của người chăm sóc chúng? 

Đến Mỹ tôi rất thích ăn trái cây. Đó là loại thực phẩm an toàn không sợ thuốc trừ sâu, chất bảo quản nhất là những thứ trồng ở vườn nhà. Tôi từng đến những khu vườn mà chủ nhân của chúng bận rộn đi làm không có thì giờ chăm sóc, nhìn những quả plum đỏ chín mọng, những trái cam chín vàng rớt đầy gốc mà tiếc hùi hụi. Quầy trái cây ở các siêu thị cũng là nơi thu hút tôi. Có nhiều loại trái cây rất đắt ở Việt nam nhưng rất rẻ ở Mỹ và ngược lại. 

Tháng sáu Cali đang rộ mùa cherry. Trên kệ của siêu thị Walmart mỗi bịch cherry giá 2 USD/1 POUND. Trong khi đó ở Lion Plaza một trái mít có giá từ 70- 80 USD. Vì thế những loại trái cây đặc sản của Mỹ như nho, táo, cam, cherry, Blueberry, Strawberry, peach,… luôn là chọn lựa hàng đầu của tôi khi bước chân vào các siêu thị ở Cali.

Trái Cherry

Ngoài trái cây, hoa cũng là thứ được thiên nhiên ưu đãi ở Cali. Tôi rất tiếc không đến được Cali mùa xuân, mùa có thứ hoa mà thành phố San Jose ở Cali được mệnh danh  “Thung lũng hoa vàng”. Nhưng với tôi, hoa mùa hè Cali cũng đã quá tuyệt. Trên các freeway hoang vắng, trong các khu vườn không có bờ rào ngăn cách giữa nhà này với nhà kia, tại các điểm du lịch nổi tiếng hay quanh quất đâu đó bên lề đường đều có sự hiện diện của hoa. 

Tôi đã từng choáng ngợp khi lạc giữa một công viên trồng toàn hoa hồng ở Coronado Beach, thành phố San Diego. Một khung cảnh không thể nào đẹp hơn khi sau lưng là các sắc màu rực rỡ cam, đỏ, trắng, hồng, vàng của hoa hồng. Chính giữa là dòng nước xanh biếc lặng lờ trôi. Bên kia bờ là thành phố đẹp như tranh vẽ. Còn Lombard Street ở San Francisco một trong những con đường đẹp nhất thế giới lại có cách trồng hoa rất ấn tượng. Khi tôi đến, nơi đây đang mùa hoa cẩm tú cầu. 

Chưa bao giờ tôi thấy loài hoa này nhiều màu đến thế! Trắng, hồng, xanh, ngọc, tím… Muôn ngàn đóa cẩm tú cầu đua nhau nở trên con dốc uốn lượn theo hình zic zac, hai bên đường trên balcon nhiều căn nhà hoa giấy đỏ rực cũng nở theo. Còn buổi sáng rời Los Angeles, dọc freeway 5 những đám hoa dại màu trắng tím vẫy chào tôi miên man suốt một chặng đường dài.


Vườn hoa Lombard Street

Dù có bàn tay người chăm sóc hay nở hoang dại, hoa vẫn là thứ không thể thiếu trong nét đẹp Cali. Điều làm tôi bất ngờ là các loại hoa như cẩm tú cầu, hoa hồng… thay vì được cắm trong bình hoa ở phòng khách lại được trồng ở công viên, trong những nơi công cộng mà không hề bị một bàn tay nào quấy rầy.

Với một tiểu bang có diện tích lớn thứ ba ở Mỹ như Cali thì một tháng với tôi là quá ngắn. Vô số địa danh chưa biết đến, nơi đi qua đã muốn quay lại. Tuy vậy Cali cũng kịp lưu lại trong tôi những trải nghiệm thú vị mà không phải vùng đất nào cũng có được. Như hôm đến Santana Row (khu shopping nổi tiếng ở San Jose) uống café với cô bạn thời thơ ấu từ trưa đến chiều muộn chẳng muốn về. 


Quả rất khó để chia tay quán café trên con đường đẹp như thế, sao có thể ra về khi trước mặt là một góc phố art đến ngỡ ngàng? Lại có hôm vì mãi tìm các ngôi sao của Audrey Hepburn, Michael Jackson, Elizabeth Taylor…tôi suýt lạc mấy người bạn giữa đại lộ Hollywood đông đúc. Rồi khi xếp hàng chờ đến lượt chụp hình với biểu tượng của giải Oscar lại suýt bị lạc lần nữa khi đứng thừ người ra với ý nghĩ  “Trông người lại ngẫm đến ta”.

Ngay cả lối kiến trúc của trường đại học Stanford ở Cali cũng làm tôi phải suy gẫm. Là trường đại học có diện tích lớn thứ 2 trên thế giới, nơi tổng thống John F. Kennedy từng theo học thì đây là trường đại học hay một cụm lâu đài? Đứng từ xa đã thấy ngôi nhà thờ với các bức phù điêu cổ như ở một thế kỷ xa xôi nào đó,  và càng tới gần càng như thấy lạc vào chốn mê cung. 

Stanford Univercity

Hành lang nối tiếp hành lang với những cửa vòm bằng đá, vườn trường với các pho tượng đen bóng mô phỏng một sự tích xưa. Đối diện với cổng ra vào hình bán nguyệt là cái sân rộng như một quảng trường, thấp thoáng bóng du khách nằm, ngồi bình yên trên bãi cỏ. 

Xe đã rời khỏi bãi đậu một lúc mà chúng tôi vẫn còn loanh quanh trong khuôn viên trường. Từ lúc đến cho lúc ra về tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên, mình đang ở trong rừng hay trong sân trường đại học?   
  
Công viên Disneyland ở Cali lại là một khám phá hấp dẫn khác. So với Disneyland Hong Kong tôi từng đến thì Disneyland Cali rộng lớn hơn rất nhiều. Hàng loạt khách sạn quanh khu vực cũng chỉ nhắm đến mục tiêu là Disneyland. Từ khách sạn tôi ở chỉ mất khoảng 10’ lái xe là đến bãi đậu xe của công viên. Từ đây sẽ có xe chở miễn phí đến cổng chính trong khi ở Hong Kong du khách phải cuốc bộ một quãng đường dài. 

Những ngày này Disneyland Cali đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Cả một thế giới thần tiên như đang mở ra trước mắt của vô số em nhỏ từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Tuy giá vé vào cổng khá cao nhưng với những dịch vụ gần như hoàn hảo ở đây thì điều đó xem ra cũng xứng đáng.

Không chỉ có Disneyland mà nhiều khu vui chơi, các công trình kiến trúc ở Cali đều được xây dựng rất hoành tráng như Japanese Garden SF chẳng hạn. Trước khi vào cổng Garden du khách phải băng qua một nhà hát ngoài trời kiến trúc theo lối Châu Âu rộng mênh mông. 

Ngay cả việc dừng lại chụp hình, ngắm toàn bộ quang cảnh chung quanh nhà hát cũng đã chiếm phân nửa chương trình tham quan. Chùa Hsi Lai Temple ở thành phố Hacienda Heights (Los Angeles) cũng là một ví dụ. 

Tọa lạc trên một sườn núi cao, đứng ở mọi góc độ từ cổng tam quan, chánh điện, những lối đi nhỏ trong vườn chùa đều có thể thấy cảnh núi đồi trùng điệp chung quanh. Giữa không gian bao la như thế nắng tháng 6 gay gắt tôi vẫn cảm thấy lạnh.


Cầu Golden Gate

Một trong những may mắn của tôi khi đến Cali là có nhiều bà con và bạn bè. Hôm thì thong thả ngắm chiều vàng ở Los Angeles với người này, mai lại nhâm nhi ly chè Bamboo sau một ngày rong ruỗi ở San Jose với người khác… điều không thể có được nếu tham gia các tour du lịch theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. 

Đây cũng không là chuyến đi như mọi chuyến đi bình thường khác, vùng đất xa lạ này còn cho tôi cơ hội gặp lại những gương mặt thân quen, những mối thâm tình tưởng đã mất. Với tôi, Cali có lẽ là chuyến đi thú vị và khó quên nhất từ trước đến nay.

Hôm đưa tôi ra phi trường San Francisco về lại Việt Nam. Vân Lucey vừa lái xe vừa rủ rê: “ Mùa đông! mùa đông Cali!” Tôi không dám hứa sẽ quay trở lại vì hơn 20 giờ bay là quãng đường xa diệu vợi. Nhưng khi máy bay cất cánh, khoảng cách giữa Cali- Sài Gòn chỉ còn là một đoạn ngắn trên màn hình trước mặt. 

Thái Bình Dương bỗng chốc thật gần, bên này bờ hay bên kia bờ nơi nào cũng có người thân  tôi ở. Xa hay gần không nhất thiết lệ thuộc vào địa lý mà đôi khi còn bởi tấm lòng. Sực nhớ lời Vân ban nãy tôi dự định khi quá cảnh ở sân bay Incheon sẽ gọi điện cho nhỏ: “Ừ thì mùa đông Cali! Tại sao không?”
                                                                                                        
                                                                                           QUANG ĐẶNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét