Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Tuy Hòa - Tuy An

Nhận lời chị Hoàng Thanh Phước để làm một bài thơ trong dịp mừng khai trương trang Web mới của trường Nguyễn Huệ Phú Yên đã mấy hôm nay, nhưng suy nghĩ mãi mà chưa ra đề tài. Tôi không phải là người dân của Phú Yên, nên càng không thể là học sinh của trường Nguyễn Huệ, mà chỉ là một du khách đã có thời từng ghé thăm thuở xa xưa.

Thời gian đã quá lâu nên nhiều hình ảnh chỉ còn mập mờ trong trí não. Nhưng với tôi, thành phố miền Trung hiền hòa nhỏ bé này đã từng một thời có ít nhiều kỷ niệm, và nhờ những hình ảnh bắt gặp đây đó đã giúp một phần quá khứ của tôi được sống lại.

Năm 1971, anh tôi đang là Trưởng phòng II ngoài Huế thì được bổ nhiệm về làm Quận trưởng của một nơi có tên Tuy An. Một cái tên xa lạ khiến cả gia đình tôi đều lo lắng cho anh vì được biết tình hình an ninh ở nơi đó thời gian này không được yên ổn mấy. Hơn nữa đây là một quận lỵ nhỏ thiếu thốn nhiều phương tiện phòng vệ. Đồn bót và dinh cơ thiếu sự kiên cố, cả những trang bị cần thiết khi cần để chống chọi lại sự tấn công bất ngờ của Cộng Sản cũng đơn sơ.

Dù muốn dù không, với bổn phận của người Sĩ Quan Quân đội anh vẫn phải nhận. Thời gian đó, chồng tôi nhờ quen biết nhiều nên đã cố gắng giúp cho anh thêm những trang bị quân sự để xây dựng nơi phòng thủ cho vững vàng hơn. Và cũng từ đó vợ chồng tôi thường ra thăm anh chị cùng các cháu. Mấy năm sau cũng tại nơi này đứa con gái duy nhất của anh chị tôi ra đời, được đặt tên là Tuy An để đánh dấu thời gian cả gia đình anh chị hòa nhập làm người dân Tuy Hòa.

Tôi chợt nhớ lại lần đầu tiên đặt chân về đây, một cảm giác bỡ ngỡ và xa lạ đến lo âu. Quận Tuy An, cách Thành Phố Tuy Hòa 30 cây số về phía Bắc theo quốc lộ 1A. Quận nằm ven biển tỉnh Phú Yên, phía Bắc giáp Sông Cầu và Đồng Xuân, phía Nam là thành phố Tuy Hòa, phía Tây là huyện Sơn Hòa và phía Đông là Biển Đông.

Tuy gọi là Quận nhưng dân số không nhiều lắm, chỉ có vài chục ngàn dân và đời sống mọi người thời đó cũng không mấy khả quan vì tình hình an ninh không cho phép họ bung rộng mọi họat động làm ăn buôn bán đi xa. Phố xá, nhà cửa đơn giản nghèo nàn, những con đường nhỏ hẹp bụi bậm rất ít bóng cây được trải nhựa đường nhưng đã loang lổ nhiều chỗ. Tôi để ý thấy hình như đa số phương tiện giao thông chỉ là xe đạp hay xe jeep quân đội, chỉ một số ít nhà có xe máy.

Khi màn đêm buông xuống, lèo tèo vài quán xá hay cà phê còn mở cửa, thành phố buồn hiu hắt trong ánh điện mù mờ khiến lòng du khách cũng trùng xuống theo. Mỗi lần về thăm như thế, trong mấy ngày hè nóng nực khi anh tôi bận rộn công vụ, chúng tôi và đàn cháu nhỏ dắt nhau ra bãi biển nhỏ gần đó để chơi đùa với sóng hay ngồi ngắm đàn chim hải âu bay lượn. Tôi thường nằm dài trên cát mịn mà nhớ về bãi biển Nha Trang đầy kỷ niệm… Ngày dài trôi qua rất đơn điệu, chỉ đến cuối tuần mới cùng anh chị đi quanh quẩn ra chợ hoặc thăm phố xá bé tí tẹo đìu hiu chứ cũng không đi đâu xa được.

Nhưng trước đó, trên con đường dài ngồi xe đi đến Tuy An, chúng tôi đã dừng lại một vài nơi có thắng cảnh nức lòng đã khiến tôi say mê quên cả quãng đường khó đi làm mệt mỏi. Chồng tôi chỉ vỏn vẹn được có mấy ngày phép ngắn ngủi mà nơi muốn đi thì quá nhiều. Dự trù là lần này sẽ chỉ tìm đến tham quan nơi nào thuận tiện thôi.

Nhưng hình ảnh và những câu thơ đầy ma lực đã lôi cuốn , bắt chúng tôi phải tận mắt ngắm nhìn những thắng cảnh có một không hai này. Và cũng vì đây là điểm chính mà có lẽ bất cứ khách vãng du nào cũng muốn tìm đến khi đặt chân lên vùng đất xa xôi Phú Yên.

      1/ Núi Nhạn, Sông Đà

Tháp Nhạn

Click vào tất cả hình để xem
(Hình trong bài lấy từ internet)

Vùng đất miền Trung này của quê hương Việt Nam quả thật đã được thiên nhiên ưu đãi vô cùng, với bao nhiêu thắng cảnh tuyệt vời. Mỗi nơi một vẻ. Tôi đã từng mấy lần đến và được ngắm nhìn Sông Hương cùng Núi Ngự ở Huế, có viếng cảnh chùa Thiên Mụ và cảm nhận được vẻ cổ kính trang nghiêm đến lặng người. Không biết có phải tạo hóa có ý sẵn khi luôn đặt vị trí núi thường đi đôi với sông. Chúng ta hay nghe có câu nói ghép “Sông Núi” có lẽ là do vậy? Và chắc người ta cũng đã dụng tâm khi xây dựng những tháp, những chùa ở kề cận bên sông núi để tạo cho thiên nhiên thêm vẻ hài hòa xinh đẹp.

Lần đầu đứng lặng trước ngọn núi có tên “Nhạn” và con sông “Đà”. Tôi bồi hồi nhìn xa xa ngôi cổ tháp lặng thầm trên đỉnh núi cao. Nét lẻ loi huyền bí như những tháp Chàm ở Phan Rang mà tôi đã từng quen thuộc. Cũng núi cũng sông, cũng thuyền bè ngang dọc, và lòng tôi đang rưng rưng xúc động trước phong cảnh yên bình hòa nhã, tự nghĩ nếu đừng bị chiến tranh tàn phá chắc hẳn còn rất nhiều thắng cảnh tuyệt vời nữa. 

Hình như trong dân gian đã có câu hò :

Ở đâu có núi Nhạn, sông Đà
 Có gành đá Đĩa, có đầm Ô Loan…

Theo tài liệu cho biết, Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hòa. Núi Nhạn còn gọi là “Núi Bảo Tháp” hoặc “Tháp Dinh”. Người ta nói, đứng trên cao nhìn xuống, (có lẽ phải ngồi trên máy bay mới thấy rõ được), toàn thể Núi Nhạn có hình thế xoè ra trông tựa hình con chim nhạn xoè đôi cánh, với phần đầu là chỗ giao nhau giữa Quốc Lộ 1A và sông Chùa. Nơi đây rất thon nhỏ ví như cổ chim, rồi phình to ra như đôi cánh chim ở phần đường Tản Đà. Từ đó ngọn núi này mới được đặt tên là núi Nhạn.

Trên đỉnh Núi Nhạn có Tháp Chàm, còn có tên gọi là Tháp Nhạn được người Chiêm Thành xây dựng vào khoảng thế kỷ 11. Tháp có cấu trúc khối hình chóp vuông cao 25m, gồm tất cả 4 tầng thu nhỏ dần khi lên cao. Tháp được chạm khắc với đường nét tinh xảo. Hầu hết các tháp từ vùng Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết đều tương tự và có kiến trúc độc đáo của người Chăm. Vẻ đẹp thanh thoát nhẹ nhàng có thêm nét cổ kính, như một dấu ấn điểm tô cho thành phố Tuy Hòa một vẻ nên thơ, trữ tình.


Hình ảnh một đêm trăng đầy mộng mị, ngôi cổ tháp sừng sững như thách đố giữa vùng trời mây mờ ảo. Khó có tâm hồn thi nhân nào tránh khỏi lạc vào cõi mơ trước cảnh đẹp mê hồn đầy u uẩn này. Vầng trăng e ấp che mặt trong bóng cây nhưng ánh sáng cũng đủ làm bầu trời tỏa rõ, để một mình ngôi tháp trong bóng nhập nhòa mông lung huyền bí đầy cám dỗ. Tôi chợt nhớ đến đã đọc qua lịch sử đau buồn của người Champa (Chiêm Thành) lâu lắm rồi. 

Nhớ lại những câu hát hồi còn bé đã được nghe và thuộc lõm bõm trong bài “Hận Đồ Bàn”:

 “ Ngồi nhìn trăng xế, sương khói tàn ngập tràn …”
Hay “Rừng hoang vu, vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù…
Ngàn gió ru, muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù…”

Trong bóng đêm, hình như tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng ru hời than thở. Kéo cao cổ áo che bớt gió lạnh, lòng tôi chợt nghe ngậm ngùi thương cảm…

     2/ Cầu Đà Rằng Phú Yên

Bên dưới chân núi là vùng biển Đông mênh mông sóng nước, là dòng Đà Rằng thướt tha êm ả như dải lụa cùng ruộng đồng bao la bát ngát kéo dài đến chân đèo Cả. Thật là một cảnh non nước hữu tình, một bức tranh sinh động. Thấp thoáng vài bóng thuyền thong thả lướt qua như điểm thêm nét độc đáo cho bức tranh thơ thêm đẹp. 

Cầu Đà Rằng là cây cầu dài nhất miền Trung Việt Nam bắc qua sông Ba (sông Đà Rằng), thuộc thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Cầu được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 20, có tổng cộng 21 nhịp với chiều dài 1101 mét (theo tài liệu). Vì cầu chạy song song với đường ray xe lửa với bộ khung thép bảo vệ hình zích zắc cùng với núi Nhạn, sông Ba tạo nên một thắng cảnh độc đáo.

Cầu Đà Rằng 21 nhịp

Cầu được xem là một trong những biểu tượng của Phú Yên, Tuy Hòa. Một bên chân cầu như được giữ chặt bởi ngọn núi xanh biếc hùng vĩ. Đứng trên cầu nhìn bao quát, gió mát lồng lộng khiến lòng cảm thấy vô cùng thanh thản nhẹ nhàng. Càng thêm yêu mến cuộc đời… Nhưng tháng Ba năm 1975, trên phần thượng lưu của con sông hiền hòa xinh đẹp này, nơi mang tên “Sông Ba” nổi tiếng đã đỏ ngầu màu máu của biết bao ngàn người dân vô tội đổ xuống, tạo nên một lịch sử đau thương khó phai mờ trong tâm khảm của toàn dân trên thế giới.

Với những người đã từng chứng kiến hay trải qua, dù đã bốn mươi năm lùi vào trong quá khứ, nhưng chỉ nghĩ đến thôi cũng vẫn còn thấy rùng mình kinh hoàng .

     3/ Bãi Biển Long Thủy – Hòn Chùa

Ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu khởi hành từ thành phố Tuy Hòa về hướng Bắc theo Quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Tuy Hoà - Phú Yên khoảng 10 km là đến bãi biển Long Thủy. Chiếc xe nhà binh dằn xóc đưa chúng tôi đến nơi thì đã gần trưa, mùa hè nơi đây dù gần biển nhưng vẫn nồng hơi nóng. Nhìn bãi cát trắng mịn và làn nước gợn sóng trong veo mát rượi, từng rặng dừa xanh rợp bóng nằm dọc theo bờ biển đang đong đưa nhè nhẹ theo cơn gió hạ.

Tôi thấy lòng lặng đi, vốn dĩ rất yêu thích biển nên mỗi lần nhìn thấy biển là không còn thiết tha nơi chốn nào khác nữa. Tôi lại ước gì được sống ở gần nơi như thế này để mỗi ngày nghe sóng vỗ êm ái rì rào bên tai, chắc có thể quên hết mọi ưu tư phiền não nếu có.

Bầu trời cao trong vắt, thanh thản và biển bao la xanh ngát gọi mời, nắng chiếu trên mặt nước nhấp nháy khuyến khích mọi người hãy rũ bỏ sự nóng nực mệt mỏi đường dài vừa trải qua. Chúng tôi thay quần áo tắm và cùng nhau trầm mình trong dòng nước mát, cơn gió dịu dàng thoảng qua như ru ngủ khách đường xa.


Nghe nói trong lòng biển gần hòn đảo ngoài xa có rất nhiều san hô màu sắc rực rỡ đẹp vô cùng. Và hiển nhiên rất nhiều tôm cá trú ngụ nơi này. Chắc chắn là một nơi đến lý thú cho du khách muốn thưởng thức thức ăn tươi biển cả. Và những người dân hiền hòa hiếu khách nơi đây đã khiến chúng tôi phục lăn mấy món hải sản tươi ngon tuyệt vời như “mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc Bắc” với vài lá tía tô ăn lẫn thật tuyệt vời. Những con hàu bé xíu nhưng khi được bày lên mặt bàn trong tên gọi “Hàu nướng mỡ hành” mới thơm phức béo ngậy làm sao… Rồi cá rô đồng chiên chấm nước mắm ngò rí (tôi chưa có dịp hỏi rõ tên gọi này) thật là mặn mà ngon miệng, ăn mãi không biết no…

Tôi không phải người dân Phú Yên , nhưng chỉ một lần nếm thử đã mê những món ăn dân giả của người dân miền Trung nhỏ bé này từ bao giờ! Trong khi tiếp những món ăn đặc sản, họ còn nói cho chúng tôi biết để tiếc nuối vì vừa qua mất cơ hội thưởng thức một trung tuần tháng Sáu Âm Lịch lý thú, thời gian mà hàng năm vẫn diễn ra lễ hội “Cầu Ngư” với những nghi thức cúng tế trang trọng để cầu an cho dân chài.


Chần chừ mãi cũng đến lúc phải chia tay vì trời đã về chiều. Trước khi rời chân, tôi đứng thẫn thờ trông ra biển nuối tiếc. Xa xa là hòn đảo xanh rì cây cối như tấm thảm nằm giữa mặt nước biển mênh mông. Muốn ra tới đảo phải bơi bằng thuyền, chắc là trên đảo có điều gì kỳ bí hấp dẫn lắm đây, nhưng chúng tôi không đủ thì giờ để ra đảo chơi nên đành đứng ngắm nhìn, trong lòng thắc mắc, sao tên là “Hòn Chùa” mà không hề thấy bóng ngôi chùa nào trên đảo? Hình như dân ca bài chòi Phú Yên có những câu:

“Hòn Chùa mà chẳng có chùa.
Chỉ có chim én bốn mùa lượn quanh.
Em ơi có muốn cùng anh.
Ta bơi thuyền thúng dạo quanh một vòng”.

Thật là lãng mạn đáng yêu làm sao, tôi mang cả những câu hò nên thơ ấy trong giấc ngủ chập chờn trên suốt chặng đường dài trở về, và cho đến mãi mấy mươi năm sau vẫn không quên được.

       4/ Hang Cọp

Ở vùng đất miền Trung khô cằn này còn biết bao thắng cảnh nổi tiếng làm cho chúng tôi tiếc nuối, đã hết hai ngày lang thang và cũng không thể trở về khi lòng còn háo hức. Trên con đường dẫn về Tuy An thăm anh chị, còn nơi này chúng tôi cũng nên ghé qua, dù hơi nguy hiểm. Không chỉ mang nét duyên của thành phố ôm trọn hai ngọn núi, Phú Yên còn mê đắm lòng người ở những đầm nước trong vắt, nhiều bãi biển xinh đẹp bao la, nào ghềnh Đá Đĩa kỳ thú, những địa danh lạ lùng, cùng với những món ăn biển lý tưởng khiến cho du khách khó lòng quên.



Từ thành phố Tuy Hòa trên quốc lộ 1A, đi về phía Bắc khoảng 20 km đến thôn Phước Đồng (xã An Hải, huyện Tuy An) có một khu gềnh đá đẹp tuyệt mang tên là Hang Cọp. Nơi đây quanh năm sóng vỗ rì rào. Từ xa đã nhìn thấy rõ mồn một, hàng trăm tảng đá lớn nhỏ tròn nhẵn nhụi chen chúc nằm chồng lên nhau nhoài ra tận chân sóng. Không ai biết rõ ràng vì sao hang mang tên này, người dân chỉ kể lại là tục truyền có một con cọp đã từ trên núi lạc về chui vào trong hang đá trú ngụ, nhưng mãi vẫn không thấy cọp trở ra.

Người dân An Hải cho rằng cọp đã chết ở trong hang, từ đó đặt tên cho núi đá này là “Hang Cọp”. Toàn bộ chung quanh hang có rất nhiều ngõ ngách ra vào, đây cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài tôm cá đặc sản. Chúng tôi không thể lại gần, vì tình hình an ninh không cho phép. Đành tiếc nuối đi ngay.

     5/ Đầm Ô Loan

Từ Hang Cọp đi xa hơn độ 5 km, chúng tôi đến được Đầm Ô Loan, thuộc địa bàn xã Tuy An. Đây là một địa danh không thể bỏ qua với du khách khi đến Phú Yên. Một vẻ tuyệt đẹp của Đầm là mặt hồ rộng lớn lăn tăn làn sóng gợn dịu dàng, những dải đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt ngọt ngào.


Ngoài vẻ đẹp say lòngngười của đầm, khách còn được thưởng thức những món thủy sản đặc biệt phong phú, nhất là món sò huyết nổi tiếng của Ô Loan. Sò huyết nơi đây có thịt dày, ngon ngọt và đậm đà. Danh tiếng của món này không chỉ dành riêng cho người đất Phú Yên, mà đã được truyền đi xa khiến nhiều du khách từ các tỉnh khi ghé đến cũng đều tìm món sò huyết để thử qua.

Sò huyết đầm Ô Loan to hơn nhiều so với nơi khác, có thường xuyên trong năm và dễ dàng đánh bắt. Một ưu đãi của riêng vùng này. Sò thường có thể chế biến thành nhiều món như nướng mỡ hành, nướng mọi hay đem xào, rang muối ớt, sốt me với rau răm và ăn với cháo. Chỉ nghe thôi đã thấy thèm và mùi thơm ngát đã như quanh quẩn trong gió gọi mời …

     6/ Gềnh Đá Đĩa Tuy An – Phú Yên

Dù rất tiếc vì quá xa xôi nên chưa được đặt chân đến tận nơi để chiêm ngưỡng, nhưng chúng tôi đã tìm hiểu và được biết có rất nhiều thắng cảnh ở quanh Tuy Hòa. Nghe nói Ghềnh Đá Đĩa là một thắng cảnh rất được nhiều du khách yêu thích vì cảnh đẹp và lạ. Thiên nhiên đã tạo ra vạn vật, và thiên nhiên cũng có công làm cho vạn vật có nhiều ý nghĩa cùng sắc màu lộng lẫy mê hoặc lòng người…
Hiện tượng địa chất kỳ lạ đã cho ta liên tưởng đến điều thần thoại, không ai có thể ngờ được bàn tay thiên nhiên lại diệu kỳ đến như thế. Có nhìn thật kỹ mới thấy được công trình của tạo hóa đặc biệt đến dường nào. 

Gềnh Đá Đĩa

Ghềnh đá đĩa nằm cách thành phố Tuy Hòa, Phú Yên hơn 40 km, với màu đen tuyền của nhiều khối đá hình lục giác nằm sát nhau như những chồng đĩa lớn, trông ngộ nghĩnh và độc đáo đến kỳ lạ không tưởng được. 

Những tài liệu cho biết, cách đây hàng triệu năm, những dòng nham thạch nóng chảy gặp nước biển lạnh, sau đó bị đông cứng lại và rạn nứt, tạo thành những cột dựng đứng hoặc xiên xiên. Kết quả của quá trình đó là ghềnh đá đĩa như ngày nay. Nhưng bất ngờ không kém, sự kỳ bí của thiên nhiên chưa giải thích được khi có những thắng cảnh giống nhau lại nằm ở những nơi cách xa qua bao nhiêu đại dương.

      Ghềnh đá đĩa Giant's Causeway, Irelan

Ghềnh đá đĩa Giant's Causeway, Ireland tọa lạc tại vùng County Antrim, bờ biển thuộc khu vực Đông Bắc Ireland, Giant's Causeway. Đây là một khu vực núi đá gồm hàng mấy chục ngàn cột đá bazan khổng lồ, màu đen hình lục giác, hay bát giác nằm xen kẽ, xếp chồng lên nhau như hình tổ ong . Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Giant's Causeway là kết quả của trận phun trào núi lửa cách đây cả 50 - 60 triệu năm trước. Có nơi, chiều cao trung bình của các cột bazan ở Causeway lên đến 100m.

Thoạt nhìn, những tầng đá bazan xem giống như bước chân của người khổng lồ. Và một giai thoại hấp dẫn về một người khổng lồ tên là Fionn Mac Cumhaill được người dân lưu truyền lại. Ông ta đã cất công xếp những cột đá thành con đường đi đến tận Scotland để giao đấu với đối thủ của mình là Benandonner. Giữa đường, Fionn ngủ quên nên Benandonner tới Bắc Ireland để tìm ông. Vợ Fionn thấy đối thủ cao lớn hơn chồng nên nhanh trí lấy chăn quấn quanh người, cải trang cho ông thành đứa trẻ và nói với Benandonner đó là con trai mình. Thấy đứa trẻ khổng lồ đang nằm ngủ, Benandonner chợt nghĩ cha đứa bé chắc hẳn còn to lớn hơn nên vội quay về Scotland. Trên đường về, Benandonner tìm cách làm hỏng con đường để Fionn không thể tìm thấy mình.


Không chỉ có những ghềnh đá đĩa khổng lồ đẹp mắt, Giant's Causeway còn là thiên đường của nhiều loài chim biển quý hiếm như hải âu Fulmar, hải âu Petrel, chim Razorbill… Ngoài ra, nơi đây còn là tụ hợp nhiều loài thực vật lạ như cây hành biển Vernal squill, cỏ đuôi trâu biển và loài hoa phong lan ếch xinh đẹp...
(Tài liệu tham khảo từ các nguồn: Amusing Planet, Wikipedia, Flickr...)

Tuy Hòa Phú Yên có quá nhiều thắng cảnh đặc biệt. Trong thời gian ngắn ngủi, tôi chỉ mới được đến một vài địa danh, tiếc rằng từ đó đến nay không còn cơ hội. Tôi vẫn tiếc nhớ về một vùng miền Trung với địa thế khô cằn nhỏ hẹp nhưng bù lại được thiên nhiên ban cho mặt khác. Hy vọng rằng có dịp thuận tiện được tìm về, để chiêm ngưỡng tất cả cho thỏa lòng khao khát mà qua sách báo không thể nào bằng đến tận nơi được.

Xin cám ơn tất cả núi sông cây cảnh hữu tình, nhất là vùng đất quê hương riêng của bạn bè tôi. Cám ơn những người bạn Phú Yên hiếu khách hiền hòa đã cho tôi được sống lại một thời dĩ vãng đẹp.

Nhã Giang Thu Tâm
 (Tháng 11-2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét