Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Chỉ Là Người Dưng

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy Cô, quý anh chị Đồng Môn và quý Thân Hữu
Truyện ngắn CHỈ LÀ NGƯỜI DƯNG của CHSNH Quang Đặng, tác giả viết nhân ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5).
Trân trọng giới thiệu,
NHHN


Đạn vẫn bay sàn sạt trên đầu. Đám đông tản cư bỗng dồn cục cứng ngắt trên cầu. Một ôm chặt bọc đồ, kiễng chân nhìn dáo dác phía trước tìm chị Hai. Lúc bị lùa trên cầu chị còn đứng sát bên Một. Xung quanh toàn người lạ. Đàn ông, đàn bà, con nít xô đẩy, la hét vẫn không thấy chị Hai. Lui không được, tới cũng không xong. Bên kia sông máy bay bắt đầu bỏ bom. Tuyệt vọng, Một vừa gào vừa khóc gọi chị Hai. Một tiếng nổ lớn sát thành cầu hất tung Một…

Mồ hôi tứa ra ướt đẫm áo. Lần tản cư năm nào xưa lắc sao dạo này xuất hiện dày đặc trong giấc ngủ, cứ chập chờn một lúc là thấy. Nóng không chịu nổi. Ông Một dùng bàn tay trái lành lặn còn lại sau cơn tai biến đẩy chiếc xe lăn ra cửa. Chiếc xe không theo ý ông cứ lật bà, lật bật một lúc sau mới ra được ngoài hành lang. Gió mát lạnh làm ông tỉnh ngủ hẳn. Từ chỗ này ông có thể thấy được một phần tả ngạn sông Ba, có thể nghe tiếng chuông chùa Kim Cang vọng lại từ phía dưới con dốc. Những doi cát trơ trọi giữa lòng sông nhắc ông bây giờ là tháng mấy. Dễ chừng đã tháng 5 ÂL, thường chỉ tháng này sông mới cạn khô như thế. Ông cũng chợt hiểu tại sao lại mơ thấy chị Hai trong những ngày này: mồng 5 tháng 5 ÂL đám giỗ chị Hai.

Chùa Kim Cang (đường Phan Đình Phùng Tuy Hòa)

Ông Một không biết mặt cha mẹ mình. Cả hai đã chết trong trận lụt lớn năm nào. Năm ông hai tuổi, bác Bảy má chị Hai đem ông về nuôi. Tuổi thơ của ông gắn liền với ngôi nhà dưới chân núi, với vị ngọt của chùm chim chim dúi dẻ hái sau cái mả Hời bằng đá, với mấy chú heo con tròn trĩnh làm bằng trái bình bát, với gian bếp đầy bồ hóng treo lủng lẳng cái nồi đồng cơm nguội thỉnh thoảng bị lũ khỉ trên núi mò xuống ăn… Mười tuổi ông đã lon ton theo bác Bảy trai ra thăm ruộng gần chùa Hồ Sơn. Ngày rằm, mồng một đã biết sang hàng xóm xin bông điệp về chưng trên bàn thờ Phật. Ông lớn lên êm đềm cùng mấy anh chị con bác Bảy, người ngoài nhìn vào không phân biệt được ai là con đẻ, ai con nuôi.

Năm ông 13 tuổi chị Hai lấy chồng. Bác gái bảo chị Hai mày làm dâu tận xứ Quảng lạ nước lạ cái, thôi mày theo cho có chị có em nhen Một! Mười ba tuổi, ông chưa lần nào rời khỏi nhà bác Bảy một ngày, xa lắm chỉ tầm Phong Niên, Vườn Tràu là đã xa. Giờ xứ gì mà xa lơ xa lắc. Nóng thì nóng dữ dằn. Lạnh thì cũng lạnh gấp mấy lần trong mình. Ông Một sợ nhất những ngày đông rét mướt kéo dài. Anh Hai đạp xe buôn bán giữa Đà Nẵng và Hội An, ở nhà chỉ có hai chị em. Những đêm mưa rả rích, trùm hai ba cái áo len dày cộm không đủ ấm. Chị Hai nhìn Một, Một nhìn chị Hai nhớ nhà hết xiết:

- Mùa này bác Bảy hay mua tôm đất đổ bánh xèo há chị Hai? Ừ.
- Chưa có năm nào lụt lên tới nhà mình há chị Hai? Ừ.
- Cây chùm ruột em trồng chắc có trái rồi há chị Hai? Ừ.

Hỏi câu nào chị Hai cũng ừ buồn thiu. Một bèn đánh trống lảng:

- Sao bác Bảy đặt em tên Một?
- Tại em có một mình.
- Không lẽ ai một mình cũng tên Một há chị Hai?
- Chị… chị… cũng hổng biết.
- Thôi, mai mốt dìa em hỏi bác Bảy.

Mai mốt của Một dài tới ba năm. Một năm lạnh quá, chị Hai bị sưng phổi nặng. Anh Hai bỏ cả công việc làm ăn dắt chị Hai và Một về quê. Tính ra ba năm ở Đà Nẵng, Một chưa đi hết một vòng chợ Cồn.
   
Về lại quê, ngôi nhà đầu tiên của vợ chồng chị Hai là nơi ông đang ngồi bây giờ. Tờ mờ sáng, hai chị em đã thức dậy đón mua gạo của bạn hàng ở quê ra.  Cuối tháng giêng, chị Hai dặn ông lựa những trái đậu ngự già nhất, lớn nhất phơi khô để dành mồng 5 tháng 5 ÂL gói bánh ú. Khi sông Ba đón những đợt gió hè oi bức đầu tiên, chị Hai lại chỉ cho ông kho cá nục, nhớ ớt bột và cà chua chín băm nhuyễn nhen Một!

Ở nhà mới chưa ấm chỗ. Chị Hai lại thở dài, sắp đánh lớn rồi Một. Hôm Tây càn, từ dưới chợ anh Hai chạy về hối hai chị em gói ghém đồ đạc. Một và vợ chồng chị Hai theo dòng người tản cư chạy về hướng núi Sầm. Đến cầu Cụt thì bị lạc chị Hai, nghe bom nổ ông sợ quá ngất đi. Sau cơn sốt li bì mấy ngày liền, tỉnh dậy thấy chị Hai bên cạnh ông òa khóc. Chị Hai phải vào nhà dân xin từng nắm gạo, nấu cháo loãng đút cho ông. Rồi ông sốt rét, run lẩy bẩy đi không nổi chị Hai năn nỉ mua lại từng viên ký ninh của những người tản cư ông mới khỏi bệnh. Trong cơn hoạn nạn ông mới nghĩ mình có phước, có lẽ do côi cút nên trời mới bù đắp cho bác Bảy nhận nuôi, được chị Hai thương như em ruột.

Chiến tranh qua đi, hai chị em lại về tiếp tục nghề cũ. Ông Một lớn lên bên cạnh chị Hai mà không biết mình chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chị. Chỉ đến khi những người mua gạo quở:

- Một! tánh mày giống y chang chị Hai! Ông lỏn lẻn cười:
- Tui mà giống!

Lắm lúc nghĩ lại, ờ giống thiệt. Cũng cách ăn ở, lối nói chuyện nhỏ nhẹ từ từ, ai cũng tưởng họ là chị em ruột. Ngày ông lấy vợ, chị Hai cho ông ngôi nhà, anh chị dọn xuống dưới phố. Từ đó, chị và ông rẽ hai lối khác nhau.

Ông Một lấy vợ, sinh con, sống cuộc đời bình thường như bao người khác, không giàu cũng chẳng nghèo. Vợ ông buôn bán nhỏ, nương theo con đường huyết mạch Bắc Nam mà sống. Ở bên cạnh dòng sông Ba khô cạn mùa hè, chảy xiết dữ dội mùa đông nhưng cuộc đời ông mỗi ngày qua đều êm ả và phẳng lặng.

Chị Hai thì ngược lại, phúc và họa đuổi sát nhau. Dưới thị xã, vợ chồng chị ngày một giàu có. Nhà chị lúc nào cũng đầy khách. Bạn hàng xa như Sài Gòn, Qui Nhơn, gần như Phú Lâm, Hòa Đa ngày nào cũng ra vào tấp nập. Nhân công trong nhà mấy chục người, chiều 30 tết chị cho chở gạo đến từng nhà. Ai cũng khen chị Hai rộng rãi, chị Hai tốt bụng. Việc làm ăn đang phát triển thì trong một lần chở gạo từ Sài Gòn về, ngang sông Ba mùa nước lũ tàu bị chìm. Anh Hai thoát chết, nhưng tất cả vốn liếng chìm theo tàu. Những lời khen hôm nào trở thành những lời nghi ngại: sao vậy? hay là?

Tết năm đó nhà chị Hai vắng tanh. Khu vườn rộng phía sau không ai chăm sóc, mấy chậu mãn đình hồng nở nửa chừng thì héo. Lá mấy cây mận, cây ngọc lan thi nhau rụng trên lối đi. Cây mai tứ quí nơi góc vườn lác đác vài nụ nhỏ cũng không buồn nở. Chuồng bồ câu trên nóc nhà thì trống huơ trống hoắc sau khi bầy chim bỏ đi. Ông Một xách gạo, thịt heo, bánh trái để trên bếp. Chị Hai đang rửa chén từ ngoài giếng ngoái vô, sao em đem nhiều dữ vậy? Ông muốn trả lời, chị còn cho em cả cuộc đời mà! Tiếng pháo tiễn năm cũ nổ lớn chặn lời ông. Chưa có tết nào ông Một buồn như tết đó.
Sự nghiệp như chiếc xe không phanh, tuột dần và cuối cùng thì lao xuống vực. Sau khi bán căn nhà cuối cùng, chị Hai lại ra đi. Không phải vài năm như năm nảo năm nao mới lấy chồng xứ Quảng, ông Một linh cảm lần này chị chẳng có ngày về. Năm đó chị Hai đã bước sang tuổi 60.
              
Buổi tối hôm chị Hai đi thị xã đang giữa mùa hè. Ánh đèn hột vịt từ những gánh hàng rong ở Ngã năm soi không rõ mặt nhưng ông biết chị Hai đang khóc. Gia sản cả một đời giờ chỉ còn gói trọn trong mấy cái va ly trên chiếc xe tải ọp ẹp. Ông Một đỡ chị lên xe, nghe chị dặn tiếng mất tiếng còn:

- Em hút thuốc ít lại, coi chừng bệnh… nhớ lo cho mấy đứa nhỏ… tới nơi tới chốn.  

Xe nổ máy, chị Hai ngồi lọt thỏm giữa thùng xe mặt quay về hướng thị xã. Ngang qua nhà cũ không biết chị có kịp nghe tiếng rao quen thuộc “ai ăn chè đậu ván” của mùa hè cuối cùng không?

Từ hôm ấy ông Một không dám đi ngang ngôi nhà cũ của chị Hai. Mỗi khi có việc đi qua, ông sợ nhìn lên tấm bảng hiệu đã thay tên chủ khác. Tháng chạp sửa lại giàn đậu ngự ở mé sông ông như nghe câu nói quen thuộc, đậu năm nay to trái hả Một! Thỉnh thoảng gặp mấy người bạn hàng cũ hỏi chị Hai đi đâu, ông buồn không muốn trả lời.Thật ra ông cũng không biết chị đi đâu. Mới đầu nghe nói ở Cần Thơ. Ít lâu sau lại nghe về Châu Đốc. Bẵng đi một thời gian lại có người nói gặp chị ở chợ Mỹ Tho. Mãi đến tám năm sau nhờ một người quen dò la, ông mới biết chỗ ở chính xác của chị.      

Xe đò Sài Gòn - Rạch Giá dừng lại ở ngã ba Lộ Tẻ. Theo địa chỉ trong thư, ông Một bắt xe lôi đi Tân Hiệp, quá trưa thì đến Kênh Ba. Bỏ đường lộ, ông đi bộ dọc theo dòng kênh. Hai bên bờ là một xóm Đạo vắng vẻ thưa thớt dân. Mấy chiếc xuồng chở cây trái, thịt thà, mắm muối thỉnh thoảng cất tiếng rao. Giữa trưa nắng, tiếng ai ầu ơ ru con giọng Nam bộ nghe đến não lòng. Ông Một không bao giờ nghĩ có ngày mình đặt chân tới vùng đất heo hút này, càng không tin chị Hai, người mà cuộc đời tưởng như gắn chặt với cái eo biển miền Trung lại đang ở đây. Đi khoảng ba cây số, ông dừng lại trước một căn nhà lá lụp xụp. Mắt ông chợt hoa lên nhưng không phải vì nắng. Trời ạ! Người đàn bà tóc bạc đang ngồi trước tủ thuốc lá lẻ, vài ba hủ kẹo, mấy xấp bánh tráng dừa là chị Hai? Ánh nắng chiều chiếu xiên qua những lỗ hổng trên mái lá, rọi loang lỗ trên gương mặt quen thuộc đầy nước mắt khi thấy ông.

Đêm đó hai chị em thức đến khuya trò chuyện. Tám năm không gặp mà ông Một tưởng chừng đã 18 năm. Chuyện nắng mưa, chuyện mùa màng, giỗ chạp, những cái tên quen… nói hoài không dứt. Quá nửa đêm, ông Một mệt quá ngủ thiếp đi trên chiếc võng. Ánh đèn dầu leo lét soi bóng chị Hai vẫn ngồi gần đó im lìm trên vách lá.

Trời chưa sáng tỏ, ông Một đã lên chiếc tắc ráng sớm nhất rời Kênh Ba cho kịp chuyến xe Rạch Giá - Sài Gòn đầu tiên. Mãi đến khi chiếc áo bà ba của chị Hai chỉ còn là cái chấm trắng nhỏ trên bờ, ông Một mới sực nhớ đã không hỏi: bến cuối của chị là đây?

Bánh Ú 

Mười năm sau, một ngày đầu tháng 5 ÂL ông Một nhận được một cuộc điện thoại: “ Má con đau nặng, chắc không qua khỏi cậu vô gấp!”. Xe ôm len lỏi giữa phố phường đông đúc, lần này không phải Rạch Giá mà là Sài Gòn. Lòng ông nóng như lửa đốt khi xe bị kẹt cứng ở một ngã tư. Lại một ngã tư, ngã tư nữa… chị Hai! Ráng chờ em! Nhưng không kịp nữa rồi, từ đằng xa cây cờ tang ở đầu hẻm đang cúi đầu. Trên tay ông, xâu bánh ú gói bằng đậu ngự để dành từ tháng giêng rớt xuống đất từng cái một. Chị Hai mất đúng ngày mồng 5 tháng 5 ÂL. Mấy chục cái bánh ú ông đem từ ngoài quê vô để chị Hai cúng mùng 5 giờ chia chục cái trên bàn thờ chị. Đám tang chị Hai lặng lẽ như những năm tháng cuối đời của chị. Nghe đám con chị Hai gọi bằng cậu, ai cũng tưởng người đàn ông quấn khăn tang đi sau quan tài là em ruột chị Hai. Họ đâu biết ông chỉ là người dưng, là người dưng.

Chiều đang xuống dần dưới chân núi. Vệt nắng cuối cùng rút đi để lại ngọn tháp Chàm trơ trọi một màu nâu sẫm. Ông Một không nhớ đã ngồi ngoài này được bao lâu. Gió hiu hiu từ sông Ba thổi đến đến làm ông thiêm thiếp ngủ. Chỉ khi nghe tiếng thằng Phu la lớn, ông mới giật mình tỉnh hẳn. Từ khi con Én thôi chồng ôm con về tá túc ở đây, mỗi chiều sau khi uống say, thằng Phu lại kiếm chuyện đuổi con Én:

- Cút khỏi đây ngay! Chỗ này không có phần của mày.
- Tui cũng là con. Anh có quyền gì đuổi tui.
- Cha bịnh.Tao là con trai lớn, giờ tao là người quyết định mọi thứ trong cái nhà này.              
- Ruột thịt với nhau, hơn nữa đây là nhà của cha má tui có quyền ở. 
- Mày câm đi! Bây giờ căn nhà này là của riêng tao, nghe rõ chưa? Từ rày sắp lên tao với mày chỉ là người dưng, không anh em gì hết.

Nghe đến câu này ông Một lộn xung, muốn hét to: “ tụi bay biết nhà này của ai không? của một người dưng, người thương tao hơn cả ruột thịt, còn tụi bay một lòng mẹ, một lòng cha mà…” nhưng chỉ có những giọt nước mắt bất lực lăn dài trên má. Ông Một không còn nói được hơn một năm nay. Trên cơ thể của ông, chỉ còn hai thứ hoạt động lặc lè là cánh tay trái và một đầu óc nửa mê, nửa tỉnh.

Con Én bỗng rú lên khi bị thằng Phu phang trúng cái ghế. Đến nước này ông Một quên bẵng lời bác sĩ dặn, không được xúc động mạnh. Máu dồn lên mặt, ông cố hết sức dùng bàn tay trái rung mạnh cánh cửa sắt. Cả Phu lẫn Én ngừng cãi, nhìn ra hành lang. Một cơn đau nhói từ tim rồi lan rộng cùng khắp. Cánh tay trái từ từ rơi xuống, đầu ông quẹo sang một bên.              


Núi Nhạn (hình minh họa)

Giờ thì ông Một thấy nhẹ tênh, không còn đau ở bất kỳ chỗ nào. Không nghe tiếng con Én gào lớn: Cha! tỉnh lại đi cha. Ông chỉ thấy chị Hai đi lên từ phía dưới con dốc chùa Kim Cang. Chị không mặc bộ bà ba đen như hôm tản cư mà mặc một cái áo dài trắng. Chị băng qua cầu Chùa, đến ngồi bên ngạch cửa vỗ vai ông: “Một! dậy đi em. Bạn hàng ở Sông Cầu đã vô đầy sân chờ cân gạo”. Ông Một chưa kịp trả lời, chị đã rẽ vào con đường lên núi Nhạn. Rồi loáng một cái chị đã lên gần tới đỉnh, hai tà áo trắng bay chấp chới như hai cánh hạc. Sau lưng chị, ông Một mỉm cười: chị Hai! em đã bắt kịp chị rồi!

 QUANG ĐẶNG                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét